thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thơ nguyên sơ [II]
(Diễm Châu dịch)
 

CƠN TUYẾT ĐẦU

 
Có những giấc mơ tan vỡ trong ánh sáng
và tản mác như làn hơi thở giá băng
từ một thứ ngôn từ chỉ dành cho chúng ta.
 
Khi cơn tuyết đầu rơi, bầy cừu
tìm nơi ẩn trú dưới những gốc sồi xưa
đã rụng lá từ nhiều tuần trước.
 
Chúng ta làm gì được để che chở những giấc mơ,
những giấc mơ mà chúng ta chưa mất? Tuyết rơì
qua những cành lá thưa dần khi tôi nói.
 
 

CHIA LÌA

 
Không có cách nào trở lại cả.
Những bức tường đổ nát đằng sau ta
và lại trỗi dậy như hoang dã.
 
Chúng ta phải tin ở một điều gì đó
khác hơn chính bản thân ta: ở chuyện hồn đi xa
giữa những người tình, ở khả năng
 
chia lìa với chính bản thân ta
hay chỉ buông thả việc nắm giữ nó.
Như một đám mây tự trút cạn tuyết.
 
 

NẶNG NỀ

 
Chất lỏng mạnh mẽ nhất chúng ta hết thảy đều quá lạm.
Dẫu như ta không bao giờ uống chất ấy, chắc hẳn là ta lúc nào cũng tràn đầy
hiệu lực bí ẩn của nó. Ôi mùa thu nặng nề,
 
mi làm vẩn đục thức uống của tim ta bằng những rãnh nước dơ bẩn
thoát ra từ đống những hình chụp ố vàng cũ kỹ đang lên men
rã mục ủ lẫn để đầu độc bên trong ta. Ôi số mệnh ác nghiệt
 
từng hiến trước biết bao là tình ái, mi cho chúng ta hết thảy
được dự phần trong niềm hy vọng này. Chẳng mấy chốc
đã đến thời sầu muộn, quên đi những khát vọng đẹp nhất của chúng ta.
 
 

NGÔN NGỮ CỦA THÂN XÁC

 
Máu nàng là một giòng sông bị đóng đinh thập giá
để cho chết khô trong tấm thân trắng trẻo ấy
tấm thân khép lại như một cỗ áo quan
quanh một tràng chuỗi buông lơi những khát vọng đỏ.
 
Tim nàng là một bồn nuôi cá đã nát tan.
Cá vàng nằm lẫn với những mảnh thủy tinh vỡ.
Phục sinh vang vọng trong hang hốc đầu nàng,
nhưng, trương lên như một kẻ chết đuối, nàng đu đưa nhè nhẹ
máu mình, hoàn toàn bị ghim chặt.
 
 

BÓNG TỐI CHỒNG CHẤT

 
Trăng xẻ đêm tối thành từng lát mỏng
và tôi hít chúng vô, lát đầy hai buồng phổi
bằng bóng tối chồng chất.
 
Tôi ép bóng mình sát vào ngực,
cảm thấy mùi hương hư không của bóng,
thể xác bóng đã mất đi vĩnh viễn.
 
Tôi đoán, tôi một phần là chính bản thân tôi và
một phần là kẻ khác. Tôi không biết rõ.
Nhưng không một ai khác sẽ giải đáp.
 
 

ĐƯỜNG THÊNH THANG

 
Gió thổi mạnh ngang qua những cánh đồng tháng Ba.
Mặt trời ló ra để hong khô trên những đồng cỏ sũng nước.
Một con mèo nóng nảy bước vội qua.
 
Có ai đó thực sự cần tôi?
Không, tôi đã ba mươi mốt
và không một ai kêu đòi đời tôi.
 
Thong dong, vô nghĩa, tôi liếc nhìn mặt trời
và để mặc gió đùa trên tóc.
Không có gì vội vã.
 
 

MẶT TRỜI VÀ ĐÊM TỐI

 
Tôi giẵm lên chân chiếc bóng
nhưng tôi quá nhẹ. Tôi thuộc hạng lông
và thuộc về ánh sáng. Cả đến mặt trời
 
cũng có thể có một chiếc bóng. Chẳng phải đêm
là bóng của ánh nắng đấy ư? Hay là đêm
lại có riêng mình một mặt trời, một thiên thể
 
đen, đã nghiền nát hết một nửa ánh sáng
và vung vãi cho tăm tối như các vì sao.
Hệt như tôi với một nửa đời tôi.
 
