thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
"Sứ giả của ông Cogito" và những bài thơ khác
(Diễm Châu dịch và giới thiệu)
 
ZBIGNIEW HERBERT (1924-1998), «nhà thơ lớn nhất của Ba-lan ở thế kỷ XX», sinh ngày 29.10.1924 tại Lwów một thành phố lần lượt bị Nga, Đức chiếm đóng trước khi bị sáp nhập vào Liên Sô. Thân phụ là một luật sư, giám đốc ngân hàng và giáo sư kinh tế học. Ông có giòng máu Anh về họ nội và Arménie về họ ngoại, nhưng gia đình, về phương diện văn hóa, đã thuần Ba-lan từ nhiều thế hệ. Trong những năm cuối thế chiến II ông tham gia những hoạt động bí mật của Quân kháng chiến (không cộng sản) trong lúc theo học ngôn ngữ và văn chương Ba-lan tại một đại học bí mật. Khi thành phố quê nhà bị Hồng quân chiếm đóng ông sống tại Cracovie, nơi ông học vẽ được ít lâu nhưng đến năm 1947 thì tốt nghiệp...Viện Thương mại ở đây với bằng «Master» về kinh tế. Kế đó ông theo học luật và triết lý và nhiều ngành khác ở Torun và Varsovie. Vào những năm đầu sau chiến tranh ông liên hệ gần gũi với tuần báo Thiên chúa giáo Tygodnik Powszechny (Hoàn vũ tuần báo) và được biết tới như một nhà thơ và nhà phê bình văn nghệ. Năm 1951 ông tự ý xin ra khỏi Hội nhà văn Ba-lan cùng lúc với nhà thơ Miron Bialoszewski. Ấy là thời chủ nghĩa hiện thực xã hội cực thịnh. (Herbert trở lại với hội này vào năm 1956 trước khi vĩnh viễn rời bỏ hội vào 1982). Nhờ cấp bằng về kinh tế, Herbert kiếm sống bằng những nghề lặt vặt vào khoảng đầu những năm 1950. Ông trở thành một biên tập viên cho tờ báo kinh tế Przeglad Kupiecki ở Gdansk, thư ký ngân hàng, người coi cửa tiệm, người trông coi sổ sách trong một hợp tác xã,... Trong những năm Stalin, Herbert sống khá chật vật vì lương rất thấp. Sau khi Stalin chết, đời sống văn hóa ở Ba-lan dần dà được nới ra đôi chút và Herbert đã có dịp trở lại với sinh hoạt văn nghệ. Một hợp tuyển thơ do giới Thiên chúa giáo xuất bản có in một số thơ của ông vào năm 1954. Kế đó là tờ tuần báo Zycie Literacie (Sinh hoạt văn chương), trong một số tháng 12.1955. Năm sau (1956), tập thơ đầu tay của Herbert, Struna swiatla (Sợi dây ánh sáng), ra đời, được giới phê bình văn nghệ và công chúng rất tán thưởng. Danh tiếng Herbert ngày càng vang dậy với các tác phẩm kế tiếp: Hermes, pies i gwiazda (Hermes, chó và sao), 1957; Studium przedmiotu (Nghiên cứu đồ vật), 1961. Năm 1958, Herbert khởi sự một loạt những cuộc thăm viếng Tây Âu (phần lớn là ở Pháp và Ý) và xuất bản tại Pháp tập tùy bút nghệ thuật tựa là Barbarzynca w ogrodzie (Rợ trong Vườn), 1962. Tập thơ thứ tư của Herbert: Napis (Ghi khắc) xuất hiện vào năm 1969 và đến năm 1971, Thơ toàn tập (gồm bốn thi phẩm đầu tiên của Herbert) ra đời. Trước đó, năm 1970, Herbert cũng đã cho in một tập kịch tựa là Sân khấu. Tập thơ thứ năm của Herbert: Pan Cogito (Ông Cogito) xuất bản vào năm 1974 là một thành công lẫy lừng về nghệ thuật và «bán chạy chưa từng thấy» ở khắp nơi. Herbert tham gia bộ biên tập của tờ báo không kiểm duyệt Zapis (một trong hai tờ báo bí mật ở Ba-lan trước khi có công đoàn Đoàn kết; tờ kia là Puls). Những biến cố lịch sử diễn ra với các cuộc tranh đấu của công nhân Ba-lan. Her ert đứng về phía các công nhân ấy và tập thơ thứ sáu của ông, Raport z ottezonego miasta (Tường trình về một thành phố bị bao vây), ấn bản đầu tiên do các tù nhân ở nhà tù Rakowiecka, Varsovie in năm 1983 đã bị tịch thu. Năm 1990, tập thơ thứ bảy của Herbert, Elegia na odejscie (Bi ca cho cuộc khởi hành), ra đời ở Paris. Năm 1992 Herbert cho in tập tùy bút Martwa natura z wedzidlem (Tĩnh vật với một cái hàm thiết). Và cùng năm đó, nhà xuất bản Wydawnictwo Dolnóslaskie ở Wroclaw ấn hành tập thơ Rovigo. Nhưng Rovigo không phải là tập thơ chót của ông: năm 1998, năm Herbert mất, ở Varsovie xuất hiện một tập thơ có tựa đề: Kết cục của cơn giông tố. Theo Jacques Burko, môt dịch giả Pháp văn của Herbert, thì đây là thời kỳ Herbert đau nặng và do đó tập thơ này đã không được biên tập “tỉ mỉ như những tập trước, cần phải coi các bản nháp của Herbert để duyệt lại”. Nhưng Herbert không còn thì giờ để làm chuyện ấy: ngày 28.7.1998 ông mất tại Varsovie.
 
