thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chuỗi kinh cầu của kẻ lưu đày
(Diễm Châu dịch)
 
Và mi, kẻ lưu đày:
 
       Chỉ đi qua, lúc nào cũng chỉ đi qua,
       lấy đất làm quán trọ
       và chiêm ngưỡng các tầng trời không phải những tầng trời của chúng ta,
       sống giữa những người không phải người của chúng ta,
       ư ử những bài ca không phải những bài ca của chúng ta,
       cười nhưng bằng một tiếng cười không phải của chúng ta,
       siết những bàn tay không phải những bàn tay của chúng ta,
       khóc với những giọt nước mắt không phải nước mắt của chúng ta,
       chiều theo những mối tình không phải những mối tình của chúng ta,
       nếm những món ăn không phải những món ăn của chúng ta,
       nghe tên chúng ta mà không phải tên chúng ta,
       nghĩ đến chuyện này, chuyện kia, đến những chuyện không phải của chúng ta,
       đưa một đồng tiền không phải tiền của chúng ta,
       và bước theo những con đường không phải những con đường của chúng ta,
 
Và mi, kẻ lưu đày:
 
       Chỉ đi qua, lúc nào cũng chỉ đi qua,
       tất cả của cải chỉ có những điều vay mượn,
       ôm ấp những đứa trẻ không phải những đứa trẻ của chúng ta,
       lại gần một ngọn lửa không phải lửa của chúng ta,
       nghe những tiếng chuông không phải là chuông của chúng ta,
       hít một chút không khí không phải khí của chúng ta,
       khóc những người chết không phải người chết của chúng ta,
       sống cuộc đời này cuộc đời không phải cuộc đời của chúng ta,
       giải trí với những trò chơi không phải trò chơi của chúng ta,
       ngủ trên một chiếc giường không phải giường của chúng ta,
       trèo lên nhưng chỉ những tầng tháp không phải của chúng ta,
       đọc những tin tức, ngoại trừ tin của chúng ta,
       chịu khổ vì hết mọi người và vì những gì của chúng ta,
       nghe mưa khi cơn mưa thật khác
       và uống một dòng nước không phải nước của chúng ta...
 
Và mi, kẻ lưu đày:
 
       Chỉ đi qua, lúc nào cũng chỉ đi qua,
       không có bóng mà chỉ có những hành lý,
       nâng ly rượu mừng mặc dù hội lễ không phải là hội lễ của chúng ta,
       chia sẻ một chiếc giường không phải là giường của chúng ta,
       một chiếc giường và «cơm bánh của chúng ta» không phải là cơm bánh của chúng ta,
       thuật lại những câu chuyện không phải là những câu chuyện của chúng ta,
       nhận lãnh, lìa bỏ những mái nhà không phải là nhà của chúng ta,
       lam làm với những trách vụ không phải những trách vụ của chúng ta,
       rảo qua những thành phố khác hơn là những thành phố của chúng ta,
       và nơi những nhà thương không phải là nhà thương của chúng ta
       khiến người ta chữa trị những căn bệnh sẽ lành đã
       hay ít ra cũng thuyên giảm. Nhưng không phải căn bệnh của chúng ta,
       căn bệnh chỉ lành được bằng sự trở về...
 
Và mi, kẻ lưu đày:
 
       Chỉ đi qua, lúc nào cũng chỉ đi qua,
       trừ phi là ngày mai, ngày mai hay không bao giờ hết...
       Thời gian của những chiếc đồng hồ là một thời gian giả tạo
       thay vì thời gian chỉ đo đếm sự vắng mặt.
       Già đi với những lần kỷ niệm sinh nhật
       đối với chúng ta chỉ là những năm tháng bị trừ đi
       trên một cuốn sổ nhật chú không phải là của chúng ta,
       chết trên một vùng đất không phải là của chúng ta,
       nghe tiếng khóc của những người không phải là người của chúng ta,
       và thấy một ngọn cờ khác hơn là của chúng ta,
       bao trùm một cánh rừng không phải rừng của chúng ta,
       phủ một cỗ áo quan không phải của chúng ta,
       bằng những bông hoa những cây thập tự không phải của chúng ta,
       ngủ trong một cái hố không phải của chúng ta,
       hòa mình với những khúc xương không phải xương chúng ta,
       rút cục là người vô-tổ quốc,
       một người không tên, một người không phải người...
 
Và mi, kẻ lưu đày:
 
       Chỉ đi qua, lúc nào cũng chỉ đi qua,
       lấy đất làm quán trọ
       của cải chỉ có những đồ vay mượn
       không có bóng, mà chỉ có những hành lý,
       trừ phi là ngày mai, ngày mai hay không bao giờ hết...
 
Rome, mùa Đông 1966.
 
