thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
TỰ THUẬT VĂN HỌC: Những khó khăn & tác phẩm [kỳ 11]

 

THẾ UYÊN

(1935~)

 

 

Một chuyến ngao du...

 
 

"Dĩ độc trị độc...”

Trở lại chuyện tình thời xưa, sau khi phải “bấm bụng” (tôi thấy từ ngữ nhà quê này mới diễn đạt điều muốn nói) giã từ Mặt Trời, tôi thấy buồn. Mỗi lần nghĩ tới hình ảnh nàng, tôi cảm thấy như đau chỗ nào đó bên trong, tại tim, tại dạ dày... tôi không xác định được, trừ một điều là thất tình có “đau” thiệt, chứ không phải đùa, bịa đặt. Tôi không hề muốn tình trạng đau đau buồn buồn này kéo dài, phải tìm cách chữa thôi (từ lúc lớn lên, phương châm của tôi là “không cam chịu” mọi tình huống khó khăn). Và phương thuốc tôi cho là hiệu lực nhất là “dĩ độc trị độc”, lấy tình mới trị thất tình cũ: “Mi đau buồn vì một cô gái phải không? Hãy tìm một cô gái khác mà thay thế (hơn phân nửa thế giới là phụ nữ, lo gì?)...” Buồn vì Mặt Trời thì lấy Mặt Trăng thay thế, được không?! Được chắc, tôi kết luận!

Bà kế thất của ông bác có lần phê bình tôi quá bạo tợn, kể cũng khá đúng cho tôi thời kỳ ấy (coi bộ không phải chỉ cho thời kỳ ấy và không chỉ trong địa hạt tình ái, dùng chữ hiện đại mà nói... tôi có phần nào thuộc loại dám nghĩ dám làm). Tôi lý luận giản đơn, trẻ con, rằng tôi đang cần Mặt Trăng để chống lại Mặt Trời, mà Mặt Trăng đang ở Hà Nội xa xôi, vậy ta trở lại miền Bắc, thế là xong, gọn. Tôi không cảm tình với chế độ xã hội chủ nghĩa, không thể ở lại miền Bắc làm kẻ nịnh thần ca tụng Bác và Đảng cho đến hết đời, vậy kết luận hợp lý là ta thuyết phục bố mẹ nàng cùng di cư vào Nam, hai đứa cùng đi học tiếp, tôi lại Chu Văn An, nàng Trương Vương, đợi khi nào lớn hơn sẽ tính tiếp. Xong!

Nghĩ xong, lý luận gọn nhẹ như thế bây giờ đến hành động. Ra Bắc, phải xin phép chính quyền địa phương. Làm đơn thì làm, có gì phức tạp đâu. Tôi khai rõ lý do xin trở lại Hà Nội là để: trước hết đón bà nội vô Nam, sau là đón vị hôn thê (tôi khai như thế cho mạnh mẽ, dù hơi xạo một chút, nhưng làm đơn mà không thế, ai cho đi...). Tôi mang đơn đến nạp tại Sở Công An Thành Phố lúc đó còn ở đường Catinat,[1] chưa đổi tên là Tự Do rồi Đồng Khởi. Nhân viên phụ trách thò đầu qua quầy, coi đơn, phán gọn lỏn: “Không cho đi!” rồi cúi xuống tiếp tục làm việc. Ông ta không ngờ gặp phải anh chàng tôi, một nửa là dân Hà Nội có khiếu về đường ăn nói, một nửa do mẹ, có máu Quảng Nam trong người (phương ngôn có câu “Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay co, Bình Định hay lo, Thừa Thiên ních hết”...) nên tôi mang các điều khoản của hiệp định Genève ra tham chiếu, cho rằng tôi có quyền ra Bắc... Cái ông nhận đơn ngó tôi một chút nữa rồi xẵng giọng: “Đi về đi học. Không có đi đâu hết!”