Zbigniew Herbert, người được mệnh danh là «nhà thơ của hài hước lịch sử», có lẽ là nhà thơ Ba-lan được đọc nhiều và yêu mến nhất trên thế giới hiện nay. Thơ và tùy bút nghệ thuật của ông đã được phiên dịch sang rất nhiều thứ tiếng. Nhiều giải thưởng văn chương quốc tế đã được trao tặng ông, trong đó có Giải Koscielscy, Thụy sĩ, 1964; Giải Nicolaus Lenau của quốc gia Áo, 1965; Giải A. Jurzykowski, Hoa-kỳ, 1965; Giải G. von Herder, Tây Đức, 1973; Giải Petrarque ở Verone, Ý, 1979; Giải Gabor Bethlen, Hung-ga-ri, 1987; Giải Bruno Schulz, Nữu-ước, Hoa-kỳ, 1989; giải Jerusalem, Israel, 1990; Giải Mieczyslaw Grydzewski của tạp chí Wiadomosci Literackie, Luân-đôn, 1991... Nhưng có lẽ, như để chiều theo danh hiệu trên (“nhà thơ của hài hước lịch sử”), Giải Nobel Văn chương, mà Herbert xứng đáng hơn ai hết ở Ba-lan, đã cố tình tránh né ông...
 
Những bài thơ sau đây được dịch theo các bản Anh văn của Czeslaw Milosz và Peter Dale Scott, John và Bogdana Carpenter và các bản Pháp văn của Alfred Sproede, Jacques Donguy và Michel Maslowski.
 
 
SỨ GIẢ CỦA ÔNG COGITO
 
Hãy đi về nơi những kẻ khác đã đi về giới ranh đen tối
vì tấm lông cừu bay bổng của hư không phần thưởng chót của ngươi
 
hãy đứng thẳng dậy và đi giữa những kẻ quỳ gối
giữa những kẻ quay lưng và những kẻ sụp đổ trong cát bụi
 
ngươi được cứu thoát không phải để sống
ngươi chẳng còn mấy chốc ngày giờ ngươi phải làm chứng
 
hãy can đảm khi lý trí suy yếu hãy can đảm
xét cho cùng chỉ có điều ấy là quan trọng
 
cơn phẫn nộ bất lực của ngươi hãy như biển
mỗi khi ngươi nghe tiếng những người bị hành hạ bị đánh đập
 
