thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Một đống rác bên đời hiu quạnh

 

Những bài đã đăng trong loạt ký sự này:

 

 

MỘT ĐỐNG RÁC BÊN ĐỜI HIU QUẠNH

 

Viết theo lời kể của một người nghiện rượu trầm kha... tại một quán nhậu ven sông Thu Bồn, thuộc địa phận xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

 

Anh từng nói anh không phải là bợm nhậu, mặc dù bây giờ, không có rượu thì tay anh run, chân anh không vững và thân anh lạnh toát, anh chẳng thể làm được việc gì. Một ngày mới của anh bắt đầu với ly rượu trắng, một ít cá khô hoặc vài hạt đậu phộng rang. Một ngày chỉ có ý nghĩa khi buổi sáng anh được nghe lũ chim sau vườn hót ríu rít, nghe nắng râm ran thịt da trong hơi cay của hương vị gạo tháng ba lậm vào thớ thịt và hít khà một tiếng. Anh nói vậy, anh từng là một sinh viên đầy sức sống trong đại học Văn khoa trước biến cố 1975, rồi sau đó anh từng là kẻ đốt tất cả những cuốn sách quí cha anh để lại vì anh quá sợ, nỗi sợ làm anh mất khôn, anh sợ cô đơn, sợ bị bắt lần nữa nếu người ta phát hiện ra trong nhà anh chứa sách “đồi trụy”. Mà có đồi trụy gì cho cam, đó là những cuốn sách về tự nhiên, về xã hội, của những nhà xuất bản Lá Bối, An Tiêm... Vậy mà anh đã đốt! Và bây giờ anh lại tiếp tục đốt cuộc đời mình bằng những giọt rượu đắng.

 

*

 

Một quán vắng, một cô chủ quán mà cũng là nhân viên tuổi sấp ngửa xế trưa, một người khách tóc bạc, tuổi hom hem chẳng biết là bao nhiêu vì không thể đoán được. Người đàn ông ngồi nhìn ra đống rác phía bên kia đường, thi thoảng ông nhấp một ngụm rượu rồi nói nho nhỏ: Đời là một đống rác, một đống rác... hì! Nói xong, ông lại nhấp tiếp một ngụm rượu rồi chép miệng khà... Tôi vào quán đã lâu nhưng không nhìn thấy ai thêm ngoài những gương mặt vừa nhìn thấy. Không ai tiếp tôi, tôi cũng không buồn gọi, cứ ngồi lì ra đấy, lấy thuốc ra hút và ngồi nhìn bâng quơ. Tôi cũng đang thử sức mình xem bao giờ tôi lên tiếng. Tôi và chủ quán ai chịu lên tiếng trước đây? Hơn nửa giờ, không ai hỏi han gì tôi, vậy là rõ rồi, tôi nhủ lòng tôi sẽ ngồi đây cho tới khi quán đóng cửa thử xem sao.

Hơn một giờ đồng hồ, vẫn không thấy ai hỏi han gì, tôi nghĩ chắc là quán không còn gì nữa, hoặc là người ta không nhìn thấy tôi. Tôi quyết định chờ thêm nửa giờ nữa xem sao. Nhưng có vẻ như sự kiên nhẫn của tôi đã thắng, người đàn ông ngồi bàn bên, lâu lâu nhìn ra đống rác rồi lại nhìn sang tôi mỉm cười. Tôi vẫn ngồi, xem như chẳng có ai tồn tại trong quán ngoài tôi ra. Ông ta nhìn tôi lâu hơn một chút và đánh tiếng: Thôi qua đây làm với anh một ly, chờ làm chi cho mệt! Tôi gật đầu cám ơn và vẫn ngồi nguyên chỗ cũ. Ông ta lắc đầu rồi lại nhìn ra đống rác. Tôi tiếp tục ngồi chờ.

Khoảng hai mươi phút sau, cô phục vụ bước ra, đưa tay vuốt tóc rối, theo sau cô là hai người đàn ông mang giày đen đánh xi láng bóng, tay xách cặp da, áo quần ủi thẳng thớm, bỏ áo vào quần, mắt nhìn dớn dác ra ngoài hai bên đường, thấy không có ai, họ ra dắt xe và dông thẳng. Bây giờ cô phục vụ mới đon đả chào tôi, hỏi tôi vào quán bao lâu rồi, tôi nói vào gần hai giờ đồng hồ, cô cúi xuống nhìn sát mặt tôi một cái rồi xin lỗi và hỏi tôi dùng gì? Hay là đi chơi...? Tôi bảo vào quán nhậu thì không nhậu còn biết làm gì nữa, cô bảo đây lắm trò, đâu có riêng gì chuyện nhậu. Tôi nói vậy thì từ từ hẳn tính, bây giờ tôi cần vài chai bia và một ít đậu phộng rang trước đã. Cô líu quíu chạy vào bưng món tôi yêu cầu. Khui bia xong, cô ngồi xuống ghế bên cạnh và mời tôi một ly, cô nói chai đầu tiên xem như cáo lỗi đã để tôi chờ lâu, cô không tính tiền. Tôi đồng ý vì tôn trọng một lời mời. Ngồi được một lúc, tôi mời người đàn ông bàn bên cạnh cùng sang ngồi với tôi cho vui, đương nhiên là trước khi mời, tôi đã sang uống với ông một ly rượu gọi là làm quen.