-------------------------------
Ghi chú của dịch giả:
MIGUEL ANGEL ASTURIAS (1899-1974), nhà thơ, tiểu thuyết gia, và kịch tác gia, đoạt Giải Hòa bình Lenin (1966) và Nobel Văn chương (1967), sinh ngày 19.10.1899 tại thành phố Guatemala. Cuộc đời ông gồm một chuỗi những ngày tháng phải sống «xa quê hương» vì nạn độc tài trong xứ và vì «nghề nghiệp»! Ngay từ thời nhỏ, ông đã phải rời thành phố về tỉnh Salamá, vì sự bất đồng chính kiến giữa cha mẹ ông và nhà độc tài Estrada Cabrera. Gia đình ông chỉ trở lại thủ đô vào năm 1908. Ông theo hoc Luật tại Đại học San Carlos (1917-1923) và đã tham gia cuộc nổi dậy chống Cabrera năm 1920. Sau khi ra trường với luận án «Vấn đề xã hội của người thổ dân», ông cùng các bạn học thành lâp Đại học Bình dân để những người không đủ tiền vào học đại học quốc gia có thể theo học. Kế đó, ông qua Luân-đôn để học Kinh tế chính trị, nhưng ông không theo đuổi ngành học này mà qua Paris, nghiên cứu Nhân chủng học. Tại đại học Sorbonne, ông theo hoc Gs. Georges Raynaud về các tôn giáo của người Maya và đã dịch văn bản Maya «Popul Vuh» sang Tây-ban-ngữ. Trở thành phóng viên của nhiều tờ báo lớn châu Mỹ la-tinh, ông đã đi thăm nhiều nước Tây Âu, Trung Đông, Hy-lạp và Ai -cập. Năm 1923, ông thành lập tờ tạp chí Nuevos Tiempos. Đây cũng là thời kỳ ông khởi sự làm thơ, viết truyện…, chịu ảnh hưởng siêu thực của André Breton.
 
Năm 1928, ông trở về Guatemala trong một thời gian ngắn, dạy ở Đại học Bình dân, rồi quay lại Paris, kết thúc tập truyện truyền kỳ Leyendas de Guatemala (1930). Khi ông từ Pháp trở về nước năm 1933, ông cũng đã viết xong cuốn tiểu thuyết El Señor Presidente nhưng Guatemala lúc đó nằm dưới quyền nhà độc tài Jorge Ubico. Chỉ mãi sau khi nhà độc tài sụp đổ, tổng thống mới của Guatemala cử ông làm tùy viên văn hóa của tòa đại sứ Guatemala ở Mexico, ấn bản đầu tiên của cuốn tiểu thuyết này mới xuất hiện, vào năm 1946, nghĩa là 13 năm sau khi đã hoàn tất. Cuối năm 1947, ông được bổ làm tùy viên văn hóa ở Á-căn-đình và trong lúc ở Buenos Aires, ông đã cho xuất bản cuốn Sien de alondra (1949), một tuyển tập thơ ông làm từ 1918 đến 1948. Năm 1949 cũng là năm xuất hiện cuốn tiểu thuyết Hombres de maiz, thường được coi như kiệt tác phẩm của ông.
 
Miguel Angel Asturias còn được cử làm tùy viên văn hóa ở Paris (1952-1953), rồi đại sứ ở San Salvador (1953-1954) nhưng khi các lực lượng hữu phái của Carlos Castillo Armas lên nắm quyền, ông đã bị bãi nhiệm. Từ đấy, không bao giờ trở lại sống ở quê hương nữa.
Trong những năm 1950, Miguel Angel Asturias đã hoàn thành một bộ ba cuốn tiểu thuyết gồm Viento fuerte (1950), El Papa Verde (1954) và Los Ojos de los Enterrados (1960), vạch trần tội ác của «Liên hiệp Công ty Trái cây» ở một nước Trung Mỹ.
 
Năm 1966, tổng thống mới của Guatemala lại cử ông làm đại sứ ở Pháp. Năm kế tiếp lãnh giải Nobel Văn chương… Những năm cuối đời, Miguel Angel Asturias sống ở Tây-ban-nha. Ông mất ngày 9. 6. 1974. Thi hài được chôn cất tại nghĩa trang nổi tiếng của Paris: «Père Lachaise».
 
Tác phẩm toàn tập của Miguel Angel Asturias (in năm 1977) gồm 24 cuốn, chưa kể 6 cuốn được in từ 1980 đến 1989… Trong số các tác phẩm của ông có một «chuyện vừa», tựa là Torotoumbo, đã được Đỗ Long Vân dịch sang tiếng Việt. Nhân dịp, tôi mong mỏi và kêu gọi người bạn còn giữ bản dịch này ở Việt-nam sớm cho công bố... Bài thơ trên của Miguel Angel Asturias được dịch theo bản Pháp văn của Claude Couffon. (DC.)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021