thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chuyện kể của người tử tế ở Thăng Bình

 

Nói gặp người tử tế thì không chỉ có nghĩa là nói gặp một người sống tốt với mình hay là tốt với một ai đó, mà vấn đề nằm ở chỗ: trong kho kí ức của anh/chị này chứa những câu chuyện về nhiều người tốt, tử tế khác nữa, trong đó có thầy, bạn, người thân, kẻ sơ... Và những câu chuyện đã lưu giữ trong họ, đã lên men thành những câu chuyện khác để rồi lại ứng vào họ, ứng vào đời sống này... Và trên hết, họ có đôi mắt nhìn đời sống cũng khá “dị thường”, nhìn đâu cũng thấy điểm tốt của người khác! Có lẽ do vậy mà cho đến bây giờ, nhà của họ vẫn để ngõ khi đi ngủ. Nhà đang xây dựng, bỏ vật liệu nằm khắp nơi, nhưng chẳng thèm để ý chuyện trộm cắp, và cũng chẳng có trộm cắp nào hỏi thăm nhà của họ bao giờ. Và cái xóm từng nổi tiếng là hư hỏng cách đây chẳng bao lâu giờ trở nên yên bình, một sự yên bình không dính dấp, không bị lạm dụng bởi màu đỏ hay màu vàng nào cả...

Cách đây không lâu, trong một dịp chúng tôi đi viếng và thắp nhang nhà của Cụ Huỳnh Thúc Kháng, đường đi khá xa, băng qua một con đèo nhỏ, mấy đoạn đường cô thôn cổ lũy, khi về đến Tam Kì thì đã gần mười giờ tối, mệt. Máy điện thoại của Đợi rung báo tin nhắn. Đợi đọc tin và cho tôi biết là có một người bạn chưa từng gặp mặt muốn mời chúng tôi đến nhà chơi. Khuya rồi, chắc là phải về, tôi nói vậy. Đợi đồng ý. Nhưng đi được một đoạn, thì người bạn thân của Đợi lại nhắn tin bảo rằng người này (người lúc nãy) muốn mời chúng tôi đến nhà chơi... Vậy là chúng tôi đi ngược gần ba mươi cây số để đến thăm. Trời đã khá khuya. Chủ nhà là một người để tóc dài, mắt sáng, thần khí mạnh mẽ, tính tình hoạt bác, vui vẻ. Phong cách của anh gợi cho tôi hình ảnh những chí sĩ Cần Vương thời xa xưa đang qui ẩn, đang vui thú điền viên, mặc “đời xe ngựa ngược xuôi...”

 

*

 

Sau một tuần trà, một tuần rượu (nói là tuần vì mỗi người uống đúng hai ly trà, hai ly rượu và ngồi nói chuyện, không ai uống thêm ly nào nữa, không khí hợp với trò chuyện, đàm đạo hơn là ăn uống nhậu nhẹt, chính vì vậy mà những câu chuyện cứ theo nhau tuôn chảy, hết chuyện thơ ca lại đến chuyện lịch sử, chuyện thời cuộc...). 01 giờ sáng, thi sĩ Tấn Thái đi ngủ trước, lúc sau nữ sĩ Minh Hiền cũng “ngủ đây, mắt ríu rồi!”, lúc nữa đến Trung “voi” (em trai của Đợi) cũng “hết chịu được rồi, ngủ đây!”, ba giờ sáng thì Đợi “kiếu nha, chắc phải chợp mắt một chút!” Vậy là còn mỗi anh Giản và tôi ngồi lại, một chủ một khách tiếp tục câu chuyện của mình. Câu chuyện làm tôi nhớ nhiều nhất là câu chuyện giáo dục của anh thời thơ ấu, thời mà chữ Thầy với anh vẫn mãi là chữ viết hoa, không thay đổi... Và câu chuyện Tết Mậu Thân.

