thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những thoáng Diễm Châu

 

DIỄM CHÂU

(1937-2006)

 

Xin độc giả đừng tưởng người viết cầu kỳ khi đặt tên bài là “Những thoáng Diễm Châu”. Đó là sự thực. Tình bạn giữa hai người chỉ loáng thoáng, gồm những khoảng khắc. Vậy thôi.

Năm đó, một năm sau 1956 trước 1960, những năm thời bình thật sự tại miền Nam, Bộ Quốc Phòng quyết định tập trung những khoá sinh quân sự học đường PMS (còn dùng tên Pháp để gọi) đi thực tập tại Nước Ngọt gần Vũng Tàu. Các sinh viên được phát đồ lính hẳn hoi, ngủ lều, ăn cơm lính... như mọi đơn vị chính qui thời đó. Sau khi đến địa điểm thực tập, phân phối lều, những chiếc lều lớn chứa được hơn 8 ghế bố nhà binh, tôi lanh chanh tranh nằm ngoài cùng, vì tính từ nhỏ không thích những không gian khép kín. Đang lúi húi xếp chăn, bỗng một chàng lạ hoắc đeo kính cận trong bộ đồ trận phát sao mặc vậy, thùng thình, ngồi xuống ghế bố, cầm cuốn truyện Pháp Fors moi-même tôi vừa lấy ở túi đeo lưng ra, tự nhiên mở ra lật lật mấy tờ, phê bình: “Đôi khi những truyện tình đời thường nhưng viết hay vẫn cứ là đọc được.” Tôi ngạc nhiên và hơi thán phục ông khách lạ: cuốn truyện tình trong đệ II thế chiến này đâu có nổi danh cho lắm, sao lại biết và đọc rồi...!

Khách để sách xuống, đẩy mục kỉnh lên tự giới thiệu: “Tôi là Diễm Châu, làm thơ. Bạn là Thế Uyên, tôi có đọc mấy truyện ngắn của bạn...” Hai đứa lúc đó mới bắt tay nhau. Diễm Châu không đẹp trai, da mặt không được trơn láng, do đó thoáng trông không thể đoán được đó sẽ là người dịch truyện và thơ Tây phương có lẽ nhiều nhất Việt Nam mà tôi được biết. Hai đứa ngồi hút thuốc lá, nói những chuyện bâng quơ mà các sinh viên văn học thường hay nói tại các bãi biển. Rồi Diễm Châu đứng dậy từ giã, đã có kẻng báo giờ lãnh cơm, buông ra một nhận xét chắc nịch: “Ông chọn nằm ngoài cùng, mưa to sẽ ướt hết cho mà coi...” Tôi lắc đầu không tin, chỉ vào cái áo mưa dân sự để sẵn ở cuối ghế bố. Nhưng quả thực ông bạn mới quen đã có nhiều kinh nghiệm ngủ lều ngủ trại: ba đêm sau, một cơn mưa lớn bất thần từ biển vào đúng phiên gác đêm của tôi. Mới đầu tôi còn mặc áo mưa dân sự ôm khẩu súng Mas 36 vào lòng, tránh mưa bằng cách co cả hai chân lên ghế bố. Vẫn ướt. Sau cùng, tôi chợt nhớ ra những chạc ghế bố: dưới ánh chớp lằng nhằng, tôi lò mò gác được khẩu súng nặng chịch lên hai chạc ghế. Đúng như lời huấn luyện viên đã dạy: bổn phận đầu tiên của người lính, dù là lính cậu, lính PMS, là phải lo cho súng trước đã... Xong, tôi leo lên ghế bố thu lu trong áo mưa quá bé, che đầu ướt chân che chân ướt đầu, ngủ chập chờn, nhắm có một mắt, còn một mắt mở to nhìn mưa xối xả: đang phiên gác của mình mà... bởi thế khi người gác phiên kế tiếp sờ soạng tới, tôi biết ngay và lên tiếng: “Súng ở dưới gầm ghế tôi đây này...”

