thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tháng tư tàn độc

 

Từ vài ba năm trước, tới cuối tháng tư 1975, tôi là người lính Tâm Lý Chiến của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Tháng tư để tôi nhớ thêm vài ba năm trước đó, thời gian dẫn tới tháng tư, tháng tư ám ảnh; tháng tư mà nhà báo Pháp Olivier Todd gọi là Cruel avril - Tháng tư tàn độc (Nhan đề quyển sách của Olivier Todd, viết về sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn; quyển sách quan trọng, xác thực và sâu sắc về cả hai phía: Quốc gia và Việt cộng. Stephen Becker chuyển sang Anh ngữ, Cruel April - The Fall of Saigon).

 

 

Tôi là người lính dưới quyền vị thiếu tá trưởng Phòng Văn Nghệ - Cục Tâm Lý Chiến, nhà thơ Tô Thuỳ Yên. Ông giao tôi công việc sáng tác “hò - vè - ca dao” của ngành tâm lý chiến; tôi nhận công việc này từ lúc tôi thuộc quân số của Phòng Văn Nghệ.

Về Cục Tâm Lý Chiến thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, tôi được đặc ân làm “lính kiểng”. Cục trưởng Cục Tâm Lý Chiến - đại tá Hoàng Ngọc Tiêu, tức nhà thơ Cao Tiêu, đi cùng nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, người thân của tôi, nhận lãnh tôi từ Trại Thần Kinh Tâm Lý trong Tổng Y Viện Cộng Hoà, cho tôi được nhập quân số ở đơn vị của đại tá. Lẽ ra tôi được giải ngũ với chứng bệnh thần kinh (tôi được/bị cho là như vậy, theo giám định y khoa của Phòng 7 – Tổng Tham Mưu); nhưng gặp thời điểm tình hình chiến sự căng thẳng, Bộ Quốc Phòng hạn chế tối đa việc giải ngũ.

Lúc mới về Cục Tâm Lý Chiến để làm lính kiểng, tất nhiên hiểu ngầm như vậy, tôi thuộc quân số Phòng Báo Chí; phòng này đa phần cấp bậc là sĩ quan, làm công việc phóng viên báo chí quân đội: Chiến sĩ Cộng Hoà; Tiền Phong. Lúc đó tôi là binh nhì, nghĩa là lính trơn; cấp bậc không-cấp-bậc này dành cho tôi, lẽ ra được giải ngũ, hoặc làm lao công chiến trường. Bởi tôi xuất thân Khoá 2/69 Trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức; sau khi mãn khoá, tôi mau chóng có “thành tích” năm lần bảy lượt đào ngũ khỏi các đơn vị: Sư đoàn 5 Bộ Binh; Sư đoàn 1 Hoả Tuyến; Đại Đội Hắc Báo; Biệt đội đặc biệt kỹ thuật (thuộc Phòng 7 - Tổng Tham Mưu)... Nói chung, tôi đào ngũ vì không thích nghi được với đời sống trong quân đội; hoàn toàn không phản chiến gì cả, cũng chẳng lý tưởng gì hết, và cũng không đau bịnh thần kinh như đã được/bị chứng nhận. Chỉ là vì lúc nào tôi cũng ưa đi lang thang phiêu bạt ở các vùng cao nguyên Bảo Lộc - Di Linh - Đơn Dương - Đà Lạt, miền cố quận của tôi; và làm thơ viết văn khi thích làm thơ viết văn. Nghĩa là tôi cũng chẳng ôm ấp giấc mộng trở thành nhà văn nhà thơ nổi danh gì hết.

Ở Phòng Báo Chí, tôi chỉ có mỗi một việc, là đi tới đi lui; trong giờ hành chánh thì uống cà-phê tại câu lạc bộ của doanh trại Cục Tâm Lý Chiến; hết giờ thì ra ngồi quán Chùa - La Pagode uống bia. Trong lúc đi lui đi tới, tôi thường cầm chổi lông gà, phủi bụi trên mặt bàn mặt ghế của các vị sĩ quan, cho đỡ nỗi buồn lính kiểng. Đại uý Lê Cự Phách, tức nhà thơ Du Tử Lê, một lần thấy vậy, giằng cây chổi lông gà khỏi tay tôi, nói: “Đạt đừng làm vậy. Ít nhất Đạt khỏi quét cái bàn của tôi.” Và đại uý nhà thơ chở tôi ra ngồi quán cà phê Hân thân thuộc của ông, nói chuyện với nhau rất là văn nghệ. Tôi biết đại uý nhà thơ có mối thiện cảm với tôi; tôi đoán ông nghĩ rằng anh chàng binh nhì này cũng lại là một anh chàng văn nghệ; anh chàng binh nhì này khác với mọi anh binh nhì thuần tuý binh nhì. Nhưng tôi cũng biết, các vị khác của Phòng Báo Chí thì không nghĩ như vậy; từ trưởng phòng - trung tá nhà văn Nguyễn Đạt Thịnh, tới phó phòng - thiếu tá nhà thơ Hà Huyền Chi; nhị vị này rất oai phong và rạch ròi nhà binh: anh chàng binh nhì tối ngày cà phê bia bọt; lãnh lương lính mà chẳng làm phận sự gì hết?! Tôi biết làm gì ở Phòng Báo Chí, ngoài công việc phóng viên của các vị? Mà tôi thì mặc nhiên được miễn công việc trọng đại này!