“... Lúc đó mình chín mười tuổi gì đó thì phải, ham vui, mà nhà thầy thì lúc nào cũng kín cổng cao tường. Có lẽ ông không muốn giao lưu với những người thị xã. Chung quanh nhà thầy là vùng răng lược, có nhà cộng sản có nhà quốc gia. Thị xã lúc ấy là cái chảo chiến tranh và chính trị, còn tụi mình là lũ con nít ham vui... Thấy nhà thầy có mấy cây ổi trái to và ngon quá, sáng nào cô cũng hái mấy rổ mang ra chợ bán, mình thì cứ nhìn lên mấy cây ổi nhà thầy mà thèm đến chảy nước miếng, nghĩ cách, nhưng nghĩ hoài chưa ra... Có bữa ngồi nghe mấy người lính kể chuyện đặc công Việt Cộng tập kích vào bên trong đồn có rào kẽm gai và lưới B40 dày đặc... Nghe đã quá, trưa hôm đó mình rủ mấy người bạn cùng mình vác theo một cây xà beng dài, mình nhỏ con nhất và liều lĩnh nhất nên nhận phần ‘đột kích’... Thằng Hải voi luồn cây xà beng vào lớp hàng rào sát mặt đất, thêm hai đứa nữa cùng nó gánh bẫy hàng rào lên, mình từ từ bò vào, thế là tha hồ mà hái ổi bỏ vào chiếc mũ vải, áo... Hái gần xong, mình từ từ khom người men theo bờ tường, trở lại chỗ bờ rào có để chui ra... Mình đi nhẹ lắm, chó cũng không sủa, vậy mà bỗng soạt, thầy mở cửa đứng ngay trước mặt, mấy đứa bạn thấy vậy chạy sạch... Thầy gọi ‘Giản, con lại đây!’ Mình bước lại, vẫn giữ nguyên mũ ổi trên tay, cảm giác chết sợ vì lo bị dắt về nhà cha mẹ, bị đuổi học... Thầy ngồi xuống thềm, nhìn mình hỏi ‘con đi mấy đứa?’ Mình thưa ‘dạ sáu đứa!’ Thầy hỏi ‘con có mấy đứa em?’ Mình thưa ‘dạ ba đứa’. Thầy bảo mình kể cách thâm nhập vào bên trong hàng rào, mình kể từ đầu đến cuối, thầy chăm chú lắng nghe, gật gù, một lúc thầy lại chậm rãi nhìn mình từ đầu xuống chân, nói: ‘Cách làm thì thông minh đấy, nhưng lấy trí thông minh để làm một việc xấu thì không nên. Con thấy đấy, chung một việc làm xấu thì chẳng bao giờ người ta chung thủy với nhau mà chỉ lợi dụng nhau thôi. Nếu con ra với một mũ ổi thì bạn bè sẽ tung hô con, nhưng khi con bị bắt thì bạn con giờ không thấy đứa nào. Con là đứa thông minh và học giỏi trong lớp, con hiểu thầy đang nói gì chứ?’ Mình thưa ‘dạ con... hiểu!’ Thầy nói tiếp: ‘Giờ con đếm tất cả số ổi con đã hái, lấy cho mỗi đứa một trái, ba đứa em con ba trái và phần con hai trái... Chút thầy sẽ mở cổng cho con ra. Và nhớ lời thầy là đừng bao giờ làm việc gì để lương tâm phải ray rứt khi đối diện... Nhớ nha con!’ Sau đó thầy mở cửa cho mình ra với một túi ổi. Đám bạn nhìn mình, không hiểu gì... Có lẽ cái lần thầy mở cửa ấy cũng đồng nghĩa với một cánh cửa khác, cánh cửa nhân tâm mở cho mình... Vậy đấy, bài học ấy theo mình đến bây giờ và có lẽ còn theo lâu nữa... Còn chuyện dạy và học thời nay thì... Thầy lo chuyện thầy, trò lo phần trò... Buồn!”

 

*

 

Và một câu chuyện khác về cái tết không thể quên cùng một câu nói xây tổ trong lòng:

“... Tết Mậu Thân, mình mới mười ba tuổi. Đêm đó cha mình đang cúng đón giao thừa. Ông mặc áo dài khăn đóng, ông vốn là con trai út của một trong những đầu lĩnh phong trào Cần Vương, nếp nhà muôn thuở vẫn vậy, có chút gì đó rất cổ kính, Nho gia... Cha đang quì khấn trời đất thì nghe pháo kích tứ phía. Mình bắt đầu thấy sợ, nhưng cơn buồn ngủ kéo đến, mình chỉ nghe được câu cha nói trước khi mình thiếp vào giấc ngủ: ‘Đánh gì mà nhè cái giờ người ta cúng tổ tiên mà đánh vậy trời! Kinh thật!...’ Sáng mai, mình thức dậy thì thấy mình đang ở dưới hầm. Hai người chú họ cũng có mặt ở đó. Khi đi, mẹ mình không quên mang theo một hộp bánh khao khảo, loại bánh làm bằng bột nếp, hong khô, nướng giòn và nhúng đường, nhúng mè, làm rất kì công... bây giờ không mấy khi thấy nữa... Mình đang cầm chiếc bánh chuẩn bị ăn thì thấy hai ông chú mình rút cây AR15 lên đạn nghe ‘rắc’, giật mình. Nhoài người lên miệng hầm dòm ra, thấy hai người lính Việt Cộng đang chạy về phía hầm, một người lớn độ hai mươi tuổi và một người nhỏ độ mười lăm mười sáu gì đó thôi... Nhìn họ như hai con nai lạc đàn, chạy vô hướng, vì lúc đó đã ban ngày, sáng rõ rồi, nhìn thấy hết rồi. Lính Bắc chết không biết đâu mà kể, có lẽ vì họ lạc đường, không nắm rõ địa hình, dính bom, mìn, đạn tỉa, đạn lạc, đủ thứ hết, có khi cả phe mình bắn phe ta, chạy loạn xạ như ong vỡ tổ... Nhưng kinh nhất là toàn tuổi 15, 16 cứ ‘sinh Bắc tử Nam’ mà ngã xuống! Trong lúc hai ông chú mình đã lên đạn và chuẩn bị ngắm, cha mình xông lại đè hai họng súng chúc xuống đất rồi nói với hai chú: ‘Tết em à, nghe anh đi, đừng bắn giết làm gì, ai sống được cứ để sống! Đừng gây đổ máu làm gì!’ Hai chú vốn là lính biệt kích, cũng máu lửa lắm, địch ta rõ ràng lắm, nhưng nghe cha mình nói vậy thì từ từ thả súng và lùi vào bên trong... Xong chiến trận, im tiếng súng, mình theo người hàng xóm ra đường. Ôi, xác người nằm không biết bao nhiêu mà kể, có xác đã sình lên, bốc mùi, nhưng sao xác nhìn trẻ quá, có nhiều người lớn hơn mình độ hai ba tuổi gì thôi, nằm chết mà mặt nhìn búng ra sữa vậy, trời ơi! Tự dưng mình khóc, có lẽ đó là lần khóc nhớ đời của một thằng đàn ông em ạ!... Sau này, khi làm nghề điêu khắc, mình luôn bị ám ảnh bởi những gương mặt ấy... Và cho đến ngày rời thành phố, về quê làm bia mộ, mình vẫn...”