 

Ở TẬN CÙNG THẾ GIỚI

 
Như một con chó trung thành bóng tối xuất hiện
và khí mát buổi chiều cọ mũi vào tôi,
một cái mũi ướt. Tôi biết các vì sao không sủa, nhưng
 
nếu có ai nghĩ thế giới sẽ biến thành
một con thú cực kỳ to lớn thì đây đúng là lúc
ngồi trên một tảng đá và chờ đợi. . .
 
chờ đợi các vì tinh tú nhe răng
và bầu trời để lộ con mắt kẻ đi săn.
Có ai đó đang giật mạnh sợi giây xích. Tôi phải đi đây.
 
 

III. Giải thoát chiếc bóng

 

GIẢI THOÁT CHIẾC BÓNG

 
Tự do giật sập những cánh cửa không hiện hữu,
để anh ngủ yên trên giá máng
những lý tưởng của anh, khiến anh nhận ra mình đã lướt êm
 
qua những giới hạn. Nước có thể soi lủng đá,
và có lẽ anh có thể đội giường lên và bước đi
không để lại một dấu vết.
 
Anh giải thoát bóng mình và nhìn nó chạy
trên những nẻo đường mà không một ai khác thấy được.
Thế rồi, trong đêm tối, anh bước theo nó.
 
 

TỰ SỰ

 
Tôi nảy sinh từ một ký ức vĩ đại.
Trên vỏ cây tôi tìm thấy lại khuôn mặt mình.
Ai có thể nói được chuyện ấy thực hư.
 
Mỗi người là một điều huyền nhiệm, lạ lùng hơn
những nàng tiên hay yêu ma trong chuyện cổ. Ký ức này
không thuộc về ai khác ngoài tôi!
 
Chúng ta sống với những người chúng ta không biết rõ.
Những người bạn thân nhất là những kẻ lạ xa không thể ngờ được
sống trong những ký ức khác nhau. Ấy là điều khiến tôi an tâm.
 
 

CHIẾC BÓNG Ở TRONG TÔI

 
Đêm đã lùa chiếc bóng
vào chính thân hình tôi. Ấy là một chiếc áo dài
ở bên trong vươn đôi ống tay
 
và chân vào tứ chi tôi, thì thào
như lụa dọc sống lưng tôi,
mỗi lúc một thẫm dần lên cho tới lúc
 
rốt cuộc diễn ra ở nơi tôi như màu
giấc ngủ, sau đôi mi mắt ấy
hai ngọn lửa đen leo lét.
 
 

NHƯ CÁT ẨM

 
Đêm nay trời lại mưa và mùa thu
dồn đầy gối tôi bằng những tiếng nói cũ kỹ.
Tại sao chúng lại nói với tôi nhiều đến thế?
 
Trước, một vài chữ cũng có thể làm rụng rời đầu óc tôi,
nhưng giờ đây tôi kết hợp vững vàng hơn. Không gì
còn có thể khiến tôi tan rã trước bóng tối.
 
Trời mưa trên bóng tối của tôi, và như cát ẩm
tôi mỗi lúc một dày đặc thêm. Nhưng tôi tự hứa không bao giờ
lớn thêm quá mạnh: những bước chân sẽ để lại dấu vết.
 
 

KHÔNG CÒN NƠI NÀO ĐỂ LẨN TRÁNH

 
Hãy chung một vết thương nếu chúng ta phải đổ máu.
Hãy chống trả bên nhau, dẫu kẻ thù nghịch
là chính chúng ta: tôi là của em, em của tôi.
 
Không còn nơi nào để lẩn tránh. Hãy đưa bàn tay em cho tôi.
Tôi không cán nát nó đâu. Hãy xoay người lại và nhìn
xa em. Hãy nhìn làn ánh sáng
 
rơi qua khung cửa sổ và nằm trên sàn.
Một bức tranh đổ xuống của ánh sáng tinh khiết. Hãy
để bóng em nhẹ nhàng lọt vào hình ảnh ấy và sưởi ấm.
 
 

NHỮNG ĐỢT SÓNG VỚI EM

 
Con cá mau lẹ của thèm muốn, những chùm rong
của nhục dục vươn nhành nhỏ mịn, những đợt sóng
đi lại, những mơn trớn
 
chảy ra từ những đầu móng tay chúng ta, để chẳng bao lâu
bị hút vào ngọn triều mãnh liệt xoáy tít
nơi mỗi hơi thở phủ đầy bọt
 
của những dòng nước mặn lớn và mọi
ý nghĩ trong trẻo bị dồn ép như tín điệp
trong mình chai lênh đênh ngoài biển khơi.
 
