thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
[THƠ CỦA HOẠ SĨ] Con sói nói | Thơ | Kẻ hạnh phúc | Vô đề
Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn
 
 
Paul Klee (1879-1940) luôn được thế giới tưởng nhớ như một thiên tài hội họa người Thụy Sĩ, một trong những nghệ sĩ được ngưỡng phục nhất của một trong những thời đại nhiều sáng tạo nhất trong lịch sử nghệ thuật. Tuy nhiên, có lẽ những thành tựu quá to lớn về hội họa của Paul Klee khiến những mặt nghệ thuật khác của ông như âm nhạc và văn chương bị mờ nhạt đi và không được mấy ai nhắc đến.
 
Thực sự, Paul Klee ra đời trong một gia đình âm nhạc: thân mẫu, Ida Maria Frick, xuất thân từ nhạc viện Stuttgart; và thân phụ, Hans Klee, là một nghệ sĩ thanh nhạc và một giảng viên âm nhạc. Suốt thời ấu thơ cho đến năm 19 tuổi, Paul Klee đã thích vẽ, và vẽ nhiều, nhưng điều ông say mê nhất là độc tấu vĩ cầm. Trong những năm đó, ông cũng đã sáng tác nhiều bài thơ và truyện ngắn. Năm 1898, ông quyết định bước hẳn vào hội họa; và sau khi học hai năm dự bị hội họa, năm 1900 ông trở thành sinh viên chính thức của viện mỹ thuật Munich Academy dưới sự hướng dẫn của giáo sư Franz von Stuck. Tuy nhiên, vào năm 1901, ông rời bỏ viện mỹ thuật vì không chấp nhận thái độ kinh viện bảo thủ của Stuck. Trong những năm chán chường ở viện mỹ thuật, Paul Klee dành nhiều thì giờ để đi dự các buổi hòa nhạc, đặc biệt là nhạc của Richard Wagner, Richard Strauss và Mozart. (Trong một buổi nhạc cuối năm 1899, ông đã gặp nữ dương cầm thủ Lily Stumpf, người trở thành hôn thê của ông vào năm 1906, vàngười đã dạy nhạc để cấp dưỡng gia đình từ năm 1907, khi đứa con trai đầu lòng Felix Klee ra đời, cho đến năm 1914, khi ông bắt đầu bán được tranh). Cũng trong những năm ở viện mỹ thuật, với tâm hồn của một nghệ sĩ yêu chuộng cách tân, Paul Klee say mê các sản phẩm văn chương của giới tiền-vệ (avant-garde) Đức như tập san Jugend và nhật báo Simplicissimus. Từ tuổi 20 cho đến cuối đời, tuy dành phần lớn thì giờ cho hội họa, ông vẫn luôn luôn gắn bó với âm nhạc và văn chương. Riêng về thơ, chúng ta có thể tìm thấy một số bài thú vị trong bộ Paul Klee Tagebücher, 1898-1918 [Những thiên nhật ký của Paul Klee, 1898-1918].
 
Giở nhật ký của Paul Klee, ta có thể thấy ngay hòa điệu của nhạc, thơ và họa trong sinh hoạt nghệ thuật của ông. Thử đọc vài dòng ở tập I:
 
       13.3.1898: Những bài dâm thi ngắn. Một chút nhẹ dạ trong đó.
       23.3.1898: Kế hoạch viết một tập ca khúc, trước khi hoàn tất bất cứ một bài ca nào.
       17.6.1898: Đêm qua mình cảm thấy hăng hái quá khiến mình có thể làm việc cho đến sáng, nếu cặp mắt mình còn chịu nổi. Kể từ đây mình sẽ làm việc vào ban đêm, ngủ ban ngày. Đối với một họa sĩ tương lai, làm việc như thế hẳn là không đúng cách.
 
Ở tập III, ta lại tìm thấy dòng chữ sau:
 
        [...] Đúng ra, việc chính yếu bây giờ không phải là tạo nên những tác phẩm sinh non mà phải làm sao để là hay, ít nhất, trở thành một kẻ có cá tính. Nghệ thuật làm chủ cuộc sống là tiền đề thiết cốt cho tất cả mọi hình thức diễn đạt sau này, dù đó là những họa phẩm, những bức điêu khắc, những vở bi kịch, hay những nhạc khúc.
 
