thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
TỰ THUẬT VĂN HỌC: Những khó khăn & tác phẩm [kỳ 6]

 

THẾ UYÊN

(1935~)

 

 

Có một thời như thế...

 
 

Ông bố

Nói như thế không có nghĩa là lớn lên, đủ tuổi nhập ngũ và bằng cấp tối thiểu, là tôi tình nguyện gia nhập ngay các trường võ bị. Còn vấn đề chính nghĩa của sự cầm súng (cầm súng cho ai và bắn ai) và nhiều vấn đề thực tế khác: làm lính không oai mấy, vào thời đó (“Bé không học lớn làm đại úy”)... lương bổng lại thấp so với những ngành nghề khác mà tôi có thể đạt tới do các bằng cấp đã thủ đắc. Chưa kể một yếu tố khác quan trọng, không thể bỏ sót: là ông bố tôi.

Như trên đã nói, ông không khoẻ, và thuốc phiện còn làm ông suy yếu hơn. Tự ông cũng biết mình sẽ không thọ (và đúng vậy, ông chết khá sớm, năm 56 tuổi) và khả năng kiếm tiền đã thấp (sau thời kỳ làm quản lý cho Phong Hoá Ngày Nay), ông thường làm công chức cấp nhỏ, lương thấp, đông con tới 7 đứa, nên ông thường mong con trai sớm đi làm giúp đỡ gia đình: Anh tôi bị ông khai tăng thêm một tuổi để có thể đi làm sớm. Do đó mới học tới lớp 11, vừa thi rớt Tù Tài 1, lệnh động viên đã tới nhà. Cùng thừa hưởng một nền giáo dục tương tự như tôi, anh thản nhiên chấp nhận lệnh gọi: thời đó chính nghĩa quốc gia còn lờ mờ lắm, quân Pháp còn có mặt khắp nơi, nhưng anh không thể nghĩ rằng mình xoàng, yếu, tới độ trốn lính, trốn chui chốn nhủi giữa thành phố Hà Nội.

Theo luật động viên thời đó những người có Trung học Phổ thông, như anh tôi, là đủ điều kiện đi học khoá sĩ quan trừ bị ở Nam Định (về sau mới nâng lên trình độ Tú tài). Huấn luyện viên, cán bộ trong quân trường đều là quân nhân Pháp. Kể từ khoá có Duy Lam, đổi vào học ở Thủ Đức. Anh hung hăng hơn tôi nhiều nhưng rút cục bị/được đi học Truyền Tin chỉ vì lúc nhỏ chơi đùa, anh bị con trai Nhất Linh phóng một phi tiêu vào mắt, tạo một vết sẹo mờ lan rộng dần trong tròng mắt. Khi đã lên đại úy anh mới tình nguyện sang bộ binh (có lẽ chỉ còn có một mắt rưỡi, anh trở thành một xạ thủ, trong khi tôi dù hai mắt tài bắn chỉ trung bình). Tiện thể nói thêm, cũng hồi nhỏ, hai anh em chế tạo cung tên chơi đùa với nhau. Duy Lam tin rằng mình có tài xạ thủ của G. Tell bắn trúng trái táo trên đầu đứa nhỏ... là tôi; anh đã bắn một phát tên trúng ngay cổ đứa em. May mũi tên bằng sợi thép gỡ ở thắng xe đạp nên mẹ tôi gỡ ra tương đối nhanh... Một lần khi hai anh em mang súng ra một xạ trường vùng Đà Nẵng tập bắn, mặc dù tin ở tài xạ thủ của anh, tôi vẫn từ chối không chịu cầm lon bia đứng xa 10 bước cho anh bắn, chỉ tung lon lên trời thôi, vì kinh nghiệm bị anh ghim cho mũi tên vào cổ, hồi nhỏ...

Ra trường Thủ Đức, đơn vị đầu tiên của anh ở Huế, và khi về phép kể chuyện người và cảnh xứ Huế cho tôi nghe, vô tình anh đã cung cấp chất liệu cho tôi viết truyện ngắn “Người lính lê dương” sau này, dù chưa bước chân tới thành phố Huế. Anh chê truyện có điểm yếu: trong quân đội, thượng sĩ già đâu có nể chuẩn úy mới ra trường như tôi đã tả. Sau này, đến lượt tôi đi lính, thấy anh phê bình đúng: tôi dựa vào các ông thượng sĩ khá nhiều và coi như người phụ tá, chứ không phải thuộc cấp. Sự kiện này cho tôi một bài học nhớ mãi về sau: không bao giờ nên tả hay viết về những gì bản thân không biết rõ.

