thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cuối năm nhớ Tạ Ký, hay Chuyện kể về bài thơ “Ruồi Và Em” của Tạ Ký

 

(Bài viết theo yêu cầu của một số bạn trẻ)

 

 

Có lẽ trong lịch sử văn học Việt Nam, không có nhà thơ nào lại có thể viết được một bài thơ tình từ những con ruồi xanh gớm ghiếc bu đầy miệng hố xí, mà lại là những hố xí lộ thiên miệng rộng 2m, dài 3m nằm dọc theo hàng rào kẽm gai của trại “cải tạo” những sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà bại trận ngày 30/4/1975. Và cũng chỉ có chiến thắng lịch sử của quân cộng sản Bắc Việt vào ngày này mới đẩy hằng triệu người Miền Nam bỏ nước ra đi dù phải mất tất cả những gì yêu quí nhất và đối diện với cái chết, cái tang thương trên biển cả. Cũng trong những thời khắc ác nghiệt như vậy, hàng trăm ngàn sĩ quan và viên chức Việt Nam Cộng Hoà đã bị giam giữ vô thời hạn trong những trại tập trung nằm sâu trong làng mạc và núi rừng Việt Nam theo kiểu “Quần đảo Goulag” của Liên Xô, mang tên là Trại Cải Tạo.

Tất nhiên, bi kịch thường sinh ra nhiều tác phẩm văn học và nghệ thuật xuất sắc. Các nhà thơ, nhà văn Miền Nam mặc áo lính, rồi trở thành “kẻ tù đầy không xét xử” trong hàng trăm “T” cũng đã thầm lén viết về những gì đã xảy ra trong cái thế giới trừng phạt bị bịt kín hoàn toàn như thế. Trong số đó có nhà thơ Tạ Ký, tác giả của Ruồi Và Em — bài thơ tình đau đớn được khai sinh từ một hố xí của trại “cải tạo” thuộc T6 Long Khánh trong những ngày Tết năm 1976.

Nếu bàn đến công dụng của hố xí thời đó thì chắc chắn nó chỉ có thể dùng để… đi ỉa, và sau đó là để lấy phân bón cây. Nhưng ở trại của chúng tôi, nó có thêm một chức năng đặc biệt quan trọng và hệ trọng: liên lạc với “thế giới tình cảm bên ngoài”. Nơi “hôi thúi ruồi nhặng”, nơi mà ai cần lắm mới ra đó, đã trở thành nơi chúng tôi nhận tin gia đình và găp mặt người thân mà không bị quản giáo phát hiện, bởi nó nằm ngay rìa đường đê ruộng rẫy của nông dân, chỉ ngăn cách với bên ngoài bằng hàng rào kẽm gai. Chúng tôi thường thay phiên nhau ra ngồi “trực” ở đó để chờ nhận những tin nhắn — những diễm phúc oái oăm — từ bên ngoài vội vã đưa vọng vào. Chính ở nơi đó, bọn tù nhân chúng tôi đã gặp được mẹ hoặc vợ con đã không quản gian lao cất công đi tìm chồng, tìm con, tìm cha, dù chỉ để nhìn thoáng thấy mặt nhau trong giây lát hay nói thật nhanh một câu báo tin nhà đã được rút ngắn nhất có thể. Để gặp được chúng tôi ở bên trong trại, họ đã phải mượn quần áo làm đồng, cuốc xẻng của những nông dân sống gần trại để nguỵ trang và nhờ chính những nông dân này che giấu, dẫn đi men theo hàng rào kẽm gai như những người dân đi làm ruộng tình cờ ngang qua hố xí. Chính ở nơi đó, chúng tôi đã nôn nao ngồi chờ những diễm phúc vọng vào. Những diễm phúc mà bất kỳ cho ai thì mình cũng cảm thấy có sức nén tức ngực như cho mình, đại loại như: “Tạ Ký, mẹ gặp lúc 2 giờ trưa nay!”

Ðúng vào phiên tôi ra ngồi trực ở hố xí sau giờ cơm trưa, nghe được một lời nhắn như thế, tôi vội chạy vào báo tin cho anh Tạ Ký trong lúc anh đang mệt mỏi ngồi ở một góc lán cách lán tôi chừng 20 mét. Anh nhướng đôi mắt thật lớn sau cặp kính lão để đón một tin vui bất ngờ sau nửa năm chưa được thăm nuôi. Và mọi sự đã diễn ra suôn sẻ để anh được gặp bà mẹ ngay tại cái hố xí ấy như đã hẹn. Thế nhưng, sau đó, khi trở vào chỗ nằm, anh yên lặng hoàn toàn. Cả tuần tiếp theo, tôi cũng không thấy anh sang chơi, hút thuốc lào và tán gẫu như mọi khi. Sợ anh ốm, tôi rủ vài bạn sang thăm anh, có mang theo thuốc lào, ít trà và mấy tán đường mía. Dưới thứ ánh điện vàng quạch hiu hắt, chập chờn cũng như mọi đêm ở đây, hôm ấy — một đêm cuối năm — khiến khuôn mặt của nhà thơ Tạ Ký vốn đã gầy và buồn lại càng âm u hơn bao giờ. Anh lấy từ túi áo ra một tờ giấy xé vội từ cuốn tập học sinh đưa cho tôi và nói:

