thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đừng bắn – đây chỉ là một giấc mơ | Lá thư | [Này bài thơ...] | [Hãy nói với nàng...]
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
 
MACIEJ NIEMIEC
(1953-2012)
 
Maciej Niemiec là một nhà thơ Ba-lan sống và viết ở Paris trong suốt 25 năm nay, kể từ khi ông gặp rắc rối với chính quyền cộng sản Ba-lan – kể từ 1987. Ông sinh ngày 7 tháng Mười 1953 ở Varsovie, thuộc trào lưu hậu đợt sóng mới của Ba-lan. Khi đến sống ở thủ đô nước Pháp, ông là một nhà thơ chưa có tên tuổi lớn lao, và cũng hầu như chưa được xuất bản một tác phẩm nào trên đất nước mình, trừ hai tập thơ ngắn xuất bản bí mật với số lượng rất giới hạn, vào năm 1989. Từ Paris, trong những điều kiện đơn độc và chật vật của một người sống lưu vong, ông bắt đầu hợp tác với tạp chí văn học xuất bản ba tháng một kỳ ở Varsovie là tờ Zeszyty Literackie, tham gia Hội những người hoạt động văn học [“Société des gens de lettres” - SGDL] ở Pháp, là Hội viên Văn bút Varsovie/Pháp, và là một thành viên trong tạp chí PO&SIE do nhà thơ Michel Deguy điều hành. Một vài thành công bước đầu của ông ở Ba-lan, kể cả ở Pháp, ở Đức, phần lớn nhờ những người dịch thơ, đã giúp ông mau chóng phát triển một tài năng thơ, nổi tiếng không những như một nhà thơ trẻ trong giới Ba-lan lưu vong, mà còn như một nhà văn, một dịch giả.
 
Kể từ những năm 1980, ngay khi còn ở Ba-lan, Maciej Niemiec đã bắt đầu phát triển một bút pháp riêng, vào thời thơ ca ở Ba-lan còn là “nạn nhân” của những tình thế khắc nghiệt, chính trị chiếm ưu thế, nếu không bảo là áp đặt một thứ ách thống trị lên ngòi bút những người làm thơ. Những gì ông viết ra không trực tiếp liên quan đến xã hội, càng không có chỗ cho bóng dáng chính trị. Nhưng ngay cái kinh nghiệm cá nhân dàn trải qua những câu thơ, giống như những nét vẽ trau chuốt, ngay cách đi tìm không mệt mỏi một thứ chân lý có thật và những giá trị “thường trực” trong một thế giới “nhất thời”, cách chiêm nghiệm sự tàn phá của thời gian, hoàn cảnh cô đơn của mỗi con người, tình yêu bất hạnh... – bằng những hình ảnh Paris: mái nhà, cửa sổ, mặt trời buổi bình minh, cơn mưa chiều trút xuống những mái nhà tôn, những đường nứt và ổ nhện giăng đầy trên các vách tường... bằng một thứ địa hình ngay nơi sống của mình và qua không phải con đường phân tích mà là liệt kê đồ vật, sự kiện, biến cố – nhà thơ của chúng ta đã thành công trong việc nối kết hai thế giới bên ngoài và bên trong của mình, thế giới của sự vật và thế giới của ý thức, để rốt cuộc tạo dựng một thế giới thứ ba: thế giới tâm linh. Đó cũng có thể là thế giới người đọc tìm thấy trong cả khối công việc của một nhà thơ hối hả phơi bày cho hết một mặt là ký ức và mặt kia là ngôn ngữ thơ – rõ ràng hơn cả, khi chúng ta đi vào được cái thế giới đẹp đẽ chứa đựng trong tập Blancheur parisienne, hoặc khi đối diện với hình ảnh tương phản của tôi trong gương soitôi ngoài đời thường, chủ đề quen thuộc của ông vào thời điểm ông thử nghiệm bước chuyển biến từ câu thơ diễn đạt khó hiểu qua câu thơ nhẹ nhàng trữ tình, với tập Male Wiersze 1976-1994 hay Trente poèmes pour une femme [2001].
 