Lương thiếu úy mới ra trường không cao lại phục vụ xa nhà, số tiền anh gửi về giúp đỡ gia đình hàng tháng quá ít so với nhu cầu, hậu quả là bố tôi lại nhằm vào đứa thứ hai, là tôi... Vừa mới đỗ Trung học Phổ thông, bằng cấp tối thiểu (thời đó) để tình nguyện vào Thủ Đức, bố đã giục rồi. Nể quá, tôi cũng nạp đơn, nhưng khi khám sức khoẻ, tôi thiếu 2 kg nên được cho về “ăn cho mập lên đã”. Làm sao mập lên được trong một gia đình Bắc kỳ di cư không tài sản, chỉ có lợi tức một tiểu công chức, bữa cơm thường chỉ được chia một miếng thịt kho tầu hay ba con tôm rang, còn lại là rau luộc chấm tương hay một trái trứng luộc dầm nước mắm cho cả nhà cùng chấm.

Tôi được bố tạm để yên học tiếp cho đến khi đỗ Tú tài I. Đến đó là bố con tranh chấp thường xuyên về đi làm hay không đi làm, làm lính hay không làm lính, làm bất cứ nghề gì trừ nghề đi học. Tôi muốn học tiếp, học cao hơn vì nhà đã nghèo, nếu không vươn lên, hẳn cứ lẹt đẹt hoài, không ra thoát nổi cái vòng nghèo đói. Chưa kể thuộc một gia đình lớn các anh các chị học giỏi bằng cấp tứ tung, không lẽ chi thứ năm này (mẹ tôi thứ năm), lại bết bát, coi bất tiện quá... Nhưng có ông bố thúc giục hoài, nhiều lúc phải nhượng bộ để giữ hoà khí gia đình. Có lần tôi nạp đơn xin học trường Hải Quân Nha Trang, và đến lúc khám sức khoẻ, lại thiếu 2 kg (thời đó y khoa còn sử dụng chỉ số Pignet, dựa trên chiều cao vòng ngực và trọng lượng). Vị quân y hải quân bèn có lời “bàn lui” như thế này: “Tôi lờ vụ thiếu 2 kg cũng được, nhưng nghĩ kỹ đi, vào cái binh chủng này làm quái gì, vất vả lắm. Tôi gia nhập rồi, tôi biết lắm. Cậu còn học được, về đi học tiếp, tương lai hơn...” Tôi bèn vui vẻ nghe lời, thơ thới hân hoan ra khỏi trại hải quân bến Bạch Đằng, vì qua kinh nghiệm đi tàu thủy vào Nam 1955, tôi say sóng suốt thời gian tàu ngoài biển... Một kinh nghiệm chẳng thú vị gì.

Còn không quân, tôi thử rồi, và cũng lắm sự tích lôi thôi. Mới đỗ Tú tài I xong, chính quyền ra thông cáo tuyển mộ ứng viên đi Đài Loan học khoá kiểm soát viên không lưu, một nghề lương khá và cũng oai: ngồi trên đài kiểm soát lộng kiếng cao tít ở phi trường, ra lệnh cho phi cơ lên xuống, bay vòng vòng hay đi chỗ khác chơi. Ông bố, vẫn ông bố tôi, ép nạp đơn gia nhập ngành này. Giáo chức dạy Anh văn thực dụng và cấp tốc 3 tháng cho 9 học viên chúng tôi là một phụ nữ Mỹ chính cống, vợ giám đốc Hội Việt Mỹ. Học được ít lâu tôi chán, vì nói tới không quân, tôi thường mơ làm phi công lái máy bay vù vù trong không gian rộng lớn, chứ không có mục ngồi tù túng trong lồng kính cao tít phi trường. Vừa ngỏ ý xin thôi học là tôi va ngay với hệ thống bureaucracy Hoa Kỳ: một ông Mỹ tóc tiêu muối đến tận khoá học, gọi tôi ra ngoài nói chuyện một chút. Ông nổ tôi kiểu Mỹ: “Cậu đã học hơn hai tháng, bây giờ định bỏ, cậu nghĩ sao về số tiền chính phủ Mỹ đã bỏ ra trang trải việc học?” Tôi bị chiếu bí trực tiếp như thế không biết nói sao, bèn phản ứng kiểu con trai Hà Nội (tôi xa thành phố này chưa lâu, chất Hà Nội còn gần ¾), nghĩa là khi cần cũng biết ăn nói khẩu khí, nổ tối đa: “Tôi ghét Cộng Sản, muốn làm phi công để chống lại họ, lái khu trục chống lại Mig...”[1]

