thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ba đồng hương trên một chiếc xe khách & Cô nhảy trên giường [1]

 

 

Ba đồng hương trên một chiếc xe khách

 

Tôi nghe nói đến người Việt ở tại đây lần đầu là vào mùa hè năm 2006.

Mùa hè năm đó, khi các cô người mẫu từ Ukraine sang đang còn tíu tít trình diễn thời trang quần lót tại Oceana Beach thì anh hàng xóm của đất nước này là Israel sinh sự. Anh xua quân sang biên giới miền Nam trừ Hebzbollah diệt bạo và, theo thông lệ, ném bom bắn pháo vung vẩy không chừa một chỗ nào. Các cô người mẫu vội mặc quần áo vào di tản sang châu Âu. Chiến hạm Mỹ lại xuất hiện ngoài cửa biển, kỳ này không đổ Thủy quân Lục chiến mà là hồi hương kiều bào.

Trên những sân thượng Beirut, người ta ngồi hút thuốc lào nhìn nghi ngút ngoại ô Dahiyeh.

Từ miền Nam lũ lượt là người tị nạn, và tôi nghe đài kể lại chuyện một cô giúp việc từ Việt Nam sang đây cùng với chủ chạy bom. Cô sinh ra muộn, lỡ mất thời kỳ sơ tán trong nước, giờ phải sang ở mướn xứ người mới được biết tiếng rít của phi cơ và kinh nghiệm của mẹ cha. Một anh “đại diện” cộng đồng người Việt ở Lebanon cho biết, chắc là có khoảng từ 100 đến 200 người, phần lớn là phụ nữ giúp việc có hợp đồng và giấy phép nhưng cũng có một số gia đình ở chui. Xui cho họ, hay là hên cho họ, sứ quán Việt Nam gần nhất là lại ở Ai Cập, tức là cách một Châu (Ai Cập ở châu Phi và Lebanon ở châu Á)! Không giúp đỡ gì được khi binh biến nhưng ngày thường họ cũng không có đó để mà vòi vĩnh, và có lẽ sau chiến dịch này của Israel, một số lớn người Việt tại Lebanon sợ oai tiểu bá cường đã vĩnh viễn rời khỏi khu vực.

Trong mấy năm liền tôi vẫn có ý tìm gặp những người biết đâu còn sót lại. Tại đây, người ngụ cư là Palestine, lao động nước ngoài là từ Syria hay Sudan. Giúp việc nhà trước đây là người Ai Cập, Kurdistan nhưng hẳn là không đủ, từ thập niên 80 xuất hiện người Tamul từ Sri Lanka, người Ethiopia, Erytrea từ Sừng Phi Châu và người Philippines. Vào dạo đầu, đây là giai cấp quý tộc của giới giữ em và đút cơm cho trẻ, phụ nữ Philippines phần lớn có học và biết nói tiếng Anh. Tốt nghiệp cấp 3 làm chuẩn, nhiều cô nhiều bà có bằng đại học, giáo viên, y tá. Nhưng dần dà tôi thấy giới này cũng lem nhem mất giá tuy cộng đồng Philippines năm hay ba ngàn người tại Beirut giờ là cộng đồng dễ nhận diện nhất, có hàng quán phục vụ đồng hương và cả một khu vực tụ tập ngày Chủ nhật. Người Việt thì không có ai nghe nói đến. Những người quen tôi hỏi, đều trả lời là Việt Nam mà họ biết thì ở đây chỉ có mỗi S. là con tôi.

Năm ngoái ở trong trường S. chỉ có một cô Nam Dương lai Ả Rạp. Năm nay, tại đại học 7000 sinh viên này, có một cậu lai Nhật Bản và một cô S. không rõ là người gì, theo tôi là giảng viên duy nhất khoa Hoa Văn người Trung Quốc. Trên phố, ngoài những người Philippines không kể đến thì không thấy một bóng. Nhà hàng Indochine trong khách sạn Phoenicia khi tôi đến đã đổi thành Wok Wok phục vụ Asian Fusion cuisine. Ngày chủ nhật, brunch bày síu mại thì lại gọi là há kảo nhưng gọi là gì thì nhân viên quân sự người Ba Lan và người Tây Ban Nha của lực lượng Unifil (Lực lượng Lâm thời Liên Hiệp Quốc tại Lebanon) cũng vẫn ngon miệng nhồm nhoàm. Nhân viên phục vụ, và ngó vào cả trong bếp không một bóng người châu Á. Các nhà hàng sushi đây đó cũng thế, chẳng lẽ ông Okamoto được tị nạn ở đây giờ lại ra mở quán![1] The Blue Elephant tại khách sạn Searock thì có ba cô người thật là Thái nhưng rất đáng ngờ lại không phải là cô. Nhà hàng Tàu Chopsticks hay riú rít dọn phòng trong các khách sạn, như đã nói vẫn là người quần đảo Philippines. Ngay cả người Hoa, ở đâu cũng có, rất nhiều ở khu vực (Vùng Vịnh) và kể cả... Biển Đông, Hoàng Sa và Trường Sa, tôi bảo đảm không thấy bóng tại Lebanon, nói gì Việt Nam.

