thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
CHUYỆN NHẠC: 1. "Thế nào là âm nhạc hậu hiện đại?"

Hôm trước, trong lúc trao đổi với nhau về âm nhạc, bạn hỏi tôi: "Vậy thì... thế nào là âm nhạc hậu hiện đại?" Không thể nào trả lời câu hỏi này một cách ngắn gọn, tôi chỉ thử nêu ra một số đặc tính, rồi sau này chúng ta sẽ thong thả bàn bạc sâu xa hơn.

 

1. Âm nhạc hậu hiện đại không đơn thuần là sự chống lại hay chối từ những đặc tính của âm nhạc hiện đại, cũng không chỉ là sự kế thừa hay tiếp tục khai triển những đặc tính ấy. Trên những phương diện khác nhau, nó bao hàm cả hai điều này. Nói một cách tổng quát, âm nhạc hậu hiện đại đoạn tuyệt với quá khứ trên phương diện mỹ học, nhưng nó vẫn kế thừa, ứng dụng và phát triển cái kho tàng kỹ thuật khúc thức cực kỳ phong phú của lịch sử âm nhạc nhân loại.

2. Âm nhạc hậu hiện đại không chấp nhận tư duy biện biệt nhị nguyên, và hướng về tinh thần đa nguyên. Nó xoá bỏ lối phân định "cao" và "thấp", "bác học" và "bình dân", "Đông" và "Tây" về phong cách. Nó có thể vay mượn và kết hợp nhiều phong cách dị biệt từ nhiều truyền thống khác nhau trong cùng một tác phẩm, nhưng đó là một kết hợp đồng đẳng, chứ không nhằm đề cao một truyền thống nào.

3. Âm nhạc hậu hiện đại không biểu lộ thái độ nghiêm trọng, không cố ý diễn tả những "chiều sâu" triết lý. Thay vào đó, nó ít nhiều mang tính cách châm biếm. Nếu nó nhắc lại hay trích dẫn một ý tưởng hay một nhạc đề của những thời trước, thì không phải nó muốn đào sâu hay khai triển ý tưởng hay nhạc đề ấy, mà nó chỉ muốn đặt ý tưởng hay nhạc đề ấy vào một chu cảnh âm nhạc/văn hoá mới để thính giả có cơ hội tái quan sát từ một góc độ mới.

4. Âm nhạc hậu hiện đại không cố ý xây dựng một cấu trúc mang tính nhất quán. Nó thiên về những cấu trúc mang tính phân mảnh và bao hàm những sự gián đoạn và mâu thuẫn nội tại. Thậm chí một nhạc phẩm hậu hiện đại có thể không có một cấu trúc nhất định, mà chính những lối cảm nhận chủ quan của người nghe sẽ tạo ra những cấu trúc cho nó. Về phương diện hình thức, nó có khuynh hướng xoá nhoà ý niệm phân biệt thể loại, và thường kết hợp hay pha trộn với những nghệ thuật khác.

5. Âm nhạc hậu hiện đại không xem tác phẩm như một chỉnh thể độc lập, mà xem tác phẩm như một mảnh trong bức tranh ghép của một chu cảnh văn hoá nhất định.

6. Âm nhạc hậu hiện đại không cố gắng chuyên chở hay diễn tả một ý nghĩa nhất định. Nó mang tính đa nghĩa. Hơn thế nữa, nó chấp nhận rằng những "ý nghĩa" của tác phẩm sinh ra từ những lối diễn dịch của người nghe nhạc, chứ không nhất thiết là những gì đã sẵn hàm ẩn trong tư duy của người viết nhạc, trong bản ký âm, hay trong những cuộc trình tấu.

7. Âm nhạc hậu hiện đại không chỉ liên tục ứng dụng những thành quả cập nhật của kỹ thuật công nghệ vào việc lưu trữ và truyền bá tác phẩm, mà còn xem đó là một trong những công cụ chủ yếu trong việc xây dựng và trình bày tác phẩm.

 

Không phải nhạc phẩm hậu hiện đại nào cũng mang tất cả những đặc tính nêu trên, nhưng một nhạc phẩm gọi là "hậu hiện đại" thì không thể không mang một hay vài đặc tính ấy. Trong thực tế âm nhạc đương đại, có những tác phẩm hầu như “hoàn toàn” hậu hiện đại, và những tác phẩm mang tính hậu hiện đại ở một hay vài phương diện.

 

Đón xem kỳ tới:
CHUYỆN NHẠC: 2. "Tại sao người ta sáng tác âm nhạc hậu hiện đại?"

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021