thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Võ Phiến đã vĩnh viễn ra đi

 

 

VÕ PHIẾN ĐÃ VĨNH VIỄN RA ĐI

 

Ông Võ Phiến đã qua đời. Tôi và vợ tôi đến thăm ông tại Santa Ana Rehab Center, Nam Cali, lúc 5 giờ chiều ngày 28/9/2015, tức là đúng 2 giờ trước khi ông vĩnh viễn ra đi. Sau đó tôi được biết Lê Tất Điều và cuối cùng là Nhã Ca và Phan Tấn Hải đã đến.

Trong căn phòng nhỏ, bà Phiến, vốn đã gầy nay còn da bọc xương, và chị Nga (vợ của Vũ Đình Minh, tức nhà văn Mai Kim Ngọc) đang ngồi thì thầm với nhau trên hai chiếc ghế đặt cạnh cái giường bệnh trên đó ông Võ Phiến như đang nằm chờ ai, chờ cái gì. Tôi mong, như mấy lần trước ông bị khẩn cấp đưa vào bệnh viện, ông lại được đưa về nhà sống thêm tuổi thọ với bà. Tôi bước tới chân giường. Vẻ mặt của ông rất thanh thản, nghiêm nghị, khác hẳn trước kia thường điểm một nụ cười nhẹ trên ánh mắt, trên khoé miệng, toát ra một phong thái bình dị, thân mật, nhưng đằng sau cái bề ngoài xuề xòa đó vương vấn một nỗi bất an khó tả. Nước da ông xanh xao, mái tóc như thưa đi và hơi phờ phạc, bạc phơ, đôi mắt sâu nhắm nghiền dưới hai chân mày nhô lên và cũng bạc trắng, mũi và miệng vướng đầy dây nhợ. Toàn thân, tay chân, được bọc kín trong lớp chăn màu trắng. Ông thở nặng nhọc, hơi giật giật.

Ông nuối chăng, tôi bối rối tự hỏi. Gặp chuyện vui, tôi cũng biết pha trò, nhưng trước cảnh khổ, tôi như con đỉa phải vôi, loay hoay, lúng túng, chẳng biết làm gì, nói gì. Phải chăng một cuộc khởi hành cho một chuyến đi dài của người mà tôi yêu kính sắp diễn ra. Không, tôi chưa muốn ông đi. Tôi quay nhìn bà như cầu cứu. Trong nước mắt, bà thì thầm:

“Hai bàn chân của ảnh nó xanh rồi!”

Tôi lại quay nhìn chị Minh, hỏi:

“Ảnh đâu?”

“Khổ quá, ảnh đang kẹt cứng ở Tòa Án, không đến được.”

Vợ tôi đưa tay chặm nước mắt.

 

Suốt hơn mấy tuần nay, tin nhà văn Võ Phiến qua đời đã được loan tải rất nhiều trên báo chí, tạp chí, truyền thanh, truyền hình, các trang mạng. Đồng thời cũng có nhiều bài viết về tiểu sử, và sự nghiệp văn chương đồ sộ của nhà văn lớn này. Một số tác giả cho đăng lại những bài viết cũ.

Hơn 60 năm dọc ngang trên “trường văn trận bút”, Võ Phiến đã nhận được không biết bao nhiêu là ý kiến, nhận định, phê bình về mình mà tuyệt đại đa số là những lời ca ngợi, thán phục. Có người trình luận án Cao Học Văn Chương tại Hoa Kỳ, hay Tiến Sĩ Văn Chương tại Pháp (Trương Thị Liễu, Đại Học Sorbonne Paris, 2001) với đề tài về Võ Phiến. Lại có người cho xuất bản nguyên cả cuốn sách dày (Võ Phiến - Nguyễn Hưng Quốc, 1996, California; Võ Phiến and the Sadness of Exile – John C. Schafer, Northern Illinois University, 2006, viết bằng tiếng Anh). Tôi cũng có vài dịp viết về Võ Phiến, lần thứ nhất trong số Văn Học Đặc Biệt về Võ Phiến năm 1998, California, và lần thứ hai nhân buổi ra mắt tập truyện Cuối Cùng của Võ Phiến do tạp chí Thế Kỷ 21 và nhật báo Việt Herald tổ chức tại Nam California ngày 6 tháng 2 năm 2010. Xin mạo muội trích dẫn một đoạn trong bài viết năm 1998:

Ngồi lái xe, có ông Võ Phiến ngồi bên cạnh, đi trên những xa lộ dài, được nghe ông kể chuyện, còn gì vui thú bằng. Cảnh vật liên tiếp thay đổi ở hai bên đường xuất hiện rồi lùi lại đằng sau xa, máy lạnh trong xe được vặn nhỏ lại một tí để bớt ồn, để tiếng nói của ông nghe được rõ hơn, tiếng nói còn mang nguyên vẹn giọng Bình Định. Thỉnh thoảng tiếng của bà ở ghế sau góp vào cho câu chuyện thêm đậm đà. Cứ thế con đường dài biến thành ngắn, ngày vui qua mau. Ông không bao giờ muốn vẽ vời, màu mè; ông có lối nói chuyện đơn sơ, mộc mạc nhưng thật duyên dáng, sâu sắc; và từ những tiếng, những lời đầy chân tình đó, người nghe có khi còn nhận được cái hảo ý ngầm của ông muốn truyền cho đám hậu sinh những điều cần ghi nhớ thuộc thời đại đã qua: phong tục, tập quán, món ăn, thức uống, nếp sống, tình tự, Hà Nội-Huế-Sài Gòn mới ngày nào..., và đặc biệt là những sinh hoạt văn nghệ của những lớp người đi trước. Lẽ dĩ nhiên ông có đề cập đến ông, không phải “cái tôi đáng ghét” như người ta thường nói, mà là những lời tự chế giễu, tự thuật có khi hồn nhiên, có khi hóm hỉnh, có khi cảm khái bùi ngùi, nhưng luôn luôn nhũn nhặn, tinh tế. Tôi nghĩ đến những bài thơ tự trào của Nguyễn Khuyến, của Tú Mỡ.

Một lần ông tâm sự với tôi:

“Anh biết không, sau trận mổ tim, tôi bắt đầu sợ. Sợ chết. Đứng trên lầu bệnh viện nhìn xuống con đường dưới kia, thấy người qua lại, thấy xe chạy liên hồi, tôi khóc. Khóc thổn thức, nước mắt ràn rụa. Trái tim thổn thức như người ta vẫn nói. Trái tim tôi vừa bị mổ cơ bắp co thắt chưa đều đâm ra thổn thức làm nước mắt tuôn chảy không thể nào ngăn nổi...”

