thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tuyết

 

Bản dịch của Phạm Viêm Phương

 

Robert Owen Butler (sinh năm 1945) là nhà văn nổi tiếng với những tác phẩm dựa trên kinh nghiệm của ông trong chiến tranh Việt Nam.
 
Butler học kịch nghệ và biên kịch ở Đại học Northwestern và Iowa. Gia nhập quân đội, ông học tiếng Việt trong một năm và sang Việt Nam làm chuyên viên ngôn ngữ năm 1971. Sau chiến tranh, ông về New York làm báo và viết tiểu thuyết: The Alleys of Eden (1981; “Những ngõ hẻm Eden”), cuốn đầu trong một bộ ba tiểu thuyết về Việt Nam, kể chuyện một lính Mỹ đào ngũ và yêu một cô gái giang hồ người Việt, và On Distant Ground (1985; “Trên miền đất xa xôi”) nói về một lính Mỹ trở lại Việt Nam tìm vợ và con trai. Tập truyện A Good Scent from a Strange Mountain (1992; “Một hương thơm đến từ núi lạ”; giải Pulitzer 1993) lấy bối cảnh là cộng đồng người Việt tại Louisiana, nơi ông về sinh sống từ 1985 và dạy viết văn tại Đại học McNeese State. Tiểu thuyết They Whisper (1994; “Họ thì thầm”) của ông nói về vợ chồng một cựu binh Mỹ từ Việt Nam.
 
Truyện ngắn dưới đây được rút từ tập truyện nói trên, kể lại một chuyện tình nhẹ nhàng của hai lưu dân trên đất Mỹ, và viết bằng giọng hơi ngô nghê của một người nước ngoài chưa quen diễn đạt ý nghĩ bằng tiếng Anh, một điều mà có lẽ bản dịch này chưa chuyển tải được.
 

________________

 

TUYẾT

 

Tôi tự hỏi ông ta đã nhìn tôi ngủ bao lâu rồi. Tôi vẫn băn khoăn chuyện đó. Ông ấy ngồi và không đánh thức tôi dậy để hỏi về khẩu phần đặt mua mang về nhà của ông. Ông có thấy mắt tôi động đậy khi tôi mơ không? Sau cùng khi tôi nhận ra ông ta đang ở đó và quay lại nhìn, thì tôi không nhìn rõ ngay cả khuôn mặt của ông. Đầu ông hơi quay sang một bên. Bộ râu của ông được tỉa gọn ghẽ, nhưng quai hàm dưới bộ râu thì dài và có đường nét như một cánh buồm tam bản và nó thu hút ánh mắt tôi theo kiểu một cánh buồn vẫn làm được khi tôi thấy nó trên mặt biển. Rồi tôi ngước lên và nhìn sống mũi ông ấy. Tôi là người Việt, bạn biết đấy, và chúng tôi có một nhận thức khác về những tỉ lệ này. Mũi chúng tôi thì nhỏ còn mũi ông ta dài và khoằm nữa, một chút thôi, gợi nhớ tới quai hàm, tôi lại nhìn vào đó. Râu ông ta màu xám xậm, tựa như vừa bò ra khỏi một lò than. Tôi so sánh như thế với các thứ ở đất nước và làng quê tôi, nhưng việc ấy chỉ để tả rõ khuôn mặt ông ta ra sao thôi. Chẳng phải là ông làm tôi nhớ quê hương. Đó là điều xa xôi nhất trong tâm tưởng khi tôi thấy ông Cohen lần đầu. Và chắc tôi đã nhìn ông ta chòng chọc trong những phút đầu tiên ấy với cái nhìn kỳ lạ vì khi ông quay mặt trực diện với tôi và sau cùng tôi có thể nhìn thẳng vào mắt ông thì đôi lông mày của ông hơi nhướng lên như đang hỏi, Cái gì vậy? Có chuyện gì sao?

