thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bốn bài thơ
Bản dịch Diễm Châu
 
 
IVAN WERNISCH
(1942~)
 
 

ĐÔI MẮT

 
Tôi đã nghĩ rằng không có chỗ trên xà-lan.
Trong ngăn kéo có chiếc chìa khóa cái tủ áo tôi đã mở
để khám phá ra một tấm gương ở mặt sau cánh cửa.
Tôi đã muốn nhìn đôi mắt tôi, đôi mắt ấy màu xanh trời
và màu xanh lá,
chúng buồn,
xanh lá và xanh trời
và chằng chịt những xà-lan.
 
 

ĐI DẠO QUANH HÃNG BIA

 
Đi dọc theo bức tường rồi quẹo trái
dọc theo bức tường rồi quẹo trái dọc
 
theo bức tường dọc theo bức tường rồi quẹo trái
dọc theo bức tường
 
mùi bia chưa lên men nhạt dần
bụi bốc lên
mùi bia chưa lên men nhạt dần
buổi chiều hãy còn xa
dọc theo bức tường quẹo trái rồi quẹo trái dọc
theo bức tường
 
đi dọc theo
đi dọc theo
 
tới mãi tận ngôi nhà dưới ấy
với những khu vườn đã vùi chôn
đã vùi chôn
 
 

HÔM QUA TRONG CÙNG MỘT CON PHỐ NÀY

 
                                     Tặng Pavel Šrut
 
Hôm qua trong cùng một con phố này
đằng sau tấm kính của quán ăn ở nhà ga
những người say đứng như hôm nay
Và tuyết sa thật lạ
đêm rơi thật lạ
tất cả thật buồn
buồn hơn thường lệ
Phải chăng vì hôm ấy là hôm qua
 
 

* * *

 
Rừng
chờ đợi. Rừng già
diễu cợt
Hãy tới, hãy tới kiếm
Ở đâu đó không biết nữa
Người ta đã giấu y ở đó, ai kìa
Có điều gì đó không biết nữa
Hãy kiếm, hãy kiếm
 
Dưới lòng khe
hãy tìm cánh cửa
giữa những chiếc rễ
 
Ở đó có những cái hang
nơi ta bước xuống
qua những bậc thang dài bằng đá
 
Những cái hang sâu thẳm
và ở bên trong
những bước chân mi
hơi thở mi
và một tiếng cười của kẻ xa lạ
 
 
-----------------------
Ghi chú về tác giả :
IVAN WERNISCH sinh năm 1942 tại Praha. Được nhìn nhận ngay từ hồi khởi nghiệp của ông, vào năm 1961, như một nhà thơ quan trọng, Wernisch đã xuất bản năm thi tập tính đến năm 1970. Trong thời kỳ “bình thường hóa”, bị cấm xuất bản và mất việc (nhà báo). Phải kiếm cách sinh nhai bằng những nghề rất khác nhau, dịch các nhà thơ tiếng La-tinh, tiếng Đức và Nga và, dưới bút hiệu Václav Rozehnal, đã xuất bản sáu tập sách theo lối samizdat. Sau 1989, ông cộng tác với báo Literárni noviny và cho in những bài thơ, những câu cách ngôn, những bài văn xuôi trào phúng, những đoản kịch một hồi và một tuyển tập trong đó có mặt gần tám trăm nhà thơ Tiệp từ 1850 đến 1940 – “những nhà thơ bị quên lãng, lơ là hay bi coi khinh”.
 
Bản dịch những bài trên dựa theo các bản Pháp văn của Xavier Galmiche, Petr Král và Patrick Ourednik.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021