Chẳng bao lâu sau, tôi xin trung tá trưởng Khối Kỹ thuật - hoạ sĩ Tạ Tỵ, cho tôi được đổi sang Phòng văn Nghệ, vì ở đây có vị thiếu tá trưởng phòng là nhà thơ Tô Thuỳ Yên. Tôi được thiếu tá giao công việc sáng tác hò - vè - ca dao ở Phòng Văn Nghệ, như đã nói trên.

Công việc điều hoà đều đặn chảy xuôi năm tháng, giữa tin tức chiến sự khắp nơi ngày càng ác liệt. Tôi ở đây, với phận sự sáng tác hò-vè-ca-dao-tâm-lý-chiến suốt mấy năm; từ cấp bậc không-cấp-bậc là binh nhì, nhích lên được cấp bậc binh nhất. Sáng tác hò - vè - ca dao, tuỳ theo các chiến dịch, để đưa lên băng-rôn treo ở các đường phố Sài Gòn; đối với một anh chàng biết làm thơ, dù làm thơ dở chăng nữa, là việc quá dễ; những câu hò - vè - ca dao đại khái như: Anh ơi hăng hái tòng quân / Tài trai chớ để muôn phần phôi pha... Tới lúc trung tá hoạ sĩ Tạ Tỵ, trưởng Khối Kỹ Thuật (bao gồm các phòng báo chí - văn nghệ - ấn hoạ - và đài phát thanh quân đội), đưa sáng kiến xuất bản một tuyển tập thơ quân đội thật đồ sộ. Trung tá lấy tên cho tuyển tập thơ là Đầu Gió (đầu sóng, ngọn gió) và giao Phòng Văn Nghệ thực hiện. Thiếu tá nhà thơ Tô Thuỳ Yên tất nhiên giao tôi việc thực hiện tuyển tập thơ này. Ông hạp ý; và có lẽ tin tưởng khả năng văn nghệ của anh chàng binh nhì, hơn tin ở thượng sĩ nhà thơ Phạm Lê Phan, vốn là người phụ trách tổ sáng tác hò - vè - ca dao. Phòng Văn Nghệ có 3 tổ sáng tác: Tổ sáng tác nhạc chiến dịch, do hạ sĩ Huỳnh Hữu Kim Sang, tức nhạc sĩ Anh Việt Thu phụ trách; tổ sáng tác cổ nhạc (phục vụ chiến dịch) do thượng sĩ Võ Văn Chơn, một cây đàn lục huyền cầm điêu luyện, lớp sau nghệ sĩ Sáu Tửng, phụ trách; và tổ sáng tác hò - vè - ca dao. Trung sĩ Trần Thiện Thanh (Nhật Trường) thuộc tổ sáng tác nhạc, nhưng từ lâu thiếu tá trưởng phòng cho phép nhạc sĩ kiêm ca sĩ bay bướm đệ nhất hạng này sung vào Đại Đội Ứng Chiến, do Biệt Khu Thủ Đô trách nhiệm điều động.

Thu gom hầu hết thơ có sắc màu quân đội ở các tờ báo - tập thơ của Miền Nam tự do đã xuất bản, nhiều lắm cũng chưa được nửa số trang của tuyển tập; mà ý định của trưởng Khối Kỹ Thuật, là tuyển tập thơ Đầu Gió phải dày bốn năm trăm trang. Tôi trình thiếu tá nhà thơ Tô Thuỳ Yên, là sẽ chọn tất cả thơ hay của các tác giả Miền Nam tự do, đưa vào tuyển tập thơ Đầu Gió. Nên tuyển tập thơ quân đội “đồ sộ”, do anh chàng binh nhì thực hiện, có cả thơ Quách Tấn; thơ Vũ Hoàng Chương; thơ Nguyễn Đức Sơn... Sau khi tuyển tập thơ Đầu Gió phát hành, một tờ báo, tôi không nhớ tên, đăng bài viết của nhà thơ Nguyễn Đức Sơn, chửi bới loạn xạ “bọn thực hiện tuyển tập thơ Đầu Gió.”

Vào thời điểm vài tháng trước tháng tư 1975, tôi ngưng sáng tác hò - vè - ca dao; chuyển sang viết những mẩu chuyện tưởng tượng xảy ra dưới chế độ cộng sản; để in truyền đơn, rải xuống các tỉnh thành của Miền Nam tự do. Lúc đó, Ban Mê Thuột đã sắp thất thủ; nhạc sĩ Anh Việt Thu qua đời vì bệnh thận, có lẽ do ông uống rượu quá nhiều. Tôi cùng vài đồng ngũ, vài người bạn và gia đình của nhạc sĩ, đưa quan tài ông về quê, ở Trung Lương - Tiền Giang. Qua sông, đạn Việt cộng bay xéo phía trên đầu; thân phụ nhạc sĩ vội kéo tuột lá cờ Việt Nam Cộng Hoà phủ trên quan tài nhạc sĩ, liệng xuống nước. Thân phụ nhạc sĩ phải hành động như vậy, trước con mắt theo dõi của quân du kích Việt cộng ở miền tây Nam bộ.