 

BIỂN CẢ NUỐT NHỮNG ĐỢT SÓNG

 
Biển cả nuốt những đợt sóng của chính mình và bờ biển
bám chặt dưới chân tôi. Đây chẳng phải
Đất hứa của một thi sĩ, cũng chẳng phải sự mọc cánh
 
của những cành liễu nhỏ, chẳng phải một bông hồng nào không rễ.
Đây chỉ là những điều huyền nhiệm của thể chất: con bướm đáp xuống
trên cầu, ánh nắng trời rọi mãi tới đây. Thế nhưng
 
không một ai nhận ra và không một ai từng thấy hết thảy mọi sự
có thể thấy. Những khuôn mặt, qua bao thế kỷ, những khuôn mặt
mỏi mòn vì tin tưởng và đui mù vì đợi trông quá nhiều đợi trông.
 
 

MỨC ĐỘ HIỆN CÓ

 
Tôi đã cười vang và liệng hết hòn đá này tới hòn đá khác xuống biển,
chạy chân không trên đá, tưng bừng cuộc sống,
tràn đầy vui thú thơ ngây và dòng máu trẻ trung rực rỡ.
 
Rồi tôi nhớ tới một cô gái lúc nào cũng mười lăm,
yêu cuồng dại, không hổ thẹn. Nhưng rồi tôi lại nhớ
mình đã xa rời mọi sự ra sao, dù vẫn chưa lớn đủ
 
để lớn lên có được một mục tiêu.
Lúc này tôi phân cách mức độ của riêng tôi với của những người khác
và cảm thấy cần phải hài lòng rằng mình đã gần như đủ
trong nhiều cách khác nhau.
 
 

VÀO LÚC NHÁ NHEM

 
Nhá nhem tới như chiếc bóng
của một sinh vật, và
những con quạ khoang kỳ quặc lướt vào
 
thành phố để nghỉ đêm
trên tầng tháp giáo đường. Vào lúc nhá nhem ấy em
đậm nét hơn và mỗi lúc một hiển hiện. Em nhìn tôi
 
và tôi nhìn lại. Tôi không còn
tin tưởng nhiều như thế. Tuy nhiên
lúc này tôi sẵn sàng hơn trước.
 
 

THẾ VẬN HỘI VŨ TRỤ

 
Dưới một chiếc đĩa sáng rực phóng ra đã từ lâu
tôi tham dự cuộc chạy đua tiếp sức lớn
vừa như con lẫn bố, từng bước, với chính bóng mình.
 
Trong giấc ngủ tôi thường cảm thấy chiếc bóng đã bị hạ
nhưng vào lúc rạng ngày y lại xuất hiện ở bên tôi
như một vật dị kỳ đo khoảng đường đã vượt qua hay một dấu hiệu
 
cho biết rằng không có lấy một thắng lợi nào để giành giật cả.
Dẫu là do bất kỳ ai trong chúng ta, do người lực sĩ vô danh,
hay cả đến kẻ đã từng lao mặt trời vào bóng tối.
 
 

IV. Ngọn núi vĩ đại ánh sáng

 

TỪNG CÂU

 
Chính bóng tối của riêng tôi đã khiến người ngời lên như một đô thị trung tâm vào một buổi chiều muộn tháng Một. Đối với một kẻ bi quan thật tình cảm như tôi, cảm tưởng hạnh phúc không bao giờ tầm thường cả. Duy những kẻ đa sầu đa cảm mới biết chân giá trị của niềm vui.
 
Các nhà danh họa Hòa-lan thường tìm kiếm ánh sáng của họ từ những dòng nước thâm u. Tôi muốn tẩy sạch những than thân phiền trách trong ngôn từ của mình. Để được ưa thích, ta không cần phải lang thang đây đó với một cái tô của người hành khất. Quá nhiều thi nhân là những khất sĩ thật thương cảm chẳng có lấy một điều gì để cho đi. Họ phơi bày những đớn đau và lo sợ của mình và được dùng để báo nguy hơn là để ủi an người khác. Biết bao sự nghiệp hóa ra chỉ là một tiếng kêu gọi lê thê, kêu gọi tình thương đối với kẻ núp sau tác phẩm, chỉ vì lòng vị tha nếu không phải là vì một điều gì khác.
 
