thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tường trình ngẫu tác về tình hình nền thi ca trẻ ở New York
(Diễm Châu dịch)
 
Có hứng thú gì hay không đối với một thi sĩ Hy-bá nói hai thứ tiếng
Khi được sống một năm hay hai ở New York City và được đặt chân hay
Tay – hay bất cứ thứ gì khác có thể đặt – vào cộng đồng các thi sĩ
Ở Manhattan? Câu hỏi thật lớn. Cộng đồng không phải là từ ngữ
Thích hợp. Bộ lạc có lẽ chính xác hơn. Một bộ lạc khép kín của các thi sĩ
Tác động tự mình, vì mình, một đầu não chung, những ngón tay
Riêng rẽ. David Rosenberg, chẳng hạn,
Người đã sống một vài năm ở Canada (Việt Nam chẳng có nghĩa gì với anh),
Không chút hài hước cho rằng kỷ nguyên của hài hước trong thi ca
Đã chấm dứt. Thi ca – anh quả quyết, không phải không có sự hỗ trợ của tôi –
Không được làm ra để gièm pha ai, cả người đọc lẫn các nhà thơ khác,
Và nếu có răng, thời nó cũng có thể phô ra
Bằng cách mỉm cười. Thời đại của cắn xé đã chấm dứt, thời đại của cá nhân chủ nghĩa
Đã chấm dứt, và cả đến – anh lấy làm tiếc –
Thời đại của thương mại hóa nữa. Tại New York City
Mỗi tuần có nhiều tối đọc thơ hơn ở Tel-Aviv
Trong cả năm, nhưng bạn sẽ không tìm được ở đó một thính giả trung lập, tất cả
Đều là thi sĩ. Các thi sĩ đọc thơ trước các thi sĩ, không
Thù lao (hay gần như thế), không có các thiếu nữ trong phòng (ngoại trừ các nữ thi sĩ khá
Vô-nhan sắc), không có niềm an ủi lớn là khán, thính giả của những người khòng phải thi sĩ.
Một dịch vụ hoàn toàn không hấp dẫn «trước khi thử thách». Ấy thế mà cả đến Allen Ginsberg
Cũng chờ tới lượt mình trong suốt một năm để đọc thơ (với giá 100 đô-la) tại nhà thờ Thánh Marks,
Và đã có những kẻ cho rằng ông lỗi thời và thực ra
John Ashbery mới là người lớn nhất, ấy là nếu như còn có ai đó
Là một khuôn mặt chính yếu. Và các tập thơ xuất hiện trong những ấn bản tư
(Có khi cũng chẳng đánh bằng máy đánh chữ điện) gồm bốn năm trăm cuốn
Và chỉ được phát hành giữa các đồng-thi sĩ mà thôi (không có dịch vụ báo chí)
Và chết – hay sống – một cái chết hay một cuộc sống dịu êm. «Cám ơn về các bài thơ của bạn,
Tôi đã đọc những bài thơ ấy với lòng cảm phục thật sự. Thỉnh thoảng xin
Cứ gửi tiếp cho.» Thi sĩ là một con chó sói thân ái đối với thi sĩ. Anh nuôi tôi,
Tôi nuôi anh, chúng ta nghiến ngấu lẫn nhau và thiên hạ
Tiêu hóa chúng ta hết thảy. Cạnh tranh ư? Nghĩ làm gì chuyện ấy! Ở Hoa-kỳ có vô khối ngân khoản tài trợ
Cho hết mọi người và dù thế, tôi quen biết nhiều thi sĩ sống bằng
Trợ cấp thất nghiệp ở New York hơn là ở Tel-Aviv. Và David Rosenberg,
Người đã hơn một năm nay chuẩn bị một bản dịch canh tân cuốn Thánh vịnh
Buồn phiền viết cho tôi: «Nếu cứ tiếp tục mãi thế –
Thời tháng Sáu tôi đi lái tắc-xi.» Chứng chỉ thi ca
Và bằng lái tắc-xi đều nằm chung trong cùng một chuyện. Và Malenga
– Gerard Malenga – ngày trước từng điều khiển «nhà máy»
Của Andy Warhol, khá thành công, nay kiếm ăn đây đó,
Và chụp hình các nhà văn. «Gerard thì
Nhằm nhò gì tới thi ca?» phóng ra câu hỏi đó là một bà viết chuyện ngắn mà tôi đã quên tên (cũng chẳng sao
Mà có sao chăng nữa thời ở đây, cũng chẳng ma nào biết tới bả) và Malenga quả quyết
