thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
THƠ THẲNG ĐỨNG THỨ MƯỜI HAI
Bản dịch Diễm Châu
 
Đôi lời về tác giả:
 
ROBERTO JUARROZ là một trong những tên tuổi lừng lẫy nhất của châu Mỹ La-tinh hiện đại. Ông sinh ngày 5 tháng Mười 1925 tại Coronel Dorrego thuộc miền bình nguyên rộng lớn Buenos Aires của Á-căn-đình (Argentina); là tác giả của nhiều tập thơ có chung một tựa, chỉ khác số thứ tự: Poesía Vertical I, II, III... Thơ thẳng đứng khởi sự từ năm 1958, nay đã lên tới tập XIII (1993).* Tất cả các bài trong các tập đều không mang tên, như thể tác giả muốn nhấn mạnh tính “vô danh” của thơ mình hoặc nguồn xuất phát chung của những bài thơ ấy: Thơ thẳng đứng, thơ của sự rơi, của phận người, không phải là thơ “nằm ngang” mà là của chiều thẳng đứng (lên hay xuống), của đào sâu, của chất vấn, của đảo lộn choáng mặt...
 
Nhận định sơ khởi về thơ Roberto Juarroz, nhà thơ Pháp-Thụy sĩ Philippe Jaccottet từng viết: “Ngay từ những vần thơ đầu, người ta đã nghe một tiếng nói khác biệt, rắn rỏi, sắc bén, nghiêm xác. Con người (...) mạnh dạn suy nghĩ về nơi mình cư ngụ, về những tương quan giữa bên trong và bên ngoài, giữa trung tâm và ngoại vi, giữa ngôn từ và im lặng, giữa vắng mặt và hiện diện...” Ngay khi đọc tập thơ thứ nhì của Roberto Juarroz, nhà văn Á-căn-đình danh tiếng Julio Cortazar cũng đã viết cho Juarroz: “Đã lâu tôi chưa từng đọc những bài thơ nào làm tôi mệt lả và phấn khích tôi như những bài thơ này...” Và theo lời Octavio Paz thì Roberto Juarroz là “một thi sĩ lớn của những khoảnh khắc tuyệt đối.” Còn René Char: “Roberto Juarroz là một nhà thơ đích thực và vĩ đại.”
 
Từng điều khiển tạp chí thi ca Poesía = Poesía cùng với M. Morales tại Buenos Aires từ 1958 đến 1965, Roberto Juarroz còn là nhà phê bình văn nghệ (trên tờ Gaceta, Tucumán), nhà phê bình điện ảnh và sân khấu (trên tờ Esto Es). Tập “đối thoại với Guillermo Boido” của Roberto Juarroz, Thơ và sáng tạo, cho thấy ông là một người am tường văn chương châu Âu, nhất là các nhà thơ Pháp và cũng là một người hâm mộ đạo Thiền. Thủa nhỏ, Juarroz từng trải qua một cuộc sống đơn độc và một kinh nghiệm về tôn giáo sâu sắc. Trong đời, ông đã gặp phải hai hay ba cơn đau tim nặng. Và cũng đã phải lìa bỏ quê hương vì xung khắc với kẻ độc tài. (Tuy thế, trong thơ, ông rất ít khi dùng tới chữ “tự do”. Ông nói: “Thơ sẽ làm anh tự do.”) Trong việc khám phá thực thể rộng lớn của đời người, ông coi Antonio Porchia (1885-1968), một nghệ sĩ khác của Á-căn-đình (sinh tại Ý), tác giả tập Những tiếng nói, như mẫu mực. Roberto Juarroz còn là tác giả tập tiểu luận Thơ và thực tại. Ông kết hôn với bà Laura Cerrato, giáo sư Đại học Buenos Aires, chuyên viên về văn chương Ăng lô-Sắc xông và cũng là một thi sĩ.
 
Toàn thể tác phẩm của Roberto Juarroz được in cả ở Buenos Aires lẫn Caracas. Một phần của thơ ông đã được dịch ra khoảng 20 thứ tiếng trên thế giới. Roberto Juarroz đã được tặng “Giải thưởng Lớn Danh dự dành cho thi ca” của Fundación Argentina ở Buenos Aires và nhiều giải thưởng văn chương khác ở nước ngoài, trong đó có Giải thưởng Jean Malrieu ở Marseille vào tháng Năm 1992 và Giải Lưỡng niên Quốc tế về Thi ca ở Liège (Bỉ) vào tháng Chín 1992.
 
Năm 1991, Tủ sách Thơ của nhà xuất bản Trình bầy (hải ngoại, ở Lộ-trấn, Pháp) đã giới thiệu với bạn đọc Thơ thẳng đứng (Ba mươi bài) của Roberto Juarroz, bản dịch Diễm Châu. Vì số in hạn chế, tập thơ này đã mau chóng trở thành một thứ “bưu hoa” của các nhà sưu tập quốc tế! Trong năm nay (1993), Trình bầy sể ấn hành Thơ thẳng đứng thứ mười hai (nguyên tác: 1991), Thơ thẳng đứng thứ mười ba (nguyên tác: 1993) và tuyển tập Thơ thẳng đứng (I-XI) do cùng một người dịch; cả ba tập sau gồm trên 400 bài của Roberto Juarroz. (DC.,1993)
 
--------------------------
* Đây là lời nói đầu cho hai tập Thơ thẳng đứng XIIThơ thẳng đứng XIII in ăm 1993. Bạn đọc muốn biết thêm về Roberto Juarroz, xin tìm đọc các tư liệu của Fernand Verhesen, Roger Munier, hoặc lời nói đầu tuyển tập Vertical Poetry, bản dịch Anh văn của W. S. Merwin (North Point Press, San Francisco, 1988) và các bản dịch Thơ thẳng đứng khác của nhà xuất bản Trình bầy. (DC., 2005)
 
 
 
ROBERTO JUARROZ
(1925-1995)
 
THƠ THẲNG ĐỨNG THỨ MƯỜI HAI
 
Bản dịch này để tặng
Bích Nguyên & Mai Văn Phấn.
DC.
 
1
 
Rút lời nói ra từ nơi chốn của lời nói
và đặt nó vào chỗ của những gì không nói:
những thời gian đã mỏi mòn,
những trông đợi không tên,
những hòa hợp chẳng bao giờ đạt tới,
những điều khẩn cấp bị lơ là,
những dòng nước ngưng lại.
 
Làm sao cho lời nói chấp nhận
chất rượu đã bị lãng quên
của những gì chẳng hề là lời nói,
mà là câm nín không được ai hỏi tới
bên bờ im lặng,
ở đường viền của bông hồng,
vào lúc sau-chuyến bay không mơ mộng của cánh chim,
nơi chiếc bóng hầu như trống rỗng của con người.
 
Và như thế, thế giới gộp lại,
mở ra không gian hoàn toàn mới
nơi lời nói không còn chỉ là
một ký hiệu để nói
mà còn để im lặng,
cách thế thuần khiết của con người,
hình thức để nói hay không nói
với ý nghĩa trĩu nặng
như một vị thần trên vai.
 
Có lẽ là mặt trái của một vị thần,
có lẽ âm bản của vị thần ấy.
Hay có lẽ kiểu mẫu của vị thần ấy.
 
 
2
 
Cắt ngang mọi diễn từ,
mọi bộ xương bằng lời,
và ghép vào chỗ cắt
ngọn lửa không tắt
 
Khởi sự diễn từ của đám cháy,
một đám cháy làm bùng dậy
những tàn lửa thấp hèn hôi hám
vọt ra là vì đúng thế,
nhịp theo những cơn gió.
 
Và trong thời gian đó bịt kín sự vô độ
của ngôn từ quyền lực và tàn dư.
Lời nói của con người không phải là một mệnh lệnh:
lời nói của con người là vực sâu.
 
Cái vực sâu,
cháy như một cánh rừng:
một cánh rừng khi cháy lại hồi sinh.
 
 
3
 
Lâu lâu, có định kỳ,
cũng cần phải điểm danh các sự vật,
xác nghiệm lại một lần nữa sự có mặt của chúng.
Cần phải biết
Cây cối có còn ở đó,
chim chóc và hoa
có tiếp tục cuộc đấu giao hữu thật khó tin của chúng,
những làn ánh sáng lẩn khuất
có còn theo đuổi việc cung cấp gốc rễ của ánh sáng,
những kẻ láng giềng của con người
có còn nhớ tới con người,
thần linh có nhường
không gian của mình cho một kẻ thay thế,
tên em có còn là tên em
hay đã là tên tôi,
con người đã hoàn tất hay chưa công việc tập sự
nhìn thấy bản thân từ bên ngoài.
 
Và khi kiểm điểm
cần phải tránh nhầm lẫn:
không một vật nào lại có thể lấy đặt tên cho một vật khác.
Không có gì được thay thế cho những gì vắng mặt.
 
 
4
 
Tất cả từ xa tới.
Và vẫn xa.
 
Nhưng xa cái gì?
Xa cái gì đó ở xa.
 
Bàn tay tôi ra hiệu cho tôi
từ một vũ trụ khác.
 
 
5
 
Có những ánh sáng đã tắt
soi sáng hơn
là những ánh đèn đang cháy.
 
Có những nơi chẳng nên
thắp sáng một vật gì lên để nhìn cho rõ.
Nhưng lại cũng có những sự vật
sáng rõ hơn khi đã tắt mọi ánh sáng,
như những địa tằng nghiêng nghiêng nào đó của con người
hay những xó xỉnh len lén tới ngụ
trong những không gian khai mở nhất.
 
Tuy nhiên cũng có một lúc trái gió trở trời của ánh sáng,
một vùng quang đãng và trơ trụi
nơi chẳng có gì khác biệt
giữa những ngọn đèn đang thắp
và những ánh sáng đã tắt.
 
 
6
 
Có những mẩu lời nói
ở bên trong hết mọi sự
như những mẩu sót lại của một mầm hạt đã xưa.
 
Muốn tìm ra chúng
cần phải thu hồi cái bập bẹ
của lúc khởi đầu hay chung cuộc.
 
Và từ sự quên lãng những cái tên
học lại cách đánh vần những lời nói,
nhưng khởi từ mặt sau của những chữ.
 