Một nhà thơ đích thực hẳn phải mong muốn khiến thế giới ngời lên với ngôn từ của mình. Từng câu, dù nặng nề tới đâu, cũng được viết ra như một cử chỉ giải thoát khỏi bóng tối và sức nặng. Nhà thơ ấy mong muốn chúng ta sống những cuộc sống tốt đẹp hơn, chăm chú hơn. Trên hết tất cả, có hai điều ông mong muốn chỉ ra. Điều thứ nhất là khả năng cảm thấy hạnh phúc và vui hưởng nhịp đập con tim của chính chúng ta. Điều thứ nhì là sức mạnh chịu đựng và bám chắc, trong bất cứ thời tiết nào, vào cột xương sống của chính chúng ta.
 
 

KINH HOÀNG TỘT ĐỘ

 
Những hải đảo và những hải đảo lởm chởm đá này lẩn trong mưa, ẩm ướt và chớm thu, những thứ đang làm tứ chi tôi tê cứng. Cả đến cỏ cũng rủ xuống nặng nề hôm nay! Lũ chim nhỏ ẩn trên vách đá. Không một bóng quạ khoang nào tụ tập trên cây sồi lớn cả. Chúng ẩn trú nơi đâu trong lúc trời mưa và gió táp mạnh như thế này nhỉ?
 
Biển tưng bừng vui thú, chuyển động trong xô đẩy điên dại. Nhưng trời là chì lỏng sôi sục, một linh hồn sầu muộn khủng khiếp; có ai đó đã kích thích nó có những hành động mà thông thường nó ghê rợn.
 
Có một nỗi muộn phiền không thể nào dò xét. Một khối nặng không bao giờ rắn chắc đủ để nắm bắt được. Nỗi đau thật tối đen, đè nặng và mãnh liệt. Hết mọi cảm giác đều sũng nước và tím ngắt vì lạnh. Trái tim là một mầm củ với những con mắt xanh bầm dập thiếp đi trong tế bào thân xác.
 
Tôi là một căn hầm chứa rau củ nằm cách xa đôi chút căn nhà tôi muốn là mình hơn cả. Đường mái dột là trán tôi. Tôi có cảm tưởng như mình sẽ chẳng bao giờ trỗi dậy lại được nữa. Nấm mộ mọc lên dọc theo những bức vách của tôi. Như một giống cây leo bằng đất và cỏ nó vươn lên trên mình tôi. Chẳng bao lâu nữa sẽ chỉ còn thấy mái đỉnh. Và cánh cửa sẽ bật tung khi ai đó xoay chiếc chìa khóa, bật tung mạnh đến nỗi những bản lề hầu như cũng bay luôn. Rốt cuộc có tôi đây!
 
 

TRẺ NHỎ

 
Mỗi ngày là một vết trầy không bao giờ lành lại hẳn. Trẻ nhỏ quan sát người lớn; tất cả những trông đợi ấy, quá tốt đẹp đối với chúng! Vào một tuổi thơ dại ta thấy trên khóe miệng chúng dấu vết chiếc hàm thiếc. Những nụ cười ngập ngừng của chúng, như thể chúng đang còn thử thách. Đôi mắt chúng như những cái trứng chim ngay lúc này bị đánh cắp.
 
Những cành hoa vàng rực rỡ trong đôi tay bụ bẫm bỗng nhạt đi không báo trước. Một thứ hoa khác cắm rễ trong lòng bàn tay chúng. Một hôm ta thấy một ánh sáng hoàn toàn mới và xa lạ trong ánh mắt chúng. Thời gian lướt qua khuôn mặt chúng, từ từ thay đổi chúng—và đột nhiên chúng không còn nữa.
 
Đứa trẻ, là cha của người lớn, cúi xuống những dấu chân của chính nó, ngước lên, vô định, tìm kiếm.
 