Tôi im lặng nghe, xúc động...

Nhà văn Võ Phiến thời trẻ cũng như lúc tuổi đã cao, dù đã có phen lao đao chìm nổi, bao giờ cũng trải rộng tấm lòng tha thiết yêu thương cuộc sống và ghi nhận lấy nó, một cuộc sống thiên hình vạn trạng gồm đủ người lẫn vật lẫn thiên nhiên cây cỏ. Người đọc ông sẽ không bao giờ quên những cặp mắt nhìn làm cả hai người bối rối, những ngón tay trắng nõn lần dò bóc vỏ quýt, nụ cười âm thầm bắt gặp trên cùng một chuyến xe, tiếng chuông leng keng của đứa bé bán kem xa dần, chiếc xe ngựa lọc cọc trên đường quê, tiếng chó sủa ran từ đầu xóm đến cuối xóm dưới ánh trăng trên cánh đồng trống, đàn sẻ kêu lách chách rộn ràng ngoài sân một buổi sáng hoặc mổ lung tung vào mái chòi, rỉa một đôi hạt thóc khô còn dính trên đuôi rạ..., và gần đây, nơi đất khách quê người, hàng gồi thân yêu không một cây nào thiếu mặt ngóng đợi ông về. Cuộc hôn phối giữa ông và đời sống còn bền chặt lắm, có nghĩa là tuổi thọ của ông còn dài. Và cũng như cây gồi bô lão, ông càng già càng đáng yêu, đáng kính.

(ĐÀO THOÁT, Ngự Thuyết, 1998)

Từ đấy đến nay đã 17 năm. Như trên đã nói, cách đây hơn 5 năm, ngày 6/2/2010 trong buổi ra mắt cuốn Cuối Cùng của Võ Phiến, tôi có tham gia phần phát biểu. Lại xin mạo muội trích dẫn vài đoạn:

...

Những cây bút phê bình thường có giọng văn nghiêm trang, rắn rỏi. Tuy nhiên có hai trường hợp ngoại lệ, đó là Hoài Thanh và Võ Phiến. Hai vị này giống nhau ở nhận xét tinh tế, độc đáo, khám phá được những điểm nổi bật của mỗi nhà văn, nhà thơ, có khi viết như tuỳ bút, và viết thật hấp dẫn, lôi cuốn người đọc không ngừng. Nhưng cũng có khác nhau. Hoài Thanh trong Thi Nhân Việt Nam nghiêng về lối viết thi vị, rung động, đầy ấn tượng, đầy cảm tính, và chủ ý tìm cái hay mà thôi, vì theo ông, “Đặc sắc mỗi nhà thơ chỉ ở trong những bài hay.” Võ Phiến thì linh động, uyển chuyển; lý luận, phân tích sắc sảo và thường pha những nét bỡn cợt, dí dỏm. Ngoài ra, lẽ dĩ nhiên ông xưng tụng cái hay, cái đẹp, nhưng không quên phê phán cái dở, cái xấu...

Võ Phiến là nhà văn hàng đầu của văn học Miền Nam trước 1975. Đến khi di tản qua Mỹ vào tháng tư, 1975, ông vẫn tiếp tục viết nhiều, đều, hay, và vẫn giữ ngôi vị hàng đầu. Đó là chuyện hiếm thấy. Ngòi bút của ông kiêm bị nhiều lãnh vực, và nhiều người cho rằng ông sở trường nhất về tuỳ bút.

Ông viết tuỳ bút tuyệt hay: thơ mộng, bay bướm, duyên dáng, dí dỏm, tinh tế; tuy nhiên ta vẫn gặp những bài tuỳ bút, và cả nhiều truyện ngắn, toát ra cái buồn mênh mang, buồn vì những mất mát, những đau thương của kiếp người, những hư hao vô phương cứu chữa của cả một dân tộc. Có thể nói rằng ông là nhà văn bi quan. Sau này, khi xa quê hương, cùng với nỗi buồn cũ là cái hoang mang, bỡ ngỡ, phiền muộn. Trong tuỳ bút Một Mùa Xuân An Lành chẳng hạn, ta tưởng ông hài lòng với cuộc sống mới đầy đủ về vật chất, êm đềm, không lo âu, không tiếng súng, không sợ chuyện bất trắc. Cuối cùng thì ra, như ông đã viết: “Từ nay riêng mình chỉ có những mùa xuân an lành. An lành một cách xót xa... Chao ơi, cái an lành của một cuộc đời không tương lai.” Và, cũng như trong các truyện ngắn, truyện dài, tuỳ bút của ông thường mở rộng ra nhiều chân trời, mang nhiều mối bận tâm của kiếp nhân sinh khiến người đọc băn khoăn, suy nghĩ, thay vì chỉ được thưởng thức cái hay, cái đẹp, như khi đọc những thiên tuỳ bút khác của Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, chẳng hạn...

Và đây, nỗi lòng người về trong Về Một Xóm Quê:

“Còn mươi đám ruộng nữa thì tôi về đến nhà, gặp ông tôi và đứa cháu vừa mất mẹ. Tôi không thấy có gì buồn thảm lắm, mà chỉ thấy một cảm giác dã dượi. Trước cảnh chiều, lòng tôi thản nhiên, nguội lạnh như trước một cảnh điêu tàn đã quen thuộc. Con suối khô, cát dưới chân kêu rào rạo, còn giữ hơi nóng âm ấm. Một đường nước con, không ngập khỏi mắt cá chân, chảy ngoằn ngoèo giữa suối. Trước khi tôi trèo lên khỏi bờ suối bên kia, một con mèo từ trong bụi bước ra cách tôi vài mươi thước tây. Nó nghẻo đầu lại nhìn một lát bằng cặp mắt buồn rầu, rồi như thấy rằng tôi không phải là một nhân vật đáng quan tâm, nó tiếp tục đi thẳng.”

Và đây, tiếng ve ở Gia Nghĩa trong Đô Thị Hoang Sơ:

“Tiếng ve vào cái giờ ấy bên dòng suối Dak Ut mới thật lạ lùng. Nó rỉ rả, thâm trầm. Như vừa kêu vừa suy ngẫm. Nó âm thầm, thu lắng. Bắt đầu phát ra riu rỉu, vươn dần lên; đến một lúc, tự thấy sắp trở nên ồn ào, nó giật mình tự hãm lại, rồi bắt đầu một đợt khác rỉ rả. Như một dòng suy tưởng hết sức khiêm tốn, suy tưởng miên man, tự phán về một thân phận hẩm hiu.”