Ông từng cho xuất bản ở Ba-lan bảy tập thơ. Ngoài các tập in bí mật năm 1989, Cokolwiek, Poniewaz [“Dù là gì, bởi”, Nxb. Oficyna Literacka, Cracovie], O Tej Porze Swiata [“Vào giờ này trên thế giới”, Nxb. Ruch Społeczny], Solidarnosc Kret [Wrocław], có thể kể Kwiaty Akacji [“Hoa xiêm gai”] thơ tuyển [W Drodze, Poznań 1994], Giải thưởng Koscielski, Genève - Varsovie 1994; Male Wiersze 1976-1994 [“Những bài thơ nhỏ 1976-1994”, Okis, Wrocław 1995]; Ulica Wód [“Đường Sông”, Poznań 1996]; Świat Widzialny [“Thế giới nhìn thấy được”, Oficyna Literacka, Cracovie 1998], Giải Fundacja Kultury, Varsovie 1998;. Dance or Die [Biblioteka Telgte, Poznań 2003]. Riêng ở Pháp, có: Blancheur parisienne, do Krystyna Jocz dịch, Galerie Simoncini /Luxembourg xuất bản, 1995 [với tranh vẽ của Paweł Jocz]; Angle de prise, do Fernand Cambon dịch cùng với tác giả, Maufras & Maufras xuất bản, Paris, 1997; Trente poèmes pour une femme, do Fernand Cambon hợp tác dịch với tác giả, Atelier La Feugraie xuất bản, Saint-Pierre-La-Vieille 2001; Le quatrième roi mage raconte (tuyển tập thơ 1976-1999), do Fernand Cambon hợp tác dịch với tác giả, Michel Deguy viết tựa, Nxb. Belin, trong Tủ sách “L’Extrême Contemporain”, Paris, 2002.
 
Maciej Niemiec cũng viết một số kịch bản phim, kể cả cho truyền hình, viết phê bình văn học cho đài phát thanh, cộng tác với các nhà xuất bản Editions du Dialogue và Spotkania, làm biên tập cho nguyệt san Kontakt, và dịch nhiều nhà thơ Pháp như Baudelaire, Paul Eluard, Michel Deguy... Các bản dịch tiếng Ba-lan của ông được phổ biến trên nhiều tạp chí văn học Ba-lan, nhất là những bài thơ trong tập Temu Co Sie Nie Konczy. Tren [“À ce qui n’en finit pas. Thrène” của Michel Deguy] ông dịch cùng với F. Cambon, do Biblioteka Telgte xuất bản ở Poznan 2002.
 
Thơ ông được dịch ra nhiều thứ tiếng như Pháp, Anh, Đức, Catalan... và xuất hiện trên nhiều tạp chí ở Pháp [Caractères, Cahiers Bleus, Lettre Internationale, PO&SIE, Le Bulletin de Lettre Internationale, La Nouvelle Revue Française, Europe, Poésie 2000, Le Nouveau Recueil, Rehauts, Action Restreinte, Siècle 21] và ở Đức [Lettre Internationale, Deutsch-Polnische, Ansichten, Literatur, Neue Rundschau, Sinn und Form, Akzente], và trong nhiều tuyển tập thơ xuất bản ở Ba-lan, Tây Ban Nha, Mỹ, Pháp, Thụy sĩ – kể cả các bài tiểu luận, phê bình nghệ thuật, văn xuôi... – như Kultura, Tygodnik Powszechny, Twórczość, Pismo Artystyczne Format, đặc biệt trên tạp chí tam cá nguyệt Zeszyty Literackie [“Tập san Văn học”].
 
Ngoài Koscielski và Fundacja Kultury, ông còn được trao nhiều giải thưởng khác như các giải Karl Dedecius Prize [1996], Zygmunt & Maria Zaleski Stichting [1999], Giải của Bộ Văn hoá Ba-lan [2009] và nhiều bằng khen & học bổng của Quỹ Viện trợ châu Âu [Paris], Hội sử học và Văn học Ba-lan [Paris], Trung tâm Sách Quốc gia [Bộ Văn hoá Pháp], Quỹ Pegasus [Hambourg]
 
Maciej Niemiec qua đời ngày 25 tháng 01, 2012 ở Paris – lặng lẽ, không ồn ào, tin báo đầu tiên cho Poezibao, từ một người con trai của nhà thơ.
 
______________________
Phụ chú của người dịch:
 
Maciej Niemiec ngụ tại phố Vaugirard, Quận 15, Paris, có thể đi bộ đến một nhà sách Ba-lan trên đại lộ Brune ở Quận 14.
 
