thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Lễ tạ / Đi cho mãi đến năm 2006 / Bút tích gửi tặng các bạn viết trẻ

 

Đi cho mãi đến năm 2006. Tôi vẫn chưa hề biết đến một trang văn học mạng có tên Tiền Vệ và làm việc theo kiểu tiền vệ. Tôi mải vật lộn với cuộc đời nhiều khổ đau âm ỉ, khát vọng, ước mơ và đủ chuyện cơm cháo nơi thành phố xa lạ. Tôi vẫn âm thầm viết gì đó như một tên tù khổ sai mà chẳng biết đưa đi đăng tải ở đâu để được chào đón. Một người trông xoàng xĩnh tỉnh lẻ, cái gì cũng ngoại đạo như tôi mà lại biết đọc mà còn biết làm chữ ư, lại còn mơ tới những chân trời nghệ thuật với nghệ thiếc thì thật là quá đáng.

Đấy là người ngoài vẫn nhìn tôi thế bao năm qua. Nếu sợ bị nhìn thế, tôi đã bỏ viết. Còn trong gia đình thì sao? Bất kỳ ai thấy tôi không chịu làm gì để sinh nhai bình thường ổn định cái phận đàn bà đã có chồng con, lại vẫn còn say mê chữ nghĩa, thì đều nhìn tôi ái ngại và sợ hãi thay cho tôi lắm.

Bố tôi đã thất vọng hoàn toàn việc cho tôi ăn học lên đến đại học, tốt nghiệp rồi mà tôi chẳng định làm gì ra trò cả. Hoặc, dù tôi có làm gì mà không đúng với mong ước của bố thì ông cũng bảo chỉ vớ vẩn. Mà vớ vẩn nhất, ông nói thẳng, là không kiếm ra được nhiều tiền nhà cao cửa rộng xe pháo xênh xang bằng bạn bằng bè, thỉnh thoảng đưa bố đi chơi uống rượu ngon mở mày mở mặt với thiên hạ thì coi như vứt. Ông nói thế cũng đúng. Kể từ ngày tôi đi lấy chồng tôi đã biệt tăm. Nhà chồng tôi ở xa, lại nghèo, lại chẳng bao giờ mở lời mời đến ông, thành ra chẳng bao giờ ông đến.

Mãi sau nữa thì bố tôi mới nói thẳng ra sự tiếc nuối của mình về tôi, đấy là khi ông bảo với tôi, một lần tôi về nhà thăm ông: “Đáng lẽ con nên đi theo con đường chính trị, trở thành đảng viên.” Không biết thế nào mà ông lại thấy tôi có khả năng đi theo con đường chính trị và phải trở thành đảng viên? Có mà ra đứng đường thì có.

Ngay cả việc cái hồi tôi còn nhỏ mười mấy tuổi, bố tôi rất hay nói về một nhà thơ trữ tình cách mạng nổi tiếng đã chiếm lĩnh tâm hồn bao nhiêu thế hệ trên đất nước tôi. Lúc đó tôi cũng đã biết đến nhà thơ ấy khi học môn văn ở trường ,và suốt cả thời đi học chúng tôi phải học thuộc lòng các giai đoạn làm thơ của ông để còn làm bài kiểm tra — đấy chính là nhà thơ Tố Hữu. Bố tôi không ít lần bảo trong hồi ký ông Tố Hữu có kể lại: Hồi nhỏ cha ông ấy (vốn là một quan lại của triều đình) đã không bao giờ nghĩ rằng lớn lên ông ấy lại trở thành một nhà thơ. Không những thế ông ấy lớn đến mức cả một thời đại từ trong chiến tranh cho đến hoà bình nhiều năm sau không một ai mà không thuộc lòng một đoạn thơ nào đó của ông. Ít nhất thì cũng là câu thơ sau: “Con ong làm mật yêu hoa / Con cá bơi yêu nước / Con chim ca yêu trời...” Rồi thì: “Con người muốn sống con ơi / Phải yêu đồng chí yêu người anh em...”

Tôi không thể tả được sự trịnh trọng sùng kính của bố lúc ấy dành cho nhà thơ này. Bố tôi đã đọc đến cả hồi ký của nhà thơ và khám phá ra những chuyện như vậy. Bố tôi là một quân nhân hải quân, một người cộng sản chính hiệu, chưa bao giờ ông nghi ngờ lòng tin của mình với sự chuyên chính của Đảng. Tuổi đảng của ông luôn hơn cả tuổi của con gái mình. Cả nhà tôi, đặc biệt là cả bố và mẹ đều ra sức bảo vệ Đảng, biết ơn Đảng và Bác Hồ, và thuộc nhiều bài thơ của ông Tố Hữu hơn cả “Bình Ngô Đại Cáo” và “Truyện Kiều”... Bố mẹ luôn luôn nhắc nhở chị em chúng tôi làm gì cũng phải biết tôn trọng thể chế của nhà nước, của Đảng, đừng tin bọn phản động!

Khi thấy bố tiếc cho tôi không phấn đấu trở thành đảng viên, không đi theo con đường chính trị, tôi thấy nực cười và thấy thật kỳ quặc. Bởi chẳng lẽ ông không nhìn ra tôi là đứa con gái duy nhất trong đàn con trai của ông? Nó chỉ biết khốn khổ triền miên trong tâm hồn đơn côi, thất tình, đi lang thang và mơ mộng, rồi còn phải lấy chồng, sinh con, làm bổn phận đàn bà. Nó chưa bao giờ có khái niệm đi theo con đường chính trị và trở thành đảng viên cả. Từ nhỏ nó đã vùi đầu trong xó thư viện đọc mê man các cuốn sách nhất là các loại truyện cổ tích trên thế giới, những là công chúa với hoàng tử này khác, những là ma quỷ ganh nhau với các loại thần, sợ đến toát mồ hôi... Nó đọc các cuốn sách như một tên trộm bị rượt đuổi ráo riết sau lưng.

Tại sao tôi lại có được đặc cách sa vào cái thư viện lớn nhất thị xã hồi ấy. Đấy là một câu chuyện dài cộng với bi kịch tuổi thơ tôi chứng kiến liên quan đến sách. Bác thủ thư là mẹ của hai người bạn nhỏ của tôi (họ là anh em sinh đôi). Bác ấy đã thường xuyên đặc cách cho tôi vào thư viện vì thấy tôi thèm thuồng nhìn những cuốn sách. Mẹ hai người bạn nhỏ của tôi sau đó đã treo cổ tự tử vì đã lấy những cuốn sách gì đó đưa ra khỏi thư viện và bị điều tra, kỷ luật. Hồi ấy công an cũng đã đến điều tra bố mẹ tôi vì gia đình tôi chơi thân với nhà bác, xem chúng tôi có tiếp tay tẩu tán sách đi đâu không. Hai nhà chơi với nhau bắt đầu từ việc bọn trẻ chúng tôi chơi thân với nhau. Và đấy có lẽ là do sắp xếp của đất mẹ sinh ra tôi hay ý của thượng đế trên trời. Người đã có ý định thả tôi xuống dòng sông đời trong thế giới sách ngay từ đầu. Và tôi đã trôi đi cho đến giờ.

Sống lay lắt kiểu gì thì tôi cũng không bỏ được việc đọc cái gì đó như một con nghiện, vừa khắc khổ vừa sung sướng và giấu giếm việc ham mê đọc và viết lách như một tội lỗi đáng chết. Tôi cứ phải chạy trốn và che giấu trước mọi người, che giấu trước chồng con và những cặp mắt được cho là thực tế cứ soi mói sẵn sàng mai mỉa căm thù cái việc ham đọc ham viết của tôi. Chắc chắn họ sẽ còn nguyền rủa khi mà tôi không chịu đi làm gì lo kiếm tiền, đi chợ nấu cơm, nuôi dạy con cái và đức hạnh này khác, và tôi viết trong trùng trùng căng thẳng và khốn khổ như vậy mà lại không thấy khó khăn gì.