Dòng chữ trên đây được viết vào tháng 6 năm 1902, sau một chuyến đi Ý Đại Lợi và một thời kỳ tư duy sâu sắc về bản thân. Ở đây, một lần nữa, ta thấy tư duy của Paul Klee không thuần túy như tư duy của một họa sĩ chuyên ngành, mà là tư duy của một nghệ sĩ đa diện.
 
Năm 1914, Paul Klee viết một số bài thơ thật thú vị trong tập III của bộ nhật ký. Sau này, Felix Klee — con trai của ông — đã gom những bài thơ ấy và xuất bản thành cuốn Gedichte [Thi phẩm].
 
 
 

Con sói nói

 
       Trong khi đang nhai một con người,
       con sói giảng giải
       cho bầy chó:
 
Nói cho tao biết... đâu... thế rồi... là...
       nói cho tao biết... đâu?
       thế rồi... là thượng đế của lũ con người?
Đâu là thượng đế của lũ con người? khoan đã, đợi ta nhai...
 
       Này, bọn mày có thể thấy thượng đế
       của chó, nó nằm
       trong bụi đất ngay dưới chân bọn mày
 
Thấy và biết
chỉ là một, vậy thì
cái thằng bị tao xé xác đây
       không phải là thượng đế chứ gì?
 
Đâu? thế thì... đâu là
thượng đế của lũ con người?
 
 
 

Thơ

 
Tôi đứng trong bộ giáp trụ kín mít
Tôi không có ở đây
Tôi đứng trong những chiều sâu
Tôi đứng đằng xa...
Tôi đứng rất xa...
Tôi toả sáng cùng người thiên cổ
 
                                   1914
 
 
 

Kẻ hạnh phúc

 
Kẻ hạnh phúc, gần giống như
một thằng đần, mọi thứ
đều nở hoa, kết trái
cho nó. Nó đứng
trên mảnh vườn nhỏ của nó,
một tay cầm
chiếc bình tưới cây,
tay kia trỏ
vào chính mình,
vào cái rốn của
thế giới.
 
Tàn lá xanh mướt,
và những chùm hoa,
cành trĩu nặng
đầy trái
cong vít xuống, trên đầu nó.
 
 
 

[Vô đề]

 
Sự-cấu-tạo-hình-thể [*]
thì yếu về năng lực
so với Sự-xác-lập-hình-thể. [*]
 
Hệ quả tối hậu của cả hai phương cách Tạo-hình-thể
chính là Hình-thể.
 
Từ những Con đường đến Mục đích.
 
Từ Hành động đến sự Toàn hảo.
 
Từ sinh thể thuần tuý
đến khách thể.
 
Từ khởi thủy
Đặc trưng dương tính
của khởi động về năng-lực.
 
Rồi tăng trưởng về thể chất của Trứng.
 
Hoặc:
tiên khởi là tia chớp sáng chói
rồi đến đám mây mưa.
 
Đâu là thần trí tinh khiết nhất?
Từ khởi thủy.
 
Đây Tác phẩm, đang tựu thành
— lưỡng-diện —
Đây Tác phẩm, hiện hữu.
 
 
-------------
[*] Formbildung: Sự-cấu-tạo-hình-thể. Formbestimmung: Sự-xác-lập-hình-thể
 
 
"The Wolf Speaks", "Poem", "The Happy One", trong Paul Klee, Some Poems by Paul Klee, trans. Anselm Hollo (London: Scorpion Press, 1962);
in lại trong Poems for the Millennium: The University of California Book of Modern & Postmodern Poetry, Volume One, eds. Jerome Rothenberg & Pierre Joris (Berkeley: University of California Press, 1998) 273-275;
và một bài thơ vô đề,
trong Paul Klee, Gedichte, ed. Felix Klee (Zürich: Arche Verlag, 1980), 86.
 
 
Đã đăng:
 
Wassily Kandinsky (1866-1944), nhà danh hoạ của thế kỷ 20, không chỉ tập trung vào việc vẽ. Ông nói: "Marc và tôi đã ném chính mình vào hội hoạ, nhưng hội hoạ đơn thuần không làm chúng tôi thoả mãn..." Thế rồi, ông làm thơ... Mặt. / Xa. / Mây. / . . . . / . . . . / Một người đàn ông đứng đó với một cây kiếm dài. Cây kiếm dài và to bản. Rất to bản... | Ôi, hắn đi chậm làm sao. / Giá như ở đó có một người nào bảo hắn: Nhanh hơn, đi nhanh hơn, nhanh hơn, nhanh hơn, nhanh hơn, nhanh hơn... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn]

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021