Tôi vẫn ngồi ở cái bàn này bên khung cửa sổ lớn phía trước nhà hàng. Plantation Hunan (Đồn điền Hunan) trông không ra nhà hàng chút nào. Chẳng ai đặt tên như thế cho nó trừ khi nó thực sự là một ngôi nhà đồn điền xưa. Nó rất lớn và đầy đồ cổ. Bây giờ nó thật yên lặng. Chưa đến năm giờ, và tôi còn nghe được tiếng cái đồng hồ lớn – tôi chưa từng nhìn thấy cái nào như thế từ khi tới đây. Chẳng ai ở Việt Nam có cái đồng hồ cao bằng thân người như thế. Ở Việt Nam thời gian không quan trọng như thế. Nhưng đồng hồ ở đây thì rất cao và người ta gọi nó là Ông nội, chuyện đó tôi thích đấy, và lúc này Ông nội đang tích tắc chậm rãi, và nó muốn tôi ngủ lại. Nhưng tôi sẽ không chịu đâu.

Ngôi nhà đồn điền chắc có cảm giác như một dân tị nạn. Nó đầy mùi nước ngoài, gừng và tiêu và những mảnh bột chiên sẵn để làm hoành thánh, phía bên kia có một motel còn bên này là cây xăng, không giống cuộc sống trước đây trong nhà này, tuy có mấy cây sồi rất to bao quanh, mấy cây này hẳn đã có từ hồi chỗ này còn là một đồn điền. Ngôi nhà nằm trên một con đường náo nhiệt và gia đình chủ nhà người Hoa đã đổi nó từ Plantation Seafood thành một nơi có thể mướn một cô gái Việt Nam như tôi vào làm hầu bàn. Gia đình này rất tử tế, tuy chúng tôi biết hai bên là khác biệt. Họ người Hoa còn tôi người Việt và họ rất tử tế, nhưng cả hai bên đều sống ở Louisiana này và họ thường đi đâu đó với những người Hoa khác trong khu lân cận – có bốn nhà hàng và hai tiệm giặt ủi và một số người, tôi độ chừng thế, làm kỹ sư ở nhà máy lọc dầu. Họ đi lại với nhau và coi bộ họ chẳng buồn để ý xem mình đang ở đâu.

Hôm đó tôi đang ngủ gục thì ông ta tới. Lúc đó là cuối buổi chiều của ngày trước lễ Giáng sinh. Hầu như đã là áp lễ Giáng sinh. Tôi không phải dân Công giáo. Mẹ tôi với tôi đều theo đạo Phật. Tôi sống với mẹ và bà rất buồn vì tôi đã ba mươi tư mà chưa có gia đình. Có nhiều người Việt ở Lake Charles, bang Louisiana này, nhưng chúng tôi không thành một cộng đồng. Có lẽ chúng tôi ai cũng quá buồn, hay quá mệt mỏi. Nhưng có lẽ không phải thế. Có thể chỉ có tôi nghĩ thế thôi. Có thể những người khác đã thành dân Mỹ thực rồi. Mẹ tôi có hai bà bạn người Việt, cũng già như bà, và hai bà ấy nhìn tôi cũng với cái vẻ buồn bã ấy trên mặt vì họ thấy cuộc đời tôi ra sao. Họ biết tôi đã từng đính hôn, nhưng anh chồng chưa cưới ở thị trấn của tôi bên Việt Nam đã đi lính biệt tăm nhưng hiện còn sống ở Việt Nam, lần cuối cùng tôi nghe được tin thì anh ta đang chạy taxi ở Thành phố Hồ Chí Minh và đã cưới bà khác. Tôi chưa bao giờ thực sự biết anh ta, và tôi chẳng cảm thấy mất mát gì cả. Chẳng qua anh ta là chàng thanh niên duy nhất mà mẹ tôi nói tới khi bà thấy lo sợ cho đời tôi.

