thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tại Sơn Hà Nguy Biến

 

Một người đàn ông [lại một người đàn ông!] chừng bảy mươi tuổi, người hom hem, tóc bạc, mắt sâu, có ánh nhìn thất thần, đi một vòng quanh quán, gặp bàn nào ông cũng vòng tay, cúi chào, cười làm quen, rồi chắp tay lạy và nói: “Lạy cụ cho con xin hai ngàn, can you give me two thousand đồng? I will thank you a lot! OK?” Nhiều tay bợm nhậu thấy ông nói vậy hét lên: “Nói tiếng tây thì sang tây mà xin!”, cũng có nhiều cán bộ nhậu trong quán móc ra vài ngàn, cứ để ông vòng tay đứng nói một tràng tiếng Anh rồi mới cho...

Bữa đó không may cho mấy tay ăn mặc giống cán bộ, mặt mày hợm hĩnh. Bàn gần bên có hai người đàn ông ngồi nhậu, một người cao chừng 1,75m, nặng chừng 85kg; người kia nhỏ hơn một chút, chừng 75kg và cao chừng 1,7m. Người đàn ông to con hơn có giọng nói hơi rè, hùng khí, gọi người đàn ông ăn mày: “Này, you đó ơi, mời anh đến đây chơi!” Người ăn mày lúi húi chạy sang bàn hai người đàn ông và chắp tay. Người đàn ông to con bảo: “You bỏ tay xuống đi. Ở đây you lớn tuổi nhất. Tụi này phải vòng tay với you. Không có lý do gì you phải vòng tay. Giờ tụi này mời you ngồi uống chai bia!” Người ăn mày gật đầu và nói một tràng tiếng Anh với ý là ông ta còn phải đi xin tiếp, người thân ông đang chờ ở nhà... Người đàn ông to con nói: “You cứ ngồi chơi. Chút nữa nhậu xong, em sẽ cho you năm mươi ngàn, khỏi phải vòng tay với lũ mất dạy kia, tụi nó cho you mấy ngàn bạc mà làm như ông nội họ. Em bực tụi nó lắm rồi, giờ tới chặp em sẽ nói chuyện với tụi nó!” Người ăn mày ngồi im lặng và uống từng ngụm bia, vẻ mặt vui vui buồn buồn.

 

Người cháu nội cụ Trần Quí Cáp (giữa) và anh Hưng tại quán Sơn Hà Nguy Biến

 

Phía bên bàn bên kia, đám ăn mặc giống cán bộ lúc nãy bắt người ăn mày vòng tay nghe người đàn ông nói vậy im re, vì họ biết ông ta là ai. Chưa hết, người đàn ông đứng dậy, bưng ly bia về phía bàn của đám đó, đưa ly lên cao và nói: “Hưng này mời anh em một ly. Uống xong ly này, anh em chịu khó đi khỏi quán, vì Hưng này không muốn thấy mặt anh em ở đây!” Nói xong, ông ta đưa ly nốc cạn, lắc lắc ly không rồi quay về bàn, đám ăn mặc giống cán bộ rỉ tai nhau và kêu chủ quán ra thanh toán tiền rồi lẳng lặng rút êm. Nhưng nghiệt nỗi người đàn ông ngồi bên cạnh anh Hưng vẫn chưa bỏ qua, anh ta quát: “Đứng lại, tao muốn nói chuyện với tụi mày. Mày, thằng này lúc nãy bắt ông già nói tiếng Anh và cho ổng hai ngàn đồng. Giờ mày phải vào nói tiếng Anh cho ổng nghe, phải vòng tay và đợi ổng cho lại mày hai ngàn!” Có vẻ như tay kia nổi khùng, nhưng im lặng ra dắt xe, người đàn ông quát tiếp: “Lê Thảo này chưa bao giờ nuốt lời. Tao bảo mày phải lại xin lỗi ông cụ, nếu mày về thì không xong!” Tay kia nói: “Tui có làm gì anh đâu?” Lê Thảo nói: “Mày làm gì với ông cụ này? Mày hỗn, mày mất dạy quá, tao không thể bỏ qua!” Tay kia cũng không vừa, chộp lấy chiếc vỏ chai. Lê Thảo cũng cầm một cái vỏ chai và, nghe xoảng, chiếc vỏ chai bể toang, anh tự đập chai vào đầu mình rồi lắc lắc đầu, những miểng chai vướng trong tóc anh rơi xuống đất nghe lắc rắc, anh nhếch môi cười, nhìn tay kia hỏi: “Mày nhìn thử cái vỏ chai của mày có cứng hơn cái đầu tao không rồi cầm nhé, giờ đến lượt tao đập đầu tao vào đầu mày này!” Tay kia xanh mặt. Trong lúc hai bên căng thẳng thì người đàn ông tên Hưng ôn tồn bảo: “Thôi chú Tư, bỏ qua đi, chuyện qua rồi, nghe lời anh đi!” Lê Thảo ngồi xuống và nói: “Em nhìn cái bản mặt nó em muốn ói, nhậu chẳng có ngon!” Rồi Lê Thảo quay sang nói với ông cụ ăn mày: “Thôi cụ tha cho tụi nó, tụi con nít ranh có chút chức quyền í mà!” Người ăn mày cười cười ngây dại.

