thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Niềm vui nhỏ dưới gầm cầu Bà Lớn

 

Sáng chủ nhật, tôi tình cờ gặp một nhóm người đang kéo lưới bắt cá dưới gầm cầu Bà Lớn, ở Bình Chánh. Họ là nông dân nghèo, gồm 4 gia đình nhỏ của 4 anh chị em, không có ruộng vườn, từ Cà Mau lên Sài Gòn kiếm sống được 6 năm. Họ thuê nhà ở Nhà Bè, làm đủ thứ công việc như tạp dịch, bốc xếp ở cảng, công nhân theo thời vụ. Những ngày nghỉ, hay thất nghiệp, họ đi lang thang tìm các ao hồ, mương rạch ở những vùng loanh quanh để bắt cá. Những tấm hình này là câu chuyện của họ.

 

“Chào quý vị, em tên Út. Út bụng bự, 24 tuổi, 1 vợ 2 con. Em là công nhân thời vụ, bốc xếp, phu hồ, thợ đụng (đụng đâu làm đó).”

 

“Những người này là anh chị em (cả dâu và rể) trong nhà của Út. Cả bọn rời khỏi nhà ở Nhà Bè từ sáng sớm, bằng 3 xe gắn máy, với đồ nghề gồm có lưới, thùng nhựa đựng cá, và dao kéo để làm cá.”

Tôi biết rằng họ có thừa một thứ: “lòng nhẫn nại”, và một thứ khác Út không nhắc tới, mà có lẽ anh không biết, là “hi vọng”. Không có hi vọng thì làm sao họ có thể bỏ Cà Mau lên sống ở nơi lạ nước lạ cái, là đất Sài Gòn này.

 

“Sáng giờ tụi em đã lưới ở 2 nơi, gầm cầu Bà Lớn này là nơi thứ 3. Chắc làm xong ở đây thì về, vì cũng mệt và đói rồi, mà đường thì xa. Người đang lội dưới đó là Tư Kèng, anh kế của em.”

 

Tư Kèng và Ba Sang - anh rể của Út - đang chuẩn bị lưới. Họ thay phiên nhau xuống nước quăng lưới cho đỡ mệt. 4 người đàn ông, 2 người lên bờ thì 2 người xuống nước.

 

“Buổi sáng, nước xuống cạn, nơi sâu nhất chỉ đến ngực. Khi nước lên thì khá sâu, anh có thể thấy vết mực nước ở chân cầu, và chảy khá xiết. Ai bơi yếu, không có kinh nghiệm, rớt xuống đây khi nước lên thì chết chắc. Giờ này nước cạn không bơi được, bùn còn sâu nên chỉ lội bì bõm, rất khó di chuyển và mau mệt. Nhưng điều đáng sợ nhất là những thứ nằm dưới đáy lòng sông: miểng chai, cọc sắt thép, rác... Chúng rất nhiều và có thể cắt đứt chân, tụi em rất sợ đạp phải, nhưng không có cách nào khác; may nhờ, rủi chịu. Cũng là sông rạch, mà mùi bùn rác ở đây tanh thúi khác với mùi sông nước ở dưới quê. Cái gì dưới quê cũng nhiều và đẹp, chỉ kẹt là không có tiền, mà không có tiền thì làm sao mà sống! Nghèo lắm cô bác ơi!”

 

Ba Sang quăng lưới rất có nghề, ổng quăng giỏi nhất nhà, lưới toả ra, bung rộng, không rối.

 

Ngoài bắc, người ta gọi là đầu ghềnh cuối bãi, không biết có giống như vầy không?

“Tui chưa đi đâu xa, ở Cà Mau rồi lên Sài Gòn. Không học hành gì hết, số mần mướn thì đi đâu cũng mần mướn, chứ có biết làm gì khác đâu. Cứ vậy mà bươn tới thôi.”, Ba Sang nói.

 

“Mơ cái gì hả? Có mơ ước gì cao xa đâu. Kiếm mớ cá, chiều về làm ba xị, có anh có em là vui rồi. Tết này không có tiền về quê, tụi tui kêu ông bà già lên chơi tới hết mùng thì về. Tối nay quất một chầu rồi mai tiễn ổng bả về.”

