thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Xoá bỏ Thái Độ

 

 

Một hôm đẹp trời (xấu trời cho tôi) ở Sài Gòn, vào một năm đầu thập niên 70, tôi nhận được tin hai sĩ quan trẻ của Thái Độ bị một cơ quan an ninh của Việt Nam đệ II Cộng Hoà xét hỏi, tạm giữ. Tôi ngạc nhiên vì vẫn tin rằng chính sách “mở cửa” của Thái Độ, lập trường dứt khoát ở phía quốc gia, không chơi với ông VC, thì có gì đâu mà xét với hỏi. Còn việc tin chắc chính sách chống Cộng của chính quyền công giáo miền Nam đang phá sản, đang đưa miền Nam đến chỗ lọt vào quyền lực đảng Cộng Sản , là việc bất đồng chính kiên trong phe quốc gia vói nhau. Nhưng lần này vụ gọi lên “làm việc” là do Trung ương Tình báo thực hiện. và không gọi “chưởng môn” Thế Uyên như mọi lần. Linh tính báo cho biết lần này to chuyện rồi.

Tôi như thường lệ loan báo nội vụ cho Chu Việt, cố vấn riêng của tôi. Chu Việt quen biết nhiều các cơ quan nha sở Sài gòn, tương tự như Duy Lam biết nhiều ỏ vùng I. Tôi nhờ Chu Việt hỏi nguyên nhân và nội vụ để tôi biết đường mà gỡ rối, giải thích mọi ngộ nhận. Sau mấy năm hoạt động báo chí, tôi có một uy tín nào đó trong giới cầm quyền và giới có thể sắp cầm quyền ở miền Nam. Ngay những vị cầm quyền phù du cuối Việt Nam Cộng Hoà như Vũ văn Mẫu, Lý Quí Chung cũng là chỗ quen biết dù không thân. Chu Việt hỏi thì có kết quả ngay, vì người đứng đầu cơ quan này là bạn cùng khoá với Chu Việt. Ông bạn này nói ngay là vì phía Mỹ (CIA hay CIB không rõ) đã yêu cầu phía Việt Nam phải xoá bỏ, hay dẹp tan nhóm Thái Độ, asap (as soon as possible)... Dĩ nhiên phía Việt Nam không đồng ý cho lắm, nhưng không thi hành thì không xong, nên làm nhẹ nhàng để báo hiệu cho tôi biết mà lo liệu.

Tôi điện thoại cho Duy Lam nhờ anh gặp ông lãnh sự Mỹ ở Đà Nẵng. Ông này dáng người nho nhã thư sinh, tôi quen sơ sơ. Một lần theo ông anh đến chơi, thấy ông Mỹ này đang ngồi đọc Chiến tranh cách mạng của Mao Trạch Đông, dĩ nhiên bản Anh ngữ, tôi đã nửa châm biếm nửa chế nhạo: “Bây giờ ông lãnh sự mới đọc cái thứ này thì trễ rồi...” Giờ đây, tôi phải nhờ chức sắc này chuyển hộ về Toà Đại sứ lời yêu cầu xin gặp của tôi, không phải gặp ông Đại sứ Bunker mà dân Việt tếu hay gọi là ông “tủ lạnh” hay ông “bê tông cốt sắt”, mà là gặp ông số 2 hay số 3, biết tiếng Pháp. Địa điểm gặp gỡ là nhà của ông lãnh sự ở Đà Nẵng, ngày và giờ gặp tuỳ bên đó. Lần này thì Mỹ trả lòi nhanh thần tốc là OK đề nghị của tôi. Tôi chỉ việc nhờ Chu Việt lấy vé của Phủ Thủ tướng để có thể đi sớm một hai ngày – những buổi họp gay go, tôi thich đến sớm để chuẩn bị tinh thần. Ít nhất đủ để hút một điếu thuốc và nhìn mây nếu có, trên bầu trời.