 

CHICAGO

 
Sau khi đã theo chân một nhà chế tạo nhạc khí tới một lò sát sinh ở Chicago và đứng ở cuối vòng đai vận chuyển lượm những mảnh xương thích hợp với những phím dương cầm xưa, và kế đó nắm được những điểm siêu nghiệm của Emerson về Aquinas và sự đoạn tuyệt kinh viện của ông đối với những vấn đề phục sinh đã được chấp nhận và có tính siêu hình (hiểu nghĩa thật sát với văn từ), tôi muốn đề nghị ở đây, để hội nghị sắp tới của các giáo hội có một thời gian rộng đủ, một bản ghi nhớ liên hệ tới những kẻ ăn thịt người và tới súc vật. Xét rằng những kẻ ăn thịt đồng loại lúc này là một chủng loại đang hấp hối, không đủ cơ hội có được chế độ ẩm thực truyền thống, chúng ta, như một cách gián chỉ và cũng vì công cuộc khảo cứu nhân chủng học, nên đem lại cuộc sống dễ dàng hơn đối với một vài bộ lạc ít oi hãy còn bấu víu được chút xíu ở ngoài sự bảo trợ của Giáo hội. Tình trạng của các gia súc hiện nay không bấp bênh bằng, nhưng chúng cũng không muốn bị biến thành thực phẩm và thực sự từ trước tới nay chưa bao giờ tự nguyện được dọn ra trên đĩa ăn của chúng ta. Heo bị thọc huyết với tiếng phản kháng tru tréo mãi tới trời cao. Chúng muốn trở lại với những chuồng thú hôi thối của chúng và ngụp lặn trong bùn mà chờ đợi cuộc sống đời đời, một cuộc sống mà cả đến chúng cũng có quyền phải được dành cho. Con heo muốn lại được liền lại, lại trở thành một khối để có thể hồ hởi cọ mình vào một tấm ván thô. Và những con bê-thịt mắt nhung bị nhồi nhét trong những thứ cũi mơ được thoáng thấy đôi chút khuôn mặt của trời xanh. Hầu hết chúng đều muốn sống đời đời, hệt như chúng ta!
 
 

BÓNG MÈO

 
Như chiếc bóng của một con mèo, bóng tối lẻn vào căn buồng và phớt qua đôi chân tôi. Đồ đạc thu hình lại, bận bịu với những món nệm bọc của chính mình. Sách vở trên kệ ép sát vào nhau hơn.
 
Có ai đó viết bằng bóng tối trên lưng tôi. Tôi đã ngồi đây quá lâu nên có lẽ nên trỗi dậy từ chính bản thân thì hơn. Tôi chỉ là một nơi cư ngụ tạm thời cho những ý nghĩ của tôi.
 
Những con én thầm lặng phóng vụt ra từ những bức vách để khâu trộm bóng tối nhá nhem. Bên trong sọ đầu, tôi khởi sự bước đều, chậm rãi, rời xa một nấm mồ dành cho những ý nghĩ đã bị thiêu rụi trong ngày. Bóng con mèo in lờ mờ như một tấm khăn liệm.
 
 

NGÔN NGỮ VÀ NGHỆ THUẬT

 
Từ ngữ nằm mơ tới những mệnh đề mỹ miều không bao giờ chấm dứt. Âu lo, chúng tung lên và xoay vần khắp phía những nguyên âm. Cái gối là một cuốn sách không ai có thể mở ra được. Không ai đọc ra văn bản đang thiêm thiếp.
 
Ngôi nhà là một chốn hằng cửu mỗi ngày lại có một căn buồng mới được thêm vô. Sàn nhà lát bằng nước chảy. Sà nhà làm bằng hơi thở của những người tình. Lớp hồ trang trí là ánh sáng chạm trổ gọt dũa.
 
Trôi vào qua những khung cửa sổ có vô số những ngòi nước nhỏ. Cả đến đàn cá lẻn lút nhất cũng lấp lánh ở đó. Chúng khép mở những miệng cá căng cứng. Chúng hít thở bằng mang, không ai bắt gặp chúng nói năng bao giờ, và cũng chẳng bao giờ chúng nghe nói tới bản tự mẫu.
 
 

TRONG BUỒNG KHẢO CỨU

 
Nhịp mạch xanh mờ của mực hãy còn đập
yếu ớt dưới hàng chữ in mỏng manh. Các văn bản
sống một cuộc sống riêng của chúng! Những đống văn tự
trèo ra từ những nấm mồ tập thể. Những cước chú
là một bản ghi chép nhạc cho những bài ca của người chết.
Hầu như bị bóp ngạt, chúng xuất hiện từ
bụi bặm của sách vở. Nhưng chúng ta những kẻ đang sống
chính bản thân ta cũng chìm đắm.
Chúng ta những kẻ viết sách về chúng!
 
