thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những cái ống

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

ETGAR KERET

(1967~)

 

Etgar Keret là một trong những khuôn mặt văn nghệ hàng đầu của Do-thái hôm nay. Là một nhà văn chuyên viết truyện ngắn, truyện bằng tranh, và cũng là một nhà làm phim, anh bắt đầu viết từ năm 1991 và gửi đăng trên một số tạp chí ở Do-thái. Năm 1992, anh xuất bản tập truyện đầu tiên Tzinorot [Những cái ống], và trong thập niên đó anh tung ra nhiều tập truyện khác, với bút pháp độc đáo, nổi tiếng nhanh chóng và gây ảnh hưởng đến nhiều nhà văn cùng thế hệ.
 
Keret đã đoạt nhiều giải thưởng văn chương và điện ảnh, trong đó có Prime Minister's Award for Literature; Ministry of Culture's Cinema Prize; Israel Film Academy Award; giải nhất của Munich International Festival of Film Schools; và giải Camera d'Or tại liên hoan điện ảnh Cannes. Năm 2006, anh được Israel Cultural Excellence Foundation chọn như một nghệ sĩ ngoại hạng.
 
Truyện ngắn “Những cái ống” dưới đây là tác phẩm đầu tay của anh, viết năm 1991.
 

_____________

 

NHỮNG CÁI ỐNG

 

Hồi tôi lên lớp bảy, nhà trường có mời một chuyên gia tâm lý đến để cho chúng tôi trải qua một loạt những cuộc trắc nghiệm khả năng tri giác. Ông ấy đưa ra cho tôi xem hai chục tấm thẻ có hình, lần lượt từng tấm, và hỏi tôi những hình ấy có điều gì sai. Tôi thấy tất cả đều hợp lý, nhưng ông ấy cứ khăng khăng hỏi và đưa cho tôi xem lại tấm hình đầu tiên — tấm hình trong đó có một cậu bé. “Hình này có điều gì sai?” ông ấy hỏi bằng một giọng mệt mỏi. Tôi nói hình này trông có vẻ hợp lý. Ông ấy nổi giận và gằn giọng: “Chứ cậu không thấy thằng nhỏ trong hình không có cái tai nào cả hay sao?” Sự thật là khi tôi xem lại tấm hình ấy, tôi thấy rõ ràng thằng nhỏ không có tai. Nhưng tấm hình ấy vẫn có vẻ hợp lý đối với tôi. Nhà tâm lý ấy đã xếp tôi vào loại “có triệu chứng hỗn loạn tri giác trầm trọng,” và chuyển tôi sang học tại trường dạy nghề thợ mộc. Khi tôi đến đó, người ta mới phát hiện tôi bị dị ứng với bụi cưa, vì thế họ chuyển tôi sang học lớp thợ sắt. Tôi học nghề ấy rất khá, nhưng tôi không thực sự yêu thích nó. Nói đúng ra, tôi không thực sự yêu thích bất cứ thứ gì cả. Khi tôi mãn khoá, tôi bắt đầu làm việc trong một xưởng chế tạo ống sắt. Sếp của tôi là một kỹ sư tốt nghiệp từ một trường cao đẳng kỹ thuật hàng đầu. Một anh chàng thông thái. Nếu bạn đưa cho anh ta tấm hình một thằng bé không có tai hay một thứ gì đại loại như vậy, thì anh ta sẽ chỉ ra ngay tức khắc.

Sau giờ làm việc, tôi ở nán lại trong xưởng và tự làm cho mình những cái ống có hình dạng lạ lùng, ngoằn ngoèo như những con rắn cuộn, và tôi thả những hòn bi chạy xuyên qua chúng. Tôi biết điều này có vẻ ngốc nghếch, và thậm chí tôi cũng chẳng khoái trá gì, nhưng tôi vẫn cứ tiếp tục làm như thế.

Một đêm nọ, tôi làm một cái ống cực kỳ phức tạp, với rất nhiều khúc cuộn và những đoạn cong ngoặc, và khi tôi thả một hòn bi vào đó, nó không chạy ra ở đầu bên kia. Thoạt tiên tôi nghĩ hòn bi bị kẹt ở khúc giữa ống, nhưng sau khi tôi thử bỏ thêm chừng hai chục hòn bi nữa, tôi nhận ra rằng chúng chỉ đơn giản biến mất. Tôi biết mọi chuyện tôi kể ra nghe rất đần độn. Tôi hiểu rằng mọi người đều biết những hòn bi không thể thình lình biến mất đi như thế, nhưng khi tôi thấy những hòn bi chui vào đầu ống bên này và không chui ra từ đầu bên kia, thì tôi cũng chẳng cho đó là điều kỳ lạ. Nó có vẻ như hoàn toàn hợp lý. Thế nên lúc ấy tôi quyết định làm cho mình một cái ống to hơn, với hình dạng giống y như vậy, để tôi chui vào đó cho đến khi tôi biến mất. Khi ý tưởng đó nẩy ra trong đầu tôi, tôi quá sung sướng đến độ tôi bật cười khanh khách. Tôi nghĩ trong cả đời tôi đó là lần đầu tiên tôi cười.