Kính thưa quý vị, dù say mê tuỳ bút của ông, tôi vẫn không thể sao nhãng những truyện dài, và nhất là truyện ngắn Võ Phiến. Theo tôi, truyện ngắn Võ Phiến còn giá trị hơn tuỳ bút. Ở truyện ngắn, tài năng của Võ Phiến đã phát huy đến cực độ - tài quan sát, mô tả, thuật sự, phân tích tâm lý, xây dựng không khí, khung cảnh, chọn lựa chi tiết, tính hài hước, chất thơ, và tạo nhân vật. Hầu hết các nhân vật của ông đều rất có cá tính, lại rất điển hình, nên đã sống lâu dài trong thời gian. Đó là chưa kể truyện ngắn của ông luôn luôn mang một nỗi niềm xa xôi, kín đáo nào đó khiến người đọc sau khi buông cuốn sách ra sẽ tự hứa rằng phải đọc đi đọc lại. Có khi ông phóng bút qua biên giới của tuỳ bút. Trong nhiều truyện ngắn, ông dụng ý rất cao, kết cấu bất ngờ, và biểu lộ lòng yêu thương bàng bạc ra mọi nơi, yêu cả người, cả cảnh, cả thú vật. Truyện Quanh Mình là một thí dụ. Viết truyện ngắn, ông như chim sổ lồng bay vút lên trời cao, như cá gặp nước vẫy vùng ngang dọc. Nhà điêu khắc người Pháp, Auguste Rodin vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 được người đời cho rằng có hai bàn tay phù thuỷ, đụng phải vật gì, cục đất, hòn đá, khúc cây, là rút ra được ngay cái bí ẩn sâu kín và đẹp đẽ của nó, là nắm bắt ngay cái thần thái của nó, để tạo nên những tác phẩm bất hủ. Võ Phiến cũng không khác. Những gì quanh ta dù lớn, dù nhỏ, hoặc có vẻ ù lì, tầm thường, khó nhận diện, qua cái nhìn đầy khám phá của Võ Phiến, sẽ có ngay một linh hồn, một sức sống. Đó là ngoại cảnh. Ông lại không ngừng đi dò tìm thăm thẳm vào nội tâm con người. Trong bài viết ngắn này, tôi chỉ xin nhìn lướt qua vài truyện.

Trước hết, Thác Đổ Sau Nhà. Đó là một kiệt tác, nó có vóc dáng của một truyện dài đề cập đến rất nhiều vấn đề, vẽ ra một bức tranh toàn cảnh của một thời, và nén lại còn khoảng 50 trang giấy. Những mảnh đời đầy bão tố trong một quãng thời gian đầy biến động của lịch sử nước nhà cũng như lịch sử thế giới, những hiểu biết sâu xa về con người cộng sản, chế độ cộng sản, những xung đột gay gắt về ý thức hệ, về chính trị, những trăn trở thầm kín của con người bề ngoài tưởng như sắt đá, những lo âu, băn khoăn, ray rứt của những người có ý thức sống sót bên cạnh những kẻ vô tâm chỉ biết hưởng thụ, tất cả đều được soi rọi bằng một cái nhìn xuyên suốt, biện chứng, và được phản ảnh một cách linh động, mô tả một cách tinh tế, thuật sự bằng một giọng văn buồn buồn, lắng đọng, đầy cảm khái. Phạm vi của Thác Đổ Sau Nhà rộng lớn quá khiến tôi khó lòng chọn lựa đoạn nào cho thích đáng để trích dẫn. Đành dẫn ra hai đoạn cuối truyện:

“Lúc đó tôi mới thấy rằng trong cái xã hội xao động dữ dội này vẫn còn có những chỗ lặng yên một cách ghê sợ phũ phàng, tôi thấy rằng mình đã bị đày đi xa cảnh thái bình an lạc và lạc mất đường về. Tôi nghĩ đến cuộc đời lao đao của Kha như một an ủi. Tôi ngồi nghĩ về Kha.
 
Qua màn nước mắt, tôi ngồi nhìn xuống màu khói xanh mù mù bàng bạc khắp sườn núi, nhìn vài con chim sẻ mổ lung tung vào mái chòi, rỉa một đôi hạt thóc khô còn dính trên đuôi rạ, tôi ngồi nghĩ đến cuộc đời lao đao của chúng tôi, của Kha và của tôi. Vâng, tôi nghĩ về Kha, và Kha là nhà tôi hiện giờ.”

Các truyện ngắn khác cũng xuất sắc, mỗi truyện hay một cách. Nếu Thác Đổ Sau Nhà mở rộng ra cả một thời đại, thì truyện ngắn Quanh Mình lại chỉ khép kín vào tâm hồn của một người đàn bà còn trẻ tên là Lộc, hiền dịu, đoan trang, đang mong chờ một biến động, một bất trắc, nhưng sắp phải giã từ tất cả. Trong Quanh Mình vẫn chỉ với vài chi tiết nhỏ nhặt, ông đã làm nổi bật những đặc tính và thói quen của những con vật ta thường bắt gặp quanh ta, ta nhìn nhưng không thấy, đó là những con gà, con vịt, con mèo, con chó, những quyến luyến của chúng đối với nàng. Tài quan sát có lẽ chưa đủ, phải có một tấm lòng mới nắm bắt được những điều không thể thấy bằng mắt. Nhưng không phải chỉ có chó mèo gà vịt mà thôi, có cả đứa bé ngây thơ đứng xa nhìn nàng, hoặc lảng vảng đợi nàng lúc đi lúc về. Nếu chỉ có thế, cuộc đời của nàng đã được ấp ủ trong bầu không khí ấm áp, êm đềm. Bỗng dưng một người đàn ông đã có vợ xuất hiện với những ánh mắt lén lút, những câu nói lập lờ mà có sức ngấm đáng sợ, nó ngấm dần, ngấm dần. Thế là, tác giả đã kết thúc câu chuyện thật bất ngờ, thật ý nhị, mà cũng thật đau đớn - nàng quyết định về ở với mẹ thu xếp lại cuộc đời như thu xếp cảnh hạ màn, như thấy mình sắp mất một quê hương yêu dấu, và quê hương ấy là tuổi thanh xuân.