Sau một hồi nói chuyện, tôi hiểu ra rằng người đàn ông đang ngồi uống rượu với tôi vốn là chồng cũ của người phụ nữ chủ quán này. Trước đây hơn hai mươi năm, anh cưới người đàn bà này, hai vợ chồng trẻ tính kế đi vượt biên vì ở lại quê nhà cũng chẳng biết lấy gì để sống. Cái lý lịch có người cha làm trung tá quân đội Việt Nam Cộng Hoà chẳng để ho anh yên được. Chị thì mới học xong lớp chín, lý lịch cũng chẳng hơn gì anh. Chị và anh bán mấy chỉ vàng cưới để chung cho nhà thuyền, mọi việc đâu vào đấy, hai anh chị lên ghe trung chuyển. Đi chưa mươi phút, chưa đến được thuyền thì bị bắt. Anh bị kết án ba năm tù vì tội tổ chức vượt biên, chị bị quản thúc tại gia vì tội đồng loã. Năm đầu chị thăm anh, năm sau không thấy thăm nữa... Năm sau nữa chị đến trại giam, yêu cầu anh kí đơn ly hôn.

Khi anh trở về thì chị đến thăm và tạ lỗi với anh về chuyện chị đã không chung thuỷ, không chia sẻ với anh trong lúc anh khốn khó. Nói xong chị khóc và đi luôn, rời anh từ đó. Sau này anh hiểu ra là lúc anh bị bắt nhốt, chị đã trót lỡ chung chạ với tay cán bộ xã có uy lực lúc đó. Anh chỉ buồn nhưng không trách chị, vì với tình trạng cô thế, luôn sống trong sợ hãi như chị, gặp kẻ chịu dang tay ra “cứu”, đỡ đầu cho mình thì sa ngã là chuyện dễ hiểu. Anh cũng bắt đầu biết uống rượu và thèm rượu từ dạo ấy. Dần dần, tửu lượng anh tăng cao và rồi sinh ghiền. Anh bắt đầu đốt dần cái tủ sách của cha để lại. Anh cũng không hiểu tại sao càng lúc anh càng thèm đốt sách chẳng kém gì thèm rượu.

 

*

 

... Rồi gã cán bộ đã cướp vợ anh bị mất chức. Hắn ra thân ăn mày, hạng cán bộ xã thì cũng chẳng có gì là thơm cho mấy trong thời bao cấp, có miếng ngon thì ở cấp trên đớp hết, xuống tới xã chỉ còn xương với gân để gặm là tốt lắm rồi, nếu làm tốt thì còn có đồng lương còm, khi về vườn cũng đưa đít lác như ai, giỏi lắm thì gắng gượng lọ mọ làm chức cán bộ thôn, ăn ba đồng hỗ trợ của nhà nước, đến khi có quả nào ngon ngon như chương trình PAM, phát bột, đường, sữa cho bà mẹ, trẻ em thì tranh thủ đớp bớt một ít để có cái mà bỏ bụng, mà ngẩng mặt làm kiêu với thiên hạ hoặc tranh thủ những ngày mưa bão, có quà cứu trợ, từ thiện gửi về thì nhẹm bớt hoặc khai khống nhân khẩu để nhận... Nói chung thì cũng no bụng so với cái xứ ruộng phèn khỉ ho cò gáy chó ăn đá gà ăn muối suốt ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời này. Nhưng nhục lắm Diễm ơi! Người ta coi không bằng con chó ăn chực cứt ngoài hè! Chẳng có gì hơn! Đó là chưa nói đến chuyện bị đuổi về vườn như gã đã cướp mất vợ anh. Hắn nhục nhã và chẳng dám gặp mặt ai, vì gặp bà con, hắn không bị lườm nguýt thì cũng bị chửi. Đặc biệt là hắn không bao giờ dám gặp anh, thấy anh đi ngõ trước hắn lo chui ngõ sau. Hình như hắn sợ anh giết thì phải! Nhưng anh chỉ thấy hắn tội nghiệp thôi, vợ anh cũng tội nghiệp, rồi anh cũng tội nghiệp. Tất cả đều là nạn nhân cả, nạn nhân của một trận ảo tưởng ngu ngốc trong một hệ thống ảo tưởng ngu ngốc. Vậy thôi!