Tôi cũng khá thành thực khi đi một đường cảm khái như vậy nên thuyết phục được ông Mỹ già. Ông cho biết ông là đại tá không quân hồi hưu nên có thể giúp tôi thực hiện ước mơ này. Ông viết thiếp giới thiệu tôi tới Bộ Tư lệnh Quân Viện Mỹ, MAAG hay MAGV không nhớ rõ. Một thiếu tá tiếp tôi, không hỏi chi nhiều, viết thiếp gửi tôi sang Không Quân Việt Nam. Là người của Mỹ gửi gắm, phía Việt nam cũng không hỏi nhiều, cho tôi đi khám sức khoẻ khoá sĩ quan không quân Salon (Pháp). Thời đó quân Pháp chưa rút hết, nên y sĩ Pháp phụ trách khám sức khoẻ, cẩn thận, nhiều mục và kỹ hơn Hải quân. Kết quả: tôi đủ sức khoẻ làm phi công, nhưng vẫn thiếu 2 kg, nên cho về ăn nhiều thịt, nhiều cơm, nhiều chất béo... Ba tháng nữa trở lại tái khám... Còn kịp khoá học... Lần này tôi bước ra khỏi doanh trại hơi tiếc rẻ, tần ngần: giấc mộng tung hoành trên bầu trời cao, kể như không xong. Tôi chẳng biết ăn uống ra sao (và có nhiều đồ đâu mà ăn) cho chóng lên 2 kg cần thiết. Vì thế hết hạn ba tháng, tôi không trở lại tái khám và cũng không đi Đài Loan học kiểm soát viên không lưu. Khi có lệnh động viên, ngành này được xếp loại chuyên viên tối cần thiết cho không quân, miễn động viên hay chỉ động viên tại chỗ không nhớ rõ, do đó các bạn cũ của tôi ngày trước cứ ngày đêm leo lên leo xuống đài kiểm soát không lưu, cho đến khi chiến tranh chấm dứt và đến tuổi về hưu... Theo ý tôi, sống như thế bình an nhưng chán lắm, theo nhân sinh quan của tôi, tất nhiên... Chỉ khá hơn làm công chức hành chánh, sáng vác ô đi tối vác ô về, cơm nhà quà vợ.[2] Rút cục tôi trở lại với sách vở.

Từ hồi lên cấp 3, Trung học Chu văn An, tôi vẫn học ban B vì tưởng mình giỏi toán, cùng lớp với một ông bạn sau này thành bác sĩ và chức sắc cao cấp của phong trào phục quốc mà một nhà văn ở Pháp gọi đùa là: Có rất nhiều du kích giả và nhiều du côn thật... Đến khi rớt hai kỳ liền Tú tài II, tôi mới biết mình đã ngộ nhận, bèn xin đi dạy giờ tại Mỹ Tho, nơi một trường trung học cho tôi nợ Tú tài II, bao nhiêu tiền kiếm được đưa mẹ hết, ông bố để yên tôi chuyển ban sang Vạn vật, chuẩn bị thi lại Tú tài II. Lúc đó tôi đã biết mình “thông minh nhưng chậm hiểu, chóng nhớ nhưng mau quên”, nên cày ghê lắm mới đậu được thứ Tú Tài II ít oai phong nhất, là Tú tài ban A, thường được gọi tắt là Tú tài Vạn vật.[3]