Tôi như một tên tù khổ sai, nhưng chữ nghĩa đã đồng lõa khuyến khích tôi tuôn ra ào ào và trôi chảy bất cứ lúc nào tôi muốn. Nhưng tôi chẳng biết công bố chúng ở đâu và như thế nào thì mới công bố được. Những lúc bí bách quá tôi lao ra đường. Tôi chạy cuồng chân khắp nẻo để tìm kiếm gì đó có thể giải thoát tình cảnh ấy của tôi. Tôi lúc nào cũng lớ ngớ như một con vật ở rừng về với đầy nỗi sợ sệt mông lung giữa loài người. Tôi không cả biết lần mò vào internet để xục xạo tìm kiếm giải toả, kết nối gì đó với người nào đó.

Tận sâu trong tâm cảm tôi luôn muốn được nói chuyện, nói lên những khao khát và chia sẻ yêu thương, tìm hạnh phúc, chẳng hạn, hay tìm hiểu điều gì đã làm cho con người mãi có cảm giác cô đơn. À, mà nói đúng ra tôi có biết sử dụng email để giao dịch với khách hàng trao đổi thư từ, ký kết các công việc kiếm tiền sinh sống, và thực ra cái hộp mail này do một người bạn mới quen thấy tôi quá ngố công nghệ nên bạn ấy đã mở giúp tôi vào cái năm Tiền Vệ ra đời (2002). Nếu không thì tôi còn mù lâu hơn giữa hành tinh này là điều chắc chắn. Nhưng các cuốn sách in đủ các thể loại thì tôi vẫn đọc. Nhưng chẳng có mấy ai gặp được để tôi nói chuyện cởi mở và thường xuyên về chúng. Hàng ngày tôi vẫn phải đi làm việc nọ việc kia lo cho cuộc sống của bản thân và gia đình như tất cả mọi người. Bạn hỏi tại sao tôi không tìm đến các hội nghề nghiệp để mà sinh hoạt này khác, chẳng hạn hội nghề nghiệp về sáng tác văn chương? Có lẽ là do tôi quá nhát sợ mà thôi.

Thế mà rồi không hiểu làm sao tôi cũng xoay xở được để in ra những tập thơ đầu tiên. Tôi không đem đi bán được ở đâu cả. Thế rồi bằng cách nào đó chúng cũng đi ra khỏi nhà và có vài người đã đọc được chúng khi chúng đi lang thang. Vài người đầu tiên do cơ duyên này cơ duyên khác đã đọc được những chữ đi lang thang của tôi, như chị Giáng Vân, bác Trúc Thông, anh Trần Hoà Bình. Họ đã đọc được các bài thơ và vài thứ viết lách của tôi. Thỉnh thoảng họ đã tự động chọn trích đăng chúng trên vài tờ báo. Người đọc là ai, cảm nhận, đánh giá gì về chúng ra sao, tôi cũng không hay biết chút nào. Sau đó có vài lần viết xong bài mới tôi lại gửi đi nhưng không thấy hồi âm và không được đăng. Tôi nghĩ khi ấy chúng không được đón nhận có thể vì chúng kém quá hay sao đó, như các bài thơ “Ngày mai không trở lại”, “ Kẻ cắp thời gian” ... rồi tôi cũng quên.

Năm 2003, tập thơ đầu tay Xe chở mùa được in ra bằng những đồng tiền túi dành dụm được. Rồi tôi đã biết có thể đăng các bài thơ trên mạng internet dễ dàng hơn, nhưng “no” nhuận bút, sau một lần gặp một cô biên tập ở evan và nghe cô bảo thế. Điều ấy không quan trọng, và tôi chỉ ao ước được đăng và được đọc chứ không phải có danh tiếng. Ngay cả khi ai đó gọi tôi là “nhà thơ” tôi vẫn cảm thấy khá xa lạ và kỳ quặc là đằng khác.

Tôi chỉ cảm thấy được đăng và được đọc là một niềm vui lớn của tôi. Nếu mà được trả nhuận bút hậu nữa thì càng tuyệt cú mèo! Đấy là nói theo cách sung sướng của một ai đấy tinh nghịch hồi nhỏ mà tôi không nhớ. Ít lâu sau, niềm say đắm đã thúc đẩy tôi viết tập thứ hai Orient - Trên những vòm cây, và, rất nhanh, nó cũng chìm vào im lặng.

Khi ấy không hiểu sao vài ý nghĩ khác nảy sinh hay điều gì xui khiến bỗng dưng tôi không muốn chỉ được đọc một mình mình. Tôi mơ có sân chơi rộng hơn. Tôi mơ làm một điều gì đó khác. Và với vài tác động xung quanh tôi đã mạo muội đứng ra triển khai một giải thưởng cho các tác giả nữ mới mang tên “Lá Trầu”, với các hoạt động hồn nhiên như các bạn đã nghe nói ầm ào trên truyền thông đại chúng trong suốt năm 2007-2008.

Khi ấy đúng ra có vài người nói bên tai tôi “hãy về truy cập vào trang tienve.org và cả trang tân hình thức gì đó trên mạng để xem họ viết”. Nhưng tôi luôn bỏ ngoài tai vì bận rộn với cái giải thưởng tôi đã khởi xướng và bước vào. Làm việc này tôi đã từ bỏ hết những thuận lợi trong công việc mà tôi đang có trước đó, từ bỏ cả sự bình lặng vẫn đang trôi đi trong tổ ấm gia đình, từ bỏ cả việc nhớ rằng tôi cũng là một tác giả trẻ cần được giúp đỡ...

Chẳng bao lâu sau khi việc trao giải thưởng “Lá Trầu” lần thứ nhất được hoàn thành, công việc ước mơ của tôi đã nhanh chóng sụp đổ vì làn sóng khủng hoảng kinh tế thế giới đang lan đến nhanh chóng. Khi ấy cũng là lúc nhà tài trợ lãng quên lời hứa ký tiếp hợp đồng tài trợ cho năm tiếp theo, với lý do thay đổi ban lãnh đạo mới. Tôi chưa kịp xoay xở gì.

Vào lúc nhận được những dấu hiệu và tin tức xấu ấy cũng là lúc tôi bị quản thúc tới cơ quan an ninh để điều tra, vì bỗng dưng một hôm họ đến văn phòng làm việc ở nhà tôi và nói có lệnh bắt giữ một cộng tác viên IT mà tôi thuê để quản trị trang web Evacom đang chạy thử. Họ cho tôi biết cậu ta tham gia làm giấy tờ giả mạo và cậu ta khai là đang làm việc tại Evacom và có sử dụng máy móc chỗ tôi để làm.

Họ nói tôi phải có trách nhiệm giúp họ điều tra mặc dù tôi bảo với họ tôi không liên quan. Tôi nói với họ không bao giờ có chuyện đó bởi lần nào cậu IT đến văn phòng thì tôi cũng có mặt ở đó và trực tiếp xử lý công việc với cậu ấy. Chưa bao giờ cậu ấy sử dụng máy in. Nhưng họ nói vấn đề này không đơn giản.

Công an hẹn lên hẹn xuống nhiều lần và quản thúc tôi đến trụ sở của họ trên đường Thái Hà. Tôi đến thì thấy đã có sẵn các biên bản lời khai nhận của cậu IT và công an bắt tôi cùng ký vào các biên bản ấy. Chưa hết... Họ còn bảo tiếp tục hẹn lại ngày nọ ngày kia họ sẽ đến văn phòng làm việc tại nhà tôi để kiểm tra các máy tính, máy in và lập tiếp biên bản. Lúc ấy, việc này khiến tôi hoang mang, suy sụp, mệt mỏi và nhanh chóng rã rời. Tôi chẳng còn đầu óc đâu mà nối tiếp cái giải thưởng thơ nữ nữa. Bỗng nhiên sự việc lại trở nên phức tạp như vậy! Tôi nghĩ mình làm gì cũng luôn tôn trọng pháp luật. Tôi không biết chia sẻ thế nào với người thân của mình và chia sẻ với ai cái sự việc này.

Khi ấy bố chồng tôi vừa mất vì chứng viêm phổi mãn tính nhiều năm và ông cũng đã quá già. Suốt mùa hè năm ấy tôi đã không thở được vì bỗng nhiên dính với công an như thế. Tôi hoàn toàn không biết cậu cộng tác viên IT đã khai báo gì với công an và sau đấy cậu ta ra sao. Cậu ấy không phải người ngoài đường tôi mời về làm cộng tác viên mà bên công ty ký hợp đồng làm trang web đã giới thiệu cậu ấy cho chúng tôi trong lúc trang web chạy thử.

