thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những đường chỉ tay

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

JULIO CORTÁZAR

(1914-1984)

 

Julio Cortázar — tiểu thuyết gia, thi sĩ, phê bình gia, nhà viết truyện ngắn, và nhạc sĩ — sinh tại Brussels, nước Bỉ, năm 1914. Song thân là người Á-căn-đình. Sau Thế Chiến thứ Nhất, gia đình ông hồi hương, và ông lớn lên tại Á-căn-đình. Cortázar tốt nghiệp đại học sư phạm văn chương tại Buenos Aires vào năm 1935. Từ 1935 đến 1945, ông dạy học tại nhiều trường trung học khác nhau, và từ 1945 đến 1951, ông làm dịch giả cho một số nhà xuất bản. Trong thời gian đó, ông dịch trọn vẹn tác phẩm văn xuôi của Edgar Allan Poe, và nhiều tác phẩm của André Gide, Walter de la Mare, G.K. Chesterton, Daniel Defoe, và Jean Giono. Viện Đại Học Buenos Aires mời ông vào chức vụ Giáo Sư văn chương, nhưng ông từ chối vì chống lại chế độ độc tài Perón. Năm 1951, ông di cư sang Pháp và sống ở đó cho đến khi lìa đời vào năm 1984.
 
Năm 1981, tổng thống Mitterand trao tặng quốc tịch Pháp cho Julio Cortázar, và ông nhận vinh dự này, nhưng nhất quyết không từ bỏ quốc tịch Á-căn-đình. Song song với sự nghiệp văn chương, Cortázar còn là một nhà vận động chính trị. Ông viếng Cuba năm 1961 và Nicaragua năm 1983. Tiểu thuyết Libro de Manuel (1973) của ông đoạt giải văn học Prix Médicis năm 1974 và ông trao tặng tất cả tiền thưởng cho Mặt Trận Thống Nhất Chi-lê.
 
Trong hơn 30 năm sống ở Pháp, mỗi năm ông dành bốn tháng để làm việc như một dịch giả cho UNESCO (dịch từ tiếng Pháp và Anh sang tiếng Tây-ban-nha), và tám tháng còn lại để viết văn, làm thơ và chơi nhạc (ông còn là một nhạc sĩ jazz, chuyên chơi kèn trumpet!).
 
Julio Cortázar bắt đầu làm thơ và viết kịch bản từ những năm 1930, nhưng bắt đầu nổi tiếng vào năm 1951 với tập truyện ngắn Bestiario. Năm 1963, tiểu thuyết Rayuela đưa ông vào địa vị hàng đầu trong văn đàn quốc tế. Số lượng tác phẩm ông đã xuất bản hết sức đồ sộ, trong đó có những cuốn lẫy lừng như Final de juego (1956), Las armas secretas (1959), Los premios (1960), Historias de cronopios y famas (1962), Todos los fuegos el fuego (1966), La vuelta al día en ochenta mundos (1967), Último round (1968), 62/ Modelo para armar (1968), Libro de Manuel (1973), Octaedro (1974), Alguien que anda por ahí (1977), Un tal Lucas (1979), Queremos tanto a Glenda (1980), Deshoras (1982), vân vân.
 
Ông đoạt rất nhiều giải thưởng quan trọng, trong đó có "Prix Médicis" (như đã nêu trên) và "Orden de la Independencia Cultural Rubén Darío" (1984) — chính nhà thơ Ernesto Cardinal (1925~), khi ấy đang là Bộ trưởng Văn Hoá của Nicaragua, đã tận tay trao giải thưởng này cho Julio Cortázar.
 
Pablo Neruda (1904-1973) — nhà thơ Chi-lê đoạt giải Nobel Văn Chương 1971 — có lần nói: "Người nào chưa từng đọc Cortázar, người ấy là kẻ mắc đoạ".

