thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
TỰ THUẬT VĂN HỌC: Những khó khăn & tác phẩm [kỳ 2]

 

THẾ UYÊN

(1935~)

 

 

Âm thanh và cuồng nộ một thời đã qua

 
Kỳ trước: “Những hạt cát”
 

Thời kỳ lãng mạn xanh

Không phải tôi bắt chước họa sĩ Picasso mà đặt tên các thời kỳ văn học bằng mầu sắc xanh đỏ vàng, mà vì văn chương viết thời kỳ cộng tác với tạp chí Tân Phong, thuộc dòng lãng mạn cổ điển kiểu Pháp thế kỷ 19, kiểu tiền chiến Việt Nam. Đặt tên màu xanh êm đềm như thế để phân biệt với vàng, đỏ như máu, văn chương có lửa (chữ của Trần Phong Giao, chủ biên tạp chí Văn xuất bản sau đó), văn nghệ xám của nhóm văn hóa Thái Độ sau này. Lúc đó, thời kỳ của Tân Phong, Việt Nam đúng là “bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng” (Nguyễn Du), (hai kinh: Hà Nội và Sài Gòn) nên dòng văn chương lãng mạn tiền chiến còn tiếp tục một chặng nữa ở miền Nam, trước khi hòa lẫn vào nền văn chương Việt Nam hải ngoại.

Tất cả truyện ngắn đã viết trong thời kỳ sinh viên/nhà giáo ấy được thu thập thành tập truyện đầu tay mang tên truyện ngắn đầu tiên đã viết, “Những hạt cát.” Nhà xuất bản đầu tiên tôi đưa là Tự Do, do chút quen biết với Phạm Việt Tuyền, chứ cũng biết là ít hi vọng vì nhà xuất bản này nghiêng về chính trị hơn là văn học, chắc khó “tiêu thụ” được một thứ lãng mạn xanh biếc xanh lơ như thế. Dự đoán không sai: bản thảo được trả lại với rất nhiều phê bình của lecteur của nhà xuất bản, viết ngay bên lề. Chữ viết gẫy nét của một người trí thức, và những lới phê cũng tỏ ra một kiến thức văn chương vững, nhưng bảo thủ. Tôi đọc cẩn thận những lời phê ấy, sửa những điểm có thể sửa được, rồi một lần nữa xếp bản thảo vào ngăn sách dành cho văn chương. Không buồn bực. Không thất vọng lớn. Có lẽ vì may cho tôi từ lúc trẻ “luyện làm người”, đã tập được thói quen không cáu giận thù hận bất cứ cái gì hay người nào quá lâu. Tôi hay lẩm nhẩm kiểu tự kỷ ám thị trong đầu: cái gì đã qua cho qua luôn, quá giả... vãng nhi bất thuyết (đến tận bây giờ, tôi vẫn còn “học làm người” như vậy!) Có thể nói là tôi theo phương châm đúc kết từ hai tác giả: Thích Ca, và Hoàng Hải Thủy: “Oán thù ở cõi đời này như cái dây lưng quần đàn bà (trẻ), nên cởi chứ không nên cột...”. (Thích Ca dạy: Lấy oán báo oán, oán oán chập chùng, lấy ân báo oán, oán oán tiêu tan. Nhà văn trước 75 tại miền Nam, Hoàng Hải Thủy, mô phỏng một cách tục lụy trần gian như sau: “Oán thù như cái giải rút quần đàn bà, nên cởi chứ không nên cột!”)

Đó là lần cuối cùng tôi tiếp xúc với Phạm Việt Tuyền. Mấy chục năm sau ở Lacey, WA, tôi nhận được thư của ông từ Strasbourg, Pháp, cho biết đang lập một thư viện tiếng Việt. Dĩ nhiên ông xin tôi vài tác phẩm cho thư viện này, và cũng tỏ ra thích thú khi thành phố ông đang định cư được chọn làm thủ đô chung cho cộng đồng các nước Âu châu. Tôi gửi sách ngay lập tức: đối với các bậc trưởng thượng mở đường cho mình vào cõi chữ nghĩa, tôi vẫn kính trọng, nể vì. Sau đó “về sau chẳng viết vân mòng làm sao” (Kiều).