Những năm gần đây, ông dù tuổi già, sức yếu, trí nhớ mòn mỏi, vẫn rất minh mẫn, thỉnh thoảng làm dăm ba câu thơ, và mới đây thôi, ở tuổi 84 (2009), ông còn viết một tuỳ bút ngắn Cái Sống Hững Hờ. Xin trích dẫn vài câu:

“Năm tháng trôi qua. Quá bát tuần, tôi lén lút hướng một chút tưởng tượng về cái kết thúc của đời mình. Chắc là gần thôi. Liếc mắt phớt qua tí ti, sợ gì? Liếc qua xong rồi liếc lại, tôi ngạc nhiên không nhận thấy một xúc động bất thường nào xảy ra cả. Cuộc sống đang tiếp diễn vẫn tiếp diễn đều đều.”

Vẫn những ý tưởng sâu sắc, những nhận xét tinh tế, vẫn chút dí dỏm, bỡn cợt. Của một nhà văn lớn, một nhà văn đầy tính nhân bản. Thật đáng phục, đáng quý!

Kính thưa quý vị, trong một bài viết ngắn, tôi không thể nói hết những gì muốn nói, không thể trích dẫn nhiều. Tôi chỉ xin nói thêm rằng có người, trong đó tất nhiên có Bùi Giáng, cho rằng thi ca Việt Nam đã đạt đến tầm vóc quốc tế, còn văn xuôi thì chưa. Nhưng theo tôi, truyện ngắn của Võ Phiến xứng đáng đứng ngang hàng với các truyện ngắn nổi tiếng trên thế giới của mấy nhà văn hiện đại như Somerset Maugham (1874-1965), Robert Olen Butler (sinh năm 1945) chẳng hạn, dù mỗi người có một phong cách riêng. Nhà văn Võ Phiến là một cái vốn vô cùng quý giá của văn học Việt Nam, của quê hương đất nước.

(Trích từ bài phát biểu ngày 6/2/2010)

 

*

 

Thế là Võ Phiến đã vĩnh viễn ra đi, nhưng sự nghiệp văn chương ông để lại sẽ sống lâu dài với hậu thế, thì cũng xem ông như đang còn sống với ta – tôi lặp đi lặp lại câu nói đó nhiều lần. Cũng thế, có người bảo nhà văn chỉ sống với tác phẩm. Bỗng nhiên tôi thấy hụt hẫng khi chiếc quan tài từ từ được đưa vào lò thiêu. Và bỗng dưng trời đổ cơn mưa thật nhẹ. Mấy hạt mưa chạm khẽ vào mặt, vào tóc của những người đưa tiễn. Hầu như tất cả các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, trong đó có một số vị ở xa, từ người lớn tuổi nhất là nhà văn Doãn Quốc Sỹ năm nay 93 tuổi, đến nhà văn lớp trẻ như Đặng Thơ Thơ, đều đến viếng, hoặc đến đưa tang. Vợ tôi vội vàng chạy ra xe lấy cái dù thì mưa đã tạnh hẳn. Phải chăng cuộc sống con người chẳng khác mấy hạt mưa mau. Thôi, thế là hết.

Những độc giả của ông, chỉ biết ông qua sách vở mà thôi, chưa hề gặp ông ngoài đời, sẽ coi như ông đang sống. Sẽ cùng ông vui, buồn, mừng, giận ... qua những dòng chữ lung linh, huyền ảo, hoặc êm đềm, thơ mộng, hoặc hóm hỉnh, “sâu sia”. Nhưng đối với thân nhân của ông, đối với những ai từng chung sống với ông, tiếp xúc trực tiếp với ông, chuyện trò thù tạc với ông, làm việc với ông, vân vân, sự vắng mặt vĩnh viễn đó quả là một bi kịch. Ông ra đi mang theo cả một thế giới, “Anh đi trời xưa đổ” – lời ăn, tiếng nói, nụ cười, dáng đi, dáng đứng, dáng ngồi. Và cặp mắt buồn nhiều hơn vui, bất an hơn thanh thản, hoang mang hơn trầm tư, lo âu hơn hóm hỉnh...

Mấy ngày sau khi ông mất, bà nói với tôi:

“Anh ơi, cái nhà trống rỗng. Nhìn lui nhìn tới nhìn quanh không thấy ảnh đâu cả, cứ tưởng ảnh đi chơi nơi nào đó sắp về.” Chúng tôi vẫn xưng hô “anh – chị” với nhau.

Trong cái nhà hai tầng khá rộng nằm giữa khu vườn xinh xắn có nhiều hoa và trái, chỉ có hai ông bà ở với nhau như “chim liền cánh, cây liền cành”. Nay vắng ông, bà quá cô đơn. Rồi câu chuyện giữa bà và tôi kéo dài hơn một tiếng đông hồ. Kỷ niệm dồn dập về.

 

*

 

Hồi ông còn khoẻ thỉnh thoảng chúng tôi cùng ông đi chơi xa, nghĩa là ra khỏi khu vực Quận Cam, Nam Cali. Hồi ông còn khoẻ hơn, trẻ hơn nữa, ông bà từng đi năm Châu bốn Biển, chúng tôi chưa được hân hạnh quen ông bà lúc đó.

Có khi chúng tôi cùng ông bà đến khu trung tâm của thành phố Los Angeles. Dừng xe tại một công viên nhỏ, chúng tôi ngồi trên ghế đá chuyện trò. Vợ tôi chăm chú nghe, ít nói. Tôi thì thỉnh thoảng ba hoa, cốt kéo dài câu chuyện. Chuyện của ông bà luôn luôn gợi trí tò mò nơi tôi. Và thật thú vị. Ông chỉ một toà nhà cao:

“Tui và nhà tui làm việc chung tại toà nhà này. Tui lầu 6 làm thuế, nhà tui lầu 4 làm thư ký văn phòng pháp lý.”

“Bữa trưa đem cơm theo hai đứa gặp nhau lấy ra ăn.” Bà tiếp lời. “Hôm nào làm biếng mang cơm thì kéo nhau ăn cơm Tàu, hay Hamburger, hay tới El Pollo Loco gần sở làm ăn gà nướng Mễ. Ngon hơn gà KFC của Mỹ.”

“Sao không về nhà ăn trưa cho tiện?” Tôi hỏi. “Nhà ở Highland Park cũng gần đây mà chị.”

Bà đáp:

“Nhưng về sao kip. Trưa chỉ có một giờ nghỉ.”