Có lần bố cậu IT ấy từ quê lên còn vào nhà tôi để gửi gắm cậu con trai và cảm ơn tôi đã giúp nó có công việc làm tử tế. Khi cậu ấy bị tạm giam ở đồn công an, người nhà cậu ấy chủ động gọi điện cho tôi, nói về tình hình cậu ấy bị công an bắt. Tôi đã trách với người nhà của cậu ấy rằng cậu ấy đã để tôi bị liên lụy phiền phức, thì người nhà cậu ấy bỗng nhiên nói là “công an bắt nó phải khai như thế.”

Sau khi nghe nói thế mọi chuyện chính thức trở nên rối loạn khiến tôi không thể làm chủ được nữa. Tôi bắt đầu bị ốm, suy sụp hoàn toàn mặc dù tôi chẳng có bệnh gì, và rồi ít lâu sau đó chừng vài tháng thì chồng tôi đột ngột qua đời vì lên cơn cao áp, biến chứng của việc uống rượu đi nhậu say với bạn bè rồi nằm trong phòng mở máy lạnh trong đêm vào cái hồi đỉnh nóng nhất của mùa hè năm 2008. Anh ấy còn rất trẻ.

Tôi không hề biết rằng kể từ khi tôi khởi xướng chương trình giải thưởng thơ nữ “Lá Trầu” thì tôi đã tiến vào sa mạc không người, và quanh tôi tràn sự ngập nguy hiểm đã bủa vây. Không chỉ là việc đứt gánh giữa đường đâu, mà tôi coi như mình đã chết. Khi ấy tôi nhớ đến trang web Tiền Vệ mà có lần tôi đã mở nó ra hồi cuối hè năm 2007.

Ban đầu buồn cười là tôi còn không biết cách kết nối với ban biên tập Tiền Vệ để gửi sáng tác như thế nào vì tôi lớ ngớ về IT lắm. Chính cái hôm ở nhà tôi, một trong số các nhân viên điều tra mặc thường phục sau khi làm biên bản, quay camera các thứ ở văn phòng ở nhà tôi ra về đã nói với tôi như mỉa mai. Chắc các anh công an an ninh thấy tôi bộ dạng kinh hãi kêu oan sợ sệt thảm hại thì buồn cười lắm. Tôi đã bắt đầu phát ốm rồi. Các anh công an an ninh nói: “Nếu không am hiểu thì đừng có làm.” Các anh công an an ninh nói rất đúng. Nhưng sau tôi nghĩ: chắc cái ông đã khám phá ra châu Mỹ hẳn là đã mơ thấy châu Mỹ từ trước đó rồi mới lên đường, nhưng ông ấy đã gặp may hơn tôi. Vâng. Tôi bắt đầu biết sợ nhưng chẳng phải sợ biển cả hay bão tố trên đường đi, chẳng phải sợ thiên tai hay địch hoạ ngoại xâm. Tôi sợ tôi không ăn cắp ăn trộm mà vẫn bị săn đuổi sau lưng. Tôi yêu đất nước và công việc không quản khó khăn, yêu mọi người, mở công ty, làm giám đốc oai hay không không quan trọng, chẳng qua cũng chỉ muốn có một công việc làm phù hợp, tạo công ăn việc làm kiếm sống cho mình và cho xã hội, nộp thuế cho nhà nước, chia sẻ khó khăn lẫn nhau, công việc của tôi là phát triển sáng tạo, tôi luôn cần sự đồng thuận hỗ trợ và giúp đỡ của các cơ quan ban ngành chức năng và xã hội. Nhưng tôi chưa làm gì mà đã bị sợ thế rồi. Tôi chán, tôi ngưng, tôi bỏ.

Hồi đó, loay hoay một hồi tôi mới gửi được các tác phẩm tồn đọng lâu nay của mình cho Tiền Vệ. Bài thơ “Sưu tập mùa đông” lần đầu gửi được tiếp nhận và khen tặng trân trọng ngay trong tháng đầu tiên. Ban biên tập nêu tên bài thơ, với vài nhận xét ngắn gọn giản dị và nêu tên tôi, tôi ngạc nhiên quá! đây là tên của tôi ư? Tôi nhận ra là đã từ lâu tôi yêu tên mình biết mấy. Mà sao vẫn quá xa xôi!... Rồi lần lượt các bài khác, rồi lần lượt các sáng tác táo bạo hơn của tôi được sáng tác khá nhanh và cũng nhanh chóng được đăng tải trên Tiền Vệ. Chúng được biên tập cẩn thận. Nhưng thỉnh thoảng không biết làm sao có những lỗi kỹ thuật làm tôi vừa cáu vừa vui. Còn mỗi khi muốn decor vài từ tiếng Anh thôi vào trong các bài thơ tôi cũng viết phứa bừa và sai be sai bét (Hi! Tự nhủ kiểu AQ, sáng tạo thì vài lỗi sai cũng phải được phép chứ nhỉ), nhưng có những lỗi sai ngữ pháp như chia động từ thì ban biên tập sửa ngay làm tôi đỏ mặt mãi đến giờ khi nghĩ lại. Vì cái chất “nghệ sĩ” còn quá non mềm...

Tuy nhiên, số sáng tác tôi gửi đến Tiền Vệ bị loại trong suốt 5 năm ấy chỉ khoảng 10% thôi. Kể ra cũng không đáng chán nhiều. Ngược lại, tôi cảm thấy như được kích hoạt toàn bộ khả năng sáng tạo khi theo dõi quá trình viết của mình và của các bạn viết và đọc bài của các nghệ sĩ, các nhà phê bình, các bậc thầy và của các tác giả trong và ngoài nước đến từ khắp nơi trên khắp thế giới đăng trên Tiền Vệ. Điều quan trọng là các sáng tác, các lý thuyết, các phương pháp sáng tác mới, các thể loại phê bình... (các nguyên vật liệu) nhanh chóng được nhào trộn, sản sinh và tái tạo liên tục mới, đặc biệt là lưu thông như trong một guồng máy chuyên nghiệp.

Điều quan trọng là Tiền Vệ có cả một hệ thống như một guồng máy, và điều quan trọng là mỗi một vị trí hay đinh ốc của hệ thống và guồng máy ấy không phải là sắt thép vô cảm, lạnh lẽo, không có tiếng nói, không chỉ có ồn ào đinh tai nhức óc, mà mỗi một vị trí đinh ốc là một linh hồn con người và có đối thoại với nhau để tìm ra cái mới, nâng cấp các trình độ, hoà chung vào trào lưu văn học nghệ thuật đang diễn ra trên thế giới.

Tôi còn được khích lệ và tin tưởng bởi Tiền Vệ quy tụ một đội ngũ đông đảo các nghệ sĩ, các nhà khoa học... có tên tuổi, tài năng và trình độ chuyên môn cao đang sống và làm việc tại các cơ quan hành chính trong nước Việt Nam như: giáo sư, nhà văn Nhật Chiêu; nhà thơ văn / nhà báo Nguyễn Viện; nhà thơ Nguyễn Quang Thiều; nhà thơ văn Nguyễn Bình Phương; nhà giáo, nhà thơ Đinh Thị Như Thúy; nhà thơ Mai Văn Phấn; nhà văn, nhà nghiên cứu Hoàng Tố Mai; tiến sĩ, nhà lý luận phê bình Nguyễn Thị Từ Huy... và còn nhiều người quan trọng nữa mà tôi ngay một lúc chưa thể thống kê và liệt kê ra đây.

Lâu nay tôi vẫn viết bài cho vài tạp chí chủ yếu về đề tài những con phố và những góc chợ Hà Nội dưới dạng tản văn mà sau này tôi tập hợp in thành cuốn sách lần đầu tiên có tên là: A corner Hanoi – Chợ và Phố (nxb Hội Nhà Văn và Trung tâm sách Sài Gòn phát hành đầu năm 2012). Tôi nghĩ vui: Tiền Vệ như là một cái Chợ Lớn hiện đại bày biện văn chương và nghệ thuật Việt độc đáo trên hành tinh này. Nó quảng danh ra khắp thế giới đủ loại văn chương của người trên khắp hành tinh một cách phong phú và nóng hổi nhất bằng tiếng mẹ đẻ là tiếng Việt. Chà chà, nhưng đành tiếc khi làm bản thảo in A corner Hanoi – Chợ và Phố tôi đã không thể đưa bài viết về “chợ lớn tiền vệ” vào danh mục cuốn sách vì lý do khung và cấu trúc của cuốn sách. Hi.

