thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ghi âm

 

Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

CLAUDE OLLIER

(1922~)

 
Claude Ollier sinh năm 1922 ở Paris, thuở nhỏ say mê văn chương và âm nhạc, học trung học ở Carnot, đậu tú tài năm 18 tuổi, vào học luật và thương mại ở Ecole des Hautes Etudes Commerciales (HEC) từ 1941 đến 1943, nửa chừng bị động viên, làm việc trong một nhà máy ở Nuremberg, rồi bỏ trốn qua ngả Thụy sĩ, rồi bị bắt, đến 1946 mới học xong HEC, trước khi ra làm việc trong ngành bảo hiểm (1946-1950). Trong thời gian này, ông lui tới các phòng tranh, các buổi hoà nhạc, các buổi họp mặt điện ảnh, và bắt đầu một vài hoạt động xã hội: tham dự Đại hội Thanh niên Dân chủ Thế giới ở Prague, tham gia xây dựng một đường xe lửa ở Bulgarie (1947). Ông bắt đầu viết từ khi còn trong ngành bảo hiểm, với những đoản văn. Sau 5 năm làm việc hành chánh cho nhà nước Maroc trở về Pháp (1955) ông mới thực sự hoàn thành và cho xuất bản cuốn đầu tiên, La Mise en scène (Editions de Minuit, 1958 — một năm sau cuốn La Jalousie của Robbe-Grillet) và đoạt Giải Médicis. Sau một năm làm việc hành chánh trở lại, năm 1959 đánh dấu quyết tâm chuyên vào việc viết lách. Cùng với Fernando Arrabal, Robert Pinget, Italo Calvino... ông được Tổ chức Ford ở Hoa Kỳ mời và dịp này đã dùng xe lửa đi xuyên lục địa trong suốt mùa đông, trước khi đến Mexico và Cuba. Sau hai tiểu thuyết Le Maintien de l’ordre (Gallimard, 1961) và Eté indien (Minuit, 1963), Ollier khởi sự viết một loạt kịch truyền thanh cho Radio-Stuttgart, và cho ORTF / Đài truyền thanh truyền hình Pháp, như La Mort du personnage (1964), L’attentat en direct (1965), Régression (1965) Le Dit de ceux qui parlent (1970)... và từ 1966-1970 được mời tham dự các hoạt động văn hoá và giảng dạy ở Berlin và nhiều vùng khác ở Đức, ở Hammame [Tunisie], Québec [Canada]... Claude Ollier là một người luôn ở thế động: ông ít khi ở yên một chỗ, và hầu hết những tác phẩm ông ra đời đều bắt rễ từ một nơi chốn, một kinh nghiệm: ngoài châu Âu, có thể kể Téhéran, Marrakech, Sahara, Thái-lan, Singapour, Mã-lai, Maroc, Úc-đại-lợi, Tân-tây-lan, Jordanie, Jérusalem, Canada, Ai-cập... là những nơi ông đặt chân tới với nhiều mục đích khác nhau: ghi chép tư liệu, tham gia hội thảo, thuyết trình tại các trường đại học.
 
Các tác phẩm chính sau Été indien (1963) gồm có: L’Echec de NolanNavettes (Gallimard, 1967), La Vie sur Epsilon (Gallimard, 1972; Flammarion, 1988), Jeu d’enfant (nhiều tập, 1972-1975), Marrakech Médine (Flammarion, Giải thưởng France Culture - 1979), Nébules (Flammarion, 1981), Une histoire illisible (Flammarion, 1986), Déconnection (P.O.L, 1988), Feuilleton (Julliard, 1990), Truquage en amont (Flammarion, 1992), Outback ou L’Arrière-monde (P.O.L, 1995), Cité de mémoire (P.O.L, 1996), Aberration (P.O.L, 1997), Missing (P.O.L, 1998), Wanderlust et les Oxycèdres (P.O.L, 2000), Mon Double à Malacca (Flammarion, 1982; P.O.L, 2001), Préhistoire (P.O.L, 2001), Qatastrophe (P.O.L, 2004), Wert et la vie sans fin (P.O.L, 2007)
 
Claude Ollier là một trong những tiểu thuyết gia được coi là viết “khó hiểu” nhất. Khởi đầu, ông viết trong dòng khai phá của nhóm Tiểu thuyết mới ở Pháp, với những nhà văn như Alain Robbe-Grillet, Nathalie Sarraute, Claude Simon, Robert Pinget, Michel Butor, nhưng văn xuôi của ông như một bông hoa nở không biết ngừng, và ngòi bút mạnh dạn của ông cứ thế phát triển qua mỗi cuốn sách ra đời, chối bỏ tất cả những hạn chế của câu chuyện kể, mở hết tốc độ đi vào một khoảng không gian và thời gian tan rã và bất định...
 
