thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cali đón Tết Tầu, Tết ta... và Tổng Thống Obama

 

Bài và ảnh: Bùi Văn Phú

 

Cali của tôi đây là vùng Vịnh San Francisco, nơi có ba thành phố lớn: San Jose, San Francisco và Oakland với thành phần cư dân đa sắc tộc nên là chiếc nôi của nhiều sinh hoạt văn hoá. Đầu năm có Tết Tầu, Tết Ta; tháng Tư có lễ hội hoa anh đào, tháng Năm có Cinco de Mayo - Ngày 5 tháng Năm - để chuẩn bị vào hè với nhiều lễ hội vui chơi khác.

Năm nay văn nghệ mừng Tết sớm nhất là những sô ca nhạc kịch Trung Hoa của đoàn văn nghệ Divine Performing Arts từ New York đi lưu diễn, với mười sô tại vùng Vịnh trong tuần lễ thứ hai của tháng Giêng.

Tôi đi xem văn nghệ trùng ngày với liên hoan tất niên do Tổng Lãnh Sự Quán Việt Nam tổ chức, tối thứ Bảy ngày 10 tháng Giêng. May là hai sinh hoạt tổ chức cạnh nhau nên tôi ghé dự tất niên ít phút, nghe ông Tổng Lãnh Sự Lê Quốc Hùng đọc diễn văn. Cũng không có gì mới ngoài báo cáo tình hình quê nhà và quan hệ với Việt kiều. Ông nhắn nhủ người Việt hải ngoại cần đoàn kết, nhắc lại chính sách của nhà nước coi Việt kiều như khúc ruột ngàn dặm và là: “bộ phận không thể tách rời khỏi dân tộc”.

Khác với những Tết trước, năm nay ông tổng lãnh sự đổi mới, không mặc âu phục mà là áo dài gấm xanh đội khăn đóng chúc Tết bà con, quan khách. Đây là lần thứ nhì tôi thấy bộ áo truyền thống được khoác lên người một lãnh đạo Việt Nam. Lần trước vào cuối năm 2006, khi có hội nghị APEC diễn ra tại Hà Nội với lãnh đạo các nước, trong đó có Tổng Thống George W. Bush, đã mặc quốc phục của nước tổ chức để chụp hình lưu niệm. Hôm đó Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết mặc áo gấm mầu vàng tía, còn lãnh đạo các nước khác người thì mầu xanh, người mầu đỏ, nhưng không ai đội khăn đóng. Sau sự kiện đó, tôi hi vọng được thấy lãnh đạo Việt Nam khi đi nước ngoài hay trong những dịp lễ lạt truyền thống cũng sẽ mặc áo dài, như lãnh đạo các nước Philippin, In-đô-nê-sia, Ấn độ, Trung Quốc thường mặc quốc phục của họ.

Rời liên hoan tôi ra lấy ít quyển báo xuân trong nước và trở lại coi văn nghệ của người Hoa.

Chương trình dài 90 phút, hoành tráng và toát lên những nét về lịch sử, văn hoá Trung Quốc qua phông nền, qua tiếng đàn cổ hoà với đàn tây phương dễ đem đến cho khán giả sự cảm nhận. Đoàn Divine Performing Arts biểu diễn các điệu vũ, nhạc cụ mà tôi thấy Việt Nam cũng có, như đàn nhị, sáo trúc, tì bà. Rồi múa lụa, múa quạt, múa kiếm. Nghệ thuật Việt Nam bị quá nhiều ảnh hưởng của Trung Hoa, từ nhạc cụ đến những điệu múa. Như thế làm sao người nước ngoài có thể phân biệt đâu là văn hoá Việt hay văn hoá Trung Hoa.

Trong các chương trình biểu diễn văn hoá nghệ thuật đã được đem ra hải ngoại, múa rối nước có nhiều đặc tính Việt Nam nhất.

 

*

 

Một tuần sau, cộng đồng người Việt vùng Vịnh có hai hội chợ Tết.

Năm ngoái, vì kinh tế suy thoái, mất đi nhiều nhà bảo trợ tài chánh nên Hội Tết San Jose sau hơn hai mươi năm liên tục tổ chức đã phải tạm nghỉ. Năm nay Hội Tết San Jose cố gắng hồi sinh tại một địa điểm mới.

Trời nắng đẹp, nhưng không khí hội chợ tẻ nhạt. Nhiều người nói chỉ vì sự có mặt của ông thị trưởng và cô nghị viên gốc Việt đang bị đồng bào vận động truất nhiệm nên dân chúng tẩy chay. Tôi đến nơi khi lễ khai mạc đã kết thúc và thấy lèo tèo chừng đôi ba trăm người. Các gian hàng hầu hết bán sách hay trưng bày tranh ảnh. Ngay cửa vào có bán tương ớt, mắm tôm. Một sắp xếp không khéo léo lắm của ban tổ chức.

Hôm sau, Hội Tết San Francisco khai mạc tại khu Little Saigon trên đường Larkin, thu hút cả chục nghìn khách du xuân cùng nhiều quan chức chính quyền đến vui xuân với người Việt dưới bầu trời nắng đổ chan hoà.