 
Trừ lần cuối cùng cách đây hơn hai năm, lần nào đến Paris tôi cũng ưa tạt ngang chuyện trò với ông chủ tiệm người Ba-lan, vốn là một trong những người từng giúp hình thành tuyển tập Poésie polonaise contemporaine [Le Castor Astral & Lettres slaves, 1983]. Ông là người đầu tiên gợi ý tôi tìm đọc Niemiec, và cho tôi biết Paris sắp bày bán cuốn Trois poètes polonais [Editions du Murmure, 2009] và một trong ba nhà thơ được giới thiệu là Maciej Niemiec. Khi Hoàng Ngọc Lương mua tuyển tập này và vác qua Mỹ cho tôi, thì tiệm sách đã đóng cửa, chủ nhân không biết trôi giạt về đâu. Tôi không quên câu nói của ông già: “Maciej thỉnh thoảng thả bộ xuống đây chơi, và có khi đi ăn trưa với tôi... Nếu ông muốn gặp Maciej, trưa mai...” Trưa hôm sau tôi quanh quẩn trong mấy tiệm sách ở Montmartre, quên cả giờ giấc, nên về đến nhà thì đã quá 15 giờ. Đứng trên tầng lầu hai nhìn xuống tiệm sách Ba-lan trước mặt, tôi trông thấy ông già chủ tiêm và một chàng trung niên mở cửa bước vào. Tôi nghĩ cái ông trung niên mang kính gọng dày ấy, nét mặt buồn và cô đơn khắc khổ, phải là Niemiec, và nhận ra bữa ăn trưa của những nhà thơ Ba-lan – ăn và uống – có thể đã kéo dài không dưới ba tiếng. Và tiếc đã lỡ một cuộc gặp gỡ chắc phải rất thú vị...
 
Những bài thơ dịch này để tưởng nhớ một nhà thơ Ba-lan, một nhà thơ với một con đường...
 
 

Đừng bắn – đây chỉ là một giấc mơ

 
Tôi nằm mơ thấy Franz Kafka. Ông đang chạy đâu đó.
Tôi không kịp hỏi –
 
Này có gì là xấu
nếu đất nước nơi anh sống
trở thành nỗi ám ảnh của riêng anh?
 
Đúng ra đây là điều tốt. Vâng, là điều tốt. Vâng, là điều tốt.
 
Nhưng vào mùa xuân, khi trời bớt lạnh,
mỗi tháng bạn tôi trốn vào rừng,
như bạn ấy vẫn bảo, để khỏi phải nổi điên.
Khi chúng tôi gặp nhau trở lại – tôi đã biết trước, bạn sẽ kể lại
những chuẩn bị của bạn cho chuyến đi tới.
 
Bởi lẽ làm thế không giúp được gì, làm thế cũng không thể giúp được gì.
 
Những ảnh chụp bên bờ hồ. Những con cá nằm chết dưới nắng.
 
Rừng không thể nào thay thế được
một cái nhìn thấu đáo.
 
Vả chăng, rừng đang chết dần.
 
Ôi, hiện hữu như con người thở, bất cứ ở đâu.
 
Wroclaw, 1987
 
 

Lá thư

 
Về bạn ta biết gần như hết những gì bạn biết về ta.
Ở bạn có một cái gì đó không ổn, bởi lẽ ngày
nay bạn đọc hoặc có lẽ còn làm cả thơ
ở Ba-lan. Bạn không thể làm gì có ích hơn.
 
Vả chăng, có lẽ là có. Ta chẳng biết nữa. Dù thế nào,
bạn đang đọc những câu thơ, mớ giẻ tàn tật chứa
những thực tại vô định của chúng ta. Nơi ta ở,
là bóng đêm. Ngày bốn tháng Sáu, trời mát, mưa vừa dứt.
 
Ta biết chứ, những gì bạn nhìn thấy có vẻ như, và quả là
có thực. Cuốn sách bạn chạm tới, mặt bàn, sự im lặng,
cánh cửa sổ, bức tường. Có thể là như thế – nhưng cũng còn có
những nhà thương, nhà tù, nhà cứu tế, những chiếc băng trong công viên.
 
Vâng, tất cả đều có thật. Chúng gây khó khăn cho cuộc chuyện trò.
Qua những cửa kính, vách tường, hàng rào. Trang giấy kia –
cái mệt mỏi, sự yên bình nửa vời, và sự từ bỏ cuộc chơi,
tới chừng nào sức ta chịu nổi.
 
