thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
TỰ THUẬT VĂN HỌC: Những khó khăn & tác phẩm [kỳ 14]

 

THẾ UYÊN

(1935~)

 

 

Một chuyến ngao du...

 
 

Một chút về sau

 

Nhiều năm về sau, chính xác ra là 40 năm sau, tôi mới có dịp trở lại thành phố Hà nội, lúc đó chưa “Đổi Mới” nhiều, còn đầy rêu và mốc meo.[1]

Một hôm đẹp trời năm 1994 bọn tôi, gồm có vợ tôi, cô em họ của nàng cùng con gái nhỏ, người Hà Nội chính cống vì đã ba đời hay hơn cư ngụ thành phố này, cùng đồng ý đi thăm làng Yên Phụ ngắm hồ Tây, ngắm hoa, tiện thể tìm tông tích nàng Mặt Trăng. Tìm hộ tôi, vì tính đàn bà hay ưa những chuyện tình dang dở hay đứt đoạn, vượt thời gian không gian... Ra khỏi cửa Ô, chưa chi cảnh cũ và người hiện nay quần áo xấu xí mặt mũi hốc hác đăm chiêu đã làm tôi thất vọng: xuống hết cái dốc gạch lớn là hết nhìn thấy hồ Tây, vì nhà cửa xây cất thêm nhiều che kín hồ. Ngoạn cảnh hồ không xong, xem hoa trong các vườn vậy... Cũng không xong nốt, vì các nhà trong làng xây lại nhà cửa theo lối kiến trúc xoay lưng ra đường làng nhỏ hẹp. Đi từ đầu đến cuối làng chỉ thấy các vách tường kế tiếp nhau, không sao biết được phía trong còn trồng hoa không hay bầy biện cái chi. Nhờ cô em họ tháo vát nhanh nhẹn, rồi chúng tôi cũng tìm ra manh mối nàng Mặt Trăng đã từng sống thiếu thời cùng tôi ở làng này.

Nguồn tin thứ nhất cho biết lớn lên nàng đã yêu một người, nhưng gia đình không cho lấy nên đã tự tử lâu lắm rồi. Nguồn tin thứ hai cho biết nàng đã lấy một bác sĩ, hiện giờ sống cùng con và cháu ở trong thành phố. Bọn tôi vừa đi bộ vừa bàn cãi về giá trị, không phải tính xác thực mà là tính nghệ thuật... của hai nguồn tin. Hai phụ nữ có hai resumé khác hẳn nhau, nhưng chúng tôi lại đồng ý dễ dàng là nguồn tin thứ nhất đẹp hơn, lãng mạn hơn. Hãy tưởng tượng một “chàng” đầu bạc từ hải ngoại về, đứng trước mộ nàng năm xưa, nhìn khói của mấy cây nhang bốc lên xanh biếc, mơ màng về một quá khứ xa ơi là xa có một người con gái xinh tươi như các loài hoa đã từng được trồng ở vùng đất này... Còn nguồn tin thứ hai nàng lấy chồng bình yên con cháu một bầy, thì thường quá, nhạt nhẽo... Hai bà vừa đi vừa đóng mỗi người một vai cảnh tái ngộ tưởng tượng giữa tôi và Mặt Trăng, đại khái như sau:

- Thưa cụ, cụ được mấy anh mấy chị tất cả nhỉ?
- Dạ, nhờ trời (và Bác, Đảng và Chính phủ) thương, chỉ được một trai một gái. Còn thưa cụ, phía cụ ra sao ạ?...