Ông bạn sờ soạng một chút không thấy đã nổi sùng: “Cứ để súng ở nguyên chỗ đó, mưa thấy mẹ, lấy ra làm chi. Súng không có đạn, bắt đeo làm chi cho nặng.” Thế cũng kể là bàn giao xong phiên gác, tôi nhắm cả hai mắt lại ngủ đến khi có kẻng mới thức dậy, quì trên cỏ đất ướt sũng, lấy súng ra mang lên bộ chỉ huy trả lại. Anh bạn trong đêm sau này nếu có phải đi lính thật, chắc không cần phải học chửi như lính. Anh biết sẵn rồi...

Trại nằm trong khuôn viên bỏ hoang của một biệt thự lớn màu hồng nhin ra biển: người Pháp dân sự cũng đang rời bỏ dần vùng này, bỏ không một số biệt thự ven biển. Chương trình học tương đối nhẹ nhàng: cơ bản thao diễn, vũ khí cơ bản và di hành. Các buổi học thường vào buổi sáng. Sau bữa trưa cơm lính (gọi thế bởi vì nó tồi tệ), tôi thường băng qua con lộ ra uống cà phê tại một quán của người Tàu nhưng làm theo kiểu Tây bằng mây tre lợp tôn khá đẹp, ngay bãi biển. Ngồi đó nhấm nháp ly cà phê túi, (tôi nghiệm thấy cà phê ở bất cứ đâu, Việt nam, Algérie hay Brésil mà do người Tàu pha, cũng biến thành cà phê túi hết), ngắm nhìn bâng quơ sóng biển và vài cô gái con chỉ huy trưởng đang nô đùa với sóng. Tôi nói “nhìn bâng quơ” là nói thật, vì đang ở một thứ trại lính, chẳng nên dại dột ngắm quá kỹ các con gái chỉ huy trưởng. Off limit, Kaput, Défense de toucher... là cái chắc.

Đôi khi Diễm Châu tìm ra tôi ở quán cà phê như thế, nhưng thường hơn là gặp nhau trên bãi cát trong những phút nghỉ tập, dễ hơn cả là trong những chuyến di hành. Đi trên cát rất dễ mỏi chân nên chỉ một lúc là hàng ngũ bể hết, sĩ quan cán bộ đa số rút từ các nha sở Sài Gòn nên thiếu thứ nghiêm khắc quân trường và chỉ di hành giỏi hơn khoá sinh một chút. Lệnh tạm nghỉ được ban ra và lũ chúng tôi nhanh chân đã phóng tới bờ đất đá cao, leo tốc độ và chiếm được một chỗ tốt dưới hàng hiên mát lát đá hoa của một biệt thự. Ngồi thở dốc, châm điếu thuốc thở khói lên trời, rồi mới nhận ra biệt thự có chủ: một đôi trẻ da trắng đang ngồi ăn cơm trưa, người con trai chỉ hơn bọn tôi vài tuổi, mặc quần tắm tôi không nhớ màu gì vì còn mải ngắm cô gái mặc bikini vàng tươi ngồi bên kia bàn, làm cô đã trắng lại càng mịn màng hơn. Viên trung uý chỉ huy bọn tôi từ phòng ăn bước ra, nói: “Tôi đã thiệu với chủ nhân các anh là sinh viên sĩ quan, xin được nghỉ chân ít phút.” Chủ nhân bảo cứ tự nhiên (lúc ào ào leo bờ đất đá, bọn tôi đã ồn ào như vào nhà bỏ hoang) và có thể uống nước nơi vòi phía sau. Nhưng đừng tắm.