Chưa biết chừng vì thế nên nhiều năm về sau có lúc tôi được cử làm thư ký hội đồng giám thị ban A, rồi thư ký hội đồng giám khảo cũng ban A, của kỳ thi đầu tiên chấm bằng máy IBM để trong bộ Tổng Tham Mưu Sài Gòn. Tôi phải đề tên họ mình (sau làm một con dấu) và ký khoảng 12,000 chứng chỉ tạm cho những người đậu. Để đỡ mỏi tay, tôi đơn giản chữ ký của mình tối đa, chỉ có tên viết ngoáy. Và cứ ký như thế cho tới ngày vô quốc tịch Hoa Kỳ, nhân viên INS yêu cầu tôi phải viết rõ ràng tên học, mới hợp lệ. Tôi đành tuân theo, cho tới hiện nay, nghĩa là ký Nguyễn, Dũng Kim hay Dung Kim Nguyen. Dĩ nhiên biết Dung tiếng Anh nghĩ là phân chuồng bò chuồng ngựa... nhưng tôi không có “ke” vì đã ở 12 năm với chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam có “hội chứng mê phân”... quen với đủ loại “dung” rồi! Vả lại cao tuổi mới đến Mỹ, thôi, cha mẹ đặt tên ra sao, cứ việc dùng tiếp. Người Mỹ có ngượng miệng khi đọc tên tôi một chút, cũng vui! Còn mừng là cha mẹ đã không đặt tên tôi là Phúc, là Cân, là Đích...

 

[còn tiếp nhiều kỳ]

 

_________________________

[1]Hồi mới lên trung học, tôi chọn sinh ngữ chính là Pháp văn nên Anh văn kém: mọi giao thiệp với người Mỹ ở Việt Nam trước 1975, tôi toàn dùng thứ Pháp văn học đường và tự học. Năm 1986 đến trại tị nạn ở Bataan xứ Phi-luật-tân, tôi mới thực sự bắt đầu học Anh văn một cách nghiêm chỉnh. Những quân nhân công chức Mỹ đến Việt Nam thời kỳ đầu, đều được tuyển chọn theo tiêu chuẩn gốc Pháp hay giỏi Pháp văn. Vì kém Anh văn như thế nên về sau tôi phải mất 5 năm mới lấy được bằng BA (mất một năm cho Anh văn, mà trình độ vẫn chỉ đại khái).

[2]"Cơm nhà quà vợ": nguyên văn trong Phong dao Tục ngữ của Nguyễn Văn Ngọc là “cơm nhà l... vợ”. Gần đây, thiên hạ đổi là “quà vợ” cho đỡ sốc một số độc giả.

[3]Thời đó cấp 3 được gọi là trung học đệ nhị cấp, gồm: ban A Khoa học Thực nghiệm (Lý, Hoá, Vạn vật...), ban B Toán, ban C Triết/Sinh ngữ (Anh Pháp Đức...), ban D cổ ngữ (Hán, La-tanh). Dĩ nhiên ban nào cũng có môn Việt văn bắt buộc, nhiều giờ hay ít tùy từng ban.

 

Đã đăng:

... “Những hạt cát” là tên của truyện ngắn đầu tiên tôi viết trên đời. Động cơ thúc đẩy không có gì là oai hùng, siêu hình siêu linh, hay sứ mệnh văn học hiện đại chi hết...: tôi viết chỉ vì bắt chước mọi người chung quanh, nhất là anh tôi, nhà văn Duy Lam... (...)
 
Không phải tôi bắt chước họa sĩ Picasso mà đặt tên các thời kỳ văn học bằng mầu sắc xanh đỏ vàng, mà vì văn chương viết thời kỳ cộng tác với tạp chí Tân Phong, thuộc dòng lãng mạn cổ điển kiểu Pháp thế kỷ 19, kiểu tiền chiến Việt Nam. Đặt tên màu xanh êm đềm như thế để phân biệt với vàng, đỏ như máu, văn chương có lửa, văn nghệ xám của nhóm văn hóa Thái Độ sau này... (...)
 
Nguyễn Tường là họ ngoại của tôi. Còn họ nội của tôi ra sao? Bố tôi là đứa con cuối cùng của giòng họ Cát ở Vân Đình, Hà Đông, không có gì lẫy lừng từ nhiều đời, ông nội tôi (chết sớm) chỉ là ông đồ... (...)
 
Thời gian xẩy ra sự cố nói trên, tôi đang cộng tác với nhật báo Chính Luận của Từ Chung và Đặng Văn Sung. Mới đầu tôi viết mỗi tuần một đoản văn... (...)
 
Trong khi theo học đại học ở Mỹ, tôi dần dà khám phá ra nền giáo dục xứ này không đề cao tinh thần thượng võ và ít chú trọng đến việc xiển dương, đề cao, khích động lòng yêu nước, nhiều như ở Việt Nam. Nếu lấy đơn vị là một cho dễ nói, nền giáo dục miền Nam Việt Nam đề cao tinh thần thượng võ và lòng yêu nước mười lần hơn Hoa Kỳ, và miền Bắc Việt Nam lại mười lần cao hơn miền Nam... (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021