Hội chợ sách Pháp ngữ tại Beirut năm nay tôi có chân trong một tuyển tập. Cũng có hội thảo, phát biểu và ra mắt, ông Tổng biên tập từ Pháp sang dự và ới mọi người. Tôi những mong biết đâu có một người Việt lạc loài ghé đến, và phút chót bị bận ở Âu châu tôi lỡ không sang kịp. Tôi mất một dịp phát biểu tuy đã soạn sẵn trong đầu câu “Không phải vì vợ tôi người Lebanon mà tôi có nhận xét là các bạn tại đất nước này rất thích than phiền.” Câu có duyên này tôi dành cho quần chúng Lebanon vào một dịp khác, nhưng tôi có nhắn S. đi dự buổi hôm đó. S. đến ăn bánh uống nước và chụp hình với ông Tổng biên tập nhưng cả Hội chợ sách chỉ thấy thoáng có hai người Á châu mà không hiểu người gì để mà đến xin hộ tôi số điện thoại. Cuộc tìm kiếm người đồng hương của tôi vẫn chưa được đạt.

Hai ngày sau tôi mới đến Beirut cùng với cơn bão. Mưa xối xả từng chập vài mươi phút rồi ngừng. Được mấy chốc lại mưa trở lại, một ngày cứ thế năm mười bận lũ lượt như tôi chưa bao giờ thấy ngay cả lúc trúng mùa miền nhiệt đới. Giờ thì tôi hết còn cười khi nghe vợ tôi kể lại chuyện lụt trong sa mạc năm nào ở Iraq hay là Kuweit gì đó (lúc nghe lần đầu, tôi cho lụt lội trong sa mạc là một nghịch lý). Bố con tôi ngồi quán uống latte nóng nhìn trời lúc thì 25 độ hâm hấp, lúc lướt thướt một giờ sau xuống chỉ có 15. Tôi cởi áo cổ lọ, mặc áo thun. Tôi cởi áo thun, mặc áo len cổ lọ. S. có cái áo đi tuyết không thấm nước, kéo kín cổ và che đầu, một màu cam bập bềnh cười đắc chí Bikfaya.[2]

Năm ngoái tại quê nhà, tôi có dịp quen một cô tẩm quất. Cô người tỉnh lẻ, tại Sàigòn sống xa rời những trào lưu. Có một tối, cô rủ tôi đi hát và nhờ vậy, trễ còn hơn không, tôi mới được biết ca từ thời chiến của Hữu Thỉnh qua giọng miền nam của cô ta.

 
Năm anh em trên một chiếc xe tăng
Như năm bông hoa nở cùng một cội
 
Năm anh em mỗi đứa một quê
Đã lên xe ấy là cùng một hướng
Nổ máy lên ta một dạ xung phong!
 

Mưa tạm tạnh, tôi và S. gầm đầu xuôi phố Hamra. Ở một ngã ba vơ vẩn, ngước mặt lên thì tôi thấy ba người trong một chiếc xe khách đang nhìn tôi chằm chằm. Áo gió Trung Quốc và túi đeo vai đặt trên lòng, con mắt họ ngỡ ngàng bán tín và cũng như tôi chút gì hy vọng, tôi nhận ra ngay đây là ba thanh niên người Việt! Ba thanh niên từ Việt Nam, nếu là người Việt từ Ý họ đã mang túi Invicta, từ Pháp họ đã mang áo gió Quechua của cửa hàng Go Sport và túi đeo vai (Mỹ) Eastpack! Ba người đồng hương mới đến đây chưa lâu và tôi chắc chắn, ít nhất một người là đồng hương Nam Định, với vẻ mặt rất là Nhà Máy Dệt Sông Đào.

Gặp nhau trên phố vào mùa mưa nước người, khi đuôi một cơn bão từ Âu Châu đến nguậy trời khuấy biển.

Nhưng chiếc xe khách rẽ đường ngang, tôi quay nửa người lại đã tít tắp ở một giấc giao thông trên phố vắng họa hoằn. S. bảo:

Họ nhìn bố!

Tôi nói, giờ chạy theo không kịp, ba anh em trên một chiếc taxi service, họ là người đồng hương Việt Nam.

Người đồng hương, thì tôi có ở châu Âu.

Cô sau đây không Nam Định thì cũng đồng hương Việt Nam với tôi một nửa, phía bên cha. Cô không ngồi trên xe khách ở một thành phố lạ mà cô nhảy trên giường ở trong nhà.

 

 

Cô nhảy trên giường [1]

Aline, tháng mười 2009.

 

 

 

_________________________

[1]Kozo Okomoto là Hồng quân Nhật sống sót duy nhất sau vụ đột kích trường bay Lod tại Israel năm 1972. Ông bị bắt giam đến 1985 thì được trao đổi tù binh bởi phong trào Palestine. Ông chính thức được Lebanon cho tị nạn chính trị từ 1999 và không bị trục xuất về Nhật Bản.

[2]Cedres, Bikfaya là những trạm trượt tuyết ở Lebanon, hi hữu tại khu vực Trung Đông nếu không kể chỗ trượt tuyết nhân tạo trong nhà (tất nhiên là chạy máy điều hòa) tại Dubai!

 

 

---------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021