Đến Đà Nẵng, buổi tối, hai anh em ra ngồi bao lơn quán ven sông nhìn dòng nước tiếp tục chảy từ muôn đời, nhìn đêm đen, uống bia, nói chuyện. Duy Lam cũng bi quan như tôi nhưng không tuyệt vọng, anh tin ở anh cũng như tôi tin ớ tôi. Hai anh em này tự tin dễ sợ, mỗi người một kiểu, trong cuộc nội chiến dữ tợn diễn ra ngoài thành phố. Tôi hỏi: “Sáng mai anh đưa tôi ra xạ trường được không, cho tôi tập bắn M.16...”, đề phòng trường hợp tệ nhất xẩy ra, như tôi bị trả về quân đội, tới những tiền đồn heo hút như Ban Het, đồn trên đỉnh Mang Yang... (khi vượt đèo lên cao nguyên, tôi thường nhìn thấy một bảng mũi tên ghi “đồn Mang Yang 7 km”, tự hỏi ở đó có “trên cao gió lộng” không...)

Hồi tôi còn ở Sư đoàn 5, lính còn trang bị Garant M.1 thời đệ nhị thế chiến, nặng 7kg2, chỉ cố vấn Mỹ mới có AR.15, tiền thân của M.16 nhẹ hều như đồ chơi sau này. Tại xạ trường nhỏ của Biệt kích sáng hôm sau, anh tôi bắn colt, vẫn thường đeo bên mình những vỏ lon bia và bắn giỏi, bắn lon nào, bắn trúng lon đó, trong khi tôi chỉ bắn theo linh tính. Tôi kẹp M.16 vào sườn, bắn liền ba băng rồi than: “Sức xuyên phá yếu quá, không bằng AK của bên kia, bắn vào rừng như vô nghiệm.” Dĩ nhiên tôi bắn dở ẹc, còn anh tôi bắn giỏi, bắn đâu trúng đó vì anh chỉ có một mắt rưỡi, bắn súng coi như đã nheo một mắt sẵn... Hồi còn con nít anh chơi bắn nhau trong một ngôi chùa cổ nơi bà chúng tôi ở, anh bị anh V. con cả của Nhất Linh bắn cho một mũi tên trúng mắt thành sẹo. Hậu quả cũng “tái ông thất mã” lắm, khi bị động viên, vì mắt yếu như thế, anh bị/được vào Truyền Tin.

Anh bảo tôi cầm lon bia giơ lên cách 3 thước, anh nổ trúng tung lên cho mà coi... Tôi tin anh có thể làm được, nhưng kinh nghiệm hồi nhỏ hai anh em chơi cung tên làm tôi lắc đầu từ chối. Lần đó anh để tôi đứng sát tường, đầu đội một vỏ bưởi to. Anh giả làm Guillaune Tell, giơ cung lên hỏi: “Bắn trúng vỏ bưởi nghe?” Tôi ngố ngệt trà lời: “Ừ...” Anh lập tức buông giây và mũi tên làm bằng giây thắng xe đạp, bay ghim vào cổ tôi, dính lủng lẳng ở đó. Tôi vừa mếu vừa kêu mẹ ầm ĩ. Mẹ tôi gỡ ra cho tôi, vừa bôi thuốc đỏ, vừa cằn nhằn, dặn dò: “Khi nào có ai giơ bất cứ cái gì lên doạ bắn, con phải chạy đã, hậu xét mọi sự nghe!” Những gì sẽ xẩy ra tối hôm nay ở toà lãnh sự Mỹ ở Đà Nẵng một phần có lẽ tôi áp dụng lời mẹ dặn năm xưa, sửa đổi cho hợp thời mà thôi.

