thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Dưới một vì sao nhỏ (II)
(Diễm Châu dịch)
 
THỬ NGHIỆM
 
Trong một cuốn phim ngắn trước một cuốn phim truyện,
trong đó các diễn viên đã làm hết cách
để khích động tôi và khiến tôi cười,
họ đã đưa lên màn ảnh một cuộc thử nghiệm lý thú
với một cái đầu.
 
Mới một lúc trước
cái đầu nọ còn thuộc về ***,
lúc này nó đã bị chặt,
hết thảy chúng tôi đều có thể thấy là nó không có thân mình.
Các ống dẫn của một cơ quan đeo lủng lẳng từ sau gáy,
đảm bảo việc cung cấp máu.
Cái đầu nọ
vẫn mạnh.
 
Không biểu lộ sự đau đớn hoặc cả đến ngạc nhiên,
hai mắt nó đưa theo một bó đuốc di động:
ngẩng đầu lên khi một tiếng chuông reng.
Với cái mũi ướt nó có thể phân biệt
mùi thịt mỡ với vật vô-sinh không mùi
và liếm láp chính mình với một sự khoan khoái thật hiển nhiên,
nó nhểu ra sự tôn kính đối với khoa sinh lý học.
 
Một cái đầu trung thành như loài chó,
một cái đầu xứng hợp như loài chó,
khi được vuốt ve, nó lim dim hai con mắt
bởi tin chắc rằng mình vẫn còn là thành phần của một toàn bộ
nó buông thả sống lưng khi được chiều chuộng
và vẫy đuôi.
Tôi đã nghĩ về hạnh phúc và cảm thấy sợ.
Là vì nếu như cuộc đời chỉ có bấy nhiêu thôi,
thời cái đầu kia
quả là hạnh phúc.
 
                                                        1976
 
 
NHỮNG CHỌN LỰA
 
Tôi ưa xi-nê.
Tôi ưa mèo.
Tôi ưa những cây sồi bên dòng Warta.
Tôi ưa Dickens hơn Dostoyevski.
Tôi ưa tôi yêu người
hơn là tôi yêu nhân loại.
Tôi ưa có kim chỉ kề bên.
Tôi ưa màu xanh tươi.
Tôi ưa mình không nói
rằng lý trí chịu trách nhiệm về mọi sự.
Tôi ưa những ngoại lệ.
Tôi ưa ra đi sớm.
Tôi ưa chuyện gẫu với các bác sĩ về những chuyện nhỏ nhặt.
Tôi ưa những tấm hình minh họa cũ kỹ đã nhạt màu.
Tôi ưa mình kỳ cục hí hoáy viết những bài thơ
hơn là mình kỳ cục mà không viết gì hết.
Tôi ưa những ngày kỷ niệm dễ thương
những ngày kỷ niệm mừng hết mọi ngày.
Tôi ưa các nhà đạo đức
không hứa hẹn gì hết với tôi.
Tôi ưa sự tử tế vén khéo hơn là những trò tạp lục ngây ngô.
Tôi ưa trái đất này không có những bộ đồng phục.
Tôi ưa những dân tộc bị đánh bại hơn là những dân tộc đánh bại người ta.
Tôi ưa giữ chỗ trước.
Tôi ưa chốn địa ngục của hỗn loạn hơn là cảnh địa ngục của trật tự.
Tôi ưa truyện cổ của Grimm hơn là những hàng tựa nhật trình.
Tôi ưa những chiếc lá không hoa hơn là những bông hoa không lá.
Tôi ưa những con chó có đuôi không tỉa tót.
Tôi ưa những đôi mắt sáng vì mắt tôi màu sậm
Tôi ưa những ngăn kéo.
Tôi ưa nhiều điều không kể tới ở đây
hơn nhiều điều khác cũng không được kể tới.
Tôi ưa những con số 0 ở rải rác thật tình cờ
hơn là những con số 0 sắp ngay ngắn thành hàng
Tôi ưa một thời của ruồi nhặng hơn một thời của các vì sao.
Tôi ưa chạm tới gỗ.
Tôi ưa mình không hỏi còn bao lâu nữa và khi nào.
Tôi ưa suy xét về khả năng lựa chọn
rằng có nhiều cách sống.
 