Rồi bà kể chuyện cũ:

“Nhà tui hơi trái đường nhưng cũng đón được nhiều khách. Họ mến anh Phiến, các nơi về thăm. Từ Việt Nam qua thăm cũng có. Có người ở lại nhà tụi tui thay vì ở khách sạn. Ở lại khá lâu là Đào Tuấn, tới 10 ngày.” Hồi đó ông bà chưa dọn nhà về Santa Ana.

“Đào Tuấn là ai?” tôi hỏi.

“Là con của ông Đào Duy Anh.”

Tôi tiếp lời:

“Tôi có biết Đào Hùng (Đào Hùng bị bệnh nặng và đã qua đời mấy năm trước đây. Trong tang lễ của Võ Phiến, thấy có vòng hoa Phân Ưu của vợ chồng con của Đào Hùng), con ông Đào Duy Anh. Vậy là anh em của Đào Tuấn, phải không chị? Cách đây gần 15 năm, tôi có gặp Đào Hùng tại Hà Nội qua giới thiệu của Mai Kim Ngọc. Đào Hùng sốt sắng lắm, xách xe gắn máy chở tôi chạy quanh Hà Nội, rồi ghé hai ba tiệm sách. Hình như anh ấy lúc đó đang dạy học tại Đại Học Tổng Hợp Hà Nội. Tôi mua một số sách trong đó có cuốn Nguyễn Du – về Tác Gia và Tác Phẩm mới xuất bản, khổ lớn, dày như cuốn tự điển. Anh chị có muốn đọc, hôm nào tôi đem tới nhà.”

 

Tôi nghĩ đến thời niên thiếu của Võ Phiến. Ông ở với bà nội (hai cụ thân sinh của ông làm ăn tại Nam Kỳ Lục Tỉnh) tại làng quê Trà Bình, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Học trường làng rồi lên Trung Học Quy Nhơn. Sau đấy một người bà con khuyên ông ra Huế để được nhiều thầy giỏi dạy dỗ. Thế là ông ra Huế vào học trường Thuận Hoá nơi có những người thầy nổi tiếng như Đào Duy Anh, Hoài Thanh, Chế Lan Viên. Ông là một học sinh xuất sắc. Giáo sư và đồng thời là nhà văn hoá uyên bác Đào Duy Anh đã mời Võ Phiến về nhà dạy kèm thêm cho hai con trai Đào Tuấn, Đào Hùng, điều này chứng tỏ khả năng của Võ Phiến khi chỉ là một cậu học trò “nhà quê”.

“Anh Ngự ơi,” ông vui vẻ nhắc chuyện cũ, “Huế muà đông buồn lắm. Mưa hoài, ướt át và lạnh cóng. Người Huế gọi nước lụt là nước bạc. Nước lụt màu trắng đục, bàng bạc lênh láng khắp nơi, đầy ao đầy đồng, tràn ngập đường đi. Đi đâu cũng khó khăn, cũng nghe con ệnh oạng nó kêu suốt ngày đêm không biết mệt. Làm nhớ nhà quá.”

Đúng thế, người Huế gọi con ễnh ương là con ệnh oạng căn cứ vào tiếng kêu của nó. Tôi nhớ hồi nhỏ hát bài tiếng Tây (Frère Jacques) lời Việt:

Trời mưa xuống hoài, trời mưa xuống hoài
Nước đầy ao, nước đầy ao
Nghe con chi nó kêu tề, nghe con chi nó kêu tề
Oàng ệnh oàng, oàng ệnh oàng

Ông kể thêm:

“Lúc mới ra ngoài đó khổ ghê. Nghèo, phải dọn nhà mấy lần để tìm nơi rẻ hơn. Cả gia tài tui chất không đầy chiếc xe kéo. Mà tui có được ngồi trên xe đâu, cứ lóc cóc chạy theo.”

“Nghe nói Chế Lan Viên cũng được dạy trường Thuận Hoá, phải không anh?”

“Đúng vậy. Thầy giáo Chế Lan Viên rất trẻ, rất thư sinh, và cũng rất sợ học trò con gái. Thầy đi trước, mấy cô học trò hâm mộ thầy cứ lẽo đẽo theo sau làm thầy lúng túng, mặt đỏ gay. Anh nhớ mấy câu thơ của Nguyễn Nhược Pháp chớ?”

“Vâng, nhớ. Thế này phải không anh: Thầy đi em theo sau / Thầy không dám đi mau ...”

Ông cười, tiếp:

“À còn chuyện này nữa. Một ông già bà con của tui ra Huế thi Hương khoa cuối cùng đời Thành Thái, ông thi hỏng tú tài...”

Bà kéo tay ông, cải chính ngay:

“Ông già nào vậy anh? Ba tui đó. Anh Phiến kêu bằng ba vợ, hay chú họ xa cũng được. Ông ngoại ảnh và ông nội tui là hai anh em con chú con bác. Hồi đó tui còn nhỏ, anh Phiến cũng hơi lớn, hơn tui năm tuổi thôi. Hai anh em họ xa ở cùng làng, nhà gần nhau, cách có mấy thửa ruộng, mấy mảnh vườn. Anh hay tới nhà tui chơi. Anh thổi sáo rất hay. Anh tự tay làm được ống sáo trúc, dạy tui thổi sáo, làm cho tui một ống sáo đẹp lắm. Lúc đó tui đang tập đờn mandoline.”

“Thế anh đã cưới chị?” tôi làm bộ hỏi.

“Chưa, chưa. Tui có nói tui còn nhỏ mà.”

Ông tủm tỉm cười nhìn bà:

“Nhỏ thì lớn mấy hồi. Ừ thì ông già đó là ba. Ông già thi hỏng tú tài nhưng lại mua về được món quà Huế đem về khoe khắp làng xóm. Đó là cái tráp nhỏ màu đen cẩn xa cừ đựng trầu, cau, thuốc hút vấn. Bình Định nhà quê thấy món đồ quý giá đó từ kinh đô đem vô trầm trồ hoài.”

Đấy, toàn là những câu chuyện thật thân mật, thật vui. Tôi nghĩ bụng hai người đã yêu nhau từ thời thơ ấu ở chốn quê hương xa xôi, khuất nẻo. Và nó kéo dài trên 70 năm. Vui buồn, hoạn nạn, vinh quang bên nhau, tại quê hương, rồi nơi đất khách quê người.

 

Càng về sau, chúng tôi càng ít nói đến chuyện văn chương chữ nghĩa. Chỉ nhắc đến chuyện cũ của đời thường. Tôi bỗng nhận ra rằng những chuyện cũ đó hầu hết là chuyện của ông bà. Thế còn chuyện của mình? Đúng rồi, khi trò chuyện với một nhà văn lớn, thì những gì liên quan đến cái tôi của tôi nên được gạt bỏ đi.