 

Người cháu nội cụ Trần Quí Cáp (trái) và anh Hưng tại quán Sơn Hà Nguy Biến

 

Tôi ngồi gần đó, chứng kiến mọi chuyện từ đầu đến cuối, rất tiếc lúc đó không còn tâm ý để mà chụp hình. Đợi không khí trở lại bình thường, tôi lân la sang bắt chuyện làm quen. Anh Thảo nhìn tôi hỏi: “Chú em có biết võ không? Ngồi chơi với tụi anh lúc này hơi nguy hiểm vì rất có thể chút nữa tụi nó tới trả thù, nguy hiểm đấy!” Tôi trả lời: “Em thì dùng thế ba mươi sáu [bỏ chạy] thuộc hàng siêu đẳng nên mấy anh đừng lo, chỉ cần nghe động tịnh là em dọt mất rồi!” Anh Hưng nhìn tôi cười rồi nói: “Coi bộ khoẻ mạnh, lanh lợi, dùng thế ba sáu cũng tốt thôi, câu nhịn chín câu lành mà!” Ngồi một lát, anh Hưng rút tờ 50.000 đồng đưa cho người ăn mày và nói ông cụ nên về sớm kẻo sương xuống không tốt. Ông cầm tiền, cám ơn và tạm biệt, không quên nói một tràng tiếng Anh.

Người ăn mày này là cháu nội của chí sĩ Trần Quí Cáp. Bây giờ như vậy đó, cuộc đời dâu bể, không biết đâu mà lần!” Anh Thảo lắc đầu nói khi người ăn mày đi khuất. Tôi ngạc nhiên nhìn anh Hưng. Anh Hưng gật đầu xác nhận: “Ông này học rất giỏi, trước đây hình như làm phi công cho nhà nước Cộng hoà, sau 1975 đến giờ là ra thân tàn vậy đó. Gặp ai cũng nói tiếng Anh và xin hai ngàn rồi chắp tay lạy tạ, thật là buồn!” Tôi nói chuyện thêm một chút rồi tạm biệt hai người ra về.

Sau này tìm hiểu thêm, tôi được biết chính xác là người đàn ông ăn mày đó tên Trần Văn Hảo (dấu hỏi), hay còn gọi là phi công Trần Văn Hào (dấu huyền), là cháu nội chí sĩ Trần Quí Cáp – người thầy suốt mười lăm năm của ông cố tôi (cụ Nghè Trần Huỳnh Sách, người chủ quản trong việc kêu gọi đóng góp xây dựng trường trung học Điện Bàn, bây giờ là trung học phổ thông Nguyễn Duy Hiệu, trường cấp II - III đầu tiên của Điện Bàn; xây dựng trạm bơm thủy lợi đầu tiên của xã Điện Minh; và thiết kế, xây dựng chùa Nghĩa Trũng – Đông Định để thờ cúng, cầu siêu cho các chiến sĩ trận vong, và khi cụ Trần bị án “mạc tu hữu” [chẳng cần có tội, muốn chém thì chém như chuyện Tần Cối giết Nhạc Phi...], bị chém ngang lưng năm 1908 tại Ninh Hoà, cụ Nghè Trần Huỳnh Sách vào Ninh Hoà rước linh cốt về Điện Thọ, Điện Bàn, Quảng Nam...) Cụ Trần là một trong những người khởi xướng phong trào Duy Tân tại Quảng Nam. Có một điều lạ là cho đến thời điểm này, những người con cháu, hậu duệ cụ Trần Quí Cáp và cụ Trần Huỳnh Sách đều có đời sống khó khăn, khốn đốn và thậm chí cơ hàn.