Dĩ nhiên tôi không chán nản vì các bài văn đủ loại của tôi sau đó được tiếp nhận và đăng trên các tạp chí văn học văn hóa chính vào thời đó: Văn (Trần Phong Giao/Nguyễn Đình Vượng), Bách Khoa (Lê Ngộ Châu/Huỳnh Văn Lang), Văn Học (Dương Kiền/Phan Kim Thịnh), Khởi Hành (Viên Linh/Hội Văn nghệ sĩ Quân đội)... Dĩ nhiên còn những tạp chí định kỳ, giai phẩm lớn nhỏ khác xin bài vì giao hữu, như Lý Tưởng của Không Quân, Chỉ Đạo của cơ quan Tâm Lý Chiến Quân Đội miền Nam... Bởi vậy sau khi bị động viên vào khóa 14 trường Võ bị Thủ Đức, trong một lần về phép được biết nhà xuất bản Thời Mới của Võ Phiến thiện cảm các tác giả mới xuất hiện, như tôi, Túy Hồng, Thụy Vũ, tôi nhờ Thi, tên trong văn học của vợ tôi, mang tập bản thảo Những Hạt Cát tới Bộ Thông Tin, đưa Võ Phiến. Và tác phẩm đầu tay được nhà Thời Mới của Võ Phiến xuất bản năm 1964, khi tôi đang làm Trưởng Phòng vệ kho Xăng tại Gành Ráng, gần núi Bà Hỏa, Qui Nhơn.

Thời gian này tôi thuộc quân số Tiểu Đoàn 12 Công Vụ, tên thì hiền lành “Công Vụ”, thực ra là một đơn vị bộ binh có quân số như một trung đoàn biệt lập. Nhiệm vụ tạp đa, chính yếu là bảo tiêu cho các đoàn xe tiếp vận, phòng thủ các yếu điểm như Kho Xăng, Kho Đạn ở bất cứ đâu thuộc quân khu 2. Ở Kho Xăng Qui Nhơn, tôi được hưởng qui chế 24 giờ trong Trại, 24 giờ ngoài, do đó có thì giờ đi ngao du với vợ, và viết văn. Tôi đã viết hai tập đoản văn trong thời kỳ này: Mười ngày phép của một người línhNhững ý nghĩ của bọt biển.

Hai tập đoản văn nói trên đều được báo Văn đăng tải, trước khi được nhà xuất bản Nam Sơn in thành sách (tạp chí Văn trả nhuận bút không nhiều, nhưng đều đặn cho tôi kéo vợ đi ăn nhậu, và cà phê thuốc lá một ngày 3 ly – thành thói quen đến tận ngày nay -- còn thuốc lá một đến hai bao tùy mỗi hoàn cảnh, chỉ ngưng sau cơn stroke). Một ông bạn nhà binh, sau khi ngắm vợ tôi đỏm dáng trong y phục Tây phương mốt mới nhất, đã buông câu mỉa mai: “Tác quyền văn nghệ không đủ cho ông may váy cho vợ!”

Thời gian này Nhất Linh tự sát để chống chính quyền Công giáo độc tài, bảo thủ và độc tôn tôn giáo mình, chưa được bao lâu, nên tạp chí Văn định làm một số tưởng niệm nhiều người viết. Tôi đương cộng tác với Văn đương nhiên được mời viết. Cá nhân tôi vẫn kính và mến Nhất Linh nên hăng hái nhận lời. Lúc đó tôi đã thuê một căn phòng ngoài trại để mỗi lần Thi ra thăm, đỡ phải thuê khách sạn. Những phiên 24 giờ ngoài trại, tôi dậy sớm dắt vợ đi ăn sáng (những món quà Qui Nhơn thời đó làm xinh nhỏ dễ sợ, bọn tôi thường phải ăn hai món mới no, do đó một hôm tôi lái xe đi công tác, ghé qua nhà, thấy trước cửa phòng một dãy năm chén không các thứ quà khác nhau. Không phải vợ thôi ăn khoẻ, mà tại các chén quà quá nhỏ...). Xong, là về phòng, tôi ngồi viết văn bằng máy chữ Olivetti xách tay đặt trên nắp va li: phòng không đồ đạc, chỉ có một nệm mỏng trải trên sàn xi măng cho hai đứa nằm và ngồi ăn cơm. Lính thời chiến tranh nay đơn vị này mai đơn vị khác, đồ đạc làm chi cho thêm phiền.

