thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
TỰ THUẬT VĂN HỌC: Những khó khăn & tác phẩm [kỳ 13]

 

THẾ UYÊN

(1935~)

 

 

Một chuyến ngao du...

 
 

Sơ kết một chuyến ngao du

 

Có thể nói tóm tắt như sau: Tôi đã về tận làng Bằng mời bà nội theo tôi vô Nam, một lần nữa, nhưng bà từ chối, vẫn với lý do cổ điển: để bà săn sóc phần mộ các người thân, và bà muốn chết được chôn tại quê nhà.[1]

Bây giờ, đã sang thế kỷ 21, tôi có thể kể tiếp chuyện bà tôi: phần đầu ước muốn của bà được thoả mãn (săn sóc phần mộ tổ tiên), còn phần sau thì không và có, một cách oái ăm, không giống ai: trong thời chiến tranh “chống Mỹ cứu nước”, mộ bà bị xếp trong thành phần bị san bằng, di cốt bỏ vào một huyệt công cộng. Khi tôi trở lại, bốn mươi năm sau, không còn chi để thăm để viếng... Kể như xong đời một phụ nữ nghèo vùng châu thổ sông Hồng triền miên đói này. Sống âm thầm và chết cũng âm thầm, không có đến cả một nấm mồ cho cháu chắt tìm đến thắp một vài nén hương...

Trong bộ sách về văn học miền Nam 54-75, tác giả Võ Phiến có bày tỏ ngạc nhiên: trong một ký ngắn về bà nội già nua lại lảng vảng một cô gái trẻ, thế là làm sao? Cô gái quàng khăn đỏ nào đi lạc vào bài văn này?... Sự thực về sự lạc đường của cô gái 17 tuổi vào văn chương tôi ấy chỉ vì mục đích chuyến đi có hai, như đã ghi trong đơn xin ra Bắc, là đón bà (bà đã không đi) và đón một nàng, cũng không xong vì bố mẹ nàng cương quyết ở lại thành phố cũ kỹ mọc rêu cả ngàn năm này. Sự thực chỉ là thế nhưng về sau các cơ quan an ninh tình báo miền Nam không chịu tin như thế...

Nếu có một kết quả tích cực nào tôi thu nhận được từ chuyến đi, là đối với đàn bà con gái, nếu bản thân cảm thấy “có thể hôn được”, có thể “đặt tay lên chỗ không thể đặt” (thơ Mai Thảo), là hôn liền, đặt tay ngay lên chỗ muốn đặt. Đừng có ngần ngừ như tôi đêm giã từ đã hỏi Mặt Trăng một câu tuy lễ độ nhưng lãng xẹc như thế này: “Anh hôn em được không?” Trời vào đêm đã lâu, lại được nàng một mình tiễn ra tận cổng, nơi chỉ được soi sáng đôi chút bằng ánh đèn trong nhà hắt ra, muốn hôn thì cứ việc nghiêng đầu ghé miệng, còn hỏi rắc rối. Mặt Trăng đã trả lời: “Anh đòi hỏi nhiều quá!” rồi bỏ chạy vào nhà. Có thể nàng muốn trách rằng nàng có đó, đôi môi nhỏ có đó, muốn ôm muốn hôn cứ việc động thủ, tại sao lại bắt ép nàng phải nói ra những lời như “...môi của em đây, xin mời anh (hôn, nếm, ngậm)” nữa hay sao?... Đòi hỏi quá nhiều là phải lắm!

Thực ra, trong thâm tâm, tôi sợ tiến xa hơn, ngoài lý do bị lấy vợ sớm, còn lý do sợ ở lại với cái chế độ khắt khe, kỳ cục này. Kỳ cục đến nỗi bọn tôi học sinh các trường lớn nội thành, mặc dù đã xuất trình giấy của Sở Công An Hà Nội cho phép du khảo chùa Trầm cách Hà Nội chưa tới 30 km, vậy mà công an xã của miền có hang thờ Phật này nhất định không cho vào hang hay leo lên ngọn núi đá vôi lởm chởm quen thuộc. Chế độ cấm bất cứ cái gì, kể cả những cái đã cho phép, vì sợ gián điệp, sợ CIA… Chưa kể họ còn có cái thứ tinh thần sứ quân (trung ương cho, địa phương cứ cấm, và ngược lại) vẫn tồn tại đến ngày nay, thế kỷ 21.