Gặp được Tiền Vệ, chưa bao giờ tôi được sống trong không khí tràn ngập niềm say mê kích hoạt sáng tạo viết như vậy. Mặc dù cảm giác và ý thức về sự mạo hiểm của công việc viết này cũng không ngừng tăng lên, nhưng dần dà tôi đã học hỏi, tập luyện các cách phản vệ để vượt qua. Điều quan trọng là tôi luôn phải ý thức tìm ra điểm cân bằng trong khi viết, nếu không tôi sẽ có thể bị giết chết bất cứ lúc nào trước nhiều loại áp lực hiểm nguy đến từ chính công việc viết này mà tôi đã dấn thân vào.

Bạn hãy hình dung đi. Nếu bạn chọn sống là một nhà văn thế thì còn có gì khác hơn là bạn làm tất cả mọi công việc linh hoạt một cách tốt nhất cũng chỉ để dành cho việc viết, ước mơ viết mà thôi. Và làm nhà thơ thì cũng thế thôi. Chẳng có cách nào khác cả. Ai bảo một khi đó là tình yêu nghề nghiệp và sự lựa chọn với cam kết phải làm ra điều có ích thì chẳng có cách gì khác cả.

Bạn phải quyết tâm lên đường, phải can đảm dấn thân vào, và đúng là khi gặp Tiền Vệ, tôi không nghĩ người ta đã đẩy sự sáng tạo đi xa tôi đến mức như thế. Tôi không còn kịp cả nghĩ đến những nhược điểm của tôi: tôi còn yếu đuối, và nhiều sợ hãi. Viết như thế, mặc dù hiểm nguy nhưng cũng chính việc viết, đăng trên Tiền Vệ thời gian ấy đã cứu vớt tôi khi sụp đổ, ốm đau bởi những mất mát đau buồn và những vết thương sâu khi đi trên con đường trường này. Được viết một cách rộng mở thực sự là niềm vui sống, đấy là trải nghiệm của riêng tôi.

Tôi có lúc cảm giác như mình sống và viết như là đã chết. Nhưng cũng ơn trời đoái thương đã cho tôi biết bao niềm cổ vũ sức mạnh bằng cách này cách khác, bằng cả những chăm chút một cách vô hình nào đó để tôi nhanh chóng vượt qua chướng ngại, tai ương, tiếp tục đi qua sa mạc để tìm ra một con đường tơ lụa, đến được từng mơ ước của mình, và để sẻ chia qua chính công việc này. Đấy là con đường mà tôi đã từ bỏ mọi lợi danh để bước vào, để sống và viết một cách gian nan nhưng cũng đòi được khẳng định vững chãi.

Rồi từ đó, tôi cũng dần nhận biết văn học không phải chỉ là trò chơi của ngôn ngữ. Nó là cuộc chinh phục cuối cùng của các đỉnh cao, của tất cả những gì gọi là sáng tạo nghệ thuật trên đơn vị nhỏ nhất là ngôn ngữ.

Và lúc này tôi không giấu nữa. Có một lần tôi đã khóc mãi khi đi trên đường khi nghe tin Phạm Công Thiện đã qua đời. Và vì tôi đã rất ân hận khi tôi không dám viết tên ông lên lời đề từ trong một bài thơ viết gửi chính là để muốn nói chuyện với ông khi ông còn sống. Đấy là bài thơ “Thi sĩ và những chuyện khác”. (Và cả sau đó, những tác giả Việt Nam khác mà tôi ngưỡng mộ qua những sáng tác đăng trên Tiền Vệ.) Tôi yêu thích đọc các sáng tác thơ và truyện của Phạm Công Thiện nhiều hơn là các bài tiểu luận của ông. Ôi, Ngày sanh của rắn“Khi chiều tới gió reo trên lá rừng phong” là tâm trạng muôn đời không lặp lại và không thể tả được. Tôi thích tinh thần cái chết sau này của mình giống như ông quá! Thế nên tôi đặc biệt cảm kích ngưỡng mộ ông khi đọc lời tựa cuốn Ý thức mới trong văn nghệ và triết học bản in cũ ở Sài Gòn vào năm mà khi ấy hàng chục năm sau tôi chưa ra đời. Cuốn sách này tôi tình cờ nhìn thấy trên giá sách và mượn ở chỗ anh Dương Thắng (nhà sách Kiến thức ở Hà Nội). Tôi đã đọc bao nhiêu cuốn sách khác nhưng mãi tới năm 2009 tôi mới có dịp đọc Phạm Công Thiện lần đầu và tôi làm sao có thể không khóc mãi khi nghe tin ông giã biệt thế giới này nhẹ nhàng đến thế. Rồi. Không hiểu sao tôi cứ hình dung ra Phạm Công Thiện giống với thầy Hoàng Trọng Phiến của tôi — thầy đã dạy môn ngôn ngữ đối chiếu và ngôn ngữ tình thái ở trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội hồi xa xưa. Kể từ khi ra trường 1993 đến nay tôi chưa bao giờ có dịp gặp lại thầy nhưng tôi chẳng bao giờ quên được hình ảnh và giọng Quảng Ngãi hào khí của thầy mỗi khi giảng bài trên giảng đường ở khu Cao-Xà-Lá ở Thanh Xuân và tiếng cười thích thú của thầy khi phản biện luận văn tốt nghiệp của tôi “Tình thái ngạc nhiên trong tiếng Việt”. Có lẽ khi đọc Phạm Công Thiện, tôi cảm thấy cái ý vị văn phong của ông nặng chất giọng miền quê hương Quảng Ngãi của cả thầy tôi (mặc dù Phạm Công Thiện là người Mỹ Tho). Tôi nhớ cả hai con người.

Từ ngày đọc và cộng tác sáng tác trên Tiền Vệ (chỉ là các bài thơ) tôi quá ngố khi làm quen với các bài phê bình âm nhạc, và tôi sửng sốt khi làm sao mà tôi lại có thể đọc hiểu và nuốt chúng ngon lành trong khi tôi không biết đọc một nốt nhạc nào, cũng không biết chơi một nhạc cụ nào. Có thể có lúc tôi sẽ tập thử một nhạc cụ nào đó. Nhưng được đọc phê bình về những bậc thầy âm nhạc điên khùng nhất thế giới đăng trên Tiền Vệ coi như cũng tạm đủ. Các bài phê bình văn chương ngôn ngữ của ông Nguyễn Hưng Quốc hay các bản dịch tuyệt vời của anh Hoàng Ngọc-Tuấn thì thôi rồi khỏi nói, khó tìm thấy bản in ở các nhà sách trong nước là cái chắc. Tôi không bỏ qua bức tranh digital nào của Hoàng Ngọc Biên. Tôi không hiểu nhiều khi đọc “Quyền lực và Tự-zo” của Nguyễn Quỳnh nhưng cái cách ông viết tiếng Việt d/z thì không thể lẫn được. Tôi thường đón đợi và đọc đi đọc lại các bài thơ của Lê Văn Tài vì say say mùi vị cổ sơ đất mẹ, còn các bài thơ hình thức của ông thì lại khác hẳn. Lưu Mêlan cũng rất hay lên và ẩn chứa kỳ lạ. Gần đây tôi ít đọc cô. Lê Minh Phong cũng rất hay và nghịch, lạ. Hoàng Long thì luôn có cái vị xa xôi tinh tế của Nhật Bản. Và một chút nhớ cho cô gái có tên là Phạm Thị Điệp Giang với các bài thơ entry đánh số của cô ấy lâu rồi không thấy nữa... Còn một nhà thơ tên là... Minh, sao lúc này tôi bỗng quên mất tên đầy đủ của ông, tôi luôn nhìn thấy các cái bài thơ của ông xuất hiện hàng ngày trên Tiền Vệ có khi hàng chục năm qua, không ngày nào là không có bài thơ của ông, mà có bói cũng không tìm thấy kiểu làm thơ như thế...