 

Mặt trước của ngôi nhà cụ Nghè Trần Huỳnh Sách

 

Nhìn lại căn nhà cụ Trần Huỳnh Sách, thấy mái dột, cột mối, cửa nát, trộm vào rinh từng cái lư hương, từng cái bát cổ, rồi con cháu tứ tán... Trận lụt năm 2009 đã làm ướt mục luôn cuốn Cuộc đời và hoạt động của chí sĩ Trần Quí Cáp do cụ Nghè Sách biên soạn, được đặt trong hộp thiếc trên bàn thờ cũng bị nước ngập và cuốn trôi, khi tìm lại được thì chỉ còn một cục bùn nhão nhoét... Cụ Trần Quí Cáp cũng không hơn gì, có người cháu lang thang đầu đường xó chợ, sống không ra sống, chết không được chết... Tự dưng tôi thấy đau lòng cho những người yêu nước năm xưa, họ khó mà bình yên nơi chín suối!

 

Mặt hông của ngôi nhà cụ Nghè Trần Huỳnh Sách

 

Tôi hơi lan man rồi, trở lại với những người trong quán nhậu và cái quán đó. Phải nói đây là quán nhậu thuộc vào bậc nhất Điện Bàn về tính chịu chơi của cô chủ và nhân viên trong quán, nhưng có lẽ cũng chính vì vậy mà quán có tên Sơn Hà bỗng chốc thành Sơn Hà Nguy Biến, cái tên này là do Lý Đợi đặt ra, riết hồi chết tên luôn, sau này Huỳnh Lê Nhật Tấn có gọi là “Sơn Hà Ngụy Biên”, nhưng tôi vẫn thấy tên Sơn Hà Nguy Biến có vẻ hợp hơn. Thường thì quán có hai cô nhân viên phục vụ và bà chủ trẻ, cả ba người này đều chịu chơi giống nhau, đều rất “sáng tạo” trong cách ăn mặc và tiếp khách, tôi mấy lần ghé quán đều tìm ra một nét mới lạ trong cách ăn mặc, hành xử của ba nữ quái này. Có bữa bà chủ quán hứng chí mặc quần rách đáy, cố tình ngồi xoay ra ngoài chỗ khách hàng, vắt chân chữ ngũ, vậy là mấy anh uống say tha hồ xuýt xoa, liếc mắt, chồm tới, chồm lui... Bà chủ vẫn ngồi thản nhiên rung đùi. Còn hai cô tiếp thị thì tha hồ rót bia cho khách, thi thoảng dở váy một cái rồi õng ẹo lượn lờ. Mấy anh khách cười tít mắt... Không say mới lạ! Đặc biệt là sự chịu chơi này chỉ dừng ở mức đó thôi, không vượt quá giới hạn này. Cái hay của quán này là cách hớ hênh khá thông minh của các cô, khiến cho khách đến đùa giỡn vui cười thoải mái, xả stress rồi ra về. Có lần công an đến hỏi sao mấy cô ăn mặc hớ hênh, các cô cười bảo hớ hênh chỗ nào, tay công an bảo mặc quần thế này thế nọ, cô chủ bảo: “... em bận quá không có thời gian may anh ơi, nếu anh rảnh em gởi cái quần, anh về vá đáy lại giúp em...” Tay công an đỏ mặt tía tai mà ra về. Cô chủ quán cũng rất có lòng với người khó khăn, người nghèo, tôi để ý nhiều lần, hễ cứ có ăn xin đến là ngoài cho tiền ra, cô còn mời thêm một ít thức ăn rất ân cần, tình cảm. Ở xứ sở này mà có kiểu người như ba cô trong Sơn Hà Nguy Biến kể cũng lạ!