Có lẽ lúc đó chúng ta sẽ khám phá ra
rằng không nên bổ túc những mẩu kia,
vì mỗi mẩu đều là một lời nói trọn vẹn,
một câu nói của một ngôn ngữ đã bị lãng quên.
 
Lại cũng có thể là chúng ta sẽ tìm thấy nơi mỗi sự vật
một văn bản đầy đủ,
một văn bản dành riêng và được bảo vệ
không nên đọc để hiểu ra.
 
 
7
 
Bài thơ vời khói tới
để thắp ngọn đèn.
 
Những ánh lửa đã tắt
là chất đốt tốt nhất
cho những ngọn lửa mới.
 
Ngọn lửa chỉ nhóm lên
với quá khứ của nó.
 
 
8
 
Hắn vẽ cửa sổ ở khắp nơi.
Trên những bức tường quá cao,
trên những bức tường quá thấp,
trên những vách ngăn nhẵn nhụi, trong những xó xỉnh,
trên không khí và cả nơi trần nhà.
 
Hắn vẽ cửa sổ như thể vẽ chim.
Trên mặt đất, trên đêm tối,
trên những ánh mắt rõ ràng là mờ đục,
trên những vùng lân cận cái chết,
trên những nấm mộ, trên cây cối.
 
Hắn vẽ cửa sổ cả trên những cánh cửa ra vào.
Nhưng không bao giờ vẽ một cánh cửa ra vào.
Hắn không muốn bước vào cũng chẳng muốn bước ra.
Hắn biết rằng điều đó không thể được.
Hắn chỉ muốn nhìn: nhìn thấy.
 
Hắn vẽ cửa sổ.
Ở khắp nơi.
 
 
9
 
Sớm hay muộn gì
cũng phải đặt bàn tay lên ngọn lửa.
 
Có lẽ bàn tay có thể
trước tiên học là ngọn lửa
hoặc thuyết phục ngọn lửa
khoác dạng của một bàn tay.
 
Và nếu như cả hai điều đều thất bại
có lẽ bàn tay và ngọn lửa có thể
tiêu tan thành những nguyên tử lúc này tự do
có một ánh sáng khác biệt.
 
Hay có lẽ chỉ
sưởi ấm vũ trụ thêm đôi chút.
 
 
10
 
Có bao nhiêu dạng viễn ảnh
mở ra nơi chúng ta?
Chúng ta biết rằng chỉ một dạng không đủ
và hầu như chẳng hề nhận thấy
chúng ta đã sáp nhập những lối nhìn mới,
những võng mạc khác thường,
vào cái phương trình đáng sợ này
của nhìn thấy, hiện hữu và qua đi.
 
Và lúc này, chúng ta cũng chẳng còn biết
chúng ta dùng vật chi để nhìn thấy những gì chúng ta nhìn thấy.
Lại cũng chẳng biết
Chúng ta có thật là những kẻ nhìn thấy.
 
 
11
 
Đảo ngược những dấu hiệu của ngày hội,
như một thày tu khùng có lẽ sẽ làm thế,
một ông thày tu chỉ có thể nguyện cầu với cây thập giá lật ngược
hay tự mình
lộn đầu xuống đất.
 
Hội lễ hãy khởI sự
với cái chết ở đầu những ngón tay
và vực sâu quấn quit những ống chân,
với vành trăng biến thành bọt biển
để thấm hút bầu trời
và ánh sáng thành cây chổi
để quét dọn trái đất.
 
Giấc mơ hãy biến thành thực chất,
tuổi già thành thắng lợi
và sự vắng mặt gọn gàng của em thành hiện diện.
Và rải tung sự đồng nhất của những xó xỉnh
như thể ta thắp ánh sáng đầu tiên hết
bằng mảnh bấc của đêm đen.
 
Phải đảo ngược những dấu hiệu của ngày hội
phá tan cái mắt lưới kỳ cục
của trò chơi đang siết chặt chúng ta
và nhảy tới một trò chơi rộng mở hơn.
 
Phải tìm được thêm cái nhìn trong những con mắt
hay ngoài những con mắt
và cuối cùng khám phá ra hội lễ đã hứa.
 
                                        (tặng António Ramos Rosa*)
 
------------
* Một nhà thơ quan trọng của Bồ-đào-nha thời hiện đại. (Người dịch)
 
 
12
 
Cái sai lầm mà một vật mắc phải
khi rơi xuống từ tay em,
điều ngộ nhận phi lý của một chiếc lá
khi không rơi xuống đất,
sự lẫn lộn của một mùi thơm
thiên cư từ một bông hoa
và đi ướp hương cho một tư tưởng,
không phải là do
sự thiếu kinh nghiệm của chúng
mà là do cái khiếm khuyết căn bản mà sự tình cớ phân phát
như một đềm tan nát
vì sự kinh hoàng thầm lén của tháng ngày.*
 
Cái âm mưu hiển nhiên đó của lầm lẫn
tỏ ra rằng lịch sử chưa bắt đầu
và con người chỉ ghi lại trong niên sử của mình
những điều giả bộ bấp bênh của thời kỳ có trước lịch sử.
 
Duy một trí tưởng tái sinh
vạch những chuyển động của cuộc trở lại,
của mùi hương về với bông hoa,
của những chiếc lá về với cội cây,
của một vật về với tay em,
của sự tình cờ về với tình cờ,
của đêm tối về với đêm tối
mới có thể khai mào cho lịch sử đích thực.
 
Thế giới đã ngập ứ
những ảo tưởng thoa dịu.
Phải tìm ra những ảo tưởng thiết yếu.
 
--------------
* Nguyên tác: “por el apocalipsis encubierto de los días.” Chữ “apocalipsis” thường được dịch là “Khải huyền” (hay thiên Mặc thị trong Tân ước của thánh Giăng, nói về những điều xảy ra trong ngày thế mạt). (Người dịch)
 
 
13
 
Có một lúc
người ta thoát khỏi tiểu sử của mình
và từ bỏ cái bóng đè nặng ấy,
cái giả đò là quá khứ ấy.
 
Không nên sử dụng nữa
cái công thức èo uột của vẫn một thứ ấy,
chẳng nên tiếp tục theo đuổi những cuộc chinh phục của mình,
cũng chẳng nên than van ở những chỗ rẽ.
 
Từ bỏ tiểu sử 
và không nhìn nhận những dữ kiện của chính mình
là làm nhẹ gánh cuộc hành trình.
 
Và như máng lên vách một cái khung trống
để không một cảnh vật nào mỏi mòn khi được gắn vào.
 
 
14
 
Nín thinh một vài bài thơ,
không phiên dịch chúng ra từ im lặng,
không phủ che những hình thù của chúng,
không cả đến tạo hình chúng:
để chúng đọng lại như những cánh chim bất động
trên cành cây bị vùi lấp.
 
Chỉ như thế mới vọt ra những bài thơ khác.
Chỉ như thế máu mới vạch một lối đi.
Chỉ như thế viễn ảnh đang thiêu đốt chúng ta 
mới nhân ra vô số như những ổ bánh.
 
Những bài thơ nín thinh
chứng tỏ với chúng ta rằng phép mầu luôn luôn trẻ.
Và cuối cùng, khi tất cả đều lặng thinh,
có lẽ những bài thơ ấy
cũng làm bật ra một bài thơ khác.
 
 
15
 
Tìm kiếm một sự vật
là bao giờ cũng gặp một vật khác.
Thế nên, muốn tìm ra một vật nào đó,
phải tìm kiếm những gì không phải nó.
 
Tìm kiếm con chim để gặp gỡ bông hồng, 
tìm kiếm ái tình để tìm ra đày ải,
tìm kiếm cái hư không để khám phá một người,
bước lùi lại phía sau để tiến tới phía trước.
 
Bí quyết của con đường,
không phải ở nơi những chỗ chẽ đôi,
nơi khởi sự đáng ngại của nó
hay chỗ đến thật khả nghi,
cho bằng nơi khí chất châm chọc soi mòn
của điều hai nghĩa mịt mờ.
 
Bao giờ ta cũng tới
nhưng một nơi khác.
 
Hết thảy đều tới.
Nhưng ngược chiều.
 
 
16
 
Khi tôi thiếu ánh sáng,
tôi thấy ánh sáng dường như không thể được.*
 
Khi tôi ở ngoài bài thơ,
tôi thấy bài thơ dường như không thể được.
 
Khi tôi thôi nhìn em,
tôi thấy em dường như không thể được.
 
Khi nào tôi mất đi sự sống,
tôi sẽ thấy sự sống dường như không thể được.
 
Nếu như tôi có thể không suy nghĩ,
có lẽ tôi sẽ thấy suy nghĩ dường như không thể được.
 
Từ bên ngoài một sự vật,
sự vật đó là không thể được.
 
Và từ bên ngoài tất cả,
tất cả là không thể được.
 
Nhưng có một ngoại lệ:
từ bên trong chính bản thân tôi,
tôi cũng không thể được.
 
---------------
*imposible: không thể có, không hiểu được, không thể được. (Người dịch)
 
 
17
 
Đường parabol* môi trường sinh sống của chúng ta
nhiễm độc viễn ảnh của chúng ta
và thiêu đốt nó với một cuộc diễu hành thoáng qua
một cuộc diễu hành nghịch với các vì sao.
 
Huyền thoại mang trong mình một vị thần
làm viễn ảnh của chúng ta chảy máu
và làm hư hỏng nó bằng sự bao che mật thiết
của một con mắt buông neo trong chính cái nhìn lệch lạc của mình.**
 
Bị kẹt giữa bên ngoài và bên trong,
có lẽ viễn ảnh phải tự trị,
độc lập với con người và với thần linh,
với con mắt và với các sự vật.
 
Viễn ảnh phải là viễn ảnh chứ không phải ánh mắt,
là ánh sáng bén nhạy, sự xuyên phá, ngọn lửa không cần củi,
là sáng tạo một con mắt, chứ không phải mầm non của nó.
Và sau đó, chỉ sau đó, mở thế giới.
 
-----------------
* “La parábola”, ở đây, không phải là “dụ ngôn”.
** “de un ojo anclado en su propio estrabismo” (của một con mắt gắn chặt với tật lé của mình). (Người dịch)
 
 
18
 
Có lẽ tôi có thể quên đi điều mình đã viết
và viết lại điều đó cùng một cách ấy.
 