 
TRA TẤN
 
Chả có gì thay đổi.
Một thân xác cảm thấy đau đớn,
nó phải ăn phải ngủ và hít thở khí trời,
nó có da mỏng với máu ở bên dưới,
nó có một số đáng kể những đầu móng và răng,
xương nó dễ gãy, những chỗ nối hoàn toàn gập lại được.
Tất cả những điều này đều có ý nghĩa khi tra tấn.
 
Chả có gì thay đổi.
Một thân xác đau đớn như đã từng đau đớn
trước và sau khi thành lập thành La-mã,
vào thế kỷ hai mươi trước và sau Đức chúa Ki-tô.
Tra tấn lúc nào cũng vậy, chỉ có thế giới là co rút và
hết mọi sự đang xẩy ra bao giờ cũng có ở nơi khác.
 
Chả có gì thay đổi.
Chỉ có thêm người ta,
những trò xúc phạm mới cộng thêm với những trò cũ,
có thật, được coi như có thật, tạm thời và không hiện hữu
thế nhưng tiếng la thét một thân xác đáp trả
đã, đang và sẽ thật vô tình
ở cùng một âm giai, ở cùng một khóa cũ kỹ.
 
Chả có gì thay đổi.
Có chăng là phong tục, lễ nghi, điệu vũ,
chứ cái động tác che đầu thời vẫn thế.
Một thân xác co rúm, vặn vẹo, vùng vẫy
sập xuống và oằn lại khi can trường bị hạ gục,
đen lại, phình lên, phun đờm rãi và ộc máu.
 
Chả có gì thay đổi.
Ngoại trừ hình thù của các biên giới,
đường phân ranh rừng rú, bờ biển, sa mạc, đảo băng.
Trầm tư trong những quang cảnh như thế,
linh hồn tới rồi đi, chấp chới gần rồi xa,
một kẻ lạ mặt với chính bản thân, không thể hiểu rõ được,
có lẽ cũng chẳng chắc chắn về sự hiện hữu của mình nữa,
trong lúc thân xác vẫn có đó, có đó, có đó
và không biết đi đâu.
 
                                                        1986
 
 
MỘT Ý KIẾN VỀ CHUYỆN DÂM THƯ
 
Không có sự trụy lạc nào tệ hơn suy tưởng.
Sự phóng túng này tràn lan như một giống cỏ dại mà gió đem tới
trên một luống đất dành cho một thứ hoa màu rực rỡ. *
 
Đối với những kẻ suy tưởng, không có gì là thánh thiêng.
Trâng tráo gọi mọi sự bằng tên của chúng,
những phân tích gian tà, những tổng hợp hào nhoáng,
sự theo đuổi như điên dại và phóng đãng những sự kiện trần truồng,
sự nâng niu đầy thèm muốn những đề tài nhạy cảm
một vùng đất sinh sôi nảy nở cho những ý kiến – ấy đúng là những gì họ theo đuổi.
 
Vào một ngày trong trẻo hay dưới bóng tối phủ che,
họ hợp lại cặp đôi, tụ ba và quây vòng.
Không gò bó về tuổi tác hay phái tính của những người cùng hội.
Bạn bè làm hư hỏng bạn bè.
Những đứa con gái suy hóa làm đồi bại cha chúng.
Đôi mắt bọn họ lừ sáng, gò má đỏ rực.
Một thằng anh giắt mối cho con em gái.
 
Bọn họ ưa cái trái
của cây hiểu biết đã bị cấm đoán
hơn những thứ ngốc nghếch hồng hồng nằm trên những tập báo hình –
cái thứ khiêu dâm chủ yếu là ngô nghê ấy.
Những cuốn sách giải trí họ không có hình.
Cái thú độc nhất của họ là những câu đặc biệt
được ghi dấu bằng móng tay cái hay bút chì màu.
 