Đầu tháng 12, 2009, Nhà xuất bản P.O.L vừa phát hành một lúc hai tác phẩm của ông, được giới thiệu như hai tác phẩm nối tiếp một công trình thể nghiệm những hình thức bán tự sự: Cahier de fleurs et de fracasHors-champs (1990-2000), một loại nhật ký viết văn.
 
“Ghi âm” [“Sonorisation”] là những phân cảnh, là cái nhìn tinh vi và chính xác của một nhà làm điện ảnh, sửa soạn vô tiếng cho một phim, sửa soạn đem âm thanh, đem tiếng nói lại cho một cảnh vật. Đoản văn được viết trong giai đoạn 1963-1965, in trong tập Navettes (1967). Đầu tập sách (gồm những đoản văn được sắp xếp thứ tự thời gian trong suốt mười lăm năm, theo từng giai đoạn rõ rệt), Ollier ghi lại định nghĩa của Littré về chữ navette (con thoi): dụng cụ nơi đó người thợ dệt đặt sợi chỉ dệt khổ ngang để luồn qua hàng chỉ dọc trên khung cửi... Hàng chỉ dọc ở đây phải chăng là những cuốn tiểu thuyết, và tấm vải dệt thành là toàn bộ Fiction của Ollier người thợ dệt?

 

___________

 

GHI ÂM

 

Chỉ cần khép nửa chừng đôi mi lại và tin tưởng, như ở trong rạp hát khi ta ngồi quá gần màn ảnh.

 

Như vậy anh có may mắn thấy được lần đầu tiên cánh đồi trên bờ hữu ngạn phía bên kia thung lũng, ở bên kia dãy nhà gạch thẳng hàng màu xám hồng cho đến hôm qua đây hãy còn gần, trên lề đường đối diện — ở bên kia những đống gạch vụn hôm nay, chất đống giữa những mặt tường khắp nơi hãy còn giao nhau thành góc vuông — ở bên kia thung lũng đột nhiên hiện rõ trước mắt, con mắt cho đến ngày hôm qua đây vẫn định vị trí nó phía dưới một cách đầy tin tưởng, hàng ngày vẫn đoán mò, theo bản đồ thành phố có sẵn trong đầu và một vài phối kiểm bên phía đối cảnh khi bên bờ hữu ngạn, gặp may, anh đi dài theo dãy nhà đối xứng màu xám hồng dọc theo con đường bên kia, hôm nay chất đống giữa những mặt tường khắp nơi còn giao nhau thành góc vuông, đàng kia — bây giờ người ta trông thấy chúng từ đây, cũng như bây giờ người ta trông thấy cả thành phố từ ở đây hoặc từ bất cứ đâu.

Mắt vẫn nheo lại, anh hoài công tìm những đường cắt góc nhọn của những mái nhà, những chỗ gặp nhau thật gắt của các đường phố hẹp. Khoảng không gian bị thu hẹp lại một cách lạ thường từ nay hiện ra, trả lại với địa hình thiên nhiên bởi một sự phá huỷ được điều khiển rất hoàn bị (hàng ngàn máy bay đã đổ xuống trong đêm nay những thỏi dài sáu mặt chiếu sáng, một trong những thỏi đó đổ xuống trước mặt anh và lân tinh trong không khí kêu tiếng rè rè đã bốc cháy, anh sẽ đứng yên ở đó, sửng sốt trước cái im lặng ngang mặt đất giữa cả ngàn đốm lửa rơi đốt cháy những xà nhà). Trên khắp khoảng đất trống mà những mái ngói xưa hàng thế kỷ từng lớp chồng chất sắp xếp và phân khu cho con mắt nhìn và cũng mở rộng ra, cũng gia tăng theo cao độ, trên khoảng đó giờ đây chỉ còn là những sườn đồi dốc thoai thoải nhắc lại những đồng cỏ và rừng thưa mà dưới thấp có những con nai đến uống nước ở chỗ sông cạn lưng chừng.

Tuy nhiên, cái làm cho anh để ý dừng lại nhiều nhất không phải là những mặt tiền bị phá huỷ, cũng không phải những nóc nhà sụp đổ, những tầng cao cháy rụi, những cầu thang và những bao lơn đầy hoa hoang tàn, vậy, nghĩa là không phải tác dụng nhãn quan theo chiều thẳng đứng gần như tuyệt đối bị gạt bỏ, mà là tiếng động lắng xuống. Tiếng chuông inh ỏi của những chiếc tàu điện, tiếng chân gõ trên gạch vuông màu và trên đá lát đường, tiếng chuông xe đạp, những tiếng vù vù và những tiếng thì thầm, những âm thanh rồ rồ, những tiếng gọi từ hàng quán này qua hàng quán khác và tiếng la, tiếng cười và tiếng còi huýt, tiếng hát khẽ trên những chỗ trú ẩn — cuộn băng phát âm, vặn một cái, là xoá mất.