Không dặn bọn tôi cũng chỉ lấy nửa bi đông nước, đủ uống cho tới khi về trại, phải để dành nước ngọt cho người đẹp tóc vàng sợi nhỏ tắm cho hết những hạt cát nâu dám bám vào làn da trắng mịn ấy. Hai cửa phòng ăn đã đóng chặt, giờ này chắc chàng đang tìm những hạt cát còn dính trong những khe kẽ của nàng. Chắc là thế... Những bước chân trên cát đường về của bọn tôi bớt nặng nề: tôi biết trong đầu nhiều đồng đội cũng đang mơ màng như tôi, sau này tốt nghiệp sẽ có lúc mang nàng của mình tới đây sống một thời gian như đôi trẻ da trắng, sau bữa ăn trưa sẽ khép chặt đôi cánh cửa nhìn ra biển dưới kia, và sẽ tìm những hạt cát còn che dấu trên và trong nàng...

Đêm cuối cùng của khoá học, tôi nhâm nhi cà phê rồi lai rai với bình trà nhạt thếch ở quán Tàu ven biển. Khi chủ quán tắt đèn măng-sông, tôi đứng dậy toan về trại thì có tiếng đàn accordéon nổi lên trong đêm, thứ tiếng đàn tôi luôn luôn đồng hoá với hoà bình, lễ hội và mọi người khiêu vũ ngoài công trường. Trời tối hù không ai nhìn rõ ai, tôi gia nhập đám sinh viên, đi theo tiếng đàn trong đêm đen tiến về ven bờ nước. Nhưng không theo đến cùng, tôi tách ra, nằm một mình trên một cồn cát còn thấm nắng ấm ban ngày, nghe accordéon đang chơi một tình ca thời thượng của phương Tây: Love letters on the sand (những thư tình trên bãi cát, hay chữ tình trên cát, tôi cũng chẳng rõ). Mãi về sau, nằm bờ nằm bụi, nằm hố cá nhân đào vội với khẩu súng trên tay, trong đêm đen mưa nhỏ, tôi mới “ngộ” ra rằng tôi chiến đấu để bảo vệ cái quốc gia tân lập miền đông nam châu Á này, vì nó có một xã hội, một nền văn minh dịu dàng, rộng mở, cho phép con người mơ màng đến tất cả, một nền văn minh ý vị Pháp pha trộn với cả ngàn năm truyền thống biết chiến đấu và yêu đương.

 

Chút thơ của Diễm Châu

 

Từ đó tôi viết nhiều văn hơn, cũng như Diễm Châu làm thơ, dịch nhiều thơ hơn. Trước đó tôi không thích đọc cho lắm thơ dịch Đường thi, nếu có đọc thì chỉ cốt hiểu rõ nghĩa hơn những bài tôi đã thích và thuộc. Đêm tiễn hành tôi và vài nhà giáo trẻ lên đường nhập ngũ, tôi đã gần như gào lên vì hơi bia và cảm khái bài thơ cổ Trung hoa bắt đầu bằng câu Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi, chấm dứt bằng câu Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi: Xưa nay chinh chiến mấy ai trở về... Một ông bạn khác còn khề khà một câu thơ không biết của ai: Gíá nữ hứa chinh phu, tỷ như khí lộ bàng (Gả con gái cho chinh phu, chẳng khác gì mang con quẳng lề đường). Chẳng có ai hát quốc ca hay suy tôn tổng thống, rước quốc kỳ quân kỳ đi ra đi vô... cho bọn tôi lên tinh thần...!

Còn những bản dịch thơ Tây phương đủ loại của Diễm Châu thì tôi chán ngán, thỉnh thoảng mới liếc mắt đọc qua một chút những bài đang gây ồn ào hay vì tác giả danh tiếng. Thơ sáng tác của Diễm Châu, tôi có đọc nhưng không nhiều thích thú, do đó không nhớ, thuộc bài nào, ngoại trừ một trích đoạn:

 

Đêm qua bom đạn nổ

Máy bay và súng cối

Tôi nằm nghe đất kể niềm rất lạ

Có một miền đầy hoa...