Thế tuy nhiên, sự thực cần phải được duyệt lại. Ấy là
một sáng chế luôn luôn cần đổi mới.
Được ghi chú bên mép lề, nó luôn luôn lẩn khuất trong những gì
cho đến nay vẫn chưa được viết ra. Hoặc là trong bầu khí chúng ta hít thở.
Những mép lề nới rộng, những cuốn sách sinh sôi nẩy nở thêm.
Sự thật được tìm thấy trong mọi hốc rỗng không đáy
phải được lấp đầy, trong điểm mù,
trong mắt con trùn, trong dấu hỏi,
và trong căn buồng đang chầm chậm uốn cong hết mọi sự quanh ta.
 
 

TRO GỬI TRO

 
Thịt quằn quại bên trong da.
Cơ bắp hút máu của một quái vật
không bao giờ xuất hiện từ mê cung.
 
Thớ sợi vững chắc quấn quanh mù sương
và quanh niềm rung động ẩn khuất bỗng dưng
khiến đung đưa sợi chì đẫm màu rỉ sét.
 
Với một chiếc đinh ghim trong ngực, con bướm phất phơ
trở lại cuộc đời. Đôi cánh hắn
là tro sống không thể dập tắt.
 
Cơ bắp nghỉ trên băng ghế. Một người
mài tên mình vào lưỡi dao và chầm chậm
chạm khắc chính bản thân từ cuộc đời y.
 
 

NÚI GIÀ MUỐN TRỞ THÀNH CÁT

 
Tôi có những chiếc rễ ở bên trong tôi,
một cuộn những sợi chỉ đỏ.
Đá có những chiếc rễ ở bên trong chúng,
như những cành dương xỉ nhỏ mịn.
 
Quấn quanh mình vẻ mềm mại
những tảng đá ngủ vùi.
Đã qua bao thế kỷ chúng nghỉ yên
dưới mặt trời.
 
Những ngọn núi già
muốn trở thành cát.
Chúng buông xuôi bản thân
và mở ra cho nước.
 
Sau bao thế kỷ thèm khát!
Tựa ngôn ngữ—
ngọn núi vĩ đại ấy nát tan
vì lưỡi chúng ta.
 
Chúng ta biến ngôn ngữ thành cát,
khi dìm mình lưỡi
vào một dòng suối chảy
lay chuyển núi non.
 
 

BAY TRÊN ĐẠI TÂY DƯƠNG

 
Chính thời gian là một chiếc ghế cứng cỏi
chúng ta bị cột chặt vào bởi thế chúng ta
có thể nói ra những gì mình thấy, nhưng không gian cong
đã mau chóng hiệu chính lại ở phía sau chúng ta
khi những đám mây lướt qua.
 
Ở bên dưới thật xa, những con thuyền trông tựa
những con hải âu nằm nghỉ. Và biển thấp thoáng
đều đều buồn tẻ, như bạc cũ. Những đợt sóng
không sao chùi được biển bóng loáng.
Mặt trời tảng đá mài đứng sững.
 
 

NHỮNG NGƯỜI CHỦ THUYỀN TRÊN EO BIỂN SALTÖ

 
Mỗi mùa xuân họ đứng cạo thuyền.
Thời gian thuận lợi nhất trong năm. Họ cúi xuống và
mượn dụng cụ của nhau, chửi thề một hồi dài
rồi phì phà ống điếu.
 
Những chiều nắng tháng Tư họ đứng
chuyện trò và cạo, cảm thấy ấm áp
nhờ một tình bạn chỉ tìm thấy được ở ngoài
mọi nghi thức thông thường, ngoài công việc và gia đình.
 
Khi họ đã quá già không kham nổi cơn rã rượi mùa xuân,
họ lắp ráp những con thuyền lý tưởng bên trong những chai rượu
từng bộ phận một, thế rồi họ thắp
một ngọn đèn lồng rọi sáng vĩnh viễn.
 
 

CHIỀU MUỘN THÁNG MƯỜI

 
Những trái táo dưới gốc cây
mỗi lúc một nhăn nheo.
Chúng bị hút lại từ từ
vào lõi táo.
 
Từ căn chòi dụng cụ ngoài vườn
hai cánh dơi đen như đêm vụt ra
chập choạng qua bầu khí mùa thu
rồi bay đi mất.
 