Có lẽ tôi có thể quên đi cuộc đời mình đã sống
và sống lại cuộc đời đó cùng một cách ấy.
 
Có lẽ tôi có thể quên đi cái chết mà tôi sẽ chết ngày mai
và chết lại cái chết đó cùng một cách ấy.
 
Nhưng luôn luôn có một hạt bụi ánh sáng
bẻ gãy guồng máy của những điều lặp lại:
có lẽ tôi có thể quên đi điều mình đã yêu
nhưng không thể yêu lại điều đó cùng một cách ấy.
 
 
19
 
Con người trở lại từ mặt trái của mình.
Vậy thời có lẽ y nên
đội nón ngược,
đeo găng tay, vận áo sơ-mi
và nhất là sử dụng trái tim ngược lại.
Và có lẽ y cũng nên
lật lại các từ ngữ,
những ánh mắt xơ tưa trong gió,
lịch sử những ngày nhạt nhẽo của mình,
những cánh cửa của im lặng,
cái làm như suy tưởng mà y tự phụ
và sự vô độ lì lợm của cái chết.
 
Và khi mọi sự đã đảo ngược
khiến lật ngược lại mặt trái,
để xem có thấy hình dạng mình ở đó,
hình dạng con người mà y chưa từng gặp.
 
Bởi mặt trái của mặt trái không phải là mặt phải,
cái hình ảnh thảm hại kia cũng chẳng ích lợi gì hơn.
 
 
20
 
Trang giấy trắng
là một vành tai* đang chờ đợi.
Chữ viết là tiếng nói
có thể phối hợp với màu trắng
hay tàn bạo hủy nó đi
để tới được vành tai như thế đó.
 
Có những lúc
bàn tay linh cảm cái sức nặng đang chờ đợi nó
và đường vạch của nó trên màu trắng
tìm được sức ép cần thiết
để đạt tới âm nhạc ở bên dưới.
 
Khi chuyện đó không xảy ra,
thời phải hủy bỏ chữ viết,
dập tắt nó đi
như dập tắt một ngọn đèn bốc khói,
tái lập màu trắng của trang giấy
và bảo toàn thính quan đang chờ đợi.
 
----------------
* Nguyên tác: “oido” (“vành tai” hay thính giác/ thính quan/ sự lắng nghe”). (Người dịch)
 
 
21
 
Đôi khi dường như
ta đang ở giữa một hội lễ.
Thế tuy nhiên
ở giữa hội lễ không có một ai.
Ở giữa hội lễ là cái trống-không.
 
Nhưng ở giữa cái trống-không có một hội lễ khác.
 
 
22
 
Điệu bộ của bàn tay
khi có ý định viết
đôi khi tạo ra suy tưởng,
tạo ra hình ảnh
làm sống động bàn tay sau đó.
 
Một điệu bộ cũng tạo ra tình ái,
kẻ tạo ra kế đó những điệu bộ khác
và một điều gì nữa ở bên dưới.
 
Ngôn ngữ tự trị của các điệu bộ
dường như là một sự tình cờ được tính toán
để gọi dậy những trông chờ tiềm ẩn
cư ngụ ở đáy cùng mọi vật.
 
Cái cây cũng là một ngôn ngữ của điệu bộ
nơi kết hợp sự tình cờ và đồng lõa của cái cây
để một chiếc lá rụng rơi.
 
 
23
 
Bàn tay tôi mơn trớn giấc mơ của em.
Và để mơn trớn nó hơn nữa
cũng tự biến thành giấc mơ.
 
Nhưng lúc đó giấc mơ của em
lại biến thành một bàn tay,
để có thể thích hợp với sự mơn trớn đó.
 
Phải chăng ái tình mãi mãi vẫn là
chốn giao nhau của một bàn tay đi
và một bàn tay lại?
 
Hay nó cũng chỉ là
vết băng qua của hai giấc mộng giao nhau.
 
 
24
 
Tất cả bọn họ đều nói
về những gì mình thấy trên đường.
Cũng có những người nói
về những gì họ không tìm thấy.
Và có một vài người quy chiếu
vào những gì không thể tìm thấy.
 
Nhưng có những kẻ nói tới một cuộc gặp gỡ
xuất hiện như một cuộc phục kích giữa hai bàn tay,
như một con én không bao giờ tham dự
một đàn chim bay nào,
như một cử chỉ thầm kín tiếp nhận
niềm trắc ẩn thiếu vắng trong những cuộc gặp gỡ.
 
Mọi cuộc gặp gỡ đều tự tạo
như nước trước cơn khát.
Phần còn lại là một ảo ảnh
cũng chẳng thể
khiến sa mạc phải ngạc nhiên.
 
 
25
 
Những hầm mỏ của rã rời tàn bại chiều chủ nhật,
những hầm mỏ nơi chìm đắm cuộc vui
như một hòn đảo con con giả tạo
chìm sâu vào sự thật của biển.
 
Những hầm mỏ của chiều chủ nhật
sưu tập lại những thất bại của con người,
phá hủy những thành quả bằng xơ gai của hắn
và nói trước những bậc thang đi xuống.
 
Hơi nóng của những ngày sắp tới
sẽ lại lặp lại trò giả tạo
như một sàn diễn được lập đi lập lại,
trừ phi là đột ngột diễn ra
cuộc vui bất ngờ,
cuộc vui không có trong các thứ lịch
hoặc trong những trù định huyền hoặc* của con người.
Ngày chủ nhật đột nhập giữa tuần lễ,
không hầm mỏ của rã rời tàn bại.
 
Ngoài ra, còn có một lựa chọn khác:
trong suốt tuần lễ
con người có thể tạo cho mình một khuôn mặt khác,
có lẽ chính khuôn mặt của mình.
 
-----------------
* Nguyên tác: “ni en los fáusticos proyectos del hombre.” Tính từ “fáusticos” có nghĩa là “như Faust, có tính cách như Faust”. Faust là nhân vật của nhiều tác phẩm văn chương ở châu Âu, như của Marlowe hoặc Goethe. Theo thuyết bản đầu tiên của câu chuyện này, xuất hiện ở Frankfurt (1587), nhà quỷ thuật Faust đã bán hồn mình cho quỷ Mephistopheles để đổi lấy những của cải trần thế. (Người dịch)
 
 
26
 
Chúng ta tới một thành thánh.
Chúng ta ưng không biết tới tên nó:
như thể chúng ta có thể gọi nó bằng mọi thứ tên.
Chúng ta không gặp một ai để hỏi
vì đâu chỉ có mình chúng ta trong thành thánh.
Chúng ta không biết tín ngưỡng nào được sùng bái trong thành ấy.
Chúng ta chỉ thấy nơi đây tạo lập duy một sợi nhỏ
sợi chỉ kết hợp toàn thể âm nhạc của thế giới
và sợi chỉ kết hợp toàn thể sự im lặng.
 
Chúng ta không biết thành ấy đón nhận chúng ta hay chê bỏ chúng ta, thành ấy là một nơi tạm nghỉ hay chặng cùng của con đường.
Không một ai cho chúng ta hay tại sao thành ấy không phải là một khu rừng cũng chẳng phải một sa mạc.
Thành ấy không có ghi trong bất cứ một cuốn chỉ dẫn nào, bất cứ một bản đồ nào.
Các sách địa lý không định vị trí của nó hoặc đã không thấy nó.
 
Nhưng ở trung tâm thành thánh có một nơi
mở ra tất cả ái tình câm nín
có ở trong thế giới.
Và chỉ tới hôm nay chúng ta mới hiểu:
cái thánh thiêng
là tất cả ái tình câm nín.
 
 
27
 
Sương mù không sương mù của buổi muộn chiều
triệu tập những đám sương mù rối đạo khác*
tản mác trên thế giới,
nhất là những đám sương mù lẩn khuất
như những thứ tan loãng khả nghi của ánh sáng
ở những rẻo lề nào đó mập mờ
tựa như suy tưởng
và ở những câu chuyện xui xẻo nào đó
mà thần linh dính líu
như thể là những kẻ nhào lộn đu dây
nhân vật của gánh xiếc.
 
Giáo phái sương mù theo tà thuyết kia
sửa chữa ở những nơi khúc khuỷu của thế giới
sự vụng về vô tận
của con người và của thần linh.
 
Có lẽ từ một trong những đám sương mù ấy
một ngày nào đó sẽ nổi lên một hình ảnh rõ rệt hơn
hay một huyền nhiệm tinh khiết hơn,
là vì cả đến những huyền nhiệm cũng đã trở thành dễ dãi..
 
Có thể là nơi những đám sương mù không sương mù
sẽ tụ lại một hình thức thật kín đáo
trị liệu theo lối dĩ bệnh liệu bệnh của ánh sáng.
 
----------------
* “otras nieblas heréticas”. Chữ “heréticas” (theo tà thuyết, khác với những gì Giáo hội dạy), người công giáo ở nước ta thường kêu bằng “theo bè rối” hoặc “rối đạo”. (Người dịch)
 
 
28
 
Thế giới đã khép lại,
con người đã thành nang thũng
trên chính con mắt mình.
Đời người là một thứ nắp
với một dụng cụ chính xác
cho phép ta bắt chước thực tại.
 
Phải mở lại các sự vật,
mở lại chốn cư ngụ của con người,
mở lại những hình ảnh như thể chúng là những trái cây,
mở lại cái xưởng đá ngột ngạt
và lớp da đã héo khô của lời nói,
cái đại lục bị phong tỏa của giấc mơ,
bộ y phục may theo kích thước của tình ái,
những mí mắt hạ thấp của cảnh vật,
căn buồng nhầy nhụa của lưu đày,
sự tàn phế thật nghi lễ của cuồng điên.
 
Và nhảy ra ngoài hay vào trong,
trong ngoài gì kết cục cũng là một.
Hai cực mở ra:
cái trung tâm là cái khép kín.
 
Hoặc giả cũng có chăng một thứ nhảy
bất động ở chính tâm,
một cái nhảy sẽ mở nó ra
như một vì sao mới mọc.
 