Nhân chuyên đề 10 năm Tiền Vệ tôi muốn gửi lời cảm ơn đến toàn thể ban biên tập và bạn viết đã đồng hành, cổ vũ cho tôi trong sáng tạo trong khoảng năm năm tôi đồng hành cùng trang web này (2007-2011), dù các sáng tác sau này của tôi chỉ được giữ lại làm rác ở đâu đó hay trong hộp thư mà tôi có gửi cũng chưa chắc đã được đăng. Có nhẽ Tiền Vệ đã muốn để tôi đi về nơi tôi luôn muốn được ở lại là Hà Nội. Ở đây tôi đã tìm lại được một gia đình lớn và con trai tôi, cùng với những đứa trẻ đáng yêu, chúng cũng luôn cần được bảo vệ trước những thế lực đen tối. Vắng ai thì chợ cũng vẫn đông nhưng người ta còn nhớ đến tìm nhau không thì tôi cũng chịu. Hic.

Còn bây giờ không biết có dịp nào tốt hơn, nhân chuyên đề 10 năm Tiền Vệ tôi muốn điểm lại các chặng 10 năm của đời mình theo kiểu tiền vệ, kèm một bút tích nhỏ gửi các bạn viết trẻ nếu có bạn nào muốn bước chân vào con đường khám phá văn chương đầy gian nan nhưng phải nói tràn ngập say mê say này. 10 năm đầu tiên của tôi: bú mẹ / suýt chết vì đi tướt / ăn bột / tập lẫy / tập đi / tập nói / viết chữ / bế em / giúp mẹ / trông nhà / trốn chạy / viết. 10 năm tiếp theo: giúp mẹ / trông nhà / giữ em / đi học / viết. 10 năm tiếp theo: đại học / làm đủ thứ việc kiếm sống / phụ giúp các em học / lấy chồng / sinh con / làm dâu / làm nhà / viết. 10 năm tiếp theo: làm vợ / làm mẹ / làm dâu / kiếm tiền / khởi xướng giải thưởng thơ nữ Lá Trầu / gặp Tiền Vệ / bố chồng và chồng chết / mất việc làm / ốm đau / nuôi con một mình / viết. 10 năm tiếp theo: thất nghiệp thường xuyên / đoạn tang / tìm kiếm việc mới / nuôi con ăn học / mất một người bạn quan trọng tên Đinh Vũ Hoàng Nguyên / in xong 4 cuốn sách / không được khoẻ như hồi trẻ / viết tiếp / có thể bị giết chết bởi nhầm lẫn, hay bởi các thế lực đen tối, nếu không được thấu hiểu và bảo vệ bằng tình thương yêu. 10 năm tiếp theo: nếu không chết, chắc chắn vẫn tiếp tục sống và viết hết ra các ước mơ từ hồi nhỏ.

Sau đây là bút tích.

 

Anh!

 

Anh có phải là người đàn ông kiêu hãnh nhất trên đời không? Hay chỉ tại ngày ấy tình yêu trong em giống như một cánh rừng hoang sơ, xa lạ, em là con nai nhỏ đói đi tim lộc non, khát đi tìm nước uống nhưng chỉ vì nhút nhát nên không dám bước vào.

Ngày nào em cũng gặp anh đi qua con đường ấy, con đường rợp bóng đại thụ và lá chỉ rụng vào cuối mùa Hè. Em trông thấy anh cao lớn, mạnh mẽ, ngời sáng như một vị Chúa tể chốn rừng sâu. Em đứng ngắm anh say mê ngưỡng mộ nhưng chẳng bao giờ dám lại gần.

Ôi! giá mà em có được chiếc đũa thần của bà tiên trong câu chuyện cổ tích ngày bé em đọc, em chỉ xin gõ đúng một cái thôi và ước: “Anh hiện ra ngỏ lời yêu ta thì hạnh phúc biết nhường nào.”

Ngày ngày anh vẫn đi qua con đường ấy, con đường rợp bóng đại thụ, đầu ngẩng cao như một vị Chúa tể. Còn em giống như cô bé Lọ Lem ở trong cái xó tối tăm của mình. - “Sẽ chẳng có chiếc đũa thần nào đâu cô bé ạ, nếu cô không bao giờ mở trái tim của cô cho chàng trai kia thấy.” Xó tối bảo em thế.

Em bắt đầu ngồi viết những bức thư cho anh, nhưng em chẳng biết gửi cho anh bằng cách nào. Thậm chí đến tên của anh em cũng không biết nữa. Em đã nghĩ ra một cách thú vị, nắn nót chép thư vào một cuốn sổ nhỏ xíu rồi chờ một ngày nào đó đặt trên con đường anh vẫn đi qua. Nghĩ đi nghĩ lại em thấy cách ấy không ổn. Nhỡ anh không nhặt lên hay ai đó khác đọc được thì thật xấu hổ. Hoặc ngộ nhỡ anh không yêu em rồi chế giễu em thì sao. Ý nghĩ đó khiến em buồn vô hạn.

Tuy nhiên em vẫn đợi để được nhìn thấy anh đi qua con đường ấy, nhưng chẳng bao giờ anh nhìn thấy em cả. Anh sáng ngời như một vị Chúa tể cơ mà. Một vị Chúa tể thì không thể sánh với một cô bé Lọ Lem là em được. Nghĩ thế, em lại về nhà soi gương ngắm mình. Em thấy em cũng không đến nỗi nào. - “Thử trang điểm tí chút, thử cười lên xem nào! Cô sẽ xinh đẹp hơn cô bé ạ.” Xó tối bảo em thế. Chính em cũng phải ngạc nhiên vì mắt em giờ đây lấp lánh như có lửa. Có phải tình yêu đó không anh? Em đi ra phố lòng xôn xao hy vọng.

Ngày ngày anh vẫn đi qua con đường ấy, kiêu hành như một vị Chúa tể. Sao anh không nhìn em một lần hả anh? Em đang bước vào thời thiếu nữ. Tóc em xanh và má em hồng. Đã có nhiều chàng trai để ý đến em nhưng em chẳng để tâm đến họ. Trong trái tim em đã khắc dấu hình ảnh anh rồi. Tình yêu anh dát lên tất thảy mọi thứ trên đời khiến cho chúng trở nên long lanh, rực rỡ. Em vẫn xuyến xao nỗi đợi chờ hy vọng.

Mấy ngày không thấy anh đi qua con đường ấy em thẫn thờ như kẻ mất hồn. Hàng cây đại thụ cũng trở nên xơ xác lá vàng. Em nhớ ra là mùa Hạ đã đi qua.

Anh không còn đến nữa. Anh đã tìm cho mình con đường khác để đi rồi. Có lẽ nào...? Không. Em không thể mất anh. Anh sáng ngời như một vị Chúa tể cơ mà. Một vị Chúa tể thì không thể sánh với một cô bé Lọ Lem là em được.

Em về học hành chăm chỉ từ đó. Nhất định em phải tìm đến được con đường của anh. Không trở ngại nào ngăn được trái tim em tìm đến với anh. Niềm say mê ấy đã kéo em đi và rồi em cũng đến được con đường đó.

Bây giờ. Ngày nào mình cũng gặp nhau. Đôi khi anh nhìn vào mắt em nhưng chẳng lần nào thấy anh mỉm cười với em cả. Vị Chúa tể của em ơi! Anh không nhận ra em sao? Lòng em trách anh vô tình, vô ý. Anh có phải là người đàn ông kiêu hãnh nhất trên đời không?

Mùa Đông sang cô đơn, lạnh lẽo. Em co ro trong tấm chăn mỏng của mình. Em còn nghĩ đến vòng tay của anh và cảm giác được sưởi ấm, chở che. Cứ như thế em đợi mùa Xuân đến.

Đã mấy mùa Xuân qua rồi, đêm mưa nào em cũng thức đợi trời sáng. Sao những cơn mưa trong đêm dài và buồn thế hở anh? Em không thể chờ đợi lâu hơn được nữa, nhưng tìm đâu ra lửa để đốt lên trái tim băng giá của anh? Chẳng lẽ em mãi mãi là con nai con nhút nhát hay sao? Không, em phải nói với anh thôi cho dù anh không bao giờ yêu em. Em cần phải cho anh biết điều sâu kín này. Em can đảm nghĩ.