Đôi khi tôi cũng thấy sợ như vậy, nhưng không phải vì chuyện không có chồng. Chiều áp lễ Giáng sinh đó tôi chậm rãi thức dậy. Những bàn bày phía trước là để uống cốc-tai và chờ nhận đồ mua về nhà, nên những cái ghế ở đó thì lớn và nhồi nệm để chúng ngồi rất êm. Đầu tôi dựa thoải mái vào một bên lưng tựa cao nghệu của nó và tôi mở mắt mà không động đậy gì cả. Cả cơ thể tôi vẫn còn ngủ, nhưng mắt tôi đã mở và bầu trời vẫn còn xanh, tuy những đám mây đang chuyển sang màu hồng. Nó có vẻ một bầu trời ấm áp. Mà thật vậy. Tôi cảm thấy mồ hôi ở cổ họng và tôi để ánh mắt di chuyển một tí và cây sồi trước nhà hàng đang đong đưa – mọi cành lá của nó rung rung và bạn có thể nghĩ rung như thế thì chắc trời lạnh, nhưng đó là một cơn gió ấm, tôi biết rõ thế. Không khí ngột ngạt và ẩm ướt, và xuyên qua mùi gừng và tiêu là mùi nấm mốc ngai ngái.

Có lẽ là do giấc mơ nhưng tôi vẫn nhớ ngày áp lễ Giáng sinh đầu tiên của tôi trên đất Mỹ. Tôi cũng ngủ gục và thức dậy như thế này, trong một quán ăn người Hoa. Tôi làm việc ở đó. Nhưng nơi đó xa lắm, tận St. Louis. Và tôi tỉnh dậy thấy tuyết. Lần đầu tiên nhìn thấy tuyết rơi. Nó làm tôi sợ hãi. Nhiều người Việt mê được nhìn thấy tuyết lần đầu, nhưng nó lại làm tôi kinh hoàng sâu xa đến độ không giải thích được, ngay việc nhớ lại giây phút đó – nhất là khi ngủ gục rồi thức dậy ở trước một nhà hàng – cũng làm tôi kinh hoàng. Nên tôi quay ngoắt khỏi khung cửa sổ của Plantation Hunan và đó là lúc tôi thấy ông Cohen.

Như đã kể, tôi nhìn những bộ phận trên khuôn mặt ông, và có lẽ đó là cách cho tôi lẩn trốn tuyết, có lẽ vẻ lạ lùng mà ông ta thấy trên gương mặt tôi có gì liên quan đến tuyết. Nhưng khi chân mày ông ta nhướng lên và tôi chẳng nói gì để giải thích điều đang xảy ra trong tôi, nên tôi thấy ông ta hoang mang không biết phải làm sao. Tôi có thể cảm thấy ông ta đang nghĩ: Mình nên hỏi cô ta đang gặp chuyện gì hay chỉ nên hỏi phần ăn mua về nhà của mình đâu? Tôi không phải loại đặc biệt nhút nhát, nhưng tôi mong ông ta sẽ quyết định chỉ hỏi về phần ăn mua về nhà thôi. Tôi khẽ giật mình tỉnh táo lại và đứng dậy đối mặt ông ta – ông đang ngồi trên một cái ghế nhồi nệm ở bàn bên cạnh. “Xin lỗi,” tôi nói, cố lôi cả hai ra khỏi cơn mơ của tôi. “Ông có đặt hàng không?”

Ông ta ngập ngừng, đôi mắt chăm chăm nhìn tôi. Đôi mắt rất đậm màu, sẫm đen như mắt người Việt, nhưng ngẩng nhìn tôi như thế, khuôn mặt ông hình như quá lớn khiến tôi khó mà nhìn trọn được. Rồi ông ta đáp, “Có. Đặt cho Cohen.” Giọng ông ta trầm, như một tài tử điện ảnh đóng vai ông nội, kiểu giọng nói mà nếu ông ta hỏi nãy giờ tôi đang mơ thấy gì, thì tôi sẽ kể lại ngay.

Nhưng ông chẳng hỏi gì thêm. Tôi đi vào bếp và phần ăn đó chưa làm xong. Tôi muốn cằn nhằn với bọn nhà bếp. Trong nhà hàng chẳng có khách nào khác, mà mọi người trong bếp có vẻ chỉ đứng chơi thôi. Nhưng tôi không gây rắc rối cho ai cả. Nên tôi chỉ trở ra chỗ ông Cohen. Ông đứng dậy khi thấy tôi, tuy chắc chắn ông cũng thấy tôi chẳng mang theo phần ăn nào ra cả.