Những mặt phẳng trống không trải dài từng bậc xa tắp trước mặt anh, những khoảng rộng nhợt nhạt, mịn như bông tơ, không còn có tuyết — mà ngọn lửa đã xoá đi rồi.

Tuy nhiên, những giọt nước vẫn tí tách, thật gần, trên một tấm da đen hoặc tấm kẽm, rịn ra từ một ống nước bị phá huỷ, ống dẫn nước hở, thùng chứa bị thủng — những giọt nước hợp với nhau thành một dòng chảy xuống đường mương theo đường dốc gắt nhất, quanh co giữa những đống đất sụp. Vẫn theo cùng đường dốc đó, một luồng ánh sáng trăng kéo dài thẳng góc với thung lũng, vạch ra một vùng lờ mờ, bằng phẳng; cuối vùng đó, thật xa, ở phía bên kia những đường nứt và những kẽ hở cuối cùng, ánh trăng dựng thẳng trên cây, bàng hoàng, mù mờ chiếu trên nền mặt sau thật tối: bây giờ là rừng rồi, bị xoá đi trong khoảng cách của các thị trấn nhỏ và những vùng ngoại ô. Chùm tia sáng vừa xoay tròn thì người ta thấy được ngay những tường thành kín bị đổ xuống, và đoạn đường đi tuần, vọng canh; cũng như, xa hơn, là nhà ga với vòm mái của nó, nhà hát lớn, những giếng nước... Trên trục ánh sáng cố định cắt hai bờ song đôi, chỉ có những dãy nhà đổ nát nối tiếp nhau mở rộng, những đống tro đã tàn và những mặt tường cát đoạn.

Chỉ có im lặng, ngoài tiếng tí tách của những giọt nước. Ở khúc quanh con đường, gần kề miệng ống nơi nước đang trào lên, những đường rầy xe điện xoắn thành bó.

Bây giờ, vặn ngược lại, mở đôi mi ra, trong một nháy mắt anh sẽ sắp xếp được lại thứ tự lúc trước và giữ thứ tự đó: tiếng tí tách lớn thêm, chiếc tàu điện đổ ra góc phố, vừa bẻ tay lái vừa kêu nghiến trên đường, chạy nhanh dần, tiếng chuông nó vang dội, inh ỏi, gọi réo liên miên: anh chỉ còn đủ thì giờ tránh đường.

Trên lề phía bên kia mặt đường, những mặt tiền quen thuộc đứng sững nguyên vẹn giữa những con đường lớn khắp nơi còn giao nhau thành góc vuông, cũng như trước mặt cánh đồi bên kia phía hữu ngạn, những mặt tiền đó che khuất khu phố bên kia, và che khuất cả thành phố xưa trong chỗ lõm sâu trên những bờ dốc thoai thoải, đối xứng.

Hàng ngày được định vị trí ở phía dưới, mò mẫm, theo bản đồ có sẵn trong đầu và một vài phối kiểm...

Anh vẫn đến gần, phân vân, vẫn tiến đến tận khúc quanh... Những mái nhà trên nóc và những đường hẻm vẫn có đó, lại một lần nữa giao nhau thành góc nhọn.

Khoảng trống được phân khu, sắp xếp cho con mắt nhìn, gia tăng theo cao độ...

Nhưng đó có phải là trước? Sau?... Những thỏi nhỏ sáu góc chiếu sáng? Tiếng lách tách âm ỉ? Tiếng rào rào của những ngọn pháo bông và lửa cháy? Phải chăng đúng hơn là sau?... Một lớp nhựa đường trải ra thay vào chỗ lát đá. Những tấm đá đen mới chiếu sáng trên các mái nhà. Trên các mặt tiền, những xà nhà lộ ra ngoài được đánh bóng mới tinh, những lan can, những bao lơn...

Hoa... nhân tạo?

Chính những tiếng động cũng lớn lên, những tiếng vù vù rõ hơn, dày dặc hơn, từ ngả tư này đến ngả tư khác thành vô vàn những quỹ đạo, nhanh dần...

 

Chỉ cần khép nửa chừng đôi mi lại và tin tưởng, như ở trong rạp hát khi ta ngồi quá gần màn ảnh. Đây là một phim chiến tranh cũ và anh đang ghi âm cho nó, một cách hết sức say mê, phim hôm nay được chiếu hai mươi bốn hình ảnh: Mabuse mặc hàng kim tuyến của người bán rong vội vã đem nữ trang giả đến những cánh cửa sổ đóng kín trong các đường phố hẹp mời mọc. Nosferatu nóng nảy kéo lê chiếc hòm của mình một cách khó nhọc dưới cửa lớn trong thành phố.

 

 

--------
“Ghi âm” của Claude Ollier từng xuất hiện trong Hoàng Ngọc Biên, Tuyển tập các nhà văn Pháp hiện đại, 328 trang, Nhà xuất bản Trình bầy, Saigon 1969.
 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021