Ở những vị thế mới chướng mắt làm sao
với sự bình dị quá ư là suồng sã
đầu óc có thể thấm nhiễm vào đầu óc!
Những vị thế cả đến kinh Kama Sutra cũng chưa biết.
Trong những cuộc hò hẹn ấy chỉ có trà tỏa hơi nóng.
Bọn họ ngồi trên ghế, mấp máy đôi môi.
Từng người một vắt tréo ống chân mình.
Và như thế một bàn chân chạm đất,
bàn chân kia thong thả đu đưa.
Nhưng lâu lâu lại có ai kia đứng dậy
bước ra cửa sổ
và qua một khe hở trong tấm màn
trông chừng đường phố.
 
                                                        1986
---------------------------------------
* «begonias» trong bản Anh văn. (người dịch)
 
 
TẤM HÌNH CHỤP ĐẦU TIÊN CỦA HITLER
 
Đứa nhỏ mặc chiếc áo ngắn tay này là ai thế?
Ủa, thằng nhỏ Adolphe, con nhà Hitler đó!
Có lẽ nó sẽ trở thành một ông tiến sĩ Luật?
Hay giọng nam cao nhất của nhà hát Đại nhạc kịch ở Vienne?
Cái bàn tay nho nhỏ này, cái vành tai xinh xắn này là của ai thế?
Cái bụng nhỏ đầy sữa này là của ai, ta chưa biết:
là của một người thợ in, một ông hội đồng, một thương gia, một vị linh mục?
Những bàn chân nho nhỏ hết sức dễ thương này sẽ đi đâu, đi đâu?
Tới vườn trẻ, nhà trường, bàn giấy, đám cưới
có lẽ với cô con gái ông thị trưởng?
 
A em bé của tôi, thiên thần của tôi, cục cưng của tôi, con cừu non của tôi
cách đây một năm khi nó mới ra đời,
đã không thiếu những dấu hiệu ở trên trời và dướt đất:
nào mặt trời xuân tươi, bông phong lữ thảo ở những khung cửa sổ,
nào quản cầm quay ở dưới sân,
một lời tiên đoán điềm lành trên một tấm giấy hồng,
ngay trước khi sinh giấc mơ báo trước của người mẹ:
nhìn thấy một con bồ câu trong mơ – tin may mắn
bắt được nó – người khách từng trông đợi bấy nay sẽ tới.
Cốc cốc, ai đó, ấy là trái tim nhỏ của Adolphe đang đập.
 
Núm vú cao su, tấm tã bọc quanh, yếm dãi, cái đồ chơi rung rung
đứa nhỏ, nhờ trời, mạnh giỏi
nó giống như cha mẹ, như con mèo trong chiếc ổ,
như những đứa trẻ của hết mọi tập ảnh gia đình khác.
ồ không, lúc này đừng khóc
ông thợ chụp hình trùm tấm màn đen sắp bấm kích cắc
Tiệm chụp hình Klinger, đường Grabenstrasse ở Braunen,
Braunen là một thành phố nhỏ nhưng đàng hoàng,
những nhà thủ công nghệ đứng đắn, những người láng giềng lương thiện,
mùi bột làm bánh ngọt và xà-phòng đen.
Không nghe tiếng chó hú hoặc những bước chân của định mệnh.
Ông thày dạy môn lịch sử nới cổ áo
và nghiêng mình trên những tập vở, ngáp.
 
                                                        1986
 
 
THẾ KỶ TÀN
 
Thế kỷ XX của chúng ta lẽ ra đã phải khá hơn là những thế kỷ khác.
Điều ấy nó sẽ không còn thời gian để chứng tỏ,
những năm tháng của nó chẳng còn được bao nhiêu,
bước chân nó lảo đảo
hơi thở nó ngắn.
 
Đã xẩy ra quá nhiều chuyện
chẳng bao giờ nên xẩy ra
và những gì lẽ ra phải tới
đã chẳng hề tới.
 
Lẽ ra ta đã phải tiến tới mùa Xuân
và hạnh phúc, giữa những điều khác.
 
Lo sợ lẽ ra đã phải rời bỏ mọi miền núi non và thung lũng.
Sự thật mau hơn là dối trá
lẽ ra đã phải chạy tới đích.
 