 
29
 
Luồng hơi của ánh sáng, sự rung động tập trung
tỏa ra từ những cuộc hội ngộ nào đó
đôi khi mâu thuẫn với chính sự ngắn ngủi của mình
và lan ra như một phép luyện đan chậm rãi
trên hết thảy những gì còn lại của cuộc đời.
 
Có được mãi mãi như thế
một điều gì người ta chưa từng có
và sẽ không bao giờ có,
thay đổi phận người,
biến cải những hạn giới của hắn.
 
Đôi khi những bàn tay chạm tới nhau
và có khi cũng chẳng hề chạm tới nhau nữa.
Nhưng những con mắt chạm tới nhau
hay một điều gì ở phía sau những con mắt.
 
Nhưng có được như thế, chạm tới như thế,
thâu ngắn một góc của vĩnh cửu
và lưu giữ nó trong gian phòng nhỏ mà chúng ta cư ngụ.
 
Có lẽ ở đó là sự khôn ngoan của ái tình,
sự khôn ngoan được cứu thoát từ những đám cháy tàn phá tình yêu ấy.
 
 
30
 
Con người bao giờ cũng đi bên cạnh con đường,
như những con rối.
Chẳng quan trọng gì nếu ngày trước họ là
con rối hay con người.
Ngày nay hình thù vẫn vậy.
Và cái nhìn của họ cố định
Như những dải giấy phẳng lì.
 
Con đường không làm họ đi lạc.
Chúng ta cũng không làm họ đi lạc:
lạc đường dường như là số mệnh buồn bã của con người.
Cũng như biến thành con rối.
Người ta sẽ thấy, nếu nhìn chăm chú,
rằng ngay từ khởi đầu sự cứng nhắc tăng dần.
 
Nhưng có đôi khi
một con người theo đuổi con đường của mình
như thể có một cùng đích.
Những con rối hoảng hốt quan sát hắn.
Con đường lúc ấy dường như chỗi dậy và che chở hắn.
Và đôi mắt của con người ấy vẽ lại
lộ trình gãy khúc của ánh sáng.
 
 
31
 
Ngôi nhà của con người,
ngôi nhà của người không thể có nhà.
 
Mảnh sân trong ở ngôi nhà của con người,
mảnh sân trong nơi mưa gieo xuống như lúa.
 
Cội cây ở ngôi nhà của con người,
cội cây giữ lại tính đồng nhất của thời gian.
 
Ánh sáng nơi ngôi nhà của con người,
ánh sáng tự lột trần ban đêm.
 
Cánh cửa nơi ngôi nhà của con người,
cánh cửa không còn muốn là cánh cửa.
 
Mái nhà của con người,
cái mái chẽ ra thành đôi cánh để theo đuổi dấu vết con người.
 
Cánh cửa sổ ở ngôi nhà của con người,
cánh cửa sổ vẽ khuôn mặt người để có thể săn sóc hắn.
 
Không khí nơi ngôi nhà của con người,
không khí hít thở hắn trong lúc hắn hít thở nó.
 
Hình thù ngôi nhà của con người,
cái hình thù sao chép hình thù hắn.
 
Những phế tích ngôi nhà của con người,
những phế tích duy nhất không phải là một cuộc thua chạy.
 
Chiếc bóng ngôi nhà của con người,
chiếc bóng khuây khỏa với chiếc bóng của hắn.
 
Tình yêu ngôi nhà của con người,
tình yêu rót đầy nó và tát cạn nó.
 
                                         (tặng Manuel Mejía Vallejo và Dora Luz)
 
 
32
 
Chúng ta không thể chận giữ những hình vẽ hình thành ở trên không.
Chúng ta không thể chận giữ những hình vẽ tách rời từ đêm tối
Chúng ta không thể chận giữ những hình vẽ làm rực cháy suy tưởng của chúng ta
 
Chúng ta không biết ai vạch ra những hình vẽ ấy.
Chúng ta không biết vì sao những hình vẽ ấy tô điểm
những ngoại ô mơ hồ này của hư không.
Cũng chẳng biết ngay như có phải đôi mắt chúng ta dùng để
nhìn thấy những hình vẽ ấy.
 
Nhưng chuyện làm chúng ta ngạc nhiên hơn cả
là mọi sự đều tỏ ra thiếu sót,
bởi vì không có vật gì hiện hữu hay tồn tại
mà thiếu sự bổ khuyết của những hình vẽ này.
 
Bởi đó không lấy gì làm lạ khi ta thấy dường như những hình vẽ ấy
hoàn hảo hơn không khí,
được trú ngụ đông đúc hơn đêm tối,
thực hơn suy tưởng.
 
 
33
 
Sự vãng lai của âu yếm,
tới hay lui
như một giấc mơ con trẻ
điều động những khoảng cách
thu ngắn hoặc kéo dài
mà không thay đổi cách đo lường.
 
Gặp gỡ và chia ly
sử dụng cùng một không gian,
không gian ấy đôi khi thức giấc về một phía
và đôi khi về phía kia,
như một người ở trên giường,
được chia sẻ hay đơn chiếc.
 
Âu yếm làm tiêu tan
cái tuyến đường ảo tưởng
phân cách những dòng nước
của chia ly và gặp gỡ.
 
Gần và xa không hiện hữu.
Âu yếm tạo ra chúng
như biển tạo ra bãi biển
và mép bờ không thể nắm bắt
của những ngọn triều ngoan.
 
 
34
 
Đôi khi chúng ta cảm thấy mình rốt cuộc
đã yên vị trên trái đất.
Trái đất dường như là ngôi nhà của chúng ta.
Và trong một lúc chúng ta đã quên mất
những thứ trang phục đặc sắc
của những con người mà mệnh số dành cho kiếp lưu đày.
 
Có lẽ qua những giờ phút bén rễ ấy
chúng ta biết rằng mọi sự
rất có thể diễn ra một cách khác:
có một nơi chốn,
cư ngụ ngôi nhà của chúng ta,
mặc dù lâu lâu vô tận cũng sẽ trục xuất chúng ta.
 
Thế nhưng dù được yên vị hay bị lưu đày
chúng ta vẫn không biết chức năng của chúng ta,
có lẽ là vì chúng ta không hay
chức năng của trái đất.
 
 
35
 
Hơi thở của em sửa chữa lại em.
Hơi thở của em sửa chữa lại tôi
và sửa chữa lại thế giới nữa,
như một thứ tinh hiền đi trong giấc ngủ
làm mờ mặt kính cửa sổ
và vạch lên đó những ký hiệu quấn quít
cuộc sống với cuộc sống.
 
Từ đáy cùng những hình thù xưa nhất,
những hình thù có trước cả hơi thở
đôi khi chỗi dậy một thứ chuyển di của những hình thù,
như để xóa nhòa những ký hiệu kia,
nhưng cũng chỉ bọc quanh lấy chúng
bằng những nét chở che cái nguyên thủy.
 
Và những đường nét này liền bao phủ lấy chúng
như thể để bảo vệ chúng
khỏi những cơn mưa gió bất hạnh
hay có lẽ khỏi cái lúc không thể nào sửa chữa
khi hơi thở em không còn làm mờ
mặt kính đã dửng dưng của khung cửa.
 
 
36
 
Cũng có những không gian làm bằng không gì hết,
những khu vực tối cần thiết để nghỉ ngơi đôi lúc
là vì trong hết mọi sự
cũng cần phải nghỉ ngơi đôi lúc.
 
Thêm nữa lại cũng có những thành phố làm bằng không gì hết,
những người, những đường, những cây,
những lời nói làm bằng không gì hết,
những cuốn sách, những người chết, những cuộc tình,
những thế giới làm bằng không gì hết.
 
Nếu như con tim hòa nhập với chúng
thời có lẽ nó sẽ bắt đầu nghe một thứ âm nhạc
cũng làm bằng không gì hết,
thứ duy nhất có thể mở ra điều khép kín,
thứ duy nhất không nên để gián đoạn.
 
Đằng khác,
khi mọi sự là không gì hết,
sẽ chỉ tồn tại thứ âm nhạc ấy,
không gì hết ngoài thứ âm nhạc ấy.
 
 
37
 
Những ngày nặng nề vô phương cứu chữa,
với những đường rạch của vành trăng bị mặt trời bỏ rơi.
Hay kém hơn: chẳng có những rạch trăng.
Trống trơn ánh sáng và bóng tối,
chốn lâm-bô sám hối*
chẳng biết đâu là lầm lỗi
và đâu là thiên đường.
 
Nhưng đột nhiên có tiếng gì đó vang lên,
có lẽ kém hơn là một âm thanh,
kém hơn là vọng âm của một tiếng gọi
nơi một cánh cửa không hiện hữu,
kém hơn là chiếc bóng của một cái chuông nhỏ
trong không gian ngỡ ngàng của một đại giáo đường,
kém hơn là tiếng đập của một chiếc đồng hồ
chìm sâu dưới tận cùng dĩ vãng,
kém hơn là sự phớt qua của những cái tên mất hút
trong lùm rậm khôn dò của những gì không tên,
kém hơn là ý nghĩ về một giai điệu
chưa từng được trình tấu
và có lẽ cũng chưa từng được soạn ra,
kém hơn là một tiếng rung bị bóp nghẹn
trong hốc trống của một lời nói chết,
kém hơn là một giấc mơ sững lại
trên ngưỡng cửa lặng lẽ nhất của đêm sâu,
kém hơn cả cái hình dạng xa xăm nhất của một thế giới
sau khi nó đã tắt.
 
Và lúc đó
ở nơi mà cả đến ý niệm ánh sáng
cũng chẳng thể mở được sự phân chia bít kín của thời gian,
cái kém hơn cả kém ấy,
cái kém tuy nhiên vẫn vang âm ấy
khiến chúng ta hồi sinh trên ranh giới.
 
Đôi khi chúng ta cũng cần phải
bước xuống chốn không gì hết**
hay hầu như không gì hết của không gì hết,
ở chốn mà cái không gì hết
là một thứ âm nhạc cực nhỏ,
điều duy nhất còn nghe thấy
khi tất cả những gì khác đã im lặng,
khi, hoàn toàn đơn độc,
chỉ còn lại sự lắng nghe.
 
