thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Lạc đường vào văn chương

 

Hồi học trung học đệ nhất cấp tôi khá gỉỏi toán, một hai muốn theo đuổi ban toán. Thành thực mà nói thì tôi thích toán học vì toán học chỉ một phần nào, mà còn vì cái tính cạnh tranh với con trai nữa. Tôi sinh ra là một trong sáu chị em gái trong một gia đình 11 người con, và tôi là thứ bẩy trong đám lúc nhúc ấy. Cha mẹ tôi nguyên là con nhà nông bị chiến tranh đưa đẩy ra tỉnh lập nghiệp vào giữa thập niên 1940, nhưng một phần, tôi nghĩ, là do chính cha tôi cũng muốn vậy, và tình trạng bất ổn nơi thôn quê đã cho ông một cái cớ vững chắc — ông vốn là con trai út và duy nhất của gia đình gồm năm chị em — để bỏ làng đem vợ con ra tỉnh lập nghiệp. Ông vốn có một đam mê dành cho máy móc xe hơi, không thích công việc đồng áng mặc dù đã hẳn là ông rất thông thạo việc canh tác, và chỉ có ra tỉnh ông mới tìm được sự thoả mãn nghề nghiệp.

Cha tôi ít học, học lực chỉ tới hết tiểu học. Mẹ tôi, như hầu hết con gái đàn bà sinh ra và lớn lên ở thôn quê, hoàn toàn mù chữ (có điều tôi không hiểu làm sao bà cầm sách kinh đọc vanh vách, có thể là vì đã thuộc nằm lòng mọi câu kinh và cả những bài hát đạo). Hồi trẻ, bà nổi tiếng đẹp nhất làng, chỉ muốn đi tu, song có lẽ không được ơn Chúa gọi cho nên, mặc dù có nhiều người theo đuổi, bà nhận lời lấy cha tôi, con của một gia đình điền chủ trong làng Trình Xá thuộc tỉnh Hà Đông. Khỏi nói ông bà rất bảo thủ, nếu không nói là cổ hủ. Điều này có thể hiểu được khi tôi có dịp quan sát những gia đình Việt tị nạn trong suốt mấy chục năm qua, đặc biệt là gia đình của mấy người thân: Đối với những người, nhất là những người đơn giản như cha mẹ tôi, bị bật rễ ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn của mình, ôm ghì lấy những phong tục tập quán và lối suy nghĩ cũ của mình là một nhu cầu, nếu không nói đấy là nơi nương tựa không thể thiếu trong cuộc đời lưu xứ của họ.

Mấy câu nói tôi nghe khá thường xuyên, oái oăm là nhiều lần từ cửa miệng của mẹ tôi, khiến tôi không bao giờ dám đi tìm “đồng minh” nơi bà, đó là: “Mười đứa con gái không bằng một đứa con trai”, “Con gái là con người ta”, “Con gái không cần học nhiều”, hoặc tệ hơn, “Con gái học nhiều chỉ để viết thư cho trai”. Câu sau này thì cha tôi hay nói, chứ mẹ tôi hình như chưa hề nói, vì một cách thầm kín, bà tôn trọng sự học vấn, theo truyền thống “tôn sư” hơn là hiểu được tầm mức quan trọng của giáo dục.

Thử tưởng tượng, theo tâm lý học, phải nghe những câu đó từ bé, một đứa trẻ phải cảm thấy như thế nào. Nó sẽ cảm thấy mình thừa thãi, rằng mình không được cha mẹ thương yêu, rằng mình là gánh nặng của cha mẹ, và mình không là cái gì cả. Khi tôi hỏi tại sao như vậy thì mẹ tôi và những người con gái, đàn bà quanh tôi chỉ đáp vỏn vẹn, “Nó là như vậy, từ hồi nào tới giờ, hỏi gì mà vớ vẩn!” Khi tôi vặn hỏi thêm, rằng thế còn các Bà Trưng, Triệu ngày xưa thì sao, họ còn được học cả võ nghệ nữa, nếu không làm sao họ kêu gọi được những người khác cùng đứng lên đánh lại quân Tầu, thì họ nhìn tôi như thể tôi từ một hành tinh khác tới.

