thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Vĩnh biệt Dương Kiền

 

Dương Kiền

(1939-2015)

 

VĨNH BIỆT DƯƠNG KIỀN

 

Ngày 17-11-2015. Lòng đau đem lại cái tin cuối mùa. [*] Tin buồn Phùng Nguyễn Da Màu ra đi còn đậm dư âm, lại thêm tin buồn Dương Kiền Thú đau thương ra đi tiếp nối.

Dương Kiền là bạn của anh tôi (đã mất), nhà khảo luận - phê bình văn học Nguyễn Nhật Duật. Ông viết những gì quả thật tôi không nhớ rõ, nhưng tôi biết Dương Kiền không phải cây bút loại thường. Thú Đau Thương, một thi tập hay một tác phẩm kịch thơ, nhiều người nhắc nhớ mỗi khi nhắc nhớ Dương Kiền. Ông xuất hiện thường xuyên trên tạp chí Văn Học ở Sài Gòn một thời, và trợ giúp tờ báo này gần như vai trò một chủ bút. Ông là biện lý hay thẩm phán tại Tòa án quân sự ở Nha Trang, trước 30 tháng tư, 1975.

Tuy nhiên tôi lại biết về ông rất nhiều, tôi là bạn cùng khóa 2/69 Trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức với em ông, Dương Phục. Ra trường, Dương Phục làm phóng viên tại Đài phát thanh quân đội ở Sài Gòn. Tôi lặn lội khắp chiến trường Vùng 1 chiến thuật, cuối cùng về Phòng văn nghệ, sát bên Đài phát thanh quân đội. Dương Phục và tôi lại gặp nhau hằng ngày, tôi biết tin về Dương Kiền gián cách, qua Dương Phục. Tôi thấy rõ như sờ nắm được, Dương Kiền và Thú Đau Thương là một, là gắn kết hữu cơ.

Mỗi khi nhắc nhớ Dương Phục, gương mặt Dương Kiền hiển hiện liền theo. Đấy là gương mặt một thi sĩ mà tôi có thể tưởng tượng. Đấy là lần duy nhất tôi gặp ông ở quán cà-phê Hồng trên đường Pasteur, đối diện Viện Pasteur - Sài Gòn. Ông ngồi trầm lặng, bàn tay nắm chặt ly cà-phê đá; tôi nhớ hoạ phẩm Portrait de Poète Sabartés của Picasso, tôi gọi ông là thi sĩ từ lúc đó.

Từ cuộc đời đau thương của Dương Kiền, tôi nhớ một lần, một lần đầy kịch tính như phim hành động của điện ảnh Hoa Kỳ. Tôi tới quán cà-phê quen thuộc ở góc đường Kỳ Đồng - Bà Huyện Thanh Quan như thường lệ. Trời chiều sậm màu. Một người khách mang kính đen ngồi bàn bên, mũ vải kéo sụp xuống. Anh ta nhìn sang phía tôi, hỏi nhỏ thì thầm: “Đạt phải không?” Hóa ra Dương Phục. Anh vượt ngục ở vùng Sông Bé, nơi có trại tù sĩ quan học-tập-cải-tạo. Vì thế anh mang kính đen che đôi mắt, đội mũ vải có vành, kéo xuống sát gọng kính. “Moa vượt ngục mà. Đợi thằng NgM. tiễn nó đi chầu Diêm Vương, thằng khốn kiếp nó rù quến...” Dương Phục nói tên người phụ nữ mà anh bảo là bị NgM. rù quến. Tôi nhìn thấy con dao găm, là lưỡi lê gắn đầu súng garant, chả hiểu anh kiếm ra nó ở đâu, thọc sâu nó bên hông quần kaki. Tôi toát mồ hôi, dù từng dùng lưỡi lê hơn một lần, khi xáp lá cà với Vixi ở A Sao A Lưới. Tuy nhiên... tuy nhiên... “Thằng cha NgM. (đã mất) văn nghệ văn gừng này tôi từng xem là bạn. Một lần khác đi, nếu thấy nhất thiết phải như vậy. Một lần nào cũng được, miễn không phải lần này...” Tôi nói với Dương Phục như vậy.

Dương Phục uống cạn ly cà-phê đá, lên chuyến xe Traction đen cuối cùng về Biên Hòa. Tôi ngồi lại. Năm mười phút sau NgM. từ bên kia đường bước sang, anh chàng thấy tôi ở quán.

Nếu lần nào Dương Phục cũng vì thương anh mình mà “giải quyết vấn đề” như vậy, chắc là anh đã phải đóng phim hành động Hoa Kỳ ít nhất năm bảy lần. Dương Kiền thì đã phổ hết đời mình trong Thú Đau Thương.

Hôm nay, tưởng niệm người anh của bạn tôi, người bạn của anh tôi, tôi chẳng đặng đừng nhắc nhớ những chuyện như vậy. Chỉ là những gì tôi muốn quên, và Dương Kiền thì đã quên tất cả rồi.

 

Sài Gòn, 20-11-2015

 

_________________________

[*]Thơ Thâm Tâm

 

 

---------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021