Ta không còn gì cho bạn. Và không bao giờ ta có thể có gì
hơn thế. Thường, là ít hơn. Bài thơ đúng là một toan tính
chuyện trò đơn giản hơn cả đời sống. Bài thơ có phải là một lá thư?
Không phải chỉ là một lá thư – mà là Lá thư.
 
Bạn biết những từ cần phải có? Và nếu bạn đi tìm chúng,
ta sẽ chỉ nói vậy thôi: hãy đừng đi tìm quá xa;
nếu chúng hiện hữu, thì chúng ở ngay chỗ bạn. Khi đi
quá xa bạn lại sẽ phải đi xa hơn nữa.
 
Bạn đừng để cho chữ nghĩa lừa dối mình. Người ta chỉ có thể nói hơn thế
với người mà bạn yêu mến – với con trẻ, với vợ bạn.
Và có lẽ, nói nhiều hơn cũng chẳng đáng bõ công.
Nếu bạn không yêu ai, tốt hơn nên im lặng.
 
Hoặc là bỏ đi, xa hơn nữa. Bạn sẽ không được biện minh.
Bạn sẽ không tìm thấy lời giải đáp cũng chẳng có lời an ủi.
Chỉ có những từ chính xác, có lẽ. Và chút châm biếm ở đây,
là thay cho một dấu chấm nằm ở cuối câu thơ, nó sẽ đặt xuống một dấu hỏi.
 
VI 1987
 
 

[Này bài thơ...]

 
Này bài thơ, mi có muốn hiện hữu?
Mà hiện hữu – có nghĩa là gì? Một chiếc lá
run rẩy dưới ánh đèn đường,
chiếc lá cuối cùng trên ngọn cây. Lớp băng
vỡ vụn lấp lánh trong những mương rãnh bên đường,
bấy giờ là tháng chạp. – Mi có muốn
tồn tại lâu hơn? Lâu đến
bao lâu? – Đặt trên một miếng
đường điếu thuốc lá chậm rãi
tàn dần. Giữa trưa
ta không cần gì nghĩ đến
giữa khuya. Chẳng phải là chuyện dễ –
cũng như khi thiếu đề tài cho giấc mơ,
nhưng trong lao xao âm thanh đường phố
người ta không nghe được tiếng leng keng những mặt kính
của chiếc cửa sổ đóng hờ.
 
Buổi sáng một chiếc xe đi qua
dưới đường. Buổi trưa
trên những mái nhà lênh đênh trôi
một đám mây màu biển. Một quyết định
đơn thuần trong chu kỳ hoá thân
bất diệt. Đẹp biết chừng nào
khi ta có thể lẫn lộn nỗi tuyệt vọng
với niềm vui. Mi muốn hiện hữu sao?
Bài thơ không trả lời
(là thứ không ngừng lặp đi lặp lại,
thứ chưa hề hiện hữu) –
mỗi chữ nghĩ ra đều
cho ta sự giải thoát và mỗi chữ
đều đem đến nỗi đau, thiếu
đường nối, thiếu băng bó.
Mi vẫn muốn hiện hữu?
 
1988 1992
 
 

[Hãy nói với nàng...]

 
Hãy nói với nàng, hỡi những bài thơ sẽ chẳng có ai đọc,
những bài thơ rẻ tiền trên phố Sainte Appoline,
những bài thơ Thượng đế viết trong ngày đen tối của người,
những bài người viết để được sống sót, hãy nói với người ta yêu mến,
nếu có khi nào nàng đi qua đó, hãy hỏi
đôi mắt xanh của nàng – tình yêu phải chăng là lễ hội.
 
 
------------------------
“Đừng bắn – đây chỉ là một giấc mơ” và “Lá thư” dịch từ bản tiếng Pháp “Ne tirez pas – ce n’est qu’un rêve” và “Lettre” của Jacques Burko trong Trois poètes polonais: Maciej Niemiec, Jack Podsiadlo, Tomasz Rózycki (Editions du Murmure, 2009). “[Này bài thơ…]” và “[Hãy nói với nàng…]” dịch từ bản tiếng Pháp của Isabelle Macor-Filarska trong Panorama de la littérature polonaise du XXè siècle [Poésie 2] (Les Editions Noir sur Blanc, 2000).
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021