thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những khó khăn chủ yếu | Nghĩa vụ | Mọi chuyện tuỳ thuộc vào cá nhân | Tự do | Khi anh thấy một đám đông, hãy mau trở về nhà | Một người nào
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
JULIAN KORNHAUSER
(1946~)
 
Julian Kornhauser (1946~) sinh ở Gliwice, dạy tại Khoa ngôn ngữ Slave, Đại học Jagellonian ở Cracow, là một nhà thơ, tiểu thuyết gia, nhà phê bình văn học nổi tiếng ở Ba Lan. Ông bắt đầu in thơ năm 1972, và từ đó đã cho xuất bản nhiều tác phẩm, từ thơ đến tiểu thuyết, tiểu luận và các công trình biên khảo về các nền văn học Slave phía nam – đặc biệt là các biên khảo và dịch thuật về văn học Nam tư, Bungari...
 
Kornhauser là một trong những người sáng lập nhóm Teraz, một gương mặt đại biểu của “Thế hệ 68”, “Đợt sóng mới” (“Nowa Fala” — gồm những nhà văn nhà thơ ra đời sau Thế chiến II, khởi sự viết vào cuối những năm 60, đầu những năm 70) sáng chói trong những năm 70, và về sau đứng trong hàng ngũ những nhà văn chống đối chính quyền cộng sản.
 
Tác phẩm Kornhauser bắt nguồn từ những kinh nghiệm cá nhân (gia đình, xã hội...) và cho thấy một nhân cách được hình thành như thế nào trong bối cảnh chính trị của một thời đại — lúc nào cũng đậm một dấu ấn ý thức công dân, một yêu cầu bảo vệ những giá trị cơ bản của con người, nhưng không vì vậy mà không biểu hiện những tính cách và kinh nghiệm tư duy cá nhân mạnh mẽ, toát ra một óc tưởng tượng độc đáo phong phú những hình ảnh siêu thực, trên nền một thứ ngôn ngữ rất tượng trưng. Cuốn sách gây nhiều tranh cãi ông in chung với Adam Zagajewski năm 1974, Thế giới không được có chân dung (được coi như một thứ tuyên ngôn của “Nowa Fala”), chủ trương một sự trở về với thực tại và “nói thẳng nói thật” trong văn học Ba Lan.
 
Trong số những tác phẩm của ông có thể kể: Thơ — Và những kẻ lười biếng sẽ có Bữa tiệc của mình (Warsaw, 1972), Trong các Nhà máy Chúng ta làm như là Những người Cách mạng buồn (Cracow, 1973), Sát nhân (Cracow, in không qua kiểm duyệt, 1973), Những Người ăn Khoai tây (Cracow, 1978), Tình trạng khẩn cấp (Warsaw, 1978), Điều kiện Đặc biệt (1978), Khó khăn cơ bản (Warsaw, 1979), Mỗi ngày tới (Crakow, 1981), Hurrraaa! (Crakow, 1982), Một trật tự khác (Oficina Literacka, 1985), Cho chúng ta, với chúng ta (Czytelnik, 1985), Đã có và đã mất [hay Đã đến và đã đi] (Nowy Swiat, Warsaw 2001); Tiểu thuyết — Một vài Giây lát (Krakow, 1975) Người Cung cấp Ý tưởng (Krakow, 1980), Nhà, những Giấc mơ và những Trò chơi tuổi thơ: một truyện kể tình cảm (Znak, 1995); Tiểu luận — Thế giới không được có chân dung (với Adam Zagajewski, 1974); Từ Huyền thoại đến Sự kiện Cụ thể (1978).
 
 

Những khó khăn chủ yếu

 
bài thơ là gì — cái nôi của một ý nghĩ bình thường
một toà lâu đài màu đất son trên ngọn đồi vô hình
một tờ sách héo úa gió hất tung lên
bài thơ là gì — dấu ấn của ký ức
tấm bản đồ bộ tham mưu hơi thở hổn hển
một khoảnh khắc ánh sáng không đáng kể
ta thật quả không biết gì
ta không biết những câu thơ có còn bất tử chăng
nếu chúng giúp con người sống
 
 
 

Nghĩa vụ

                   Tưởng niệm Janusz Korczak*
 
Thật là đơn giản
làm việc phục vụ người khác và biết giúp đỡ họ
chắp cánh cho giấc mơ của một cậu bé
quì xuống để có thể nghe cái chết rỉ tai
biết hết mọi bí ẩn
không sợ trống rỗng không sợ cả bất định
thế giới cứ thế nhất định quên nghĩa vụ của mình:
chuyển sự bận rộn của con người
thành một tiếng hát êm ái
 
