thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thư Tết bạn xa
 
Mùa xuân thì phải có mưa, và ước được lành lạnh mấy ngày tết để hơi co ro một chút đi ra đi vào nhớ nhung gì đó và mơ trời ấm lên.
 
Rồi đi ngắm những con đường hoa, đi lượn chợ hoa muốn mua thì mua, không muốn mua thì có sao đâu. Dù trên trời dưới hoa làm ta nhớ bạn.
 
Nhưng nắng chói nắng chang, mấy ngày áp tết, đi trên phố lang tha lang thang sắm ít đồ làm quà nhất thiết phải xịn Made in Viet Nam sao mà hiếm hoi sao mà nhỏ bé nhưng không tìm mua được thì có sao đâu
 
Làm quà hay biện lễ nghi gọi là có mà đường vào tết nắng xuống như thiêu, bỏng rát như vào hạ, hoa đào nở toe nở toét, lá lộc không mơn mởn mà gặp nắng gắt giữa ngày này ra sao, chẳng thiết nghĩ nữa.
 
Chợ tết giờ là một cái gì náo loạn, ra đường chỉ thấy người là người đi ngược chạy xuôi không biết đằng sau những khuôn mặt buồn vui thế nào nhưng nháo nhác như đàn ong giá bay đi hút mật cho đời hay xây tổ (một cái tổ chung đựng nhiều mật ong và sáp ong) ngọt kinh khủng nhỉ.
 
Nhưng không phải. Tiếng ồn của quá nhiều thứ động cơ đã ở ngưỡng đỉnh cao không gian phố xá thời giao điểm không chỉ đối với thính giác từ lâu không còn nghe ra sự tĩnh lặng mà khí xăng, khói bụi và mồ hôi người đã bơm đặc không gian thành phố trên hầu như mọi tuyến phố và đường vành đai. Bầu trời thì ở trên cao, xa mờ, mây cũng đâu còn như xưa, ôi những cảm giác về mây trôi và những khoảng ắng lặng của gió trời nào thổi xôn xao trong lá biếc, những tàng cây quyến rũ, những vóc dáng gợi cảm, hãnh diện, vững chãi đang đuổi dần trong ưu vắng buồn nhớ cái thủa trong sáng tinh khiết của không gian người, xe cộ còn thưa thớt, những con đường thì trải dài
 
Giờ ô nhiễm ngẹt thở. Ừ. Nhưng dù sao người và xe cộ vẫn cứ đi, đi như thể không dừng lại, không thể chui vào trong bóng tối để suy nghĩ một cái gì thật là rõ ràng. Không thể nên cứ đi thôi, đi một cách điên cuồng làm náo loạn những cái chợ. Nhìn vào những người bán hoa hay đang chở hoa đi vùn vụt trên đường phố những ngày áp tết. Người đi như thế bán hoa cho ai và bán như thế nào lại gặp những người đi mua hoa cũng náo loạn và sục sạo. Hỏi mua hoa như thế sẽ chơi hoa như thế nào trong cái không khí náo loạn và sục sạo ấy.
 
Tết. Khủng hoảng tiền tệ hay giá trượt và leo thang vùn vụt cũng chẳng làm ai sợ và chồn bước mua sắm trước giờ giao thừa điểm. Ai có đủ dũng cảm ngồi nghỉ ngơi ở nhà trong những ngày mua sắm giáp tết một cách bình tĩnh, bình thản, bình thường. Hay tất cả cùng phải vặn hết dây cót tất cả các bộ phận quay những nhịp khốc liệt và điên cuồng hơn cứ như thể tết là một cái gì cần chớp lấy, giật lấy để mà mua sắm, biếu tặng, và ăn, và uống và nói đúng ra là nào có được đúng như mấy từ “chơi tết”.
 
Nói đến người phụ nữ truyền thống Việt bao nhiêu là cái tốt đẹp, đức hạnh, chiều chuộng chồng con và đức hy sinh, hiếu khách vân vân thì tết là ngày có vinh dự được đi chợ nhiều hơn, nấu cơm nhiều hơn, bát đũa nhiều hơn … và sẽ vừa nấu cơm vừa được xem ti vi chương trình gặp nhau cuối năm và tất cả cùng cười sung sướng.
 
Chỉ có mẹ mình bỏ cả cơm nước cho bố nấu ngồi xem ti vi và cáu tiết chửi nhặng xị khi xem một tiết mục hài dàn dựng để giễu quan họ các giá trị phi vật thể đã đành, sao lại đem mấy bài thơ phổ nhạc bài hát theo mẹ lập luận tức là chương trình mua vui này sao lại đem các nhà thơ tức là các tác giả của những gì theo mẹ đã thành kiệt tác những ca khúc đời đời đó là bài “chiếc cầu là nơi hò hẹn của đôi ta đêm trăng sáng trên cầu anh thổi sáo, đêm trăng sáng chân cầu em giặt áo” hay “như hoa phong lan chờ đợi, mưa gió không phai tàn” hay như thế mà nghệ sĩ hài của chính chúng ta mang ca khúc của các nhà thơ nghiêm túc ấy ra ra pha trò giễu giữa thiên hạ rồi cười thử hỏi đấy là thứ văn hoá gì. Mẹ bảo sao trong ca dao tục ngữ có bao nhiêu cái cười hay sao không mang ra mà dàn dựng kịch bản mà giễu mà cười mà tuyên truyền cho có duyên. Rồi mẹ vỗ tay khen vở hài “giải hạn” của miền Nam nội dung như thế còn tử tế chán vạn và vở “Mài dao dạy mẹ “ do diễn viên Đức Hải và Hồng Vân diễn xuất và mẹ bảo đạo diễn vở này thật cao thủ. Kịch tính thật xuất sắc. Mẹ lại khen hết lời.
 
Ấy thế nhưng “tết tết tết đến rồi” thì có ai đủ dũng cảm tắt phéng cái ti vi hàng chục năm vẫn kiểu cười như thế đi mà chui vào xó tối ôm chầm lấy nhau mà vỗ về âu yếm, mà nói nhỏ những lời yêu thương hài hước của mình và ngủ khì chẳng cần ăn uống nhiều và mặc kệ bọn trẻ con sung sướng được nghỉ học chơi với nhau và đếm đi đếm lại mấy đồng tiền mừng tuổi rồi chúng thích đổi đồng chẵn lấy đồng lẻ đổi đồng cũ lấy đồng mới cho vào cho ra con lợn đất chỉ biết cười ngơ ngơ ngác ngác. Bạn sẽ lại bảo: Ai chúc thì chúc, ai đến thì đến cũng không quan trọng lắm, quan trọng là ngày thường đã làm gì và đối với nhau như thế nào. Phải vậy không?.
 
Tết đến ở đây mình vẫn mong tin bạn và những chuyện này mình nói với bạn rằng mình mong không làm bạn khác đi.
 
Mấy ngày Tết mới
năm Canh Dần 2010
 
 
 
--------------
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021