Tôi rời trụ sở Công An, ra ngồi trước bậc thềm của Bưu Điện, ăn một ly kem do một di dân Trung Hoa bán rong, nhìn nhà thờ xây gạch đỏ sạch bong, suy tính. Khẩu hiệu “không cam chịu” trở lại và tôi nhớ lại đã nhiều lần đạp xe trên đường Yên Đổ qua trụ sở Ủy Ban Kiểm Soát Đình Chiến trong một biệt thự có sân rộng trải sỏi, có cột treo cờ trắng chữ xanh I.C. Lúc ấy tôi đã được biết đảng Cộng sản Việt Nam nổi tiếng là vua ký kết để rồi không làm, hay chỉ làm những điều nào mình thích hay có lợi, thế thôi. Còn phe ta quốc gia hay thế giới gọi là Tự Do thường nghiêm túc giữ mọi cam kết, dù bị phe Cộng Sản lừa bao lần vẫn không chừa... Tôi, mười chín tuổi, học mới cấp ba trung học, ngây thơ tin tưởng, như lời nhạc Lê Uyên Phương sau này trong cuốn cassette Trái tim kẻ lạ: “Cuộc đời như trang sách giáo khoa thư...” (thơ Nguyễn Xuân Thiệp). Do đó tin chắc cái ông Công An đuổi tôi về đi học là một cấp dưới, không được học nhiều lại lười đọc báo, không biết chính quyền quốc gia, từ Hậu Giang đến miền Trung, vẫn chuyên chở giúp cho các cán bộ phe Đỏ muốn tập kết ra Bắc. Tôi thời đó còn lơ mơ mờ mịt chẳng biết cấp trên quyền Công An đường Catinat là ai nằm ở đâu để khiếu nại, chỉ biết rõ trụ sở I.C., vậy thì ta bước vào thôi. Dựng xong xe đạp sát tường, tôi đang ngơ ngác nhìn, thì một sĩ quan quân phục lon lá lạ hoắc lại gần, hỏi với giọng tử tế nhẹ nhàng, làm như sợ nói to sẽ làm anh chàng tôi ù té dắt xe chạy mất: “Cậu biết nói tiếng Pháp không?” May quá, hỏi bằng tiếng Pháp, tôi trả lời được, trình bày vắn tắt nội vụ. Viên sĩ quan hơi nghiêng đầu để lắng nghe thứ tiếng Pháp âm sắc “Đông dương thuộc Pháp, Indochine française” của tôi, cầm đơn và hẹn thứ Hai tới trở lại.

Tôi ra về không có gì là “hồ hởi, thơ thới hân hoan” (“hồ hở”i: từ của dân miền Bắc bây giờ; “thơ thới hân hoan”: từ ngữ trong thông cáo cấm hút thuốc trong rạp thời đó) vì biết hôm nay may mắn đụng đúng ông Hung-gia-lợi hay Ba-lan hiểu tiếng Pháp, chứ không đụng thành phần ủy hội thuộc “phe ta” nói tiếng Anh thì tôi điếc luôn...[2] Tôi vội vàng đạp xe đi kiếm H.[3], ông bạn giỏi tiếng Anh duy nhất mà tôi quen, hiền lành nhưng cũng thuộc loại dám nghĩ dám làm, nhờ thứ Hai tới đi với tôi làm thông ngôn. Hai đứa cộng lại Anh Pháp đề huề, chắc đủ sức đương đầu với Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến. Hồi đó tôi ngớ ngẩn đến nỗi không biết một cơ quan quốc tế tầm cỡ đó bao giờ chẳng có thông ngôn.

Đúng ngày giờ hẹn tôi và ông bạn H. tới Ủy Hội Quốc Tế, được một nhân viên hướng dẫn vào phòng họp chính. Nhìn thấy toàn ban chủ nhân quân phục lon lá chỉnh tề ngồi quanh chiếc bàn rộng, tôi mới thấy có trẻ con nghịch dại đùa dai... là tôi. Tôi được mời ngồi đối diện chủ toạ là một đại tá Ấn-độ da nâu xỉn nhưng cầu vai lon vàng rực rỡ trên quân phục trắng. Sau phần thủ tục, tôi được mời nói, và có sao nói vậy: muốn về Hà nội đón bà nội và fiancée. Vậy thôi. Chữ fiancée làm một thành viên quanh bàn lên tiếng: Em có thể nói tiếng Pháp, có chúng tôi hiểu... Tôi nghiêng đầu ra dấu cám ơn nhưng tiếp tục nói tiếng Việt để H. chuyển Anh ngữ: tôi nhớ thầy địa lý nói có hai nước Ấn-độ và Phi-luật-tân dùng Anh văn làm chuyển ngữ... Sau cùng hai đứa được mời khỏi phòng để ủy ban trao đổi ý kiến. Tôi được gọi trở lại khá nhanh và lần này ông Ấn-độ lên tiếng: “Thứ hai tới em trở lại chỗ cũ lấy giấy tờ di chuyển.” Lần này, ông da nâu cười hiền lành nói thêm: “Em không bị từ chối nữa đâu...” Tôi và H. ra về. H. trầm ngâm, còn tôi lúc đó mới hơi băn khoăn tự hỏi có đại diện phe quốc gia Việt Nam trong phiên họp này không? (nhiều năm sau tôi mới được biết, một cách cụ thể, là có).