May sao, cha mẹ sinh con nhưng trời sinh tính. Tôi không chấp nhận như thế, mặc dù tôi không ý thức được thái độ chống đối chưa thành hình đó. Chỉ biết là tôi thương mẹ tôi và tất cà những người đàn bà nhẫn nhịn quanh tôi, thương nhiều lắm. Những lần nằm giỗ giấc ngủ buổi trưa ở Hải Phòng, nơi tôi trải qua thời thơ ấu của mình trước khi theo gia đình di cư vào Nam năm 1954, tôi nghe người chị dâu lớn ru con bằng những câu thơ Lỡ bước sang ngang của Nguyễn Bính, tôi thấy thương chị vô cùng, mặc dù chị đã không lỡ bước sang ngang, vì chị thương anh Cả tôi lắm vì anh hiền lành, đẹp trai nhất nhà, nếu không là nhất họ, trông như tây lai ấy; song lấy anh tôi, chị cũng “lấy” luôn cả đám em lúc nhúc của anh nhiều đứa còn nhỏ, phải săn sóc tắm gội cho nữa.

Một lần, hồi ấy tôi mới khoảng 6, 7 tuổi, được cho về quê đi dự đám cưới của con gái con của ông cậu ruột. Hình như đó là cái đám cưới đầu tiên tôi được tham dự — hoặc do trí nhớ của tôi đã bắt đầu biết ghi nhận? — từ lúc đón dâu tới đám rước dâu nhiều mầu sắc đi qua những cánh đồng lộng gió cả tiếng đồng hồ mới tới làng chú rể — những hình ảnh tiếp tục sống trong ký ức tôi về sau này, một phần cũng vì vẻ đẹp mộc mạc của đám rước dâu. Cô em họ hơn tôi cả chục tuổi ấy khóc sướt mướt từ trước khi đón dâu. Tôi thấy tôi cũng khóc theo. Tôi thương chị Bạch (tôi vẫn quen gọi cô em họ này là chị), tưởng tượng cảnh bỗng dưng phải bỏ những người thân yêu để đến một nơi xa lạ, sống với những người xa lạ. Liệu có sẽ được thương yêu, hay bị đầy đoạ như những chuyện mẹ chồng nàng dâu mà về sau này khi biết đọc, tôi hay lén đọc. Hình như cũng trong thời kỳ này tôi biết tới những tác phẩm của nhóm Tự Lực Văn Đoàn nhằm đổi mới văn chương và cải cách xã hội, trong đó có sự bất công đối với người đàn bà, là những tác phẩm đã ra đời cả chục năm trước khi tôi cất tiếng khóc góp mặt với đời vào năm 1944.

Hồi ấy thái độ chống đối của tôi là một thái độ tự phủ nhận, phủ nhận chính cái thân phận của mình: tôi ghét làm con gái vì những thua thiệt trong gia đình và ngoài xã hội ấy. Tôi ganh đua với con trai trong việc học. Tôi đo khả năng và trình độ của tôi với đám con trai, không bao giờ dùng mẫu mực của các bạn gái. Như vậy thành một thói quen: những gì các bạn gái cùng lớp của tôi làm thì tôi không tham gia, trong đó có việc chép thơ và cả làm thơ (tôi là thứ một câu thơ bẻ ra làm hai cũng không biết làm, mặc dù sau này có theo học ban văn chương), và nhất là việc mơ sẽ lấy được một tấm chồng, tới một đám cưới với người mình yêu, hoặc không yêu thì cũng phải có một đám cưới cho linh đình, để người ta nhìn vào tấm tắc khen mình có phước. Tôi không hiểu tại sao con gái lớn lên phải lấy chồng, tại sao không lấy chồng thì bị chê cười, nhạo báng là gái già. Tất nhiên là tôi cũng yêu đương, nhưng không bao giờ nghĩ tới việc lấy chồng và mơ một đám cưới cho-người-ta-trông-vào.

