thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Sáng dậy nghe em khóc

 

Ví dầu tình chẳng yêu đang
Xin đưa thiếp xuống đò ngang thiếp về.
 
Ca Dao

 

- Em xấu lắm phải không anh?

Thấy tôi nằm im không trả lời, nàng nắm vai tôi lắc: “Em xấu lắm phải không anh?” Tôi không ừ hử. Nàng bật khóc. Khóc thút thít. Rồi tiếng khóc lớn dần. Nàng lại lắc vai tôi: “Em xấu...” Câu hỏi bỏ ngang. Tiếng khóc vắng xa. Hình như nàng day mặt qua bên kia và tiếp tục khóc.

Tôi còn sật sừ. Hí mắt, mặt trời choá đom đóm, vội khép mắt lại. Nằm dài người trên chiếc ghế bố xếp, đầu óc choáng váng chưa tỉnh cơn say dài nặng từ đêm qua, cảm giác nhồi sóng bập bềnh. Nàng nằm bên cạnh, cũng ghế bố xếp. Rì rào, sóng biển vọng lại từ trước mặt rì rào. Gió loáng thoáng nhẹ mát. Tôi hít một hơi no ứ. Miệng đắng. Nàng tên gì? Tôi cố gắng moi ký ức nhưng không nhớ ra.

- Thôi Phấn ơi, đừng có khóc nữa!

Tôi lên tiếng cầu may. Nàng day qua phản đối:

- Em không phải tên Phấn. Em là Hồng. Cẩm Hồng!

Rồi nàng day trở lại bên kia khóc tiếp. Thiệt là sốt ruột. Cực chẳng đã tôi lại lên tiếng:

- Thôi Hồng ơi, đừng có khóc nữa!

Nàng vẫn không chịu nín. Tôi lập lại. Nàng day qua phía tôi nói lớn:

- Em không phải tên Hồng. Bộ anh điếc hả? Tên em là Hường. Chị Đại chê tên em nhà quê nên bắt em đổi tên là Hồng. Cẩm Hồng, cái tên mắc dịch!

- Ờ, thì Hường Hồng Xanh Đỏ gì đó cũng được, nhưng đừng có khóc nữa. Tảng sáng đừng có khóc mà, nín đi!

Nàng nín vài dây rồi lên tiếng:

- Bộ anh kêu ngạo em hả? Em biết mà! Em xấu mà tên em cũng xấu, anh khi dễ em!

Rồi nàng lại bật khóc. Mắt nhắm hít, tôi an ủi:

- Em đâu có xấu.

- Thôi anh đừng có nói gạt em.

- Anh nói em không có xấu, em đẹp lắm.

- Anh đừng có gạt em.

Tôi ậm ừ, bực dọc:

- Ờ... thì thôi em xấu lắm. Chịu chưa? Nín đi, khổ quá! Anh nói tảng sáng đừng có khóc, hổng nên.

Nàng bật khóc lớn hơn:

- Đó! Em biết lắm mà. Em nói em xấu lắm mà nãy giờ anh cứ cãi em. Bây giờ anh mới nói thiệt.

Tôi nín thinh. Còn nàng thì không chịu nín. Cứ tiếp tục cung oán ngâm khúc ngoài bãi biển. Rì rào, sóng biển rì rào. Tôi thở dài, day qua phía nàng, mắt nhắm mắt mở:

- Chớ em muốn anh nói gì bây giờ?

- Ai mà biết?

Tôi hí nửa mắt. Tóc nàng đen lấp lánh ửng xanh thẫm phủ che nửa mặt, thơm thoang thoảng dịu dàng. Nàng cầm khăn tay trắng cắn trên môi bàn tay kia xoè ra đặt trên bụng. Chiếc áo dài huyết dụ óng ánh bó gọn lấy ngực nàng nhấp nhô thanh tú. Mười bảy tuổi? Cao lắm là mười tám. Sao khóc hoài vậy cưng?

- Em không chịu xuống bãi một mình. Em dụ anh anh nghe lời xuống theo. Bộ bây giờ tính nằm vạ với anh sao?

- Nằm vạ đâu mà nằm vạ? ai biểu anh không chịu an ủi em làm chi.

- An ủi cái gì?

- Ai mà biết?

Gió ngoài khơi thổi hắt vô bờ. Nàng đưa tay gỡ mấy cọng tóc xoã trên má ướt, sịt mũi, nín thinh. Tôi cũng nín thinh. Chúa Nhựt (hình như vậy), sáng sớm, bãi vắng. Buổi sáng, nàng khóc. Ước gì ngoài biển có cầu, anh ra đó giải đoạn sầu cho em. Biển nơi đây không có cầu, cũng không có chim nhạn. Không có tiếng nhạn kêu lạc bầy, chỉ có tiếng em khóc lẻ loi. Thiết tha, nỉ non, sốt ruột. Trời sanh chi nước mắt đàn bà! “Bán sinh phong cốt lằng tằng thậm, nhất nhiến nhu hoài chỉ vị khanh. Nửa đời sương gió ngang tàng, trái tim mềm chỉ vì nàng đấy thôi”. Tôi thở dài...

Thứ từ mặt trận Lai Khê trở về kéo tôi đi hát dạo. Thứ thiếu tá, tốt nghiệp Võ Bị Đà Lạt. Thứ cao lớn, mình thẳng, mặt mũi gồ ghề sạm nắng, giọng nói trầm ấm ồm ồm, làm tình rất khoẻ và rất lâm ly, mấy em sến mê chết. Thứ lái xe jeep, dắt súng lục, xách theo thằng đệ tử ruột tay cặp nách cây M-16, lưng vác máy truyền tin, thỉnh thoảng gọi ra mặt trận thăm chừng. Nếu cần kíp, thầy trò lại phóng xe ào ào trở ra tiền tuyến, bay cả tóc trán. Trong trận Bình Long tử thủ năm 72, Thứ bị pháo kích cháy lột lưng, phải về nhà thương Cộng Hoàdưỡng thương, chỉ được ngồi sổng lưng và nằm sấp.

Danh, Lộc, và tôi ôm theo chai Martell cổ lùn xẹt vô bệnh viện cõng Thứ leo rào trốn ra xóm Gò Vấp nhậu cari dê, dê hàm nàm và dái dê lăn bột. Xếp sòng nhà nước khi kinh lý mặt trận An Lộc hứa cho chàng thăng Trung tá. Chờ mãi không thấy.

Trên đường rời Lai Khê, Thứ tạt qua Lái Thiêu kéo Danh, Nguyễn Đồng Danh, hiệu trưởng tiểu học Lái Thiêu, có trại gà lập ở vườn nhà trồng mít, xoài và măng cụt. Một cây điệu nghệ. Lần nào xuống Sài Gòn cũng ôm theo trái cây cho vợ bạn và lì xì cho xây lố cố để tranh thủ tâm lý chuộc hai kép độc – Lộc và tôi – bỏ nhà đi rà rà mút mùa. Danh nhỏ người nhưng thích “kiểu cọ” với mấy em, trong bồn tắm hoặc bên bồn tắm. Mỗi lần tàu ngầm ngoi ống dòm tìm địch là nghe tiếng cười của chàng hiệu trưởng từ bồn tắm vọng ra ha hả. Tiếp theo đó là tiếng mấy em la chí choé. Thiếu tá tạt vô trại gà cái ào, thắng cái rét, chưa kịp xuống xe là Danh đã kéo hộc tủ rút mấy chục xấp tiền gà nhét vội vàng vô túi. Vọt! Danh là người Bạc Liêu cũng như tôi, nhưng là bạn tiểu học của Lộc, anh tôi. Thứ cũng là bạn học của anh tôi ở Vĩnh Long, lúc lên trung học. Vì vậy quen nhau hết. Đặc biệt là Thứ không bao giờ chịu chơi với đàn em. Vậy mà Thứ khoái tôi, mới lạ. Nào phải tánh tình dễ thương – trái lại còn gàn bướng hèn gì! Ở xóm Nhân Dân Tự Vệ không ưa, vô sở bị Tổng trưởng thù mạt kiếp. Đi lính nhưng nhờ chó dắt được làm chuyên viên biệt phái về dân sự, lính thành phố, cà nhỏng chống xâm lăng. Nhập trại năm 69, cùng một lúc với kép độc Thành Được xuống vọng cổ là rụng rún hết mấy bà chủ câu lạc bộ và mấy bà tá vợ trưởng trại. Vì vậy chàng đi phép dài dài, cơm no bò cưỡi.

Danh là thiếu uý, biệt phái thầy giáo. Anh tôi, Lê Tấn Lộc cũng là thầy giáo biệt phái, cấp bực trung uý. Bộ binh cành cạch đặc trách chiến tranh tâm lý cùng lứa với Thanh Tâm Tuyền (giáo sư triết mà lị!), nhưng phù hiệu thiên thần mũ đỏ, rừng núi sình lầy, lính nước đánh đất đều có đủ. Tối tối Lộc đi dạy thêm ở trường tư, nhân thể lén lút ngoại tình và giấu tiền không cho vợ biết để du hí với bạn bè và em dại. Khi bọn răng đen mã tấu vào, Lộc bị lùa đi cải tạo năm năm bởi lũ ngợm luân lý cách mạng đầy người.

Thứ, Danh, Lộc, rồi tới Nhứt, trung uý dược sĩ quân y chánh cống, đẹp trai như Tony Curtis, chuyên môn cặp bồ với gái nhảy và đĩ từ nhỏ tới lớn – hay đúng hơn lúc lấy vợ đình huỳnh. Sự nghiệp đang lên tự nhiên phổi có bướu bị cắt hết phân nửa và giải ngũ luôn. Vợ người Nha Trang có tiền, mở tiệm thuốc tây và rạp hát ta. Còn chàng thì giao du lai rai với bọn nhà thầu đồ Mỹ, thỉnh thoảng chó ngáp phải ruồi, giấu vợ nhà vác tiền lèo về Sài Gòn kiếm tôi và Lộc để du hí cho thoả lòng mong nhớ người bản xứ. Nhựt học ở Vĩnh Long dưới Lộc một lớp, trên tôi một lớp, nhưng được xếp ngang hàng với tôi lúc giao tế. Hồi ở trung học Nhựt với tôi cặp với em nhỏ tên Sáu. Tôi và Nhựt song tấu thơ thẩn mút mùa, thơ năm chữ, sáu chữ, bảy chữ, tám chữ, thơ tự do... hết cuốn này đến cuốn khác – về sau thất lạc hết, uổng ghê! Thôi như vậy cũng đỡ mắc cỡ khi phải đọc lại. Hồi đó, có lần cảm kích thân phận em Sáu, Nhựt viết: “Vì chưn em gái tôi nghèo, người ta đâu muốn bọt bèo nở hoa”. Nghe mùi rụng rún và cũng nặng mùi đấu tranh giai cấp ra phết.

Trở lại vấn đề, lần này gặp lúc mặt trận Lai Khê lắng dịu, thiếu tá tiểu đoàn trưởng kéo ông hiệu trưởng tại gà về Sài Gòn, gặp lúc dược sĩ trúng mối thầu vặt tấp vô Hàng Xanh, bèn mở một cuộc hành quân lớn ở hậu phương. Sau khi giải toả mặt trận đớp hít ở Tài Nam Chợ Cũ, chúng tôi chếnh choáng di tản chiến thuật về Tân Định, thăm bà Đại và ướm qua mấy Kiều. Chúng em cội đa mấy lá, chúng anh “san đá” năm thằng: Thứ, Danh, Lộc, Nhựt, Kiệt. Tôi nghe nhao nhao đâu đó: mất miền Nam là tại năm thằng này và mấy con đĩ ngựa! Phải không Nguyên? Phải không Phấn? Phải không Cẩm Hồng? Phải không Hường? “Thì thôi tóc ấy phù vân, thì thôi lệ ấy còn ngần dáng sương, thì thôi mù phố xe đường, thôi thì thôi nhé đoạn trường thế thôi!”

