thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Dấu chấm
Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

CRISTINA PERI ROSSI

(1941~)

 

Cristina Peri Rossi sinh năm 1941 tại Montevideo, Uruguay; từng là giáo sư văn chương, dịch giả và ký giả. Bắt đầu sáng tác văn chương từ năm 1963, bà xuất bản tập truyện đầu tay, Viviendo, rồi hàng loạt tác phẩm khác, và nổi danh như một nhà thơ, một nhà văn viết truyện ngắn, tiểu luận và tiểu thuyết, và một nhà đấu tranh cho nữ quyền. Từ năm 1972, bà bắt đầu sống đời lưu vong tại Barcelona, Tây-ban-nha. Bà đã cộng tác với những tạp chí El País, Diario 16El Periódico de Catalunya. Năm 1991, bà đoạt giải thưởng Premio Ciudad de Barcelona cho tập thơ Babel bárbara. Năm 1994, ba được trao tặng giải thưởng Beca John Simon Guggenheim cho văn chương hư cấu. Cristina Peri Rossi đã xuất bản hơn 30 tác phẩm, nổi tiếng nhất là những cuốn: La nave de los locos (1984) và Solitario de amor (1988).
 

___________________

 

DẤU CHẤM

 

Lúc chúng tôi đến với nhau, nàng đã nói, “Em sẽ cho anh một dấu chấm. Nó rất quý báu — đừng để mất nó. Hãy gìn giữ nó để dùng đúng lúc cần thiết. Đó là vật quan trọng nhất em có thể cho anh; em làm thế vì em tin tưởng vào anh — anh đừng làm em thất vọng.”

Suốt một thời gian dài, tôi giữ dấu chấm trong túi quần. Nằm lộn xộn với những đồng xu, những sợi thuốc lá vụn, và những que diêm, nó hơi nhem nhuốc một tí. Chúng tôi rất hạnh phúc nên tôi chưa bao giờ nghĩ chúng tôi sẽ cần nó. Sau đó tôi mua một cái hộp, đặt nó vào đó cho an toàn. Không một chút thất vọng và chán nản, ngày tháng của chúng tôi trôi qua trong hoan lạc. Mỗi buổi sáng, chúng tôi thức giấc và vui sướng bên nhau; mỗi ngày mang đến cho chúng tôi một thế giới vô danh mênh mông của những điều ngạc nhiên thú vị. Những thứ quen thuộc không còn là quen thuộc nữa, mà lại trở nên mới lạ, còn những thứ khác, như các công viên và sông hồ, thì như thốt lên lời mời gọi và toát ra vẻ từ ái của mẹ hiền. Chúng tôi bước qua những đường phố và khám phá những điều mà người khác đã không thấy. Những mùi hương, màu sắc, ánh sáng, thời gian, và không gian trở nên đầy sinh động trước chúng tôi. Như đang say vì một chất ma tuý rất mạnh, giác quan của chúng tôi trở nên nhạy bén hơn. Nhưng chúng tôi không say, mà chỉ cảm nhận tràn trề và tĩnh lặng, như được ban cho một khả năng dị thường để hoà điệu cùng thế giới. Các cảm quan của chúng tôi ngân lên một giai điệu độc đáo diễn tả sự tôn trọng cái trật tự hiển nhiên của mọi vật nhưng không để mình bị cuốn vào cái trật tự đó.

Tôi vui sướng quá nên đã quên cái hộp đựng dấu chấm nằm ở đâu, hoặc là tôi đã để nhầm nó vào một nơi nào đó. Chứ ai mà biết? Giờ đây niềm hạnh phúc của chúng tôi đã trôi qua, và tôi không thể tìm thấy dấu chấm ở bất cứ nơi nào, nhưng nó lại là cái để giải quyết sự xung đột và bất mãn. “Anh đã để nó chỗ nào?” nàng giận dữ hỏi tôi. “Anh còn đợi cái gì nữa? Nhanh lên, nếu không thì quá khứ sẽ mất hết vẻ đẹp và ý nghĩa.”

Tôi lục lạo những tủ treo quần áo, những cái áo choàng, những ngăn kéo, dưới những cái đệm ghế, dưới gậm bàn và gậm giường. Nhưng tôi không thể tìm thấy dấu chấm ở bất cứ chỗ nào. Ngay cả cái hộp đựng nó. Cuộc tìm kiếm trở nên khốn khổ và ám ảnh. Có lẽ tôi đã đánh mất dấu chấm trong một khoảnh khắc hạnh phúc nào đó. Nó không có trong phòng khách, trong buồng ngủ hay gần lò sưởi. Lẽ nào con mèo đã ăn nó mất rồi?