đừng bao giờ rời bỏ ngươi người anh em Khinh khi
đối với bọn chỉ điểm bọn hành hình bọn hèn nhát -- chúng sẽ thắng
chúng sẽ đi đưa ma ngươi chúng sẽ nguôi ngoai ném một cục đất
con mọt sẽ viết tiểu sử thích hợp của ngươi
 
và đừng tha thứ thật vậy không thuộc quyền hạn ngươi
chuyện tha thứ nhân danh những người bị phản bội lúc hừng đông
 
tuy nhiên hãy coi chừng sự kiêu hãnh không cần thiết
hãy xem xét trong gương khuôn mặt thằng hề của ngươi
hãy lặp lại: ta đã được kêu gọi -- lại chẳng có những kẻ khá hơn ta sao
 
hãy coi chừng sự khô khan của con tim hãy yêu dòng suối ban mai
con chim không rõ tên cây sồi mùa đông
 
ánh sáng trên một bức vách vẻ huy hoàng lộng lẫy của bầu trời
chúng không cần tới hơi thở ấm áp của ngươi
chúng có đó để nói: không có sự an ủi
 
hãy tỉnh thức - khi ánh sáng trên núi cao ra hiệu - hãy trỗi dậy và đi
bao lâu máu còn xoay trên ngực ngôi sao tăm tối của ngươi
 
hãy lặp lại những lời khẩn nguyện xưa của loài người những bài ngụ ngôn những chuyện truyền kỳ
bởi như thế thời ngươi sẽ đạt được điều tốt mà ngươi sẽ không đạt được
hãy lặp lại những lời cao cả hãy lặp lại thật kiên trì
như những kẻ băng qua sa mạc và chết trong cát
 
vì điều ấy chúng sẽ thưởng cho ngươi bằng những gì chúng nắm trong tay
bằng trận roi nhạo cười bằng chuyện giết người vứt trên đống rác
 
ngươi hãy đi vì chỉ bằng cách ấy ngươi sẽ được gần gụi những cỗ sọ lạnh lẽo
gần gụi tổ tiên ngươi: Gilgamesh Hector Roland
những người bảo vệ vương quốc không hạn giới và đô thị tro
 
Hãy trung thành Đi
 
 
DỤNG CỤ ĐỂ GÕ
 
Có những người trồng
những khu vườn trong đầu mình
những lối mòn khởi đi từ mái tóc
tới những đô thị ngập nắng và trắng
 
đối với họ viết thật dễ
họ nhắm mắt
lập tức những hình ảnh lũ lượt
từ trán họ tuôn xuống
 
tưởng tượng của tôi
là một tấm ván
khí cụ duy nhất của tôi
là một cây gậy
 
tôi đập vào tấm ván
nó trả lời tôi
có – có
không – không
 
với những người khác ấy là cái chuông xanh lục của một tàng cây
cái chuông màu thiên thanh của nước
tôi có một dụng cụ để gõ
từ những khu vườn không được bảo vệ
 
tôi nện lên tấm ván
và nó nhắc nhở tôi
bằng bài thơ khô khỏng của nhà đạo đức
có – có
không – không
 
 
ĐÁ CUỘI
 
Đá cuội
là một tạo vật hoàn hảo
 
ngang bằng với chính bản thân
ý thức những hạn giới của mình
 
tràn đầy thật chính xác
một nghĩa đá
 
với một mùi hương không nhắc nhở gì hết
không làm hoảng sợ chẳng khơi dậy thèm thuồng
 
sự nồng nàn và tươi mát của đá
thật chính đáng và đầy phẩm cách
 
tôi cảm thấy ân hận nặng nề
khi nắm lấy đá trong tay
và thân xác cao quý của đá
bị thấm nhiễm một hơi ấm giả mạo
 
      – Đá cuội không thể thuần hóa
      cho tới phút chót chúng vẫn nhìn chúng ta
      bằng một con mắt bình thản rất trong
 
 
CĂN BUỒNG CÓ ĐỒ ĐẠC
 
Trong căn buồng này có ba chiếc va-ly
một cái giường không phải của tôi
một tủ gương với mặt gương bị hư hại
 
khi tôi mở cánh cửa
các đồ vật sững lại
tôi chợt thấy một mùi quen thuộc
của mồ hôi mất ngủ và chăn mền
 
một bức tranh ở trên tường
vẽ hình núi lửa Vésuve
với một chùm khói nhỏ
 
tôi chưa bao giờ thấy núi Vésuve
tôi không tin ở những núi lửa còn hoạt động
 
một bức tranh khác
họa cảnh trong nhà người Hà-lan
 
trong khoảng mờ tỏ
những bàn tay phụ nữ
nghiêng một cái hũ
nơi chảy ra một dòng sữa
 