Những chiếc bóng tụ hợp đông đảo
lẹ làng khi ánh ngày rơi.
Chúng lao tới vội vàng để đáp lại
nơi đen tối gọi.
 
 

GÁNH NẶNG MỖI NGÀY

 
Buổi sáng phá tung lối bước vào anh
và giấc mơ anh bị xé toang thành từng mảnh nhỏ.
Đây là một sự có mặt ra sức chống trả
cảnh hỗn loạn vô đạo của cái chết.
 
Anh gặp gỡ ánh ngày mặt đối mặt.
Nhẹ nhàng anh mang trên đôi vai
ngọn núi vĩ đại ánh sáng.
Ấy gánh nặng mỗi ngày của anh.
 
 

BÀI NGỢI CA CỎ

 
Mặt trời vàng tràn lan trên màu trời xanh!
Gió họa hình thế giới. Cỏ
được tô màu xanh lục.
 
Màu xanh lục trào lên và tràn ngập
thế giới. Trái tim bơm
lục diệp tố.
 
Máu tôi hầu như xanh lục. Tóc tôi
trở màu xanh và tìm kiếm rễ
ở bên dưới tôi.
 
Gió bước trong cỏ, tìm tòi
tấm thân mình thất lạc. Chúng ta có thể
là tấm thân ấy!
 
Dưới bóng của gió chúng ta là những kẻ
làm bằng thịt da. Chúng ta mang tất cả sức nặng
là người.
 
Chúng ta biết rằng cái chết rốt cuộc sẽ
trao chúng ta cho gió, rằng tất cả
rồi sẽ bay đi.
 
Ngày tháng trôi qua. Và không gì còn lại
của cuộc đời chúng ta ngoài ánh sáng nô đùa
trên cỏ.
 
 
-----------
Đã đăng:
 
------------------------------
Ghi chú của người dịch:
 
TOMMY OLOFSSON (1950- ) là một trong những nhà thơ "sung mãn" nhất Thụy-điển hiện nay, tác giả bảy tập thơ (tính đến 1991). Ông còn là một chuyên gia về James Joyce, có bằng tiến sĩ văn chương của đại học Lund, tác giả hoặc người biên tập nhiều công trình biên khảo, và nhà phê bình văn nghệ nổi tiếng của nhật báo Thụy điển Svenska Dagbladet.
 
Theo bà Jean Pearson, người đầu tiên dịch thơ Tommy Olofsson sang tiếng Anh, trong bảy tập thơ đã xuất bản, Tommy Olofsson tự đặt ra cho mình một số mục tiêu: khai triển một bản ngã đích thực, khiến thế giới ngời sáng với ngôn từ của mình và vạch ra một lối sống thiết yếu, đầy sinh khí, không than thân phiền trách...
 
Sinh năm 1950 ở Karlshamn, Blekinge, Tommy Olofsson lớn lên trong thành phố hải quân lịch sử Karlskrona, ở bờ biển phía đông-nam Thụy-điển. Nhà ông ở sát biển, và cũng như với Harry Martinson, một thi sĩ đồng hương Blekinge có chung nhiều đề tài với ông, biển và những sức mạnh thiên nhiên đã đem lại cảm hứng cho Olofsson trong nhiều bài thơ hay nhất của ông. Cũng như Harry Martinson, người đã lên án cái "văn minh máy móc", Olofsson thường đem sức mạnh của thiên nhiên chưa bị hủy hoại ra chống lại "cái giả tạo không hồn của những trật tự thế giới mới đã phá sản". Thơ ông tìm kiếm cái sâu xa trong cuộc sống không nô lệ "những theo đuôi và tuân thủ máy móc đối với truyền thống"...
 
Ngay từ những năm 1960, Tommy Olofsson đã chú ý tới khả năng mãnh liệt của ngôn ngữ thơ khi nghe tiếng Gunnar Ekelöf, một nhà thơ lớn của Thụy-điển hiện đại, đọc thơ trên đài phát thanh. Chỉ ít lâu sau, năm ông 19 tuổi, Olofsson đã cho in tập thơ đầu tay của mình, tập Små Pratologier, gồm những bài thơ văn xuôi và những câu tựa như "cách ngôn". Bà Jean Pearson viết: "Ngay từ tập thơ sớm nhất này, ông đã khởi sự một lối leo dây căng thẳng giữa những đòi hỏi của trí tuệ và những 'thèm muốn đỏ' của cuộc sống nguyên sơ – một thứ biện chứng mà ông đã biểu hiện bằng lời với sự độc sáng liên tục trong các tác phẩm của mình sau này."
 
