thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Mộng của mộng [kỳ XII: "Giấc mộng của Francisco Goya y Lucientes, hoạ sĩ và người có linh thị"]
(Diễm Châu dịch)

 

Đêm ngày một tháng Năm năm 1820, trong lúc cơn điên cách đoạn tới thăm ông, Francisco Goya y Lucientes, họa sĩ và người có linh thị, nằm mộng.

Ông mộng thấy mình ở dưới một cái cây với người yêu thời thanh xuân của ông. Ấy là ở vùng đồng quê khắc khổ miền Aragon, và mặt trời đã lên cao. Người yêu của ông lúc đó ngồi trên một cây đu, và ông ông đang đẩy vào lưng nàng. Nàng mang một chiếc dù nhỏ bằng ren, và nàng cười một tiếng cười ngắn và nóng nảy. Rồi nàng rớt xuống đồng cỏ, và ông cũng rơi theo lăn lộn xuống sườn dốc. Cả hai lăn trên sườn đồi, mãi cho tới khi họ tới một bức tường màu vàng. Họ tựa người vào bức tường và thấy những người lính, có một cây đèn soi sáng, đang bắn người ta. Cây đèn không thích hợp, trong cái cảnh nắng sáng này, nhưng lại soi một ánh xanh mờ cho cảnh tượng. Bọn lính bắn và mọi người ngã xuống đất, phủ lấy những vũng máu do chính máu họ tụ thành. Francisco Goya y Lucientes liền rút cây cọ vẽ vẫn mang ở thắt lưng và ông tiến tới vung cây cọ lên một cách hăm dọa. Bọn lính, như bị phép mầu, biến mất, kinh hãi trước cảnh hiện hình này. Và thay vào chỗ bọn chúng hiện ra một tên khổng lồ ghê rợn đang nhai nuốt một bắp đùi người ta. Tóc nó thật dơ bẩn và mặt nó xanh mét, hai dòng máu chảy xuống từ hai bên mép nó, đôi mắt nó mờ đục, thế tuy nhiên nó lại cười ra tiếng.

Mi là ai?, Francisco Goya y Lucientes hỏi nó.

Tên khổng lồ chùi miệng mà nói: ta là quái vật chế ngự loài người, Lịch sử là mẹ ta.

Francisco Goya y Lucientes tiến tới một bước và vung cây cọ lên. Tên khổng lồ biến mất và thay vào chỗ nó hiện ra một mụ già. Ấy là một con mụ đanh ác móm mém, da dẻ sần sùi và hai mắt vàng vàng.

Mi là ai?, Francisco Goya y Lucientes hỏi mụ.

Ta là sự tỉnh mộng, mụ già nói, và ta chế ngự thế giới, là vì mỗi giấc mộng của con người đều là một giấc mộng ngắn hạn.

Francisco Goya y Lucientes tiến tới một bước và vung cây cọ lên. Mụ già biến mất và thay vào chỗ mụ hiện ra một con chó. Ấy là một con chó nhỏ bị vùi trong cát, và chỉ có cái đầu nhô ra.

Mi là ai?, Francisco Goya y Lucientes hỏi nó.

Con chó cố hết sức vươn cổ lên mà nói: tôi là con thú tuyệt vọng và tôi đếch cần tới những thứ phiền muộn của nhà anh.

Francisco Goya y Lucientes tiến tới một bước và vung cây cọ lên. Con chó biến mất và thay vào chỗ của nó hiện ra một người đàn ông. Ấy là một ông già mắc chứng phì mập, khuôn mặt nhũn nhẽo và khổ sở.

Ngươi là ai?, Francisco Goya y Lucientes hỏi ông ta.

Người đàn ông nọ mỉm một nụ cười mỏi mệt mà nói: ta là Francisco Goya y Lucientes, anh không thể làm gì chống lại ta được hết.

Đúng lúc ấy Francisco Goya y Lucientes tỉnh dậy và lại thấy mình đơn độc trên giường.