Không tìm thấy dấu chấm, nỗi đau đớn càng tăng. Mất nó, chúng tôi bị trói vào nhau bằng những sợi xiềng giận dữ, dửng dưng, hổ thẹn và oán ghét. Chúng tôi bị bắt buộc phải chịu đựng điều này, không còn hy vọng bắt đầu lại một cuộc sống mới. Ban đêm thật là khốn khổ — chúng tôi ở chung trong một căn phòng nơi sự lo lắng, tràn ngập từ sàn đến trần, như một luồng hơi độc làm nghẹt thở chúng tôi, làm uế bẩn mọi thứ chăn màn, giường tủ, và sách vở ngổn ngang trên sàn. Ngay cả trong thâm tâm chúng tôi biết vấn đề chính là sự biến mất của dấu chấm, mà nàng đổ lỗi cho tôi, nhưng bất cứ chuyện gì cũng làm chúng tôi gây gổ với nhau. Đôi khi tôi nghĩ nàng thậm chí còn nghi ngờ tôi đã giấu nó ở một nơi nào đó, để trả đũa nàng về một điều gì đó. “Đáng lẽ em không nên tin anh,” nàng khiển trách tôi. “Đáng lẽ em nên biết anh sẽ phản bội em.”

Đó là một cái hộp dài bằng bạc, giống như thứ hộp mà người ta thường dùng để đựng thuốc lá nhai. Tôi mua nó tại chợ trời; nó có vẻ như một chỗ ở hoàn hảo cho dấu chấm. Chắc hẳn cái dấu chấm nhỏ bé, tròn trịa cảm thấy rất êm ái khi nằm trong đó. Nhưng quá nhiều năm đã trôi qua, và có lẽ nó đã bị thất lạc trong một lần dời nhà, hoặc có lẽ một kẻ nào đã ăn cắp nó, tưởng nó quý báu lắm.

Sau khi tìm kiếm suốt cả ngày trong vô vọng, tôi bước ra khỏi nhà để tránh tia nhìn trách móc của nàng, giọng nói oán ghét của nàng. Tất cả niềm hạnh phúc trước đây của chúng tôi đã biến mất, và chẳng còn hy vọng gì nó sẽ trở lại. Nhưng, chúng tôi không thể đoạn tuyệt với nhau. Cái dấu chấm thất lạc ấy trói chúng tôi vào nhau, làm chúng tôi căm giận và uất ức, và dần dần nó nuốt chửng tất cả những ngày tháng tươi đẹp mà trước đây chúng tôi đã tận hưởng bên nhau.

Tôi chỉ hy vọng một ngày nào đó, hoàn toàn ngẫu nhiên, tôi sẽ lại bắt gặp nó trong một túi quần, lẫn lộn giữa những vật khác. Lúc ấy, chắc hẳn nó sẽ là một dấu chấm buồn bã, mập ú, nhem nhuốc, bụi bặm, nằm trật chỗ, như những dấu chấm trên trang văn của những người vừa cầm bút.

 

 

-----------------------
Dịch từ nguyên tác “Punto final”, trong Cristina Peri Rossi, El museo de los esfuerzos inútiles (Barcelona: Seix Barral, 1983).

 

 

Đã đăng:

Giữa lưỡi gươm và bức tường  (truyện / tuỳ bút) 
Thật khó có kẽ hở nào để len lỏi giữa một lưỡi gươm và một bức tường. Nếu cố tránh lưỡi gươm, tôi phải lùi lại đến khi chạm bức tường, và cái lạnh của bức tường làm tôi đông cứng. Nếu tôi cố gắng lách ra khỏi bức tường để tiến tới, thì lưỡi gươm đâm vào cổ tôi... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
... Vài tượng đang ngồi, đan áo, và thân thể chúng gắn liền với những chiếc ghế như một khối hợp nhất. Những tượng khác há miệng như sắp thốt lên một âm thanh nào đó hay định nói một điều gì. Những tượng ở xa nhất đang đứng tựa vào những tượng xưa cũ hơn. Chúng biểu lộ vẻ chán chường, thậm chí có vẻ rã rời... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Ađam và Êva  (truyện / tuỳ bút) 
Ađam đang sống rất sung sướng giữa cỏ cây hoa lá thì Êva đến và dụ dỗ ông ăn trái táo vì bà muốn giết ông để một mình bà làm chủ tất cả... Chúa Trời sáng tạo ra Êva từ một cái xương sườn của Ađam vì thấy Ađam buồn chán và cần có người để sai vặt... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Thời gian chữa lành mọi vết thương  (truyện / tuỳ bút) 
Tôi luôn luôn hối hả, đó là vấn đề tính khí. Khi tôi và nàng đoạn tuyệt với nhau, tôi đi thẳng đến một tiệm cầm đồ. Tôi cần có rất nhiều thời gian để đắp lên những vết thương, để chúng cầm máu và chóng lành... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 

Để tìm hiểu thêm về cuộc sống và bút pháp của Cristina Peri Rossi, xin đọc:

Trong ngôn ngữ Tây Ban Nha, chữ destierro (tạm hiểu trong Việt ngữ là “lưu đày” hay “lưu vong”) chứa đựng một ý niệm rất đặc thù nên khó có thể dịch thẳng ra một ngôn ngữ nào khác. Chữ này, với nghĩa đen là “bứng ra, tách ra, cắt ra khỏi mặt đất”, được hiểu như sự cắt đứt mối liên hệ giữa linh hồn con người và mặt đất. (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021