“Chưa xong,” tôi nói. “Xin lỗi ông.”

“Được mà,” ông nói và mỉm cười với tôi, bộ râu nhuốm bạc của ông dãn ra và lộ những cái răng rất trắng.

“Tôi định cự họ,” tôi nói. “Đâu có để ông chờ lâu như thế vào ngày áp lễ Giáng sinh được.”

“Được mà,” ông nói. “Đây đâu phải ngày lễ của tôi.”

Tôi ngoẹo đầu, không hiểu. Ông cũng ngoẹo đầu theo tôi, làm như ông muốn nhìn thẳng vào mắt tôi vậy. Rồi ông nói, “Tôi dân Do Thái.”

Tôi thẳng đầu lên, và cảm thấy vui vui khi biết việc ông thẳng đầu lên theo là do tôi. Tôi vẫn không hiểu, chính xác là vậy, và ông rõ ràng thấy được điều đó trên mặt tôi. “Dân Do Thái không mừng lễ Giáng sinh.”

“Tôi tưởng người Mỹ nào cũng mừng lễ Giáng sinh chứ.” tôi nói.

“Không phải tất cả. Không hẳn thế.” Ông khẽ nhún vai và đôi lông mày của ông cũng nhướng theo khi ông lại nghiêng đầu sang một bên, chỉ trong tích tắc. Cử chỉ đó như muốn nói, Biết làm sao bây giờ, thế gian này nó như vậy và tôi biết thế và nó khiến tôi hơi phát mệt. Ông nói, “Chúng tôi đều ở nhà, nhưng chúng tôi không mừng lễ.”

Ông chẳng nói gì thêm, nhưng ông nhìn tôi và tôi ngạc nhiên thấy rằng mình chẳng còn lời lẽ nào ở đầu môi cũng như trong óc. Tôi cảm thấy hơi kỳ lạ khi thấy người Mỹ này lại không mừng lễ. Ở Việt Nam chúng tôi chẳng bỏ qua dịp lễ nào và chuyện chúng tôi là Phật giáo hay Cao Đài hay Công giáo thì cũng chẳng hề gì. Tôi nghĩ đến cảnh tối nay ông Cohen ngồi một mình trong phòng trong khi mọi người Mỹ khác đều ăn mừng ngày áp lễ Giáng sinh. Nhưng tôi chẳng biết nói gì và ông ta cũng vậy, ông cứ nhìn tôi và tôi nhìn xuống đôi tay mình đang tần mần cuốn sổ ghi món khách gọi và tôi cũng chẳng nhớ mình móc cuốn sổ ra hồi nào nữa. Nên tôi nói, “Để tôi xem phần của ông xong chưa,” và tôi quay người đi vào bếp rồi chờ ở đó cho đến khi họ làm xong, tuy nhiên tôi vẫn đứng chệch khỏi khung cửa để tránh nghe lời trò chuyện của tay bếp trưởng với ông trưởng nhóm phục vụ và bà mẹ ông chủ.

Cầm cái túi giấy đi ra đàng trước, tôi không kềm được chuyện ghé mắt nhìn vào đó để xem có bao nhiêu thức ăn. Đủ cho hai người. Nên tôi không nhìn vào mắt ông Cohen khi đưa phần ăn cho ông rồi nhận tiền của ông và bấm máy ghi sổ số tiền đó. Khi tôi đếm tiền thối lại vào tay ông – bàn tay ông cũng rất lớn – thì ông hỏi, “Cô đâu phải người Hoa, đúng không?”

Tôi đáp, “Không, tôi người Việt,” nhưng tôi không ngẩng nhìn ông và ông đi ra.