Đêm cuối cùng của năm 1954 trời lạnh nhưng có trăng khá sáng. Tôi cùng bạn bè đi uống cà phê đen đậm đặc, đi bộ cả dãy ngoài vỉa hè, miệng hát sai nhịp điệu bài “Cái tuổi hai mươi” (tình cờ cả đám ở độ tuổi này, trừ tôi còn phải đợi vài tiếng nữa). Hát chán bài này, đổi sang bài kéo pháo của sư đoàn nặng vừa tham dự trận đánh thắng quân Pháp ở Điện Biên. Đến câu “trúng đích rồi đồng chí pháo binh ơi, vinh quang thay sức người lao động”, bọn tôi đổi một chữ thành “trúng đĩa rồi, đồng chí pháo binh ơi!” Từ “đĩa” nghĩa bóng lúc đó chỉ cơ phận thầm kín đàn bà (sau này ở miền Nam có thành ngữ chê những người nịnh hót là đồ “nâng bi (ông lớn) đội đĩa (bà lớn)”. Bọn tôi không sợ bộ đội pháo binh giận vì đêm nay là ngày hội lớn mừng “Bác, Đảng và Chính phủ về thủ đô” và bọn tôi học sinh trung học chỉ còn vài tiếng nữa phải đến điểm tập trung lúc 3 giờ sáng để tham dự cuộc mít tinh, diễn binh và tuần hành khá vĩ đại.

Lang thang hát hỏng mãi, thấy mỏi chân và đói bụng. Tất cả kéo về nhà Hi lùn, một người bạn tôi mới quen (gọi như thế để phân biệt với Hi cao trong nhóm, cỡ 1m75), để ăn khuya bồi dưỡng. Nhà Hi lùn ở phố hàng Bạc, dài và sâu như những nhà kiểu cổ của Hà Nội, để căn giữa trên lầu cho bọn trẻ tụ họp, ăn xôi gà dọn sẵn một mâm đầy: nhà Hi lùn khá giả nên cho lớp trẻ ăn uống hậu hĩnh, lấy sức mà đứng đợi với hoan hô với đả đảo, diễn hành trong thành phố cả ngày hôm sau. Ngoài những người đã kể trên, còn có thêm Hoàng, Nguyên... những người sau cùng quyết định ở lại miền Bắc vì những lý do khác nhau. Hoàng, vì muốn đi một vòng các trại giam miền thượng du, tìm ông bố bị bắt thời tản cư như ông anh thứ hai bên mẹ tôi.[2]

Chính vì tham dự cuộc mít tinh diễn hành này, tôi quyết định dứt khoát phải trở lại miền Nam thôi. Mục hoan hô bác Hồ... không thành vấn đề, vì dù sao ông này cũng là người tốt và có công kháng chiến chống Pháp; mục đả đảo mới làm tôi bứt rứt khó chịu. Khẩu hiệu đả đảo chính là “Đả đảo Mỹ Diệm”. Diệm là thủ tướng miền Nam từ chối hiệp thương để bàn chuyện tổng tuyển cử, bị đảng Cộng Sản đả đảo là dễ hiểu (một sự từ chối mà tôi thông cảm, bởi nếu có tổng tuyển cử năm 1956, miền Nam sẽ thua chắc vì dân ít hơn, hệ thống tuyên truyền kém hơn, chưa kể một phần dân miền Nam chỉ biết Việt Minh là kháng chiến chống Pháp, không biết họ là Cộng Sản...). Nhưng tại sao lại lôi Mỹ tít mù bên kia biển vào đây, trong khi cả miền Nam chỉ có một phái bộ viện trợ quân sự Mỹ nhỏ chẳng mấy khi được mặc quân phục đi dạo phố phường, ngoài ra là vài phái bộ dân sự lo truyện viện trợ kinh tế linh tinh... Có chi mà phải chống? Chắc là lại bắt chước Trung quốc vì nước đàn anh này mới đánh nhau một trận máu lửa với quân Mỹ trên đất Cao Ly. Còn Việt Nam? Lấy đâu ra thù và oán với Mỹ?... Hay là bắt chước đạo Công giáo có thuyết tội tổ tông (con người sinh ra là có tội sẵn) mà tạo ra huyền thoại ai sinh ra ở miền Bắc là có sẵn trong máu quyết tâm “chống Mỹ”, như một anh quản giáo đã khẳng định trong thời gian tôi bị giam ở Trảng Lớn năm 1975?

 

[còn tiếp nhiều kỳ]

 

_________________________

[1]Tôi đã kể lại chuyện này trong bài ký “Về miền đất lá” in trong tập Căn nhà người mẹ (Trí Đăng xb trước 75, Sài gòn), nhà văn Võ Phiến trích đăng lại, coi như tiêu biểu cho thể văn ký của Thế Uyên (trong bộ Văn học Miền Nam 1954-1975, Văn Nghệ xb, California, USA, 1999).