Hồng. Cẩm Hồng? Hường. Cẩm Hường? Cái tên nghe lạ hoắc. Ở động bà Đại, tôi biết Phấn (trắng tươi), Cúc (môi dâm), Nguyên (bưởi lớn), Vân (trẻ măng), Trang (bông gòn), Michèle (lai đầm), Linh (liêu trai), v.v... Hường, Hường nào? Ai vậy? Khi năm đứa tấp vào động, đêm đã muộn. Chỉ còn có hai mống: Nguyên và Phấn. Thấy tôi, Nguyên mừng quá la lớn: “Anh Kiệt!” Rồi chạy tới ôm tôi cứng ngắt. Danh xen vô rứt hai đứa ra, nhân thể sờ nắn nhũ hoa của Nguyên tưới sượi miệng quát tháo:

- Ê! ê! Bộ tính giao cấu tại chỗ hả?

- Thôi mà! Hãy để cho hai trẻ nó yêu nhau.

Nhựt lên tiếng binh vực tôi. Nhựt biết Nguyên khoái tôi nên mỗi lần rủ lên bà Đại, Nhựt bảo “đi chống giặc Nguyên cứu nước”. Tuy nhiên, Nhựt chưa hề mó tới Nguyên lần nào. Coi vậy chớ mấy chị em giang hồ cũng có luật rừng xanh của riêng mình: không chịu “đi khách” với bạn thân của bồ mình! Vì lẽ đó, Du yêu Nhựt là từ chối đi với tôi. Nguyên khoái tôi là từ chối đi với Nhựt dù chàng cũng rất muốn nài ép bưởi Biên Hòa. Với Thứ, với Danh, với Lộc thì được. Với Nhựt: không được! Thế mới khỉ. Nhựt cũng òn ĩ bắt chước mấy em: “Thôi mà, đi với ai cũng vậy, đi với anh anh cám ơn”. Vẫn không. Trái lại gặp bữa trời mưa hiu hắt, mấy em mặc quần jean bó sát, buông ra một câu thương tâm xanh dờn tương tự: “Đi với ai cũng vậy, đi với em, em cám ơn”, tôi bất giác nghe lòng xốn xang kỳ cục. Còn Nguyên, nếu bước thêm bước nữa thì mất mát hay hao mòn cái gì, tôi không rõ. Có lần tôi tò mò hỏi, Nguyên cũng không biết, nhưng nàng nói: “Ai mà làm vậy kỳ chết!”. Kỳ?

Nguyên ôm tôi. Thứ ôm Phấn. Ba chàng kia ngó nhau... tòn teng thở dài. Hỏi Cúc? Về rồi. Hỏi Trang? Cũng về rồi. Vân đâu? Cũng về rồi. Hỏi em nào em nấy cũng đã về hết. Chương trình ra biển coi mòi hư hao. Cằn nhằn chị Đại, chị sực nhớ ra:

- À, còn một em không có nhà cửa, ngủ tạm trên gác, để chị lên gọi.

Chị hồi lâu trở xuống một mình:

- Em nó đang sửa soạn. Thiếu tá và mấy cậu ngồi chơi một chút.

Tôi ngồi phịt xuống ghế bành. Nguyên ngồi trên đùi, tôi vừa nhâm nhi bưởi Biên Hoàvừa nhấp Martell sec, hồn dâng phơi phới. Danh cũng vừa đong rượu vừa bốc hốt. Nguyên vừa ưỡn ẹo vừa cười ngặc ngoẻo, coi rất là “ngựa”, rất là “putain-cheval”. Đĩ phải ra đĩ, như vậy mới đã. Duy có cái tên của nàng là không đĩ một chút nào hết. Nàng cho biết Nguyên là tên người yêu của nàng, chuẩn uý mới toanh ra trận vừa được lần thứ ba thì đền nwoj nước. Nàng tự tử được cứu sống. Nàng nói sao tôi hay vậy, tôi tin nàng nhiều hơn ngờ vực. Vả lại cũng chẳng ăn cái gì mà tôi đi ngờ vực nàng làm chi cho mệt. Ba tháng sau, nàng giấu biệt tên mình rồi mượn tên chàng, như tiểu Lan mượn tên Điệp, nhưng không phải để đi tu, mà để đi làm đĩ. Bên kia, Phấn bá lấy cổ thiếu tá, chập chập rú lên cười, ngửa lên trời cái ức trắng phau dâm dật. Rủi thiếu tá đền nợ nước, không chừng em cũng dám cạo đầu đi tu – và rượt theo mấy ông thầy chùa mà trì kéo cái thiền y?

Chợt một vạt áo đỏ màu huyết dụ từ trên gác lửng thửng đi xuống, ống quần sa teng trắng cựa mình uốn mềm theo nhịp bước. Mọi người ngó lên, nhưng không thấy rõ mặt em. Tóc nàng để suông loàxoàhai bên má, ánh sáng dợn bóng trên đỉnh đầu nàng đang cúi xuống, miệng nàng khép trên chiếc khăn trắng ngậm ở môi. Dáng nàng thanh thanh, dịu dàng. Tôi bận bịu với Nguyên và cũng đã lắc lư con tàu đi nên không để ý mấy. Nhựt, lúc nào cũng hào hoa phong nhã, chạy tới đưa tay cho người đẹp cuối cùng vịn tay bước xuống bực thang cuối cùng. Dàn xếp xong với chị Đại, chúng tôi kéo nhau ra xe. Mở đầu là quân xa, đệ tử ôm M-16. Kế đó là công xa, có Lộc, Thứ và Phấn. Bọc hậu là xe dân sự. Nhựt và em áo đỏ ngồi trước, Danh và tôi kẹp Nguyên vào giữa ở ban sau. Phóng ra xa lộ Biên Hòa, tới Long Bình, thiếu tá dàn xếp cho ba xe chúng tôi tháp từng một đoàn công-voa trực chỉ Vũng Tàu. Tôi ngấm rượu, bắt đầu say thực sự, nhắm mắt ngủ sật sừ còn nghe loáng thoáng bên tai tiếng Nguyên cười ngả ngớn và thoang thoảng ở đầu mũi mùi tóc thơm từ phía trước phất xuống ngọt ngào, dìu dịu ngà ngà. Tôi tưởng tượng... chập chờn... lắc lư... nhồi sóng.

Tới khách sạn, Nguyên dìu tôi vào phòng riêng đóng cửa lại. Tôi chóng mặt nằm vật lên giường. Cảm giác tròng trành nghe văng vẳng phòng bên cạnh có tiếng nước mở và tiếng đàn ông đàn bà xen cười lẫn lộn. Chắc lại màn tàu lặn. “Ma đưa lối quỷ đem đường, lại tìm những chốn đoạn trường mà đi!” Chập sau cửa phòng tôi sịt mở, nàng áo đỏ còn nguyên xiêm y được đẩy vào.

- Đổi!

Lộc la vọng vào phòng tôi. Kế đó Danh chạy vô nói tay Nguyên lôi đi, bỏ rớt lại tràng cười ha hả. Em khép cửa phòng lại, rón rén đến ngồi bên cạnh giường tôi lên tiếng:

- Em sợ!

Tôi nói em sợ thì khoá cửa lại đi. Em đứng dậy khoá cửa rồi trở lại bên giường ngồi như khi nãy. Tôi hé mắt sật sừ ngó lên thấy lưng em áo đỏ ướt rượt, thon gọn. Tôi nói bộ em tính bận áo ngồi vậy hoài cả đêm hay sao? Tôi thiếp đi, không biết bao lâu. Mở mắt ra vẫn thấy cái lưng áo đỏ còn sờ sờ đó. Tôi lại thúc dục, lần thứ hai, lần thứ ba, nàng mới chịu tắt đèn ở đầu giường và nằm xuống. Tôi lè nhè sao em không mang giày, xách bóp và đeo kiếng mát mà ngủ luôn cho nó đủ bộ bình tích. Nàng vẫn không nhúc nhích. Tôi lại lè nhè em nằm ngủ như vậy là hư hết áo đó nghe, nàng mới chịu nhỏm dậy. Trong bóng tối, tôi nghe tiếng nút bóp mở lách cách. Cái âm thanh rất đàn bà, rất mĩ miều, rất quyến rũ và rất kích dâm. Khi nghe tiếng lách cách chấm dứt bằng âm thanh dây thun tuột ra khỏi gót son đánh bựt lên một tiếng đoạn trường là biết... Thế là nát cánh hoa rừng! “Là giết đời nhau đấy biết không? Dưới giàn hoa máu đứt dây thun, giận anh em viết dòng dư lệ...”

Có tiếng sột soạt của chăn giở rồi mùi thơm dịu ngọt phất lại từ băng trước khi nãy xáp lại gần. Trong bóng đêm nàng khe khẽ thở dài. Cơn say vụt ùa tới lôi tuột tôi vào con trốt đen ngòm, khô đắng, lùng bùng. Khuya lắm (mấy giờ?) tôi cựa mình nghe từ phòng cạnh vọng sang tiếng Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn văng vẳng buồn buồn!... “Tôi có người yêu chết trận A Sao, chết giữa chiến hào... Tôi có người yêu chết trận Plei Me, chết thật tình cờ, nằm chết ngu ngơ...” Tôi nhủ thầm chắc người hùng An Lộc lại vặn nhạc chớ chẳng ai. Hồi ở Sài Gòn, Sơn thích mấy bài thwo tràng giang của tôi. Ngược lại, nhà tôi không có nhạc của Sơn – tôi chỉ nghe lõm bõm ở phòng trà và lõm bõm khi đi ăn quán ngũ đình với thiếu tá. Thứ nói ngoài mắt trận hôm nào không có chạm súng, trời mưa nghe nhạc Trịnh Công Sơn là thối dạ anh hùng không thể tả. Thỉnh thoảng đấu lý với bọn răng đen trên làn sóng truyền tin. Thứ biểu vặn nhạc Trịnh Công Sơn cho ngợm nghe ké. Có đứa cũng chịu nghe nhưng vẫn chửi là nhạc Sơn đồi truỵ, uỷ mị. Khi về thành, Thứ thường xách theo cái attaché-case nhỏ màu đen, mở bật ra hai bên thành hai cái loa ở giữa là bộ phận đọc băng nhựa. Sau cái màn “cởi xiêm trút áo sỗ sàng”, thiếu tá thường hay vặn nhạc rỉ rả để bồi dưỡng trước khi tái đấu với mấy Kiều.

Có cuộc chiến tranh nào mà không có người hùng và giai nhân, sĩ tử và quả phụ, hảo hớn và gái đĩ? Và đối với một người chiến sĩ thiệt sự, cũng không có phần thưởng nào quý báu hơn là một người đàn bà thiệt sự. Khi đỗ thủ khoa trường võ bị, Thứ mang theo một quan niệm sống nào đó về “anh hùng”. Nhưng khi nghe tôi nói: “Ta thà sống trong vinh quang hơn là chết trong vinh quang!” Thứ phá ra cười ồm ồm, chịu lắm. Không rõ tại sao, từ nhỏ tới lớn tôi không có anh hùng mà cũng chẳng có thần tượng. Trái lại tôi còn rất sợ thần tượng, sợ anh hùng, và đặc biệt là sợ những-người-không-sợ-chết. Có lẽ những người này có thể sổng lưng chạy ngờ ngờ dưới tên bay đạn lạc nhào tới giết hết bà con tôi, bạn bè tôi, và luôn cả tôi mà còn mạt sát tôi là sao dám sợ chết. Những người này có thể hóp bụng ễnh ngực dẫn đầu năm chục ngàn quân hiên ngang tiến lên và rút về... không còn một mống. Giống người này đi tới đâu chó không dám sủa, con nít không dám khóc, phụ nữ không dám tè, khỉ không dám ho, cò không dám gáy, cỏ không dám mọc – không dám mọc mà còn bị chửi là hèn nhát. Bởi vậy nên tôi rất sợ những người không sợ chết.

