thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Gần gũi và xa lạ | Không phải thì giờ | Không đề | Viết
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
 
JAN TWARDOWSKI
(1915-2006)
 
Jan Jakub Twardowski sinh ngày 1 tháng 6 năm 1915 (phần lớn các tài liệu ở Pháp ghi 1916) tại Warsaw, Ba Lan, là con của Jan Twardowski và Aniela Maria Konderska. Sau ba năm bị buộc qua sống ở Nga trong thời Đệ Nhất Thế chiến, gia đình ông trở về Warsaw. Thời niên thiếu ông từng theo học toán và thể dục môi trường, làm việc tại toà soạn báo thanh niên Kuznia Mlodych, làm thơ, viết truyện, phỏng vấn các nhà văn, v.v., rồi theo học ngữ văn tại Đại học Jozef Pilsudski, và từng xuất bản tập thơ đầu tay Powryt Andersena [Andersen trở về] với số lượng khiêm tốn 40 bản, năm 1937. Sau một thời gian tham gia phong trào kháng chiến Armia Krajowa (hoạt động bí mật) và chiến đấu bên cạnh lực lượng Ba Lan nổi dậy (trong Thế chiến II) ông trở về và bắt đầu vào chủng viện, đồng thời theo học văn chương Ba Lan và thần học tại Đại học Warsaw, rồi được thụ phong linh mục năm 1948, trước khi trở thành mục sư chánh nhà thờ Siostry Wizytki.
 
Những bài thơ đầu của Twardowski mang ít nhiều ảnh hưởng của Jozef Czechowicz và nhóm tiền vệ Ba Lan. Tuy nhiên với tập Wiersze (“Thơ” – Poznan, 1959) xuất bản sau khoảng hai mươi năm gián đoạn, rõ ràng ông đã chọn một con đường riêng, và kể từ tập thơ thứ ba, Znaki Ufnosci (“Những dấu hiệu lòng tin” – Krakow, 1870) những sáng tác phong phú của ông, thoạt đầu xuất hiện phần lớn trên tạp chí Tygodnik Powszechny – từ những bài thơ thường khi ngắn và giản dị, đôi khi với lối nói thông tục mà vẫn rất trữ tình, đến những sách viết cho thiếu nhi, và cả những bài bình luận diễn giải về thần học, bắt đầu chinh phục người đọc khắp nơi. Quả thế, Jan Twardowski viết truyện cũng như làm thơ, đều bằng một giọng giễu cợt thông minh, nhưng đàng sau cái giọng điệu dí dỏm của mình ông luôn để lộ một tấm lòng thiết tha với thiên nhiên và những thiệt thòi của con người, lấp ló những suy nghĩ triết lý về cuộc đời. “Chúng ta vẫn nên thấy hạnh phúc, cho dù có phải chịu những điều xấu xa [của cuộc đời]...”
 
Là nhà văn của mọi thời đại, tên tuổi từ nhiều thập kỷ vẫn đứng hàng đầu trong dòng thơ trữ tình tôn giáo hiện đại ở Ba Lan, là người từng đoạt nhiều giải thưởng và huy chương văn học, như Giải PEN Club Robert Graves (1980) dành cho toàn bộ tác phẩm, Order Usmiechu (Huân chương Nụ cười, 1996), Giải IKAR (2000) và Giải TOTUS (2001, được coi như là Giải Nobel Công giáo), Jan Twardowski thường tự cho mình “trước tiên là một linh mục”.
 
Nhà thơ Ba Lan Anna Kamienska viết về ông với những dòng trang trọng: “Nếu Thánh Francis là một nhà thơ hiện đại, ngài sẽ viết theo cách Jan Twardowski đã viết...”
 
Twardowski qua đời ngày 18 tháng Giêng 2006 ở Warsaw và được vinh dự an táng tại Điện thờ Crypt, thay vì Nghĩa trang Warsaw Powazki như ông yêu cầu.
 
Tác phẩm chính: Znaki ufności (1970), Zeszyt w kratkę (1973), Niebieskie okulary (1980), Na osiołku (1986), Nie przyszedłem pana nawracać (1986), Sumienie ruszyło (1989), Stukam do nieba (1990), Niecodziennik (1991), Krzyżyk na drogę (1993), Kubek z jednym uchem (2000).
 