---------------
* “limbo penitencial”: nơi mà ngưởi bên đạo Thiên chúa tin rằng những hồn có tội “nhẹ” còn phải ở lại để đền tội, không phải thiên đường cũng chẳng phải địa ngục. Bản Phắp văn của Fernand Verhesen: “limbe penitential”; chữ “limbe” ở đây không có tận –s (không được dùng ở phần nhiều) nên có lẽ không chỉ nơi cư ngụ của các hồn những ngưởi “công chính” trước Chúa ra đời và hồn của trẻ em chết mà không được rửa tội, theo như thần học công giáo (?)
** “descender a la nada”. “La nada”: hư vô, hư không, cái không gì hết. (Người dịch)
 
 
38
 
Tất cả đều đi tới phía chúng ta:
chúng ta không đi tới gì hết.
Chúng ta có thể đi đâu kia chứ?
Mọi vận hành đều là làm giả,
một trò chơi vô hại
hay một thói quen vô ích.
 
Tất cả đều đi tới phía chúng ta.
Từ trái đất lặng thinh,
từ bầu trời chúng ta nhìn thấy
hay từ bầu trời chúng ta không nhìn thấy,
từ những khúc xương nâng đỡ chúng ta
hay từ máu bao trùm lấy chúng ta,
từ thời gian mà chúng ta tìm cách bấu víu
hay những gút thắt của may rủi phớt qua chúng ta.
 
Tất cả đều đi tới phía chúng ta.
Hình dạng khi chúng ta sinh ra,
suy tưởng và những chiếc bóng,
mảnh vụn vỡ của từng lời nói,
những im lặng mà chúng ta đang lần đọc từng âm,
giấc mơ đương lột trần đêm đen
hay đêm đen đương lột trần giấc mơ,
tiếng gọi lạ xa và không vận số
mà mọi cuộc tình gửi tới chúng ta.
 
Tất cả đều đi tới phía chúng ta,
có lẽ ngoại trừ cái hình thù câm nín
mà chúng ta đang tạo dựng với một sắc thái của từng sự vật
cái hình thù có lẽ đang chỗi dậy lay chuyển chúng ta
để tiến bước cho riêng nó
để đi tới với tất cả những gì đang tới,
mặc dù nó không tiến tới phía chúng ta.
 
 
39
 
Có một tiếng gọi âm ỉ ở khắp nơi.
Đôi khi nó trờ tới
như một nhịp không có trong phân bè
như một cánh hoa dôi ra,
một luồng hơi thoát khỏi không khí,
một cái tên xa lạ kêu tên chúng ta
hay một biến giọng vời gọi chúng ta
từ bên trong chính giấc mộng của chúng ta.
 
Nếu chúng ta đi tới phía nó, nó biến mất.
Nếu chúng ta không đi tới
chúng ta cảm thấy như khoảng trống gia tăng.
Mỗi ngày chúng ta ghi nhận cùng với sự thiết tha hơn
cái tiếng gọi ở bên dưới của hết mọi từ ngữ ấy.
 
Nhưng bí quyết không phải là đi tìm kiếm nó,
chẳng phải là theo đuổi dấu vết nó như những kẻ đui mù,
cũng chẳng phải là tìm cách đáp lại nó.
 
Đó là tiếng gọi duy nhất
không buộc phải đáp lại:
nó chỉ đòi hỏi một tiếng gọi khác.
 
Có lẽ ấy là ý nghĩa của hết mọi sự:
một cuộc gặp gỡ của những tiếng gọi.
 
 
40
 
Chúng ta cũng phản bội cả nước.
 
Mưa không rải khắp vì điều ấy,
sông không trôi chảy vì điều ấy,
ao không tù đọng vì điều ấy,
biển không phải là hiện diện vì điều ấy.
 
Lại một lần nữa chúng ta đã đánh mất tín điệp,
những nguyên âm rộng mở
trong ngôn ngữ của nước,
sự trong suốt thật rõ rệt và chưa từng nghe nói tới của nước.
 
Chúng ta lại cũng đã chẳng biết
uống lấy sự trong suốt.
Uống một điều gì là học biết nó.
Và học biết sự trong suốt là khởi sự
học biết cái vô hình.
 
 
41
 
Sự phớt qua của thời gian với thời gian,
sự phớt qua của một cái nhìn với đối tượng của nó
hay với một cái nhìn khác,
những sự phớt qua của những thân xác lang thang
như những nới rộng của hư không,
sự phớt qua của một suy tưởng với một suy tưởng khác
hay với chính chiếc bóng của mình.
 
Những sự phớt qua tạo thành đời sống
và có lẽ sưởi ấm nó đôi chút
đối diện với mùa đông không có những sự phớt qua của cái chết.
Nối kết và gặp gỡ
là những mốc bia quá rõ
và lạnh lẽo hạ ngã chúng
như những mình cây có thể định vị dễ dàng.
 
Sống dường như chỉ là một sự phớt qua của hữu thể.
Nhưng có lẽ cũng có thể
dừng lại nơi một sự phớt qua
như một khúc ca trên một cành cây,
để chào mừng mặt trời hay chim chóc.
 
 
42
 
Có những góc không thể khép lại
và không một đường nét nào biến đổi chúng thành hình thể.
Chúng tóm lược mệnh số.
Mệnh số cũng không thể khép lại.
 
Tình yêu quen biết những góc ấy
và thường tìm tới những góc ấy.
Cũng như suy tưởng và ngôn từ.
Cũng như những tiết đoạn của gió.
 
Thế nhưng không có thứ dụng cụ để đo lường chúng,
cũng chẳng có khoa hình học bao gồm chúng.
Chúng đáp ứng một trật tự khác của không gian:
khoa hình học của điều khai mở.
 
Có lẽ chúng cũng đáp lại một tiếng gọi,
nhưng chúng ta không biết là từ đâu tới.
 
 
43
 
Ngôi nhà của mộng
không có cửa ra vào cũng chẳng có cửa sổ,
không có những xó xỉnh cố định,
ngôi nhà ấy được soi sáng bằng một ánh mờ vô danh
và không có chủ nhân.
 
Ngôi nhà của mộng
không sao chép những hình ảnh của mình.
Trên tường không có tranh.
Những hình thù và phản ánh của nó giao nhau
như thể thể chất của nó là thời gian
nhưng một thứ thời gian hiển hiện và không đo đếm.
 
Chúng ta, chúng ta không cư ngụ ở ngôi nhà của mộng:
ngôi nhà ấy trú ngụ trong chúng ta,
như thể các vai trò bị đảo ngược.
Không một ai có thể cư ngự ở nó bao giờ,
có lẽ trừ sự vắng mặt của chúng ta.
 
Hay có lẽ một sự vắng mặt khác
một sự vắng mặt còn vắng mặt hơn nữa.
 
 
44
 
Kỷ niệm không đủ.
Kỷ niệm là luôn luôn không đầy đủ,
là suy giảm của một hiện diện,
một hiện hữu vô hiệu,
một con nai với bốn chân bị cắt cụt,
mảnh vụn bị bỏ rơi
của một cái nhìn đã bị phân xẻ thành nhiều mảnh.
 
Thật vô dụng là trông đợi ngông cuồng:
sống để là một kỷ niệm,
hoặc giảm thiểu thêm nữa cái tiểu sử đã sơ sài
để nó lọt vào được một vài hàng.
 
Có lẽ kết quả sẽ đầy đủ hơn,
trọn vẹn hơn, trung thực hơn,
chính là lãng quên tuyệt đối.
Nhưng có chăng một lãng quên
không hàm chứa một kỷ niệm?
Có chăng một lãng quên tuyệt đối?
Chẳng phải thế sao lãng quên cũng lại là 
một kỷ niệm đã trở thành nang thũng?*
 
Hay kỷ niệm cũng chỉ là
một lãng quên đã trở thành nang thũng?
 
------------------
* Nguyên tác: “enquistado” (thành nang thũng, bị kéo màng bọc tách lìa..) (Người dịch)
 
 
45
 
Những hình ảnh này từ đâu tới?
Và những hình ảnh này đi đâu?
Chúng ta không phải là vùng đất thuận lợi
để chúng cư ngụ lại đây.
 
Những hình ảnh dường như tìm kiếm một nơi
có thể dừng lại
và chúng ta là những vùng cát lún,
một lối đi qua, thế thôi.
 
Nhưng thế thì
vì sao những hình ảnh lại trở lại?
Cả chúng ta nữa chúng ta cũng muốn dừng lại
và chúng ta luôn luôn trở lại nơi
mà điều đó không thể được.
 
Có lẽ chúng ta cũng chỉ là những hình ảnh khác
tựa như mọi hình ảnh
chỉ có thể trở lại với những hình ảnh,
mặc dù chúng không thể dừng lại.
 
 
46
 
Nơi những khối trông chờ
trôi nổi trên dòng sông
chảy qua dưới tất cả,
tiêm vào một vài lời của ánh sáng,
một vài lời của bóng tối
và một vài vằn vết của những im lặng đồng tình,
đối với những im lặng ấy chẳng có gì khác biệt
giữa bóng tối và ánh sáng.
 
Và sau đó trông chừng cho tới khi chỗi dậy
như một khuôn mặt không nhếch mép
đóa hoa của trông chờ,
của trông chờ tất cả,
trông chờ không gì hết,
trông chờ sự trông chờ.
 
Đến lúc đó thời sẽ bớt trống trải
khoảng không gian mà hy vọng buông trôi.
Cử chỉ khai mở của trông chờ
là hình thức tinh khiết nhất của niềm tin.
 
 
47
 
Dạy dỗ những hạt mầm của hư không
và treo chúng lên như những điều ghi chú thật trong sáng
trên những cành lặng lẽ nhất của một cội cây.
Có những hạt mầm sẽ bị chim chóc tha đi,
có những hạt mầm khác sẽ bám theo gió
và một số nữa sẽ vùi sâu trong những ánh mắt
hay trong những lời nói tự do
những lời đôi khi xoay tít trên không.
 
Và qua những trung gian tinh khiết ấy
chúng sẽ rụng rơi sau khi khộ ráo,
sẽ vặn mình vào mùa đông,
sẽ ngóc lên trên tầng tháp đổ nát
và có lẽ sẽ nẩy mầm nữa mà không hay
giữa những hàng chữ mờ phai trên bia mộ.
 