Tuy nhiên cũng vì cái vụ ham nghe nhạc này mà thiếu tá bị xuyên tạc. Một bận cả bọn lại cùng kéo nhau đi rước mấy Kiều về tổ quỷ vầy cuộc mây mưa. Có em Lan thơm phức ngực mông nhung nhúc lồ lộ nhưng cứ quấn quýt riêng một mình thiếu tá làm cho phe ta phải ngơ ngẩn tòn teng. Lợi dụng lúc thiếu tá đi tè, Danh rỉ tai em loan tin thất thiệt: “Em biết thiếu tá xách gì trong cái va-li đen dẹp đó không? (em lắc đầu). Là vàng đó em. Thiếu tá có gốc bệnh cùi như Hàn Mặc Tử nên xách vàng đem theo thỉnh thoáng lén mài uống cho bớt ngứa. Không tin hồi nữa vào phòng em rờ thử lưng thiếu tá thì biết!” Quả nhiên, khi luồn tay mò lên các vết thẹo cháy ở lưng của thiếu tá thấy quả có y chang như vậy (Maria hỡi! linh hồn con ớn lạnh!) nên em... đâm nhợn. Từ đó em Lan né thiếu tá dài dài. Khi biết được âm mưu, Thứ chỉ tay vào mặt Danh: “Đ.m! Cũng mày nữa!” Danh còn giả bộ con nai vàng ngơ ngác: “Đ.m! Đừng có giỡn mày! Bạn bè ai mà đồn kì cục vậy?”

Buổi sáng vừa tỉnh dậy đã thấy em vận lại áo dài màu huyết dụ ngồi ở cạnh giường. Em năn nỉ tôi xuống bãi ngồi chơi với em. Dù mệt mỏi, tôi cũng xiêu lòng chiều em tí. “Theo em xuống phố trưa nay, khi còn ngất ngất cơn say... Theo em xuống phố trưa nay, khi còn nhức mỏi đôi vai...

Em xấu lắm phải không anh?

Hường lại lải nhải và lại khóc thút thít. Tôi biết có trả lời sao em cũng không nín. Tuy nhiên tôi cũng gắng gượng ngồi dậy nối lại cung đàn dang dở với Hường. Tôi đưa tay vén mấy sợi tóc ướt trên gò má của em rồi kéo cái khăn trắng em cắn ở môi ra ngó một hồi. Em nheo đôi mắt ướt sũng lóng lánh. Tôi nói:

- Em đâu có xấu!...

“... nhưng gương mặt của em không phải là gương mặt để đi làm đĩ”, tôi muốn nói tiếp như vậy, nhưng thôi. Sợ em hiểu lầm lời tôi lăn ra nằm vạ. Mà thật vậy, em không xấu, đặc biệt em có hàm răng rất đẹp, nhưng mặt em không có vẻ “ngựa” một chút nào hết. Làm đĩ là phải ngựa! (dĩ nhiên theo quan niệm của tôi). Liếc ngó là như rủ leo trèo, ngó thấy là muốn đè xuống tuột quần. Xa rồi cái thời cậu học sinh lớp đệ nhất Lê Kiệt Tấn, 17 tuổi, lần đầu tiên đi khách với em sến Thị Mười ốm nhom ở Gò Vấp! Lần đó có thằng nhỏ cứ nằng nặc đòi theo mãi, Thứ mới can thiệp với Lộc để lộc đồng ý cho tôi theo cặp tàu, ngày Thứ sắp lên Đà Lạt để nhận trường Võ bị. Nghe tôi đạo đạt nguyện vọng, chị Phúc Tú Bà di cư buột miệng than thở: “Ối giời! Đi chơi bời người ta chọn mấy cô có da có thịt, còn cái cậu này lại đi thích mấy cô chỉ có những là xương!” Chị đâu có biết tôi khớp lắm, lúc Lộc đèo Vespa đi dọc đường tôi cứ mắc tè, nhưng khi tuột xuống xe ôm gốc cây và sục sạo mãi mà không thấy thằng bé đâu hết, tôi đã tính xin với đàn anh cho em quay về cố quận phụng dưỡng mẹ già. Bây giờ chọn một em to khoẻ biết là tôi có kham nổi hay không? Khi em mười vén màn ngoắc tôi bước vô động phòng hoa chúc, bụng tôi vụt lắc bầu cua loạn cào cào như ba bữa Tết, miệng lưỡi khô queo đắng nghét. Tôi năn nỉ Thứ vô “biểu diễn” cho tôi coi trước để tới phiên mình còn biết đường mà lần. Thứ trấn an:

- Ậy! mày cứ vô là tức khắc biết liền. Nhớ khi nào có ý kiến là phải leo lên liền nghe chưa? Lần đầu đừng có để chết máy là mệt lắm!

Tuy vậy Thứ cũng kề tai em Mười dặn nhỏ. Tôi leo lên giường còn bịn rịn cái xà lỏn, cẳng chưn lạnh ngắt như bị vọp bẻ. Em Mười phải dằn co mãi mới tranh thủ được cái khố của tôi. Tôi ôn lại và áp dụng đúng lời thầy dặn trước khi lên núi. Xong! Ngon lành! Em Mười xỏ quần lãnh đen cài lại nút áo bước ra mắng vốn Thứ:

- Anh dặn em anh nhỏ nhỏ này mới đi lần đầu em phải chỉ dắt... mà ảnh thiệt là dàn trời! Bộ tính trát em hả?

- Đâu có! Vậy là em trúng số rồi đó.

Trên đường về tôi kêu đói bụng. Và lần đầu tiên cũng là lần duy nhất trên đời, tôi làm một cái lèo hết hai tô phở lớn. Trong bụng nhẹ nhàng hân hoan thơ thới. Từ đó tôi nhịn bớt ăn sáng để dành tiền thỉnh thoảng đáp xe thổ mộ ghé thăm chị Phúc – tôi vẫn còn tiếp tục thích những em gầy gò liễu yếu một thời gian nữa. Năm đó tôi đậu Tú Tài đôi (một lượt với Lộc), hạng Bình thứ. Tôi kéo mấy thằng trong lớp lên Ngã Ba Chú Ía khao quân. Tôi đụng nhầm một em vừa gầy vừa “đoi” (láng e! người miền nào?) và tôi bị lính bắt đang lúc quả tang phạm pháp.

Chẳng là một buổi chiều nọ lãnh tụ anh minh đánh golf xong ở sân cỏ gần Xóm Chú Ía lửng thửng đi dạo mát trên lối mòn chạng vạng, xẩy đâu có một yêu nữ xông ra chận đường và nắm tay Tam Tạng mà nài hoa ép liễu: “Anh ơi anh! Vào đây... chơi một cái cho nó khoẻ!” Ai đã từng sống dưới chế độ Đệ nhất Việt Nam Cộng Hoàđều biết Cụ rất kỵ đàn bà. Vì vậy quận trưởng Chú Ía bị cách chức lập tức và hải tục không quân được tung ra cùng lúc ba mặt giáp công mà ruồng bố các em nhỏ hồng nhan bạc mạng. Cũng bởi lẽ ấy mà lần đó có quá nhiều khách tìm hoa bị hốt (trong đó có tôi) nên thừa lúc sơn hà nguy biến, chiến tinh hỗn độn, tôi đào tẩu (không kịp lên đài truyền hình tuyên bố) chạy cẳng không dã chiến băng đồng thoát thân. Thời đó... Ôi! “Thời đó qua rồi thời ái ân! Đèn một đêm nào soi chung bóng, cho anh nhìn kỹ mắt em sầu...

- Phải chi thời đó anh biết em!

Tôi vuốt má nàng buông tiếng than thở ngậm ngùi.

Hường mở mắt đầy ắp lệ long lanh ngơ ngác:

- Biết em hả?... Thời nào?

- Thời ái ân

- Hồi nào?

- Hồi anh mười bảy tuổi.

- Trời ơi! Hồi đó chắc em còn bồng quá.

- Bởi vậy mới nói!

Tôi ngã xuống trở lại ghế xếp. Mặt trời đã mọc trọn vẹn. Tôi khép mắt cho khỏi bị choá nắng. Hường đưa hai ngón tay kéo nhẹ vai áo tôi về phía nàng:

- Anh chưa trả lời câu em hỏi.

- Anh trả lời rồi.

Nàng ngập ngừng:

- Em không xấu thiệt hả anh?

- Thiệt chớ. Chẳng những em không xấu mà em còn đẹp nữa... (ngừng một chút), em đẹp vẻ đẹp của em.

Nàng thở dài:

- Anh này nói nghe thiệt huề vốn!

Tôi sịt cười, sực nhớ bốn chữ viết nghuệch ngoạc trên vách xe bán cà rem có đổ xí ngầu ở trường tiểu học: “Hột kê thì huề”. Nàng hỏi:

- Gì mà anh cười vậy?

- Hột kê thì huề.

- Hả?... Cái gì hột?

- Hột xí ngầu.

- Cái gì mà khi không... hột xí ngầu. Bộ anh chạm dây rồi chắc?

Tôi cười phát ra tiếng, lắc đầu:

- Không có gì hết.

Nàng nín, không hỏi tiếp. Tuy nhiên tôi vẫn chưa hết thắc mắc sao với cái nhan sắc không ngựa một chút nào hết mà Hường lại sa chân vào tổ quỷ khiến cho hoa lạc giữa rừng gươm. Tôi day qua nàng:

- Sao khi không em lại đi làm cái nghề này?

- Nghề gì? (sực nhớ), à à...

Nàng nín thinh, không giấu được bối rối. Tôi đỡ lời, ướm thử:

- Chắc em cũng có người yêu chết trận chớ gì?

Nàng đáp thật thà:

- Không. Em không có người yêu. Tại em không đẹp nên chưa có ai yêu em hết.

Nàng lại rớm nước mắt và hít mũi một cái. Thấy mặt mũi nàng cũng sáng sủa, không có vẻ gì “thị mẹt”, tôi lại dò dẫm:

- Hồi em đi học chắc cũng có con trai theo tán tỉnh em chớ làm sao khỏi?

- Ờ... thì cũng có. Hồi học đệ tứ có một chàng theo tán tỉnh em và có viết cho em mấy bức thơ tình, em cũng sắp xiêu lòng. Nhưng rồi...

Nàng ngập ngừng. Tôi hỏi:

- Rồi sao?

- Nhưng rồi anh ấy bỏ ngang để chạy theo một cô khác đẹp hơn một trời một vực.

Hường bật khóc, tiếng nàng thút thít:

Em biết em xấu lắm mà!... Không có ai yêu em hết... Anh đừng có nói gạt để an ủi em...

Hường đưa khăn tay lên cắn chặt giữa răng mình để nén khóc, vai nàng run run thành những chấn động nhỏ. Tới phiên tôi bối rối. Tôi xoa xoa vai nàng: “Em đâu có xấu”. “Thôi anh đừng có nói gạt em!” Hường rút đầu giữa hai vai mình khóc mướt. Tôi lải nhải: “Nín, nín!... Nín đi em!” lời dỗ dành của tôi cũng chỉ lâm ly đến nước đó là cùng. Tôi nhỏm người dậy. Trên bãi cát, những người bán hàng rong bắt đầu xuất hiện. Một người chào mời. Tôi lắc đầu. Ngó qua thấy Hường vẫn chưa thôi khóc. Tôi đưa tay kéo cái khăn trắng ở miệng nàng ra. Hường ghịt lại như một lá bùa hộ mạng, miệng lầm thầm “không có ai yêu em hết” và tiếp tục khóc... Con chim thời nhỏ bay ngang rồi, mùa đông trời thêm rét thương ôi! Bao nhiêu hờn tủi bao nhiêu lệ, đêm trắng khuya già qua đơn côi...

Không dằn lòng được, tôi buông ra một câu hết sức ba phải:

- Không có ai thì bề gì... cũng còn có anh đây (!)

Hường ngó lên, ánh mắt dịu dàng ướt rượt của nàng khiến tôi mắc cỡ.

- Anh tính gạt em gì nữa đây? Anh nói còn có anh đây mà cả đêm anh không thèm... rờ tới em. Mấy anh kia cũng vậy.

- Tại anh say rượu mà em.

- Chớ không phải tại anh tiếc chị Nguyên à? Em biết lắm mà, em đâu có ngon lành bằng hai chị kia, em đâu có đẹp để bằng hai chị kia. Ai cũng xô em ra hết!