[2]Cùng thời gian, Công An còn bắt giam cả vợ của nhà văn Nhất Linh và con trai lớn. May nhờ phi cơ Pháp bắn phá vùng trại giam, hai mẹ con trốn được, sống trong hầm nhà các người quen cho đến khi lẻn được vào vùng Pháp kiểm soát. Người con này du học đỗ tiến sĩ và ở lại Paris suốt thời gian có cuộc nội chiến Nam Bắc 60-75, sau chuyển sang dạy đại học Mỹ. Người mẹ vô Sài Gòn buôn bán, đoàn tụ với chồng ở đây cho đến khi người chồng tự tử. Di cốt hai người sau cùng được mang về nghĩa trang dòng họ đâu đó vùng Hội An, khó tìm vì nghe nói mộ bia đề bằng chữ Trung quốc.
 

Đã đăng:

... “Những hạt cát” là tên của truyện ngắn đầu tiên tôi viết trên đời. Động cơ thúc đẩy không có gì là oai hùng, siêu hình siêu linh, hay sứ mệnh văn học hiện đại chi hết...: tôi viết chỉ vì bắt chước mọi người chung quanh, nhất là anh tôi, nhà văn Duy Lam... (...)
 
Không phải tôi bắt chước họa sĩ Picasso mà đặt tên các thời kỳ văn học bằng mầu sắc xanh đỏ vàng, mà vì văn chương viết thời kỳ cộng tác với tạp chí Tân Phong, thuộc dòng lãng mạn cổ điển kiểu Pháp thế kỷ 19, kiểu tiền chiến Việt Nam. Đặt tên màu xanh êm đềm như thế để phân biệt với vàng, đỏ như máu, văn chương có lửa, văn nghệ xám của nhóm văn hóa Thái Độ sau này... (...)
 
Nguyễn Tường là họ ngoại của tôi. Còn họ nội của tôi ra sao? Bố tôi là đứa con cuối cùng của giòng họ Cát ở Vân Đình, Hà Đông, không có gì lẫy lừng từ nhiều đời, ông nội tôi (chết sớm) chỉ là ông đồ... (...)
 
Thời gian xẩy ra sự cố nói trên, tôi đang cộng tác với nhật báo Chính Luận của Từ Chung và Đặng Văn Sung. Mới đầu tôi viết mỗi tuần một đoản văn... (...)
 
Trong khi theo học đại học ở Mỹ, tôi dần dà khám phá ra nền giáo dục xứ này không đề cao tinh thần thượng võ và ít chú trọng đến việc xiển dương, đề cao, khích động lòng yêu nước, nhiều như ở Việt Nam. Nếu lấy đơn vị là một cho dễ nói, nền giáo dục miền Nam Việt Nam đề cao tinh thần thượng võ và lòng yêu nước mười lần hơn Hoa Kỳ, và miền Bắc Việt Nam lại mười lần cao hơn miền Nam... (...)
 
... Bố tôi không khoẻ, và thuốc phiện còn làm ông suy yếu hơn. Tự ông cũng biết mình sẽ không thọ (và đúng vậy, ông chết khá sớm, năm 56 tuổi) và khả năng kiếm tiền đã thấp (sau thời kỳ làm quản lý cho Phong Hoá Ngày Nay), ông thường làm công chức cấp nhỏ, lương thấp, đông con... (...)
 
Trong danh sách những nghề bố bảo nên gia nhập, tôi còn kể sót một trường là Quân Y ngay gần nhà. Bố tôi mặn mà với trường này lắm vì ra trường vừa là trung úy vừa là y sỹ, vừa có chữ thọ to tướng vừa có thể làm ngoài, thiếu gì tiền... (...)
 
Yêu một cô bé xinh đẹp con nhà và được yêu lại, được lấy nhau làm vợ chồng, còn niềm vui nào lớn hơn. Ngồi ở công trường vắng lặng Ban Mê Thuột uống một ly đậu đỏ tồi ơi là tồi, bùn đỏ xứ này còn như muốn nở hoa, buồn làm sao được... (...)
 
Năm 1954 tôi theo gia đình rời Hà Nội di cư vào Nam, định cư tại thành phố Sài Gòn. Năm đó tôi vừa 19 tuổi. Đủ lớn để có một, không phải một người yêu, mà là một người để yêu. Nàng đầu tiên là Mặt Trăng... (...)
 
Tôi đã tưởng mối tình (tình một chiều và thất tình một phía) hồi mười chín tuổi đã bị xoá trong bộ nhớ não tôi; gần nửa thế kỷ, bao nhiêu là nước chảy qua chân các cầu rồi còn gì. Nhưng tôi lầm... (...)
 
... Phương thuốc tôi cho là hiệu lực nhất là “dĩ độc trị độc”, lấy tình mới trị thất tình cũ: “Mi đau buồn vì một cô gái phải không? Hãy tìm một cô gái khác mà thay thế (hơn phân nửa thế giới là phụ nữ, lo gì?)...” (...)
 
... Tôi ngủ một giấc ngon lành không mộng mị, khi mở mắt ra, tôi phải định thần một chút mới nhớ ra mình đang ở đâu trên đất nước Việt Nam. Trời đã sáng từ lâu... (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021