thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
TỰ THUẬT VĂN HỌC: Những khó khăn & tác phẩm [kỳ 12]

 

THẾ UYÊN

(1935~)

 

 

Một chuyến ngao du...

 
 

Ðường về Hà nội

 

Tôi ngủ một giấc ngon lành không mộng mị, khi mở mắt ra, tôi phải định thần một chút mới nhớ ra mình đang ở đâu trên đất nước Việt Nam. Trời đã sáng từ lâu, không bà chị nào đánh thức tôi dậy như đêm qua đã hứa, nhưng nhìn đồng hồ, vẫn thấy thừa đủ cho tôi đi ăn sáng, sau đó mới đến ga đi chuyến tàu hoả duy nhất nối liền Hải Phòng với Hà Nội. Khi xuống dưới nhà trước kia là hiệu sách, anh người quen cũ chuyển lời nhắn của bà chị đã hứa cho tôi đi cùng: “Chuyến đi hoãn đến ngày mai, cứ đi chơi loanh quanh phố xá...”

Bà chị khỏi dặn tôi cũng đi lang thang trong thành phố nhiều kỷ niệm thiếu thời này. Ngay cái tiệm sách từng dưới cùng này cũng nhắc nhở bao buổi tôi ngồi đọc cọp những sách hướng dẫn về sex như “Người con trai nên biết, Người con gái nên biết” của một bác sĩ tôi quên mất tên (tôi thực tình muốn nêu tên vị đó vì đã có công khai tâm tình dục cho biết bao thanh thiếu niên nam nữ của một thời kỳ dài). Đó là lần đầu tiên tôi được biết cơ quan sinh dục nam và nữ một cách khoa học với sơ đồ rõ ràng.

Ăn sáng ở một quán Tàu vùng chợ Sắt, tôi đi bộ ra cửa Cấm, nơi có bến tàu. Những người dân công giáo di cư đa số quần áo nâu và đen, những bà già đeo trước ngực một tấm chữ nhật thêu đàng hoàng xanh đỏ vàng... (dù đã từng ở làng Công giáo trong lúc tản cư, tôi vẫn chưa được biết rõ họ thêu hình cái chi). Tôi nhìn những dân chuẩn bị di cư vào Nam với con mắt thiện cảm vì hiểu tại sao họ phải ra đi: đã qua rồi cái thời khối Công giáo còn được đứng trung lập trong cuộc chiến Việt Pháp. Năm 1949, Giáo hoàng Piô XI đã ra pháp lệnh rút phép thông công những ai theo hoặc cộng tác với Cộng Sản, không cứ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Đã có fatwa thánh tử lệnh (mượn tạm chữ của Hồi giáo) kể từ nay không còn có những người kháng chiến chống Pháp nữa, mà là một bầy lũ “quỉ đỏ”. Chấm hết. Dứt khoát. Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn ở Canada trong cuốn Xóm Đạo: hàng đêm mỗi gia đình công giáo phải tụng một kinh riêng trong đó có câu: “Gia đình con xin nguyện không theo thuyết Cộng Sản vô thần!”

Một thái độ thù nghịch không đội trời chung như thế không phải bỗng dưng mà có: Xin miễn kể lại Đảng Cộng Sản Việt Nam đã làm những gì để đến nỗi bị coi là quỉ đỏ, người Công giáo đã có quá nhiều tài liệu sách báo ghi lại sự đàn áp tôn giáo ồn cả thế giới lên. Tôi chỉ ghi lại lời một nhân chứng ở miền Bắc, giáo sư Nguyễn Huệ Chi, khuôn mặt cố cựu của Viện Văn Học Hà Nội, về những gì đã xảy ra trong thời kỳ ấy đối với chùa chiền miếu mạo đình làng cùng các di tích tổ tiên để lại, chỉ vì Đảng Cộng Sản Việt Nam mô phỏng, bắt chước cuộc Cách Mạng Văn Hoá của Mao Trạch Đông bên Tàu (chứ không phải bên Liên Xô, vì người Nga tương đối văn minh hơn người Tàu vào thời kỳ đó).