trên bàn một con dao con một chiếc khăn bàn nhỏ
bánh mì cá một bó hành
 
đi theo ánh sáng vàng óng
ta leo lên ba bậc
qua cánh cửa hé mở
thấy một ô vườn
 
những chiếc lá tràn đầy ánh sáng
những bóng chim nâng đỡ ánh ngày êm dịu
 
một thế giới phi thực
ấm như bánh nóng
ánh vàng như trái táo
 
lớp dán tường đã cũ
đồ đạc như hằn thù
ánh gương mờ đục trên vách
nội cảnh thực là thế
 
trong căn buồng tôi
căn buồng có ba chiếc va-ly
ánh ngày tan biến
trong một vũng mơ.
 
 
CÁC TỔ PHỤ CỦA VÌ SAO
 
Những chiếc đồng hồ chạy bình thường, họ chỉ chờ
phản ứng giây chuyền phát động để xem chuyện có tiếp tục kế đó
trên đường cong chỉ sự hiện diện của thuốc mê trên tờ giấy
họ bình thản và tự tin giam mình trong ngọn tháp những tính toán của họ
giữa những núi lửa êm dịu dưới sự canh gác của chì
phủ trùm những lồng kiếng im lặng và một bầu trời không bí ẩn
những chiếc đồng hồ chạy bình thường vậy thời cuộc nổ bùng đã diễn ra
 
với chiếc nón kéo xuống thật thấp trên trán họ ra đi
các tổ phụ của vì sao trôi nổi trong áo quần họ
họ nghĩ tới con diều của tuổi thơ sợi dây căng thẳng rung rung trong tay
và lúc này tất cả những chuyện đó đã thật xa
những chiếc đồng hồ làm việc cho họ họ chỉ còn
như một kỷ niệm của cha họ đường mạch già nua ánh bạc của mình
 
buổi tối ở ngôi nhà cạnh một khu rừng không muông thú cũng chẳng có những cụm dương xỉ
với một lối mòn bằng bê-tông và một con cú điện tử
họ sẽ đọc cho bầy trẻ câu chuyện Dédale*
người Hy-lạp ấy có lý y chẳng muốn trăng cũng chẳng muốn sao
y chỉ là một con chim y tuân theo quy luật tự nhiên
và mọi sự y tạo ra đã bước theo y như muông thú
và như một tấm áo khoác y mang trên lưng đôi cánh và định mệnh của y.
 
---------------------------------------------------------------------------------------
* Kiến trúc sư Hy lạp, kẻ xây dựng mê lộ Crète nơi giam giữ quái vật Minotaure. Chính ông cũng bị giam giữ tại đó theo lệnh của Minos, nhưng đã thoát ra được nhờ làm cánh bằng lông chim và sáp
(ghi chú của dịch giả)
 
 
THỨC GIẤC
 
Khi nỗi âu lo đã rơi xuống đèn rọi đã tắt
chúng tôi khám phá ra mình đang nằm trên bãi rác công cộng với những bộ điệu rất kỳ quặc
 
có những kẻ cái cổ vươn ra
những kẻ khác miệng há hốc bài diễn văn yêu nước vẫn còn tuôn chảy
 
những kẻ khác nữa nắm tay siết chặt đập vào những con mắt
bị co rút quá mức và căng thẳng thật thương cảm
chúng tôi còn trên tay những mẩu tôn và những chiếc xương
(ánh sáng đèn rọi đã biến chúng thành biểu hiệu tượng trưng)
nhưng lúc này các thức đó chỉ còn là những mẩu xương và tôn
 
chúng tôi không biết đi đâu chúng tôi ở lại trên bãi rác
chúng tôi sắp xếp lại ngay ngắn
chúng tôi đặt lại những mẩu xương và tôn vào văn khố
 
chúng tôi nghe những tiếng ríu rít của tầu điện những tiếng chim sơn ca của các nhà máy
và một cảnh đời mới trườn đi dưới đôi chân chúng tôi
 