Đặc phái viên của Đại sứ tóc đã bạc nhiều, cao như ông Đại sứ, đang ngồi nhâm nhi ly cognac với Lãnh sự, đặt ly xuống bàn, đứng lên chào đón hai anh em tôi. Một màn bắt tay và giới thiệu diễn ra tự nhiên và khá nhanh. Chủ nhân lấy thêm hai ly tròn to bự, rót rượu vào một chừng một đốt, giơ tay mời một vòng. Chúng tôi cụng ly nhau, uống dăm ba ngụm rồi ngưng, không chúc sức khoẻ ai cả. Lãnh sự cầm ly rượu ra hiệu cho anh tôi, hai người cùng cầm rượu sang một bàn ở cuối phòng, ra cái điều không muốn biết, không muốn dính tới những gì trao đổi giữa tôi và ông già đại diện cho Đại sứ. Tôi cầm ly tròn lên uống thêm một ngụm, rượu của lãnh sự khá đậm đà, rồi mở đầu trước, dĩ nhiên bằng tiếng Pháp accent nhiệt đới của tôi: “Hai chúng ta chỉ có một người là dân ngoại giao chuyên nghiệp, là ông, còn tôi thì không. Vậy chúng ta thảo luận thẳng thắn, không hoa mỹ rào trước đón sau, OK?” Ông già đồng ý, tôi hỏi thẳng: “Tại sao Toà Đại sứ lại yêu cầu chính quyền Việt Nam dẹp bỏ nhóm Thái Độ?” Câu trả lời ngay lập tức của ông làm tôi ngạc nhiên: “Tại nhóm Thái Độ làm hại công cuộc chống Cộng của quân đội Mỹ tại Việt Nam.”

Cái gì mà ghê vậy? Tôi viết văn tiếng Việt, ra báo tiếng Việt, mắc mớ gì tới mấy ông lính Mỹ? Nhưng thôi, lúc này không phải lúc tranh luận với CIA mà là thuyết phục họ rút lại yêu cầu chính quyền Việt Nam dẹp bỏ Thái Độ (và nhà văn là tôi)... Cãi lộn về chủ quyền nơi đất nước nhiều khói và lửa này sẽ làm bên phía Mỹ chối biến là đã can thiệp,... và tôi cứ việc xách súng lên đồn trên đỉnh Mang Yang mà viết văn “đâm sau lưng chiến sĩ... Mỹ”! Tôi hỏi thẳng thắn: “Để các ông rút lại yêu cầu Việt Nam dẹp bỏ chúng tôi, tôi phải làm gì?” Ông già cũng ngay thẳng trả lời: “Giải tán nhóm Thái Độ, và Thế Uyên nghỉ viết 10 năm!”

Cái gì mà ghê vậy? Tôi không giữ được một nụ cười châm biếm, hỏi ông già: “Ông có thực tin rằng quân Mỹ còn ở Việt Nam tới mười năm nữa không, mà yêu cầu vậy?” Ông già cũng nhếch mép một nửa nụ cười, và chắc là Mỹ gốc Scotland hay Do-thái, nên mặc cả: “Năm năm thôi cũng được... Có phải khi cầm quyền các anh sẽ tuyên bố trung lập?” Câu hỏi bất ngờ làm tôi hơi khựng lại vì không nghĩ tới vấn đề đó. Tham vọng của Thái Độ cao hơn chuyện trung lập thân Pháp hay thân gì gì đó. Nhưng ông già hỏi bất ngờ làm tôi trả lời ngắn gọn: “Trung lập, vậy thì sao thưa ông?” Ông già chậm rãi kết luận: “Trong trường hợp đó, người Mỹ không còn chân đứng tại phần đất này nữa...” Thế này là cùng một từ “trung lập” mà hai bên lại hiểu khác nhau rồi! Tôi nồng nhiệt trình bày: “Tất cả nhóm chúng tôi đều được đào tạo trong văn hoá Tây phương. Người Mỹ nên ủng hộ bọn tôi. Chính bọn tôi mới giữ cho người Mỹ chân đứng ở miền đất này trong tương lai, không phải những người bên kia đâu! Nếu có tuyên bố trung lập, thì đó sẽ là một thứ trung lập thân Tây phương, và có thể có thêm toà đại sứ Liên Xô, Trung Quốc không xa toà Đại sứ Mỹ. Thế thôi.” Ông già im lặng có vẻ không tin. Tôi nói giọng tiên tri: “Tôi nói điều này xin các ông bảo lưu, không những tại toà Đại sứ Mỹ ở Sài Sòn mà còn chuyển về bộ Ngoại Giao: Người Mỹ đã lầm khi không ủng hộ giải pháp chúng tôi, vậy thì quân đội Mỹ sẽ phải rút khỏi Việt Nam trong tương lai, không còn một chân đứng nào. Và ít nhất là hai mươi năm sau, sau rất nhiều điều đình rắc rối, tốn kém người Mỹ mới đặt nổi một chân đứng nơi phần đất này...” Ông già trịnh trọng nói: “Sẽ chuyển và bảo lưu ý kiến anh như anh mong muốn...”