Lời nhân chứng Nguyễn Huệ Chi (con học giả Nguyễn Đổng Chi):

Chẳng hạn như việc phá đình phá chùa trong chủ trương “hợp tự” năm 1948 đã làm mất đi bao nhiêu di tích văn hoá quí hoá có từ lâu đời tại Nghệ Tĩnh. Ấy thế mà việc đó lại được lập lại với một quy mô rộng lớn hơn ở hầu khắp miền Bắc trong những năm 60 thế kỷ 20. Tôi còn nhớ là vào ngày 9 tháng 5 năm 1966, tôi đến thăm cụ Lê Thước, một học giả nổi tiếng thì gặp lúc nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoan cũng đến và trình bày với cụ việc một ngôi đền thờ nữ tướng của Hai Bà Trưng ở Mai Động, sát ngay Hà nội, đã được Đảng bộ chỉ đạo đem hoành phi câu đối và cỗ kiệu ra đóng bàn ghế và xe phân cho hợp tác xã.
(Thế kỷ 21 số 197, trang 23)

Đối với những di tích kiến trúc thuộc loại “tĩnh, đã qua” Đảng Cộng Sản Việt Nam còn có hành động phá hoại, hủy diệt như vậy, thì đối với những thứ động, sống... nhiều người lui tới thờ phụng như nhà thờ, Đảng còn khắt khe tới đâu... Những người Công giáo bỏ làng xã, quê hương tại miền Bắc di cư vô Nam là phải. Dĩ nhiên bảo đó là một hành vi chạy trốn cũng đúng, nhưng là một sự chạy trốn để tự vệ và bảo vệ đức tin tôn giáo riêng của mình, tương tự như những người Pilgrims trên tàu Mayflower đã di cư tới châu Mỹ và tạo dựng một trung tâm định cư đầu tiên của người da trắng tại châu lục này. Đâu có phải họ ngây thơ như Đảng Cộng Sản Việt Nam đã tuyên truyền: “Họ di cư vào Nam bởi vì các cha cố đã nói dối là Chúa đã đi Nam...”

Sáng hôm sau, tôi theo bà chị lên xe lửa, cất dấu hết các giấy tờ khác, chỉ để sẵn xuất trình có thẻ học sinh Chu Văn An Hà nội. Bà chị ngó qua, phán: Dư sức qua cầu rồi... Tôi lơ đãng nhìn cảnh đồng bằng quá quen thuộc với các thửa ruộng nhỏ bé kế tiếp nhau, đều đặn, buồn buồn vì từ bao nhiêu ngàn năm đã như thế, vẫn vậy. Chưa đến địa điểm phân đôi vùng chính quyền kháng chiến đã tiếp thu với vùng do quân Pháp và phe hồi đó có danh xưng là Quốc gia Việt Nam với cờ vàng ba sọc đỏ, tôi đã trông thấy lá cờ đỏ sao vàng phất phới trên một cột thật cao. Phía dưới là vài nhà tranh, có nhà quây cót chung quanh. Tôi hỏi: “Tại sao họ quây cót vậy?” Bà chị trả lời: “Để họ, nếu cần, đưa cán bộ gái ra khám xét đàn bà con gái, kỹ lắm, có khi bắt cởi cả khố thấy tháng ra săm soi... Em theo sát chị và đừng nói năng chi hết. Để chị lo cho.” Và bà chị tháo vát lo mọi chuyện nhanh chóng, không biết có chi tiền không, nhưng đóng thuế nhập khẩu cái xe đạp tôi mang theo không nhiều lắm.

