thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
“Hola, hola” thiên đường hạ giới

 

Bài và ảnh: Bùi Văn Phú

 

Bãi biển Cancún với cát trắng, nước trong xanh

 

Đi nghỉ hè là đi tìm thiên đường hạ giới để tạm quên đi những mệt nhọc của công việc, những ưu phiền của trần gian. Trong lần đi chơi Cancún, không ngờ chúng tôi lại được bay ngang bầu trời thiên đường xã hội chủ nghĩa Cuba - anh em cùng Việt Nam thay nhau thức ngủ để “canh giữ hoà bình cho thế giới”! Tôi vẫn mong ước được một lần ghé Cuba xem nước láng giềng của Mỹ ra sao. Có giống Việt Nam không? Nhưng chắc cũng còn lâu mới có cơ hội, vì lệnh cấm vận của Hoa Kỳ vẫn hiệu lực.

Phi công trưởng loan báo cho hành khách biết khi phi cơ bay ngang Cuba. Nhìn qua cửa sổ, ý thơ Bút Tre vụt lên trong trí nhớ khiến tôi lẩm nhẩm nhại thơ:

Chưa vào chưa biết Cuba

Vừa bay ngang thấy, chu choa rất dài

Ôi đất nước xã hội chủ nghĩa của Fidel Castro với xì gà thơm, đường mía ngọt, biển cát trắng mà du khách Mỹ như tôi không được vào. Từ hơn nửa thế kỉ nay Hoa Kỳ, bất kể đảng nào lên nắm chính quyền, vẫn cấm vận Cuba. Có lẽ người Mỹ còn hận vì thất bại trong việc lật đổ Castro qua vụ tấn công vào Vịnh con Heo.

Tiếc cho người dân Cuba không được đón du khách Mỹ, trong khi Mexico thường xuyên đem biển xanh cát trắng, tequila và kim tự tháp ra chào mời để hốt đô-la. Tôi có vài bạn Mỹ đã đến Cuba, nhưng phải đi theo chương trình giáo dục, còn không có thể sẽ bị FBI hỏi thăm, bị truy tố vì vi phạm luật Mỹ và có thể vào tù hay bị phạt tiền.

Từ ngày Obama lên làm tổng thống, ông đã cho người Mỹ gốc Cuba được về thăm thân nhân thường xuyên hơn, nhưng hàng không Mỹ chưa được bay vào và những người Mỹ khác vẫn bị cấm du lịch đến đó. Các chính quyền Mỹ, cộng hoà hay dân chủ, cũng đều cấm vận Cuba, mà tôi không hiểu vì sao. Tôi không tin cộng đồng người Mỹ gốc Cuba đủ mạnh để vận động hành lang suốt mấy chục năm. Bài học bang giao với Trung Quốc từ thập niên 1970 và với Việt Nam vào thập niên 1990 mà đến nay hai nước vẫn duy trì độc tài đảng trị có thể đã khiến Hoa Kỳ chưa nghĩ đến việc bãi bỏ cấm vận Cuba.

Bay qua không phận Cuba một lúc thì phi cơ bắt đầu hạ cánh đáp xuống Cancún. Bên dưới không thấy gì ngoài rừng cây thấp trông như đước và những vết cắt trắng như cát dẫn vào những ngôi biệt thự.

 

*

 

Bước ra hành lang của phòng khách sân bay, chúng tôi gặp nhiều người chào đón, mời gọi, hỏi han xem có cần gì, luôn miệng chào khách: “Hola, hola” – có nghĩa như “hello” trong tiếng Anh – và trên môi là nụ cười thân thiện. Tôi cũng đáp lại “Hola, hola”.

Trong khi tôi đi đổi ít đô-la ra peso (1 USD = 12 pesos) thì nhà tôi lo tìm hỏi xem trạm đón xe về khách sạn nằm ở đâu. Không ngờ bà xã lại bị lôi kéo vào nơi gạ bán timeshare – là những sản phẩm du lịch mua trả tiền trước – mà chúng tôi đã bảo nhau tránh xa từ lúc còn ở nhà.

