thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Núi Lạnh — Hành trình tìm về những nấm mồ hoang [3. “Suối nước mắt”]

 

Nhà ông Đỗ Công Huyên là một ngôi nhà xây thô, nằm ngay bên chân đồi Cây Khế, cạnh dòng suối nhỏ không có tên, chảy về phía hai mỏm núi sánh đôi. Nơi ấy, mỗi ngày mặt trời buổi chiều như được treo bằng sợi dây và thả rơi chầm chậm.

Từ trên đồi Cây Khế xuống lại nhà, bác Huyên nói “Anh đi lối chuồng gà vào cho dễ.” Rồi bác cười, “Anh không phải lo gà bị cúm, gà mò rất khoẻ. Dưới xuôi, gà mò gọi là gì nhỉ?”

Tôi nói “Lúc lên thăm mộ các sĩ quan VNCH, tôi có thấy đàn gà mò của bác bay đầy trời, có phải mỗi lần đãi cơm khách cần giết gà thì phải hẹn với lũ gà trước một ngày không?”

Nằm tựa lưng và hơi chếch về bên trái đồi Cây Khế xưa kia có một trạm xá của trại cải tạo. Bác Huyên cho biết:

— Khi ấy chắc là các bệnh nhân chết ở trạm đều được đưa cả lên đồi Cây Khế mà chôn. Thế nên trừ một số mộ lẻ rải rác, hầu như các ông ấy đều nằm đây.

Chúng tôi hỏi vì sao ở đây lại có tên là đồi Cây Khế. Bác Huyên nói:

— Đúng là có cây khế thật. Trước đây to lắm kia, cả vùng núi này có mỗi nó đấy, mấy năm trước bỗng gãy ngang, chỉ mới đâm chồi trở lại trong năm.

Trên đường quay trở lại đồi để chụp ảnh cây khế, chúng tôi định hỏi bác Huyên cây khế ấy có trái ngọt hay chua. Nhưng dù sao chúng tôi vẫn tin rằng vào ngày đầu ra đây “học tập cải tạo,” nhìn thấy cây khế, một giống cây quen thuộc thường trồng trước sân nhà ở miền Nam, chắc các bác ấy cũng thấy an ủi được phần nào.

Vạch đám cỏ và cúc dại nở trắng trên bờ suối cho chúng tôi bước qua, bác Huyên vẫy tôi lại gần và chỉ vào ngôi mộ hoang không còn bia nằm thoai thoải trên triền đồi. Bác Huyên nói:

— Trước ở đấy có hai ngôi mộ đều không còn bia, nằm cạnh nhau như hai luống rau nhỏ. Bây giờ thì người nhà ra lấy một cái về rồi, đấy anh xem cái hố vẫn còn. Cái bác được về với vợ hẳn là vui rồi. Các bác còn nằm lại tôi nghĩ cũng phấn khởi. Tôi không là người duy tâm nhưng có chuyện lạ đến mức không thể tin mà lại thật anh ạ.

Bác Huyên kể, chỉ còn nhớ tên người dưới mộ không bia mới được bốc về nhà là ông Thạnh, người vợ ra đưa chồng về có tên là bà Lanh. Những năm tháng vừa kết thúc chiến tranh với Trung Quốc đường đất nơi đây còn khó khăn vô cùng. Lần đầu khi tìm được nhà Bác Huyên người vợ sĩ quan học tập cải tạo ấy đã khóc nức nở. Bà Lanh kể với bác Huyên rằng chồng bà về báo mộng chỉ rõ địa danh này để bà tìm. Và trong mộng người chồng luôn lập đi lập lại với vợ mình rằng: “Anh nằm cạnh con suối, lạnh lắm!” Bác Huyên hiểu chuyện, tận tâm đưa người vợ đi xem từng tấm mộ bia nhưng không tìm được mộ. Chắc là thời gian và trâu bò làm mất dấu vết cả rồi. Chỉ tay vào hai ngôi mộ hoang nằm cạnh dòng suối, bác Huyên nói. Tôi nghi một trong hai cái mộ này là chồng bà. Bà Lanh hoang mang. Lỡ không đúng là chồng tôi thì tội lắm bác ơi!

Bà ở lại nhà Bác Huyên đôi ngày rồi quay về Nam. Năm sau trở ra, lại vừa nói vừa khóc. Anh ấy lại về báo mộng là nằm cạnh con suối, lạnh lắm! Nhưng rồi bà vẫn không quyết định được chuyện phải bốc ngôi mộ nào. Trong suốt những năm dài đằng đẵng ấy người chồng vẫn cứ tìm vào giấc mơ người vợ chỉ để nói mỗi một câu. “Anh nằm cạnh con suối, lạnh lắm!” Bác Huyên nhớ là người đàn bà ấy phải dành dụm từng đồng tiền, một thân một mình đi ra đi vào bốn lượt. Lần cuối cùng bà Lanh chỉ vào ngôi mộ đất thấp, nằm gần kề con suối nhất. Rồi bà quỳ xuống cầu nguyện trong nước mắt. Ngôi mộ không bia đó được bốc lên. Mấy mươi năm rồi đất mềm như đất mới cày, xương cốt chẳng còn được là mấy. Duy chỉ còn một cái lọ sành nhỏ mà các bạn tù ngày ấy chôn theo xác là lành lặn. Đập vỡ ra, trong đó có cái thẻ căn cước vẫn còn rõ tên người chồng.

 
Tháng 9/2006
 

Đã đăng:

... Chiến tranh tuy đã kết thúc nhưng sao cuối cùng chỉ mỗi nắm xương tàn và linh hồn không tan của những người này phải tiếp tục trả giá, phải tiếp tục chịu mọi hậu quả của cuộc chiến tàn khốc đó... (...)
 
... Không hề có một ý thức hệ, một giá trị tư tưởng nào biết tổn thương, chỉ sự thật của số phận con người mới biết đau đớn. Từng số phận con người mới chính là lịch sử chân thật nhất, phần vô giá nhất của lương tri dân tộc... (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021