Hai hôm sau, ông Cohen lại tới thậm chí còn sớm hơn. Khoảng bốn rưỡi. Cái đồng hồ Ông nội vừa điểm ba mươi phút cứ như một người phát cuồng lên về vấn đề gì đó và cứ có dịp lại nói về điều đó. Tôi vẫn ngồi ở cái ghế đàng trước như mọi khi và ý nghĩ đầu tiên của tôi khi nhìn thấy ông Cohen bước qua cửa là rất có thể ông nghĩ tôi là đưa con gái lười biếng. Tôi định đứng dậy, nhưng ông ta thấy tôi và giơ một bàn tay lên ra hiệu tôi cứ ngồi đó, chỉ là một cú vỗ nặng nề vào không khí, cứ như ông đặt bàn tay to bè đó lên vai một cậu bé vô hình trước mặt ông. Ông nói, “Tôi lại đến sớm rồi.”

“Tôi không phải đứa lười biếng,” tôi nói.

“Tôi biết mà,” ông nói và ngồi xuống ghế đối diện tôi.

“Sao ông biết tôi không lười biếng?” Câu hỏi thốt nhiên bật ra. Nhiều khi tôi có thể bạo miệng. Mẹ tôi nói đó là một lý do khiến tôi không có chồng được, đó là lý do khiến bà lúc nào cũng nói về anh chàng mà tôi sắp cưới ở Việt Nam, bởi vì anh chàng ấy yếu ớt và rụt rè, mẫu người sẽ chấp nhận bất cứ điều gì cô vợ nói và không phản đối. Còn tôi thì nghĩ đó là lý do tại sao anh anh chạy taxi ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng ngay khi câu bạo miệng này bật ra với ông Cohen, tôi nhận ra mình hoảng sợ. Tôi không muốn ông Cohen ghét tôi.

Nhưng ông ta mỉm cười. Tôi có thể thấy những chiếc răng trắng trong nụ cười ấy. Ông bảo, “Cô nói đúng. Tôi chẳng có bằng chứng nào cả.”

“Khi ông tới lúc nào tôi cũng ngồi đây,” tôi nói, cứ như đang tự hỏi mình, Sao mình cứ quanh quẩn với chuyện này?

Tôi nhìn thấy thêm mấy cái răng nữa trong nụ cười của ông, rồi ông nói, “Và lần trước cô còn ngủ gật nữa.”

Tôi nghĩ chắc mình trông choáng váng lắm trước nhận xét này, vì nụ cười của ông biến đi ngay. Ông đâu cần phải biến tôi thành con ngố trước mặt ông. “Vậy cũng đâu có sao,” ông nói. “Vào giấc này công việc gì cũng lờ đờ cả. Chính tôi muốn giữ cho tỉnh ngủ cũng khó nữa kìa. Kể cả tại tòa án.”

Tôi nhìn ông kỹ hơn, ngoài khuôn mặt. Ông trông rất khá giả. Ông mặc một bộ đồ lớn cũng hoa râm như bộ râu và có những sọc xanh rất mảnh, hầu như không thấy được, chạy trên nền xám ấy. “Ông là quan tòa hả?”

“Luật sư.” ông đáp.

“Vậy ông sẽ biện hộ cho tôi khi bị chủ đuổi việc vì ngủ gục chứ?”

Câu này làm ông Cohen bật cười, nhưng khi ông ngưng lại, khuôn mặt ông rất nghiêm trang. Có vẻ như ông chồm về phía tôi, tuy tôi biết chắc ông không hề xê dịch. “Lần trước chắc cô gặp ác mộng,” ông nói.

Làm sao tôi biết trước ông ta rút cục sẽ hỏi về giấc mơ của tôi? Tôi đã biết thế ngay từ lần đầu nghe giọng nói của ông. “Phải,” tôi đáp. “Tôi mơ thấy ngày áp lễ Giáng sinh đầu tiên của tôi trên đất Mỹ. Tôi ngủ gục bên ô cửa sổ của một nhà hàng ở St. Louis, bang Missouri. Khi thức dậy, tuyết đã rơi đầy mặt đất. Đó là lần đầu tôi thấy tuyết. Lúc tôi thiếp ngủ thì buổi chiều chỉ hơi xám thôi, có chút mưa, như mưa bụi. Tôi không hề biết trời đất thay đổi nhanh như vậy. Tôi chợt tỉnh và mọi thứ đều bị chìm ngập và tôi kinh hoàng.”