Nàng lại tủi thân khóc thút thít. Tôi lúng túng.

- Đâu phải vậy em. Đâu phải vậy. Có lẽ tại em nhát đèn quá nên mấy anh kia không dám suồng sã. Anh cũng vậy.

- Thôi anh đừng có nói gạt em. Anh chỉ ham có một mình chị Nguyên thôi. Mà anh ham chỉ như vậy cũng đáng vì em thấy chị Nguyên coi mòi cũng mê anh lắm. Trong nhà chị Đại ai mà không biết.

- Ối! Nguyên nó mà yêu ai em ơi!

- Anh lại chối nữa. Hễ vắng mặt anh là chỉ cứ nhắc hoài. Mà anh mê chị Nguyên cũng phải. Thấy cái bộ ngực vĩ đại của chỉ đàn ông nào mà không ham. Em là đàn bà con gái mà thấy cái ngực đó cũng còn mê nữa huống hồ.

Nghe Hường nói trúng cái libido của mình, tôi hết cách chống chế. Đối với tôi, ngoại trừ gương mặt, trên thân thể đàn bà bộ phận đẹp đẽ nhứt là “Đôi Vú”. Đoá hoa thầm kín của nàng chỉ có hình dạng kích dâm chớ không thẩm mỹ. Các hoạ sĩ chỉ vẽ để ca tụng đến cái gò Vệ Nữ là cùng. Đôi Vú: Nguồn sữa mật mỹ miều, thanh tú, mủm mỉm, hớn hở, no tròn, nhún nhẩy, mịn màng, sinh động. Tuyệt vời! Vì lẽ đó, một hôm tôi đang ngồi rà rà ở nhà chị Đại, vừa thấy Nguyên bước vô, cái ngực đi trước khá xa, tôi liền đứng phắt dậy chụp tay em dắt tuốt lên lầu tức khắc. Vào phòng em vừa trút bỏ áo ngoài, đôi vú em đã thấy leo tràn ra khỏi cái nịt vú vân vi bông trắng có một đoá hoa hồng nhỏ ở giữa che cái móc nịt phía trước. Mãi sau này tôi mới được biết cái móc phía trước là để tiện bề cho con bú! (Vậy hả) Tôi tuy dứt sữa đã lâu nhưng cũng cầm lòng không đậu nên bèn nhào tới dùng thủ pháp thập dương chỉ moi nhũ hoa em ra ngoài nơ nơ thơm phức, đỉnh vú mướt nhỏ mơn mởn nhú lên hai vừng hồng khá rộng. Thấy ham ơi là ham! “Bệnh Tề Tuyên đã nổi lên đùng đùng. Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa”. Tôi vật nàng xuống giường toan ấp bưởi bẻ đào. Nhưng nàng xô tôi ra và dắt tôi đi tẩy trần dưới gương sen – thực hành vệ sinh cưỡng bách.

Trườn lên giường nệm, chúng tôi quấn quít lấy nhau. Tôi chăm sóc từng cảm xúc nóng hổi của nàng, còn nàng thì cũng chiều chuộng tôi hết cách. Tuy mới đi với nhau lần đầu mà tự nhiên hai đứa rất nhịp nhàng ăn ý với nhau. Lần đầu tiên, với Nguyên, tôi khám phá những tiếp xúc mới mẻ, mãnh liệt, khác lạ với đôi vú tượng trưng cho Nữ Tính của đàn bà. Tròn tròn, đồi đồi, núi núi, chập chùng, ép khít, môi hé, miệng mời, lưỡi ấm, dã thú, dâm dật, choáng váng... Làm tình với Nguyên nhưng tôi có cảm tưởng không phải tôi đang làm tình với nàng mà là tôi đang làm tình với cái Nữ Tính của nàng, làm tình với cái chất đàn bà của nàng. Tôi đang ngoại tình với nguồn sữa mật của nàng. Nguyên tôi, tôi Nguyên, đắm đuối bất kham, dâm cuồng, chết ngất, nghỉ ngơi, quấn quít, cọ xát, kích thích, tái diễn, mê ly, tơi bời... vụt xuất trận mưa ấm. Nguyên hổn hển, dã dượi, mê man... Chết em rồi, anh! (Anh cũng chết, em!) Đã đời!

Lần đầu tiên, tại lầu xanh, tôi đóng cửa ái ân liên tiếp với cùng một kiều nữ - cũng như lần độc nhứt tôi ăn liên tiếp hai tô phở lớn sau trận ân ái đầu đời. Tuy đã đời, mà vẫn còn ham muốn.

Tôi thường nói với Nhựt: “Lý thú của đàn ông là sự hứng khởi lúc làm tình chớ không phải là sự xuất tinh cuối cùng”. Mãi về sau này, khi tổng kết cuộc đời tình ái phóng đãng của mình, Nhựt mới thấm thía và đồng ý. Ái ân không nằm ở “Mây mưa mấy giọt chung tình”, mà ái ân nằm ở “Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa”.

Nếu khi ân ái với em tôi có cảm tưởng mình đang ngoại tình với Nữ Tính của Đàn Bà thì khi yêu đương, tôi luôn luôn bắt gặp mình đang yêu một người “Đàn Bà” đời đời kiếp kiếp nào đó ẩn núp trong người yêu của mình – kể từ lúc “nàng” bị đuổi ra khỏi Thiên đường? Có lẽ vì vậy mà người yêu của tôi vẫn thường trách móc tôi không yêu các nàng trọn vẹn, hết mình: lúc nào tôi cũng có vẻ như đang ngoại tình, đang mơ tưởng một người Đàn Bà khác nào đó. Các nàng (và chính tôi) cũng không nhận định rõ rệt là (hình như) tôi si tình Đàn Bà chớ không phải đặc biệt yêu một nàng nào hết.

- Anh nghĩ gì vậy?

Hường day mặt qua phía tôi, phá vỡ yên lặng.

- Anh đang nghĩ về thời thơ ấu của mình.

- Chớ không phải anh đang nghĩ tới chị Nguyên hả?

Linh tính đàn bà (có chăng?) Hường chậm khăn và gỡ mấy sợi tóc mềm trên má, đưa đầu lưỡi nhỏ thoa ướt môi hồng. Nụ hồng thời ân ái! Cho anh hôn nhẹ trên môi ấy, đời hết yêu thì thôi thương nhau... Nhớ. Nhớ da diết. Và thèm yêu.

- Em thấy lúc sau này khi tới bà Đại anh chỉ đi có mỗi một mình chị Nguyên thôi.

- Thì chỉ khi nào có mặt Nguyên ở đó.

- Dĩ nhiên. Anh nói chuyện thiệt huề vốn. Anh chung tình với chị Nguyên tới mức đó thôi chớ chẳng lẽ không có chỉ rồi anh nhịn ăn nhịn uống, nhịn... nhịn... nhịn ấy luôn sao?

- Cũng kẹt lắm em ơi.

- Cái gì mà kẹt?

- Thì cặp bồ với mấy em chớ gì. Bởi vì Nguyên thì được quyền tiếp tục đi khách, còn anh thì được quyền thả cửa chung tình. Anh mà lạng quạng là bị ngắt véo bầm mình.

- Vậy hả Sao kỳ vậy?

- Ờ, vậy đó. Kỳ quá, ghét ghê! (Tôi tưởng tượng Thẩm Thuý Hằng cong môi nói câu này). Kỳ vậy đó, nhưng chịu hay không chịu gì rồi cũng phải chịu.

Tôi có cảm tưởng Hường mỉm cười sau chiếc khăn tay trắng.

- Một lần anh lạng quạng bị ngựa cắn tưởng bỏ mạng.

- Ngựa?...

Tôi muốn nói rõ là “đĩ ngựa” nhưng sợ Hường mích lòng nên trớ ra:

- Thì chị Nguyên của em đó. Bữa đó Nhựt từ Nha Trang vô rủ anh lên chị Đại hái bưởi. Tới nơi lại đụng độ với một đại uý cảnh sát đang dắt khách quý tới đãi một chầu bà Đại. Đặc biệt là bưởi Biên Hoàcủa Nguyên. Ba bốn mạng thay phiên nhau dắt Nguyên lên lầu lia lịa.

- Rồi anh làm sao?

- Thì anh phơi củ cải ngồi chờ chớ sao.

Hường xịt cười một tiếng. Tôi nói tiếp:

- Phơi bắt buộc. Vì mỗi bận dắt Nguyên đi ngang mặt anh, nàng ghé tai anh căn dặn hai ba hiệp: “Anh chờ em nghen. Phải chờ em à nghen!” Nhựt thì đã xé lẻ dắt Lan đóng cửa trong phòng du dương. Chỉ còn mình anh ngồi lại phơi một mình. Phơi riết muốn héo luôn.

- Đáng đời! Ai biểu anh nghèo mà ham. Nhưng rồi giáp vòng rồi cũng tới phiên anh chớ gì mà rên?

- Nếu được vậy đâu có nói. Đàng này khi đã giáp vòng rồi quý vị bạn dân lại làm một màn đờ-mi-tua tái bản. Nguyên không đi khách thì cũng phải ngồi hầu rượu. Chị Đại đâu dám làm mất lòng chánh quyền sợ bị đóng cửa tiệm. Thỉnh thoảng Nguyên lại liếc về phía anh thăm chừng coi anh có sang ngang bất tử.

- Chắc anh ghen lắm hả?

- Ghen thì không ghen mấy, mà tức thì là tức cành hông! Chờ một hồi Nhựt ra, lợi dụng lúc Nguyên lên lầu, anh rủ Nhựt kéo Phấn và Cúc vào lâu đài tình ái có gắn kiếng giáp vòng khoá trái cửa lại bày trò đồi phong bại tục.

- Chà! Chắc là vui kịch liệt?

- Ngất ngư! Xong anh và Nhựt ra ngồi ở gần cầu thang uống bia dưỡng sức. Lúc đó Nguyên từ trên lầu đi xuống đột nhiên xống tới đè anh bật ngửa ra sau rồi nhe răng cắn lên ngực trái của anh. Anh tưởng Nguyên giỡn chơi, ai dè nàng cắn thiệt. Đau muốn chết giấc nhưng lỡ làm đàn ông rồi anh phải ráng gồng mình cho nàng cắn xé, không dám la. Thiệt là putain-cheval.

- Hả?

- Ngựa!... Anh muốn nói ngựa cắn. Thấy mặt anh xanh dờn, Nhựt phải ra tay can thiệp rứt Nguyên ra, nàng còn hăm doạ: “Lần sau em cắn chỗ khác cho anh chết luôn!” Anh ôm trái tim một hồi mở nút áo ra coi: bầm tím! Dấu răng ngựa giáp một vòng hủng sâu thâm tím! Nếu không có cái áo chắc anh đã sứt thịt rồi chớ không phải chơi.

Hường cười rút rít. Tôi mở nút áo cho nàng xem dấu bầm trên ngực hãy còn lờ mờ ửng hiện xanh xanh vàng vàng như vỏ chanh chín héo. Vết thù trên lưng ngựa hoang!

Hường đưa mấy ngón tay mân mê dấu chân tình ái:

- Em đừng có cắn anh bất tử nghe không.

- Anh có thương em đâu mà em cắn. Anh không nghe người ta thường nói “thương nhau lắm, cắn nhau đau” hay sao? Ai mà thương em!

Thấy nàng sắp tiu ngỉu, tôi đáp vớt vát:

- Không! Anh chỉ nghe nói “thương nhau lắm, tắm ở truồng” mà thôi.

Hường xịt cười:

- Cái anh này! Có lẽ anh bị ám ảnh tình dục nặng.

- Chắc vậy chứ còn có lẽ có chẵn gì nữa.

- À, anh mang dấu cắn về nhà không sợ bị bà xã của anh la hay sao?

- Ối! Lỡ chịu chơi thì đừng có run chớ em. Anh nói thiệt cũng hay mà nói dóc cũng có hạng lắm.

- Anh nói dóc bà xã ra sao?