 

(trích Mộng của mộng)

 

----------------------

* Francisco Goya y Lucientes. Saragosse, 1746 – Bordeaux, 1828. Ông sinh ra nghèo khổ và chết nghèo khổ. Ông học vẽ ở Madrid, du lịch ở Ý, viếng thăm La-mã và Venise. Tại triều đình Tây-ban-nha, ông đã được biết tới những đặc ân và sự thất sủng, những thành công về đường tình ái và những muộn phiền chua chát. Ông là «người được che chở» của bà công tước D’Albe, người mà ông đã biến thành bất tử trong một bức tranh. Lâu lâu ông bị điên. Những cơn chướng, vẽ vào năm 1799, đã khiến ông bị đưa ra xử trước Tòa bài trừ tà đạo. Ông thường trình bày những linh thị khủng khiép, những thảm họa chiến tranh và những nỗi bất hạnh của con người. (Chú thích của Antonio Tabucchi trong «Những người nằm mộng trong sách này»)

-------------------------

Đã đăng:

Mộng của mộng [kỳ I: "Giấc mộng của Dédale, kiến trúc sư và phi hành gia"]

Mộng của mộng [kỳ II: "Giấc mộng của Publius Ovidius Naso, thi sĩ và nịnh thần"]

Mộng của mộng [kỳ III: "Giấc mộng của François Villon, thi sĩ và kẻ gian phi"]

Mộng của mộng [kỳ IV: "Giấc mộng của Arthur Rimbaud, thi sĩ và kẻ phiêu lãng"]

Mộng của mộng [kỳ V: "Giấc mộng của Fernando Pessoa, thi sĩ và người giả bộ"]

Mộng của mộng [kỳ VI: "Giấc mộng của Vladimir Maïakovski, thi sĩ và nhà cách mạng"]

Mộng của mộng [kỳ VII: "Giấc mộng của Federico García Lorca, thi sĩ và người chống phát-xít"]

Mộng của mộng [kỳ VIII: "Giấc mộng của Bác sĩ Sigmund Freud, người giải mộng của kẻ khác"]

Mộng của mộng [kỳ IX: "Giấc mộng của Anton Tchekhov, nhà văn và y sĩ"]

Mộng của mộng [kỳ X: "Giấc mộng của Henri de Toulouse-Lautrec, hoạ sĩ và người bất hạnh"]

Mộng của mộng [kỳ XI: "Giấc mộng của Achille Claude Debussy, nhạc sĩ và nhà thẩm mỹ"]

 

 

 

ANTONIO TABUCCHI, nhà văn Ý, sinh tại Pise năm 1943, đã có trên 15 tác phẩm (có một cuốn viết bằng tiếng Bồ-đào-nha), gồm truyện ngắn, tiểu thuyết, nghiên cứu văn học..., còn là người phiên dịch Fernando Pessoa sang tiếng Ý. Hai (hay ba) cuốn phim đã được thực hiện dựa theo các tác phẩm của ông.

Mộng của mộng (1992) được đề tặng con gái ông là Teresa, gồm hai mươi «chuyện kể» mà đa số liên hệ tới các thi sĩ (9), một số tới các nhà văn (5), các họa sĩ (3) và cả một nhạc sĩ, một nhà phân tâm học và một.. «phi hành gia»! Lối văn hài hước nhẹ nhàng thân ái của một người yêu mến các văn nhân, nghệ sĩ mình nói tới, đặc biệt khác với lối viết trong các «truyện ngắn» của chính tác giả. Trong một «Ghi chú» ở đầu sách, Tabucchi viết: «Tôi thường ao ước được biết những giấc mộng của các nghệ sĩ mà tôi yêu. Thật không may, những người mà tôi nói tới trong tập sách này đã không để lại cho chúng ta những đoạn đường đêm hôm của đầu óc họ. Sự cám dỗ bù đắp lại điều ấy thật lớn, bằng cách kêu gọi tới văn chương để thay thế những gì đã mất. Tuy nhiên, tôi biết rằng những mẩu chuyện thay thế này, do một kẻ luyến tiếc những giấc mộng không được biết tới tưởng tượng ra, chỉ là những giả thiết nghèo nàn, những ảo tưởng mờ nhạt, những vật giả không có gì là chắc chắn. Ước chi chúng được đọc như thế và ước chi hồn thiêng của các nhân vật của tôi, lúc này đang mộng từ Phía Bên kia, hãy khoan dung độ lượng với kẻ đại diện tồi tàn cho đám hậu thế của họ. A.T.» Có dịp trao đổi thư từ với Antonio Tabucchi và gặp mặt tác giả trước khi dịch, tôi đã bày tỏ với ông ý định của mình và đã được ông vui vẻ chấp thuận.

Bạn đọc Pháp văn có thể coi thêm Antonio Tabucchi, Rêves de rêves, bản dịch Bernard COMMENT, nhà xuất bản. Christian Bourgois, Paris, 1994.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021