Hai bà cứ thế vừa cười vừa trình diễn cuộc đối thoại tưởng tượng giữa “hai cụ”, tôi đi phía sau mỗi lúc cảm thấy mình không giống ai, và từ đó bỏ ý muốn tìm gặp lại người cũ. Trong cuộc sống có nhiều điều đã qua nên cho qua luôn, chẳng nên làm như một nhà văn Pháp “đi tìm lại thời gian đã mất”, chẳng nên đổi hình ảnh một cô gái xinh lấy hình ảnh một bà già không nhăn nheo cũng lụ khụ. Tôi nhớ lại một truyện phim Liên-Xô đã đọc: Chàng đến tuổi đi lính (dưới thời Nga hoàng, hạn kỳ phục vụ quân ngũ là 20 năm), người yêu Maria đêm giã từ đã hiến thân cho chàng ở ven sông trăng lạnh. Chàng đi một mạch cho đến khi chính quyền mới quyết định xây một đập thủy điện tại vùng này. Làng cũ của chàng sẽ nằm ở đáy hồ tích nước nên chính quyền cho phép tất cả con dân của làng, dù ở bất cứ đâu, làm bất cứ cái gì, được trở lại thăm quê lần cuối, trước khi làng cũ chìm sâu trong nước. Chàng năm xưa cũng được trở về trong quân phục cấp tướng Hồng quân. Chàng bỏ xe hơi ở xa, đi bộ về làng, gặp một bà lão đang còng lưng thồ củi. Bà lão nhìn ông tướng đăm đăm, thốt lên: “Anh Ivan phải không? Maria đây, anh còn nhớ không?... Trông anh oai phong quá đi...” Vì chỉ là truyện phim nên tác giả chỉ ghi sau đó ông tướng thở dài, giã từ bà già người yêu cũ, tiếp tục đi tới phòng hội của làng.

Tôi cũng thở dài nhè nhẹ khi theo vợ leo cái dốc gạch năm xưa trở về hiện tại, trở về thành phố xưa, thấy không phải ai cũng có may mắn như chàng quí tộc trẻ đã được chôn cất nàng tình đầu giữa tuổi thanh xuân (hồi còn là hàng xóm, chàng còn quá trẻ nên nàng yêu ông bố...), rồi mới bước chân xuống chiến hạm lên biển bắc, như một nhân vật của nhà văn Nga thời lãng mạn, Tourgueniev, trong truyện vừa “Tình đầu” một lần nữa mới được quay thành phim ảnh.

 

[còn tiếp nhiều kỳ]

_________________________

[1]Đổi Mới: Phong trào đổi mới bắt đầu sớm nhất tại Sài gòn, với bí thư thành ủy Võ Văn Kiệt, ngay từ vài năm cuối thập niên 70, làm dân nơi này đỡ đói và dễ thở hơn bất cứ nơi đâu trong Việt Nam. Đổi Mới mở rộng dần khi một lãnh tụ CS miền Nam tuyên bố trên một tờ báo: “Làm cách mạng không phải là mang nghèo đói ra chia đều cho cả nước”, và một trí thức nằm vùng tuyên bố trong một phiên họp thành ủy tp HCM: “Tôi chấp nhận chuyên chính vô sản, nếu không, vô Đảng để làm gì. Nhưng tôi không chấp nhận chuyên chính vô học!” Anh này không bị bắt, chỉ bị tước hết mọi chức tước, chỉ còn một chân khiêm tốn trong một tờ báo chuyên môn, sống yên cho đến tuổi về hưu... Khi Nguyễn Văn Linh lên làm tổng bí thư Đảng CS, “Đổi Mới” trở thành chính thức cho cả nước năm 86. Mặc dù thế, miền Bắc đổi mới một cách chậm chạp, để ... coi miền Nam ra sao đã. Miền Trung đổi mới trễ nhất, chậm chạp, miễn cưỡng, trong đó Huế chậm hơn Đà Nẵng... Điều đó không là bất thường vì miền này có truyền thống bảo thủ cực đoan, dù bảo thủ tả hay bảo thủ hữu. Có thể nói kể từ khi Phan Chu Trinh chết đi, miền Trung không xuất phát được một lãnh tụ hay phong trào đổi mới cách tân canh tân duy tân... nào đáng kể. Tại sao lại như thế đòi hỏi một nghiên cứu sâu rộng, tranh luận vừa sát sườn tới đáy, mới hi vọng hiểu tình trạng, não trạng này...

 

Đã đăng:

... “Những hạt cát” là tên của truyện ngắn đầu tiên tôi viết trên đời. Động cơ thúc đẩy không có gì là oai hùng, siêu hình siêu linh, hay sứ mệnh văn học hiện đại chi hết...: tôi viết chỉ vì bắt chước mọi người chung quanh, nhất là anh tôi, nhà văn Duy Lam... (...)
 