 

Út giới thiệu, “Bà này là chị Ba. Nghề của bả là gỡ cá ra khỏi lưới. Hên quá, mẻ này bộn à. Có đủ thứ: rô, phi, lòng tong, lóc... lớn nhỏ gì cũng lượm ráo. Được con nào xào con đó ông ơi. Tụi nó chích điện cũng chết ráo chứ có chừa con nào đâu. Hồi nãy, đang bắt ở cái mương trong khu chung cư thì bảo vệ ra rượt, tịch thu cái thùng nhựa với mấy con dao. Xin lại mà tụi nó hổng cho. Đù má, cá dưới mương chớ có phải nó nuôi đâu mà làm khó! May mà giựt lại được cái lưới.”

 

“Con này bự khổng lồ. Ngó bộ dạng thấy ghê ha? Nó là cá chùi kiếng. Người ta cũng có nuôi chơi, làm kiểng, nhưng nhỏ nhỏ thôi chứ không bự như vầy. Họ thả trong hồ kiếng thì nó ăn rong rêu cho sạch hồ. Nó cứ chùi chùi trên mặt kiếng nên gọi là cá chùi kiếng.”

 

Lựa ra theo loại, theo cỡ lớn nhỏ, bỏ vô bao, thùng để mang về.

 

“Con nhỏ áo bông là vợ em. Cá nhỏ thì làm sạch ruột ở đây luôn. Đổ xuống sông luôn chứ đổ đi đâu, về nhà đỡ làm, đỡ tốn nước, đỡ đổ rác, đỡ thúi nhà.”

 

Trưa, chúng tôi theo họ về Nhà Bè. Vào mấy con hẻm nhỏ, thì đến. Đây là dãy phòng trọ cho thuê, mỗi gian chừng 50 mét vuông, giá 700 ngàn/tháng. Nhà Út bụng bự gồm 4 gia đình nhỏ, thuê 2 phòng, mỗi phòng 2 gia đình.

 

“Ở đây chỉ lưng chừng, hẻm còn vô sâu lắm anh. Ở trỏng hẹp ké, xe vô phải dắt bộ. Mùa nước lên thì ngập, có khi hơn nửa bánh xe.”

 

Ở chung nhà nhưng họ nấu riêng, ăn riêng. Không gian riêng tư được ngăn lại bằng tấm màn vải.

 

Đổ cá ra thau, khá nhiều. Tôi ước chừng cả thảy khoảng 10 ký. Mọi người đổ ra làm cá, chia phần bằng một cái cân nhỏ, rồi chia nhau. Cá lớn sẽ bán bớt, cá nhỏ thì kho ăn dần, bán không được thì phơi, làm khô.

 

Cá trong thau này sẽ để lại ăn. Út bụng bự chạy kiếm mớ rau và rượu để nướng cá đãi khách - hai tay rỗi hơi - đã theo họ từ sáng đến giờ.

 

Những con cá chùi kiếng này sẽ mang ra chợ bán.

 

Bà chị lớn nhất nhà, đẻ sòn sòn 5 đứa. Bà có nhiệm vụ ở nhà trông chừng cả chục đứa, cả con lẫn cháu, chưa có đứa nào đi học.

 

Ra về, tôi nói với Út bụng bự rằng nếu có đi lưới trong vùng gần nơi tôi ở thì nhớ gọi. Út hứa, nhưng tôi nghĩ rằng anh sẽ quên tôi, như tôi cũng sẽ quên họ.

Tấm ảnh đẹp nhất không phải là tấm ảnh trong ống kính mà tôi đã bấm máy, nhưng là hình ảnh sẽ giữ lại lâu dài trong trí nhớ và lòng trắc ẩn của con người. Nó đây, hình ảnh cuối cùng mà tôi thu vào ống kính là những đứa trẻ này.

“Nào, tụi mình cùng la lên cho vui rồi chào tạm biệt nè. Ba bắt cá. Má làm cá. Mình bơi như cá. Cá ba, cá má. Cá vui quá xá. Aaaaaaaaa...!”

 

Nam Đan
tháng Giêng, năm Ất Mùi

 

 

----------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021