thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đi để thương đất nước mình [1]

 

1. Ở một thành phố lần đầu tiên đến

Mất mười giờ bay từ San Francisco đến phi trường Heathrow của Luân Đôn. Anh Tân và gia đình đón ngay lối ra. Phải mất thêm một tiếng đi underground và nửa giờ ngồi xe bus mới về tới trung tâm thành phố. Luân Đôn bắt đầu vào thu, trời dịu mát. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là nhà cửa cổ kính, những bức tường không tô trét để nguyên màu đỏ hoặc nâu đen của gạch. Tài xế lái xe bên trái. Đường hẹp, những ngã tư vuông góc, lại thêm xe đậu dọc hai bên đường, thế mà những chiếc bus hai tầng vẫn quẹo trái, quẹo phải một cách dễ dàng. Để giúp du khách chưa quen với giao thông nước Anh và tránh nguy hiểm trong lúc đi bộ, ở mỗi ngã ba ngã tư trên lối băng qua đường, người ta kẻ các chữ lớn bằng sơn trắng Look Right, Look Left. Khách bộ hành cứ theo hướng nhìn đó mà tránh xe...

 

Đại lộ Oxford

 

Đường sá Luân Đôn tấp nập, những chiếc bus hai tầng màu đỏ chạy kín đường. Dân chúng phần lớn sử dụng giao thông công cộng gồm bus, underground (ở New York và Paris gọi là metro), overground, train, và ở vùng Dockland có Light Railway. Rác tại nhà ga cũng như dọc đường phố được bỏ vào các túi ny-lông trong suốt để ngăn ngừa khủng bố. Ở Anh cũng như các thành phố Âu Châu, có rất nhiều công viên rộng lớn. Trẻ em được nhà trường và gia đình nuôi dạy kĩ. Phụ huynh có thu nhập thấp thì được chính phủ tài trợ hết. Những ngày này công luận ở Anh xôn xao trước tin doanh nhân Bill Lowther chờ ra tòa thượng thẩm Luân Đôn, vì chi trả học phí cho con trai cựu thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam, một hình thức đút lót cho tham nhũng trá hình.

Luân Đôn, thủ đô của Anh quốc, với dân số 9 triệu, có nhiều thắng cảnh và di tích lịch sử như Greenwich, kinh tuyến chính, nơi đặt đồng hồ có giờ GMT. Houses of Parliament (Quốc hội) với những building và tượng đài nối nhau đồ sộ. Đường Downing nổi tiếng (số 10 là dinh thủ tướng ở và làm việc); The National Gallery; The British Museum; Tower of London. Nhà thờ St. Paul ; Nhà thờ Abbey; Khu Tài chánh - Thị trường chứng khoán (lớn thứ ba, sau New York và Tokyo)...

 

Quốc hội Anh

 

Gần hai tuần ở Luân Đôn và các thành phố ngoại vi, cách nhau cả 300 cây số, tôi chưa lần nào thấy có sương mù, không như những bài học thời trung học của chúng tôi luôn gọi Anh Quốc là xứ sở của mù, sương

Có một buổi chiều đi thuyền trên sông Thames. Ngày tắt nắng mà bầu trời trong, xanh ngắt. Trên một đoạn sông, từ khu vực đồng hồ Big Ben đến Tower of London, có những chiếc cầu mang dấu ấn lịch sử, được xây dựng từ rất nhiều thế kỷ trước. Cầu Westminster, lối dành cho người đi bộ rộng rãi, rất đông du khách qua lại, vì đầu cầu là quảng trường Quốc Hội với đồng hồ Big Ben nổi tiếng và bên kia cầu là nơi đặt London Eye, một vòng quay đứng để du khách ngắm nhìn thành phố. Cầu Waterloo, ghi nhớ trận chiến năm 1815 mà quân Anh đã đánh bại quân Pháp của Napoleon. Cầu Millennium, (cầu Thiên Niên Kỷ) khánh thành vào ngày 1-1-2000, đánh dấu ngày nhân loại bước vào thiên niên kỷ mới, cầu này chỉ dành cho người đi bộ.

 

Đồng hồ Big Ben

 

Tôi được ở trong một căn phòng nhỏ, có computer, có cửa sổ nhìn xuống thành phố và ban đêm có thể nằm ngắm bầu trời trong cảm giác se lạnh, thật dễ chịu. Lúc chưa đến đây, tôi được chủ nhà khoe là từ một cửa sổ nhà chị, ở apt tầng 9 có thể nhìn thấy nơi ở của bà Hoàng! Anh chị và hai cháu vượt biển năm 1980, được tàu Anh vớt. Trước, sau chuyến ra đi đó, đã có nhiều bà con bạn bè thiếu may mắn bỏ mình giữa biển khơi. Vì thế anh chị không vui dù gia đình được an lành. Định cư ở Anh quốc, hai vợ chồng vùi đầu vào công việc. Chị làm thông dịch từ thiện cho bệnh nhân ở một bênh viện tâm thần. Còn anh vốn mê đọc sách, không bỏ lỡ thời gian vào thư viện, thỉnh thoảng còn giúp đỡ đồng hương trong các dịch vụ liên hệ với chính quyền sở tại. Anh chị thuộc Luân Đôn từng ngõ ngách, đã nhận nơi này làm quê hương của mình rồi. Nhắc đến Việt Nam, anh chị lãng tránh, nhất là chị. Những khốn khổ, đọa đày, hận thù mà người miền Nam trải qua, chịu đựng sau ngày 30-4-1975, với biết bao gia đình tan nát, chia lìa bởi sự tàn độc, ngu dốt của bạo quyền, là vết thương quá lớn, tưởng không bao giờ cầm máu, chứ đừng mong sẽ sớm thành sẹo. Người Việt như một đàn gà con mất mẹ, sống rải rác khắp năm châu, làm sao quên được cái ngày đen tối đó của đất nước. Tháng tư là tháng có nhiều lễ giỗ đau thương nhất của người Việt Nam.

Anh chị Tân hòa nhập vào đời sống văn minh đã hơn 30 năm nay. Hai con thành đạt, tốt nghiệp từ các trường danh tiếng, đang làm việc, hòa đồng với người bản xứ. Dù lúc vượt biển mới năm, bảy tuổi, giờ này các cháu vẫn nói giỏi tiếng Việt, vẫn giữ phong tục, văn hóa Việt. Và đây là điều làm anh chị hãnh diện.

Những ngày ở Luân Đôn, chúng tôi được các cháu hướng dẫn đi chơi nhiều nơi, nhất là chen vai trên đại lộ Oxford với nhiều cửa hàng mua sắm. Nước Anh dùng đồng tiền riêng (tính pound) không như cộng đồng Âu Châu dùng chung đồng Euro. Vật giá ở Anh và một số nước Âu Châu rất đắt đỏ, gần gấp hai lần ở California. Đặc biệt là vấn đề dùng restroom ngoài đường, phải trả tiền! Ờ Luân Đôn 50 pence, ở Paris 70 cent cho một lần sử dụng. Bởi thế trước khi ra khỏi nhà mọi người chuyền nhau những đồng xu với lời nhắc nhở chuẩn bị tiền lẻ trong tiếng cười vui.

 

----------
Kỳ sau :
2. Tetbury, một Đà Lạt của vương quốc Anh

 

 

-----------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021