Tôi đột nhiên nghe mình như một con khùng. Ông Cohen sẽ nghĩ tôi vừa lười vừa khùng. Tôi ngưng bặt và nhìn ra cửa sổ. Một người tập thể dục chạy qua trên phố, mặc quần soọc áo thun và người ông ta lấp lóa mồ hôi. Tôi cũng cảm thấy những giọt mồ hôi trên trán mình như những côn trùng nhỏ xíu nằm phục ở đó và tôi cứ nhìn ra ngoài, thầm mong ông Cohen ra về.

“Sao nó làm cô sợ vậy?” ông hỏi.

“Tôi không biết,” tôi nói, tuy thực ra không phải vậy. Thỉnh thoảng tôi vẫn nghĩ về chuyện đó, và tuy tôi chưa bao giờ nói ra nhưng tôi cũng mường tượng ra những lý do.

Ông Cohen bảo, “Hồi còn nhỏ tuyết cũng làm tôi sợ. Tôi nhìn thấy tuyết cả đời mình mà nó vẫn làm tôi sợ như thường.”

Tôi quay lại ông và bây giờ thì ông lại nhìn ra cửa sổ.

“Sao nó làm ông sợ?” tôi hỏi, không mong có câu trả lời.

Nhưng ông rời mắt khỏi cửa sổ và nhìn tôi rồi nhẹ mỉm cười, cứ như muốn nói rằng vì ông đã hỏi tôi câu đó nên tôi cũng có thể hỏi ngược lại ông. Ông đáp, “Chuyện cũng hơi dài. Cô có muốn nghe không?”

“Muốn,” tôi đáp. Dĩ nhiên là tôi muốn nghe.

“Chuyện ở xa đây lắm,” ông nói. “Quê nhà thứ nhất và thứ nhì của tôi. Ba Lan rồi tới Anh. Cha tôi là giáo sư ở Warsaw. Lúc đó là đầu năm 1939. Tôi mới tám tuổi và cha tôi biết tình hình sắp tồi tệ đi. Mọi đồn đại về cái hành lang ra biển chỉ là bước đầu.[1] Cha tôi có nhiều tai mắt. Ông ấy biết. Nên ông gửi tôi với mẹ tôi sang Anh. Bên đó ông có nhiều bạn tốt. Tôi lên đường tháng Hai năm đó và tuyết phủ mọi nơi và tôi đã có linh tính, tuy mới tám tuổi. Tôi khóc ầm ỹ trong sân của khu chúng cư. Tôi lăn xuống tuyết và không chịu đi. Tôi khóc cứ như cha tôi buộc mẹ con tôi xa ông vĩnh viễn. Cha mẹ tôi bảo chỉ lánh tạm vài tháng thôi, nhưng tôi không tin. Và tôi đã nghĩ đúng. Họ phải bế xốc tôi lên và đưa vào taxi. Nhưng tuyết bám trên quần áo tôi và khi xe chạy tôi chồm lên kiếng sau để nhìn lại cha tôi, tuyết tan chảy trên da và tôi bắt đầu run. Tôi run vì sợ cũng như vì lạnh. Tuyết cho tôi biết cha tôi sẽ chết. Và quả như vậy thật. Ông đứng bên đường vẫy tay với tôi và hình ảnh ông nhỏ dần rồi xe quẹo ở góc đường và đó là lần sau cùng tôi nhìn thấy ông ấy.”

Có lẽ là tôi ngốc nghếch, nhưng tôi không ưu tư nhiều chuyện ông Cohen mất cha. Tôi cũng mất cha vậy, và tôi biết đó là điều mà đứa nhỏ nào cũng trải qua. Ở Việt Nam chúng tôi tin rằng tổ tiên ông bà luôn ở cạnh mình, và tôi cũng có thể nói như vậy về ông Cohen, rằng cha ông luôn ở bên ông. Nhưng điều tôi nghĩ tới là chuyện ông Cohen đến một nơi khác, một xứ sở khác, và sống với mẹ ông. Tôi cũng sống với mẹ tôi như vậy. Đến giờ vẫn thế.