Bởi vụ mùa này chúng ta hụt mất.
Tất cả những hạt mầm khác đều tiêu tan,
mục nát như bóng tối của nước,
như những bánh bụi.
 
Chỉ còn lại vụ mùa của hư không,
nhưng phải gieo giống trước đã.
Hạt mầm ở khắp nơi:
chỉ cần dạy chúng cách nẩy mầm.
 
Phải dạy dỗ những hạt mầm của hư không
để chúng có thể nẩy mầm như những hạt giống khác.
 
 
48
 
Đối với tôi mọi lịch sử đều dường như quen biết,
mọi tình tiết, mọi luận cứ.
Tôi không sống tất cả những chuyện đó,
tôi cũng chẳng hề thấy chúng.
Tôi không mang trong bị
bản tóm tắt nén lại như thuốc viên
của hết thảy những gì hiện hữu.
 
Nhưng mọi khuôn mặt tôi đều thấy quen biết,
mọi giọng nói, mọi cảnh trí.
Tôi không gặp gỡ hết mọi người,
cũng chẳng hề nghe hay đọc họ.
Tôi không ghi nhận nơi con mắt
cái mê lộ quanh co
của mọi phản ánh.
 
Tuy nhiên, ở chốn thâm sâu
có điều gì đó đã có lần tôi nghĩ tới,
hoặc đã sống hoặc đã yêu,
gần như một tia chớp của không gì hết,
mà tôi không hề hay biết,
đã xuyên suốt một tuyến đường
của hết thảy những gì hiện hữu
và để lại trong tôi
cái cảm giác lạ lùng:
đã nghĩ tới hết thảy,
đã yêu mến hết thảy,
đã chạm tới hết thảy,
kể cả những gì không hiện hữu.
 
Và cũng ở chốn thâm sâu
hay ở bên kia chốn thâm sâu
tôi không ngừng nghe một điệu nhạc
giống như điệu nhạc đó
là mọi thứ âm nhạc khác,
tôi không ngừng nghe một im lặng
như một thứ thần gió
lướt qua mọi im lặng.
Và ở đó ta nghe rất rõ
những lượn sóng sững lại,
những ngọn triều hóa thạch
của im lặng tương lai,
của im lặng chung cuộc.
 
 
49
 
Những lớp thủy triều của ngôn ngữ
không phải bao giờ cũng có cùng một nhịp.
Những con nước ròng không có giờ cố định
và đôi khi bỏ lại chúng ta bơ vơ trên bãi biển
ẩm ướt thê lương,
với nỗi sợ ngấm ngầm một con nước rút
không bảo đảm trở lại.
 
Và mặc dù chúng ta đã tương đối quen
với sự hạ xuống thật may rủi
của mực nước các sự vật,
thường bỏ lại chúng ta dở sống
ở một ngã tư thơ dại nào đó,
những con nước rút của ngôn ngữ
vẫn không làm chúng ta quen
với tình cảnh thật lạ thường
của những kẻ không đắm tàu mà chìm đắm.
 
Khi những con nước lại dâng lên,
khi ngôn ngữ trở lại cư ngụ nơi chúng ta,
chúng ta bỗng dưng cảm thấy
rằng trong con nước ròng chung cục của cuộc đời
có lẽ nỗi muộn phiền lớn nhất
sẽ là sự vĩnh viễn bỏ mất ngôn ngữ.
 
 
50
 
Ánh sáng là một thứ lò-xo
đẩy về phía bóng tối.
Bóng tối là một thứ lò-xo
đẩy về phía ánh sáng.
 
Và nếu cả hai thứ lò-xo ấy hợp lại
để đẩy về nơi khác,
vượt qua cả bóng tối,
vượt qua cả ánh sáng?
 
 
51
 
Có những cánh cửa thật hoàn hảo
khiến dường như không có vẻ được dựng nên
để đi qua.
 
Có những cánh cửa thật hoàn hảo
như để ta ở lại
mãi mãi nơi một cánh cửa.
 
Và từ đấy
nhìn mọi sự qua lại,
không bước vào cũng chẳng bước ra.
 
 
52
 
Cảnh tôi đòi đêm tối,
cảnh tôi đòi phải từ bỏ suy tưởng,
không phải là một sự lột da:
chính là thay đổi toàn thân con rắn.
 
Giấc mơ là vô luân.
Đêm tối cũng vô luân.
Như cái chết là vô luân.
Như hư không là vô luân.
 
Cuộc trình diễn lúc này tạm ngưng.
Những con rối lại quay về những xó xỉnh lạnh nhạt.
Ngày mai lại lặp lại
kịch mục không chút hàm hồ:
tác phẩm có ngàn cảnh
không một tóm lược nào.
 
 
53
 
Tôi đặt một bàn tay ở ngoài giấc mơ
để chống đỡ những gì có trong đó,
nhưng tôi không tìm thấy một chỗ nào để chống đỡ.
 
Những gì có trong tay tôi
liền rơi xuống mặt đất
và tôi không thể thâu hồi được chúng.
 
Tôi lại đưa bàn tôi vào giấc mơ:
giấc mơ quần tụ những chỗ chống đỡ,
nhưng lại không có gì để chống đỡ.
 
Không chống đỡ gì hết cố nhiên
còn khó khăn hơn là chống đỡ một điều gì đó.
 
 
54
 
Chúng ta bao giờ cũng ở lúc khởi đầu,
nhưng hầu như bao giờ chúng ta cũng làm mù lúc khởi đầu,
với sự man trá là một điều gì đó
hay sự giả đò lớn lên thật lố lăng.
 
Và duy có sự khởi đầu an ủi chúng ta
về nỗi bỏ rơi khô cằn là đời sống.
Sự khởi đầu của một dấu hiệu, của một bông hồng,
của một sắc màu, của đôi bàn tay em.
Sự khởi đầu của thần linh.
 
Phải. Cuộc đời chỉ là một cuộc khởi đầu.
Nhưng cũng là ngủ nghê, vấp té,
lộn lại một con đường,
dừng bước trước một khuôn mặt,
suy tưởng,
thắp một ngọn đèn.
Và cố nhiên là tắt nó đi nữa.
 
Cả đến thần linh cũng chỉ là một cuộc khởi đầu.
 
 
55
 
Những khuôn mặt ra đi,
những khuôn mặt trở lại.
 
Chỉ có một sự khác biệt:
mưa, trên đường,
thấm ướt người trở lại hơn.
 
 
56
 
Hết mọi ngôi đền đều được cư ngụ.
Hết mọi ngôi đền đều được cư ngụ
vì chúng không trống rỗng.
Chỉ ở một ngôi đền hoàn toàn trống rỗng 
mới có thể cư ngụ không gian của một ngôi đền.
 
Chính bởi thế mà bài thơ tôi
tìm cách là một ngôi đền trống rỗng.
Có lẽ duy ở đó mới có thể cư ngụ
một nhánh nhỏ của con người.
 
Và cũng chỉ ở nơi con người
mới có thể vươn ra bông hồng.
Chỉ ở đây bông hồng ấy
mới chậm lại được một khoảnh khắc.
 
 
57
 
Thời gian vùi lấp
không biết nơi giấc mơ nào
trong những giấc mơ của toàn thể.
 
Và nơi sự vùi lấp mộng mơ này,
cái mê cung này của những phản ánh
và những con mắt này những con mắt mở rộng không thể giải thích,
những lời nói này những lời nói tan chảy
như những cây nến nhỏ,
những cuộc tình này những cuộc tình rơi rụng,
những công việc này và những cơn mê cuồng này,
những vết dày xéo này trong đêm.
 
Tại sao sự vùi lấp này của thời gian
lại chẳng phải là chóp đỉnh của những sự vật
hay một ngọn cao của giấc mộng duy nhất
nơi một con mắt cũng duy nhất
là một con mắt mở vĩnh viễn?
 
 
58
 
Cái chết không có hình dạng.
Sự sống cho cái chết những hình dạng của mình.
Chúng ta không rõ cái chết có bao giờ chấp nhận những hình dạng ấy
là vì các hình dạng không trở lại.
 
Nếu như cái chết là một bông hồng tăm tối
và nếu như con người có đôi mắt để nhìn thấy nó,
hẳn chúng ta đã biết chuyện gì xảy tới với các hình dạng.
 
Nhưng lúc đó thời có lẽ cũng chẳng còn cần thiết
biết tới số mệnh những hìng dạng:
chỉ cần hít thở thật sâu xa
cái mùi hương tăm tối của bông hồng ấy.
 
 
59
 
Một cử chỉ hăm dọa lởn vởn quanh chúng ta.
Có lẽ không tới một cử chỉ:
một chờ trông thật hãi hùng
tuồng như do dự
giữa đưa ngón tay tố cáo buộc tội chúng ta
hoặc tiến công chúng ta từ chiếc bệ vô hình.
 
Có thể nói ấy là một vị thần nào đó bị dời chỗ,
vật tráo đổi giả dối cho một vị thần
hay nỗi oán hờn của kẻ thay thế thần linh đó,
kẻ bị biến thành nang thũng trên không
để khiến chúng ta phải hít thở nặng nề
những hiểm nguy thê thảm.
 
Hay có lẽ ấy chỉ là
cái vòng khiếp đảm
mà chính các sự vật dung để bao quanh chúng ta,
sự hối tiếc, chứ không phải đe dọa,
mà tất cả cảm thấy khi nhìn ngắm bước đi của chúng ta,
cái phù du không thể giải thích của chúng ta.
 
Có lẽ một mép lề băng giá
còn khá hơn
là tấm lưng lơ đãng của sự vật,
cái vòng của không gì hết
nơi yên nghỉ của thần linh.
 
Rốt cục một im lặng không ai cư ngụ.
Không xót thương cũng chẳng hăm dọa:
sự an toàn tuyệt đối
của im lặng không một ai.
 
 
60
 
Những lời nói tự đâm sâu,
ngoại trừ nơi hốc trũng không sao nắm bắt được của bài thơ,
nơi lời tiên tri điên rồ của nó lúc này.
 
Duy có im lặng mới cho phép xác nghiệm lại.
Nhưng im lặng không còn hiện hữu.
Chỉ còn những vòng quay số khùng điên
không tìm được bất cứ số nào
và làm xao lãng con số của cái chết.
 