Tôi thuộc một dòng văn học hơi lâu đời một chút nhưng đôi khi cũng biết mặc cả cho văn nghiệp: “Sẽ giải tán nhóm Thái Độ và tôi ngưng viết ba năm thôi.” Ông già đồng ý. Tôi im lặng một chút, đưa ly rượu lên uống – đôi khi rượu cũng có ích, như lúc này đây. Tôi cầm cái ly to bự tròn vo đến bàn Duy Lam và Lãnh sự, đưa tay bắt tay Lãnh sự và nói lời cám ơn khách sáo về tất cả mọi thứ tối nay. Tôi không sao nhớ nổi có bắt tay từ giã ông già đại diện Đại sứ, hay là không...

Hai anh em lên jeep ra về, không ai nói một lời nào cho đến khi an vị chỗ thường lệ ngoài bao lơn quán ven sông Hàn, với một chai bia lạnh trong tay. Anh im lặng, tôi lên tiếng, ngắn gọn: “Tôi phải giải tán nhóm Thái Độ và nghỉ viết ba năm...” Anh vốn không ưa không thích gì nhóm này và tham vọng của tôi. Còn phải nghỉ viết ba năm thì không nhằm nhò gì. Từ khi làm chánh văn phòng cho tư lệnh quân đoàn, anh thôi viết văn, chỉ diễn thuyết và dành hết thòi giờ cho Việt Quốc – một đảng, theo tôi, chỉ còn hình bóng của năm xưa, đảng viên bất động, không thể lo việc lớn nổi. Hai anh em tôi thật tức cười, thân nhau thì hiếm anh em nào bằng, nhưng kể từ khi lớn lên, không làm chung được điều gì.

Sáng hôm sau tôi trở về Sài Gòn, và trong buổi họp vào thứ Sáu gần nhất, sau khi bá cáo những gì đã xẩy ra, tôi tuyên bố giải tán nhóm Thái Độ, và riêng tôi phải nghỉ viết ba năm. Khi mọi người gần như im lặng ra về, phụ tá chính của tôi là Nguyễn Tường Giang bắt tay tôi và nói: “Ông có lẽ là người lãng mạn sau cùng của Việt Nam!” Tôi nói thêm: “Cả nhóm chúng ta đều vậy!” Phụ tá thứ hai của tôi là Nguyễn Đông Ngạc vui vẻ tuyên bố: “Như vậy tôi sẽ lập một nhà xuất bản riêng cho tôi, về tình yêu là chính.” Anh làm thật, cuốn đầu, Love Story của Eric Segal, bản dịch của Phan Lệ Thanh, một nữ sinh viên xinh đẹp mới tốt nghiệp ở Úc về, bán chạy ào ào. Cuốn sách dịch thứ hai cũng do dịch giả này là Women in Love của D.H. Lawrence. Cuốn thứ ba là tuyển tập Những truyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta, khá công phu, vì có tiểu sử, hình do Trần Cao Lĩnh chụp, và thủ bút của mỗi tác giả. Trần Cao Lĩnh để tôi đứng trước tượng kẻ sĩ nổi danh của miền Nam là Võ Trường Toản, do Nguyễn Thanh Thu tưởng tượng tạc thành. Hình chụp từ dưới lên, làm tôi trông như sinh viên năm đầu Đại học.