 

Buổi trưa hôm ấy ngồi trên võng lính, rút tờ Văn trong xấp bản đồ, lơ đãng mở ra đọc, thấy đoạn thơ trên tôi đã xúc động mặc dù đã tự nhủ: lại một ngày như mọi ngày thôi, nhưng vẫn cứ khắc khoải, một thứ bức xúc mơ hồ từ lúc nhận được lệnh mang trung đội đi mở đường trên quốc lộ 13. Quân đội chính qui miền Nam vẫn còn lưu dụng một số thành ngữ từ ngữ của quân đội viễn chinh Pháp, thí dụ như mở đường, nghe thì hiền lành dễ thương chi lạ, nhưng nhiệm vụ phức tạp. Trước hết phải mở mắt nhìn mặt lộ cũ kỹ loang lổ xem có vết đào lên chôn lại, nếu có, gọi về để trên cho chuyên viên gỡ mìn đến. Nếu đang ở xa hậu cứ, thì đành dùng biện pháp lính rất thích, là cho chĩa súng chỉ địa bắn túa xua, hi vọng làm nổ trái mìn hay lựu đạn chôn dấu: “ông địa có cười” (mìn nổ) trúng ai thì người đó chịu... Phải “lùng” hai bên đường (sách vở quân trường bảo vậy) xem có phục kích chăng, nếu có thì phải phát hiện, nổ súng ngay, “diệt” ngay (đây là một lối nói, thực ra đã bị ngã vài mạng mới biết có địch). Như thế binh thư Mỹ gọi cho oai là “lùng và diệt”, search & kill...

Hành quân mở đường phải vừa đi vừa liếc mắt nhìn không phải tứ mà ngũ lục bề như thế còn “vui”, chán nhất là nhận được lệnh bổ túc là đóng lại giữ đường cho đến khi đoàn xe tải quân đi qua hay trở về. Nếu đúng đoạn có dân còn vui vui, chứ đúng chỗ hoang liêu này, thì chỉ có ta với ta thôi (và địch ở dưới đất, đâu đó, đang quan sát đám lính “ngụy’ đang đi lại phất phơ). Những lúc “bị” rảnh rỗi, bất động tại một điểm như thế, trong hoang liêu về chiều gió lộng đồng hoang, tôi thường rút bao plastic đựng bản đồ trong ngực áo ra, kê lên đùi viết thư cho vợ. Chiều nay tôi chép lại đoạn thơ vừa đọc buổi sáng: Hôm qua bom đạn nổ, Máy bay và súng cối, Anh nằm nghe đất kể niềm rất lạ, Có một miền đầy hoa... rồi thêm vào hàng chữ không thẳng hàng: “Với anh, giữa đồng hoang và trời chiều rồi, miền đầy hoa đây là em, người nữ anh yêu trong cuộc đời này...”

Sau này an bình ở Sài Gòn, tôi lấy bức thư này ra từ ngăn kéo của vợ, chép nguyên văn, cho vào một truyện ngắn trong tập truyện Bản tình ca, bi thảm hoá một chút bằng cách cho người viết thư tử trận ở cuối truyện, cổ vẫn quấn khăn quàng xé từ vạt áo dài của vợ.

 

Những người bạn Công giáo vị hoà bình

 

