thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đi để thương đất nước mình [2]

 

2. Tetbury, một Đà Lạt của vương quốc Anh.

Đó là thành phố thơ mộng nằm cách Luân Đôn về hướng tây khoảng 200 cây số. Tôi chỉ nhớ phải mất ba giờ lái xe để đến nơi. Tetbury nhỏ, những con đường dốc, hẹp. Nhà cửa với mái xuôi nhọn hoắt nằm liền nhau, phần lớn mở shop buôn bán: quán cà-phê, siêu thị tạp hoá, nhà hàng và vài nơi bán đồ cổ. Tất cả đều sạch sẽ, sang trọng. Khí hậu mùa thu mát mẻ, nhưng buổi chiều ra khỏi khách sạn phải mang theo áo khoác.

 

High Grove

 

Giữa con phố chính có một ngôi nhà mang tên High Grove nơi thái tử Charles sống trước đây, nay biến thành chỗ bán hàng lưu niệm cho quỹ từ thiện, đơn giản chỉ có bưu ảnh, sách, vài kỷ vật và túi xách... Cạnh đó là quán cà-phê 53 với những chiếc bàn có gạt tàn bằng sứ trắng, cà-phê được pha sẵn đậm đặc chiết ra đầy gần miệng tách. Không khí quán làm nhớ đến cà-phê Tùng ở Đà Lạt, bên hông khu Hoà Bình. Quán Tùng bây giờ rất khác trước những năm bảy lăm. Những chiếc filtre cũ kỷ với ít nước sôi, khi mở nắp ra chỉ thấy một phần tư chất đen quánh dưới đáy cốc. Phần lớn khách vào đây là cư dân địa phương, họ uống cà-phê rất đậm, không bao giờ gọi thêm nước sôi. Bức tranh sơn dầu của Đinh Cường đã xỉn màu treo mấy chục năm nay ở bức tường trước trước mặt, nay không còn nữa; hỏi ra mới biết tác giả đã nhờ người mua lại với một giá không rẻ chút nào! Quán 53 hôm nay vắng khách, tôi ngồi ở chiếc bàn ngoài, nhìn qua cửa kính. Con đường vắng hoe trước mặt, có lúc mơ hồ lẫn lộn giữa hai không gian.

 

Đường phố Tetbury

 

Chúng tôi ở trong một nhà nghỉ chỉ có bốn phòng dưới một con dốc. Các phòng đều rộng rãi, tiện nghi. Chủ nhân là một người Úc không có gia đình, sang đây lập nghiệp đã lâu. Trước nhà, ông ta chỉ đặt một phiến gỗ nhỏ, ghi mấy chữ : Old Fox House. Trong ba bữa ăn sáng, thực đơn toàn món Pháp, được bày biện kiểu cách. Trong lúc khách ăn, ông ta đứng nói chuyện, phần lớn kể về vùng đất này và chuyện thâm cung bí sử hoàng gia. Chuyện đám cưới của Hoàng tử William với Kate Middleton. Chuyện William và Harry thỉnh thoảng đến Tetbury. Harry thích cỡi ngựa, thân thiện với mọi người. Có một lần hoàng tử đã gặp gỡ chuyện trò với con gái ông từ Úc qua, chủ nhân hãnh diện kể.

Trong các bữa ăn chiều chúng tôi thường gặp nhau ở vườn sau một nhà hàng lớn, The Close Tetbury. Trẻ con chạy nhảy nô đùa, người lớn cầm ly đi quanh bàn này qua bàn khác chuyện trò rôm rả. Sở dĩ có những ngày họp mặt đông vui như thế này, vì chúng tôi, bà con các nơi về đây dự đám cưới đứa cháu gái, con đầu của người anh cả. Cháu theo bố mẹ vượt biển từ năm chín tuổi, học hành đỗ đạt, hoà nhập nhanh trên xứ sở mới. Lạ một điều là những đứa trẻ ra khỏi nước, dù sống bất cứ đâu, châu Mỹ, châu Âu, châu Úc, đều phát triển tốt, học giỏi, thành danh và quan trọng hơn cả là tinh thần vươn lên tầm thời đại, không thua kém những tài năng của người bản xứ. Chồng cháu là một người Mỹ cùng làm việc ở Thị trường chứng khoán Luân Đôn, đã có với nhau một bé gái hai tuổi, nhưng mãi đến hôm nay mới làm lễ cưới. Bà con, bạn bè đến từ Úc, Scotland, các tiểu bang Hoa Kỳ. Gặp nhau, trước lạ sau quen. Và câu chuyện rồi không thể không quay về quê nhà. Các bậc cha, chú hăng say bàn luận thời sự, chuyện bên Tây bên Tàu, chuyện Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thế giới chỉ còn vài ba nước Cộng sản hiếm, quý, cần phải bảo vệ, gìn giữ để các thế hệ mai sau còn hình ảnh, dữ liệu mà tìm hiểu! Một vị cha, chú khác có vẻ hả hê lập luận, Việt Nam không bao giờ từ bỏ chủ nghĩa Cộng Sản, vì chủ nghĩa này ưu việt; thế mà chẳng hiểu sao đám lãnh đạo trong nước không gửi con cái họ đến các nước Cộng Sản để học hỏi, trau dồi chủ nghĩa Marx-Lenin; lại cho chúng du học tại những trường danh tiếng của Hoa Kỳ, Anh, Canada, Thụy Sĩ... mà học phí được trả bằng máu của dân, hay bằng đồng tiền ăn cắp, tham nhũng.