Ngày mai đến. Em ngắm lại mình trong gương một lần nữa, rồi đi ra con đường mình vẫn ngày ngày đi qua và đứng đấy để đợi anh. Để chỉ nói với anh một lời thôi, rằng: Em yêu anh, yêu anh rất nhiều... Rồi sau đó anh cầm tay em, mỉm cười và mình cùng đi trên con đường thân yêu mãi mãi... Em bừng tỉnh giấc mơ khi thấy anh từ xa.

Nhưng hôm nay anh không đi một mình. Bên anh là một người con gái khác. Cô ấy đẹp như một nữ hoàng. Xem kìa! Nàng cười với anh thật hạnh phúc, còn anh thì xứng với nàng làm sao!

Em chợt hiểu. Em đã đến muộn mất rồi và chiếc đũa thần kia không bao giờ linh nghiệm nữa. Có một cô bé Lọ Lem suốt đời ở trong cái xó tối tăm của mình.

Em buồn rầu trở về trong đêm cô độc. Con đường thân quen phút chốc trở thành xa lạ. Em biết phải làm gì bây giờ?. Em ngồi xuống bên cỏ nhìn những vì sao đêm lấp lánh trên trời và nghĩ: anh cũng giống như những ngôi sao ấy, xa xôi mà em không bao giờ đến được.

Anh có phải là người đàn ông kiêu hãnh nhất trên đời không? Hỡi vị Chúa tể của em!

 
(Cư xá Mễ Trì tháng chạp 1989)

 

Phải nói khi tôi viết bút tích này thì chẳng có chúa tể nào kiêu hãnh như thế cả. Tất cả chỉ là tưởng tượng khao khát bé thơ, niềm đau, nỗi tuyệt vọng, những giấc mơ nhanh chóng bị phản bội. Nhưng nó báo trước con đường đi vào văn chương của tôi. Lạ kỳ là cho đến giờ đọc lại tôi vẫn còn y nguyên cái cảm giác bi kịch cổ tích đau đớn tưởng tượng ấy. Nhưng giờ đây thì hoàn toàn là niềm hạnh phúc. Bút tích này nằm im trong cuốn sổ bị quên suốt gần hai mươi năm qua.

Và tôi muốn nói với các bạn trẻ sắp viết rằng nếu các bạn cứ đi tìm, những giấc mơ rồi cũng thành hiện thực. Cho dù có lúc phải chịu thân phận như một tên tù khổ sai. Bị săn đuổi. Viết là một công việc đầy đe doạ, nguy hiểm nhất và sợ hãi nhất. Nhưng nếu quyết tâm đi, các bạn cũng sẽ đến, và chạm tới những vì sao. Nếu không ở đâu đăng sáng tác của các bạn, các bạn cứ đi rồi cũng lại tìm thấy một trang mạng rộng mở như Tiền Vệ. Tiền Vệ sẽ đón bước chân các bạn, chắp cánh cho các bạn bay trong bầu trời sáng tạo. Rồi từ đó các bạn sẽ tìm lại được về quê hương yêu dấu của mình thôi. Tin cậy thì không thể bị phản bội, đấy là một câu nói của Osho. Không dễ tin bất cứ điều gì nhưng tin cậy sâu trong trái tim một điều tốt lành ấp ủ, rồi chịu khó làm việc các bạn sẽ thấy các phép nhiệm màu. Đấy là câu nói của tôi. Và đó hoàn toàn là điều có thật.

 

From Hanoi, Viet Nam
Merry Christmas & Happy New Year to Tien Ve
Lê Ngân Hằng

 

----------------------------------

Các tác phẩm cùng đề tài:

[10 NĂM TIỀN VỆ] ... thôi thì viết ra những điều này, như một cách tâm sự đồng thời tri ân độc giả Tiền Vệ đang sống nơi nào đó, trong hoặc ngoài quê hương: một buổi sáng yên ấm trong những ngày cuối năm 2012 của nhà văn lê thị thấm vân / và tôi cũng xin thú thật rằng, để có một buổi sáng yên ấm như sáng nay, thật không dễ dàng chút nào / bởi ai cũng biết: sống mà... (...)
 
[10 NĂM TIỀN VỆ] ... mười năm không ngờ / tự vươn sau cơn đột qụy hẳn mình đồng da sắt / tâm hồn chẳng màng tâm hồn / thể xác không dung thể xác / và trái tim titan... (...)
 
[10 NĂM TIỀN VỆ] ... Một phụ âm bị xoá / Vì nó không biết sợ / Những nguyên âm bị xoá / Vì nó không nghe lời // Tựa như chúng ta phải nằm ngửa trên đời / Khi câu thơ bị rơi / Trắng tênh hênh trang giấy... | ... Đâu rồi những ngôn ngữ cười như toả nắng / Cái giếng đầy ứ chữ tiếc thương / Dâng lên như nước mạch... (...)
 
[10 NĂM TIỀN VỆ] ... Xuất hiện trên Tiền Vệ như là một cách xác tín tính cách văn chương của mỗi con người và tác phẩm của mình. Ở đây bạn sẽ biết sự lan toả của mình đi đến đâu. Với tôi, mỗi lần xuất hiện trên Tiền Vệ là một lần vui... (...) (...)
 
Đảm nhận vai trò lịch sử...  (tiểu luận / nhận định) - Ngự Thuyết
[10 NĂM TIỀN VỆ] ... Tiền Vệ với một Ban Biên Tập chuyên nghiệp, với số cộng tác viên hùng hậu, và với hai người chủ biên đa năng, đa hiệu, và đầy tâm huyết, sẽ xứng đáng đảm nhận vai trò lịch sử của nó... (...) (...)
 
Vài ghi nhận, 10 năm Tiền Vệ  (tiểu luận / nhận định) - Ðinh Trường Chinh
[10 NĂM TIỀN VỆ] ... Một sân chơi tuy mới mà quen thuộc. Nơi sau đó tôi sẽ gửi đến những gì ưng ý nhất. Nơi tôi sẽ đọc những sáng tác xóa bỏ đường viền, thành kiến, xóa bỏ sự cũ kỹ trong nghệ thuật, và học hỏi được nhiều điều mới từ những lý thuyết mới trong nghệ thuật đương đại. Nơi tôi được “gặp” rất nhiều nhà thơ, nhà văn, trẻ trong nước, có người tôi chỉ thấy sáng tác đăng trên tienve.org. Khoảng cách thu hẹp. Một sân chơi đích thực cho văn chương nghệ thuật Việt trên toàn cầu... (...) (...)
 
[10 NĂM TIỀN VỆ] ... Tôi ước mong Tiền Vệ sẽ tồn tại mãi để mọi người có nơi mà trở về sau những giờ làm việc cực nhọc, sau những lần vật vã đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày... (...) (...)
 
Hoàng Ngọc-Tuấn và tôi  (ký sự / tường thuật) - Nguyễn Đạt
[10 NĂM TIỀN VỆ] ... Kỷ niệm đặc biệt với Hoàng Ngọc-Tuấn, tôi rất trân trọng, lưu giữ mãi ở bìa sau một quyển truyện của tôi: những dòng anh viết về 22 Truyện ngắn Nguyễn Đạt, hầu hết là những truyện ngắn đã đăng ở Tiền Vệ... (...) (...)
 
[10 NĂM TIỀN VỆ] ... Đó là một cuộc se duyên vui vẻ nồng ấm / giữa niềm đam mê bất tận của tôi / những tế bào sống động từ não / hình hài bằng tháng năm / với người tình lạnh lùng / trên screen nâu và xám... (...)
 
Tiền Vệ là gì?  (thư toà soạn) - Tienve.org
[10 NĂM TIỀN VỆ] ... Trong 10 năm qua (2002-2012), thỉnh thoảng lại có một vài người thắc mắc về ý nghĩa của chữ “Tiền Vệ”. Thật ra, đó là một câu hỏi mà nhiều người đã đặt ra từ khi trang TIỀN VỆ vừa khai sinh, và chúng tôi đã có đăng một bản tin với nhan đề “Tiền Vệ là gì?” vào ngày 28/1/2003 để giải thích về điều này. Hôm nay, chúng tôi xin đăng lại nguyên văn bản tin ấy để các bạn tiện tham khảo... (...) (...)
 
[10 NĂM TIỀN VỆ] ... hòng mọi thứ suôn sẻ thêm mười năm / hai mươi năm / năm mươi năm / trăm năm / hòng cũng “vui thôi mà!” kiểu bùi giáng / ưa nói // cho tiền vệ... (...)
 