Một số điều bất hạnh lẽ ra không được xẩy tới nữa
chẳng hạn chiến tranh
và đói khát, và kế tiếp là những điều tương tự.
 
Lẽ ra người ta rốt cuộc đã phải tôn trọng
sự dễ bị tổn thương của những kẻ không đủ tự vệ,
sự tin cẩn, vân vân.
 
Kẻ từng muốn vui hưởng thế giới
lúc này đứng trước một trách vụ
không thể nào thực hiện.
Chuyện rồ dại thật là đáng chán.
Sự khôn ngoan chẳng có gì vui.
 
Niềm trông đợi
chẳng còn là người thiếu nữ nọ
và vân vân và vân vân, thật không may.
 
Lẽ ra Thượng đế rốt cuộc đã phải tin ở con người
tốt lành và mạnh mẽ,
nhưng tốt lành và mạnh mẽ
vẫn mãi mãi là hai kẻ khác nhau.
 
Làm sao sống – có ai đó đã hỏi tôi trong một lá thư,
ai đó mà tôi cũng đã toan hỏi
cùng một câu ấy.
 
Lại một lần nữa và như vẫn thế,
như người ta có thể thấy trên đây,
không có những câu hỏi nào khẩn thiết hơn
là những câu hỏi thật ngây ngô.
 
                                                        1986
 
 
NHỮNG ĐỨA CON CỦA THỜI ĐẠI NÀY
 
Chúng ta là những đứa con của thời đại này,
thời đại này là thời đại chính trị.
 
Hết mọi công chuyện ngày đêm
của anh/ chị, của hắn của chúng ta
đều là chuyện chính trị.
 
Dù anh/ chị có thích hay không
các yếu tố di truyền của anh/ chị vẫn có một tương lai chính trị
màu da của anh/ chị vẫn là màu chính trị
đôi mắt của anh/ chị có một kích thước chính trị.
Bất cứ điều gì anh/ chị nói đều có tiếng vang của nó
bất luận điều gì anh/ chị nín thinh
cũng vẫn là chính trị
 
Những bài thơ phi-chính trị cũng là chính trị nữa
trăng trên trời trông không giống trăng.
Hiện hữu hay không hiện hữu, ấy là vấn đề.
Vấn đề gì thế, hở cưng?
Vấn đề chính trị.
 
Anh/ chị cũng chả cần phải là người
để có được tầm quan trọng chính trị.
Chỉ cần là săng dầu
cỏ khô cho thú vật ăn hoặc chất liệu có thể chế biến lại
hay một cái bàn hội nghị, mà hình dạng
có thể nằm trên danh sách những điều cần thảo luận hằng tháng trời.
Trong lúc đó người ta vẫn bỏ mạng
thú vật vẫn banh thây vì đói khát
nhà cửa vẫn cháy
đồng ruộng vẫn bỏ hoang
hệt như vào những thời đại xa lắc xa lơ
ít chính trị hơn.
 
                                                        1986
 
 
VÀO TÀU NOÉ *
 
Mưa nặng hạt vừa bắt đầu rơi.
Hãy vào tàu Noé, chứ còn đi đâu nữa:
ấy những bài thơ cho một giọng mà thôi,
những cuộc vui riêng tư,
tài năng không quan yếu,
tính hiếu kỳ cũng không cần thiết,
một nhóm nhỏ những buồn đau và kinh hoàng,
sự sẵn sàng nhìn theo sáu cách khác nhau.
 
Những dòng sông dâng lên và nước tràn bờ.
Vào tàu Noé: ánh sáng và bóng tối, những sắc độ dịu êm,
những phút xuất thần, những điều ngoại hạng, những miếng nhỏ thật ngon,
những biệt lệ vô nghĩa,
những ký hiệu đã quên,
vô số những sắc dị của màu xám,
một trò chơi thuần túy,
một giọt lệ của tiếng cười.
 