Ông bảo, “Vậy nên tôi sợ tuyết lắm. Mỗi lần ở Anh tuyết rơi tôi biết ngay rằng cha tôi đã chết. Phải mấy năm sau qua người khác chúng tôi mới biết tin, nhưng tôi đã biết trước mỗi khi tuyết rơi.”

“Ông sống với mẹ hả?” tôi hỏi.

“Phải. Ở Anh cho đến sau chiến tranh, rồi chúng tôi sang Mỹ. Những người khác từ Ba Lan và Hungary và Nga đi cùng chúng tôi đều đến New York City và ở lại đó. Mẹ tôi yêu những chuyến xe lửa và bà có đọc một cuốn sách về New Orleans, nên chúng tôi đi tiếp trên xe lửa và về miền nam. Tôi mừng vì được ở một nơi hầu như chẳng bao giờ có tuyết.”

Tôi thầm nghĩ hóa ra ông cũng là người nước ngoài. Thực sự chẳng phải người Mỹ. Nhưng câu chuyện về tuyết tạo một cơn ớn lạnh quanh quẩn trong những ý nghĩ của tôi. Có lẽ tôi cũng muốn nói về điều đó. Ông Cohen đã nói rất nhiều với tôi về tuổi thơ của ông và tôi không muốn ông nghĩ rằng tôi là đứa nhận đủ thứ mà không cho lại món gì đó. Ông lại nhìn ra cửa sổ, và môi ông mím lại khiến cái miệng chìm hẳn vào bộ râu. Trông ông có vẻ buồn bã. Nên tôi nói, “Ông biết tại sao tuyết ở St. Louis làm tôi sợ không?”

Ông quay lại ngay với một tiếng ‘hừm’ và nếp nhăn trên trán chỗ giữa hai mắt và rồi một giọng mạnh mẽ thốt ra, “Kể tôi nghe đi,” và làm như ông đang thầm tự trách mình vì đã không quan tâm đến tôi. Tôi chẳng phải đứa làm phách lúc nào cũng nghĩ đàn ông chú ý đến tôi tới nỗi họ phải tự trách mình vì đã lãng quên tôi dù chỉ trong chốc lát. Nhưng thực sự hành động của ông tạo cảm giác như thế và nó khiến tôi ngạc nhiên. Nếu tôi là đứa làm phách thì đã không ngạc nhiên như vậy. Ông lại nói: “Kể tôi nghe tại sao nó làm cô sợ đi.”

Tôi nói, “Tôi nghĩ đó là vì tuyết rơi quá êm và mọi thứ đều bị nó chôn vùi, cứ như cái lớp trắng toát ấy là mặt đất thật và mọi thứ đều đã chết – tất cả cây cỏ đường phố nhà cửa – mọi thứ đều đã chết và bị chôn vùi. Tất cả đều mất hút. Tôi biết có tuyết trên đầu mình, trên mái nhà, và tôi cũng chết luôn.”

“Ở nước cô thì khác hẳn,” ông Cohen bảo.

Tôi thấy hài lòng vì ông đã nghĩ y như tôi từng nghĩ. Bạn có thể thấy ngay ông ta muốn có một cách thức dễ dàng nào đó để làm tôi được thoải mái hơn, khiến giấc mộng trôi đi. Nhưng tôi nói với ông, “Tôi cũng nghĩ vậy. Phải chi tôi tới được một nơi khí hậu ấm, giống quê nhà hơn. Thế là tôi tới New Orleans với mẹ tôi, giống như ông vậy, rồi chúng tôi đến Lake Charles. Và nó có gì giống Việt Nam. Các đồng lúa và nhiệt độ và cái kiểu những cơn bão tới. Nhưng cũng không thành vấn đề. Ở đây không hề có tuyết để tôi phải sợ, nhưng tôi vẫn ngồi một mình ở ghế này giữa buổi chiều và tôi ngủ và lắng nghe Ông nội tích tắc đàng kia.”