Một buổi sáng tôi đang lách cách viết tiếp hồi ký về Nhất Linh đặt tên là Người bác”, và Thi mái tóc đen xõa trên nệm, làn da gáy và ngực hở ngoài áo bắt đầu hơi nâu mịn vì nắng gió và biển, nằm đọc Kim Dung, thì một bao thư dầy cộp từ Sài Gòn gửi tới, thư của Đá (không phải tên thực), con trai thứ của Nhất Linh và cũng là bạn thân từ thiếu thời của tôi. Bức thư gần 10 trang toàn những lời sỉ vả tôi về tội dám viết hồi ký để “bôi xấu Nhất Linh và toàn thể họ Nguyễn Tường”... Như đã nói, ông này vừa là anh họ vừa là bạn thân, nên tôi chỉ ngạc nhiên, không thấy giận dữ. Tôi trả lời bằng một thư khá vui vẻ, đang hưởng tuần trăng mật thứ hai nơi thành phố biển, “không vui vậy sao...”, nhấn mạnh rằng lúc thư Đá tới, tôi mới viết đến trang 17 (khi viết hết, dài 32 trang đánh máy), làm sao anh lại biết là tôi “sỉ vả ông cụ và cả họ Nguyễn Tường?”, liệu có thiên lý nhỡn và phép đằng vân ra Qui Nhơn coi cọp những gì tôi viết dở dang hay không? Ông bạn Đá trả lời với lời xin lỗi nhạt nhẽo vì đã lỡ nghe lời “người ta gièm pha”. Về sau, khi có dịp gập lại tận mặt, tôi hỏi Đá “người ta” là ai, và là bạn thân của nhau từ lâu, tại sao nghe lời gièm pha vô lý đã không bênh vực, lại còn hùa theo kết án bạn nặng nề?... Đá nhất định không cho biết “người ta” là ai, và tôi cũng không hỏi nữa, để thì giờ đi uống bia và vân vân... lý thú hơn nhiều. Chơi với bạn, đôi khi phải biết tôn trọng những bí mật, những thâm cung bí sử của bạn...

Nhưng, như các cụ xưa thường nói, cây muốn lặng mà gió chẳng chịu ngừng. Lần về phép gần đó (lúc đó tôi đã về sư đoàn 5 làm trung đội trưởng tác chiến), ghé toà soạn Văn xem bài vở đến đâu rồi, Trần Phong Giao ngưng làm việc để kể chuyện giật gân lâu lâu mới có một lần: Ông anh Cả, anh của cả Nhất Linh và mẹ tôi, mới tới đây, mặc đồ lớn, trịnh trọng giới thiệu là trưởng tộc dòng họ Nguyễn Tường, yêu cầu toà soạn Văn xuất trình bài Thế Uyên vì nghe nói hắn sỉ vả bôi xấu Nhất Linh và cả họ Nguyễn Tường trong bài... Trần Phong Giao[1] kể tiếp: Trông ông cụ tóc bạc trịnh trọng thấy tội nghiệp, nên mặc dù ông cụ không đưa ra được một bằng cớ cụ thể nào, lại yêu cầu trái luật báo chí, tôi cũng vào nhà in lấy bài anh đưa ông cụ ngồi đọc. Đọc xong, ông cụ nói: Có gì đâu... Sao “người ta” lại nói với tôi rằng... Ông cụ xin lỗi đã làm phiền tòa báo rồi cùng tùy tùng ra về.

Tôi đồng ý với báo Văn về cách thế phản ứng đã có, vì dù thế nào “ông cụ” cũng là anh ruột của mẹ, ông bác quen thuộc từ bao năm của tôi... Trái luật lệ hay không, không phải là điều quan trọng. Nhất là tâm lý dân tác chiến là tôi lúc đó đang ở tình trạng ngày đêm “nỗi chết không rời”, mọi việc xích mích ở thành phố kiểu như thế, tôi thấy nhỏ bé, không quan tâm mấy. Nhưng khi mẹ tôi (bà Nguyễn Thị Thế, sau này cũng thành một nhà văn) biết chuyện, bà bực bội, bảo tôi: Con cứ đề là bài đã được mẹ duyệt và cho phép đăng, xem bác và “người ta” làm được gì nào... Tôi thấy ý kiến mẹ hay (mẹ tôi thường phóng khoáng, hay bênh vực kẻ nghèo yếu trong họ hàng, không cứ con mình, một cách cụ thể), do đó số báo Văn tưởng niệm Nhất Linh, cuối trang đầu bài “Người bác” của Thế Uyên, có một chú giải bí ẩn và bất thường: Bài đã được bà Nguyễn Thị Thế đọc và cho phép in...