Học xong trường Thuận Hoá vào năm 1944, ông ra Hà Nội học tiếp, gặp lại gia đình ông Đào Duy Anh. Ông kể ông có thấy ông Hồ Chí Minh một lần. Khi ông trú ngụ tại nhà ông Đào Duy Kỳ, em của Đào Duy Anh, làm lớn trong chính phủ Việt Minh, một sáng sớm, còn sớm lắm, thấy một chiếc xe hơi chạy đến đậu trước cổng nhà. Rồi ông Hồ và một vệ sĩ bước xuống xe, đi vào nhanh. Chỉ một khoảnh khắc ngắn ông Hồ và vệ sĩ lại ra xe. Tôi hỏi ông Hồ trông ra sao, ông đáp ông ấy trông cũng giống như các hình đăng trên báo, cao, gầy, ăn mặc đơn sơ. Rồi ông Võ Phiến đưa ra nhận xét, “con người xuất quỷ nhập thần mà!”

Tình hình cả nước lúc bấy giờ rất sôi động, ông Võ Phiến tìm cách về được quê nhà ở Bình Định. Đi bộ đội một thời gian ngắn, có dạy học trường Trung Học Bình Dân. Ông không thích Cộng Sản, tham gia đảng phái chống Cộng, bị bắt, bị kết án 20 năm tù, rồi giảm xuống còn 5 năm.

Sau đó ông một mình trốn được về vùng Quốc Gia, được người bạn cũ giới thiệu làm việc ở Nha Thông Tin Huế. Sáu tháng sau, nhờ người bà con giúp đỡ, bà đưa được hai đứa con trốn khỏi vùng Việt Minh, gặp lại chồng tại Huế. Cả gia đình lại ra Quảng Trị nơi ông đảm nhận chức vụ Ty Trưởng Thông Tin. Thế là gia đình sum họp bắt đầu sống những ngày yên lành, hạnh phúc. Nhưng rất đạm bạc dù ông làm Ty Trưởng. Bà còn trẻ lắm, và đẹp, mới hơn 20 tuổi, thỉnh thoảng xuống bến sông gần nhà giặt giũ áo quần của chồng, của con. Thường gặp mấy o gái quê người Quảng Trị. Họ rất ân cần, vui vẻ, chào hỏi luôn miệng: “Quý hoá quá thưa cô Ty. Cô mạnh giỏi không? Thưa cô Ty, đưa thau em múc nước cho.” Bà Ty Trưởng biến thành cô Ty. Bà cũng nhớ rằng bà rất vui sướng được cho con uống sữa từ trong lon, đục hai lỗ trên mặt lon, đổ sữa ra ly, cho nước sôi vô quậy quậy. Sữa Con Chim, sữa Ông Thọ. Vùng Việt Minh làm gì có những thứ đó.

Làm Ty Trưởng ở Quảng Trị khoảng một năm, ông được thuyên chuyển về làm Ty Trưởng Thông Tin tại Quy Nhơn vài năm trước khi vào làm việc tại Sài Gòn cho đến ngày Miền Nam thất thủ. Ông có dạy ở Đại Học Hoà Hảo, Long Xuyên và Đại Học Cửu Long, Sài Gòn. Trong đợt Việt Cộng tổ chức những cuộc khủng bố dữ dội tại Sài Gòn, ám sát ký giả Từ Chung, ông lo sợ cho tính mạng của mình. Ông từng bị Cộng Sản gọi: “Tên biệt kích văn nghệ hàng đầu”. Ban ngày sinh hoạt bình thường, nhưng ban đêm ông đi ngủ nhà khác. Thường đến nhà Bùi Giáng. Ông rất kín miệng, không nói cho vợ con biết, bà cứ tưởng ông có “phòng nhì”, hờn ghen đủ thứ. Về sau khi tình hình lắng dịu, ông mới cho bà biết mọi chuyện.

Tháng Tư 1975, ông bà và gia đình thoát qua được tới đất Mỹ.

 

“Anh Ngự ơi,” bà nói, “đến ngã tư trước mặt quẹo qua trái là tới Khu Phố Nhật.”

Vợ tôi nãy giờ im lặng, tiếp lời:

“Rứa mình không đi China Town sao?”

“Lần trước đi rồi, có cả anh chị Minh, chị nhớ chứ. Lần này mình đi Phố Nhật. Cũng đẹp lắm.”

Tới đó, hai bà đi mua sắm lặt vặt, ông và tôi kiếm chỗ ngồi trên ghế đá bên ngoài tiệm Nhật bán bánh ngọt và nhiều loại kem. Trong khi chờ hai bà để cùng nhau vào tiệm bánh, chúng tôi tha hồ chuyện trò. Ông đã lớn tuổi nhưng không “ngán” đường hoặc thức ăn mặn. Ông ăn uống ít, nhưng cà phê sữa phải thêm đường hoặc thêm sữa; bún bò phải thêm nước mắm mặn, cay, đã đành, bánh bèo đi với nước mắm ngọt cũng được ông cho thêm nước mắm mặn như thường. Rượu chát hay bia chỉ lai rai một ly là đủ. Hồi đó ông còn khoẻ dù đã trải qua một lần mổ tim.

Người ông tầm thước, phục sức đơn sơ, quần dài, áo sơ-mi màu nhạt, đầu đội nón vải, chân mang giày đen loại không dây cột. Chỉ khi đọc sách ông mới mang kính. Không hề thấy ông mang kính mát dù trời nắng lớn, và cũng không bao giờ thấy ông chống gậy. Lúc nào cũng ôn tồn, không nói lớn, không cười nhiều, giọng Bình Định trầm trầm. Ông nói ít, tinh tế, sâu sắc. Dù là một nhà văn lớn, ông không bao giờ muốn tỏ rõ ra điều ấy đến nỗi có người chỉ nhìn vào bề ngoài bảo ông rụt rè. Nhiều người viết lách, dù đã thành danh hay chưa, mỗi lần có dịp ghé Nam Cali đều đến thăm ông kể cả một số nhà văn có danh đến từ Việt Nam như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Khải, nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ Chi, v.v ...