Thứ hai tuần sau trở lại trụ sở Công An đường Catinat, viên chức phụ trách đứng hẳn lên đặt giấy tờ lên mặt quầy: ngoài giấy di chuyển, còn kèm thêm vé may bay ra Hải Phòng (Hà Nội đã do bên kia tiếp quản). Tôi hỏi: “Có thể mang theo xe đạp không?” Lần này được trả lời tử tế: “Em có thể mang theo bất cứ cái gì, miễn lọt cửa phi cơ...” Rồi, vé máy bay chỉ cho tôi ba ngày để chuẩn bị. Nhưng thủ tục chuẩn bị phía tôi khá giản dị vì đâu có định về miền Bắc lập nghiệp: tôi thay mẹ viết đơn xin tạm nghỉ học vì lý do gia đình, nhờ H. cho vay một số tiền nhỏ làm lộ phí... Khi ngồi taxi ra phi trường, tôi dặn H. máy bay cất cánh đâu đó đàng hoàng, mới tới nhà đưa đơn xin nghỉ học cho mẹ và nói tôi thể nào cũng trở về Nam kịp ăn Tết với gia đình. Tôi tỉnh bơ vì biết mẹ tôi khi biết tin đứa con thứ đã về Bắc, chỉ nhíu mày một tí, thế thôi, không lo lắng vì bà có mấy ông anh chuyên làm cách mạng chống Pháp, chống cả Cộng Sản (có lẽ mấy ông là những người chống Cộng đầu tiên)... khi đi khi ở khi ẩn khi hiện, bà quen rồi, từ thời còn con gái...

Phi cơ Air Vietnam gần như trống không, ngoài tôi chỉ thêm hai ba người dáng điệu có vẻ công chức đi công tác. Hình như các cán bộ bộ đội phe bên kia chỉ ra Bắc tập kết bằng đường bộ đường thủy, tàu Liên Xô, Ba-lan chở giùm. Khi phi cơ đáp xuống phi trường Cát Bi gần Hải Phòng, tôi chỉ ngắm cảnh xơ xác đìu hiu một chút (quân Pháp đang rút đi gần hết), rồi lên xe thùng vào thành phố. Tôi được thả xuống trụ sở Air Vietnam, đứng xớ rớ với khung xe đạp quành vai, một tay cầm túi nhỏ quần áo, tay kia cầm hai bánh xe. Không có ai đón đợi vì có quen ai đâu trong cái thành phố tôi đã ở thời kỳ mới dậy thì, nhưng đủ lâu để bố tôi làm khai sinh mới cho tôi làm dân Hải Phòng luôn cho tiện việc sổ sách của ông, trong khi tôi sinh ở giữa lòng Hà Nội cũ kỹ.[4]