 
PHÓNG SỰ TRỰC TIẾP TỪ THIÊN ĐƯỜNG
 
Ở thiên đường tuần làm việc có ba mươi giờ
lương tháng cao hơn và giá cả bao giờ cũng hạ
công việc chân tay không mỏi mệt vì hấp dẫn lực yếu hơn
việc đốn cây cũng tựa như gõ máy chữ
chế độ xã nghĩa ở đây ổn định và người ta cai trị sáng suốt
quả thực ở thiên đường khá hơn là ở bất cứ xứ nào hết
 
Vào buổi ban đầu thời chuyện hẳn đã phải khác
phạm vi chói sáng của các dàn đồng ca và những cấp độ của trừu tượng
nhưng người ta đã không tách được thật chính xác
xác với hồn và hồn đã tới đây
với một giọt mỡ một sợi gân
từ đó cần phải rút ra những kết luận
pha trộn hạt tuyệt đối với hạt đất sét
hãy còn một khiếm khuyết đối với học thuyết khiếm khuyết cuối cùng
hơn nữa thánh Giăng* cũng đã dự liệu: ta sẽ sống lại cùng với thân xác
 
Một số nhỏ những người được tuyển chọn nhìn ngắm Thượng đế
nhưng chuyện ấy chỉ dành cho những kẻ có đầu óc tinh tuyền
số còn lại lắng nghe những bản thông cáo về các phép mầu và hồng thủy
trong tương lai hết mọi người đều có thể nhìn ngắm Thượng đế
nhưng khi nào chuyện đó xảy ra thời không một ai biết
 
Trong lúc này thời thứ Bảy đúng ngọ
những hụ còi hú lên nhè nhẹ
và những người vô sản của các tầng trời bước ra khỏi nhà máy
vụng về kẹp dưới tay đôi cánh tựa những chiếc vĩ cầm
 
--------------------
* Saint Jean.
(ghi chú của dịch giả)
 
 
CHIẾC ĐỒNG HỒ
 
      Bao lâu trong chiếc đồng hồ chỉ có một con kiến hay hai hay ba, mọi sự đều bình thường và không có gì đe dọa thời gian của chúng ta cả. Tệ nhất thời người ta vẫn có thể đem đồng hồ đi lau chùi, vả lại chuyện ấy thật phi lý. Nếu như loài kiến đã vô ở, thì không thể nào làm chúng biến đi được. Chúng không thể nhìn ra dưới mắt thường, đỏ và rất háu ăn.
      Sau một thời gian nào đó, chúng bắt đầu sinh sôi nẩy nở rất mau chóng. Có thể nói một cách hình tượng là chúng ta không còn mang trên cổ tay một chiếc đồng hồ nữa mà là một ổ kiến. Chúng ta nhầm lẫn công việc của những chiếc hàm háu ăn với những tiếng tích tắc.
      Trong khi tìm kiếm thức ăn kiến cướp bóc những mạch máu của chúng ta. Chiều lại chúng ta thường rũ ra từ những vết gấp áo quần những hạt máu hung hung.
      Khi công việc của kiến đã mãn, chiếc đồng hồ nói chung thường ngừng lại. Nhưng ta vẫn có thể di tặng cho con cháu. Lúc đó thời tất cả lại bắt đầu lại.
 
 
ÔNG COGITO NGHĨ TỚI CHUYỆN TRỞ LẠI THÀNH PHỐ NƠI ÔNG SINH
 
Nếu như ta trở lại đó
có lẽ ta cũng chẳng tìm ra
cả đến một chiếc bóng của nhà ta
hay hàng cây thời nhỏ
hay cây thập tự với tấm bảng sắt
chiếc ghế dài nơi ta thì thầm những câu ước thệ
những hạt dẻ và máu
hay chỉ một điều duy nhất thuộc về chúng ta
 
tất cả những gì còn lại
chỉ là một phiến đá lót hè đường
với một vòng tròn vẽ bằng phấn
ta đứng ở chính giữa
một chân
vào lúc trước khi nhảy
 
ta không thể lớn lên
dù năm tháng đi qua
và các hành tinh và những cuộc chiến tranh
gầm thét ở bên trên
 
ta đứng ở chính giữa
trơ trơ như pho tượng
chỉ một chân
trước khi nhảy vào chung cục
 
vòng phấn trở thành đỏ
như máu cũ
trong lúc khắp chung quanh
những đống tro lớn dần lên
tới mãi đôi vai ta
tới mãi miệng ta.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021