thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Sẵn sàng chiến đấu, nhưng với đôi chút nghi ngại

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc Trâm

 

 

SẴN SÀNG CHIẾN ĐẤU, NHƯNG VỚI ĐÔI CHÚT NGHI NGẠI

 

Tôi mặc một bộ y phục kỳ lạ màu xanh lá cây, đầy những khoá kéo, và được may bằng một loại vải rất bền. Tôi cũng mang bao tay, để tránh bị đứt da hoặc trầy xước. Tôi cầm theo một loại dụng cụ giống như một cây giáo, dài gần bằng cơ thể tôi. Đầu giáo bằng kim loại có ba răng chĩa ở một bên, và một mũi nhọn ở bên kia.

Và trước mặt tôi là đối tượng để tôi tấn công: mảnh vườn của tôi.

Với ngọn giáo trong tay, tôi bắt đầu nhổ những cây dại mọc lẫn lộn với cỏ vườn. Tôi làm việc này một lúc khá lâu, biết rằng những cây dại tôi nhổ lên sẽ chết trong vòng hai ngày.

Bất chợt, tôi tự hỏi: tôi có đang làm một việc đúng đắn không?

Những gì chúng ta gọi là cây dại, thực tế là sự sinh tồn của một loại thực vật đặc thù mà Thiên Nhiên phải mất hàng triệu năm để sáng tạo và phát triển. Hoa của nó đã được thụ phấn nhờ công sức của vô số côn trùng; nó đã được chuyển hoá thành những hạt giống; gió đã gieo rắc nó khắp nơi trên những cánh đồng; và nhờ đó — bởi vì nó không chỉ được trồng ở một nơi, mà ở nhiều nơi — nó có nhiều cơ hội để sống sót cho đến mùa xuân năm sau. Nếu nó chỉ tập trung mọc ở một nơi, nó có nguy cơ bị ăn, bị ngập lụt, bị đốt cháy hoặc bị hạn hán.

Nhưng tất cả những nỗ lực để sống còn ấy lại bị yểu tử vì mũi nhọn của ngọn giáo đã tàn nhẫn bứng nó ra khỏi mặt đất.

Tại sao tôi lại làm điều này?

Có người đã tạo ra khu vườn này. Tôi không biết đó là ai, bởi vì khi tôi mua ngôi nhà, khu vườn đã có sẵn ở đây, hài hoà với khung cảnh núi non và cây cối chung quanh. Kẻ sáng tạo nên khu vườn chắc hẳn đã phải suy nghĩ rất lâu và rất kỹ về việc mình làm, chắc hẳn đã phải cẩn thận trồng cây và thiết kế (ví dụ, có một hàng cây được trồng để che khuất cái chòi nhỏ nơi chứa củi) và chăm sóc qua bao nhiêu mùa đông và mùa xuân. Khi tôi dọn vào ngôi nhà cũ kỹ này — nơi mỗi năm tôi chỉ đến nghỉ ngơi vài tháng — cái sân cỏ đẹp tuyệt vời. Giờ đây, tiếp tục chăm sóc nó hay không là tuỳ ở tôi, mặc dù câu hỏi mang tính triết lý này vẫn còn vương vấn trong ý nghĩ: tôi có nên tôn trọng công trình của kẻ sáng tạo, của người làm vườn ấy, hay là tôi nên chấp nhận cái bản năng sinh tồn mà Thiên Nhiên đã ban cho loại cây này, loại cây mà bây giờ tôi gọi nó là ‘cây dại’?

Tôi tiếp tục đào nhổ những cây tôi không thích rồi xếp chúng vào một đống để đốt. Có lẽ tôi đã mất quá nhiều thời gian để suy nghĩ về những chuyện đáng lẽ không cần phải suy nghĩ, mà cần phải ra tay để làm. Thế nhưng, mỗi động tác được thực hiện bởi một con người thì đều thiêng liêng và mang đầy những hệ quả, và điều đó khiến tôi càng suy nghĩ nhiều hơn về việc tôi đang làm.

Ở một mặt, những cây dại này có quyền lan toả ra khắp nơi. Ở mặt khác, nếu bây giờ tôi không tiêu diệt chúng, thì rốt cuộc chúng sẽ lấn hết cả sân cỏ. Trong Kinh Tân Ước, Jesus có nói về việc tách rời những cây lúa mì ra khỏi những cây đậu tằm.

Nhưng — dù có sự hỗ trợ của Kinh Thánh hay không — tôi vẫn phải đương đầu với một vấn đề cụ thể mà con người luôn luôn phải đương đầu: chúng ta nên can dự vào Thiên Nhiên đến mức độ nào? Có phải sự can dự như thế thì luôn luôn mang ý nghĩa tiêu cực, hay đôi lúc nó cũng mang ý nghĩa tích cực?