 
 

Không phải thì giờ

 
Người ta không biết rõ làm sao có thể như vậy
rằng thì giờ cứ tới khi người ta không có chút thì giờ
và còn đến nhiều như thời gian người ta cần có
ngay khi đang ngủ khi thân thể và linh hồn giống như nhau
kẻ nào có quá nhiều thì giờ thì sử dụng nó tệ hại hơn
 
Nếu bạn yêu lúc nào bạn cũng sẽ thấy có thì giờ
– cho dù bạn không có được một khoảnh khắc –
dành cho một cuộc hẹn hò một lá thư một lời xưng tội
để rửa sạch một vết thương
đáp lại một nỗi buồn trên điện thọai
chỉ trong nửa phút
đáp lại một nỗi tiếc âu lo và để có thể tin
là người hiền ít hiền hơn và người ác khá lên một chút
bởi lẽ trong cuộc sống chỉ có một thứ đạo đức không đạo đức
 
 
 

Gần gũi và xa lạ

 
Chuyện gì đã xảy ra
Trăng dẹp như đồng đô-la
một ngôi nhà không mái ấm
họ hai người
gần gũi và xa lạ
như sau tội lỗi
ai cũng thấy mình cô đơn hơn người kia
mùa hè bỏ trốn với con bướm cuối cùng trên vai
ngay cả niềm vui cũng không còn làm họ vui
cái lạnh sau mỗi lời thốt ra
ăn trở thành chuyện buồn
tâm hồn phiền muộn
mọi thứ đều kéo dài như con hươu cao cổ
xưa nay vẫn như thế
khi bí ẩn thoát khỏi tình yêu
 
 
 

Không đề

 
Cánh giáo điều om sòm bằng tiếng La-tinh
nhà đạo đức ê a về cái máng nhỏ chứa ý thức nhân loại
đám biện hộ cất tiếng cót két – bị đóng đinh trên thập giá đức tin
nhà thuyết giáo sửa mấy cái loa để được người ta nghe rõ hơn
 
đám triết gia càu nhàu về Thánh Tôma, đã được xếp
với mớ niên giám các thánh trong văn khố Thiên đường
dân tử đạo đếm những cái tát trên mặt mình
trái bí tội lỗi rốt cuộc rơi trên đầu đám người khắt khe
những người chơi đàn ống liếm láp âm thanh –
đám tín đồ bị chia ra thành nhiều phe đánh đấm
 
Và chỉ trên mảnh đất mênh mông nhẵn nhụi
trong hơi thở của một ngọn cỏ –
quỳ xuống đất ngưỡng mộ bầu trời trôi dạt
anh mới còn tìm thấy được Tĩnh lặng
 
 
 

Viết

 
Jesus Ngài chưa bao giờ cầm đến cây bút
Ngài chưa từng cúi mình trên một trang giấy trắng
Ngài không viết Phúc âm
 
tại sao người ta không viết như người ta nói
người ta không viết như người ta yêu
người ta không viết như người ta đau khổ
người ta không viết như người ta câm miệng
 
người ta viết một chút như a, không phải thế
 
1981                                                    1986
 
 
------------
“Gần gũi và xa lạ” và “Không phải thì giờ” dịch từ bản tiếng Pháp “Proches et étrangers” và “Pas le temps” của Lucienne Rey và Gérard Gaillaguet trong Témoins – Quarante-quatre poètes Polonais contemporains 1975-1990 (Saint Jean Du Bruel: Les Ateliers du Tayrac, 1997); “Không đề” dịch theo bản Anh ngữ “Untitled” của Sarah Lawson và Malgorzata Koraszewska trong Jan Twardowski, Serious Angel (Dublin: Dedalus Press, 2004); “Viết” dịch từ bản tiếng Pháp “Ecrire” của Katarzyna Skanberg trong Karl Dedecius, Panorama de la literature polonaise du XXè siècle – Poésie 1, do Karl Dedecius tuyển chọn (Paris: Les Editions Noir sur Blanc, 2000).
 
 
Đã đăng:
 
Bạn chớ có khóc trong thư / đừng viết cho ta là số phận đã cho bạn một cú đá / lúc nào cũng còn có một đường ra / khi Thượng đế đóng cửa lớn thì Ngài mở cửa sổ... | tôi gõ cửa thiên đường / và hỏi xin niềm tin / nhưng không phải xin loại tạm bợ / đếm sao trên trời mà không để ý tới những con gà con... | Chúa của tôi đói / người chỉ là một cái bao đựng xương / người không có tiền / không có những giáo đường dát bạc cao ngất... | Thượng đế ẩn mình để con người có thể nhìn thấy thế giới / nếu người cũng tự phô trương thì rồi chỉ có mình người / và thế thì trước sự hiện diện của người ai còn thấy ra được con kiến... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021