 

*

 

Nói đến đây, nhìn lại đồng hồ đã gần bốn giờ sáng, nhưng câu chuyện vẫn chưa hết. Anh kể lại những ngày phiêu dạt, những ngày vào thành phố làm ăn, bữa được bữa mất, anh chỉ làm ra toàn những bức tượng mang gương mặt không tuổi, những gương mặt nạn nhân của một ý thức hệ sai lầm nào đấy, những cái chảo thịt người đầy ắp xác thanh thiếu niên... Đương nhiên là tượng của anh chẳng ai dám mua và cũng chẳng có cơ hội triển lãm, anh lại đói dài dài giữa “hòn ngọc Viễn Đông”. Và rồi lại quay về quê, cưới vợ, sinh ba cô con gái. Cả ba cô học khá thông minh, dễ thương. Người vợ của anh là một nhà giáo. Chị không đẹp một cách phơi bày, điệu đàng như những người đàn bà từng đi qua cuộc đời anh thời trai trẻ, nhưng chị có một đức tính làm anh cảm phục, một tâm hồn thuần phác, đáng yêu... Có lẽ do sự đồng cảm trong cách nhìn cuộc sống mà anh chị sống hạnh phúc, đồng lòng... Điều làm tôi nhớ nhất về chị chính là nỗi trăn trở về sự thoái hoá, băng hoại trong nền giáo dục mà chị phải tiếp xúc hằng ngày. “Có những thầy cô không có nghiệp vụ chuyên môn, không có tri đức nhưng vẫn cứ bám trường, vì họ ‘đỏ’, chính vì cái màu đỏ ấy mà nền tảng đạo đức trở nên nát bét, lòng tự trọng và tri thức xuống cấp...” — chị nói. Và điều làm tôi ngạc nhiên nhất là sở nguyện của hai vợ chồng nhà này: “Mong một ngày nào đó, cái cơ sở làm bia mộ của gia đình anh chị sẽ khắc tên tất cả những người lính chết trận trong vùng, dù ở phía nào, và mong rằng tên tuổi họ sẽ được khắc lên trên những tấm bia của tất cả những cơ sở làm bia mộ trên đất nước này... Vì đã có quá nhiều gương mặt, nhiều tuổi xanh chết một cách oan uổng vì một thứ gì đó mơ hồ lắm em ạ! Thật sự vô lý, đến cái tên cũng không còn...!” Họ đã nói vậy với tôi lúc trời sắp sáng. Câu nói của họ cứ theo tôi... Những người tử tế ở Thăng Bình mà chúng tôi đã gặp, sự tử tế ở đây, tôi nghĩ theo một cách khác.

Và đặc biệt là giữa một khu vực nổi tiếng xì ke, ma tuý và chết vì bệnh AIDS trước đây, nhưng nhà anh chị vẫn chưa bao giờ mất bất kì một thứ đồ gì trong nhà. Bọn trẻ thường đến nhà anh chơi và học hỏi. Nếu cần, anh giúp chúng cây bút, cuốn tập. Những nhà giáo bất bình chuyện dạy học, chuyện giáo án, chuyện cấp trên, thất vọng về đạo đức ngành nghề - xã hội cũng tìm đến anh tâm sự. Đám thanh niên có chuyện chán đời cũng tìm đến anh để được tư vấn, chia sẻ. Và anh luôn nhắc họ một câu cuối: “... Mình phải sống tử tế, cho dù cái xã hội mình đang sống nó có nát bét ra em/anh/chị/cháu... ạ!”

Bây giờ, trong xã hội này, tìm được một gia đình tử tế như vậy thú thực là rất hiếm! Không biết nên vui hay buồn?!

 

 

-----------------------

 

 

_____________

Bài tương cận:

Vùng cát Thăng Bình  (ký sự / tường thuật)  - Phan Thị Lan Phương
Tôi có thói quen không đi cùng một con đường trong một ngày, ngoại trừ con hẻm dẫn vào nhà mình. Vậy nên lần này, sau khi từ Đà Nẵng về Thăng Bình theo quốc lộ 1A, tôi quyết định tìm một con đường khác để ra lại Đà Nẵng... (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021