Dần dần, anh cũng quen với nỗi đau, nhiều khi anh cũng muốn hàn gắn với chị, nhưng rồi lại thôi. Còn chị thì tiếp tục trượt dài, chị mở quán nhậu, lúc đầu bán cũng kiếm được đồng ra đồng vào với các món lẩu hến, hến xào, nghêu luộc, rượu gạo... Nhưng chẳng được bao lâu thì mưa bão, lụt lội, quán sụp, rồi lại dựng, lại bán, nhưng ế ẩm, chẳng mấy người ghé nhậu. Họa hoằn thì có anh hoặc vài lão cán bộ xã lên ngồi nhậu, thật ra món ở quán chị lặp đi lặp lại cũng ngần ấy thứ nên chẳng mấy hấp dẫn khách. Trừ anh ra, mấy lão kia tới là để tìm cách chọc ghẹo, vẹo hông, phát mông nhân lúc rượu vào ngà ngà, mai có gì thì cười giả lả bảo rằng rượu nó bóp, nó vẹo chứ mình là cán bộ mình đâu có làm mất quan điểm vậy được?! Xong cũng huề tiền thôi!

Rồi có bữa, chị hỏi một lão có chịu ở lại với chị hay không, chị sẽ cho lão ngủ chung, chỉ cần lão cho chị ba chục ngàn đồng mua mấy tấm tôn lợp cái hiên. Lão đồng ý cho chị ba chục ngàn đồng nhưng không ở lại. Anh ngồi bàn gần đó nghe tất cả, rất tiếc là anh chẳng có đủ ba chục ngàn đồng để cho chị, vậy thì anh uống tiếp thôi! Đương nhiên là anh cũng thừa biết âm mưu của lão cán bộ mặt chuột trán hói này rồi! Lão sẽ dùng ba chục ngàn làm mồi, thả câu trước, sau đó rồi sẽ thấy. Và đúng vậy, lão “lượm” người đàn bà này ngon ơ! Có bữa còn dắt bạn đến chơi, bắt chị phục vụ kí sổ, rồi lại hoạnh hoẹ đủ điều, đôi khi anh ngồi nhìn tức muốn ứa máu, nhưng nghĩ lại không phải chuyện của mình, lại thôi.

 

*

 

Hằng ngày, anh ghé tới quán ngồi nhậu và nhìn bọn kia vào bàn phía bên trong, uống được một lúc chúng cười rống lên, rồi lại im lặng, thi thoảng nghe tiếng rên. Anh vẫn ngồi nhấp từng ngụm rượu suy nghĩ về cái đống rác to tổ tướng phía bên kia đường và cái nhà trọ to đùng mới mọc lên gần đó. Dường như giữa hai thứ ấy có những điểm tương đồng nhau... Mỗi lần tiếng còi xe thùng tò te tí te về, lũ trẻ vài ba chục đứa đứng chực sẵn gần đó và chuẩn bị tư thế, vai chúng mang bao, tay cầm chiếc móc sắt, chăm chăm nhìn xe rác, thi thoảng có đứa còn gờm đứa khác. Và khi chiếc thùng xe trút ào xuống thì chúng lao vào nhặt nhạnh, cào xới, lượm lặt. Có nhiều bữa anh thấy chúng chẳng lượm được bao nhiêu, rồi đổ cáu, xông ra đánh nhau. Luật tồn tại, chọn lọc mà, đất nước này là một cái rừng đầy thú hoang... Anh lại nhìn sang phía nhà trọ, nhiều cán bộ, lại là cán bộ, anh biết những người này, họ dắt nhau vào đây, vợ của ông này sẽ ôm ấp chồng của bà kia. Một cuộc luân chuyển cán bộ trong nhà trọ, cái nhà trọ là biểu tượng của thế giới hiện đại và sự luân chuyển từ giường này sang giường nọ thể hiện tư duy mở rộng, sự linh hoạt của một guồng máy... Anh nghĩ vậy [lại nghĩ!]. Đôi khi anh thấy mọi thứ quanh anh đều như rác, lịch sử là cuộc phân loại một bãi rác to tổ tướng...

 

 

Năm nay anh sắp sửa bước qua tuổi năm mươi chín, ngần ấy năm sống trên đời đủ cho anh nghiệm ra chuyện vui buồn, và hình như chỉ có rượu chia sẻ với anh nhiều nhất, nó giúp anh đủ tỉnh táo và lạnh lùng nhìn vào đời sống, nó cùng anh đốt thời gian và đốt cả cái quĩ tuổi thọ chán chường của anh. Nếu có ai hỏi anh tên gì, anh trả lời ngay: Hùng Rượu gạo. Có lần tôi đánh bạo hỏi anh Hùng vì sao lại thích ngồi ngay cái chỗ phải chứng kiến quá nhiều chuyện buồn và đau đầu như vậy? Sao anh không kiếm một quán khác? Anh cười chua chát: Ngồi đây mới thấy cái đống rác bên đời hiu quạnh, mới thấy cái đống rác đang ăn thịt lũ trẻ, thấy thiên hạ kéo nhau thay đổi chỗ nằm và thấy cái chính quyền này đang ăn nốt phần thịt còn lại trong cửa mình một con đàn bà, thấy luôn cả quân ác ôn đang vuốt ve như thế nào để nó phát rên, hay ra phết chú em ạ! Nói xong anh thở dài, tợp một ngụm rượu rồi chép miệng khà... Tôi im lặng.

 

 

-----------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021