 
Hội Tết Kỷ Sửu tại Little Saigon, San Francisco (ảnh: Bùi Văn Phú)
 

*

 

Thứ Hai, 19 tháng Một, tức 23 tháng Chạp âm lịch. Ông Táo về trời. Táo George W. Bush cũng khăn gói chuẩn bị từ biệt quốc dân.

 
Trang nhất các báo vùng Vịnh San Francisco tường thuật
lễ nhậm chức của Tổng Thống Obama.(ảnh: Bùi Văn Phú)
 

Thứ Ba. Hoa Kỳ có lãnh đạo mới, tân Tổng Thống Barack Hussein Obama. Hai triệu người đổ về Thủ Đô Washington chào đón tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ. Khắp nơi nhiều người xem lịch sử sang trang qua màn hình trực tiếp truyền hình. Tôi chứng kiến giờ phút ông Obama nhận chức cùng với mấy trăm người khác. Nhiều người da đen đã bật khóc, reo hò vui mừng. Sự kiện một người da đen được bầu chọn làm lãnh đạo giúp cho người Mỹ gốc châu Phi trút bỏ được gánh nặng tâm lí “They Can’t” - Họ không thể - đè nặng lên vai từ thời nô lệ để chuyển sang thông điệp “Yes. We Can” - Đúng. Chúng ta có thể - mà tân tổng thống Barack Obama đã gióng lên từ những ngày vận động tranh cử.

 

*

 

Những buổi chiều rảnh tôi đọc báo xuân quê nhà. So với báo hải ngoại có một khác biệt lớn là tính xuân trong báo hải ngoại nhiều hơn trong nước. Báo trong nước có nhiều bài viết chỉ là báo cáo thành tích và mấy trang đầu thường có tính “cúng Cụ” và nội dung thiếu sớ táo quân hay tử vi. Có báo trình bày kém chuyên nghiệp như tờ Pháp Luật khiến người đọc và con chữ không có chỗ thở và trông rối mắt.

Nếu có cuộc thi báo xuân hay nhất tôi sẽ chấm tờ Phụ Nữ giải nhất. Trên những trang báo này, có phỏng vấn Phạm Quỳnh Anh, tác giả ca khúc “Bonjour Vietnam” nổi tiếng, có phỏng vấn Ái Vân, Nguyễn Huy Thiệp, có sáng tác của Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Ngọc Tư và cách trình bày thoáng mắt, trang nhã và nghệ thuật.

 
Báo xuân trong nước và hải ngoại
(ảnh: Bùi Văn Phú)
 

Nội dung báo trong nước thiếu phong phú, trái lại bìa báo thường trội hơn hải ngoại về tính sáng tạo. Báo Xuân hải ngoại, nổi tiếng nhất là hai tờ Người ViệtViệt Báo, nhưng hình bìa năm nào cũng gần giống nhau. Tờ Việt Báo in một mầu đỏ chói, chỉ thay con số và con giáp. Tờ Người Việt các năm trước cũng thế, bìa là tranh của Nguyễn Thị Hợp. Năm nay có thay đổi chút ít.

Nhìn qua cách trình bày sản phẩm văn hoá ở hải ngoại thì bìa băng ca nhạc Thuý Nga hay Asia cũng có cùng khuynh hướng. Những băng Thuý Nga gần như có bìa giống nhau, đại thể là toàn bộ hình các ca sĩ tham gia, mầu sắc hao hao, trừ một vài lần như bìa băng “Chúng ta đi mang theo quê hương” hay “Mẹ”. Asia tương đối khá hơn trong sáng tạo hình bìa.

Trở lại nội dung báo xuân, trong các bài viết mang tính thời sự trên tờ Pháp Luật có bài của Giáo Sư Trần Ngọc Thơ cảnh báo về những lời khen mang tính ngoại giao, lịch sự của quan chức hay chuyên gia nước ngoài mà truyền thông trong nước hay thổi lên. Tôi cho đây là một bài viết giá trị nhất.

Một bài của tác giả Nguyễn Tường Bách từ Đức viết trên Tuổi Trẻ về tâm tư của một Việt kiều nhớ Tết quê nhà và cho rằng “những ‘chính sách’ quen thuộc dành cho kiều bào có lúc đã trở thành thành tích sáo ngữ, không ai muốn lặp lại.” Tác giả nhắc đến kiều hối khiến tôi phải làm tính xem sao. Nếu năm qua người Việt ở nước ngoài gửi về 7 tỉ đô-la, con số nhà nước đưa ra có thể là 8 tỉ, nếu tính bình quân cho 3 triệu 500 nghìn người Việt đang sống ở nước ngoài thì mỗi đầu người chi cho bên nhà ít ra cũng 2 nghìn đô-la một năm. Một số tiền khá lớn trong lúc kinh tế toàn cầu đang xuống dốc. Rồi số người về quê ăn Tết năm nay là 400 nghìn, chiếm 11% số Việt kiều. Một con số cũng lớn lắm. Nếu tính đổ đồng họ về Việt Nam trải đều trong ba tuần trước Tết và qua hai sân bay tại Hà Nội và Sài Gòn thì mỗi sân bay đón hơn 30 chuyến mỗi ngày, mỗi chuyến chở 300 Việt kiều.

Suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng khắp nơi. Người Mexico gửi về nước mỗi năm gần 30 tỉ đô-la, con số này năm qua cũng giảm đi đáng kể. Thế nhưng với người Việt thì lại không giảm mà cứ tăng. Như thế những con số, như muôn vàn con số khác nhà nước đưa ra không biết có đúng với thực tế hay không?

 

*

 

29 Tết. Trời âm u, gió lạnh.

Tôi và đứa con trai xuống San Jose xem không khí đón Tết ra sao và để tìm mua pháo. Những đứa bé sinh ra hay lớn lên ở Mỹ như con trai của tôi, mỗi khi nghe nhắc đến Tết, chỉ nhớ hai điều là được tiền lì-xì và có cơ hội đốt pháo.

 
Chợ hoa ở San Jose (ảnh: Bùi Văn Phú)
 

Khu Grand Century vắng người. Khu chợ Senter cũng không đông lắm. Nhiều cửa tiệm ở đây treo cờ vàng, phất phới tung bay trước gió. Thấy xác pháo rải rác, tôi hỏi nhỏ bà bán hoa chỗ mua pháo. Rồi tìm đến, kín đáo mua ba phong, 20 đô-la.

Khu Lion Plaza đông và nhộn nhịp hơn. Nơi đây có chợ hoa bán nhiều đào, huệ, quất và lay-ơn. Thỉnh thoảng có tiếng pháo nổ liên thanh.

Chiều 30 Tết chúng tôi cùng 300 đồng hương vui đón Tết bằng một thánh lễ và một chương trình văn nghệ cây nhà lá vườn, nhưng không thiếu pháo nổ và sớ táo quân vui nhộn.

Sau Tết cộng đoàn, gia đình quây quần bên nhau nhậu nhẹt đón giao thừa.

 

*

 

Sáng Mồng Một Tết. Thứ Hai. Ngày Tết, học sinh ở San Francisco và Oakland đều được nghỉ học. Giáo viên có ngày tu nghiệp. Nghe lác đác pháo nổ dưới phố. Trời quang đãng. Từ đỉnh đồi ngó xuống thành phố Oakland và San Francisco hiện rõ dưới ánh nắng chan hoà.

Thứ Bảy, Mồng 6 tháng Giêng ta. Phố Tầu Oakland nhộn nhịp tiếng trống, chiêng và phèng la của đoàn lân đến trước những cửa hàng chào năm mới, chúc mừng khai trương phát tài. Lộc cho lân là quít, quất là những bẹ rau cải hay những đồng tiền giấy treo cao, lủng lẳng trước tiệm. Pháo nổ vang, mù mịt khói.

 
Múa lân, đốt pháo chúc khai trương phát tài (ảnh: Bùi Văn Phú)
 

Cuối tuần này không ai tổ chức lễ hội vì mai là ngày tranh giải toàn quốc bóng cà-na kì thứ 43, Super Bowl XLIII. Hơn một trăm triệu người Mỹ sẽ ở nhà ngồi xem ti-vi. Tổng Thống Obama đã mời một số dân cử quốc hội vào Bạch Cung cùng theo dõi. Không mấy ai ra đường vào chiều mai mà sẽ tụ họp quanh màn hình để ủng hộ một trong hai đội nhà: Steelers từ thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania đấu với Cardinals của Arizona để giành chức vô địch.

Thứ Bảy tuần tới người Hoa có diễn hành mừng Tết Tầu ở San Francisco. Một sinh hoạt vui xuân đã thu hút vài trăm nghìn du khách mỗi năm.

Chủ Nhật có diễn hành xuân đón Tết Ta của người Việt ở dưới phố San Jose cũng sẽ thu hút vài chục nghìn người. Nếu trời nắng đẹp.

 

*

 

Lão mai vàng rực góc vườn

Cho tôi ngã xuống con đường tôi xưa

Ngủ quên một giấc sang mùa

Ngay mai em tới xanh vừa tóc thơm

 

Tối nay đọc thơ lục bát Từ Kế Tường trên những trang báo xuân trong nước đem đến cho tôi nỗi nhớ về một thời xa xưa cũ. Ở quê nhà.

 

 

------------
Đã đăng:
Mùa xuân tản mạn chuyện hoa, nhạc  (truyện / tuỳ bút) 
Con người sinh ra có lẽ là để yêu hoa. Các cô yêu thích hoa tươi còn các cậu mê hoa biết nói cười. Hoa mang hương thơm, sắc đẹp đến cho đời nhưng hoa cũng có thể giết người khi được dùng làm độc dược để kết liễu cuộc đời. Thân tôi cũng giống như bao người khác, có hoa là vui mà thiếu hoa thì buồn... (...)
 
... “Do you want to buy firecrackers? Ten bucks.” — Anh muốn mua pháo không? Mười đô — Tôi khua tay, lắc đầu. Không biết anh ấy bán pháo để người mua đốt đón Tết Tây tối nay hay đón Tết Ta vào cuối tháng... (...)

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021