[10 NĂM TIỀN VỆ] ... Tôi chồm hổm ngóng đợi bình minh / con chữ hy vọng bò lên mắt / đường thơ chảy thành dòng nước thánh / tẩm liệm ngày cửa đóng / tôi mở mắt / tôi mở thơ / tôi mở cờ / tôi mở tôi... (...)
 
Những điều có thật  (tiểu luận / nhận định) - Lê Minh Phong
[10 NĂM TIỀN VỆ] ... Tôi thường khoái hoạt rít thuốc và uống café rồi chậm rãi đọc lại những tác phẩm của mình trên Tiền Vệ giống như cái cách mà một đứa bé để chiếc banh quy sữa thấm dần rồi tan biến trên đầu lưỡi của mình. Đương nhiên, sau khi đã xuất hiện trên Tiền Vệ thì những truyện ngăn của tôi đã trở nên hoàn hảo hơn... (...) (...)
 
Từ báo in Việt đến báo mạng Tiền Vệ  (tiểu luận / nhận định) - Phan Đức
[10 NĂM TIỀN VỆ] ... Từ lâu, tôi luôn tâm niệm làm thơ là phải sáng tạo, là làm ra sự độc đáo của riêng mình, và không giống ai, còn nếu không làm được như vậy thì nên ngừng viết. Dù thế, chính tôi đến nay vẫn không thích làm thơ kiểu mới nhưng mặt khác cũng rất trân trọng người làm thơ có ít nhiều sáng tạo, chứ không còn dị ứng như trước!... (...) (...)
 
10 năm Tiền Vệ  (tiểu luận / nhận định) - Black Raccoon
[10 NĂM TIỀN VỆ] ... Thật ra, tui không rõ nhóm chủ trương Tiền Vệ đặt tên tờ báo theo nghĩa nào. Tiền Vệ trong bóng đá Forward, hay Tiền Phong trong văn học Avant-Garde? Có lẽ là Tiền Vệ trong bóng đá. Xung phong, tấn công. Dĩ nhiên là có mục tiêu. Trong bóng đá Soccer, người tấn công cần tốc độ, kỹ thuật và cả nghệ thuật phối hợp lắt léo đẹp mắt. Tờ Tiền Vệ dường như có đầy đủ các yếu tố này... (...) (...)
 
[10 NĂM TIỀN VỆ] ... Tự do, tôn trọng mọi thể nghiệm nghệ thuật mới nhất. Cái này là vô cùng quan trọng. Đối với Tiền Vệ, tác giả được thỏa sức viết, viết về bất cứ điều gì chỉ cần ráng viết sao cho hay là được... (...) (...)
 
[10 NĂM TIỀN VỆ] ... hãy bày biện ra / hãy chuyên chở tới / hãy gởi đi xa về phía trước / hai mươi năm / ba mươi năm nữa / thơ ta vỗ nhịp điệu nhớ nhung xanh sắc màu lá biếc / thời tienve.org... (...)
 
[10 NĂM TIỀN VỆ] ... Akhmatova, người nói câu ấy, ai treo chị ở đây không phải là tình cờ, họ biết tôi sẽ tới, nhìn ngắm, như chị đã nhìn ngắm những ngôi sao đuối mệt trên Neva, trên những vách nhà tù đỏ và ghi nhận, những câu nói chạy ngược vào trong, nhập tâm, nhập nhập tâm... (...) (...)
 
[10 NĂM TIỀN VỆ] ... Thở nhẹ thời gian / bằng khói từ kẽ tay / nơi một que diêm / vừa cháy hết mười năm / màu đỏ của lửa / vẫn bập bùng trong tay khuya... (...)
 
[10 NĂM TIỀN VỆ] Bếp lửa quê nhà / quạnh quẽ / mùi lá khô cây khô cỏ khô da khô máu khô thôi thúc cháy / chữ nghĩa cong khô vặn vẹo nằm phơi nắng cả / bút mực cũ càng chỏng chơ bụi bặm góc nhà... (...)
 
Hơn một ngàn ngày  (tiểu luận / nhận định) - Khuất Đẩu
[10 NĂM TIỀN VỆ] ... Khi Talawas tự đình bản, tôi nghĩ mình cũng chết theo. Không ngờ lại đầu thai ở Tiền Vệ. Hóa ra là đã 1000 ngày! Một ngàn ngày chạy theo anh em cũng muốn hụt hơi. Nhưng mà vui. Cái vui lớn nhất là được sống trong không khí bát ngát của tự do. Tự do viết, tự do suy tưởng. Chẳng phải mang một cái vòng kim cô nào hết... (...) (...)
 
[10 NĂM TIỀN VỆ] ... đôi chân cứng như đồng / đá ngoạn mục đá nhanh / trên sân chơi văn học / trọng tài là lương tâm // mười năm chơi trên sân / đối thủ phải nể nang / vì tinh hoa đấu pháp / và cú sút vô song... (...)
 
[10 NĂM TIỀN VỆ] ... đêm cởi áo để lưng trần quạt gió / cơn nóng hung hăng kẹp nách đo nhiệt kế / trái tim bung vỡ hục hặc hoài nghi / nhịp đập méo mó dò la tâm tưởng / gõ gõ như điên lên những con chữ // tiếng cười lù khù trong cổ họng / mừng một niên tiền vệ hoành hành / cho tôi siết tay một cái nhe... (...)
 
Tiền Vệ: văn học xung phong  (ký sự / tường thuật) - Bùi Văn Phú
[10 NĂM TIỀN VỆ] ... Thủ môn, hậu vệ, trung vệ và tiền vệ là ngôn ngữ thể thao. Khi nghe tên Tiền Vệ tôi mường tượng đến những cặp giò dai sức, xung phong tấn công, ở đây là tính xung phong trong văn học... (...) (...)
 
Không có sự cô độc nào  (tiểu luận / nhận định) - Trần Tiến Dũng
[10 NĂM TIỀN VỆ] ... Giờ đây nhìn lại, tôi thấy mình chính xác khi đã tin rằng Tiền Vệ là miền đất hứa của phẩm chất văn học tiên phong và ý thức tự do... Không có sự cô độc nào trước bóng tối ác hiểm của hệ thống độc tài kiểm duyệt và đặt bẫy. Đã chọn là thi sĩ và nhà văn tự do thì không có sự cô độc nào, cho dẫu là vẻ ngoài. Sự thật là vậy, bởi sự kiên nhẫn khinh thường loại chữ nghĩa chuồng trại luôn có không khí sạch và cần thiết hơn cho ý thức và sáng tạo... (...) (...)
 
[10 NĂM TIỀN VỆ] ... 10 năm Tiền Vệ là cả chặng đường dài của tờ báo mạng về văn học nghệ thuật, nhưng để hình thành “một khối Thịnh Vượng Chung của văn học nghệ thuật Việt Nam, nơi, bất chấp những dị biệt về địa lý và chính trị, mọi người có thể gặp gỡ nhau trong nỗ lực tìm tòi và thử nghiệm để trả công việc sáng tác trở về đúng nguyên nghĩa của nó: làm ra cái mới” thì quả là một thử thách cam go, ác liệt!... (...) (...)
 
10 năm Tiền Vệ  (ký sự / tường thuật) - Lê Trung Tự
[10 NĂM TIỀN VỆ] ... Đến khi Tiền Vệ chính thức ra đời, tôi bỗng nhiên trở thành một độc giả hết sức trung thành. Sáng, tôi đến chỗ làm sớm hơn những người khác, việc đầu tiên là mở internet và bấm vào nút trang nhà tienve.org; giờ nghỉ buổi sáng, tienve.org; giờ ăn trưa, tienve.org; trước khi tắt máy ra về, tienve.org; buổi tối, trước khi đi ngủ, tienve.org... (...) (...)
 
[10 NĂM TIỀN VỆ] ... tôi thấy giấc mơ tôi nguyên vẹn trên lưng còng gió / tôi quay về khu vườn bỏ hoang / xác nhận sự tồn tại của chữ / tôi ngắm kỹ diện mạo thơ / và tôi không ngủ... (...)
 