Vèo một cái, xong mọi thủ tục, chị dẫn tôi leo lên đoàn tàu xã hội chủ nghĩa đang đợi sẵn bên kia khu hải quan, trên đầu máy có gắn một ngôi sao vàng khá to. Đây là lần đầu tiên tôi thấy quan thuế được gọi là hải quan, thấy ngộ nghĩnh vì ở đây sâu trong đất liền, chẳng thấy biển thấy sông hồ nào hết... Sau này tôi mới biết miền Bắc mượn của Trung Hoa khá nhiều từ nghe vô lý với hoàn cảnh thực tế, và “cóp-dê” nhiều sự, kể cả thái độ “chống Mỹ cứu nước” của Tàu, một sự cóp dê làm tan hoang cả nước và chết nhiều triệu người Việt ở cả hai miền ít năm sau đó.

Con tàu xã hội chủ nghĩa dù ở nước nào cũng giống nhau ở chỗ chạy chậm, thiếu tiện nghi và dơ bẩn. Và đông ngẹt người, hỗn độn. Trời bắt đầu tối mới tới ga Đầu Cầu, tôi xuống theo đoàn người, bị đẩy dần ra cổng. Chỉ có một công an đứng kiểm soát giấy tờ và một lần nữa thẻ học sinh Chu Văn An cũ của tôi lại hiệu lực. Tôi lỉnh kỉnh đồ nghề của xe đạp tháo rời, tách ra khỏi đám đông, đến chân một cột đèn tương đối sáng (phải dùng chữ tương đối vì một đặc tính nữa của các thành phố xã hội chủ nghĩa là đèn đường chỉ lờ mờ, đôi khi đỏ yếu ớt như mắt ma (không biết ma có mắt và đỏ không, nhưng người lớn hay nói như thế). Lắp ráp lại xe đạp xong xuôi, tôi ngồi lên cầm tay lái và bây giờ mới đặt câu hỏi: “về nhà ai?” Tôi có ba bạn thân có thể về tạm trú: Hoàng ở phố Cầu Gỗ, Hiên ở phố hàng Bút, và Nguyên ở trong ngõ hẻm ngay gần đây, lãng mạn nhất và nhà nghèo nhất. Kinh nghiệm sống chưa có nhiều, nhưng tôi có cảm tưởng (và cảm tưởng này thường là đúng) đến ở với Nguyên nhà nghèo là thoải mái nhất. Nghĩ xong làm liền. Tôi đạp xe chưa đã chân đã tới cái cổng ngõ xây gạch mốc meo xám xì quen thuộc. Nguyên vui mừng, bà mẹ chỉ cười, nhẹ nhàng: “Cháu ăn uống gì chưa?” Sau bát cơm nguội với dưa chua chấm tương, Nguyên và tôi đạp xe vào khu Bờ Hồ kiếm Hoàng. Xe tôi tương đối mới, xe của Nguyên đen sì cổ kính và chắc chắn. (Tôi bàn đến xe đạp cũ và mới, vì trở lại thăm vào năm 1992, gần bốn mươi năm sau, Nguyên vẫn đi cái xe đạp đen cổ kính ấy. Nó vẫn lăn bánh, thật là thần kỳ. Thần kỳ vì độ bền của xe chế bên Tây, thần kỳ vì tài bảo trì của con người xã hội chủ nghĩa). Hoàng cười tươi bằng chiếc miệng rộng, nhìn tôi co ro vì trời đã bắt đầu lạnh, vào nhà lấy cho tôi mặc đỡ một cái áo lính Pháp dầy cộp bốn túi, và tôi đã mặc cái áo này lang thang khắp chỗ cho đến khi rời miền Bắc lần thứ hai. Ba đứa cử hành đêm tái ngộ Hà Nội bằng một chầu cà phê nóng bỏng, tận cùng đêm bằng một khúc bánh mì giò chả nóng dòn rắc tiêu cay xè. Dĩ nhiên người chi tiền vẫn là Hoàng như thường lệ vì bố bị bắt cải tạo mút mùa từ thời tản cư, Hoàng phải phụ giúp mẹ kinh doanh nên tài chính của hắn trên chân tất cả lũ bạn Chu Văn An - Nguyễn Trãi chơi thân với nhau.