--------
* Janusz Corczak là một nhà tâm lý học, nhà giáo dục và nhà văn nổi tiếng Ba Lan, từng hiến trọn đời mình cho thế giới trẻ em. Năm 1940, khi viện mồ côi dành cho các trẻ em Do thái do ông điều hành ở Varsovie bị quân chiếm đóng chuyển vào một khu biệt cư, ông đã theo các em về đây, đã khước từ mọi đề nghị đưa ông đến sống ở những nơi an toàn và trong lần chuyển trại sau cùng ngày 5 tháng 8.1942, ông đã tình nguyện đi theo các em vào trại tử thần Treblinka.
 
 

Mọi chuyện tuỳ thuộc vào cá nhân

 
Con người vừa đạt một thành tích cao hơn
người sử dụng máy nói
trong quá khứ nếu có cái gì thiếu hoặc có cái gì không ổn
người ta trách cứ nhà nước chính phủ
bây giờ người ta lại thấy mọi chuyện tuỳ thuộc vào cá nhân
bởi vì nếu một căn hộ chung cư có tường bị cong
hay bàn ghế rời từng mảnh
lỗi dù sao cũng không phải của nhà nước
mà là của người đã sản xuất ra những thứ đó
 
 
 

Tự do

 
Trong cuốn sổ tay của tôi tôi chỉ
có một trang trắng.
Tôi chỉ còn viết được
một câu thôi.
Tôi cân nhắc một lúc lâu,
rốt cuộc tôi quyết định
một hoàn cảnh như thế hạn chế
tự do của tôi và tôi ném bỏ
cuốn sổ tay của tôi với một trang
sách chưa hề viết.
 
 
 

Khi anh thấy một đám đông, hãy mau trở về nhà

 
Khi anh thấy một đám đông, hãy mau mau trở về nhà,
bởi nó sẽ đưa anh tới một quốc gia khói lửa,
nó sẽ đè nén hơi thở anh, sẽ nhốt luôn anh trong
tình trạng không nơi nương tựa, mở những cửa tiệm
                                                                 bán tim. Ở nhà
chủ nghĩa chống cộng đang đợi anh, một phòng chứa
                                                                            thức ăn
đầy những đồ tiếp tế cho mùa đông. Không qua bên tả,
cũng không qua bên hữu, ông cha chúng ta đã cảnh cáo,
                                                                                 bởi
là người đã kinh qua hai cuộc chiến tranh và biết mình
                                                                        đang nói gì.
Thật ra, nếu có người đang chết ở một thành phố nào đó
anh tình cờ đang viếng thăm khi nghỉ phép, anh có thể
yên ổn ngồi xuống ăn một bữa ăn trưa dân chủ
và chờ xem. Nếu cần hãy tuyên bố một cuộc tuyệt thực.
 
 
 

Một người nào

 
tôi còn có một người nào hay tôi bị bỏ lại có một mình
với tôi với những lẩn tránh những uyển ngữ những nỗi sợ
                                                                                   của tôi
có ai gánh trách nhiệm giùm tôi
tôi cố tự mình đặt những kế hoạch phác thảo tương lai
đặt mốc cho mọi thứ tôi có còn tin được người nào
có phải tôi chỉ cần ra lệnh cho tôi coi chừng
những lời nói dối của chính mình tôi có thể tin cậy ở một
                                                                            người nào
tôi có phải gắn dính vào mình những thất bại và những
                                                                           băn khoăn
tôi có còn người nào bên cạnh tôi tôi có thể
lo lắng cho sức khoẻ của chính tôi có người nào có thể
                                                                               về phe
với tôi tôi có thể đứng vững và bảo vệ
cái đạo đức giả cái trống rỗng và tuyệt vọng của chính tôi
 
--------------
“Những khó khăn chủ yếu” và “Nghĩa vụ” dịch từ bản tiếng Pháp” Les difficultés essentielles” và “Obligation” của Lucienne Rey và Gérard Gaillaguet trong Témoins — Quarante-quatre poètes Polonais contemporains 1975-1990, Nxb. Les Ateliers du Tayrac, 1997. Bản Việt ngữ “Mọi chuyện tuỳ thuộc vào cá nhân”, “Tự do”, “Khi anh thấy một đám đông hãy mau trở về nhà” và “Một người nào” từng xuất hiện trong Thơ mới Ba Lan, Hoàng Ngọc Biên dịch và giới thiệu, 160 trang, Nhà xuất bản Trình bầy, 1993.
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021