Người đàn ông trung niên lịch sự hỏi chúng tôi đến từ đâu, ở khách sạn nào và sẽ dùng phương tiện gì về khách sạn. Tôi trả lời là đã đặt phòng cũng như mua vé xe rồi, chỉ muốn biết trạm xe nằm đâu bên ngoài sân bay. Ông đưa ra tấm bản đồ với Zona Hotelera đầy khách sạn và chỉ cho chúng tôi nơi mình sẽ đến, rồi ông nói chuyện ăn uống ở Mexico, quảng cáo những nơi ăn ngon và rẻ, khách sạn sang bốn sao giá chỉ 100 đô-la một đêm. Ông giới thiệu các nơi ăn trong khách sạn nhiều sao, ăn bao bụng, 75 đô-la cho một người trong 5 ngày, 3 bữa một ngày, ăn bất cứ lúc nào. Nghe qua tôi biết mình đang được ông gạ bán “timeshare”. Dù chưa biết sẽ ăn uống thế nào trong thời gian ở đây nhưng tôi tìm cách từ chối, nói là có đi chung với mấy bạn nữa và sẽ gặp nhau ở khách sạn, như thế không biết các bạn có đồng ý chọn nơi ăn như ông giới thiệu nên không quyết định khi chưa bàn với bạn. Thực ra khi du lịch tôi muốn có cơ hội ăn uống ở những nơi cư dân thường đến. Tôi ít khi ăn trong khách sạn vì không ngon, không hẳn là đặc sản mà lại đắt. Ông vẫn nhã nhặn mời. Chỉ là chuyện nhỏ, dễ dàng giải quyết. Thêm 2 người nữa chỉ trả thêm 100, tất cả 250 đô-la cho bốn người, ăn uống thoải mái trong 5 ngày. Ông tiếp tục chào hàng. Như thế là quá rẻ, phải không bạn? Rồi ông ta đưa một tờ giấy, nói tôi kí vào và hỏi thẻ nhựa. Sách du lịch có nhắc nhở du khách đến Mexico không nên dùng thẻ tín dụng trong những trường hợp như thế vì số thẻ có thể bị đánh cắp và sử dụng ngoài tầm kiểm soát. Chúng tôi nhất lòng từ chối rồi cám ơn sau 15 phút nhẫn nại nghe ông mời chào.

 

*

 

Ngoài cửa phi trường có nhiều người đứng chờ khách, chờ người quen, với bảng tên người, tên công ti du lịch, hãng xe.

Lên một xe 7 chỗ ngồi cùng với hai cặp vợ chồng khác từ Minnesota và Connecticut. Chúng tôi chào nhau và trò chuyện về du lịch. Vợ chồng từ Minnesota đã qua đây nghỉ mát vài lần nói rằng so với Hawaii thì biển Cancún đẹp, trong xanh và cát trắng hơn nhiều. “Đây mới đúng là thiên đường”, anh ấy nói thế. Tôi có đi chơi Hawaii, nhưng đến Cancún lần đầu nên nghe nói mà lòng vui hơn. Bản thân chúng tôi rất thích biển, nhất là những bãi biển đẹp.

Nhà tôi kể chuyện bị gạ mua “timeshare” thì cặp vợ chồng từ bang Connecticut cho biết cũng gặp phải tình huống đó. Họ đứng nghe 15 phút rồi từ chối và trước khi bỏ đi đã lịch sự cho người chào hàng 5 đô-la tiền típ.

Đường về khách sạn hai bên có những hàng dừa. Gió biển thoảng mùi muối mặn làm tôi nhớ biển Việt Nam hơn là biển ở Mỹ. Mùi biển của một đất nước còn đang phát triển, còn phảng phất vẻ nghèo gần gũi với quê cũ hơn, gợi lại cho tôi những kỉ niệm ở biển Nha Trang, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Hạ Long.

Khi vào gần khu du lịch, nhiều khách sạn cao với những tên quen thuộc đập vào mắt.

 

*

 

Phòng của chúng tôi nhìn ra biển. Cát trắng và mịn hơn bãi Waikiki ở Hawaii. Nhìn trái, nhìn phải đều là những khách sạn cao tầng sừng sững cạnh biển. Du khách nằm đọc sách cạnh hồ bơi hay trên những chiếc giường với màn voan phất phơ trong gió, lãng mạn, tình tứ. Nằm nghe sóng vỗ, gió biển thổi mà quên đi mọi chuyện. Đúng là thiên đường hạ giới.

Một chặp, chúng tôi thả bộ dọc theo biển. Chiều nay ít người tắm vì sóng lớn. Cấp độ sóng được ghi bằng mầu cờ cắm dọc bờ biển, mầu xanh là sóng êm, rồi lên vàng và cam.

Trước đây Cancún chỉ là một làng đánh cá. Nửa thế kỉ trước, khi chính phủ Mexico chọn dải cát dài 20 cây số này để biến thành tụ điểm du lịch thì khách sạn bắt đầu mọc lên trên cát trắng, như nấm bên bờ Đại Tây dương. Nay mỗi năm Cancún thu hút cả chục triệu khách du lịch, đông nhất là từ Hoa Kỳ vì chỉ cách nước Mỹ hơn một giờ chim bay.