Nghỉ Thái Độ, ai cũng có việc làm hào hứng. Còn tôi, tôi làm cái gì đây, ngoài truyện dạy học đủ 18 giờ/tuần? Đối với người thường, làm giáo sư như thế cũng đủ cho cuộc đời, nhưng tôi quen làm việc với tốc độ cao, những việc khác thường, bây giờ hẫng một cái... rỗng không. Giả thử tôi phải trở lại đơn vị tác chiến thì việc quân, mạng sống phải lo thường ngày, trong nội chiến, đủ lấp đầy tâm trí... Nhưng như đã thoả thuận với ông già đại diện, tôi chỉ phải ngưng viết, còn đang ở Sài Gòn thì cứ ở Sài Gòn đều đều, dài dài mà “đêm nghe tiếng đại bác, ngắm hoả châu sáng góc trời”. Đã thế, còn vấn đề tài chính, vì lạm phát tăng nhanh, lương giáo sư không đủ nuôi vợ con. Tiền nhuận bút, thí dụ của Chính Luận, không thôi đã bù đắp nhiều cho ngân sách hàng tháng, tuy rằng đã có nhóm viên trước đây châm biếm: “Tiền nhuận bút không đủ cho ông chủ biên may váy cho vợ...” Đủ chứ sao không đủ, mốt thời đó là váy ngắn xủn, ít tốn vải nhưng phải tốn phụ trội mua quần lót đẹp.. Nhưng bây giờ không còn nhuận bút của nhật báo, cũng không tác quyền sách mới...

Đúng lúc đó tay trống Sơn Râu, em trai duy nhất của tôi, ở Đà Lạt về, góp hai ý kiến để tôi chọn: “Một là anh giỏi Pháp văn như thế sao không dịch truyện xì-trum của báo nhi đồng và lão ngoan đồng “Spirou”, bảo đảm bán chạy dư sống? Hai là anh dạy Việt văn lâu năm, cứ phải dùng sách cũ ơi là cũ, chán ơi là chán, sao anh không soạn một bộ mới? Sơn tin rằng cũng bán chạy như dịch “xì-trum” sang tiếng Việt.”

Tôi chọn giải pháp soạn sách giáo khoa Việt văn. Nên kể thêm ngay về giải pháp một, kẻo không có dịp trở lại nữa: Người dịch xì-trum là một người Nam kỳ Lục tỉnh, đã khéo léo cho dân xì-trum nói kiểu nhi đồng miền đồng bằng Cửu Long, khi hát là hát lý con sáo, lý ngựa ô. Dĩ nhiên tạp chí xì-trum bán chạy vô địch miền Nam lúc đó, vì những người lớn như tôi cũng là độc giả trung thành. Đó là ấn loát phẩm mấy bố con đọc chung, thích thú. Mức độ phổ biến rộng, đến nỗi sau 30 tháng 4/75, nhà văn nằm vùng Vũ Hạnh phải viết một bài kết tội. Làm báo nhi đồng mà tội gì? Tội dạy cho nhi đồng Việt Nam lẫn lộn chính nghĩa với phản động: “Cái gì cũng xì-trum một cái là xong hết...”