Vừa rồi mẹ tôi lên, dẫn theo thằng con. Tôi nghe nó cứ liên tục hỏi: “Cổng trại bố ở đâu hả bà nội?” Và mẹ tôi bảo: “Ở đằng kia, con chạy tới đi.” Rồi bà nói vội vào cho tôi nghe: “Vợ con nó lấy thằng đại tá Việt cộng rồi. Ở nhà có mẹ lo sắp nhỏ, con yên tâm. Khi được phép, mẹ sẽ đi thăm con...”

Rồi anh nói với tôi: “Cung đọc cái này đi, tôi mới viết...

Ðó chính là bài thơ Ruồi và Em mà tôi còn nhớ rõ từng con chữ đau đớn, dù bao nhiêu năm tháng đã qua đi, nhất là mỗi độ xuân về.

 

Ruồi Và Em

 

Ruồi từ hố tiêu bay lên

Tiếng ruồi lao xao như sóng gợn

Mắt ruồi nâu làm nhớ tóc Tây phương

Ruồi đậu trên dây thép gai như chuỗi hạt huyền

Anh tặng em ngày cưới

Ruồi đậu trên dây thép gai như những nốt nhạc

Dây thép gai kẻ nhạc không đều

Làm sao em hát

 

Có bầy én về

Không phải để báo tin xuân

Vì anh biết mùa xuân đã chết

Có bầy én về tìm ruồi trên giây thép

Chuỗi hạt huyền vỡ tan

Anh gọi tên em

Mấy lần.

 
T6, Long Khánh 1976
TẠ KÝ
 
 
---------------------------------------
Phụ chú của Hoàng Ngọc-Tuấn:
 
Năm 1978, có một thời gian tôi ở chung nhà với gia đình anh chị Lê Uyên Phương [Lê Văn Lộc - Lâm Phúc Anh] tại đường Nguyễn Trãi, Sài Gòn. Một hôm, anh Lê Văn Lộc đưa cho tôi xem một mảnh giấy có ghi hai bài thơ: 1/ “Ruồi và em” của Tạ Ký; 2/ “Ở đây, thôi ở đây đành” của Trịnh Cung.
 
Ðó là hai bài thơ mà anh Trịnh Cung, khi vừa về từ trại “cải tạo”, đã trao cho anh Lê Uyên Phương.
 
Suốt mấy hôm liền, tôi thấy anh Lê Uyên Phương lẩm nhẩm đọc đi đọc lại hai bài thơ đó. Rồi anh phổ nhạc... Và, trong một đêm cùng thức khuya uống cà-phê trên căn gác của ngôi nhà ở đường Nguyễn Trãi, tôi đã được nghe anh chị Lê Uyên Phương hát hai ca khúc “Ruồi và em” (phổ thơ Tạ Ký) và “Ở đây, thôi ở đây đành” (phổ thơ Trịnh Cung).
 
Ðó là hai ca khúc cuối cùng tôi nghe anh chị Lê Uyên Phương hát trước khi anh chị vượt biển... Và từ đó, tôi không còn bao giờ có dịp gặp lại anh Lê Văn Lộc thân yêu nữa, dù tôi vẫn còn may mắn gặp lại chị Lâm Phúc Anh một lần ở Úc...
 
Nhân đọc bài viết trên đây của Trịnh Cung về bài thơ của Tạ Ký, tôi xin chép lại bài thơ của Trịnh Cung để gửi đến bạn đọc:
 
Ở đây, thôi ở đây đành
 
Ở đây có phố sương mù
có người như tượng đứng thu bóng chiều
Ở đây phố núi đìu hiu
đá mòn mỏi thở nhịp theo hơi người
Ở đây có kẻ xa đời
có anh em đứng chia lời buồn quanh
Ở đây thôi ở đây đành
sáng ra núi ngóng, chiều mênh mông chờ...
 
Và tôi cũng xin kèm theo đây một đoạn băng ghi tiếng hát, tiếng đàn của Lê Uyên Phương diễn tả bài thơ “Ở đây, thôi ở đây đành” của Trịnh Cung.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021