 

Trương Westonbird

 

Cách Tetbury mười phút lái xe, có trường Westonbird uy nghi, đồ sộ, nơi dành cho nữ sinh trung học tuổi từ 11 đến 18 nội trú. Mùa hè, học sinh về nhà nghỉ, trường trống, nên được dùng làm dịch vụ cưới hỏi. Nhờ thế chúng tôi mới biết Westonbird, khi về đây dự đám cưới cháu gái.

Ngoại vi Đà Lạt có Đơn Dương, Đức Trọng thì ở Tetbury có Bourton-on-the Water, ngôi làng mà du khách khi đã đến Tetbury không thể không ghé. Đi giữa hai bờ thành xây bằng những viên đá xếp chồng lên nhau, tiếp đến là những quán ăn, tiệm cà-phê, giải khát. Vào sâu bên trong là Birdland-Park & Garden rộng lớn với rất nhiều loài chim quý hiếm, từ hoàng yến, chim họ sẻ, chim ác là (magpie) cho đến chim cánh cụt (penguin), cú tuyết (snow owl), vẹt đuôi dài (macaw), chim hồng hạt (flamingo), chim bồ nông (pelican)... Giữa làng du lịch, một con sông nhân tạo nhỏ xây bằng xi-măng chảy qua, bề ngang khoảng hơn mười mét được đặt tên là Venice, nước trong veo, có cầu bắc qua và ghế đá trên bờ.

 

Venice ở Tetbury

 

Rời Bourton-on-the-Water về lại Tetbury, trời vừa tối. Phần lớn quán xá ở đây đóng cửa sớm, sau năm giờ, dù cho ngày còn dài. Thế là bữa ăn tối của mọi người chỉ có bánh mì với thịt nguội, vừa mua được từ một siêu thị nhỏ sắp đóng cửa.

Đêm cuối ở Tetbury, sau khi mọi người về phòng nghỉ để sáng mai trở về Luân Đôn sớm, tôi lặng lẽ mặc áo ấm, quàng khăn, đội mũ bước xuống đường. Trời lạnh, phố vắng, con đường khuya in bóng những ngọn đèn vàng hiu hắt.

Tôi đi trong cái se lạnh của sương đêm Đà Lạt. Nhớ bạn bè đang tứ tán khắp phương, kẻ còn, người mất. Nhớ đêm ở Đà Lạt năm nào với Tôn Thất Văn, Mạnh Đạt uống rượu, nói cười rôm rả tưởng như đêm không bao giờ tàn. Nhà Mạnh Đạt ở đầu đường Hồ Tùng Mậu, lần nào tôi lên chơi, Đạt cũng kéo xuống nhà Thủy Tạ uống rượu ngắm chiều xuống trên hồ Xuân Hương. Đạt thích uống Heineken, hết chai này nối chai khác, trong khi chúng tôi uống rượu để chống lại cái lạnh không quen vừa mới đến. Đạt, nhạc sĩ chơi accordeon, nhưng thường vẫn ngồi vào piano có sẵn giữa phòng, chơi tặng bạn bè những bản nhạc tiền chiến.

Bây giờ cả hai anh, Tôn Thất Văn và Mạnh Đạt không còn nữa. Bạn bè lần lượt bỏ nhau ra đi. Khoảng trống của người ở lại cứ lớn dần ra.

Đà Lạt, Tetbury. Bên này và bên kia. Cái buốt giá quạnh hiu của đêm... Sao chỉ có một đốm lửa trong trái tim mình ?

 

----------
Kỳ sau :
3. Nhà ga và những chiếc cầu trên sông Thames

 

 

-----------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021