Tuy vậy, đôi khi im lặng tái sinh
như một không gian thay thế sự bay bổng,
giữa những lời nói nào đó đã quên mất thính quan,
những đau đớn nào đó tựa như tình yêu,
những sụp đổ nào đó bốc lên không biết là ở đâu.
 
Lúc đó im lặng liền thu hồi những lời nói 
hay những lời nói khước từ phản bội
và lại làm tái sinh im lặng,
như vùng đất duy nhất khả dụng
nơi có thể nẩy mầm hầu như trong trống không
những mầm hạt mà chúng ta đã tưởng là không thể có.
 
Và nếu như có một mùa gặt,
có lẽ chúng ta cũng sẽ chấp nhận rằng mùa gặt ấy
những người khác sẽ thu lượm.
 
 
61
 
Hiện hữu.
 
Và không gì hơn nữa.
Cho đến khi hình thành một cái giếng ở bên dưới.
 
Không hiện hữu.
Và không gì hơn nữa.
Cho đến khi hình thành một cái giếng ở bên trên.
 
Sau đó
giữa hai cái giếng,
gió sẽ dừng lại một khoảnh khắc.
 
 
62
 
Từ bên trong giấc mơ
có vật gì đó mở bàn tay tôi
để nó gặp được bàn tay em
ở bên ngoài giấc mơ.
 
Nhưng từ bên ngoài giấc mơ
có vật gì đó mở bàn tay tôi
để nó gặp được bàn tay em
ở bên trong giấc mơ.
 
Trong giấc mơ của tôi lại chẳng có vật gì đó
mở bàn tay tôi
để tôi gặp được tay em
ở bên trong giấc mơ của em?
 
Như có vật gì đó ở đây, ở bên ngoài, 
mở bàn tay tôi 
để tôi gặp được tay em
chỉ ở đây, ở bên ngoài.
 
Những cuộc gặp gỡ trực tiếp 
và những cuộc gặp gỡ gián tiếp 
có lẽ còn tìm kiếm một cuộc gặp gỡ khác:
cuộc gặp gỡ hủy bỏ nơi chốn.
 
 
63
 
Những phân tử lơ lửng.
Những phân tử bụi trong ánh sáng,
lọc qua một suy tưởng
một suy tưởng đánh thức đêm
trong hiển linh của những cử chỉ
làm ái tình kiệt sức.
 
Những phân tử lơ lửng.
Duy có sự nhẹ nhàng trì hoãn lại chuyện rơi:
không sao trở thành một vật thể,
không biến thành diễn từ,
không khép lại vòng ôm.
 
Có chăng những phân tử thật tinh tế,
thật nhẹ nhàng, thật kín đáo,
khiến chúng mãi mãi vẫn lơ lửng?
 
 
64
 
Tôi thức dậy quá sớm 
và bắt đầu nghĩ tới cái vĩnh cửu,  
nhưng không phải tới cái vĩnh cửu lớn lao của những lời kinh nguyện 
mà là tới những cái vĩnh cửu nho nhỏ đã bị lãng quên.
 
Cái phần không trôi đi của dòng sông,
cái phần của thành phố luôn luôn câm nín,
cái nơi không ngủ trong thân xác em đang thiêm thiếp,
cái phần không thức nơi thân xác tôi tỉnh thức.
 
Tôi liền hiểu ra rằng những cái vĩnh cửu nho nhỏ 
thật đáng ưa hơn là cái vĩnh cửu lớn lao.
 
Và tôi không ngủ lại được nữa.
 
 
65
 
Những khoảng để trắng.*
 
Trong bài thơ,
trong cuộc đời,
có lẽ cả trong cái chết.
 
Chúng trĩu nặng hơn những thứ khác.
 
Phải chăng màu trắng nặng hơn
là những màu khác?
 
Hay những khoảng để trắng
cũng không phải là để trắng?
 
----------------------
* Nguyên tác: “Espacios en blanco”. “en blanco”: “để trống” hoặc “để trắng”! Juarroz chơi chữ ở dưới. (Người dịch)
 
 
66
 
Những chùm lá của cây cối
như một khối tưởng tượng,
hiệu chính bầu trời,
hiệu chính con mắt nhìn thấy bầu trời,
hiệu chính trái đất dưới bầu trời.
 
Những chùm lá khác của cuộc đời
cũng sửa lại trời và đất:
những chùm lá của suy tưởng,
những chùm lá của màu sắc,*
những chùm lá của ái tình.
 
Khi mùa đông tới
và những chùm lá kia tan tác
như những đám đông hay những đạo quân mòn mỏi,
sự sửa chữa vĩnh viễn kia cũng là sự đổi thay
sẽ phải thâu hẹp vào việc tự sửa chữa.
 
Trừ phi sự vắng mặt của những chùm lá,
những chùm lá ở bên trong và những chùm lá ở bên ngoài,
hay có lẽ trí nhớ lạc loài đơn độc của chúng,
không một ai nhớ tới,
tự chuyển thành những chùm lá của vắng mặt.
 
----------------------
* Theo một bản Tây-ban-ngữ (nguyên tác) in tại Paris, chúng tôi thấy in là “dolor” (đau đớn) thay vì “color” (màu sắc): hai chữ này chỉ khác nhau một phụ âm đầu. Rất có thể đây chỉ là một lỗi của ấn công (?) Chúng tôi đã chọn dịch theo bản Pháp văn của Fernand Verhesen. Và xin ghi lại đây như một nghi vấn để người sau giải quyết! (Người dịch)
 
 
67
 
Tôi đi với những sụp đổ của mình trên lưng
như một con ốc sên với cái vỏ ốc đã vỡ,
trông chừng những phản ánh và những dấu vết
còn lấp lánh trên những tàn tích của nó.
 
Có lẽ với những tàn tích ấy
người ta có thể dệt nên những hình ảnh khác
và để gió cuốn chúng đi 
gió của những lời chót,
những lời biết chuyện trò với những đổ nát,
xem thường những thứ óng ánh vui mắt
và hít thở mùi hương của những tàn tích.
 
Kế đó đêm sẽ tới
che phủ những gì còn lại,
nhưng có lẽ là một đêm với trí nhớ
hay với nhựa của những hình ảnh đã vỡ
mà sự rung động thay thế cho thời gian,
cho chiếc áo dài không sinh sản của nó, chiếc áo đã rơi xuống,
như một món giả trang mềm nhũn,
giữa đêm đen.
 
 
68
 
Con số một an ủi tôi về những con số khác.
Một con người an ủi tôi về những con người khác.
Một cuộc đời an ủi tôi về hết mọi cuộc đời,
có thể có và không thể có.
 
Một lần nhìn thấy ánh sáng
là như thể vẫn hoài thấy nó.
Chỉ một lần nhìn thấy ánh sáng
an ủi tôi về chuyện chẳng bao giờ còn thấy lại ánh sáng.
 
Một cuộc tình an ủi tôi về hết mọi cuộc tình
mà tôi đã có và chẳng có.
Một bàn tay an ủi tôi về hết mọi bàn tay
và cả đến một con chó cũng an ủi tôi về hết mọi con chó.
 
Nhưng tôi có một nỗi lo ngại:
là ngày mai số không
lại có thể an ủi được tôi hơn số một.
 
 
69
 
Một phản ánh trên vách tường làm tôi dịu lại,
như một con chim đã mỏi vì đôi cánh
hay một bông hoa nghỉ mệt vì những cánh hoa.
 
Phản ánh trên một bức vách khác,
con người đôi khi cũng nghỉ mệt
vì những cây đinh thao thức
của chính trái tim mình.
 
Chắc phải còn một bức vách khác
trên đó những phản ánh chập trùng với nhau,
một bức vách cũng nghỉ mệt với chính mình.
 
Mọi phản ánh đều là sự ngơi nghỉ của ánh sáng.
 
 
70
 
Cuộc viếng thăm cực kỳ ngắn ngủi.
Chỉ được thoáng chốc
cửa mở cho chúng tôi.*
Gốc gác chúng tôi
không hoàn toàn rõ rệt
và chúng tôi cũng chẳng có chuẩn bị
cho cuộc viếng thăm này.
Tuy nhiên, chúng tôi đã tin
rằng cuộc viếng thăm đó sẽ dài hơn.
Có lẽ những chỉ dẫn ở lối vào
đã khiến chúng tôi nhầm lẫn.
 
Sau đó chúng tôi phát giác
một cánh cửa khác đóng kín.
Chúng tôi đã hiểu ra thật mau
rằng đó là cánh cửa ra.
Chúng tôi ngạc nhiên vì có hai cánh cửa
chứ không phải chỉ một
để vào và ra.
 
Chúng tôi không hiểu thêm nhiều nữa.
Chúng tôi bước mấy bước,
chúng tôi nói đôi điều,
chúng tôi gặp những khuôn mặt khác
và yêu mến một vài.
Vẫn không có ánh sáng.
Mặc dù đôi lúc
chúng tôi những tưởng rằng ánh sáng
đã có đó mãi mãi.
 
Cánh cửa của lối ra
bắt đầu mở.
Cuộc viếng thăm đã kết thúc.
Lúc này chúng tôi nhìn rõ hơn những đóa hoa,
chúng tôi ra sức lắng nghe im lặng,
chúng tôi nín thinh hơn trước,
chúng tôi trông chừng lời nói
trước ngưỡng cửa.
 
Chúng tôi đã cố gắng hoài công
nghe ngóng một điều gì đó ở bên ngoài.
 
--------------
* chúng ta (?) (Người dịch)
 
 
71
 
Thặng dư chữ nghĩa.
 
Trên mọi sự đều có một điều gì đó được viết,
mà chúng ta chỉ mò ra được một nửa.
Tất cả đều là một tân cảo*
chỉ xóa đi có một phần
và kế đó lại tăng thêm nhiều lớp chữ.
Cả đến im lặng cũng được viết.
 
Chúng ta không thể
bôi đi lấy một chữ.
Và chúng ta cũng không thể
không viết lên trên.
 
Thế nhưng còn có thể có một thỏa hiệp khác:
viết về bên trong.
Ở đó, tương đối,
chữ viết ít hơn nhiều.
 