Trên vỉa hè cũ kỹ sứt mẻ dơ bẩn (ai còn quan tâm đến quét rác khi cả thành phố cảng chỉ còn vài tháng nữa phải trao cho chính quyền bên kia?...), tôi suy nghĩ một chút: chỉ có hai nơi gọi là quen biết để về tá túc đêm nay trước khi lên đường đi Hà Nội. Một địa chỉ ở đường Cầu Đất, địa chỉ thứ hai xa hơn nhiều, ở đường Trại Cau. Địa chỉ đầu gần, cũng là địa chỉ bố khai sinh cho tôi, có thể tà tà đi bộ đến được, vậy ta đến đây trước, hi vọng những người quen cũ còn có người nhận ra tôi. Tôi thở ra vui vẻ vì vừa bước chân qua cửa đã có tiếng reo nhận biết, mặc dù tôi đã lớn lên, thay đổi. Khi biết mục đích chuyến đi là đón bà nội vào Nam, tôi được hướng dẫn lên tầng ba đang ồn ào tiếng đàn bà cười nói. Xưa kia, hồi còn ở đây, gia đình tôi cũng giành tầng này để đón khách phương xa, nhất là anh chị em trong họ trên đường đi tắm biển Đồ Sơn. Mấy phụ nữ hiện diện, toàn những bậc mà tôi phải gọi là chị, là dân buôn chuyến trên tuyến đường xe lửa Hải Phòng - Hà Nội, cả hàng lậu lẫn không lậu, biểu lộ ngay tính cách tự nhiên của loại phụ nữ tháo vát này: họ lo cho tôi ăn, thu xếp chỗ ngủ, đổi tiền mang theo sang tiền “ông cụ”, gửi gắm một bà mai ngược lên Hà Nội... Tôi đi vào giấc ngủ một cách an bình, như một khách du lịch đi theo tour...

 

[còn tiếp nhiều kỳ]

 

_________________________

[1]Catinat: hồi đó tên các đường phố đa số còn là tên các tướng tá, các nhà truyền giáo, các chức sắc Pháp đã có công trong việc chiếm Việt Nam làm thuộc địa... Catinat không phải là một người, mà là tên một chiếc tàu đã nổ những phát súng đầu tiên vào thành lũy duyên hải Việt Nam. Không phải để xâm lăng mà để đòi triều đình phải tha các nhà truyền giáo Pháp.

[2]Tiếng Pháp: Chương trình trung học VN có hai sinh ngữ chính Anh và Pháp, tôi khá Pháp văn hơn vì có ông bố giỏi tiếng Pháp để hỏi, có nhiều sách báo “mật” tiếng Pháp hấp dẫn như Sensations, Paris-Hollywood... khuyến khích tôi học thêm tiếng Pháp. Sau khi được xem phim Autant en emporte le vent (Gone with the wind) tôi thèm được đọc cuốn sách của nhà văn Margaret Mitchell đến độ vửa đỗ xong bằng Trung học Phổ thông, đủ điều kiện xin thẻ thư viện Hà Nội, là tôi ngồi thiền cả mùa hè trong đó. Sáng sáng tôi vừa thò mặt vào, ông thủ thư đã để sẵn Autant en emport le vent dầy cộp bìa có hình chàng Rhett cúi xuống hôn cô Scarlett, kèm cuốn Từ Điển Pháp-Việt khá kích tất. Tôi khệ nệ mang ra cái bàn đen bóng vì các cụ Phạm Quỳnh, Hoàng Đạo... và nhiều cụ nữa đã từng ngồi để học, suy tưởng cao siêu, viết những sách nghiêm túc đọc đến xơ cứng cả người. Còn hậu sinh là tôi ngồi đọc truyện diễm tình, vừa tra vừa biên các chữ chưa biết vào một xấp giấy để học bằng mắt. Ngày hôm sau, trước khi đọc tiếp, tôi ôn lại các chữ khó đã ghi, bao giờ đầy tới bốn tờ thì xé bỏ bớt tờ thứ nhất. Cứ tự học kiểu đó hoài hoài nên tôi có chút vốn từ Pháp kha khá, trong khi vẫn nói tiếng Pháp với thứ âm sắc mà Tây chính gốc ở Paris phải nghiêng đầu lắng nghe và thở dài... mới hiểu được!

[3]Bạn H.: tôi quen chỉ vì tình cờ thấy mang họ giống tôi, nhưng thực ra là không. Vì Anh văn khá như thế nên H. xin được học bổng Colombo sang Canada học, đỗ kỹ sư, lấy vợ cũng dân du học. Về nước, dạy Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ, hai vợ chồng H. đến trụ sở hành chánh quận làm chứng cho tôi và Thi chính thức lấy nhau. Sau 1975 vài năm, anh vượt biên, định cư tại Canada, và đã chết tại đây vì ung thư. Đó là một người tốt, cả đời sống hiền lành. Không lộn xộn, phiêu lưu như tôi!

