thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đi xem phim tài liệu BOLINAO 52 — Hội thảo ‘Tưởng nhớ, Hoà giải và Chữa thương’

 

Là một người rất thích loại phim tài liệu, tôi đã nghe biết về Bolinao 52 của đạo diễn Nguyễn Đức từ khi phim được phát hành vào năm 2007, song vì ở xa nên tôi chưa có dịp xem. Mãi hôm vừa rồi, nhân có mặt ở Quận Cam, Nam Cali, được biết phim sẽ được trình chiếu lại tại Viện Bảo Tàng Bowers ở Santa Ana, tôi dời dự tính đi San Diego thăm con cháu lại hai ngày, để cùng với hai chị bạn tham dự buổi trình chiếu này vào ngày chủ nhật 26 tháng 4 vừa qua.

Buổi chiếu phim diễn ra vào lúc 1g30 trưa, với sự tham dự của khoảng 100 khách cả Mỹ lẫn Việt. Tiếp theo là cuộc thảo luận, với đề tài “Remembrance, Reconciliation and Healing” (Tưởng nhớ, Hoà giải và Chữa thương), với sự góp mặt của đạo diễn Nguyễn Đức (cũng là một cựu thuyền nhân), Bác sĩ Nguyễn Mai-Phương (phu nhân của nhà đạo diễn và đồng sản xuất bộ phim tài liệu Bolinao 52), và bà Xuyen Dong-Matsuda (chuyên gia về tâm lý và xã hội tại Quận Cam). Đặc biệt trong buổi sinh hoạt này có sự tham dự của Bà Trịnh Thanh Tùng, một trong số 52 người sống sót của chuyến vượt biển bi thảm năm 1988; và phần trao bảng ghi ơn của thuyền nhân tới cựu thuyền trưởng của chiến hạm USS Morton, Corwin Al Bell, người đã cứu vớt 70 thuyền nhân ở biển Đông vào năm 1982, tám năm trước khi xẩy ra vụ Bolinao 52.

 

Bolinao 52 là câu chuyện vượt biển của 110 người Việt vào năm 1988, đúng vào thời kỳ lòng nhân đạo của thế giới bắt đầu mỏi mệt (compassion fatigue) đối với thảm kịch thuyền nhân đã diễn ra trên 10 năm trời mà vẫn chưa thấy ngớt giảm vì chế độ Cộng sản Việt Nam ngày càng bế tắc, càng trở nên khắc nghiệt, tàn bạo khiến người dân không nhìn thấy tương lai là đâu ngoài việc tìm đường vượt thoát bất kể hiểm nguy. Đoàn người đi tìm tự do này trải qua 37 ngày lênh đênh trên biến Đông. Thuyền bị hư máy, lương thực cạn kiệt, gặp nhiều tầu lớn, trong đó có cả một chiến hạm Hoa Kỳ — chiếc USS Dubuque dưới quyền chỉ huy của Thuyền trưởng Alexander G. Balian — nhưng không được cứu vớt. Năm mươi hai người sống sót đã, để có sức mà tát nước ra khỏi con thuyền, phải ăn thịt người chết. Cuối cùng, họ được các ngư phủ Phi cứu đem vào bờ, tại làng Bolinao, do đấy nhóm này có tên gọi là Bolinao 110/52. Dù thế, khi nghe tin cựu Thuyền trưởng Balian bị toà án quân sự Mỹ ở Subic Bay Naval Station kết án, họ đã làm kiến nghị xin tha cho ông.

Chính tại bờ biển làng Bolinao này cuốn phim bắt đầu, bằng chuyến trở về vào năm 2004 của bà Trịnh Thanh Tùng để thăm lại ngôi làng đã đem lại cho mình sự tái sinh, như bà nói, và để thắp nén nhang cầu siêu cho những người đã chết. Bà Trịnh Thanh Tùng là người duy nhất đã quyết định kể lại câu chuyên mà ai trong những người sống sót cũng muốn quên đi. Chính bà cũng đã từng muốn chôn vùi nó, vì sợ người nghe không thông cảm nổi hoàn cảnh tuyệt vọng cùng cực của mình. Nhưng, theo bà kể, một lần bà xem cuốn phim Alive (1993), về một đoàn cầu thủ bóng bầu dục bị rớt máy bay mắc kẹt trên rặng núi Andes tuyết phủ đã bị buộc phải ăn thịt người chết để tồn tại. Bà Trịnh Thanh Tùng nghĩ chuyện của những người cầu thủ cũng đâu có khác gì chuyện của nhóm Bolinao 52, mà đấy là họ đi chơi, còn bà và các người đồng hành đi tìm tự do, thì có gì đâu để mà phải xấu hổ. Và bà đã liên lạc với đạo diễn Nguyễn Đức khi nghe ông rao trên đài muốn tìm những người sống sót của chuyến hải hành đầy ác mộng đó, và bằng lòng kể lại câu chuyện này.

Lồng trong câu chuyện về nhóm Bolinao 52 là những đoạn phim và lời kể về chính cuộc vượt biển của người đạo diễn, song là một cuộc vượt biển không quá kinh hoàng vì thuyền họ được tầu Mỹ USS Long Beach vớt sau có vài ngày lênh đênh trên biển. Ông Nguyễn Đức, hồi ấy mới 15 tuổi, đã có ý định kể lại kinh nghiệm vược biển của mình. Nhưng khi nghe một chương trình 60 Minutes của CBS, về vụ án của thuyền trưởng Balian, bị kết án về tội sao nhãng nhiệm vụ sau khi từ chối không vớt nhóm Bolinao 52, và vì đã nghe biết được những thảm cảnh thuyền nhân khác đau khổ gấp mấy lần chuyện vượt biển của chính mình, đạo diễn Đức, với sự khuyến khích và tiếp tay tích cực của vợ là bà Nguyễn Mai-Phương, quyết định thực hiện Bolinao 52.