{Cuối đệ nhị thế chiến, Hồng quân Liên Xô chiếm đóng phân nửa Âu châu, phần đất sau này gọi là Đông Âu, tiến hành việc diệt các giáo hội công giáo các nước. Toà thánh La-mã phản ứng, giáo hoàng Pio X mở một cuộc thánh chiến chống bọn “quỉ đỏ”, đa số giáo phẩm Việt Nam miền Bắc và miền Trung tuân theo, đưa giáo dân vào quĩ đạo thân Pháp và chống Việt Minh, bây giờ bị coi là Việt Cộng. Khi Pháp trả độc lập cho người Việt quốc gia trong phần đất họ kiểm soát, phong trào tố Cộng bắt đầu, mở đầu cho cuộc nội chiến 1960-1975. Sau khi giáo hoàng Pio X qua đời, hai giáo hoàng kế tiếp bỏ đường lối thánh chiến, thay thế bằng đường lối sống chung hoà bình với Cộng sản, với các tôn giáo, với các nền văn hoá dị biệt. Ở Việt Nam, thêm sự hiện diện của quân Mỹ áp dụng đường lối riêng của chính quyền họ (ngăn chặn sự bành trướng của Trung quốc), đường lối thánh chiến của Pio X vẫn được áp dụng. Một nhóm trí thức tiến bộ ở Sài Gòn, đa số tốt nghiệp từ Pháp, cố gắng phổ biến áp dụng đường lối sống chung hoà bình của giáo hoàng đương nhiệm, ra báo (Trình Bầy, Hành Trình, Đứng Dậy, Đất Nước, Đại Dân Tộc...), và xuất bản sách theo đường lối mới...}

 

Một buổi sáng ghé lại thăm toà báo Đất Nước do Thế Nguyên chủ trương, ở đường Lý Thái Tổ (tên cũ), tôi gặp lại Diễm Châu đang bàn cãi sôi nổi với nhà thơ Nguyễn Quốc Thái, linh mục Nguyễn Ngọc Lan... Kể từ ngày chia tay nhau ở trại quân sự học đường ngoài Nước Ngọt, đến bây giờ tôi mới gặp lại ông bạn đeo kính dễ thương này. Tôi chỉ kịp kể đã trích một đoạn thơ của Diễm Châu cho vào văn chương mình trong tập truyện Bản tinh ca, mắt ông bạn này hình như sáng lên một chút trong một nụ cười vẫn hiền lành, như bao giờ, là hai đứa tôi bị lôi cuốn ngay vào cuộc thảo luân chung. Một người vừa tới, Lý Chánh Trung, giơ tay bắt một vòng, đến tôi, nói đùa: “Văn chương của dân Bắc kỳ hiện nay, chỉ của mỗi tên này là “moi” đọc được...” (moi: tôi, tui, tiếng Pháp). Mọi người cùng cười vui. Thế Nguyên xuất hiện mời tất cả vào họp toà soạn Đất Nước. Tôi cáo từ ra về, mặc dù vào họp cũng được, vì chủ biên có mời tôi cộng tác bài vở. Lập trường của họ là Thiên chúa giáo khuynh tả, chống chiến tranh nói chung theo khẩu hiệu của phản chiến Mỹ (Make love not war: Làm tình chứ không làm chiến tranh) và chống sự hiện của quân đội Mỹ tại Việt nam. Tôi thì không, như đã nói.

Tôi gần họ về lập trường xã hội bênh vực dân nghèo và lính nghèo (tướng tá cũng là lính nhưng không nghèo), thích một chính quyền trong sạch hơn, nhưng vẫn make love and war, làm cả tình (hơi nhiều, với vợ là chính) lẫn làm chiến tranh, ra tận mặt trận cầm súng đeo lưỡi lê, lựu đạn, bản đồ nhét trong ngực áo, chống mấy ông “bắc man” từ phương bắc – tôi đã có dịp sống thử xã hội xhcn, thô sơ chậm tiến của miền bắc: xài không vô về bất cứ phương diện nào. Hình như là Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản của ông có cái đũa thần, gõ một cái là xã hội miền bắc đông cứng lại ở trình độ văn hoá văn minh năm 1930 và giữ nguyên như thế đến khi có Đổi Mới 1986. Do đó,tôi không chống sự hiện diện của quân Mỹ. Không có Mỹ, quốc gia miền Nam sập tiệm từ lâu rồi, theo qui luật dân Sparte kém văn minh hơn nhưng thượng võ, thắng dân Athène văn minh hơn nhưng yếu mềm. Tương tự, Mông Cổ (văn minh thượng võ du mục) thắng, chiếm đóng Trung quốc (văn minh nông nghiệp phát triển cao hơn), để rồi bị Trung Hoa hoá.

