thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chùm thơ cho một ngày
 
*
 
trong hạt sương dưới trăng
bóng cô nhện
thêu thùa
 
*
 
hạt sương bẫy được ánh trăng
lại rơi vào lưới nhện giăng
giữa trời
 
*
 
một cơn mưa đánh thức
những mầm cây
trong lòng
 
*
 
vui lòng thả xuống mộ
lá khắp nơi
chúc mừng tôi qua đời
 
*
 
nếu muốn cứu sống tôi
hãy đặt giường tôi cạnh
một cành khô đâm chồi
 
*
 
ánh trăng tên trộm bỏ lại
đã sưởi ấm
hồn tôi
 
*
 
người giương cung bắn quạ
làm vỡ mất
mùa thu
 
*
 
cái gì làm hồ loang
con ếch hay quả rụng
hay tiếng kêu bàng hoàng
 
*
 
biết ngủ với ai giờ này
ta hoang mạc như con thú
mặt trời còn ngậm trong tay
 
*
 
chậm mất rồi
khi chuông đồng hồ gọi
buổi sáng không còn tinh khôi
 
*
 
trang giấy chi chít chữ
như dòng người
hành hương
 
*
 
họ tránh nói về sự chia ly
nhưng ngay trước mắt
bao cánh đào bay đi
 
*
 
một làn khói thuốc
băng bó nỗi buồn
chảy đẫm bàn tay
 
*
 
biết đi đâu bây giờ
khi phía trước
chẳng có ai chờ
 
*
 
ghép những haiku lại
thành một người
mộng du
 
*
 
người đàn bà phai hương
hoá trang cho khuôn mặt
trong gương
 
*
 
bên mặt nước mùa xuân
thi nhân
khoả vào cái lạnh mùa đông
 
*
 
giữa phố phường lo toan
một gánh hàng hoa nhỏ
thì thầm lời lạc quan
 
*
 
sao lại cười tôi nhỉ
tôi có khác ai đâu
với tổ chim trên đầu
 
*
 
sau trận bom
con chim
cặm cụi đan lại tổ
 
*
 
im nào
sự lặng im
đang nở
 
*
 
một bài thơ làm sướng
bằng bát mỳ
là hay
 
*
 
hỡi những tên tội phạm
hãy cùng làm haiku
làm hay được giảm án tù
 
*
 
dòng sông vẫn cứ trôi
qua cây cầu già quá
đã gẫy đôi
 
*
 
này hai kẻ hẹn hò
đừng chuyện trò quá to
át đi tiếng dế
 
*
 
tình yêu là gì đâu
hai vợ chồng ông lão
hẹn hò như lần đầu
 
*
 
này những người đang ngủ
có cần mua
giấc mơ không
 
*
 
hãy vớt đi rác rưởi
để sông hồ
khoả thân
 
*
 
áp tai vào từng blog
bạn sẽ thấy biển
trong từng con ốc
 
05.06.07
 
 
--------------------
Một số ghi chú:
Gọi là Haiku Việt thì hơi khiên cưỡng, gọi là thơ lấy cảm hứng từ Haiku thì chuẩn hơn.
 
"Haiku là loại thơ độc đáo của Nhật Bản gồm 17 âm tiết 5 - 7 - 5, ngắt nhịp thành 3 câu."
 
Tiếng Việt là đơn âm trong khi tiếng Nhật là đa âm. Tạm gác ý thơ sang một bên, luật Haiku của Nhật tạo nên vẻ đẹp nhạc tính đặc sắc của Ngôn ngữ Nhật.
 
Các thể thơ đặc trưng của những nước khác cũng có những phẩm chất nhạc riêng biệt do tính chất khác biệt của ngôn ngữ.
 
Nhìn vào những bài hát dịch, có những bài dịch rất sát nghĩa, truyền tải được đầy đủ hình ảnh, ý tưởng, tư tưởng, mạch cảm xúc nhưng thứ tự của chúng khó được như bản gốc. Chính sự đảm bảo nhạc lại làm vỡ mất cấu trúc gốc của hình ảnh, ý tưởng, tư tưởng, mạch cảm xúc. Trong việc dịch văn học, nhiều khi muốn đảm bảo cấu trúc của hình ảnh, ý tưởng, tư tưởng, mạch cảm xúc, lại phải hy sinh tính nhạc. Để chuyển tải được tương đối nguyên bản về nhạc tính, hình ảnh, ý tưởng, tư tưởng, mạch cảm xúc, người dịch không chỉ cần có vốn văn hoá rộng đối với ngôn ngữ gốc mà còn thực sự phải có tài năng nghệ thuật. Tớ không biết tiếng Nga nhưng thấy mấy bài bác Thúy Toàn dịch thơ Puskin (Tôi yêu em, Con đường mùa đông) ít nhất cũng cho thấy Puskin thực sự tài, ngoài ra, còn gợi được mạch cảm xúc, nhạc tính. Nhiều bản dịch thơ Puskin thì thôi rồi, khiến "Puskin phỏng" ít ra cũng đứng dưới trình một nửa số người làm thơ ở Việt Nam.
 
Thơ Việt hiện nay đã có một bề dày về thể loại. 2 chữ, 3 chữ, 4 chữ, năm sáu bảy tám chữ..., lục bát, Tự do, Tân hình thức... Những tư tưởng về tự do đối với hình thức thơ sẽ giúp người làm thơ bằng tiếng Việt không phải chịu sự gò bó nào về ngôn ngữ, có thể lựa chọn vô số cách để diễn tả cảm xúc, tưởng tượng, kỹ thuật của mình. Có thể thấy một số bài phỏng Haiku phía trên rơi vào những bài thơ 4, 5 chữ hoặc lục bát (dù không cố tình). Tuy nhiên, với cái hồn của mỗi thể thơ đặc trưng cho mỗi loại ngôn ngữ thì chỉ chính ngôn ngữ đó mới là cái xác linh hoạt nhất cho nó trú ngụ.
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021