- Ờ thì cũng nhờ thời may dạo đó anh nhậu nhẹt hay nhức đầu nên thường uống optalidon. Mà uống optalidon thì lại hay bị bầm mình nên vợ anh hỏi anh đổ thừa là tại uống thuốc quá liều, đứt gân. Bà xã anh thấy đứt gân sao mà giáp một vòng đều đặn cũng nghi nghi, nhưng biết tánh anh hay nói thiệt nên bả sợ hỏi tới anh khai thiệt bất tử càng thêm mệt nên thôi.

Hường nhéo tay tôi một cái rát rát:

- Gặp em là anh chết với em!

- Mà em biết không, mấy em ngắt véo là cố tình hết trọi. Nguyên sau này cho biết nàng cố tình cắn để thẹo cho anh về nhà bị bà xã lấy khẩu cung cho biết thân. Có khi mấy em còn xịt dầu thơm cùng mình, về nhà chun vô giường vợ đánh hơi lạ là có chầu... thiền môn nhuộm máu!

- Chơi gì mà ác vậy? Em đau có dè.

- Ờ, em theo nghề này riết rồi cũng sẽ rành sáu câu cho mà coi.

Hường xịu mặt:

- Bộ anh tính trù cho em sanh sống cái nghề bạt mạng này cho tới chết luôn sao?

Câu nói của Hường làm tôi chua xót. Tôi tưởng tượng một ngày nào đó Hường sẽ không còn riu ríu đến ngồi bên cạnh giường tôi và hồi hộp thốt câu: “Em sợ!”

Rồi một chiều mưa hiu hắt, ngõ trúc quanh co khách vắng teo, nàng cũng sẽ rủ rê một người khách không quen: “Chơi ai cũng vậy, chơi em em cám ơn!” Nàng sẽ để dành tiền bơm vú, độn mông, sửa mũi, xẻ môi, rạch mí mắt, chẻ cằm, gắn lông nheo dài cả thước, trét phấn dày cui và bôi môi son cóng cởn để tạo cho mình phong cách hoàn toàn của một nàng đĩ ngựa có đầy đủ bốn món ăn chơi cộng thêm một món ăn thiệt. Và khi Hường liếc ngó, dù chỉ thoáng chớp, là tôi đã muốn xông tới đè nàng ra để lột xiêm y và sờ nắn nhũ hoa – nàng chưa thành đĩ ngựa chớ tôi đã là thằng “phải gió” từ khuya. Tôi sẽ không còn nhận ra được nữa ở biểu tượng dâm dật đó, Hường của một buổi sáng tinh mơ ngồi khoc tủi thân ngoài bãi biển. Còn đâu nữa em Tấm? Em Cám?

Trong cái thuở trời đất nổi cơn gió bụi vào hậu bán thế kỷ hai mươi ở đất nước này, các viện thẩm mỹ cũng thừa cơ mọc lên như nấm và thực hiện được nhiều phép nhiệm màu trên dung nhan của phái trót mang tên là Đẹp. Mệnh phụ và đĩ ngựa thì đi các phòng có gắn máy lạnh khử trùng cho người ta đục mũi bơm vú, còn các em ở đợ gánh nước thì cũng ghé qua các sạp thẩm mỹ dạo trong chợ nhà lồng mà ngồi chồm hổm cho người ta gắn lông nheo sơn móng tay. Và mọi người đều hài lòng (kể cả tôi?), ngoại trừ các nhà cầm cương đạo đức (và lãnh tụ anh minh?) Một đêm trong phòng thắp đèn đỏ lờ mờ ở nhà bà Đại, em nằm dưới thỉnh thoảng ngóc đầu dậy nhắc chừng: “Anh làm nhè nhẹ, coi chừng vẹo cái mũi em mới sửa hồi chiều!” Tôi ngó kỹ mới thấy trên mũi em có băng keo trong suốt vắt ngang – hèn gì trông em cứ ngờ ngợ như đã có thấy ở đâu rồi. (À, ra thế!) Em cho biết chi phí đẽo mũi khá cao nên em phải vội vàng trân mình gỡ vốn gấp gấp. Đừng đổ thừa tại mấy em. Tại mấy thằng phải gió nó thích cái mũi em như vậy. Vì đâu nên nỗi đẽo xương? Nghĩ mình mình lại thêm thương nỗi mình. Trộm nhớ thuở gây hình tạo hoá...

Nhưng cũng có nhiều em ranh mãnh hơn, thay vì đẽo bớt, các em lại đắp thêm một lá đa giả bằng cao su xốp may dính cứng ngắc luôn vào quần jean, tha hồ mà mấy bạn đồng minh táy máy mòn tay, vườn xuân ong bướm ngất ngay ngất ngây hàm tiếu mà “buy me a tea”. Và còn có những bí mật phòng the nào khác nữa, tôi làm sao biết hết? Tôi chỉ còn biết dở nón chào thua và chúc các em may mắn! Vì ai nói gì thì nói, tôi vẫn nghĩ làm đĩ không phải là một may mắn. Vì vậy tôi chúc các em may mắn.

- Anh cũng cầu mong em được may mắn chớ có lý đâu anh lại trù ẻo em sanh tử với cái nghề bất nhơn này. Nhưng mà...

Hường ngó tôi chờ đợi. Không hiểu vì sao khi muốn hỏi Hường một câu dễ ợt: “Sao gương mặt em không đĩ chút nào mà em lại đi làm đĩ?”, tôi lại ngập ngừng. Không bao giờ tôi muốn tò mò tới đời tư của các em hành nghề nằm ngửa – đời tôi nằm sấp còn chưa xong, sức mấy mà láng cháng đi “thu hút những đau buồn lân cận” (như Tô Thuỳ Yên nói). Nhưng khi nhìn Hường tôi lại thấy thương thương làm sao đó nên vẫn muốn dợm hỏi:

- Nhưng mà sao hả anh?

- Nhưng mà... (một lần nữa tôi trở lại đi). À, hồi nãy tôi nói học tới đệ tử mà rồi có thi cử gì không?

Mặt nàng bất chợt buồn bã. Hường lắc đầu:

- Không anh à.

- Sao vậy?

- Tại tới lúc gần thi em bỏ ngang vì hoàn cảnh gia đình.

Tôi cũng đã biết qua một số cảnh ngộ điển hình nên nói cầu may:

- Chắc không phải ba chết thì cũng má em bịnh nặng?

Hường lắc đầu:

- Em mồ côi cha mẹ từ lúc chín tuổi.

Tôi chới với:

- Anh xin lỗi, anh không ngờ em mồ côi mồ cúc sớm quá vậy. Lẽ ra anh không nên gợi lại chuyện đau khổ của em.

Tôi nín thinh không dám đoán mò nữa, Hường cúi đầu:

- Chuyện đó xưa rồi, em đã quen, có gì đâu anh. Quê em ở Cao Lãnh, vùng xôi đậu. Mấy ông tình nghi ba má em có quan hệ bí mật với quốc gia nên bắt cóc ba má em đem vô vùng Đồng Tháp Mười rồi mất tích luôn. Chắc đã bị thủ tiêu. Lúc đó em còn nhỏ và cũng không thấy gì hết, không biết đau khổ.

- Rồi em ở với ai?

- Em ở với Ngoại và cậu Ba (nàng chợt run giọng). Giờ Ngoại và cậu Ba đã chết hết rồi...

Hường vụt nấc một tiếng ngã lật xuống ghế xếp, oàlên khóc ngất, chiếc khăn trắng cắn chặt giữa răng như chiếc phao nổi cuối cùng. Tôi lúng túng cúi người nghiêng qua ghế nàng, đưa tay vén tóc mai loả xảo trên vành tai ửng đỏ và dỗ nàng cầu may: “Nín, nín!... Thôi mà em, Hường em... Đừng có khóc nữa. Nín, nín mất! Anh thương”. Tôi nói lạng quạng thêm mấy câu ngớ ngẩn khác nữa, nàng vẫn không chịu nín. Tôi tiu nghỉu vuốt tóc nàng, vuốt tóc mình, gãi gãi đầu mũi rồi cũng im luôn. Rồi lại cúi xuống vuốt tóc nàng. Nàng ngước lên ngó, nước mắt tèm lem, tròng mắt nàng như hai hòn bi đen lóng lánh ngâm dưới dòng suối chảy.

Tim tôi chợt rướn mạnh. Lòng tôi bỗng bừng lên một cảm giác lạ, không phải chỉ là sự xúc động, vì lẽ tôi đã xúc động từ nãy giờ. Hường sịt mũi. Chờ một hồi cho cơn khóc dịu xuống, nàng lên tiếng:

- Trong một cuộc đụng độ lớn giữa quốc gia với mấy ổng, nhà em bị trúng bom cháy rụi. Ngoại và cậu Ba cũng cháy rụi luôn trong đó. Ngoại ơi là ngoại!...

Hường lại nấc lên một tiếng rồi không khép miệng được nữa, mặt nàng tái xanh, tôi hốt hoảng, khi nàng nấc được tiếng thứ hai thì nước mắt nàng trào ra lai láng, đầu nàng vật vã qua lại như bị động kinh. Tôi hốt hoảng chụp hai tay lên màn tang giữ đầu nàng lại, cúi xuống áp má tôi lên má nàng kềm chặt: “Ngoại ơi là Ngoại!... Ngoại ơi là Ngoại!...” Nàng tiếp tục lầm bầm bên tai tôi. Tôi thương ngoại tôi lắm, chắc Hường cũng vậy. “Nín, nín!... Em nín!... Nín mất, anh thương. Nín, nín mất!”... Tôi lại ru em một bài cổ điển vừa ru vừa đặt môi mình lên má nàng, nước mắt nàng mằn mặn trên đầu lưỡi. Cảm giác lại khi nãy lại bừng bừng lên khuấy động trong lòng. Như cảm giác đôi môi mặn nước mắt một đêm tàn hạ cũ, năm nào. Một chút hương lòng em trao anh, khoé mắt năm xưa ôi ngại ngần! Trong mơ nghe gió hồn lên mạnh, và tiếng buồn rơi trong mông mênh. Môi em đó. Chỉ cần xít môi mình xuống một chút. Khó lắm sao, Kiệt?

Hường khóc yếu dần, tiếng khóc nàng nhỏ lại. Rồi nàng thở dài, chỉ còn thút thít nhè nhẹ. Tôi ngập ngừng lên tiếng:

- Rồi... rồi em bỏ học?

Nàng gật đầu:

- Em đang học ở Long Xuyên, gần tới kỳ thi nhưng đành phải bỏ về chịu tang.

- Rồi em ở với ai?

- Đâu còn biết ai đâu mà ở. Em không có bà con nào khác, em hết sức bơ vơ. Thời may có đứa nhỏ bạn ở Sài Gòn về thăm nhà, thấy vậy rủ em lên Sài Gòn ở với nó.

- Em ở đâu?

- Em ở với nó ở chợ Thái Bình, mướn một căn nhà nhỏ lợp tôn, như cái chòi ăn xài lặt vặt gì nó đều ra tiền hết. Em kiếm việc làm lăn nhăn, không có kết quả. Còn nó đi làm sở Mỹ, nó nói vậy. Nhưng em lấy làm lạ sao nó đi làm luôn cả thứ bảy chủ nhật, có khi còn về khuya hay đi mất biệt luôn hai ba ngày. Một bữa tình cờ lang thang ở đường Trương Minh Giảng, em thấy nó bước xuống xe xích lô, trả tiền rồi đi vào ngõ hẻm, ăn mặc và phấn son diêm dúa, khác với lúc bước ra khỏi nhà. Em tò mò rình nó ở đó thêm mấy lần nữa, cũng thấy y chang như vậy, nó vẫn đi xích lô đạp tới rồi đi vào ngõ hẻm mất dạng. Tới lần thứ tư thứ năm gì đó, không dằn được, em làm gan bước ra chận nó lại gạn hỏi. Khi đó mới vỡ lẽ ra nó đi... hành nghề ở nhà chị Đại. Nó là con Hằng đó, chắc anh biết...

- Ạ ạ... con nhỏ trắng tươi có cái đít hết xẩy và mới đi sửa mũi đó phải không?

