thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
MỘT CÁCH NÓI KHÁC CỦA NIỀM KHAO KHÁT [chương V-VI]

 

Đã đăng: [chương I-II] - [III-IV]

 

năm.

THÁC TRỜI

 

Mãi thật lâu về sau tôi với nàng vẫn cho đó là những giây phút tiếp cận sự thật. Buổi chiều, lúc dừng chân ở đoạn suối đó, nàng bỗng kêu lên là nước đang từ trên trời đổ xuống. Chẳng phải là thứ cảm hứng thi ca, sự kết hợp thông minh và lỏng lẻo giữa trí tuệ và tưởng tượng. Cũng chẳng phải là loá mắt sau một ngày leo núi rạc người. Rõ ràng lúc bấy giờ em nhìn thấy nước từ trên trời đổ xuống. Mãi về sau nàng vẫn quyết bảo lưu cảm giác mình đã trải qua buổi chiều hôm ấy. Mà đâu phải chỉ mỗi nàng. Khi nghe nàng kêu lên thế, tôi cũng lập tức cảm thấy như nước đang từ trên trời cuồn cuộn chảy xuống cái thác nước ấy. Như vậy là chúng tôi quyết định dừng lại ở đó để cùng nhau nhấm nháp thứ niềm vui có thể coi như niềm hạnh phúc của chuyến đi, bởi thứ cảm giác thăng hoa ấy là dấu hiệu tốt đẹp của cuộc tìm kiếm.

Giống như các chuyến đi trước, lần này cũng là do ngẫu nhiên. Chúng tôi đang ngược về phía thượng nguồn con sông quê nàng thì gặp nhánh phụ lưu ấy. Ngược nhánh phụ lưu thì gặp con suối ấy. Rồi ngược con suối thì nhìn thấy cái thác nước ấy. Và chỗ bắt đầu của dòng suối (cái thác nước ấy là một trong những chỗ bắt đầu của dòng suối) như bất chợt ban tặng cho tôi với nàng thứ cảm thức thần thánh. Cả tôi lẫn nàng lúc bấy giờ đều cảm thấy thứ nước đầu nguồn tìm kiếm bấy lâu như đang lưu chảy trong cơ thể của mình. Có phải tình yêu vĩnh hằng cũng tựa như ta bất chợt rơi vào một giấc mơ đẹp? Nàng hỏi thế có nghĩa là cảm thấy như sắp đạt được lý tưởng đang tìm kiếm. Hay nói cách khác là tựa như ta bất chợt trở thành một thế giới khác. Cách tôi diễn tả về tình yêu vĩnh hằng thì mang tính tư biện. Và nàng thì dường như đang đắm đuối nhìn vào cái thế giới tư biện ấy.

Là mưa mùa thu. Tựa như trời đất cố tình giúp tôi với nàng giữ được thứ cảm thức tốt đẹp vừa có được. Mây đen bỗng kéo đến trên vùng trời trên đầu chúng tôi. Và mưa đổ xuống. Núi nhoà vào trong mưa. Cái thác nước bấy giờ tựa dòng suối bạc đang ùa chảy vào trong mưa.

Ngồi ở trong mưa đã trở nên quen thuộc đối với chúng tôi trong các cuộc tìm kiếm sự vĩnh hằng của tình yêu. Đã có áo che mưa (luôn sẵn trong hành trang) để che tôi với nàng. Nhưng để che tôi với nàng và che cả áo che mưa là sự cố kết làm bằng niềm cảm xúc luôn ùa vỡ về phía người mình yêu, có nghĩa, không có áo che mưa, thì dẫu hết thảy trời đất có sập xuống thành cơn mưa cũng chẳng làm gì được chúng tôi. Có lẽ nàng im lặng ngồi trong mưa là để củng cố sự cố kết của tình yêu chúng tôi đã gầy dựng được. Còn tôi thì cứ nghĩ đến cái thác nước như một dấu tích của một cuộc chuyển động nào đó của đất. Vào một ngày nào đó, mờ mịt đối với trí tuệ con người, để tạo riêng dáng vẻ cho mình, đất đã làm một cuộc phiêu lưu có tính cách định mệnh. Bởi sau cuộc phiêu lưu, còn có tên là cuộc trôi dạt (đùn tắc và vỡ nứt, nhập vào và rứt ra...) là cuộc phô bày hình thù của tồn tại. Núi, sông, ghềnh, thác, biển khơi... Những cái tên gọi có vẻ tiền định đã được gắn với những hình thù của tồn tại.

 

sáu.