Nhận xét trên sẽ có hại cho mụ nhiều, con mụ đê tiện ấy. Bà ta thừa hưởng gia tài
Của bố và đã hóa khùng sau khi ly dị với một người Israel,
Bà ta thay số điện thoại không ngừng. Tôi đã gặp bả
Ở phòng trà Nga, trên đại lộ năm mươi bảy, quá già đối với tôi, xồ xề
Và già. Bà ta ở chung nhà với một thím khách đã ly dị, thím quả quyết thật nghiêm trang
Rằng thím là chị họ của Bruce Lee, một sự kiện phi-văn nghệ thật tươi mát
Trên tấm phông bằng hữu bộ lạc khiến ta phát khùng lên được ấy. Hết thảy mọi người
Đều cùng một tinh thần, tinh thần lành mạnh trong một cái giường đau yếu, không có gì để tìm kiếm
Trong những chiếc giường ấy (chứng thực, bổn đầu), không một cái máy hút nào
Có thể hút được ở đấy một mẩu sex nhỏ nhất. Họ có những vấn đề. Larry Feigin,
Nhà thơ Do-thái, mẫu đàn ông bị lấn át, người hỗ trợ Ann Woolman
(Không phải Do-thái, mẫu đàn bà áp chế, kiểu mới nhất) trong việc điều khiển
Trung tâm thi ca của nhà thờ Thánh Marks, đã thú nhận với tôi: «Ta yêu
Những người đàn bà áp chế – ta thích thiên hạ bảo ta phải làm gì.»
Ông gọi tính thụ động của mình là «Thái cực quyền về tâm lý»
(Một lần nữa, lại nhờ sự hỗ trợ công thức hóa của tôi, chứ biết sao?) và cho rằng sự dị biệt
Giữa đàn ông và đàn bà nay đã thuộc về dĩ vãng. David Shapiro
Không đồng ý. Ông có những vấn đề khác. Ông là giáo sư đại học
Và sách vở của ông do các nhà xuất bản thương mại ấn hành – Arthur Cohen
Nhà văn ăn khách, nhà khảo cứu, trông nom việc ấy.
«Anh, anh không phải là một thi sĩ Hoa-kỳ – Anh cùng lắm là một thi sĩ
Âu châu viết tiếng Ăng-lê», David đã nghiêm trang nói với tôi, David
Rosenberg, của thời hậu-hài hước. Thế nhưng ai (còn) muốn là
Một thi sĩ Hoa-kỳ kia chứ? Mọi thứ thi ca cộng đồng
Đều đáng trách như nhau, bắc Tel-Aviv, Manhattan, vùng vịnh
San Francisco, Tây-Bá linh, you name it *
Ấy thế nhưng, ở Israel, đời sống khó khăn. Một nữ thi sĩ mập mạp to béo
Người đã lôi kéo tôi có Trời biết làm sao tới mãi tận buồng riêng ở Soho sống với
Chuột và gián, nhưng bà ta lại có cái máy đánh chữ điện
IBM, mà tôi không có, mặc dù tôi đã từng trò chuyện với một máy điện toán
IBM và bà thời không – phải chăng ấy là điều người ta kêu là công bằng xã hội?
«Những bài thơ thực dụng» của tôi** bán hằng ngàn bản, và phần lớn
Các thi sĩ của Manhattan – ngay cả những người quen biết nhất – chỉ bán có vài trăm.
Và tôi còn «bắt» được một phần các ngân khoản trợ cấp của Hoa-kỳ nữa
Thế nên, tôi chẳng có gì phải phàn nàn. Và New York vẫn còn đó,
Tel-Aviv cũng thế. Kẻ nào thấy bản tường trình này lộn xộn là không biết
Thế nào là trật tự.
 
--------------------------------
Ghi chú của dịch giả:
* «bạn cứ việc kể ra» (còn gì nữa?) Bằng Anh văn trong nguyên tác.
** Tên một tập thơ của David Avidan.
--------------------------------
DAVID AVIDAN sinh tại Tel-Aviv năm 1934, tác giả 19 tập thơ, còn là một họa sĩ, một nhà điện ảnh. Cùng với Yehuda Amichai, Dan Pagis, Nathan Zach, ông được coi như một người sử dụng tiếng Hy-bá lỗi lạc trong các nhà thơ hiện đại của Israel.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021