Không phải tôi bắt chước họa sĩ Picasso mà đặt tên các thời kỳ văn học bằng mầu sắc xanh đỏ vàng, mà vì văn chương viết thời kỳ cộng tác với tạp chí Tân Phong, thuộc dòng lãng mạn cổ điển kiểu Pháp thế kỷ 19, kiểu tiền chiến Việt Nam. Đặt tên màu xanh êm đềm như thế để phân biệt với vàng, đỏ như máu, văn chương có lửa, văn nghệ xám của nhóm văn hóa Thái Độ sau này... (...)
 
Nguyễn Tường là họ ngoại của tôi. Còn họ nội của tôi ra sao? Bố tôi là đứa con cuối cùng của giòng họ Cát ở Vân Đình, Hà Đông, không có gì lẫy lừng từ nhiều đời, ông nội tôi (chết sớm) chỉ là ông đồ... (...)
 
Thời gian xẩy ra sự cố nói trên, tôi đang cộng tác với nhật báo Chính Luận của Từ Chung và Đặng Văn Sung. Mới đầu tôi viết mỗi tuần một đoản văn... (...)
 
Trong khi theo học đại học ở Mỹ, tôi dần dà khám phá ra nền giáo dục xứ này không đề cao tinh thần thượng võ và ít chú trọng đến việc xiển dương, đề cao, khích động lòng yêu nước, nhiều như ở Việt Nam. Nếu lấy đơn vị là một cho dễ nói, nền giáo dục miền Nam Việt Nam đề cao tinh thần thượng võ và lòng yêu nước mười lần hơn Hoa Kỳ, và miền Bắc Việt Nam lại mười lần cao hơn miền Nam... (...)
 
... Bố tôi không khoẻ, và thuốc phiện còn làm ông suy yếu hơn. Tự ông cũng biết mình sẽ không thọ (và đúng vậy, ông chết khá sớm, năm 56 tuổi) và khả năng kiếm tiền đã thấp (sau thời kỳ làm quản lý cho Phong Hoá Ngày Nay), ông thường làm công chức cấp nhỏ, lương thấp, đông con... (...)
 
Trong danh sách những nghề bố bảo nên gia nhập, tôi còn kể sót một trường là Quân Y ngay gần nhà. Bố tôi mặn mà với trường này lắm vì ra trường vừa là trung úy vừa là y sỹ, vừa có chữ thọ to tướng vừa có thể làm ngoài, thiếu gì tiền... (...)
 
Yêu một cô bé xinh đẹp con nhà và được yêu lại, được lấy nhau làm vợ chồng, còn niềm vui nào lớn hơn. Ngồi ở công trường vắng lặng Ban Mê Thuột uống một ly đậu đỏ tồi ơi là tồi, bùn đỏ xứ này còn như muốn nở hoa, buồn làm sao được... (...)
 
Năm 1954 tôi theo gia đình rời Hà Nội di cư vào Nam, định cư tại thành phố Sài Gòn. Năm đó tôi vừa 19 tuổi. Đủ lớn để có một, không phải một người yêu, mà là một người để yêu. Nàng đầu tiên là Mặt Trăng... (...)
 
Tôi đã tưởng mối tình (tình một chiều và thất tình một phía) hồi mười chín tuổi đã bị xoá trong bộ nhớ não tôi; gần nửa thế kỷ, bao nhiêu là nước chảy qua chân các cầu rồi còn gì. Nhưng tôi lầm... (...)
 
... Phương thuốc tôi cho là hiệu lực nhất là “dĩ độc trị độc”, lấy tình mới trị thất tình cũ: “Mi đau buồn vì một cô gái phải không? Hãy tìm một cô gái khác mà thay thế (hơn phân nửa thế giới là phụ nữ, lo gì?)...” (...)
 
... Tôi ngủ một giấc ngon lành không mộng mị, khi mở mắt ra, tôi phải định thần một chút mới nhớ ra mình đang ở đâu trên đất nước Việt Nam. Trời đã sáng từ lâu... (...)
 
... Khi tôi trở lại, bốn mươi năm sau, không còn chi để thăm để viếng... Kể như xong đời một phụ nữ nghèo vùng châu thổ sông Hồng triền miên đói này. Sống âm thầm và chết cũng âm thầm, không có đến cả một nấm mồ cho cháu chắt tìm đến thắp một vài nén hương... (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021