BÀI HÁT CỦA RONG RÊU

 

Đêm, những hình thù của tồn tại tiếp tục lung lạc trí tưởng tượng của tôi. Tình yêu vĩnh hằng cũng tựa như... Có lẽ đang trải qua cơn mơ đẹp đẽ nào đó, nàng gác tay lên người tôi, nói một cách cầm chừng về tình yêu vĩnh hằng. Nằm nơi bờ suối, trên đầu là vòm trời sao chỉ đủ để tạo nên thứ cảm giác vô tận, rừng đêm thì như còn ôm ấp hơi thở mát lành của cơn mưa đầu mùa thu, phải nói là tôi với nàng đang chiếm giữ những gì sang trọng nhất của trời đất. Tôi đoán chừng là tiếng nước reo phát ra từ cái thác nước đầu nguồn ấy. Trông thì gần vậy, nhưng từ chỗ chúng tôi nghỉ đêm đến thác nước ấy còn rất xa. Tôi nằm nghe tiếng thác reo. Một chặp thì như có ai băng qua rừng đêm làm cho tiếng thác không còn đến được với tôi. Và liền sau đó như có tiếng ai đó đang nói về những cách thức của cuộc tồn sinh.

Trên đường tiến tới sự hoàn tất của một sinh linh thì lũ các người đã không thành con chồn, con mang trên núi...

Tôi hỏi đó là ai lại nói ra được những chuyện to tát như thế.

Một con người đứng thẳng, hay một con giun một con dế, cũng thế thôi, trên đường tiến tới sự hoàn thiện của một sinh vật là cuộc dong ruổi lớn nhất trong trời đất.

Rõ ràng là tiếng ai đó rất thân quen, tiếng của một con người trần thế.

... Ta vốn là rong rêu. Chuyện ấy thì có hệ trọng gì đâu. Bởi cũng có thể nói ta vốn không phải rong rêu, mà vốn là đá. Mà vốn là đá, hay vốn là rong rêu, thì có hệ trọng gì đâu. Bởi cũng có thể nói ta vốn không phải đá, cũng không phải rong rêu, mà vốn là tịch nhiên hư ảo, là bất định, là trùng điệp lưỡng hành liên hồi kỳ trận. Nhưng ta vẫn thích người ta bảo ta là rong rêu. Xin chào rong rêu! Nghìn năm, hay triệu triệu năm, thì cũng chỉ là nửa cuộc giang hồ. Áo ai bay giữa màu u uẩn. Trời nghiêng. Biển nghiêng. Cơn giận dữ đâu có bến bờ. Mà cũng chẳng biết ai gây nên giận dữ. Hay vì đâu giận dữ. Và có thật là giận dữ hay không. Cứ ngỡ là khí cốt tiêu ma giữa cuộc ngửa nghiêng. Nhưng không. Vào một ngày, có phần bớt đi u uẩn, nhưng trời biển vẫn cứ ngửa nghiêng, ta bỗng nhận ra có cái gì đó như là sự biến đổi diễn ra ở trong ta. Thì ra, đã có một cuộc hoá sinh xảy ra giữa trời đất. Đám đồng bào của ta lúc bấy giờ gọi ta là con vật ở trong nước. A, là con vật. Chứ không phải là rong rêu. Ta chẳng thấy buồn. Mà cũng chẳng thấy vui. Bởi, là con vật ở trong nước, hay là rong rêu, thì có hệ trọng gì đâu. Ai dọc ngang giữa sóng nước nghìn trùng. Nghìn năm, hay tỉ năm, thì cũng chỉ là nửa cuộc giang hồ. Đồng bào của ta, một lũ phồn tạp, nhiêu khê. Có đứa, cả đời ngậm hến, không nói nửa lời. Có đứa, áo xiêm loè loẹt. Mà áo xiêm loè loẹt cũng chỉ là để đánh lừa đồng loại. Áo xiêm cũng chỉ là những cái bẫy nhử mồi. Tạo hoá trớ trêu bày cuộc ăn nhau. Có ăn nhau, có chết, nhưng vẫn cứ thêm ra. Hình thù thêm ra. Cách ăn, thở, tức cách sống chết, thêm ra. Có đến một nghìn lẻ một hay một tỉ lẻ một kiểu hình hài dọc ngang nơi nghìn trùng sóng nước. Kể từ nay, lũ các ngươi là con vật có xương sống. Vào một hôm có vẻ biển lặng sóng êm, tạo hoá rỉ tai bọn ta. A, kể từ đây có một lũ bọn ta là con vật có xương sống. Với ta, có xương sống hay không thì có hệ trọng gì đâu. Bởi điều cốt tử trong cuộc tồn sinh là có thoát khỏi những cuộc ăn nhau hay không. Và tạo hoá lại tiếp tục rưới xuống những phép màu. Đất trời lồng lộng vẻ kiêu sa. Có những niềm vui quá lớn làm nhoà đi ký ức. Ta đâu còn nhớ đấy là hôm nào. Cái hôm bừng con mắt dậy thấy mình trên khô. Phải, ta đã trở thành con vật trên mặt đất. Đồng bào của ta, có kẻ còn nuối tiếc nơi cắt rốn chôn nhau, quay về với sóng nước nghìn trùng, làm xong công việc truyền sinh, mới trở lại mặt đất. Bấy giờ ta nào biết con cháu đám nửa cạn nửa nước này mãi về sau đã suýt làm chủ mặt đất. Bấy giờ đâu phải chỉ mỗi đám đồng bào cố cựu của ta. Đã bắt đầu nghe gió trút trên ngàn. Cái đám sinh linh, cũng từ dưới nước trườn lên cạn như bọn ta hôm nào, đã làm một cuộc chiếm lĩnh mặt đất. Hiển hoa và không hiển hoa. Trùng trùng điệp điệp cỏ cây. Đường đi trên mặt đất tuy có rợp bóng cỏ cây, nhưng đám sinh linh không tim gan phèo phổi ấy lại tặng cho bọn đồng bào cố cựu của ta thứ hơi thở trong lành. Một cuộc sống chung, hoà thuận có, không hoà thuận có, đã diễn ra trong trời đất, giữa đám sinh linh có tim gan phèo phổi và đám sinh linh không tim gan phèo phổi. Cứ tưởng từ đây ta ung dung tận hưởng những hào hoa của cuộc tồn sinh. Nhưng khô g. Cuộc bể dâu nơi mặt đất thì nghìn lần triệu lần lớn hơn cuộc bể dâu nơi sóng nước nghìn trùng. Lửa và xú khí được ném xuống mặt đất từ bàn tay ác nghiệt của tạo hoá. Máu và những tiếng kêu trầm thống có lan ra khắp nơi chốn là do đám vật to lớn cả ngày lẫn đêm lo gầy ra các cuộc ăn nhau. Còn đất thì cứ mấy hôm là thay đổi hình hài, những vùi lấp thì diễn ra như cơm bữa. Ta, bấy giờ chỉ là một con chuột chũi nấp dưới lớp cỏ khô, chỉ mỗi bước chân của con chồn, con mang cũng đủ dẫm chết, huống hồ là cuộc chuyển mình của đất. Vậy mà ta vẫn cứ còn đó cho đến ngày giá buốt phủ lên cõi tồn sinh và con cháu của đám nửa cạn nửa nước đang gây cuộc tàn sát lớn nhất trên mặt đất, vẫn cứ còn đó cho đến ngày thôi giá buốt và con cháu đám nửa cạn nửa nước không còn tồn tại. Xin chào bác homo sapiens! Đám đồng bào của ta nơi mặt đất đã bớt lạnh lẽo gọi ta là bác homo sapiens. Là homo sapiens, hay không là homo sapiens, thì có hệ trọng gì đâu. Bởi điều đáng nói là ta đã vượt qua cuộc thử thách lớn nhất trong trời đất, cuộc thử thách diễn ra hằng triệu triệu năm, để được thiên hạ trong trời đất gọi ta là con người...

