thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Xem triển lãm dọc bờ biển Bondi, Úc

 

Ở Úc thường có các cuộc triển lãm ngoài trời. Riêng tại Sydney, nổi tiếng và thu hút nhiều khách thưởng ngoạn nhất là cuộc triển lãm mang tên “Điêu khắc dọc theo biển” (Sculpture by the sea) tại Bondi, một trong vài bờ biển đẹp nhất của tiểu bang New South Wales.

Bondi cách trung tâm thành phố Sydney khoảng 7 cây số về hướng đông. “Bondi” (hay còn được viết là “Boondi”) vốn là tiếng thổ dân, nghĩa là tiếng sóng vỗ trên đá. Cái tên ấy cho thấy hai đặc điểm lớn của bờ biển này là sóng lớn và đá nhiều. Bãi biển có hình cánh cung. Khoảng giữa, hõm sâu vào đất liền, dài khoảng một cây số, có bãi cát trống và bằng phẳng có thể tắm được. Còn hai bên là những triền đá dốc cao, có khi thẳng đứng, có khi thoai thoải xuôi xuống mặt nước. Chính ở hai triền đá ấy, người ta mới thấy vẻ đẹp của bãi biển Bondi vì đá làm cho sóng thành tiếng dội ầm ì và cũng làm cho sóng có bọt trắng xóa.

Chính vì thế, dân Sydney cũng như du khách từ những nơi khác rất thích đến bãi biển Bondi. Mùa hè, người ta đến để tắm, các mùa khác, trời lạnh, không tắm được, người ta ngắm biển và nghe tiếng sóng vỗ. Năm 2007, Bondi được ghi vào Guinness World Record với hình ảnh 1,010 phụ nữ mặc bikini trên bãi biển.

Nhưng với tôi, điều gây ấn tượng mạnh nhất ở Bondi là các cuộc triển lãm ngoài trời được tổ chức hằng năm, kéo dài ba tuần, từ tháng 10 đến tháng 11. Mỗi cuộc triển lãm như vậy thường tập hợp khoảng trên 100 tác phẩm điêu khắc hoặc sắp đặt (installation) của nhiều nghệ sĩ ở Úc cũng như từ các quốc gia khác. Bắt đầu từ năm 1997, đây là cuộc triển lãm ngoài trời miễn phí cho quần chúng lớn nhất trên thế giới.

Năm nay, cuộc triển lãm bắt đầu từ ngày 18 tháng 10 đến ngày 4 tháng 11 với sự góp mặt của 49 nghệ sĩ tại New South Wales, 28 nghệ sĩ từ các tiểu bang khác và 36 nghệ sĩ quốc tế. Ban tổ chức ước tính có khoảng trên nửa triệu người đến xem.

Bận bịu, tôi chỉ có thể đến xem được vào ngày cuối cùng, Chủ nhật 4/11. Tôi rủ chị Hoàng Ngọc Trâm, anh Lê Trung Tự và Patricia (một người bạn Tây-ban-nha) cùng đi. Chúng tôi hẹn nhau đến thật sớm để cùng ngắm cảnh mặt trời mọc, nhưng rất tiếc cũng không nhìn thấy được cảnh mặt trời mọc vì hôm ấy mây mù nhiều quá.

Nhưng chúng tôi được đền bù vì cuộc triển lãm thật tuyệt. Các tác phẩm được bày rải rác trên quãng đường đi bộ từ Bondi đến Tamarama. Con đường nằm khá cao, cách biển bằng những bờ đá chồng lên nhau san sát, chạy đều xuống thềm nước đang nổi bọt trắng xóa.

 

Bondi

 

Tác phẩm đập vào mắt mọi người là chữ VIEW lớn được dựng trên một mỏm đá cao nằm giữa Bondi và Tamarama. Chữ sơn màu đỏ nổi bật trên màu xanh của nước biển và xa hơn, màu xanh nhạt của bầu trời. Một cách hoàn toàn ngẫu nhiên, lúc tôi bấm máy, có một thanh niên mặc áo thun đỏ ngồi ngắm chữ VIEW màu đỏ ấy, và một phụ nữ đi ngay phía trước của tôi cũng mang một đôi giày màu đỏ. Ba mảng màu đỏ, xếp thành hình ngang, từ lớn đến nhỏ, nổi lên màu đá, như một sự sắp đặt bất ngờ.