 

[còn tiếp nhiều kỳ]

 

Đã đăng:

... “Những hạt cát” là tên của truyện ngắn đầu tiên tôi viết trên đời. Động cơ thúc đẩy không có gì là oai hùng, siêu hình siêu linh, hay sứ mệnh văn học hiện đại chi hết...: tôi viết chỉ vì bắt chước mọi người chung quanh, nhất là anh tôi, nhà văn Duy Lam... (...)
 
Không phải tôi bắt chước họa sĩ Picasso mà đặt tên các thời kỳ văn học bằng mầu sắc xanh đỏ vàng, mà vì văn chương viết thời kỳ cộng tác với tạp chí Tân Phong, thuộc dòng lãng mạn cổ điển kiểu Pháp thế kỷ 19, kiểu tiền chiến Việt Nam. Đặt tên màu xanh êm đềm như thế để phân biệt với vàng, đỏ như máu, văn chương có lửa, văn nghệ xám của nhóm văn hóa Thái Độ sau này... (...)
 
Nguyễn Tường là họ ngoại của tôi. Còn họ nội của tôi ra sao? Bố tôi là đứa con cuối cùng của giòng họ Cát ở Vân Đình, Hà Đông, không có gì lẫy lừng từ nhiều đời, ông nội tôi (chết sớm) chỉ là ông đồ... (...)
 
Thời gian xẩy ra sự cố nói trên, tôi đang cộng tác với nhật báo Chính Luận của Từ Chung và Đặng Văn Sung. Mới đầu tôi viết mỗi tuần một đoản văn... (...)
 
Trong khi theo học đại học ở Mỹ, tôi dần dà khám phá ra nền giáo dục xứ này không đề cao tinh thần thượng võ và ít chú trọng đến việc xiển dương, đề cao, khích động lòng yêu nước, nhiều như ở Việt Nam. Nếu lấy đơn vị là một cho dễ nói, nền giáo dục miền Nam Việt Nam đề cao tinh thần thượng võ và lòng yêu nước mười lần hơn Hoa Kỳ, và miền Bắc Việt Nam lại mười lần cao hơn miền Nam... (...)
 
... Bố tôi không khoẻ, và thuốc phiện còn làm ông suy yếu hơn. Tự ông cũng biết mình sẽ không thọ (và đúng vậy, ông chết khá sớm, năm 56 tuổi) và khả năng kiếm tiền đã thấp (sau thời kỳ làm quản lý cho Phong Hoá Ngày Nay), ông thường làm công chức cấp nhỏ, lương thấp, đông con... (...)
 
Trong danh sách những nghề bố bảo nên gia nhập, tôi còn kể sót một trường là Quân Y ngay gần nhà. Bố tôi mặn mà với trường này lắm vì ra trường vừa là trung úy vừa là y sỹ, vừa có chữ thọ to tướng vừa có thể làm ngoài, thiếu gì tiền... (...)
 
Yêu một cô bé xinh đẹp con nhà và được yêu lại, được lấy nhau làm vợ chồng, còn niềm vui nào lớn hơn. Ngồi ở công trường vắng lặng Ban Mê Thuột uống một ly đậu đỏ tồi ơi là tồi, bùn đỏ xứ này còn như muốn nở hoa, buồn làm sao được... (...)
 
Năm 1954 tôi theo gia đình rời Hà Nội di cư vào Nam, định cư tại thành phố Sài Gòn. Năm đó tôi vừa 19 tuổi. Đủ lớn để có một, không phải một người yêu, mà là một người để yêu. Nàng đầu tiên là Mặt Trăng... (...)
 
Tôi đã tưởng mối tình (tình một chiều và thất tình một phía) hồi mười chín tuổi đã bị xoá trong bộ nhớ não tôi; gần nửa thế kỷ, bao nhiêu là nước chảy qua chân các cầu rồi còn gì. Nhưng tôi lầm... (...)
 
... Phương thuốc tôi cho là hiệu lực nhất là “dĩ độc trị độc”, lấy tình mới trị thất tình cũ: “Mi đau buồn vì một cô gái phải không? Hãy tìm một cô gái khác mà thay thế (hơn phân nửa thế giới là phụ nữ, lo gì?)...” (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021