Những tin tức nơi này nơi kia thất thủ; tới Biên Hoà sắp mất; Long Khánh đã rơi vào tay Việt cộng... Trong Phòng Văn Nghệ, anh em bàn tán chuyện di tản... Thiếu tá nhà thơ Tô Thuỳ Yên chỉ nói một lần, một câu này: “Việt cộng chiếm Miền Nam, tôi thà đi công trường nông trường; tôi không trốn chạy...” Tôi cũng chỉ nói ra một ý định, sẽ lên rừng Tutr’a ở Đơn Dương, gần Đà Lạt, sống với bà con dân tộc thiểu số.

Ngày 30 tháng tư 1975, sau khi tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng Việt cộng, hầu như các doanh trại của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà hoàn toàn trống vắng; các ông Vixi không phải lo súng ống canh giữ “ngụy quân”. Riêng doanh trại Cục Tâm Lý Chiến (ở số 2 bis đường Hồng Thập Tự, bây giờ là đường Xô Viết Nghệ Tĩnh) Việt cộng cầm súng án ngữ ngoài cổng, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”! Chỉ còn một số ít đồng ngũ và tôi ở trong doanh trại. Không phải chúng tôi cố thủ gì đâu. Chúng tôi bị kẹt ở đây, bởi có vài anh em trong Phòng Ấn Hoạ, ứng chiến tại chân cầu Thị Nghè gần doanh trại, đã nổ súng khi Việt cộng vượt qua cầu.

Chúng tôi bị cầm chân vài ngày trong doanh trại; mang rượu, thịt hộp ra nhậu đỡ sầu; tất nhiên có mời mấy chàng Vixi mặt mũi non choẹt, nhợt nhạt; chắc là những học sinh phải đi bộ đội, vượt Trường Sơn đầy nguy cơ sốt rét ngã nước, vào “giải phóng Miền Nam bị tạm chiếm”. Tôi lấy chai whisky nhãn đỏ, chai rượu uống chung với Anh Việt Thu còn lại gần nửa, mời một chàng Vixi cùng uống; không có soda, tôi lấy nước mưa, còn gần đầy cái lu vẫn để hứng nước mưa dưới mái ngang bên căn phòng. Anh ta cỡ tuổi tôi; khuôn mặt phong sương tư lự, có vẻ chứa đựng gì đó; không ngây ngô như các chàng Vixi kia. Anh ta hỏi tôi: “Anh là lính tâm-lý-chiến hả? Tâm-lý-chiến các anh làm việc gì?” Tôi lấy tuyển tập thơ Đầu Gió, trong ngăn bàn của thiếu tá nhà thơ Tô Thuỳ Yên; bảo anh ta “đọc đi, chúng tôi làm thơ chứ làm gì nữa.” Anh ta mở đọc, tôi nhìn thấy trúng bài thơ có những dòng: Đêm Tây nguyên trời không muốn sáng / Có tôi canh xác đợi giặc về / Có trăng soi mắt cho người chết / Có cú kêu buồn đậm cuối quê...

Đọc xong bài thơ này, anh ta gập cuốn sách lại, nhìn tôi đăm đăm. Chẳng nghe anh ta nói gì, tôi hỏi: “Anh thấy sao? Thơ tâm-lý-chiến Miền Nam có hay không?” Anh ta nói nhỏ: “Chỉ thấy buồn thôi, chả có thể gọi là tâm-lý-chiến gì sất!” Rồi anh ta đưa tôi một xấp giấy mỏng, đánh máy một loạt thơ Giang Nam, thơ Huy Cận: “Chúng tôi có thơ của chúng tôi để phát cho ngụy quân. Tôi giữ đọc chứ có phân phát được đâu. Tôi là bộ đội chiến đấu thôi.”

Tôi đọc một bài thơ ngắn của Huy Cận, trong xấp giấy đó: Anh lính miền Nam anh nghĩ gì / Mỗi khi đêm về, mặt trời tắt / Mặt trời tắt, lòng anh chưa tắt / Ngày mai đừng để chúng lôi đi. Tôi không hỏi, nhưng có lẽ thấy thơ này là hay, nên anh ta mới cất trong túi áo để thỉnh thoảng lấy ra đọc. Nghĩa là, thơ hay, phải tuyên truyền cho chính nghĩa (của) chính thể - chính quyền, chắc chắn anh ta đã nghĩ thế, như đinh đóng cột.

Tôi chẳng màng giữ thơ Huy Cận như vậy. Chỉ là hồi ức tháng tư tàn độc, những gì muốn quên mà không quên được; kể cả mấy câu vần vè tuyên truyền phỉnh gạt của một nhà thơ lớn (và của hầu hết các nhà thơ ở Miền Bắc - Xã Hội Chủ Nghĩa) tay đã nhúng chàm.

 

 

 

---------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021