Trong vòng năm bảy năm gần đây, sức khoẻ của ông sút giảm. Ông không muốn đi đâu xa nữa, và mỗi lần bước ra khỏi nhà, ông luôn luôn mặc thêm chiếc áo lạnh dày cộm. Ông nói: “Đối với tui mùa đông quanh năm.” Và tôi để ý thấy ông càng lớn tuổi càng ít nói và buồn hẳn đi. Vào sinh nhật của ông, có khi bà rủ chúng tôi đi đến các nhà hàng trên bãi biển Long Beach nhìn ra ngoài khơi coi tàu chạy xuôi chạy ngược, hoặc ban đêm thì lên nhà hàng nằm trên một ngọn đồi cao, Orange Hills, trông xuống. Cả một biển mênh mông đèn xanh, vàng, đỏ lấp lánh trùm lên toàn thể Quận Cam (Orange County) dưới xa. Bà Phiến, vợ tôi, và tôi đều háo hức nhìn ngắm. Riêng ông dửng dưng. Trước kia, dù không tỏ vẻ thích thú cho lắm khi đến một nơi xa lạ, nhưng ông có tham gia vào “cuộc vui”. Nay trông ông như người ngoại cuộc.

Bà rất quý ông, chăm chút cho ông từng ly từng tí, từ cái áo, cái quần, đôi giày, đôi vớ trước khi ông ra khỏi nhà. Đến tiệm ăn, bà lo cho ông từ miếng ăn thức uống. Thấy ông ăn uống ít ỏi, bà lén gắp thức ăn bỏ vào chén của ông. Bắt gặp, ông la bà ngay, và bà xin lỗi. Mà có phải bà còn trẻ trung, khoẻ mạnh gì cho cam. Bà chỉ thua ông năm tuổi, thường đau yếu, thần kinh toạ, thấp khớp nặng, và ốm nhom. Nhiều khi bà than thở lỡ tui “đi” trước thì ổng làm sao!

Càng ngày ông càng không muốn đi chơi xa. Ngay cả quán thịt dê gần nhà mà ông bà vẫn thường cùng chúng tôi đến, hay tiệm ăn Huế nơi có món chả ốc mà ông thích, ông cũng “hết ham”. Ông nói: “Ông trời có luật thừa trừ. Anh ơi, gần đây bác sĩ mới cho biết lỗ tai bên phải của tôi bị điếc bẩm sinh, lỗ tai trái thì càng ngày càng tệ, chẳng nghe được gì cả. Đọc thì trang sau quên trang trước nói chi tới chuyện viết. Thế là khỏi nghe, khỏi nghĩ ngợi, đỡ bận tâm, đỡ khổ.” Tôi ngờ đó là câu nói để tự trấn an mà thôi. Quên, ông mới bớt buồn. Khi tỉnh táo, độ rày ông thường tỏ ra nhớ làng, nhớ xóm, nhớ quê hương. Bà nói nhiều khi ông ngồi một mình ở phòng dưới tưởng bà ở trên lầu không nghe thấy gì, ông lẩm bẩm: “Buồn, buồn, buồn.” Tôi chưa đọc cuốn sách của John C. Schafer, nhưng cái nhan đề của nó, Võ Phiến and the Sadness of Exile (tạm dịch Võ Phiến và Nỗi Buồn Lưu Đày) có lẽ nói lên được tâm trạng Võ Phiến lúc về già. Hai câu thơ cuối cùng của bài thơ cuối cùng trong tập tạp bút với nhan đề Cuối Cùng của ông xuất bản tại California năm 2009 nghe bi thảm và đúng quá. Trên mặt đất với nhà cửa, cây cối, làng mạc, sông núi ... thì Việt Nam phải khác Mỹ, cho nên qua đến Mỹ thấy cái gì cũng lạ lùng bỡ ngỡ, nhưng cả hai bầu trời hẳn là giống như nhau, quen lắm:

Thân tàn đất lạ chơi vơi
Trông lên chỉ gặp bầu trời là quen

Ông không muốn đi xa thì chúng tôi đến chơi tại nhà ông bà, hoặc tiện thể cùng ông bà lên xe đi qua sân golf ngay bên kia đường (lên xe là vì, dù không xa, ông bà độ này không thể đi bộ được, và chính bản thân tôi cũng thế thôi) “ăn đồ Mỹ” tại câu lạc bộ. “Vừa ăn vừa nhìn những bãi cỏ xanh cho mát mắt,” bà nói. Ông không ăn uống được mấy. Lâu lâu đi một chút cho khuây khoả. Những lần đi này thường có thêm các anh Phạm Phú Minh, Trần Huy Bích, anh chị Mai Kim Ngọc. Bà rất bặt thiệp, niềm nở, vui vẻ, nhẹ nhàng, gặp bà như gặp lại người bà con thân yêu, gần gũi.

Khi đến nhà ông bà ở đường Fifth Street, Santa Ana, California, trước hết chúng tôi được bà cho uống trà thật ngon từ bộ đồ trà quý giá, cái bình trà nhỏ hơn nắm tay, cùng sáu chén trà tí hon nhỏ như hột mít, nên bà phải châm trà liên tục, hai bàn tay nhanh thoăn thoắt. Tiếp theo là những món ăn ngon do bà chuẩn bị hoặc do chúng tôi mang đến. Chuyện trò với nhau như không bao giờ dứt, bà có trí nhớ tuyệt vời, bà thuộc Truyện Kiều từ đầu tới cuối, thỉnh thoảng làm thông ngôn nói lại bên tai cho ông nghe chúng tôi “đấu láo”. Một hôm tôi đến thăm, ông đọc cho tôi nghe (không phải đọc từ trang sách) hai câu ca dao Huế mà tôi dẫn trong tập truyện ngắn Bắc Hành tôi biếu ông đã lâu:

Mẹ già cuốc đất trồng tiêu
Con đi đò dọc mẹ liều con hư

Tôi vui quá, thế là ông vẫn còn đọc sách. Tôi nói lên điều đó với ông, ông buồn rầu bảo rằng, “Tui chỉ đọc được năm ba câu thôi, trí nhớ bết bát lắm rồi. Nhớ nhớ quên quên. Chuyện xa xưa có khi nhớ, chuyện mới xẩy ra lại quên.” Quả thật, trong một bữa ăn trưa tại nhà ông bà có khá đông khách khứa, bạn bè, Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn từ Úc qua, Lê Tất Điều từ San Diego lên, Trúc Chi từ Alhambra xuống, Phạm Phú Minh, Đỗ Quý Toàn và tôi thì ở gần nhà ông, tôi hỏi đùa một câu, “Anh có nhớ những ai đây không?”. Ông quên tên hầu hết, chỉ nói được tên Đỗ Quý Toàn và Lê Tất Điều. Những lần gặp sau, ít người hơn, ông lại nhớ Phạm Phú Minh và tôi. Vâng, nhớ nhớ quên quên bất chợt. Nhưng ông rất sáng suốt, khi nhớ vẫn đưa ra những nhận xét sâu sắc, tinh anh.