 

Anh Hưng

 

Chính chỗ chủ quán chịu chơi như vậy đôi khi quán sinh ra phức tạp, đủ loại khách. Nhưng thường thì vẫn có những khách ruột như anh Hưng và anh Lê Thảo hay lui tới quán, hai người này được mệnh danh là hảo hớn chốn giang hồ. Theo tôi tìm hiểu thì trước năm 1975, anh Hưng là một sĩ quan dù, sau đó chuyển sang ngành truyền tin, là một tay cực kì giỏi võ, đã từng một lần thách đấu với một võ sư nổi tiếng miền Trung và đấu sau 5 hiệp hoà điểm, và có lần tay không đánh năm, sáu tay lính biệt kích ngã nháo nhào khiến cho mấy tay đến sau chỉ dám hăm he rồi dắt mấy tay bị đánh trở về. Lê Thảo cũng một thời khét tiếng trên giang hồ, từng đá gãy tay một võ sĩ người Miên trong trận đụng độ ở Chợ Lớn – Sài Gòn. Về sau, hai anh không đụng chuyện ai nữa, gần như ẩn cư, tu thiền. Mỗi khi nói về Thiền luận, Phật Giáo là anh Hưng có thể nói suốt đêm, nói say sưa, còn Lê Thảo thì nghiên cứu về phong lan, kĩ thuật trồng lan và nghệ thuật gốm. Hai anh này có thể nói là từng chọc trời khuấy nước một thời giờ rửa tay gác kiếm. Theo như anh Hưng nói là hôm đó anh quá bức xúc khi thấy tay thanh niên kia, nhìn ăn mặc cũng ra vẻ văn hoá, trí thức mà xử sự quá tệ, quá vô phép trước một người già cô thế, nghèo khổ, nên anh mới nổi giận như vậy chứ lâu nay anh không hề muốn đụng đến chuyện đấm đá nữa, mà suy cho cùng thì hôm đó anh chỉ “mời” tụi kia về chứ đâu có đấm đá gì!

Quán này đúng là Sơn Hà Nguy Biến, vì có bữa nguyên một bộ sậu cán bộ huyện vào đây ngồi chật kín, từ chủ tịch cho đến bí thư, rồi chánh án, viện trưởng kiểm sát, trưởng phòng kế hoạch... đều kéo vào đây để... nhìn quần cô chủ, để... nhậu. Như vậy mà lỡ có chuyện gì thì xem như hỏng! Mà chuyện gì là chuyện gì em biết không? Thì bộ mặt văn hoá đó, chủ trì của một cái huyện nó phơi đằng đằng ra đó, nhố nhăng, hợm hĩnh, mất nết, vô văn hoá... Có hết! Mà thực ra, Việt Nam là một cái quán nhậu lớn mà em! Người có thế lực nhậu người cô thế, chính quyền nhậu nhân dân...” Một người anh đã nói với tôi như vậy trong lúc ngồi quán Sơn Hà Nguy Biến — một quán nhỏ ven sông, nằm trên bờ Nam sông Vĩnh Điện — một thị trấn nhỏ, một con sông nhỏ vắt qua.

Vị trí của Sơn Hà Nguy Biến bây giờ chính là mặt nền cũ của Khán Hoa Đình (nơi tụ họp, thi phú và xướng ca, do Tổng đốc Đào Tấn xây dựng) Quảng Nam ngày xưa, và đây cũng là nơi qui tụ của Ngũ Phụng Tề Phi gồm 3 tiến sĩ, 2 phó bảng khoa thi Mậu Tuất (1898, dưới triều Thành Thái năm thứ 10) sau khi từ Huế trở về quê để tạ ơn tổ tiên, hồn thiêng sông núi đã hun đúc, run rủi nên “đại hỷ cuộc” này!

Đó là câu chuyện ngày xưa, nền cũ của chuyện xưa là nền mới của quán nhậu trong câu chuyện hôm nay!

 

 

-----------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021