-----------------
* “un palimpsesto” (nguyên cảo đã bôi chữ cũ để điền chữ mới). (Người dịch)
 
 
72
 
Có lẽ chúng ta nhầm cửa
hay những tấm bảng đã bị đổi thay
và thay vì bước vào cuộc sống
hôm nay chúng ta đã ở trong cái chết.
 
Hay có lẽ thứ tự đã bị đảo ngược:
chặng đầu là chết
và chặng nhì là sống.
 
Bởi chúng ta khởi sự chết từ ngày đầu,
những gì chúng ta kêu bằng sống
không giống sự sống lắm
và không ai có thể hoàn thành một kết toán
giữa những sự vật rụng rơi.
 
Phải soát lại những cánh cửa,
kể cả những cánh cửa ở lối ra.
Và cải thiện việc học vần của chúng ta:
học đọc phía bên kia chữ viết.
 
Có lẽ như thế chúng ta mới không nhầm cửa
một lần nữa lúc ra
và thậm chí có thể khởi sự không lẫn lộn,
dẫu chuyện gì xẩy ra. 
 
                                         (tặng Luis Aldegheri)
 
 
73
 
Có mặt đối diện với tất cả những gì hiện hữu
và đối diện với cả những chiếc bóng của chúng.
 
Có mặt đối diện với tất cả những gì không hiện hữu
và đối diện với cả những chiếc bóng của chúng.
 
Có mặt.
Không đòi hỏi gì hết.
Không tiếp tục phân cách đàn chiên.
Và nói một lời
một lời cũng có mặt.
Như chiếc bóng của nó.
 
 
74
 
Học bước xuống từng bậc
và dừng lại trên mỗi bậc
để nhìn chân trời từ mỗi bậc,
chứ không phải từ bậc kế tiếp.
Chỉ có thế chúng ta mới khỏi lăn xuống:
mỗi chân trời sẽ nâng đỡ chúng ta cho tới bậc kế tiếp.
 
Và khi xuống tới bậc chót,
mặc dù chúng ta không còn cần tới những chân trời,
bậc chót này sẽ làm dịu bớt sự bước xuống,
sự bước xuống của kẻ ưng nhìn ngắm các chân trời
hơn là trông chừng mỗi bước ở bên dưới
vì sợ té xuống.
 
Chỉ có những cái nhìn xa hơn cả
mới bao quát được những gì gần hơn cả.
 
 
75
 
Có những tiếng gọi gọi tôi cho em
trong lúc em không hề gọi tôi.
Những tiếng gọi của em hôm qua
còn trôi nổi trên dòng thời gian,
những tiếng gọi của em ngày mai
mà ngày mai có lẽ tôi sẽ không nghe thấy,
những tiếng gọi của em tôi đã tạo ra mà không hay biết
khi cô quạnh đã biến thành man dại
hay những tiếng gọi của em 
không tới từ em cũng chẳng tới từ tôi,
như thể giữa cả hai có một vùng tự trị
tự điều động cho chính nó,
một vùng mà chúng ta có lẽ đã tạo ra mà gần như không muốn
để nó nói tên em
và có lẽ cả tên tôi nữa
mà không cần chúng ta.
 
Dầu sao,
tôi cũng được vây bọc bằng những tiếng gọi của em không có em
như một hòn đảo trên mặt biển
hay một ngọn tháp trong cơn gió lướt qua.
 
Phải chăng những tiếng gọi của em sẽ tiếp tục gọi tôi
khi cả hai chúng ta không còn nữa?
 
Cái miệng trống rỗng không cần ai hết
để có thể tiếp tục gọi tên.
 
 
76
 
Tốt hơn cả là không nên tính sổ.
 
Tá số và thải số trộn lẫn với nhau
như những viên sỏi có sắc màu thay đổi,
sự hỗn nhập các mục
ngăn trở việc ghi,
vô số những tờ bị xé
và hơn nữa cũng chẳng ai rõ
bản liệt kê đầy đủ.
 
Đằng khác,
do một chuyển động kỳ quặc,
các dấu tính khăng khăng lật ngược,
cộng với trừ hoán chuyển
như những nhãn hiệu thả nổi,
đỏ và đen trao đổi tự nhiên
và cũng chẳng có một nhịp mạch vững chắc đủ
như để gạch đường gạch
cho phép ta cộng lại hoặc trừ.
 
Tốt hơn cả là không nên tính sổ.
Có lẽ sẽ chẳng có gì khác hơn là một phản ánh khác.
Kết số của con người là không thể được.
 
Cũng không thể được
là kết số của tất cả,
kết số của hữu thể.
 
Trong cả hai trường hợp đều thiếu
những con số đáng tin cậy,
đường gạch, kết quả
và cả đến bàn tay có thể ghi chép nó.
 
 
77
 
Sự huyền bí không có hai cực:
nó chỉ có một cực.
Cực duy nhất của sự huyền bí là ở trung tâm
của chính trái tim ta.
 
Tuy nhiên
chúng ta không bao giờ thôi tìm kiếm cực kia,
cái cực không có đó.
 
 
78
 
Một bài thơ khác làm gián đoạn bài thơ mà tôi đang viết,
đòi hỏi vị trí của mình.
Không bài thơ nào chấp nhận sự trì hoãn.
Ấy là hai phiến lá* khẩn cấp
chập vào nhau lớn lên
ở cùng một nơi trên cành cây.
 
Lức đó liền có một con chim 
tới đậu trên cành cây.
Cũng lại là một kẻ đòi hỏi nữa,
kẻ thứ ba trên cây kim của khoảnh khắc. 
Nhưng đột nhiên con chim cất tiếng hót
và tiếng hót của nó không có trước cũng chẳng có sau,
kéo dài hơn là thời gian có trong thời gian,
hai phiến lá, hai bài thơ đồng thời,
hai tiếng gọi,
có lẽ hết mọi tiếng gọi cùng một lúc,
mà không một tiếng nào nhòa đi,
không một tiếng nào xê dịch những tiếng khác.
 
Sự chập chồng lên nhau của hai bài thơ và một con chim
đã khiến tôi nhận thấy
sự đồng lòng của hết thảy ở cùng một điểm.
Một thứ tự ở trên thứ tự.
 
-----------------
* “hojas”: phiến lá, trang giấy. (Người dịch)
 
 
79
 
Tôi không thể lượm lời nói mới
nằm giữa đám bụi rậm
như một đồng tiền rơi.
 
Tôi không thể nhặt đồng tiền ấy
và đem cho người hành khất có ở trong tôi
hay cho kẻ bước bên tôi.
 
Tôi không thể dùng đồng tiền ấy để kiếm được những lời nói khác
hay ít ra những cái khuôn im lặng của chúng
để một mai đúc tiền theo hình tượng chúng.
 
Tôi đã hoài công học cúi xuống.
Đồng tiền tôi tìm kiếm
chỉ có thể gặp được khi tự đổi thay thành đồng tiền ấy
và ở lại chỗ của nó giữa đám bụi rậm.
 
Lời nói tôi tìm kiếm không ở trong bụi gai bừng cháy,*
cái lời nói nói ra rồi tắt,
nhưng ở trong bụi gai đã dịu bớt
mà vẫn không ngừng nói.
 
------------------
* Có lẽ đây là một điển tích trong Thánh kinh, khi lãnh tụ Do-thái Mai-sen (Moϊse/ Moses) gặp Thượng đế (?) (Người dịch)
 
 
80
 
Sự bập bẹ của khởi đầu.
Sự bập bẹ của chung cuộc.
 
Hấp hối từ khi sinh
cả đến chết vẫn còn sống.
 
Và một đôi lời
trích từ sa mạc
như những bông hoa xa lạ,
quay về ngọn nguồn ấy nở
nhưng hướng mùi hương
về thành tựu ấy.
Mọi ngôn từ là bập bẹ.
Mọi đóa hoa là ấp úng.
 
Và hết thảy giữa những dấu ngoặc
của một vài tảng đá nứt
và những con thằn lằn bỏ trốn.
 
Không ai có thể nói điều ấy.
Không ai từng nói khá hơn
làm sao điều ấy không thể nói.
 
                                         (ngày mất của Samuel Beckett)
 
 
81
 
Một con rối ở bên bờ vực thẳm.
Để nó đổ xuống chỉ cần
sự động hờ của một ngón tay,
sự tình cờ của một cơn gió lạc lõng,
sự lơ đãng phớt qua của một cánh chim.
 
Tuy nhiên, như sợi tơ thật mịn,
một cái nhìn đỡ thằng hình nhân,
một cái nhìn không thể là của nó,
nhìn nó từ bên ngoài.
 
Không một hình nhân nào có thể đứng vững
nếu không có một cái nhìn đỡ lấy nó
nhất là khi nó ở bên bờ của khoảng không.
 
Lại chẳng có hay sao
một cái nhìn đỡ lấy con rối lúc này
từ dưới đáy vực sâu?
 
 
82
 
Một mũi tên xuyên qua vũ trụ.
Không quan trọng gì ai phóng nó ra.
Nó cũng xuyên qua chất lỏng và thể đặc,
cái hữu hình và cái vô hình như nhau.
Tìm cách tính nó đi đâu
có lẽ cũng tựa như tưởng tượng ra một bức tường trong hư vô.
 
Mũi tên từ cõi vô danh tới cõi vô danh,
từ một vực thẳm không phải là xuất xứ
tới một vực thẳm khác cũng chẳng phải là nơi đến,
chuyển động không có vẻ gì là một chuyển động
mà đúng hơn là một thứ ngất ngây mỗi lúc lại tái phát.
 
Tôi đã gặp được nó trong bàn tay em
hay em trong suy tưởng của tôi.
Tôi có thể thấy nó lọt vào một đám mây,
cắt làm hai một con chim,
vút ra từ những đóa hoa và những cơn mưa,
rẽ một chứng mù lòa,
xuyên qua những kẻ chết.
 
Có lẽ sự vô danh mẫu mực của nó
mời gọi chúng ta tới sự vô danh của chính chúng ta,
để chúng ta cũng có thể tự giải thoát
khỏi lúc khởi đầu và chung cuộc của chúng ta.
 
                                         (tặng Laura)
 
 
----------------
Mời độc giả xem «Tất cả bắt đầu ở nơi khác», tiểu luận của Roger Munier về thơ Roberto Juarroz, đăng song song trên Tiền Vệ.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021