 

Bỗng một hôm.

Tôi cho đây là chuyện quan trọng nên tôi nhớ cả ngày tháng lẫn nơi chốn. Đó là buổi trưa ngày 28/10/2013, cách ngày ông vĩnh viễn ra đi hai năm một tháng. Hôm đó sau khi rời Quán Huế Hương Vỹ, có gặp Tràm Cà Mau, nhà văn này chào hỏi ông rất cung kính, vừa ngồi yên trên xe và cài xong dây an toàn, ông thì thầm nói với tôi:

“Đi đâu, đi đâu, anh ơi? Mình đi đâu?”

Thoạt tiên tôi nghĩ rằng ông muốn đi chơi thêm một chốc nữa chăng, điều mà xưa nay ông chưa từng yêu cầu. Đi chơi thì ông cũng đi, nhưng không hăng hái cho lắm. Hôm nay có lẽ ông phá lệ, tôi nghĩ thầm. Tôi dạ dạ, rồi lùi xe ra khỏi chỗ đậu và quẹo ra đường lớn. Ông nói tiếp, giọng lạ hẳn, như nửa chừng nó nằm kẹt trong cổ họng, rồi thoát ra đột ngột:

“Mình đi đâu? Đi đâu anh? Đây là đâu? Ôi chao!”

Tôi giật mình liếc nhìn ông ngồi cạnh. Cặp mắt ông ngơ ngác, thất thần, hoảng hốt. Bà ngồi ghế sau vội chồm người lên nói bên tai ông, nhỏ nhẹ, van lơn:

“Anh, anh, mình sắp đi về nhà mình mà anh.”

“Nhà đâu?”

“Nhà ở Santa Ana. Anh, anh.”

“Ở đâu?”

“Mình đang ở Mỹ đó anh.”

Tiếng nói của bà dường như trấn an ông phần nào. Ông hỏi tiếp, nghe dễ hơn:

“Ở đâu hả? Mình ở với ai?”

“Ở Mỹ. Mình ở với nhau,” bà tiếp tục đáp nho nhỏ. “Chỉ ông với tui thôi, không có ai nữa đâu.”

Nói xong, bà vẫn giữ tư thế chồm người như cũ, như thể chờ nghe ông nói tiếp. Có lẽ chuyện như thế này đã xẩy ra trước đó rồi nên bà không ngạc nhiên đến sửng sốt như tôi. Nhưng bà giấu không cho chúng tôi biết. Bà không bao giờ muốn người khác thấy hình ảnh tiều tụy về ông. Tới đường Euclid tôi quẹo phải rồi quẹo trái trên đường Fifth, tức là con đường của nhà ông bà. Trước kia khi xe tới quãng đường này, ông thường kín đáo chỉ trỏ và nói thầm một mình chứng tỏ ông cũng nhớ đường về, nay ông ngồi im lặng, thẫn thờ. Đến cổng nhà, ông vẫn còn ngơ ngác. Khi vào tận trước mặt nhà, xuống xe - ông bà trước kia sau khi xuống xe luôn luôn quay nhìn chúng tôi và vẫy tay cho đến khi xe chạy khuất - bà vẫy tay chào từ giã trong khi ông đứng im lặng nhìn bà.

Chúng tôi và một số bạn bè sau đó đến thăm ông bà. Tôi băn khoăn. Tôi lo lắng không biết sức khoẻ của ông nay ra sao sau chuyện xẩy ra nói trên. Như mọi khi, ông từ trên lầu chầm chậm bước xuống bậc tam cấp từng bước một, bắt tay từng người không sót một ai, rồi ngồi xuống chiếc ghế dựa lưng vào tường mà ông vẫn thường ngồi. Bà tươi tắn chào hỏi mọi người, xong lui cui đi pha trà. Nhận thấy bà đã già yếu, chúng tôi xin miễn vụ uống trà nhưng bà nhất định không chịu. Ông vẫn nói cười, tuy có phần lặng lẽ. Ông 90 tuổi rồi mà. Tôi tự nhủ ông có nhận ra tôi là ai hay không. Tôi muốn hỏi như một lần tôi đã hỏi, lại sợ ông không nhớ ra tôi.

Rồi một hôm chúng tôi cùng ông bà đang ngồi nói chuyện với nhau thì anh chị Lê Tất Điều đến. Ông vẫn ngồi yên trên chiếc ghế cũ nhưng khuôn mặt ông rạng rỡ ra. Anh Điều tới gần, ông đứng dậy, hai người ôm chặt nhau. Ánh mắt ông ấm hẳn lên. Ông không nghe được mấy, nhưng ông nói nhiều hơn mọi ngày, giọng nói reo vui. Ông vốn trân quý những người quen biết từ lâu, những tình xưa nghĩa cũ. Hôm đó cũng có mặt nhà văn Ngô Thế Vinh. Anh Vinh đến trễ.

 

*

 

Tôi không có tham vọng nhìn tổng quát vào văn nghiệp Võ Phiến. Còn quá nhiều vấn đề về tư tưởng, nghệ thuật mà Võ Phiến đã trình bày, và cống hiến cho văn học nước nhà, mà tôi không thể nhắc tới hết thảy được. Chẳng hạn vấn đề tính dục, ẩn ức, trong con người; tình trạng vong thân, tha hoá của nhiều tầng lớp dân chúng trong buổi giao thời; ý thức chống cộng sâu sắc và không khoan nhượng; những hoài niệm về một quê hương đã mất, một quá khứ không bao giờ tìm lại được; và lối viết đa dạng, phong phú; bút pháp, phong cách chi ly, tinh tế, uẩn áo. Có người còn cho rằng văn chương ông đôi khi mang ảnh hưởng của thuyết hiện sinh, của phân tâm học.

Tôi cũng không có đủ thân tình như gia quyến của ông để có thể nắm bắt được những nét đặc thù trong sinh hoạt hằng ngày của nhà văn lớn này hầu trình bày ra đây.

Võ Phiến đã vĩnh viễn ra đi! Với vô vàn thương tiếc và thương nhớ, tôi chỉ còn biết ghi lại một vài khía cạnh về văn nghiệp lớn lao của ông, và vài ba kỷ niệm giữa ông và tôi mà tôi sẽ không bao giờ quên.

 

 

--------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021