Hường gật đầu:

- Nó đó. Em vừa kinh hoàng vừa xấu hổ, vừa thấy lương tâm cắn rứt cho cái thân ăn nhờ ở đậu của mình.

Tôi lại làm tài khôn đoán mò, nếu không trật thì trúng:

- Cắn rứt xong em theo nó đi làm cho chị Đại luôn chớ gì?

Hường ngó lên bẽn lẽn rồi cúi mặt xuống khe khẽ gật đầu. Nhân lúc em còn đương tang gia bối rối, tôi thừa thắng xông lên khuyến cáo:

- Em làm chi cái nghề bất nhơn đó vậy? Sao em không kiếm nghề lương thiện khác mà làm?...

“... chẳng hạn như thư ký hãng buôn, ở đợ gánh nước, kế toán tạp hoá, bán chè, bán cháo lòng hay bán hột vịt lộn” và còn vô số nghề ngỗng khác nữa mà tôi muốn chỉ dẫn miễn phí cho nàng, những nghề hết sức lương thiện, hết sức dễ kiếm và cũng hết sức dễ làm. Dễ làm vì không phải tôi làm, dễ kiếm vì không phải tôi kiếm, và lương thiện vì nó không tốn kém cho tôi một cắc nào hết. Nếu chưa đủ, tôi sẽ đề nghị thêm nàng nên viết thơ cho mục “Gỡ Rối Tơ Lòng” của một tờ báo có nhiều độc giả nhất ở Sài Gòn để nhờ một bà đạo đức có mề đai của Quốc Hội mách giúp. Bà sẽ kê cho nàng một cái toa bổ ích về những nghề lương thiện dễ kiếm dễ làm khác nữa rồi nêu trường hợp các phụ nữ sa ngã truỵ lạc trở thành cánh sen trong bùn. Xong thòng một câu kết rất chi là Quốc văn Giáo khoa thư “Các em nên lấy đó làm gương mà giữ (cửa) mình!

Vốn là người có học thức và quan tâm tới tình hình nước nhà, tôi có theo dõi và để ý thấy thời gian gần đây chiến tranh leo thang, vật giá cũng leo thang, nhưng giá biểu của mấy em vẫn cứ dẫm chưn tại chỗ mấy năm liên tiếp. Ai có một chút kiến thức về kinh tế cũng đều rành cái luật cung cầu sơ đẳng nhất của thị trường. Chiến tranh tràn vào thôn xóm thì các em tràn lên thành thị, gây ra cảnh ối đọng thị trường (phồn vinh giả tạo) và tai hại nhất là nạn dìm giá (lũng đoạn thị trường). Mấy em ơi! Mấy em đâu có biết khi lý luận như vầy là thiên hại chửi qua dùng kinh tế và chiến tranh để binh vực cho đĩ. Anh cũng không thèm kêu oan. Vì thú thiệt với mấy em chính anh đây nhiều lúc nổi máu Đơn Hùng Tín cũng muốn lấy da hoẵng cắt ra một miếng khoét hai cái lỗ bịt lên mặt làm “Người Mặt Nạ Đỏ” một roi một ngựa vì đời trừ gian diệt bạo, hiếu thảo với cha mẹ, sát cộng chống gian thương, yêu già mến trẻ và... binh đĩ. Mà binh đĩ thì đã sao? Nếu có những người xả mình binh vực những nhân vật không cần một ai binh vực hết (như Thượng đế, như Lãnh tụ, như Chủ tịch, như Tổng thống) thì tôi, tôi binh đĩ. Nhưng qua cũng xin nói rõ là qua chỉ binh mấy em thôi, chớ mấy em đừng có hiểu lầm qua xúi mấy em đi làm đĩ, tội chết!

Hường chưa biết trả lời sao về câu hỏi hợp tình hợp lý và đúng lúc của tôi, tôi đã hỏi tiếp:

- À, mấy lúc gần đây không thấy Hằng lai vãng ở nhà chị Đại nữa?

- Sau khi sửa mũi đẹp đẽ xong, có một ông Cắc chú mê nó nên rước nó đem về thờ, và mướn nhà riêng cho nó ở. Bỏ lại em bơ vơ ở nhà chị Đại.

- Anh cũng hay la cà ở đó hoài mà sao không thấy em vậy?

- Anh đã có chị Nguyên rồi mà còn thấy gì ai nữa. Vả lại em cũng chết nhát nên cứ rút rút ở trên lầu. Thỉnh thoảng mới xuống và cũng biết mặt anh, nhưng anh đâu có ngó ngàng gì tới em. Em vừa xấu hơn người ta lại vừa không biết nói chuyện nên cũng... cũng ít “đi” lắm. (Nàng đỏ mặt).

- Em trách anh thật oan mạng.

- Em đâu là cái gì của anh mà dám trách anh. Em chỉ muốn nói đàn ông các anh chủ động, còn đàn bà các em thì thụ động. Chịu hay không chịu là do các anh hết. Làm đàn ông con trai sướng thiệt!

Hường nói vậy vì nàng không có đi lính, không có chạy dã chiến ở ngã ba Chú Ía, cũng không có mang ba lô vượt đoạn đường chiến binh và cũng không có ngất ngư ở bãi tập choạng vạng mới lết về mà còn phải gân cổ lên hát: “Quân trường đổ mồ hôi, sa trường bớt đổ máu”. Và nàng cũng đâu có bị cháy lưng mà còn bị vu oan là mắc bịnh cùi khiến các em né hết. Và chắc nàng cũng chưa bao giờ uống thuốc chuột và khóc người yêu chết trận như Nguyên. Và chắc chẳng bao giờ nàng được sống cái kinh nghiệm mang mặt nạ đỏ đi binh đĩ về nhà bị vợ lột mặt nạ cà răng xỉ vã và cho ăn cơm nguội ngủ nhà ngoài. Đoạn trường ai có qua cầu mới hay! Nhưng giữa tôi với nàng, ai đã thực sự qua cầu cho gió thổi bay mất tuổi xanh trong trắng? Bừng trong môi dựng đoạn trường, tấm nương tử lạc loài nương náu người.

- Em có muốn làm đàn ông không?

- Em không biết. Nhưng còn anh, nếu sinh ra làm đàn bà thì anh làm gì?

- Anh sẽ đi làm đĩ.

Tôi đáp gọn lỏn. Nàng trố mắt nhìn tôi:

- Bộ anh kêu ngạo em hả?

- Anh đâu có hưỡm mà kêu ngạo em. Anh đã nghĩ như vậy từ khuya. Vì với cái tánh nhăn nhện, trước sau gì rồi cũng tới nước đó, thà đi trước thời cuộc cho nó đỡ bận tâm. Nếu làm con gái nhà lành, thế nào anh cũng có chửa hoang. Không phá thai chết thì cũng sẽ bị ba má sởn tóc đuổi ra khỏi nhà, đẻ xong rồi cũng tới nước đi làm đĩ. Vậy thà tự nguyện nạp mình sớm sớm cho nó đỡ mất thì giờ và ân hận khổ tâm.

- Anh nói nghe sao bi quan quá vậy?

- Đâu phải bi quan. Đó là sự thiệt đó em. Hồi còn là sinh viên, Lộc đi dạy tư ở Vĩnh Long. Có một cô học trò xinh xinh có cái răng khểnh duyên dáng tên Bích thường ghé thăm thầy và đá lông nheo với anh. Nhưng anh chết nhát không dám tiến tới. Đến khi anh đi học ở Sài Gòn về thăm nhà mới hay Bích đã trao duyên nhầm tướng cướp có chửa hoang bị ba má đuổi ra khỏi nhà. Nàng phải bồng con đi ở đậu nhà người dưng và ngày ngày đi bửa củi kiếm ăn, mặt mũi tiều tuỵ, tay chưn gì chai phồng hết.

- Tội nghiệp cô ta quá hả anh? Anh có giúp đỡ cô ta được chút nào không?

- Một bận anh ghé thăm Bích và đứa con nàng ở cái chòi nhỏ bên hè nhà người ta và đưa cho Bích một cái bao thơ có đựng món tiền nhỏ. Bích khóc sướt mướt không chịu lấy. Anh đành ngậm ngùi lặng lẽ ra về. Rồi mấy bữa sau Bích bồng con đi đâu mất. Anh không dám nghĩ rằng nàng đã đi làm đĩ.

Hường thở dài ngó tôi, mắt long lanh tưởng chừng như sắp khóc. Coi mòi không êm, tôi lật đật lên tiếng:

- Thôi chớ! Sao em mít ướt quá vậy? Hồi sáng tới giờ cứ khóc hoài bộ chưa đã hay sao?... Em ăn hột vịt lộn không?

- Hả?

- Anh hỏi em ăn hột vịt lộn không?

Tôi chỉ một cô bé gánh hàng dạo đang đi ở đằng xa. Hường nói:

- Chuyện cô Bích buồn như vậy mà khi không anh rủ em ăn hột vịt lộn.

- Ai biết. Hay là em thích ăn sò? (Nàng lắc đầu). Hay là em có rồi không cần ăn nữa?

Tôi đưa ngón tay cù vào cổ nàng. Hường rụt cổ lại:

- Quỷ yêu! Đừng có nói tầm bậy.

Nàng nhoẻn miệng cười, răng đều xinh xắn tươi mát.

- Ờ cười vậy đó coi phải dễ thương hông. Có đâu nhè nhè cả ngày ai mà chịu đời cho thấu.

- Trời ơi buồn thấy mồ mà anh không cho người ta khóc. Bộ em khóc anh ghét lắm hả? (Nàng chớp mắt)

- Đâu phải anh không cho. Nhưng khi đã khóc đủ điểm trung bình rồi thì nên tốp lại để dành mơi mốt khóc tiếp chớ. Ờ, anh dặn hờ là nếu em có muốn cùng anh hợp tác kiếm một đứa con để nuôi thì em chớ có khóc lóc và cũng xin đừng có nhúc nhích... đổ uổng! (Nàng nhéo tay tôi một cái). Anh sợ đàn bà khóc lắm, anh chịu không nổi, nhứt là mấy em mà khóc là kể như vãng!

- Sao vậy?

- Vì nghe mấy em khóc là anh teo bu-gi, thằng bé hết ý kiến cũng, hết có hát hỏng gì được nữa.

- Cái gì kỳ cục vậy?

- Ờ kỳ vậy đó, ghét ghê! Một khi thằng bé hết ý kiến thì mười thằng lớn có ý kiến cũng kể như dẹp. Lỗ vốn! Dẫu ràng em có thơm phức mũm mĩm cách mấy mà khóc lóc thì anh cũng quăng khăn lên đài chịu thua.

- Anh nói xạo hoài. Mặt anh mà chê gái.

- Anh nói thiệt chớ. Anh đã bị cái nạn em khóc hai lần rồi. Và lần nào anh cũng ôm hận, “cho dù chưa mãn cuộc vui, ta đây vẫn vác dùi cui ra về” (Hường cười rút rít). Lần đầu là anh xuống Châu Đốc chơi, bạn bè kéo đi ngủ đò. Vừa chui vô ghe đã thấy em bé nằm quay mặt vô mui mà khóc thút thít, hỏi gì cũng không nói. Anh teo bu-gi bò ra gặp bà chủ đò ép anh trở vô và còn doạ tẩm quất em bé một trận về tội cứng đầu cứng cổ. Anh trả tiền và năn nỉ bả bỏ qua cho em nó nhờ.

Hường chắc lưỡi thở dài:

- Anh thấy làm thân con gái khổ chưa? Cón lần thứ hai ở đâu?

- Thì ngay nhà bà Đại chớ đâu. Bữa đó anh đi với Thứ và Nhựt. Chị Đại nói tối nay giới thiệu cho anh một món mới toanh. Bước vô phòng thấy một em bận áo dài trắng tinh, quần cũng trắng tinh như học trò nằm úp mặt xuống gối. Anh xáp vô ngồi trên giường dở mặt em lên mới biết em đang khóc, mặt mũi còn con nít trân. Phải chi anh có chọc ghẹo gì em cho cam. Chờ cho em khóc đã đời, anh đỡ em ngồi dậy rút trong bụng ra đưa cho em ba ngàn Nhựt dúi cho anh trước khi lâm trận. Em nằm xuống chờ đợi.