Tập thơ thứ nhì của Tommy Olofsson, Quần áo mới của tình yêu, xuất hiện năm 1975. Rồi đến năm 1977, Thơ nguyên sơ (Elementära dikter) ra đời. Đây là tập thơ lớn đầu tiên đã khiến ông trội vượt hẳn lên trong thi ca Thụy-điển hiện đại. Kế đó là các tập thơ khác lần lượt làm phong phú và tô đậm những sắc thái đặc biệt của thơ ông: Mặt trời không hẹn (1979), Nói chuyện với bóng mình (1982), Các ý nghĩ của tôi không biết nhau (1986), Thở và những nhịp điệu khác (1989)...
 
Trong thời kỳ đầu, Tommy Olofsson đã có một số những bài thơ mạnh mẽ tiến công cái "ngụy-văn hóa con buôn do chủ nghĩa tư bản đẻ ra". Thế rồi, Thơ nguyên sơ Mặt trời không hẹn, tập thơ thứ tư của ông, tập trung vào cuộc đấu tranh giữa "văn hóa và thiên nhiên". Olofsson rời bỏ lối sống "gói sẵn" của xã hội kỹ nghệ hiện đại để thám hiểm chính bản thân ông, ra sức phục hồi cuộc sống tự nhiên mạnh mẽ của những khát vọng ở chính con người ông. Ông hòa nhập mọi hình thức của sự sống, ca ngợi sự sống bản năng, không phân xẻ của loài vật.
 
Nói chuyện với bóng mình gồm những bài thơ có chín dòng, chia làm ba đoạn. Những cuộc "nói chuyện" này cho thấy những nỗ lực của Tommy Olofsson nhằm hòa nhập "kẻ khác" vào cuộc đời ông. Qua niềm vui, sự thất bại và cả những kinh nghiệm "làm cha".., kết hợp lý tưởng ông tìm kiếm là một tình yêu cùng chia sẻ, nồng nàn tới mức độ "thiêu hủy mọi sợ sệt"... "Kẻ khác" ở đây không chỉ là người yêu mà còn là chiếc bóng bí ẩn của chính ông và đất đá, mầm hạt... Và bước ra từ những cuộc "nói chuyện" ấy là lõi cốt của một bản ngã vững vàng trong một cuộc sống đầy đủ hơn.
 
Các ý nghĩ của tôi không biết nhau gồm 53 bài thơ xuôi. Đằm mình trong cảnh trống rỗng của nền văn hóa đương thời, mỏi mệt với những thứ ngôn từ và quan niệm khuôn sáo—vẫn được coi như sự khôn ngoan hằng cửu, với đôi nét dường như "suy sụp tinh thần" và cái cảm giác "bị chôn sống", Tommy Olofsson rốt cuộc đã vượt qua dòng ý thức ô nhiễm và trỗi dậy, khẳng định nghệ thuật thi ca của chính mình.
 
Với Thở và những nhịp điệu khác, Tommy Olofsson trở lại với những sự thực của thân xác và nhịp điệu của cuộc sống đã thấy trong thời kỳ đầu, nhưng với những nhận thức giá trị tinh tế và thâm thúy hơn. "Ánh sáng" và "bóng tối" được nhận rõ vị trí trong một dung hợp hài hòa, một cân bằng sinh động. Sự thực không nguyên là lửa, cũng không chỉ là bóng, mà là một diễn trình sinh động của giao hòa. "Olofsson thúc giục ta lắng nghe tiếng nói của thiên nhiên ở quanh ta và trong ta và tìm kiếm ngọn lửa sáng tạo cố hữu trong mọi sự..."
 
 
Bản dịch Thơ nguyên sơ trên đây dựa theo bản Anh văn của Jean Pearson: Elemental Poems (White Pine Press, N.Y. 1991), gồm toàn bộ 58 bài thơ và thơ xuôi trích từ những tác phẩm tiêu biểu nhất của Tommy Olofsson, kể từ Elementära dikter,... Việc phân chia tập thơ thành bốn phần cùng với các tiểu đề là của dịch giả bản Anh văn, Jean Pearson, một nữ thi sĩ Hoa-kỳ ở bang Pennsylvania, gốc người Thụy-điển. Ghi chú này cũng được viết theo bài tựa của bà.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021