Thẳng thắn mà nói, Bolinao 52 sẽ chỉ là một câu chuyện kể về cái giá của tự do — một đề tài không kém cao quý — nhưng phim sẽ thiếu cái cao điểm (climax) khiến người xem phim điềm đạm nhất từ đầu đến cuối cũng phải rơi lệ, nếu không có sự xuất hiện của ông William Cloonan, người thủy thủ trên chiếc USS Dubuque đã chứng kiến cảnh thuyền nhân dở sống dở chết mà không được cứu vớt, và đã ôm mối ám ảnh và cảm giác tội lỗi từ gần 20 năm, chỉ mong có ngày gặp lại một trong các thuyền nhân này để nói lời xin lỗi. Dịp đó cuối cùng đã đến khi ông được đạo diễn Nguyễn Đức dàn xếp cho gặp bà Trịnh Thanh Tùng. Ông Cloonan xin lỗi không chỉ cho riêng mình, mà cho cả các đồng đội đã phải nuốt hận trên boong tầu hôm ấy giữa biển Đông, vì là quân nhân không thể cãi lệnh cấp trên. Bà Trịnh Thanh Tùng nhận lời xin lỗi, có lẽ cũng cho cả 58 người đã bỏ mạng trên đường đi tìm tự do. Và cũng như thay cho họ, chị tha thứ cho những người đã hắt hủi chị và các bạn đồng hành. Và họ đã cùng khóc vùi, làm khán giả cũng sụt sùi theo. Như thể đã được giải oan. Và hành trình chữa thương coi như có thể bắt đầu…

Tôi hài lòng khi đạo diễn Nguyễn Đức đã quyết định chọn thể loại tài liệu (documentary) để kể lại câu chuyện này, thay vì loại phim truyện (feature), vì thể loại tài liệu vốn có đặc tính chứng liệu và gây tác động mạnh hơn là phim truyện. Sách vở tài liệu về thảm cảnh thuyền nhân không ít, nhưng phim tài liệu có lẽ đếm không đủ trên 10 đầu ngón tay, mà phim ảnh vốn là một bộ môn có khả năng gây tác động mạnh, lại có tính cách đại chúng, và không đòi hỏi nhiều thì giờ như đọc sách báo. Gần đây có một số nhà làm phim trẻ gốc Việt có thực hiện một số phim truyện về kinh nghiệm tị nạn và tù cộng sản, như Green Dragon (2001) của Timothy Linh Bui, hoặc như Journey From the Fall (2007) của Hàm Trần. Đây là những nỗ lực rất đáng ca ngợi và nên khuyến khích. Song không thể coi đây là những chứng liệu lịch sử. Cũng như tôi vẫn tiếc là hồi giữa thập niên 1950 chúng ta đã chỉ có phim truyện Chúng tôi Muốn Sống mà không phải là phim tài liệu, ghi lại những cảnh đấu tố tàn bạo trong thời cải cách ruộng đất đẫm máu của chế độ Cộng sản Việt Nam như những chứng liệu lịch sử.

 

Được biết nhà phát hành Bolinao 52 hiện chỉ nhận đặt hàng của những cơ sở giáo dục, với giá $250/DVD. Hy vọng trong một tương lai gần, DVD của bộ phim này sẽ có mặt trong các thư viện công cộng để nhiều người hơn nữa sẽ được dịp xem, nhất là những người thuộc thế hệ con cháu của chúng ta.

 

(5/2009)

 

HÌNH ẢNH:

 

Bích chương quảng cáo buổi trình chiếu và hội thảo về phim tài liệu Bolinao 52.(Ảnh: Bowers Museum)
 
Khoảng 100 khán giả tham dự buổi trình chiếu và thảo luận về phim Bolinao 52. (Ảnh: TD)
 
Cựu thuyền trưởng Corwin Al Bell, trái, phát biểu cảm tưởng sau khi nhân bảng ghi ơn của thuyền nhân Việt. Chiếc USS Morton do ông chỉ huy đã vớt 70 thuyền nhân vào năm 1982. Ông nói ông suýt khóc khi gần đây nhận dược thiệp mời đi đám cưới của môt thiếu nữ có mặt trong đám thuyền nhân được tầu ông vớt năm nào. Ông đề nghị các cựu thuyền nhân nên tiếp tục liên lạc với nhân viên trên những tầu đã cứu vớt họ. Giữa, bà Trịnh Thanh Tùng, một trong 52 thuyền nhân sống sót của chuyến vượt biển kinh hoàng, và bên mặt, đạo diển Nguyễn Đức, đang lắng nghe ông Bell nói. (Ảnh: TD)
 
Buổi thảo luận với đề tài “Tưởng Nhớ, Hoà giải và Chữa thương” diễn ra sau buổi chiếu phim với hai điều hợp viên, trái, và các hội thảo viên, từ trái, bà Xuyen Dong-Matsuda, chuyên gia về tâm lý và xã hội tại Quận Cam; Bác sĩ Nguyễn Mai-Phương, phu nhân của đạo diễn Nguyễn Đức và đồng sản xuất bộ phim tài liệu Bolinao 52; và đạo diễn Nguyễn Đức. Theo đạo diễn Nguyễn Đức, sau những buổi trình chiếu Bolinao 52 như buổi hôm nay, có thêm những thuyền nhân sẵn sàng kể chuyện mình. Chuyên gia tâm lý Matsuda kết thúc buổi thảo luận bằng phát biểu, đại ý, kể ra được giúp cho việc chữa thương, mà chữa thương đòi hỏi thời gian, song cuộc phần đấu giúp tạo thêm sức mạnh tinh thần. (Ảnh TD)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021