Tôi dồn mọi chú tâm vào việc học, vì tính cạnh tranh với con trai nhiều hơn là vì một ý thức (chỉ thành hình về sau này) về việc học vấn sẽ khai phóng và trang bị cho mình những hiểu biết, từ đó thêm tự tin, độ lượng, và độc lập về cả tình thần lẫn vật chất. Cũng có vài lần thất tình, song đấy lại là lúc tôi càng chúi mũi vào việc học hơn bao giờ hết. Học trường không đủ, còn xin đi học tư thêm nữa các lớp Anh văn và cả Việt văn về cách viết luận đề (hồi ấy tôi khá giỏi về môn viết luận đề, khiến có vài người quen khuyên tôi sau này học làm luật sư). Một lần, cô em kế tôi, không rõ là làm mất tiền học phí hay dùng tiền đó vào việc khác, làm cha tôi giận lắm, cúp cả tiền học các lớp tư của tôi (hồi ấy tôi đã được vào Gia Long học, nhưng đi học tư thêm), với một câu tuyên bố bất hủ, “Con gái học nhiều chỉ tổ viết thư cho trai”. Tôi đau khổ lắm, ngồi khóc nguyên một buổi tối, khóc lớn lắm kìa, vừa khóc vừa kể lể cho tất cả hàng xóm cùng nghe nỗi niềm của mình.

Khi nạp đơn vào trường Gia Long sau khi đậu bằng Trung học hạng bình thứ, tôi một hai đòi theo ban toán, là môn tôi cho là chỉ có bọn con trai trì mới theo học. Tôi không muốn thua. Ban toán đã hết chỗ, mà tôi thì không muốn học ban vạn vật vì hồi ấy chưa biết thích khoa học. Cuối cùng chỉ còn lại ban văn chương. Tôi đành phải chấp nhận ban văn chương. Nhưng sự chống đối đối với môn mình buộc phải chọn đó vẫn ngấm ngầm thể hiện qua những năm trung học đệ nhị cấp, dưới hình thức này hay hình thức khác.

Chống đối hiển nhiên nhất là tôi không thích truyện Kiều, hồi ấy, đã hẳn, dù vẫn học. Cho đó là chuyện mượn của Tầu, không có gì để hãnh diện cả — hồi ấy, tôi chưa đủ trình độ để thấy cái tài tình trong việc sử dụng thể lục bát và đặc biệt cách xây dựng nhân vật của văn hào Nguyễn Du. Cũng hồi ấy, phải học thì học, nhưng tôi không thích những Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán Ngâm Khúc, Ai Tư Vãn, cho là quá uỷ mị. Những dòng thơ Đường mang tính hoài cổ, kỹ thuật cứng ngắc, rắc rối. Tôi không thấy rung động khi đọc các bài thơ lãng mạn Pháp mà các bạn gái của tôi nhiều người thuộc nằm lòng. Nhưng tôi khoái Alfred de Vigny: Gémir, pleurer, prier est également lâche. / Fais énergiquement ta longue et lourde tâche / Dans la voie où le Sort a voulu t'appeler, / Puis après, comme moi, souffre et meurs sans parler, qua bài thơ “La Mort du Loup”. Và không thích cả những thơ văn lãng mạn tiền chiến của văn chương Việt. Song tôi nghêu ngao những Nguyễn Công Trứ: phải có danh gì với núi sông và thích cái triết lý xuất xử của ông; những Cao Bá Quát kiêu bạc: Một chiếc cùm lim chân có đế / Ba vòng xích sắt bước thì vương; những Hoàng Cầm: Trãi con ơi tương lai đầy ánh sáng / Cha đứng đây trông suốt được ngàn thu, trong kịch thơ Hận Nam Quan; hoặc Thế Lữ: Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua / Khinh lũ người kia ngạo mạn ngẩn ngơ / Dương mắt bé giễu oai linh rừng thẳm, qua bài “Hổ Nhớ Rừng”. Tôi yêu cái ngang ngược và ngạo mạn của Hồ Xuân Hương. Tôi học Đoạn Tuyệt, song thích Đôi Bạn của Nhất Linh hơn vì trong đó có cảnh Dũng đi làm việc nước. Tôi muốn làm việc việc nước, có vẻ như “độc quyền” của đàn ông con trai. Tôi không muốn làm Thiếp trong khung cửa.