 

Dave Mercer, NSW, viewTM

 

Có một quãng, người ta cắm 222 thân tre, trên đỉnh có mấy cái chong chóng, để tưởng nhớ 222 nạn nhân (trong đó có 88 người Úc) bị chết trong vụ đặt bom khủng bố ở Bali ngày 12 tháng 10 năm 2002 (Ở Bali, người ta hay dựng những thân tre có chong chóng như vậy để đuổi chim). Gió biển thổi lồng lộng làm các chong chóng trên đầu cây tre lúc nào cũng quay tít và vang lên những âm thanh vi vu. Nhan đề của tác phẩm này là “Mengenang”, nghĩa là nhớ. Người Úc nhớ Bali. Người Việt thì nhớ các làng quê ở Việt Nam.

 

Cave Urbun, NSW, mengenang (memory)

 

Nhìn từ dưới lên trên, những thân tre ấy càng mảnh mai trên những thành đá đồ sộ, chắc chắn và mạnh mẽ. Chúng vươn cao. Những chiếc chong chóng trên ngọn có lúc gợi cho tôi ấn tượng của những chiếc máy bay, lúc khác lại gợi ấn tượng những cánh bướm đang bay vào bầu trời xanh thăm thẳm trên cao.

 

Clara Hali, NSW, cascade

 

Trên quãng đường đi bộ, có những hình người lặng lẽ cúi đầu:

 

Steinunn Thórarinsdóttir, Iceland, trace – sphere – gate

 

Hoặc hình hai người mang mặt thú đang cưỡi ngựa nhìn ra biển:

 

Gillie & Marc Schattner, NSW, The travellers have arrived

 

Hoặc chỉ là hình một quả ớt đỏ nằm chơi vơi trên một tảng đá:

 

Subodh Kerkar, India, the chilly

 

Hoặc hình hai chiếc quan tài dựng đứng. Lúc tôi giơ máy lên, có hai em bé đứng vào đó để người nhà chụp hình. Nhân tiện, tôi bấm máy luôn.

 

Tony Davis, NSW, whale hide 2

 

Trên một mỏm đá khác, có một bức installation bằng sắt tả người ngồi tắm nắng:

 

James Rogers, NSW, salacia

 

Mặc dù thích tư thế ngồi của tác phẩm này, tôi không thể không liên tưởng ngay đến bức tranh Người tắm ngồi (Seated Bather) được Picasso vẽ bằng sơn dầu vào năm 1930, một tác phẩm được xem là sự kết hợp hài hòa giữa hai phong cách lập thể và siêu thực:

 

 

Tôi thích bức tượng dưới đây hơn. Tuy lớn nhưng với những đường cong uyển chuyển, nó lại gợi ấn tượng mềm mại. Tình cờ mây trên trời cũng như tủa ra và uốn lượn chung quanh bức tượng:

 

Mitsuo Takeuchi, Japan, april, cherry blossoms

 

Tác phẩm đoạt giải nhất năm nay là công trình điêu khắc “Barrel Roll” của nghệ sĩ người Mỹ Peter Lundberg. Trị giá giải thưởng là 70.000 đô la.

 

Peter Lundberg, USA, Barrel Roll

 

Riêng tôi, tôi thích nhất là hình một bộ xương người đi chênh vênh trên một thân gỗ cao chót vót như một người làm xiếc:

 

Ken Unsworth AM, NSW, no return

 

Bức tượng nhìn từ góc nào cũng đẹp, cũng gợi cảm giác chơi vơi, chênh vênh, lửng lơ, bất trắc và bất an.

 

Ken Unsworth AM, NSW, no return

 

Mike MacGregor, NSW, finding alternatives

 

Warwick, Ben & Sam Orme, NSW, where do the children play

 

Rachel Couper & Ivana Kuzmanovska, NSW, mirador

 

 

--------------
Chú thích:
Các hình ở trên do người viết bài này chụp.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021