Những ngày ở Cancún chúng tôi ít ăn trong khách sạn mà thường ra khu cư dân ngồi tại quán bình dân, quan sát sinh hoạt đời sống. Trên đường vào thành phố tôi thấy hai bên đường nhiều cây bàng thật xanh lá, toả bóng mát thật to. Một vài cây phượng còn đỏ. Vào những quán ăn tôi thích những món nhậu của Mễ với vị cay của nó. Cũng như nhiều món Việt, phổ thông như phở là taco với tim gan, phèo phổi, lưỡi bò đều là những món ăn nhậu rất tới của người Mễ. Trời chiều hầm nóng. Tắm biển xong, ngồi ngoài quán ăn taco, nacho nhâm nhi với bia XX hay Modelo mà cảm nhận như thiên đường đang ở quanh đây.

 

Taco bình dân đủ loại, 10 pesos một cái, vừa rẻ vừa ngon

 

Dowtown Cancún nằm vào mé trong đất liền, giống thành phố Đà Nẵng. So với khu du lịch cạnh biển còn kém phát triển. Từng đoàn học sinh mặc đồng phục đến trường. Nhiều cửa hàng dịch vụ du lịch quảng cáo đi chơi Cuba từ đây, 3 ngày giá 300 đô-la.

 

*

 

Chúng tôi đi tham quan thành cổ Chichén Itzá đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới, cách Cancún 180 cây số.

Quần thể khu di tích rộng hơn 6 cây số vuông, nằm giữa rừng. Nơi đây có El Castillo được coi là một trong bảy kì quan nhân tạo của thế giới. Khu này được bắt đầu xây dựng từ thế kỉ thứ 5 và kim tự tháp được xây vào năm 850 là biểu tượng của nền văn minh Maya mà đến nay giống dân này đã biến mất không hiểu vì nguyên do nào.

 

Kim tự tháp El Castillo trong khu di tích cổ Chichén Itzá

 

El Castillo cao 25 mét. Mỗi mặt có 91 bậc thang, tổng cộng bốn mặt là 364, cộng với một sàn chính là 365, là số ngày của một năm. Còn những con số biểu tượng khác qua những tảng đá, cấu trúc trên kim tự tháp như 18 tháng của niên lịch Maya, 52 tuần lễ của một năm hay theo chu kì cứ 52 năm các hành tinh lại cùng nằm trên một trục thẳng trong không gian là những điều được người hướng dẫn giải thích.

Một sự kiện khoa học được du khách chứng kiến là khi đoàn người đứng dưới chân kim tự tháp cùng vỗ tay, trong vài giây những tràng pháo tay dồn dập vọng lại trong gió nghe như một đàn chim đang vỗ cánh bay ngang. Tổng thể khu kiến trúc gồm đài thiên văn, sân thể thao, đấu trường, giếng nước được xây dựng bằng kiến thức về toán học và thiên văn với trình độ cao.

Lúc trước, du khách còn được lên đỉnh kim tự tháp, nhưng cách đây ít lâu có người té chết khi leo lên những bậc thang nên bây giờ không cho du khách lên đỉnh nữa. Theo lời kể của hướng dẫn viên, bên trong El Castillo còn một kim tự tháp nhỏ, đặc biệt trong đó có tượng con báo bằng đá đỏ, trên mình khảm những viên đá bích ngọc chỉ có ở Trung Hoa. Câu hỏi đặt ra làm sao người Maya cổ đã tìm được những mẩu đá bích ngọc huyền bí đó từ một vùng đất xa xôi.

Trong khu di tích có bày bán nhiều đồ kỉ niệm, nhất là các mặt nạ và lịch Maya. Ở đây ngày 21.12.2012 được nhắc đến vì lúc đó là thời điểm chấm dứt của lịch Maya. Vì thế đã có những suy luận cho rằng đó là ngày tận thế.

 

Mặt nạ và lịch Maya cổ là những đồ kỉ niệm du khách thích mua

 

Bao giờ tận thế thì có ai biết được. Còn thiên đường và địa ngục thì ở đâu đó bên kia cõi đời này và chưa có ai đã đến được đó rồi trở lại dương trần kể cho chúng ta nghe. Nhưng nếu có dịp, mời bạn ghé chơi Cancún vì ở đó tôi đã thấy được một góc của thiên đường.

 

 

 

-------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021