 

___________________

 

NHỮNG ĐƯỜNG CHỈ TAY

 

Từ một bức thư ném lên mặt bàn, một đường kẻ xuất hiện, chạy ngang tấm ván gỗ thông và leo xuống đất theo một trong những chân bàn. Hãy nhìn, bạn thấy đường kẻ tiếp tục chạy ngang qua sàn gỗ, trèo lên tường và tiến vào một bản in bức tranh sơn dầu của Boucher, cắt một nét phác theo bờ vai của một người đàn bà đang nằm trên một chiếc trường kỷ, và cuối cùng rời khỏi căn phòng, bò xuyên qua mái nhà và tuột xuống theo sợi dây của cột thu lôi, rồi chạy ra đường. Từ chỗ này bạn khó theo dõi nó vì hệ thống giao thông phức tạp, nhưng nếu quan sát kỹ, bạn có thể bắt gặp nó đang trèo lên bánh của một chiếc xe buýt đậu ở góc phố, và chiếc xe buýt chở nó đi đến tận nơi có những bến tàu. Đến đó, nó rời xe bằng cách trượt xuống theo đường may trên chiếc vớ ny-lông ống dài láng mướt của một cô hành khách có mái tóc vàng óng nhất, xâm nhập vào lãnh thổ đầy bất trắc của những trạm quan thuế, nhảy cẫng lên và bò ngoằn ngoèo rồi trườn theo hình chữ chi, tiến đến bến tàu lớn nhất, và tại đó (nhưng quả là khó thấy được nó, chỉ có những con chuột cống theo sau nó để lẻn vào hầm tàu) nó trèo lên chiếc tàu thuỷ đang nổ máy ầm ầm, băng qua những tấm ván lót sàn của khoang hạng nhất, rán sức chui lọt qua nắp hầm tàu, và trong một gian phòng nhỏ nơi một người đàn ông buồn bã đang uống cognac và nghe tiếng còi tàu biệt ly, nó trèo lên đường may của ống quần, bò ngang qua chiếc áo chẽn đan bằng len sợi, trượt ngược về phía cùi chỏ và với một cú rấn cuối cùng, nó lọt vào trong lòng bàn tay phải, vừa đúng lúc bàn tay ấy bắt đầu siết vào báng súng lục.

 

 

-----------------------
Dịch từ nguyên tác tiếng Tây-ban-nha:"Las líneas de la mano", trong Historias de cronopios y de famas [1962] (Madrid: Ediciones Punto de Lectura, 2004).

 

 

Những tác phẩm khác của Julio Cortázar qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn:

 
Người tù  (truyện / tuỳ bút) 
... Giống như những côn trùng, những con chữ loanh quanh lui tới, càng lúc lại càng xanh xao và kiệt sức hơn. Trước hết, những liên từ sẽ chết... (...)
 
Câu chuyện không dạy đời  (truyện / tuỳ bút) 
"Tôi đến đây để bán cho ngài những lời trăn trối cuối cùng của ngài," người đàn ông nói với nhà độc tài. "Những lời trăn trối rất quan trọng, nhưng trong giây phút cuối cùng chúng sẽ không bao giờ tự nhiên bật ra đúng như ý ngài muốn, trái lại, ngài mua những lời này và ngài sẽ thốt chúng ra một cách thích nghi vào khoảnh khắc nghiêm trọng ấy để sau này hậu thế sẽ dễ dàng nhìn thấy ngài mang một định mệnh lịch sử" ... (...)
 
Những thảo viên nối liền  (truyện / tuỳ bút) 
... Ông nếm cái khoái lạc có vẻ khá kỳ quặc là vừa đọc từng hàng chữ vừa tự tách mình ra khỏi những sự vật chung quanh, và cùng lúc vẫn cảm thấy đầu mình đang tựa êm ả lên lớp nhung xanh lục của chiếc ghế... (...)
 
Về truyện ngắn và cực ngắn  (tiểu luận / nhận định) 
[...] tiểu thuyết thắng nhờ đánh kéo dài để lấy điểm kỹ thuật, còn truyện ngắn thì phải thắng nhờ cú đo ván... điều đáng kinh ngạc về những truyện chạy đua với đồng hồ là chúng tạo ra được một cú sét đánh từ một nhúm chất liệu tối thiểu. (...)
 
Mùa của bàn tay  (truyện / tuỳ bút) 
Lúc xế chiều tôi hẳn sẽ mở cánh cửa sổ thông ra khu vườn, chỉ hé một chút, và bàn tay ấy hẳn sẽ dịu dàng leo xuống góc bàn viết, lòng tay hiếm khi chạm vào đó, những ngón tay duỗi mềm và có vẻ như bối rối, cho đến khi nàng đến nghỉ ngơi trên chiếc dương cầm, giữa cái khung ảnh, hay đôi khi trên tấm thảm màu rượu chát. (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021