Từ hôm đó trở đi, tôi loay hoay với cái ống to kềnh của tôi. Đêm nào tôi cũng hì hục làm, và đến sáng thì tôi giấu các đoạn ống vào trong kho chứa đồ. Mất hai mươi ngày tôi mới làm xong. Đêm cuối cùng, tôi mất năm tiếng đồng hồ để ráp các thứ đâu vào đấy, và nó chiếm gần nửa khoảng nền nhà của xưởng.

Khi tôi thấy nó đã thành một khối liền lạc, sẵn sàng để tôi chui vào, thì tôi nhớ lại ông thầy dạy môn xã hội học của tôi có một lần đã nói rằng con người đầu tiên dùng một cái chày vồ không phải là người mạnh nhất hay khôn nhất trong bộ lạc của hắn. Lý do chỉ vì những kẻ khác không cần cái chày vồ, nhưng hắn lại cần. Hắn cần cái chày vồ nhiều hơn bất cứ ai khác, để sinh tồn và bổ khuyết cho sự yếu sức của hắn. Tôi không nghĩ có một con người nào khác trên toàn thế giới này cần biến mất nhiều hơn tôi, và đó là lý do tại sao chính tôi là kẻ đã phát minh ra cái ống này. Chính tôi. Chứ chẳng phải là anh chàng kỹ sư thông thái, với tấm bằng cao đẳng kỹ thuật, kẻ đang điều khiển cái xưởng ấy.

Tôi bắt đầu chui vào trong cái ống, không biết phải mong đợi điều gì ở đầu bên kia. Có lẽ trong đó có những thằng nhỏ không có tai đang ngồi trên những đống bi. Có thể lắm chứ. Tôi không biết chính xác điều gì đã xảy ra sau khi tôi đã bò đến một đoạn nào đó trong ống. Tôi chỉ biết bây giờ tôi đang ở đây.

Tôi nghĩ bây giờ tôi là một thiên thần. Tôi muốn nói là tôi đã có đôi cánh, và cái vòng này trên đầu tôi, và ở đây có hàng trăm người giống như tôi. Lúc tôi đến đây, họ đang ngồi quanh để chơi với những hòn bi mà trước đó mấy tuần lễ tôi đã thả vào ống.

Trước kia, tôi vẫn luôn luôn nghĩ rằng Thiên Đàng là một nơi chốn dành cho những con người đã sống cả một cuộc đời với điều thiện, nhưng sự thật không phải vậy. Thượng Đế phải từ bi nhân hậu quá mức để có một quyết định như thế. Thiên Đàng chỉ là một nơi chốn dành cho những con người thực sự không thể vui sống trên mặt đất. Ở đây, tôi nghe người ta nói rằng những người tự tử thì được tái sinh để sống lại cuộc đời của họ từ đầu, bởi vì nếu họ không ưa cuộc đời đó lần thứ nhất thì không có nghĩa là họ sẽ không thích nghi với cuộc đời đó lần thứ nhì. Nhưng những kẻ thực sự không thích nghi với thế giới thì rốt cuộc tìm đến chỗ này. Mỗi người ở đây đều có cách riêng của mình để tìm đến Thiên Đàng.

Có những viên phi công đã đến đây bằng cách biểu diễn một cú nhào lộn tại một điểm chính xác trên vùng Tam Giác Bermuda. Có những bà nội trợ đã đi xuyên qua phía sau lưng của những tủ chén trong bếp để đến đây, và có những nhà toán học đã phát hiện những chỗ méo mó mang tính địa hình học trong không gian và đã phải len lách xuyên qua những chỗ đó để đến đây. Vì thế, nếu bạn thực sự không vui ở thế gian, và nếu đủ mọi loại người đang nói với bạn rằng bạn có triệu chứng hỗn loạn tri giác trầm trọng, thì bạn hãy tìm cách riêng của mình mà đến đây, và khi bạn đã tìm ra cách, xin bạn vui lòng mang theo vài bộ bài, vì chúng tôi đang khá chán với trò chơi bi.

 

 

---------
Dịch từ bản Anh ngữ: “Pipes”, trong Etgar Keret, The Bus Driver Who Wanted to be God & Other Stories, trans. Miriam Shlesinger et al (LaVergne, Tennessee: Lightning Source Inc, 2004) 119-122.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021