thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tháng Chạp
 
Tưởng nhớ Diễm Châu (*)
 
Tháng Chạp. Ngọn gió đông bắc thổi
trên nóc những ngôi nhà.
Người khổng lồ trầm mặc đã tới
Sải những bước dài lặng lẽ trên cao.
Xốc lại áo choàng màu tro, nới rộng thêm một vòng khăn cho bầu trời mây xám.
Dưới kia, là những con phố dài, những con hẻm sâu hút
Có đôi gốc mộc lan (**) đứng than van bên bức tường khốn khó.
                    bên những vũng nước đục mờ soi bóng những kinh thành.
Trên con phố náo nhiệt thường ngày giờ đây vắng lặng
Không ánh mắt thân thiện sau cánh cửa những ngôi nhà đóng chặt
Không một bóng người, không bóng xe cộ.
                    bóng những cuộc luận thuyết thâu đêm trôi bóng những anh hùng.
 
Gió bắt đầu quất ràn rạt trên các mái tôn
Những hàng cây rạp mình dưới sức nặng tưởng chừng không gánh nổi
Rũ bay những lá - vàng - cuối - hồi - ức - về - mùa - thu mờ nhạt
đang dần chết dưới chiều sâu của ánh mắt.
Người khổng lồ trầm mặc đi nhanh trong gió bấc
Mang khuôn mặt đăm chiêu nhìn lần cuối khắp không gian tìm kiếm những kỷ niệm xa vời
Đôi lần đứng khựng lại, như sực thấy trong làn khí buốt
chút hương thơm của chén rượu ấm nồng.
Nhưng ảo ảnh ấy chỉ là cơn hôn mê tan nhanh trong gió.
 
Trong nhà thờ, nơi những hàng ghế trống không nơi những cánh cửa mở ra nơi
Những dụ ngôn đang bay trên ngói vỡ,
Chúng quá nhẹ, quá xanh xao cho cuộc hành trình qua thế kỷ
Và bởi chỉ cắm xuống một chân trên mảnh đất này nên chúng
mãi lơ lửng ở trên cao.
Mãi lơ lửng trên cao là nơi đàn bò rống vang những giọng khàn trầm đục,
nơi đồng cỏ xác xơ người chăn bò ăn những cỏ xác xơ
nơi một cuốn sách nằm lăn lóc dưới một gốc cây khô mở ra với những dòng dập xoá
nơi tiếng ư ử của bảy con chó đi lại lăng xăng bàn luận về cơn mơ kia là của đàn bò hay của bầy cừu;
và người chăn giữ đàn thú có ý nghĩa gì đang ăn những cỏ xác xơ kia hắn bỏ đi không ăn nữa,
hắn tết một vòng cỏ gai và đội lên như một kẻ điên đi trong gió lạnh.
Bước đi từ bầu trời này qua bầu trời khác từ dòng sông này qua dòng sông khác
bước đi bên trên những làng mạc rùng mình đêm trong cơn mơ thần thánh
bước đi như trôi đi bên trên những thành phố nơi giấc mộng chật chội ngày nào giờ đột nhiên rộng rãi, cô đơn.
 
... Vào một đêm tháng Chạp như thế
 
Ở cuối một con hẻm nhỏ
có hai người trẻ tuổi bước ra từ cửa ngôi nhà của một nhà thơ
và biến mất thật nhanh trong đêm tối.
Gió lạnh rít dài trên con phố không một bóng đèn đường.
Người ở lại đã đóng cánh cửa sổ cuối cùng
nhưng nơi xa còn nhìn thấy
ngọn đèn trên bàn viết và trang giấy thức mãi trong đêm.
 
Gió lạnh gào thét trong đêm vắng
đắc thắng trước tiêu tan của mọi vật,
đá, cát, bụi đường, những hàng rào, dòng mương và gỗ mục...
Nhưng những gì bằng tất cả của con mắt thường ngày nhìn thấy,
Ấy chỉ là thân xác hôn mê của giấc mộng được phơi trần
 
28.12.2007
 
---------------------------
Ghi chú của tác giả:
 
(*) Trong suốt cuộc đời mình, nhà thơ Diễm Châu (1937 – 28.12.2006) đã bền bỉ dịch một số lượng thơ khổng lồ của rất nhiều các nhà thơ trên thế giới ra Việt ngữ. Ông, cùng với một số ít những dịch giả khác ở hải ngoại như Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Đăng Thường... đã làm giàu cho ngôn ngữ Việt, cho chúng một lần nữa được trở nên trong sáng, tuyệt mỹ khi chuyển tải những tinh thần thơ ca thế giới. Có một điều không thể phủ nhận là, trong bối cảnh ở Việt Nam, khi mà rất nhiều người làm thơ không có nhiều khả năng về ngoại ngữ, hơn nữa việc tiếp xúc được với các văn bản thơ trong những ngôn ngữ khác nhau trên thế giới là rất khó khăn, thì những tác phẩm thơ dịch của ông cùng với mạng internet là điều vô cùng quan trọng cho hành trang của một nhà thơ trẻ trên con đường sẽ được xác định ở tương lai. Công lao của ông trong sự phát triển cho một nền thơ ca Việt chân chính là không bao giờ nhỏ.
 
Vài năm trước khi giã từ cõi thế, ông đã lặng lẽ trở về thăm quê hương lần cuối, nơi mà lẽ ra ông đã có thể hoàn toàn được đón nhận một cách trọng thể trong một nghi lễ xứng đáng. Người viết những dòng này đã không có cơ hội để được tiếp xúc với ông một lần trong đời, nhưng đã mang nặng những bài thơ dịch của ông trên hai vai như một món nợ lớn. Và đành hình dung cuộc trở về cố hương của ông trong những ngày tháng Chạp với những ngọn gió đông - bắc tàn khốc.
 
(**) Mộc lan, loại cây có vỏ thơm, cổ nhân dùng để làm nhà. Trong bài Mộc Lan Hoa của Lý Thương Ẩn (813-858) có câu:
... Ngày ngày cánh buồm ra đi đưa nguời xa.
Mấy lần đứng trên thuyền mộc lan trông ngắm,
Biết đâu thân mình vốn là loài hoa ấy.
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021