[4]Ông rời Hà Nội mang theo gia đình vì được bổ nhiệm Trưởng Ty Thông Tin Miền Biển (bao sân luôn cả Kiến An). Khi hết làm chức này, ông lại trở về Hà Nội làm một viên chức thường, dĩ nhiên mang theo vợ con, thuê nhà ở một đường có cái tên ngộ nghĩnh: phố Nhà Thương Khách. Tục gọi như thế, vì có một bệnh viện của người Hoa ở gần đầu đường. Tên sau cùng được biết là phố Hoè Nhai.

 

Đã đăng:

... “Những hạt cát” là tên của truyện ngắn đầu tiên tôi viết trên đời. Động cơ thúc đẩy không có gì là oai hùng, siêu hình siêu linh, hay sứ mệnh văn học hiện đại chi hết...: tôi viết chỉ vì bắt chước mọi người chung quanh, nhất là anh tôi, nhà văn Duy Lam... (...)
 
Không phải tôi bắt chước họa sĩ Picasso mà đặt tên các thời kỳ văn học bằng mầu sắc xanh đỏ vàng, mà vì văn chương viết thời kỳ cộng tác với tạp chí Tân Phong, thuộc dòng lãng mạn cổ điển kiểu Pháp thế kỷ 19, kiểu tiền chiến Việt Nam. Đặt tên màu xanh êm đềm như thế để phân biệt với vàng, đỏ như máu, văn chương có lửa, văn nghệ xám của nhóm văn hóa Thái Độ sau này... (...)
 
Nguyễn Tường là họ ngoại của tôi. Còn họ nội của tôi ra sao? Bố tôi là đứa con cuối cùng của giòng họ Cát ở Vân Đình, Hà Đông, không có gì lẫy lừng từ nhiều đời, ông nội tôi (chết sớm) chỉ là ông đồ... (...)
 
Thời gian xẩy ra sự cố nói trên, tôi đang cộng tác với nhật báo Chính Luận của Từ Chung và Đặng Văn Sung. Mới đầu tôi viết mỗi tuần một đoản văn... (...)
 
Trong khi theo học đại học ở Mỹ, tôi dần dà khám phá ra nền giáo dục xứ này không đề cao tinh thần thượng võ và ít chú trọng đến việc xiển dương, đề cao, khích động lòng yêu nước, nhiều như ở Việt Nam. Nếu lấy đơn vị là một cho dễ nói, nền giáo dục miền Nam Việt Nam đề cao tinh thần thượng võ và lòng yêu nước mười lần hơn Hoa Kỳ, và miền Bắc Việt Nam lại mười lần cao hơn miền Nam... (...)
 
... Bố tôi không khoẻ, và thuốc phiện còn làm ông suy yếu hơn. Tự ông cũng biết mình sẽ không thọ (và đúng vậy, ông chết khá sớm, năm 56 tuổi) và khả năng kiếm tiền đã thấp (sau thời kỳ làm quản lý cho Phong Hoá Ngày Nay), ông thường làm công chức cấp nhỏ, lương thấp, đông con... (...)
 
Trong danh sách những nghề bố bảo nên gia nhập, tôi còn kể sót một trường là Quân Y ngay gần nhà. Bố tôi mặn mà với trường này lắm vì ra trường vừa là trung úy vừa là y sỹ, vừa có chữ thọ to tướng vừa có thể làm ngoài, thiếu gì tiền... (...)
 
Yêu một cô bé xinh đẹp con nhà và được yêu lại, được lấy nhau làm vợ chồng, còn niềm vui nào lớn hơn. Ngồi ở công trường vắng lặng Ban Mê Thuột uống một ly đậu đỏ tồi ơi là tồi, bùn đỏ xứ này còn như muốn nở hoa, buồn làm sao được... (...)
 
Năm 1954 tôi theo gia đình rời Hà Nội di cư vào Nam, định cư tại thành phố Sài Gòn. Năm đó tôi vừa 19 tuổi. Đủ lớn để có một, không phải một người yêu, mà là một người để yêu. Nàng đầu tiên là Mặt Trăng... (...)
 
Tôi đã tưởng mối tình (tình một chiều và thất tình một phía) hồi mười chín tuổi đã bị xoá trong bộ nhớ não tôi; gần nửa thế kỷ, bao nhiêu là nước chảy qua chân các cầu rồi còn gì. Nhưng tôi lầm... (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021