Mẹ tôi ngấm ngầm hỗ trợ lòng yêu thích việc học của tôi bằng cách... hễ thấy tôi cầm một cuốn sách, không cần biết đó là sách học hay... tiểu thuyết, thì không bắt tôi làm việc nhà, việc bếp núc. Bà Liễu, cô giáo dạy nữ công gia chánh của tôi hồi đệ tam ở Gia Long, một lần bắt tôi đứng giữa lớp mắng về tội không làm bài, làm con nhỏ Hoà ngồi cạnh tôi bật dậy bênh tôi, nói nhưng con này nó vẽ giỏi lắm đó cô. Bà Liễu bĩu môi mỉa mai, ừa, nữa nó dzẽ đồ ăn cho chồng nó ăn, dzẽ áo cho con nó mặc, rồi cho tôi một quả trứng. Bà chị dâu lớn của tôi đã vậy lại còn vun vào, “Nấu nướng, khâu vá học mấy hồi, cô đừng bận tâm. Học chữ mới lâu.” Được thể, tôi càng dấn mình đi sâu vào vườn hoa văn nghệ muôn hồng nghìn tía. Cha tôi cũng làm ngơ mặc kệ tôi, vì bận rộn kiếm cơm nuôi một bầy con còn nhỏ ăn như tầm ăn rỗi — từ di cư vào Nam ông thất bại liên miên. Cũng có thể, một cách âm thầm, ông mong tôi sẽ thành cái gì — tôi là người đầu tiên trong gia đình giật được hai cái bằng tú tài —, nhưng ông không khuyến khích vì có lẽ sợ như vậy là đi ngược lại truyền thống chăng.

Cũng trong thời kỳ này tôi làm quen với văn chương hiện sinh, qua sự giới thiệu của người yêu đầu đời. Tuy vậy, tôi không thích Jean-Paul Sartre. Tôi buồn chán, bề ngoài có vẻ thời thượng, nhưng thực ra vì những lý do gia đình riêng tư. Cha tôi làm ăn thất bại liên miên từ ngày vào Nam sau khi khám phá ra mớ vàng, do việc bán tống bán táng tài sản của mình vào giờ phút chót để đi Nam, khi đem ra bán, thử thì hoá ra vàng giả. Có lúc ông sinh ra cờ bạc, hai lần phá sản, gia đình túng thiếu. Các anh lớn của tôi không khá gì. Các chị thì bận bịu với gia đình riêng và cả gia đình chồng. Mẹ tôi tìm an ủi trong việc sớm tối đọc kinh và đi nhà thờ. Lũ anh em sáu đứa chúng tôi còn nhỏ sống như một bấy thú hoang không người hướng dẫn. Tôi đi học chỉ có độc hai cái áo dài trắng và một cái mầu xanh dương nhạt đồng phục nhà trường. Mắt cận thị nặng nhưng mãi tới năm đệ tam mới xin được tiền của ông anh lớn đi làm kính. Người tình đầu của tôi được bố mẹ lo cho đi Pháp học vì lúc ấy chiến tranh đã bắt đầu với sự ra đời của Mặt Trận Giảỉ Phóng Miền Nam. Từ Bordeaux, anh gửi về tặng tôi đĩa hát 45-tour bài Demain tu te maries.