Nước và sương mù, hút mắt.
Vào tàu Noé: những dự án cho một tương lai xa cách,
niềm vui trên mọi dị biệt,
sự ngưỡng mộ đối với những kẻ thắng cuộc,
sự chọn lựa giới hạn vào hơn hai điều,
những trò tỉ mẩn kiểu xưa,
thời gian để suy nghĩ,
và niềm tin tưởng, rằng mọi chuyện này
rất có thể còn hữu dụng mai sau.
 
Vì bản thân ta,
vẫn trẻ thơ
những câu chuyện có hồi kết cục vui tươi.
Mọi điều khác đều lạc điệu.
Mưa sẽ tạnh,
sóng sẽ êm,
mây sẽ mở ra
một bầu trời rạng rỡ
và trở nên bình thường ở trên đầu chúng ta:
cao cả và thường tình
trông tựa
những hải đảo hạnh phúc,
những con cừu non,
những bắp cải-hoa,
và tã lót trẻ nhỏ
hong ngoài nắng.
 
                                                        1986
---------------------------------
*hay: «Vào con tàu tránh hồng thủy». (người dịch)
 
 
NHỮNG NGƯỜI TRÊN CẦU
 
Một hành tinh kỳ dị với những người kỳ dị.
Họ chịu lụy thời gian nhưng không nhìn nhận điều đó.
Họ có những cách diễn tả sự phản kháng.
Họ vẽ những bức tranh, như bức tranh này chẳng hạn:
 
Thoạt nhìn, chả có gì đặc biệt.
Ta thấy nước.
Ta thấy một bên bờ.
Ta thấy một con thuyền * vất vả bơi ngược dòng.
Ta thấy một cây cầu trên dòng nước và những người ở trên cầu.
Những người ấy rõ ràng là đang rảo bước,
là vì một cơn mưa rào vừa khởi sự
quất mạnh xuống từ một đám mây đen.
 
Điều đáng nói ở đây là chẳng có gì xẩy ra kế tiếp.
Đám mây không đổi màu hoặc hình dạng.
Mưa cũng chẳng mạnh hơn hay tạnh.
Con thuyền vẫn bơi bất động.
Những người ở trên cầu
chạy đúng ở chỗ họ đã ở một lúc trước.
Thật khó tránh được một nhận xét ở đây:
bức tranh này nhất định chẳng phải vô tình.
Ở đây thời gian đã bị chận lại.
Các quy luật của nó chẳng ai buồn biết tới.
Ảnh hưởng của nó đối với các diễn biến đã bị chối bỏ.
Nó đã bị nhục mạ và khinh mạn.
 
Nhờ một kẻ phiến loạn,
một ông Hiroshige Utagawa kia
(một người ngẫu nhiên
đã mất từ lâu và đúng lúc)
thời gian đã sẩy chân và ngã quỵ.
 
Có lẽ đây là một chuyện tưởng tượng thoáng qua vô nghĩa,
một trò ngông chỉ bao trùm một cặp ngân hà,
nhưng có lẽ chúng ta cũng nên thêm:
 
Ở đây đánh giá cao bức tranh nhỏ này,
xúc động trước nó và ngưỡng mộ nó từ thời này qua thời khác
vẫn được coi là đúng đắn.
 
Đối với một số người thì điều ấy không đủ.
Họ còn nghe cả tiếng mưa ào ào trút xuống,
họ còn cảm thấy những giọt nước lạnh trên cổ trên vai,
họ nhìn cây cầu và những người trên cầu ấy
như thể họ thấy chính bản thân họ ở đấy
trong cùng một cuộc chạy bộ không bao giờ cùng
trên một con đường vô tận đời đời phải vượt qua
và còn trâng tráo tin rằng
mọi sự thực ra là thế đó.
 
                                                        1986
----------------------------------
* Trong bức tranh liên hệ, ấy là một chiếc bè nhỏ. (người dịch)
 
 
CÓ THỂ ĐỂ KHÔNG ĐỀ
 
Chuyện tình cờ xẩy ra là vào một buổi mai đầy nắng
tôi đang ngồi dưới một gốc cây
trên bờ sông.
Ấy là một chuyện xẩy ra tầm thường
lịch sử sẽ không ghi chép.
Ấy không phải những cuộc chiến tranh hay những hiệp định
mà nguyên do còn chờ được xem xét tỉ mỉ
cũng chẳng phải những cuộc mưu sát đáng ghi nhớ nhắm tới các bạo chúa.
 