Mãi về sau, ở nước ngoài, mới có một người quen biết và thân thiết đưa ra một cách lý giải về những rắc rối tôi đã gặp: Dòng họ Nguyễn Tường thế hệ sau rất tự hào về Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam..., nhất là tự hào mình là con và cháu Nhất Linh. Sự tự hào này không có chi lạ, thường thôi trong cõi người ta, nhưng ở vài vị, sự tự hào này lên tới một mức cao đáng ngại. Cộng thêm hiện tượng thông thường suy bụng ta ra bụng người, cũng dễ đưa tới những kết luận xa thực tế: vài vị đã tưởng sự kiện Nhất Linh từ chối không đăng truyện ngắn “Những hạt cát”, là một vố nặng, đau đớn cho Thế Uyên. Do đó khi báo Văn loan tin Thế Uyên đang viết hồi ký về Nhất Linh, họ (tức “người ta”) nghĩ ngay đến một vụ vendetta văn chương: Thế Uyên versus Nhất Linh đây rồi... Vậy phải cần cản hồi ký ra đời bằng bất cứ giá nào, như đã thấy...

Một vị thân thuộc khác đưa một cách lý giải khác: Con và cháu Nguyễn Tường, thế hệ hai đông đảo, lấy được đủ loại bằng cấp của Việt Nam và Pháp Mỹ, kể cả tiến sĩ, ngoại trừ Tường Hùng viết văn khá hay lúc còn trẻ ở Việt nam, chưa có ai nối dòng văn tài của thế hệ trước. Điều đó thường dễ tạo một sự đố kỵ, mà đứa cháu ngoại viết hơi nhiều là tôi, chỉ là một nạn nhân.

Sự xuất hiện của nhà văn nữ Thơ Thơ, cháu gọi Hoàng Đạo là ông ngoại, và Nguyễn Tường Thiết, con út của Nhất Linh, chỉ có mãi đầu thế kỷ 21. Trước đó cũng có hai người con chi cả viết văn, là Tường Hùng và Tường Yên. Sang Pháp, Tường Hùng hành nghề kiến trúc sư và đạo diễn phim ngắn, thỉnh thoảng còn viết văn nhưng bằng Pháp ngữ. Tường Yên chỉ in một tập truyện Ông Đạo Rắn rồi thôi, không gây tiếng vang nào.

Xét cho kỹ, lý giải nào cũng có một căn cứ và cái lý của nó, tôi không biết cái nào đúng nhiều cái nào đúng ít, cái nào sai thực tế, nhưng xét cho cùng sự kiện Văn và hồi ký văn học “Người bác” là nhỏ, trong quá khứ, lâu lắm rồi. Bản thân tôi cũng cho mọi sự qua luôn, nhẹ nhàng như gió thoảng. Và chủ quan tưởng những rắc rối thế là xong, hồ sơ xếp lại. Nhưng tôi lầm, “người ta” không chịu để anh chàng họ ngoại da nâu như Da Đỏ, là tôi, được yên thân và yên ổn... như sự kiện sau đây đã chứng tỏ.

 

[còn tiếp nhiều kỳ]

_________________________

[1]Trần Phong Giao kể như chủ biên Văn trên thực tế, Nguyễn Đình Vượng chỉ lo phần quản lý, làm “ông anh chi tiền” của tờ báo và nhà in, nhà xuất bản (đã mất). Vì chỉ là một thương binh cấp nhỏ nhẩy dù quân đội Liên Hiệp Pháp và tạp chí Văn được chính quyền Cộng Sản xếp loại “tương đối ít phản động”, Trần Phong Giao không bị hốt đi cải tạo tập trung. Ông tiếp tục sống vất vả bần hàn (thời đó ai cũng thế), lắm lúc đi chẻ rau muống thuê cho các hàng quà ngoài chợ, buôn củi về bán lẻ (có lúc đưa cho gia đình Thế Uyên bán lấy lời thêm mua gạo). Kể từ khi “đổi mới”, ông sống dễ dàng hơn. Có lần căn nhà gỗ gần Cầu Kiệu bị cháy, bạn bè thân thuộc góp sức xây lại thành nhà gạch cho ông. Khi Thế Uyên trở về Việt Nam lo mở một con đường tân Đông Du tới Mỹ cho lớp trẻ còn ở Việt Nam, ghé tới thăm, Trần Phong Giao đối hẳn thái độ thân hữu từ xa xưa (chắc lại nghe “người ta” gièm pha), gần như tạ khách, không tiếp, cũng không nói tại sao. Nghe nói bây giờ ông đã già yếu, về ở với con gái, đâu đó trong thành phố rộng lớn nhất Việt Nam.

 

Đã đăng:

... “Những hạt cát” là tên của truyện ngắn đầu tiên tôi viết trên đời. Động cơ thúc đẩy không có gì là oai hùng, siêu hình siêu linh, hay sứ mệnh văn học hiện đại chi hết...: tôi viết chỉ vì bắt chước mọi người chung quanh, nhất là anh tôi, nhà văn Duy Lam... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021