Tôi đau khổ nhưng không muốn nôn mửa vào cuộc đời vì tôi yêu nó. Mặc dù đang rất khốn khổ song một cách vô ý thức tôi biết rồi tôi sẽ tìm ra ý nghĩa của cuộc sống, sẽ ra khỏi vùng sương mù đang vây phủ tuổi mới lớn. Tôi đọc và xem những phim dựa trên tiểu thuyết của Françoise Sagan để mơ mộng, ao ước một đời sống không phải bận tâm về chuyện vật chất mà chỉ có rong chơi và yêu đương hồn nhiên như cỏ cây. Nhưng tôi thích Albert Camus, nếu không nói là yêu ông ta, mê mẩn với và cả nương tựa vào những L'Étranger, La Peste để sống. Đâu đó trong cuốn tiểu thuyết La Peste của Camus, tôi nhặt được câu đã trở thành một trong hai phương châm sống của tôi từ thuở mới lớn (phương châm kia là bài học rút ra từ chuyện Tái Ông Thất Mã, mà tôi đã thường nghĩ tới và nghiền ngẫm mỗi khi vấp ngã, để vực mình dậy đặng tiếp tục đi tới). “Tout ce que l'homme pouvait gagner au jeu de la peste et de la vie, c'était la connaissance et la mémoire,” Camus viết. Một người bạn sau này quen nhau ở trường kiến trúc, nhân lúc nói chuyện văn chương, đã tìm mua tặng tôi cuốn La Chute, với lời viết tặng cho “une petite amante de Camus”. Bây giờ vẫn còn thích văn hào này vì văn phong — ở mỗi cuốn tiểu thuyết Camus có một văn phong riêng — và vì ảnh hưởng sâu đậm ông đã để lại trong đời tôi. Ngoài ra, hồi ấy tôi cũng mê Gone With The Wind của Margaret Mitchell, cuốn sách dầy cả ngàn trang mà tôi đã đọc cả thảy bốn lần, hai lần trước và hai lần sau 1975, cùng là đọc cuốn Anne Edwards viết về đời bà, Road to Tara, tới hai lần rồi mà vẫn không chán. Phim Gone With The Wind thì xem nhiều lần lắm, một phần vì sở thích điện ảnh, một bộ môn tôi cũng đã theo học và theo đuổi một thời gian.

Cũng đồng thời trong thời gian dậy thì này tôi làm quen với hội hoạ. Tôi có cái may mắn có thiên phú về vẽ, có được “mười ngón tay bắt được của trời” như diễn tả (hình như) của cố nhà văn Mai Thảo, chủ trương tạp chí văn học Sáng Tạo hồi cuối thập niên 1950, và Văn sau này. Tôi không bao giờ có ý tưởng trở thành nhà văn, hay cả nhà báo. Thực ra tôi vẽ từ khi mới biết cầm bút tập viết, và đã thực hiện nhiều truyện bằng tranh, đã bán cho mấy đứa nhỏ hàng xóm lấy tiền mua giấy vẽ tiếp. Có một dạo tôi mơ làm hoạ sĩ. Tôi đặc biệt mê tranh Van Gogh. Nhìn những nét cọ cuồn cuộn trong Starry Night, nhưng mảng mầu vàng lúa mì, xanh da trời và đen của đàn quạ vần vũ quằn quại trong Wheatfield and Crows, tôi nghe lòng thổn thức. Sau khi đậu tú tài hai, tôi dự kỳ thi tuyển vào trường Cao Đẳng Mỹ Thuật. Hàng năm trường này chỉ chọn 20 thí sinh, phần lớn là những người đã từng theo học lớp dự bị một năm của trường. Năm ấy, 1962, tôi đậu hạng 10. Tôi nghĩ tôi được chọn có thể vì hai lý do, một là vì bài vẽ truyền thần của tôi xuất sắc, mà xuất sắc một phần tại tôi dùng than, khiến đường nét và bóng trên người mẫu ở trần mạnh và dễ nổi, lấn át những bức vẽ đa số bằng bút chì của các thí sinh khác; và nữa, tôi là một thí sinh có thể là duy nhất năm ấy có bằng tú tài đôi. Về khoe với nhà tin thi đậu vào trường Mỹ Thuật, chả ai mừng cho tôi hết. Bố tôi, vẫn muốn tôi đi thi vào trường Sư Phạm, còn phán, “Làm hoạ sĩ chỉ chết đói. Con gái không làm hoạ sĩ.” Tôi đành đi thi vào Sư Phạm, và trượt. Đành ghi danh học Luật và Văn Khoa rồi, sau này, Kiến Trúc.