Mở đầu cho việc soạn sách giáo khoa là mở cuốn chương trình mới nhất của Bộ Giáo Dục ra đọc. Tôi ngạc nhiên thấy qui định về Việt văn tiến bộ, hơn cả Pháp, còn có bằng Mỹ chăng tôi không biết vì không đủ Anh văn để đọc. Về phần văn trích dẫn, những người soạn chương trình ghi rõ “lấy trong sách báo đương thời”. Hiện tượng các sách giáo khoa Việt văn đầy những bài văn tiền chiến là tại các soạn giả lười hiện đại hoá. Tôi thì không: dàn hàng ngang trích đủ các tác giả đương thời, cả nam lẫn nữ, đủ cả Công giáo, Phật giáo: Tuý Hồng, Nguyễn thị Thuỵ Vũ, Trùng Dương... Ngô Thế Vinh, Cao Văn Luận, Đức Nghiệp, Phan Nghị, Nhất Hạnh, Thảo Trường, Y Uyên..., dĩ nhiên không thiếu hai anh em Duy Lam, Thế Uyên, và các nhà văn Tự lực Văn đoàn. Ban kiểm duyệt Bộ Thông Tin thấy cuốn giáo khoa không chịu giống ai, bèn gửi bản thảo sang Bộ Giáo Dục hỏi, và câu trả lời tất nhiên là soạn giả đã theo đúng chương trình qui định.

Cứ như thế mỗi năm tôi soạn cho một cấp lớp, 6, 7, rồi 8, 9, quên phăng đã quá hạn kỳ ba năm từ lúc nào. Tôi đang đà say mê soạn giáo khoa, quên phăng việc viết văn, nhất là khi bộ giáo khoa bán chạy, các nhà giáo trẻ thường chọn cho học sinh mua dùng. Tác quyền khá vì tôi làm từ A đến Z. Vì phát hành lấy, mỗi sáng tôi lúi húi gói sách, thuê xe ba bánh chở vào các chành ở Chợ Lớn. Tôi đèo Thi theo, để khi đến nơi, tôi mệt mỏi ngồi nghỉ trên xe gắn máy, có người giao thiệp với chành. Tiền bán sách bỏ vào một bịch mang đến ngân hàng gửi, các cô ngân hàng đếm mệt nghỉ, hỏi Thi: “Anh chị có cây xăng hay sao?” Năm 1975, tôi soạn xong cuốn Việt văn lớp 12, đang cho in... thì mấy ông bạn nón cối dép râu tiến vào Sài Gòn, chiếm tất cả nhà in, giấy và sách đã in. Còn tiền để ngân hàng, mấy ông cối lý luận kiểu Lương Sơn Bạc, là chỉ có những kẻ bóc lột nhân dân mới có tiền gửi ngân hàng, vậy tịch thu hết. Xong.

Vậy mà chưa đủ, mấy ông miệng nói cách mạng, thực chất Lương Sơn Bạc, còn lấy luôn thân thể lẫn đầu óc tôi mang lên rừng “cải tạo” ba năm, thực chất là tẩy não, khi tha về, cấp cho một “giấy ra trại’ đề rõ tội trạng: “trung uý tay sai đế quốc Mỹ”. Có lẽ vì thế chính quyền Mỹ nhận cho tôi mang theo vợ con đến Mỹ sau này chăng...

 

Tháng 5, 2009, Seattle, USA.

 

 

Kỳ trước:

Vào những năm chót 60 và đầu 70, ở Sài Gòn xuất hiện một nhóm văn hoá lấy tên là THÁI ĐỘ, xuất bản một tập san in ronéo không xin phép chính quyền, phổ biến hạn chế, lấy tên là Thái Độ, một nhà xuất bản in typo cũng tên Thái Độ có xin phép Bộ Thông tin kiểm duyệt như mọi người, và tổ chức buổi những sinh hoạt khác có tính cách văn nghệ và không có tính cách văn nghệ. Mục đích là để tiến tới thực hiện một cuộc cách mạng không cộng sản, theo một khuôn mẫu tương tự các nước xã hội Bắc Âu như Na-uy, Thuỵ-điển... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021