Thế nhưng tôi đang ngồi trên một bờ sông, ấy là một chuyện có thật.
Và bởi vì tôi có đây,
tôi hẳn đã tới từ đâu đó,
và trước đây
tôi hẳn đã ở nhiều nơi,
hệt như những kẻ đi chinh phục các vương quốc
trước khi họ nhổ neo.
 
Cái khoảnh khắc thoáng qua cũng có dĩ vãng của nó
cái ngày Thứ Sáu trước Thứ Bảy của nó,
cái tháng Năm đi trước tháng Sáu.
Chân trời của nó cũng thật
như trong ống nhòm của những viên chỉ huy.
 
Cái cây này – một cây bạch dương với những chùm rễ xưa.
Dòng sông nọ là dòng Raba: chảy đã từ lâu trước hôm qua.
Con đường mòn qua khu rừng rậm ấy: không phải được tạo nên vào hôm kia.
Để thổi những đám mây đi
ngọn gió hẳn đã phải thổi chúng tới đây trước đã.
Và dẫu chẳng có gì có ý nghĩa đang xẩy ra ở quanh đây,
thế giới không phải vì thế mà nghèo hơn về chi tiết,
mà không chính đáng, mà không được xác định rõ rệt bằng thời dân du mục chinh phục nó.
 
Im lặng không phải chỉ giới hạn vào những âm mưu chùng lén,
những chính nghĩa phô bày không chỉ giới hạn vào những lễ đăng quang.
Những viên sỏi bước qua trên bãi biển có thể tròn trịa
không kém gì những ngày kỷ niệm của những cuộc khởi nghĩa.
Sự thêu dệt của hoàn cảnh cũng vòng vo và dầy đặc.
Vết chân kiến chạy trong cỏ.
Cỏ đính vào với đất.
Hoa văn của sóng mạng bằng một cây roi.
 
Quả là chuyện tình cờ: tôi đang có và tôi nhìn.
Ngay đây một con bướm trắng phất phơ trong không khí
với đôi cánh hoàn toàn là của nó
và chiếc bóng bay lượn bên trên đôi tay tôi
không phải là chiếc bóng nào khác, không phải của ai khác, mà là chính chiếc bóng của nó.
 
Thấy những cảnh tượng như thế tôi không còn chắc chắn
rằng những gì là quan trọng
thời quan trọng hơn là những gì không quan trọng.
 
                                                        1993
 
 
MÈO TRONG MỘT GIAN NHÀ TRỐNG RỖNG
 
Chết – không thể làm như thế đối với một con mèo.
Bởi lẽ một con mèo thời làm được gì
trong một gian nhà trống rỗng?
Trèo lên vách ư?
Kỳ cọ vào đồ đạc ư?
Ở đây chẳng có gì có vẻ khác,
nhưng cũng chẳng có gì như cũ.
Chẳng có gì bị di chuyển,
nhưng vẫn có nhiều khoảng trống hơn.
Và ban đêm đèn đóm chẳng thắp gì hết.
 
Có những bước chân trên cầu thang,
nhưng ấy là những bước chân mới.
Bàn tay đặt con cá trên dĩa
cũng đã đổi thay.
 
Có điều gì đó không bắt đầu
vào giờ thường lệ.
Có điều gì đó không xẩy ra
như thường phải thế!
Có ai kia vẫn, vẫn có đây,
rồi đột nhiên mất tích
và vẫn cứ bướng bỉnh mất tích.
 
Mọi căn buồng nhỏ đã được khám kỹ.
Mọi hàng kệ đã được dò xét.
Những khai quật dưới thảm chẳng phát hiện được gì.
Một điều răn cũng đã không được tuân giữ,
giấy tờ vung vãi khắp nơi.
Còn điều gì phải làm nữa.
Chỉ còn ngủ và chờ đợi.
 