Thường trường Mỹ Thuật chọn một số thí sinh, tôi không biết là mấy người, cho đậu dự bị để nếu có người nào trúng tuyển không học thì họ đôn lên. Chỗ tôi bỏ không học ở trường Cao Đẳng Mỹ Thuật vào tay người đậu dự bị số một năm ấy: đó là người sau này trở thành điêu khắc gia Lê Thành Nhơn (1940-2002). Tôi chỉ biết tới điều này khi gặp lại Nhơn khoảng một thập niên sau đó, tại xưởng điêu khắc của anh ở đường Nguyễn Du, giữa những pho tượng lớn hơn người thật, mà bức tượng gây ấn tượng vô cùng sâu đậm, như niềm hãnh diện của tôi về anh, là tượng Phan Thanh Giản với nét đau đớn của một người sắp uống thuốc độc tự tử như một tạ tội với triều đình Huế vì đã để mất ba tỉnh miền Nam vào cuối thế kỷ thứ 19. Nhơn kể với tôi về việc chính anh là người được đôn lên học chỗ tôi bỏ trống năm ấy. Tôi suy ngẫm về sự việc này: may mà tôi bỏ không theo đuổi hội hoạ, vì Nhơn đam mê, tài giỏi và xứng đáng hơn tôi, rất nhiều. Theo cảm quan nghệ thuật của tôi, anh là một Michelangelo của Việt Nam. Với sự hiện diện của anh, tôi không tiếc đã không có dịp theo đuổi nghệ thuật tạo hình.

Tôi lớn lên không có người để tâm sự. Có tâm sự cũng chưa chắc đã được thông cảm, nếu không là bị phán đoán, điều chả giúp gì được cho tôi hết. Trong nỗi hoang mang cùng tận, đặc biệt từ sau khi người tình đầu của tôi (nay đã qua đời, ở tuổi mới 55) đi du học, tôi cầm bút viết. Một phần cũng vì viết không tốn kém gì nhiều, như vẽ, và chỉ cần một xấp giấy trắng và cây bút, và ngồi viết ở đâu cũng được. Nỗi niềm thì đã ở cả trong đầu, trong tim.

Một trong những truyện ngắn đầu tiên của tôi, “Sao Rụng”, được nhà văn Võ Phiến giới thiệu đăng trên tờ bán nguyệt san Bách Khoa do Lê Ngộ Châu làm chủ nhiệm, vào năm 1965. Ông Võ Phiến hồi ấy nghĩ tôi có thể “đi xa”, vì “Sao Rụng” là câu chuyện không phải về tôi, như với đa số những người mới viết còn ít kinh nghiệm sống và hay viết về mình. “Sao Rụng” (trong tập truyện Vừa Đi Vừa Ngước Nhìn, Khai Trí, Sàigòn, 1966) là chuyện về một con bạn thân, mà tôi rất thương, đi lấy chồng. Người chồng lớn tuổi hơn nó nhiều và nó không yêu, song phải lấy vì một nhu cầu gia đình, như cô Kiều của Nguyễn Du, để lại một cậu bé hàng xóm — một nhân vật hoàn toàn tưởng tượng — thầm yêu trộm nhớ trong tuyệt vọng.

Và tôi... lạc đường vào văn chương kể từ đấy.

 

(09-2009)

 

 

--------------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021