- Chờ cái gì?

- Còn phải hỏi! Thấy anh cứ ngồi thộn ra đó, em nhắc nhở, anh lắc đầu. Em hỏi bộ anh không đi hả? Anh nói nghe em khóc, thằng bé teo chim hết trọi rồi còn đi đứng khỉ gì được nữa. Em trả tiền lại, anh nói thôi em đem về kiếm chồng đổi nghề khác mà làm ăn. Em đứng dậy vuốt áo dài cho ngay ngắn rồi cám ơn anh và mỉm cười bẽn lẽn ra về. Anh bước ra thuật lại tự sự bị Thứ la: “Đ.m! Mày không chơi thì để cho người khác chơi chớ nỡ lòng nào phá hoại gia can, đã thả em về lại còn xúi em vô cầm sang thuyền khác?” Nhựt cũng xỉ vã anh khôn nhà dại chợ.

Hường cười rút rít, lên tiếng:

- Em thấy anh Nhựt coi bộ phong nhã, hiền lành (Hường ơi! Em lại sắp trao duyên nhầm tướng cướp!) còn anh Thứ cái mặt coi hầm hừ quá em sợ. Anh Thứ dữ lắm hả anh?

- Đâu có em. Coi ảnh vậy chớ hiền khô hà. Thiếu tá chỉ ghét Việt Cộng thôi chớ mấy em thì ông thương lắm. Muốn đụng tới mấy em là phải bước qua xác chết của Thiếu tá chớ đừng có giỡn mặt. Nhưng thiếu tá mắc một chứng bịnh kỳ lạ là khi tới bất cứ động nào, thiếu tá vẫn cứ dòm dèm đi một tí với con nhỏ ở. Ổng xổ nho: “ Thê bất như thiếp, thiếp bất như hầu, hầu bất như nô...” rồi còn cái gì hiếp và hiếp mà không được nữa đó. Ổng rắc rối lắm!

Tôi kể chơ Hường nghe chuyện “Thiếu tá mài vàng”, nàng cười ngặt ngoẻo:

- Sao anh Danh chơi đòn gì mà ác vậy? Rồi Thiếu tá có giận anh Danh không hả anh?

- Giận khỉ khô gì em ơi, ổng quen lãnh đạm như vậy rồi, Lộc còn dặn mấy em đừng có chơi với Thiếu tá coi chừng bị trật cẳng?

- Trật cẳng?

- Ờ... trật cẳng. Lộc nói hồi xưa lúc còn đi học ở Vĩnh Long, hai chả mò xuống Trà Vinh chơi bời. Thứ lôi một cô Miên lai vô buồng kéo màn làm gì đó không rõ mà nghe tiếng đàng Thổ trong buồng vọng ra: “Dơ! Bòn ơi! Bòn chơi kiểu như vậy là trật cẳng em!” (Hường phát cười ăng ắc, nghe hết sức thoả mãn). Mỗi lần Lộc nhắc tới chuyện đó là Thứ chửi thề: “Đ.m! Thằng này chuyên môn đặt chuyện”. Cái tích “trặt cẳng bòn ơi” nguyên do là vậy đó em.

- Thiệt tình mấy anh! Sao cứ chọc phá anh Thứ hoài vậy?

- Đó cũng là lẽ tự nhiên vì bởi sách Ái tình Bửu giám đã có lưu ý trước là “khi tới tuổi dậy thì, các em thường có khuynh hướng sờ nắn nhũ hoa và chọc phá dương vật!”

Hường nhéo đùi tôi một cái đẩy tôi ra:

- Anh đừng có nói tầm bậy.

- Anh nói có sách vở đàng hoàng mà em cho anh nói tầm bậy. Hồi còn ở tiểu học, anh nằm lòng Quốc văn Giáo khoa thư, bước vô Trung học anh lại thuộc lòng gần hết cuốn Ái tình Bửu giám nên còn nhớ tới bây giờ.

- Sao anh khôn sớm quá vậy?

- Bởi vậy anh nói nếu anh sinh ra làm đàn bà chắc chắn anh sẽ đi làm đĩ mà em không tin. Bây giờ chịu tin chưa?

Hường không đáp. Nàng đưa khăn tay quạt quạt ở cổ. Nắng nóng dần, mặt cát khô toả nhiệt. Trời xanh ngắt không có mây. Thuỷ triều đang xuống, bày chiếc tàu sắt chìm đồ sộ nửa trên nửa dưới nước. Chiếc tàu đang được cưa rã dần thành sắt vụn. Hôm nay ngày nghỉ, không thấy thợ thuyền. Dân Sài Gòn cũng chưa ra tới nên biển còn vắng hoe. Khá xa, một cặp trai gái nằm dài cạnh nhau trên ghế bố xếp, có lẽ là tình nhân. Chợt Hường khom xuống cầm cái túi xách bằng vải xanh da trời đứng dậy:

- Trời nắng bận áo dài một hồi nóng quá. Em có đem theo cái áo ngắn, để em lên trên quán thay ra cho mát. Anh chờ em một chút nghe.

Tôi ngó lên gật đầu:

- Được, anh chờ. Mà em đừng có thừa cơ xách gói trốn luôn theo trai bỏ anh ở lại nuôi con một mình nghe không?

Hường mỉm cười vuốt má tôi, bẹo một cái rồi quay lưng bước đi. Tôi cũng đứng dậy cho giãn gân, ngó ra biển. Gió ngoài khơi ùa vào mát mẻ. Tôi nghĩ lan man về người con gái buổi sáng ngồi khóc, thấy thương thương. Chợt một bàn tay kéo tôi quay lại, ghịt đầu tôi xuống nút chụt một cái mạnh lên môi rồi bỏ chạy, để lại mùi tóc thơm quen như để dạ lý hương, cái mùi mà khi còn là học trò, tôi và Nhựt vẫn thường đem vào ướp cho thơ mình. Hường chạy về phía cầu đá dưới chân quán. Tới nơi nàng day lại nhoẻn miệng cười trắng tươi, đưa tay vẩy vẩy rồi bước lên những nấc thang đá đẽo. Lên cao lưng chừng, gió lộng thổi bốc vạt áo màu huyết dụ của nàng phất phơ nhẹ hổng... Em đi áo mỏng buông hờn tủi, dòng lệ thơ ngây có dạt dào?

Trong người còn quần quật, choáng váng. Theo kinh nghiệm, tôi định làm một cái bia “giải nghễ” cho tỉnh người. Tôi đưa tay ngoắc mọt em bán hàng rong trên bãi. Em vội vã gánh thoăn thoắt tiến về phía tôi. Khi tới trước mặt, em đặt gánh xuống, đầu này là một thùng mốp đựng nước đá và thức uống ướp lạnh, đầu kia là một lò lửa nướng khô mực, sò huyết, cộng thêm mấy hột vịt lộn, muối tiêu, và rau răm. Em bé độ mười bốn mười lăm tuổi, có cặp mắt xếch lên tiếng:

- An he mua mở hòn dùm en đi an he.

Giọng Quảng Nam trọ trẹ. Dạo gần đây ở Vũng Tàu xuất hiện nhiều em bán gạo gốc miền Trung lánh nạn chiến tranh chạy vào, mỗi lúc một đông. Tôi nói:

- Em cho tôi một chai bia “ba mươi ba”.

- Dạ bia boa mư boa em khăng có, chỉ có bia lớn. An he uống dùm em chai bia lớn.

Tôi lắc đầu, vì hễ uống bia lớn tôi bị ỉa chảy. Em mời thêm mấy lần nũa, tôi vẫn lắc đầu. Em nắm cổ chai bia lớn bỏ trở lại thùng xốp chửi đổng:

- Tổ choa nó! Mới toảng soáng mà đoã nứng kẹt sớm, kiêu vô mở hòn mà không chịu mua, rồi hết cái ngòi hôm noay ế ẩm cho mà koai. Tổ choa nó!

Khi không bị chửi ngang xương vừa bực dọc nhưng cũng vừa tức cười, tôi nói:

- Thôi thôi, em để chai bia lớn đó cho tôi rồi kiếm thêm một chai bia “boa mư boa” nữa đem lại.

Em xếch mắt ra cười “cóm ơn an he” rồi cầm tiền tôi đưa ù chạy, còn dặn với tôi coi chừng gánh hàng dùm cho em. Tôi chợt nhớ lại Lộc kể một lần ra gác thi ở Đà Nẵng, tảng sáng thức dậy ở khách sạn đã nghe tiếng chị em ta than thở với con nhỏ bạn: “Mài nghĩ koai. suốt đêm rót rọt, boang đêm nó troả cho he trem, xoáng ra koai lọi có he đồng boạc. Tổ choa nói!” Em kia cũng chỏ miệng vào chửi tiếp, tạo ra cái hoạt cảnh “chiều chiều én liệng trên trời, rùa bò dưới đất đĩ ngồi trên cây”.

Em nhỏ trở lại với chai bia 33. Tôi cho em thêm mấy chục, em nhứt quyết “cám ơn an he” thêm một cái nữa rồi mới chịu quảy gánh đi. Cất tiếng rao trong trẻo: “Oi eng họt dịt loạn khoăng?” Trên đôi vai nhỏ của em đó, em đã gánh được bao nhiêu năm của cuộc chiến tranh này? Đã có chăng một ngày nào đó trong đời, em không nghe tiếng đại bác.

Tôi tu mấy ngụm bia, châm điếu thuốc quay lại ngó lên trên đỉnh dốc cao. Một thiếu nữ áo tee shirt màu hoàng yến lửng thửng dò theo những nấc thang đá đẽo xanh xám đi xuống. Tóc đen phất phới, quần trắng uốn mềm, màu vàng chói chang trong nắng, hình ảnh thật là mỹ miều hạnh phúc. Tôi muốn nghĩ rằng Hường đang lần theo lối trải đá xanh đi vào hạnh phúc – cho dù đó chỉ là một niềm vui rất nhẹ, nhẹ như lông măn của con chim hoàng yến nàng đang mặc trên người. Sáng nay, khi mặt trời bắt đầu lên cao, em cũng đã thôi khóc và bắt đầu tập cười.

Hường tới gần, chiếc áo thun vàng nhẹ ôm sát thân thể dậy thì, ngực thả trần bên dưới ngon mát, vòng eo thanh tú gọn gàng. Tôi nói:

- Em đẹp lắm.

Và Hường không còn cãi với tôi là nàng xấu nữa. Nàng nói em đã gửi cái túi xách và áo dài trên quán. Tôi rủ nàng xuống biển nhúng chân cho mát. Nàng bỏ guốc, tôi bỏ giày cầm chiếc khăn lông lớn choàng lên vai Hường dìu ra mé biển. Tôi và nàng rảo tới rảo lui trên bãi, những đợt sóng nhỏ ùa vào thấm ướt chân, sủi bọt rồi rút ra khơi.

Con chim hoàng yến líu lo với tôi thời tiết, về chim én chim sẻ, về mùa màng, về hương thơm của bông lài bông bưởi, về xoài mận ở Long Xuyên, về những ngày còn đi học trở lại - tại sao không? Cũng như giờ đây em đang học nói học cười lần nữa.

Tôi rủ Hường đi ra mấy tảng đá có rong đen gần bờ cạy mấy con ốc hình nón. Nàng bỏ khăn lông trên bãi cát, cúi xuống xăn quần lên tới đầu gối, chân nàng trắng tươi gợi dục, tôi cũng bắt chước làm theo. Bước xuống biển tôi khoát nước tát lên người nàng. Nàng rụt cổ cười tíu tít: “Đừng anh! Ướt em hết! Đừng anh!” Tôi nắm tay nàng kéo ra xa . Hường dằng co, tôi ghịt lại, bỗng nàng thôi trì kéo, tôi lỡ trớn té lật xuống biển, kéo nàng ngã theo đè lên người. Nước mặn cay mắt. Khi lóp ngóp ngoi lên, nàng sặc sụa la tôi:

- Ướt em hết rồi đây nè! Bắt đền anh đó!