[10 NĂM TIỀN VỆ] ... luôn mở ra / ở phía trước / xa thẳm / những con đường / nhìn ngược thời gian / đánh thức những giấc mơ / đêm cứ chảy dài / xoã tung trời mái tóc / nghe bên trong / một giọng nói huyền / lặng thanh... (...)
 
[10 NĂM TIỀN VỆ] ... Sẽ có vụ mùa tốt khi khí hậu văn học nghệ thuật không còn ô nhiễm vì chính trị; khi người sáng tác vượt lên được sự cô quạnh của hoàn cảnh sống cùng sáng tác của mình. “Thập niên đăng hoả” của Tiền Vệ với những bước tiến mạnh mẽ về phía trước: “Hé cửa vào mai sau”... (...) (...)
 
[10 NĂM TIỀN VỆ] ... Cho tới bây giờ tôi vẫn luôn nghĩ rằng khi cần một nơi để gởi gắm trái tim mình tôi sẽ tìm đến Tiền Vệ, nơi tôi có thể vào và bỏ lại những xao xác, áp lực của cuộc sống trong thơ, văn. Nó là bến cảng của các con tàu cảm xúc, chốn trú ẩn của những tâm hồn yêu văn chương, âm nhạc nghệ thuật... (...) (...)
 
[10 NĂM TIỀN VỆ] ... ngày qua đi / tấm khăn choàng của sương mù / phủ lên tôi / với các từ bí mật / nhưng trong cái nhìn hoài nghi của bạn, nơi mà thế giới đã đi vào / tôi là ai, có thể... (...)
 
Mười năm Tiền Vệ (2002-2012)  (tiểu luận / nhận định) - Nguyễn Hưng Quốc
[10 NĂM TIỀN VỆ] ... Trước, tôi đã biết, trên lý thuyết, tính tốc độ và tính toàn cầu của internet, nhưng chỉ với Tiền Vệ, tôi mới cảm nhận được, một cách trực tiếp, ý nghĩa thực sự của hai đặc điểm ấy... (...) (...)
 
Khi chúng đến  (truyện / tuỳ bút) - Lưu Diệu Vân
[10 NĂM TIỀN VỆ] ... Tôi phát hiện mình đang lơ lửng trong một thòng lọng kết bằng những còng dấu hỏi. Tôi thấy chúng ập đến, chưa kịp hỏi câu cuối cùng. Tại sao phải luôn cần biết? ... (...) (...)
 
Bút nữ Tiền Vệ  (nhiếp ảnh) - Tú Trinh
[10 NĂM TIỀN VỆ] Tác phẩm nhiếp ảnh ghép (photo collage), thực hiện vào tháng 11.2012...
 
Những ý nghĩ trên ghế bố  (ký sự / tường thuật) - Thận Nhiên
[10 NĂM TIỀN VỆ] ... Bạn có tò mò, vậy chứ toà soạn của Tiền Vệ được đặt ở đâu? Tôi xin mời bạn đến thăm nhé. Nó ở đây. Trong căn phòng này. Ông chủ biên đã đọc những gì bạn viết ở đâu ư? Ở đây, trên mặt bàn bề bộn này. Văn chương của bạn viết được đọc với những thứ gia vị gì ư? Bạn thấy đó, cái gạt tàn đầy ắp chưa được đổ và hai chiếc ly chỉ còn cặn rượu... (...) (...)
 
Tiền Vệ & tôi  (ký sự / tường thuật) - Nguyễn Viện
[10 NĂM TIỀN VỆ] ... Với Tiền Vệ, gần như tôi được thỏa chí viết. Tôi có thể viết bất cứ thứ gì tôi nghĩ và tôi muốn. Viết không theo một khuôn khổ nào. Viết sao cũng được... (...) (...)
 
[10 NĂM TIỀN VỆ] ... có thể nói suốt mười năm qua, trang mạng tienve.org đã làm được công việc đi tiên phong trong việc giới thiệu những cái mới của văn học và nghệ thuật thế giới, cả trong lĩnh vực hư cấu lẫn lĩnh vực phi hư cấu... (...) (...)
 
Duyên vui  (ký sự / tường thuật) - Hiệp Phong
[10 NĂM TIỀN VỆ] ... Luôn luôn đi trước, thay đổi, mới lạ không ngừng mới là Tiền Vệ. Nhân kỷ niệm 10 NĂM TIỀN VỆ, gọi là: lời quê chắp nhặt dông dài, tôi mạn phép góp đôi dòng “lưu bút” vào ngày này như một lời chúc mừng, như một bó hoa tươi thắm gửi tặng đến Ban Biên Tập Tiền Vệ. Một Tiền Vệ trí tuệ, phong phú, tinh tường — một Trái tim Nghệ sĩ... (...) (...)
 
[10 NĂM TIỀN VỆ] Tác phẩm sơn dầu trên bố, thực hiện vào tháng 11/2012...
 
[10 NĂM TIỀN VỆ] ... hằng ngày tôi đến thăm em / thỉnh thoảng bắn lên trời những nụ hôn / em ngồi lựa chọn / chỉ nhặt những cái lăn lộn / những cái điên tiết / chẳng giống ai... (...)
 
[10 NĂM TIỀN VỆ] ... Nhân kỷ niệm 10 năm Tiền Vệ, xin cảm tạ quý bằng hữu đã cho tôi có cái đà bung tiếp trong cuộc chơi thơ ca văng mạng. Và xin tặng anh em chủ trương Tiền Vệ một lẵng hồng nhung thắm đượm tình quê, tình người.... (...) (...)
 
[10 NĂM TIỀN VỆ] ... những chiến binh / làm lịch sử sống động / họ luôn đi về phía trước / với lòng vô uý / mặt trời rực rỡ trong tim / thời gian đối với họ là niềm xác tín... (...)
 
[10 NĂM TIỀN VỆ] ... bầu trời mãi bỏ đi, hướng gió giả vờ / con bồ nông trong mũ bơi huýt sáo / những chiếc lông chim chầm chậm xoay vòng / giấc mơ bị sờn của tôi mắc kẹt trong cát lún... (...)
 
[10 NĂM TIỀN VỆ] Khi bạn cứa vào cổ tay / Cắt đứt nỗi đau đang giày vò bạn / Máu chảy đến khi bạn cảm thấy cơ thể mình trống rỗng / Như hàng ngày bạn vẫn xả nước thải xuống cống / Máu chảy ra thì lạnh... (...)
 
Cơn mộng giữa rừng phong (truyện / tuỳ bút) - Hoàng Long
[10 NĂM TIỀN VỆ] ... Đã hết một mùa thu ư? Anh thấy mình ngồi đây đã ngàn năm, đã qua bao mùa trăng, bao nhiêu lần lá đổ. Nhưng đồng hồ mới chỉ hai giờ rưỡi chiều. Mới ba mươi phút trôi qua. Mặt ao vẫn lặng lẽ, đàn vịt nhỏ vẫn bơi bơi, gió nhẹ thổi những lá phong rơi rải rác, ngôi chùa vẫn yên tĩnh trầm tư. Tiếng chuông chùa đã thức tỉnh anh khỏi cơn đại mộng. Cuộc đời có khác gì một giấc chiêm bao giữa trưa thu?...
 
[10 NĂM TIỀN VỆ] Như một tiền đạo / lao về phía trước / không lùi lại / cũng không đứng lại / đứng lại là lùi lại / hậu vệ // Thoát khỏi ngã ba / chữ nghĩa giương biểu ngữ / trên mặt sông đang chảy / ra biển lớn...
 
[10 NĂM TIỀN VỆ] ... Thúy đã nói: / Tiền Vệ là nơi chúng ta sẽ công bố lần đầu tiên những tác phẩm của mình. / Như Mẹ đã chọn nơi ấm áp để sinh chúng ta... (...)
 
[10 NĂM TIỀN VỆ] ... Tranh acrylic trên bố, sáng tác năm 2011. Hoạ sĩ gửi riêng cho Tiền Vệ như một lời chúc mừng sinh nhật 10 năm...
 
[10 NĂM TIỀN VỆ] ... Có gì / ngoài khung cửa ấy / bức tường chắn lối mòn như tất cả những bức tường / trên đời / chiếc cửa sổ kéo rèm vàng nhạt, khung cửa cao quá đầu người / mờ đục / có gì / ngoài khung cửa / cây con đã đâm lên từ sau ô kính... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021