Tôi đặt cái vũ khí — cũng được gọi là dụng cụ nhổ cỏ dại — của tôi qua một bên. Mỗi lần bứng gốc có nghĩa là kết liễu một sự sống, là cái chết của một bông hoa có khả năng nở rộ trong mùa xuân — đó là sự ngu xuẩn của con người vốn luôn luôn cố gắng thay đổi phong cảnh chung quanh mình. Tôi cần phải suy nghĩ thêm về vấn đề này, bởi vì bản thân tôi, ngay lúc này, đang nắm giữ cái quyền lực sinh tử trong tay. Cái sân cỏ như đang nói với tôi: “Nếu ông không bảo vệ tôi, cây dại sẽ tàn phá tôi”. Cây dại cũng nói với tôi: “Tôi đã du hành rất xa để đến khu vườn của ông. Tại sao ông lại muốn giết tôi?”

Rốt cuộc, một văn bản Ấn Độ giáo — cuốn Chí Tôn Ca (Bhagavad Gita) — hiện ra trong trí để giúp tôi. Tôi nhớ lại câu trả lời mà Krishna ban cho người chiến binh Arjuna, lúc Arjuna nản lòng trước một cuộc chiến quyết liệt, buông vũ khí và nói rằng việc tham dự một cuộc chiến mà kết cục là cái chết của anh em mình thì không đúng. Krishna bèn nói, đại khái như thế này: “Ngươi thực sự nghĩ rằng ngươi có thể giết được bất cứ ai hay sao? Bàn tay của ngươi là bàn tay của Ta, và định mệnh đã an bài rằng mọi việc ngươi đang làm chắc hẳn sẽ được thực hiện. Không ai giết và không ai chết cả.”

Được cổ vũ bởi hồi ức này, tôi nhặt lại ngọn giáo, tấn công những cây dại mà tôi đã không mời đến khu vườn của tôi, và sáng hôm nay tôi được một bài học: khi có một điều gì bất ưng xuất hiện trong tâm hồn tôi, tôi sẽ xin Thượng Đế ban cho tôi lòng can đảm như thế để tôi nhổ bỏ nó đi không thương tiếc.

 

 

-----------------
Dịch theo bản tiếng Anh của Margaret Jull Costa, “Prepared for Battle but with a Few Doubts”, trong Paulo Coelho, Like the Flowing River: Thoughts and Reflections (Sydney: HarperCollins, 2007), 5-8.
 

 

 

Đã đăng:

Thành Cát Tư Hãn và con chim ưng  (truyện / tuỳ bút) 
... Lần này, ông rút kiếm ra khỏi vỏ, nhặt chiếc cốc và lại hứng nước, một mắt canh chừng dòng nước chảy, còn mắt kia để ý đến con chim ưng. Ngay lúc ông có đủ nước trong cốc và sắp uống, thì con chim ưng lại bay lên và lao về phía ông. Thành Cát Tư Hãn, với một nhát kiếm, đâm thủng qua lồng ngực con chim... [Bản dịch của Hoàng Ngọc Trâm] (...)
 
Câu chuyện của cây bút chì (truyện / tuỳ bút)
Một cậu bé xem bà ngoại viết một lá thư. Được một chốc thì cậu hỏi: “Có phải bà đang viết một câu chuyện về những gì chúng ta đã làm? Có phải câu chuyện này nói về cháu không?” Bà ngoại của cậu bé ngừng tay và nói với đứa cháu: “Thực sự là bà đang viết về cháu đó, nhưng cây bút chì bà đang dùng để viết còn quan trọng hơn những chữ bà viết, cháu à. Bà hy vọng rằng khi cháu lớn lên, cháu sẽ giống như cây bút chì này.” ... [Bản dịch của Hoàng Ngọc Trâm] (...)
 
... Thường thường bạn có thể nhìn thấy một ngọn núi ở đàng xa — đẹp đẽ, lôi cuốn và nhiều thử thách. Tuy nhiên, khi bạn cố gắng để đi đến đó, điều gì sẽ xảy ra? Chung quanh nó sẽ có rất nhiều lối đi; những rừng cây sẽ chắn lối giữa bạn và mục tiêu của bạn; và những gì bạn thấy rõ ràng trên bản đồ sẽ trở nên phức tạp hơn rất nhiều trong thực tế. Vì vậy, bạn phải thử hết những lối đi và những đường mòn, cho đến một ngày nào đó, bạn tìm thấy đỉnh núi mà bạn muốn trèo lên... [Bản dịch của Hoàng Ngọc Trâm] (...)
 
Từ đây trở đi — và suốt hàng trăm năm sau nữa — Vũ Trụ sẽ hỗ trợ những chiến binh ánh sáng và ngăn chặn những kẻ mang định kiến. Năng lực của Quả Đất cần được làm mới lại. Những ý tưởng mới cần không gian. Thân thể và tâm hồn cần những thử thách mới... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021