- Thì ướt lỡ cho ướt luôn.

Tôi nắm tay nàng đứng dậy dắt ra khơi, màu hoàng yến dán sát trên hai đầu vú non của Hường hô hấp, ham sống. Nàng cười, răng ngọc trắng như một chuỗi hạnh phúc hồn nhiên xinh tốt, đơn giản dễ dàng. Chúng tôi đi dọc theo thân chiếc tàu chìm ra phía biển khơi, nước lên cao dần, sóng nhẹ lắp tắp. Ra tới trước mũi tàu, nước đã xấp xải lên tới ngực. Tôi ghì siết Hường hôn đắm đuối, tay luồn dưới áo thun ôm ấp và mân vú nàng, đầu vú nhỏ mơn mởn dậy thì đáp ứng. Hường rên khẽ, môi không rời môi tôi, mái tóc đen của nàng nghiêng qua nghiêng lại, vật vã. Buông ra, nàng ngó tôi mắt long lanh tình tứ. Tôi nắm tay nàng dắt vòng qua phía thân tàu bên kia đi lên, mực nước hạ xuống thấp dần.

Khi biển chỉ còn tới khoảng lưng chừng gối, thân tàu để lộ một vết cắt lớn, cao hơn hai thước. Xung quanh không có ai. Tôi dắt Hường bước vào trong lòng tàu, chân đạp lên cát mịn xốp. Ánh sáng yếu ớt, sóng vỗ nhẹ mà nghe vang dội rền rền trong thân tàu cao trống như trong giáo đường. Chúng tôi dừng lại trước một cánh cửa gỗ đã tét một miếng lớn ở góc dưới. Sóng chỗ vết tàu cắt trống lấp loáng phản dọi mặt trời trong khoảng tối lù mù. Tôi ấn Hường tựa lưng vào cửa sổ hôn lên mắt lên tai lên môi lên cổ nàng rồi lần xuống. Tay nàng quấn quít. Tôi cuốn áo thun hoàng yến của nàng lên sát nách tay nàng bụm che. Đừng anh! Tôi hôn lên vú nàng. Anh! Môi khép trên đầu vú trương cứng. Đừng! Lưỡi đánh thức dậy nhục cảm. Đừng anh! Nàng ưỡn người rên nhẹ rồi buông thả đầu vú bên kia nhận đón lưỡi ấm chăm sóc nâng niu tay nàng đan ngón trong tóc rối ướt ghì siết môi tôi trên thân thể nàng. Thôi anh! Đừng! Môi lần trên thân gọn nhỏ thơm mặn mở lối xuống bụng dò dẫm quanh rún chờn vờn. Tôi luồn tay mở quần nàng thả xuống, phát hiện chiếc quần lót cũng màu hoàng yến trang điểm giữa hai đùi trắng mịn tươi tốt, bông đăng ten thưa trống vân vi che đậy đơn sơ lông nhung đen mượt trên gò tình lú nhú, mười ngón tay chen giữa mảnh che nhỏ và da mịn gò mông tuột xuống buông hết. Đừng anh! Tay cấu tóc ghịt kéo lưỡi mềm sinh động ham muốn tìm kiếm hơi ấm phả ra Chết em! Anh... gò tình bừng nở bông ân ái mướt cánh giao thoa hơi thở, đôi môi mặn rên khẽ mê sảng gọi tình, mặn mòi sứa lửa bừng bừng thở sốt... Hường trân mình. Tôi lần dậy luồn tay dưới nhượng nhấc một chân nàng dở cao hai cánh tay trăn mềm quấn lấy cổ đôi vú thơm non dán sát trên lồng ngực nồng ấm hồi hộp. Cứ điểm cuối cùng. Hường nhón chân rướn người lên đón nhận Chết em rồi! Bao trùm ấm áp gói trong nhung mượt tiến thăm rấn sát Thôi anh! Trân cứng chôn lấp lui đợi Anh!... Sấn tới dập liễu Hết nổi rồi anh!... Hơi thở ngắt đứt rộn rã hào hển... Hường run chân, tôi ôm nàng ngã vật xuống vùng nuớc mặn lấp xấp mê điếng, sóng vỗ xung quanh, vang dội giọng nhân ngư rền rĩ theo tiếng nàng rên rỉ chập chùng. Nàng cấu lấy lưng tôi lầm thầm đứt quãng chết em, Kiệt... anh Kiệt thôi anh, Kiệt!... Đừng anh! Kiệt, anh Kiệt!... Hường cắn lấy vai tôi kêu ú ớ... Chỉ một lần em gọi tên anh, một lần môi say rượu đêm rằm, anh nằm trong khối sầu tưởng nhớ, phố cũ hè xưa đâu dấu chân?...

Hường run lẩy bẩy như chiếc lá non trong cơn gió lớn. Môi nàng hút chặt môi tôi, lưỡi tìm quấn quít, người nàng soải trên thân tôi , lưng tôi dựa trên cánh cửa gỗ. Tôi vuốt ve tóc và lưng nàng. Nàng thở hắt ra như trút hết đi muộn phiền và lầm thầm những gì nghe không rõ. Chờ cho cơn run của nàng qua dứt, tôi kéo áo Hường xuống và đỡ nàng đứng dậy lao chao. Nàng cúi xuống nhặt mảnh vải nhỏ đang nổi dật dờ trên mặt nước mặn dưới chân, mảnh vải hoàng yến ngọt ngào.

Tôi dìu Hường bước ra khỏi lòng tàu, rồi choàng vai nàng đi lên bãi biển. Tôi lượm chiếc khăn lông lớn khoác lại trên lưng cho nàng đủ ấm, môi nàng tái xanh. Bước đi vài bước, tôi ôm Hường dừng lại ngước mắt ngó lên quán lá cheo leo trên đầu những bực thang đá đẽo gồ ghề.

Trên dốc cao đã thấy bóng Lộc bóng Thứ bóng Nguyên bóng Danh bóng Phấn bóng Nhựt lố nhố xuất hiện, người hùng đọ má giai nhân, hảo hớn choàng vai gái đĩ lao xao đi xuống, ngả ngớn nói cười như trong một tấn kịch câm. Bên tai tôi chỉ còn có sóng biển mời gọi rì rào và hơi nắng nồng nàn thở trên da thịt.

Tôi cúi xuống lướt nhẹ lưỡi mình trên đôi môi xinh xắn của Hường, còn nghe dư vị tê điếng của sò hến mặn mòi, hâm hấp sinh động như bông hoa thầm kín. Tôi dìu nàng đi vòng sau một tảng đá đen lớn sù sì che khuất tầm nhìn từ cao ngó xuống, lần theo dốc thoai thoải đi lên. Hường nép bên vai, ngước mắt rưng rưng nhìn tôi âu yếm. Tôi và nàng lửng thửng theo lối mòn mấp mô cát nóng, băng qua những vùng cỏ lau xanh dại, bụi hoang um tùm tóc rối, thong thả đi về khách sạn, giầy, guốc, chiếc áo dài màu huyết dụ, chiếc tàu sắt nôi tình đồ sộ và tiếng nhân ngư rền rĩ chập chùng còn bỏ quên lại trên bãi biển sau lưng.

Còn một đêm em thở hơi anh, ngày mai xa cách buồn riêng mình. Anh về xin đốt bao hoài niệm, thời đó qua rồi thời ái ân... Phải rồi Hường ơi! Một thời ái ân trong trắng nào đó đã qua rồi. Nhưng một thời ái ân mê cuồng khác giờ đang ùn ùn kéo tới. Hường ơi! Anh sẽ yêu em dù chỉ trong khoảng khắc một giờ, một phút, một giây, hay cho dù chúng ta chỉ còn có một buổi sáng hôm nay để cùng nhau ân ái.

Anh sẽ yêu em nhục thể ngây thơ như cặp tình nhân đầu tiên bị đuổi ra khỏi thiên đường, bởi lẽ thiên đường cấm đoán say hương, cấm mê sắc dục. Và Hường ơi! Anh cũng sẽ yêu em dâm luyến muộn màng như cặp tình nhân cuối cùng trên dương thế này. Tàn đêm nay, như hai tinh tú sinh đôi vào chớm xuân xưa ngân hà chuyển bụng, anh và em sẽ hân hoan sa xuống theo tốc độ ánh sáng, vạch lên nền trời trong vắt dấu chân tuyệt mạng của hai vì sao rụng. Và bên biên giới cùng tận của ngân hà, anh và em sẽ nổ tung hớn hở, tan rã hình hài thành một vùng bụi sao ngây ngất, chấm dứt một “Thời Ái Ân” mê đắm bàng hoàng...

Rồi mãi về sau, mãi mãi về sau này, khi Mùa Xuân Của Vũ Trụ một lanà nữa lại quay về, trong vùng bụi sao ngất ngây đó sẽ vụt bừng song sinh hai vì tinh tú trinh nguyên hực hỡ khác.

Và tất cả sẽ bắt đầu trở lại.;

Và một Thời Ái Ân hừng hực mới mẻ khác, một lần nữa, lại bắt đầu...

 

 

-------------------------------------------------------------------
Tác phẩm mới nhất của Kiệt Tấn vừa xuất bản là tập truyện
EM ĐIÊN XOÃ TÓC (nxb Văn hóa Sài gòn, 2009).
 

 

 

Đã đăng:

Người em xóm học  (truyện / tuỳ bút) 
... Tôi nằm phủ lên người Diane, gối tì giữa hai đùi tươi chắc, hai tay luồn dưới nách vòng lên kìm giữ đôi vai thon nhỏ, môi áp lên gáy nàng, động tác tự nhiên của con thú đực cắn giữa da cổ thú cái khi làm tình. Nàng ưỡn đồi lên, bông hoa dưới lũng kín đón nhận trận mưa tình. “Thôi anh... chết em... đừng... đừng...” lời xô đẩy trở thành tiếng réo gọi mời mọc cuốn hút không thể kham hãm dừng lại gọi về. “Nữa... nữa đi... chết em...” đắm đuối mê ngất... (...)
 
chiếc áo đen ngủ trên lưng ghế / chiếc quần jeans ngủ dưới chân / chiếc xú chiên ngủ trên mặt gối / đôi giầy gót cao ngủ trên sàn nhà... | ngủ yên bằng mắt trong phổi / thở nắng bằng phổi trong tim / yêu đương bằng tim trong bàn tay / ái ân bằng bàn tay trong ngực... | khi uống nước là cá / khi ăn quả là chim / khi nằm xuống là cây...
 
Em về  (thơ) 
... chiều phẳng chiều phẳng lặng / ngày xanh ngày xanh xao / chuông chùa chuông chùa vẳng / mưa rạt mưa rạt rào // trúc thưa trúc thưa vắng / gió thổi gió thổi ào / đường không đường không nắng / em về em về mau...
 
LỤC BÁT ĐIÊN  (thơ) 
Lục Bát Điên là một nỗ lực nhằm đưa lục bát trở về với đời thường, nơi nó xuất phát. Đồng thời, cũng là một nỗ lực khai phóng. Lâu nay, ngoài Bùi Giáng và một ít bài lục bát hiếm hoi của những người làm thơ khác, lục bát đang rơi vào ngõ cụt, dẫm chưn tại chỗ với những đề tài cũ, những rung động cũ, những hình ảnh cũ, những ngôn từ cũ. Thơ đọc nghe được được, mà không có hồn. Đọc xong đó, quên liền đó. Nói tóm, nước đọng ao tù...
 
Biết bao giờ  (thơ) 
Khi hơi thở vàng về đậu lên màu đỏ / màu đỏ về đậu lên cây diệp / cây diệp về đậu lên ký ức / khi đó dù đang đi trên đường ra bến tàu / dù trên đường đến công sở / dù trên đường ra pháp trường / dù đang đặt chân lên bực đầu tiên của cầu thang ngoại tình / dù đang cử động trong bốn bề thời gian đặc cứng / cũng sẽ dừng lại / một bước...
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021