Hôm nay tôi đến cốt để từ chối lời mời hợp tác, thân chinh trịnh trọng một chút bởi vì tôi thích chơi, duy trì tình bạn với những người tốt, có lý tưởng, như những con người này. Lập trường chính trị, tôn giáo của ai, người nấy giữ, tôi không không phiền hà. Bởi thế có lúc mang biệt danh Lệnh Hồ Xung, tên một nhân vật chính tà không phân minh của truyện võ hiệp Kim Dung, cứ ai tốt thì chơi.

Tôi tà tà đi bộ ra phở Tàu Bay trên cùng một vỉa hè, ăn một tô phở gân gầu sụn nước béo đàng hoàng (may quá lúc đó y khoa Mỹ chưa tìm ra cholesterol). Ăn xong, ra quán Lão Tử ngay gốc cây cổ thụ bên cạnh, làm một ly cà phê sữa, hút liền hai điếu Pall Mall [lại may quá. lúc đó mấy ông y khoa Mỹ cũng chưa nghĩ ra món đặc sản đặc Mỹ rất là mất vui là “no smoking, second hand smoker” (sau này sang Mỹ ở mới biết xứ này chuyên sản xuất ra những cấm điều mất vui, thí dụ gần đây đi máy bay đàn bà phải đổ nước hoa đi và cởi giầy cầm tay và vân vân.)]. Sau đó tôi từ từ tà tà đi gia hạn chứng chỉ tại ngũ (ba tháng một lần).

Nhiều năm trôi qua, ào ào như nước chẩy dưới chân cầu xa lộ, tôi được tha khỏi trại cải tạo, trở về Sài Gòn với tội danh ghi rõ trên giấy ra trại là “trung uý tay sai đế quốc Mỹ”. Tôi đi một vòng thăm các bạn cũ và gặp nhiều ngạc nhiên nho nhỏ: Lý Chánh Trung, Lý Quí Chung, Nguyễn Văn Trung, Thế Nguyên, Nguyễn Quốc Thái, Nguyễn Ngọc Lan... ít hay nhiều đều bình yên vô sự khi hồng quân từ Hà Nội tiến vào tiếp thu Sài Gòn đang bỏ trống. Có lẽ có một thoả hiệp ngầm nào đó nên họ được tôn trọng như một thứ gạch nối giữa đảng Cộng Sản và Toà thánh La-mã, như thế nào tôi cũng không rõ. Phần tôi đang thất nghiệp, không có hộ khẩu nơi căn nhà ở với vợ con (muốn có hộ khẩu, phải có nghề nghiệp hẳn hoi, mà muốn có nghề nghiệp phải xuất trình hộ khẩu, một nan đề con nhân sư huyền thoại cũng không giải được) hết quanh quẩn ở báo Tin Sáng của Hồ Ngọc Nhuận, Lý Quí Chung... lại ghé tờ tạp chí Đối Diện của Chân Tín và Nguyễn Ngọc Lan (mới qua đời) với nhà thơ Nguyễn Quốc Thái thư ký toà soạn. Ít nhất chỉ vì hai nơi này có những người cười với tôi và đôi khi mời tôi ăn cơm uống cà-phê lai rai. Sau cùng Tin Sáng đăng được hai bài điểm sách viết theo trường phái xhcn dưới tên thực, tôi được trả nhuận bút đang hoàng. Bên tờ Đối Diện đăng được hai bài ký ngắn với bút hiệu Thế Uyên, trước khi lệnh cấm viết lại được đảng Cộng Sản ban hành. Mặt khác cũng gặp phản ứng nơi những người còn theo đuổi thánh chiến của Pio X và chính sách be bờ Cộng Sản của chính quyền Mỹ (sẽ trở lại trong một bài khác).