Cứ chờ cho đến khi y xuất hiện,
cứ để y chường cái bản mặt ra.
Liệu có bao giờ y sẽ lãnh một bài học
về những gì không được làm đối với một con mèo.
Hãy mon men tới hắn
như thể miễn cưỡng
và hết sức chậm rãi
trên những bàn chân rõ ràng là đã bị xúc phạm,
không nhảy hay tru tréo ít ra là để bắt đầu.
 
                                                        1993
 
 
CÓ NHỮNG NGƯỜI YÊU THƠ
 
Có những người –
vậy là không phải hết mọi người.
Không phải đa số mà là thiểu số.
Không kể các trường học, nơi thơ là bắt buộc,
và do chính các nhà thơ trừ đi
thì số bách phân hẳn là hai phần nghìn.
 
Yêu –
nhưng người ta cũng yêu món miến gà,
người ta yêu những lời khen tặng và màu xanh,
người ta yêu một chiếc khăn quàng cũ,
người ta ưa vượt thắng,
người ta ưa vuốt ve con chó của mình.
 
Thơ –
nhưng thơ là gì?
Người ta đã đưa ra biết bao câu mịt mù
để trả lời câu hỏi này.
Tôi, tôi thật sự không biết
tôi không biết và tôi bám vào đấy
như một cái tay vịn.
 
                                (Tạp chí EUROPE, tháng Ba 2002)
 
----------------------------
Đã đăng:
----------------------------
Ghi chú của người dịch:
WISŁAWA SZYMBORSKA sinh ngày 2.7.1923 tại Kórnik trong vùng Poznan (ở phía tây Ba-lan). Năm 1931 cùng cha mẹ tới Cracovie, và năm 1945 theo học văn chương Ba-lan và xã hội học tại đại học Jagelone, Cracovie. Tập thơ đầu tiên của bà được xuất bản năm 1952. Năm 1953, bà trở thành người biên tập thi ca cho tuần báo Đời sống văn chương ở Cracovie.Từ 1952 tới 1986, đã cho in chín tập thơ và một tập tùy bút (1963). Thi phẩm gần nhất của bà mang tựa đề Chấm dứt và bắt đầu (1993). Thơ của bà đã được dịch sang nhiều thứ tiếng, như Anh, Pháp, Đức, Nga, Tiệp, Hung, Hòa-lan... Bà đã được tặng giải thưởng Goethe của thành phố Frankfurt ngày 28. 8. 1991 rồi giải Herder của Áo và đến tháng Mười 1996, giải Nobel Văn chương.
 
Một số tác phẩm của Wisława Szymborska:
Thơ: Dlatego zyjemy (Chúng tôi sống vì thế đó, 1952); Pytania zadawane sobie (Những câu hỏi đặt ra cho bản thân, 1954); Wolanie do Yeti (Lời kêu gọi Người rừng, 1957); Sól (Muối, 1962); Sto pociech (Một trăm niềm vui, 1967); Wszelki wypadek (Hoàn toàn tình cờ, 1972); Wielka liczba (Một số lớn, 1976); Ludzie na Moscie (Những người ở trên cầu, 1986); Koniec i Poczatek (Chấm dứt và bắt đầu, 1993),... Tùy bút văn nghệ: Bài đọc nhiệm ý (1973). Ngoài ra, còn có một số tuyển tập thi ca như: Wiersze Wybrane (1964), Poezje Wybrane (1967), Poezje (1970)... và một số bản dịch thơ baroque Pháp.
 
Bản dịch dựa theo các bản Anh văn của Czesław Miłosz, Magnus J. Krynski & Robert A. Maguire, Susan Bassnett & Piotr Kuhiwczak, Adam Czerniawski, Stanislaw Baranczak & Clara Cavanagh; và các bản Pháp văn của Jacques Donguy & Michel Maslowski, Isabelle Macor-Filarska, và của Tuyển tập Thơ Ba-lan do Constantin Jelinski biên tập. Xin xem thêm Hoàng Ngọc Biên, Thơ mới Ba-lan, Tường trình từ một thành phố bị bao vây (Trình Bầy, Salt Lake City, USA, 1993).

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021