Sợ nàng lại nói gì đó trong mơ làm mất đi sự tĩnh lặng thiêng liêng, tôi đặt tay lên ngực nàng để giữ lấy trái tim đang yên ổn trong giấc ngủ yên ổn của nàng. Và tiếp tục lắng nghe vị tổ phụ loài người nói về nỗi gian truân trong cuộc tiến hoá của loài giống con người.

 

[còn tiếp]

 

_________
MỘT CÁCH NÓI KHÁC CỦA NIỀM KHAO KHÁT là cuốn tiểu thuyết thứ sáu của Nguyễn Thanh Hiện [1. Những Tháng Năm Nghiệt Ngã - 2. Trở Lại Xương Quơn (NXB Văn Học, Việt Nam, in năm 2007) - 3. Vật Gia Bảo Của Một Dòng Họ - 4. Bên Này Trần Gian - 5. Người Đánh Cắp Sự Thật (NXB Văn Học, Việt Nam, in năm 2008) - 6. Một Cách Nói Khác Của Niềm Khao Khát - 7. Rốt Cuộc Thì Bọn Họ Là Ai?], sách gồm 38 chương, chưa nhà xuất bản nào in.

 

 

Đã đăng:

... Mặt đất này thì rộng lớn, và con sông nào cũng có chỗ bắt đầu của nó, mà các người đi tìm nguồn con sông nào? Ông hỏi. Tôi nói là con sông chảy qua quê nàng. Con sông quê của người mình yêu. Ông quảng diễn thêm câu nói của tôi. Rồi bảo hai chúng tôi có vẻ khăng khít nhau thế còn đi tìm nguồn con sông đó chi nữa. Tôi nói đó là bí mật của tình yêu. Hoá ra không phải chỉ tôi với nàng mới có bí mật của tình yêu. Đêm đó, nơi căn nhà lá ở giữa rừng, người coi rừng đã nói cho chúng tôi biết ông cũng có một bí mật của tình yêu... (...)
 
... Rằng từ khi loài người biết truyền những ý nghĩ cho nhau bằng máy móc thì thần không còn trực tiếp cai quản núi rừng, nhưng không phải là không để mắt đến chuyện con người, rằng trong cuộc chuyển lưu lớn lao của vạn hữu thì không phải hễ là thần thì nhìn thấy được sự thật của mọi sự, rằng ngày xưa, ngay chính bản thân vũ trụ cũng chưa biết mình do đâu mà có, thì lớp cha ông của thần quả đã cho rằng hễ là thần thì biết hết mọi sự, từ đó mới có chuyện toàn trị của các vị thần... (...)

 

 

----------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021