Trong thời gian quanh quẩn toà soạn Đối Diện, tôi hay gặp lại Diễm Châu nơi đây. Ngoài việc dịch thơ tiếp tục, anh còn làm gì nữa hay không trong toà soạn, tôi không biết và cũng không hỏi, cũng như không muốn hỏi anh có được “móc nối” trước đây hay không. Một lần anh nói như nhận định: “Miền Nam bị chích một liều xhcn quá nặng, đang bị công thuốc...” Tôi nghe mà không trả lời, cũng như có lần tôi tình cờ tìm thấy trên giá sách toà soạn vài báo hình Ba-lan có chụp vài cô gái khoả thân nửa trên, tôi đưa cho anh coi và nhận xét: “Ba lan đã ‘cởi mở’ tới phân nửa rồi, chúng ta có quyền hi vọng sẽ có ngày...” Lần này tới lượt Diễm Châu chỉ nghe, không nói gì...

Tương quan giữa hai đứa tôi bây giờ nhạt nhẽo, rời rạc như thế đó... cho đến một buổi sáng mùa mưa nhưng không mưa, chỉ u ám và lộng gió trên các cành lá, tôi thấy anh quần áo tề chỉnh đi với một phụ nữ có vẻ là vợ đến ngồi bàn dưới gốc cây dương bên kia đường, nơi vợ chồng tôi và các con mở một quán cà phê bàn ghế mộc kiếm tiền mua từng ký gạo qua ngày. Quán đang đông khách nên tôi chỉ giơ tay chào, không sang ngồi cùng bàn, nhưng vẫn thấy anh cư xử như người sắp đi xa: anh ngẩng đầu nhìn trời mây đang vần vũ, anh nhìn vơ vẩn chung quanh. Anh đứng dậy băng qua lộ để trả tiền cà phê của mình, rồi đưa tay bắt tay tôi thật chặt, nồng ấm. Tôi hiểu là vợ chồng anh sắp rời quê hương, bằng cách nào chưa biết, nhưng không nói gì vì có một bàn có công an ngay gần. Tôi chỉ thì thầm với mình: “Thượng lộ bình an nghe, bạn hiền”...

Ba ngày sau tôi được biết tin đích xác anh chị Diễm Châu được bảo lãnh đi Pháp và đã rời Việt Nam bằng máy bay. Nhiều năm về sau đến lượt bọn tôi được cô em vợ bảo lãnh cho đi Mỹ, và ở nơi vùng đất mới định cư, thỉnh thoảng tôi lại thấy tên Diễm Châu dưới một hay nhiều bài thơ — dĩ nhiên vẫn phần nhiều là thơ dịch. Chăm chỉ cần cù như vậy nên đến khi anh mất trên đất Pháp năm vừa qua, theo báo điện tử Tiền Vệ ở Úc, anh đã để lại hơn 1000 bài thơ dịch. Cũng là một thành tích ít thấy trong văn học Việt, xưa và hiện nay.

 

{Những trí thức Công giáo nói trên, ngoài việc cổ võ thứ “Pax Romana” (hoà bình La-mã) còn có đóng góp đáng kể về văn học. Nhà xuất bản Trình Bầy của họ in (Hồi chuông tắt lửa của Thế Nguyên...) và dịch nhiều tác phẩm đặt lại vấn đề lương tâm Công giáo, cách hiểu kinh Thánh kiểu mới, phê phán giá trị hàng giáo phẩm. Như: Vâng ý Cha, Chúa đã khước từ. Hoặc những khó khăn trong việc canh tân các nước kém mở mang, như: Không một vòng hoa cho người cách mạng, Vùng đất hung bạo... Nói chung họ đã đưa thêm được một dòng văn học mới, khoẻ mạnh và lạc quan, vào Việt Nam, xen kẽ với dòng văn học thân chính, hướng tâm, kiểu Âu châu với những bức xúc dằn vặt, như của nhóm Sáng Tạo.}

 

Thế Uyên
Seattle, tháng 3, 2007.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021