Tôi ngừng lời và cảm thấy mình chỉ nói toàn chuyện ngớ ngẩn, nên tôi tiếp, “Để tôi coi phần ăn của ông xong chưa.”

Ông Cohen đưa tay qua mặt bàn. “Tôi biết tên cô được không?”

“Tôi tên Giàu,” tôi nói.

“Giau?” ông hỏi lại, và khi phát âm, ông đã nói thành chữ khác, vì tiếng Việt thay đổi nghĩa tùy giọng mình lên hay xuống.

Tôi bật cười. “Tên tôi là Giàu, xuống giọng một chút. Trong tiếng Việt nó có nghĩa là ‘nhiều tiền bạc’. Khi ông nói chữ này trong câu hỏi, ông nói thành chữ khác rồi. Ông kêu tôi là Giảu, nghĩa là chu miệng ra.”

Ông Cohen cười và có gì đó trong tiếng cười khiến tôi hơi run rẩy, như một điều thú vị nho nhỏ, có lẽ giống như bước vào một vòi sen khi người mình đầy bụi đất và cảm thấy làn nước bóc trần mình ra. Nhưng quanh quẩn trong đầu tôi vẫn là phần ăn của ông ấy và có một cảm giác buồn buồn ở đây, một điều gì tôi không nghĩ tới, nhưng nó khiến tôi đi với những bước nặng chịch về phía nhà bếp. Tôi lấy túi thức ăn và có cảm giác khác khi tôi mang nó trở ra đàng trước nhà hàng. Tôi tới sau quầy và đặt nó xuống và tôi ước gì mình đã làm chuyện này trước đó vài phút, nhưng cho dù ông đang nhìn tôi, tôi vẫn ghé mắt vào trong cái túi. Chỉ có một món chính và một suất súp.

Rồi ông Cohen nói, “Trên mặt cô thế này là giau đó phải không?” Và ông phát âm chữ đó rất chính xác, với giọng uốn lại khiến nó thành chữ “giảu.”

Tôi ngước nhìn ông và muốn cười vì ông đã phát âm chữ đó hay quá, nhưng việc tôi muốn làm thế lại khiến tôi giảu môi hơn. Tôi bảo, “Tôi chợt nghĩ chắc vợ ông bệnh. Tối nay bà ấy không ăn được.”

Có thể ông bật cười về chuyện này. Nhưng ông không cười. Ông đưa tay rờ hàm râu một lát, vuốt nó xuống. Ông bảo, “Phần ăn thứ nhì ngày áp lễ Giáng sinh là cho thằng con tôi mới ghé qua đây. Vợ tôi mất mấy năm rồi và tôi không tái giá.”

Tôi không phải loại con gái có trái tim bằng đá vì tôi biết mọi đứa nhỏ phải vượt qua nỗi đau mất cha và vì tôi cũng biết rằng người đàn ông phải vượt qua nỗi đau mất vợ. Tôi là đứa con gái tử tế, nhưng tôi không cảm thấy buồn cho ông Cohen. Tôi thấy rất sung sướng. Vì ông đặt tay lên bàn tay tôi và ông hỏi liệu ông có thể ghé thăm tôi không. Tôi nói được, và hóa ra, tết dương lịch hình như cũng là một ngày lễ của người Do Thái. Tết của người Việt thì vào một ngày khác, nhưng dân Việt Nam quen ăn mừng bất kỳ dịp lễ nào có được. Nên tối nay ông Cohen với tôi sẽ tới một nhà hàng nào đó không phải của người Hoa, và bây giờ tôi chỉ cần ngồi đây và chú ý lắng nghe Ông nội khi nó nói với tôi về thời gian.

 

_________________________

[1]Cohen muốn nói tới hành lang Danzig, một con đường nằm trên lãnh thổ do Đức kiểm soát được Hội Quốc Liên mở ra biển cho Ba Lan năm 1919, sau thế chiến 1. Năm 1939, Đức tuyên bố lấy lại hành lang này, khiến Thế chiến 2 bùng nổ.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021